(Thứ tư, 04/05/2022, 03:22 GMT+7)

Nhạy cảm và có phần phản biện quyết liệt, thêm tính hài hước, uy mua, Phùng Kim Trọng đã tạo cảm giác sắc ngọt và đau đớn trong mỗi truyện ngắn của ông. Xuất hiện cùng lứa với Sương Nguyệt Minh, song Phùng Kim Trọng đã có nhiều khoảng lặng để bạn đọc phải đón chờ. Tập hợp chùm truyện của ông trong văn mạch họ Phùng là rất cần thiết để bạn đọc hình dung đầy đặn hơn về những sáng tác của ông.

KỲ THI

Kính tặng thầy Hoàng Đinh Hùng
Trường Sĩ quan Lục quân 1

Trương là sĩ quan, hai mươi mốt năm trong quân ngũ Trương cũng lên được thiếu tá. Bạn bè ai cũng bảo rằng: Nếu có chí tiến thủ, cầu tiến bộ thì Trương đã lên trung tá, thậm chí thượng tá. Trương cũng biết thế; 21 năm trong quân ngũ thì có tới 14 năm làm giáo viên chiến thuật tại trường quân sự quân khu Tả Ngạn dạy từ động tác lăn, lê, bò, trườn, đâm lê, đánh xẻng cho đến chiến thuật cấp tiểu đội, trung đội, đại đội thậm chí khi thiếu giáo viên Trương còn giảng đến chiến thuật cấp tiểu đoàn. Chưa tính đến cái danh hiệu giáo viên dậy giỏi cấp toàn quân, thì cả trường cũng như trong toàn quân khu ai đã một lần được nghe Trương lên lớp đều thừa nhận rằng anh là một giáo viên giỏi, yêu nghề và có trách nhiệm trong công việc. ấy vậy mà, Trương luôn từ chối chứ đừng nói gì đến việc tìm kiếm cơ hội thăng tiến. Trong khi mọi người hăm hở lao lên phía trước thì Trương cứ bình chân như vại. Thái độ này của Trương khiến tổ chức phải đặt “vấn đề”. Bí thư chi bộ đã có lần thay mặt cho cấp uỷ, gặp Trương để lên “dây cót”. Tuy là bí thư nhưng tuổi đời, tuổi quân cũng như trình độ chuyên môn đều không bằng Trương nên cách lên “dây cót” cũng nhẹ nhàng như buổi nói chuyện. Bí thư bảo. “ Anh cần xem lại, cần có chí tiến thủ. Napoleon bảo rằng : Làm thằng lính mà không mơ tới lúc làm tướng là thằng lính hèn”. Trương cười. “ Tôi xin anh, nhà tôi không có mả làm tướng. Mà từ trước tới nay tôi vẫn nhận mình là thằng hèn kia mà”. Bí thư chi bộ lắc đầu. Không ai dám nghĩ Trương hèn. Xuất thân là một Tiểu đội Trưởng trinh sát gan lỳ trong chiến đấu, một mình đã dám chặn cả một trung đội địch cho đồng đội đưa thương binh về sau. Một người như thế ai dám bảo hèn? Tuy nhiên tổ chức cũng phải chào thua. Hơn nữa cái ghế lãnh đạo dù là tổ trưởng tổ ba người thì chỉ cần một người từ chối thì hai người người kia đã thấy mình thừa sức đảm nhiệm. Xưa đã thế, nay thế, sau này vẫn thế.

*

Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như vào năm 200… Trương không phải đi học. Bí thư chi bộ bảo. “Cấp uỷ đã cân nhắc anh cần phải đi học để lấy cái bằng cử nhân. Đây không những vì sự tiến bộ của bản thân anh mà là một nhiệm vụ do tổ chức phân công”. Trương bảo rằng. “Tổ chức đã phân công thì tôi đi. Học chẳng bao giờ thừa, chỉ có điều học xong trở về xin các anh đừng cất nhắc gì cả. Để tôi làm anh giáo viên thường thôi”. Bí thư chi bộ lắc đầu “ Chả có ai như anh”.

*

Đang làm thầy, giờ phải làm trò. Kể cũng ngại.

Cái ngại lớn nhất là phải thi. Quy trình...học, xưa nay đều thế.

Ngày đầu tiên khoác ba lô về trường tham dự kỳ thi tuyển đầu vào “Hoàn thiện cử nhân cấp phân đội”. Trương ngỡ ngàng khi thấy có khá nhiều sĩ quan thuộc đủ các quân khu, quân đoàn trong toàn quân cùng tham gia kỳ thi. Chả nói đâu xa chỉ riêng quân khu Tả Ngạn đã có tới 28 người. Người nào người ấy mặt mày hốc hác, da dẻ đen xạm vì nắng gió biên thùy và… lo lắng. Có tin đồn; năm nay chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 80 mà các đơn vị gửi về những 128. Nghĩa là sẽ phải loại mất 48 người. Trương cũng thấy lo lắng, tổ chức đã cử đi học mà thi không đỗ có mà... mặt mo. Ông Tiểu đoàn trưởng phụ trách việc tiếp nhận học viên về ôn thi không giải thích về tin đồn sẽ loại 48 người mà chỉ bảo.“ Các đồng chí đừng lo, tất nhiên có thi thì có trượt”. Câu nói lấp lửng trên càng làm cho mọi người thêm lo lắng. Ai cũng bảo rằng; từ ngày ra trường về đơn vị công tác bận tối mắt tối mũi có bao nhiêu kiến thức rơi vãi hết, giờ bắt thi có mà đánh đố. Biết là khó nhưng cũng cứ phải thi. Bởi ngày nay binh nghiệp đã được coi là một cái nghề. Học không những chỉ là một nhu cầu mà còn là điều kiện để tồn tại. Anh nào thử bỏ không thi mà về coi chừng …thất nghiệp. Và dân ta vốn có truyền thống đoàn kết- Điều này không phải chứng minh. 28 sĩ quan của quân khu Tả Ngạn tự nhiên tìm đến với nhau. Ai cũng thấy cần phải thành lập một đoàn để cùng nhau vượt qua kỳ thi “ Thà chết một đống còn hơn sống một mình”, các cụ nhà ta chả dậy thế còn gì. Cuộc họp của 28 thí sinh thuộc quân khu Tả Ngạn ngay từ đầu đã đạt được sự nhất trí là đề cử Trương làm Trưởng đoàn. Trương giãy nảy “ Tôi xin các anh, tôi không làm Trưởng đoàn được đâu. Tôi không có khả năng làm lãnh đạo”. Cuộc họp im lặng một lát rồi Quang bạn học trước đây của Trương lên tiếng. “ Khóa tôi trước đây chỉ có mình Trương là thủ khoa. Hơn nữa chúng ta ai cũng biết tiếng thầy giáo Trương, tôi đề nghị ai nhất trí cử thầy giáo trương làm Trưởng đoàn cho biểu quyết”. 27 cánh tay giơ cao, Trương rên rỉ. “Mày hại tao, hại anh em rồi. Quang ơi!”

Làm Trưởng đoàn có nghĩa là phải thay mặt anh em đi quan hệ. Trương bảo rằng; từ bé Trương chưa bao giờ đi cửa sau, chưa bao giờ xin xỏ ai cái gì bao giờ. Anh em động viên Trương. Chưa biết thì học, hơn nữa khó khăn đã có tập thể. Ban lãnh đạo đoàn thí sinh quân khu tả Ngạn ngoài Trương còn có Quang và Thư. Quang là tiểu đoàn Trưởng KTT của một huyện có tới 18km đường biên. Quang bảo rằng học xong khoá này Quang sẽ được cất nhắc lên tham mưu Phó huyện đội. Còn Thư, là chàng trai người Hà Nội từ ngày làm sĩ quan đến giờ mải mê với việc quy tập mộ liệt sỹ đến mức quên cả lấy vợ. Thư bảo rằng; bây giờ hỏi tao con người ta có bao nhiêu dẻ xương sườn, bao nhiêu đốt xương sống thì tao nói được, chứ hỏi tao yêu cầu mở cửa với khái niệm vật chất, ý thức thì tao tịt. Ba người góp tiền ngồi với nhau trong quán thịt chó. Câu chuyện của họ chỉ xoay quanh việc làm thế nào để lãnh đạo đoàn học viên của quân khu Tả Ngạn vượt qua kỳ thi một cách êm thấm. Khi đã có hơi men, Trương bảo. “Tao chả quen ai ở trong trường này cả”. Vừa nói, Trương vừa liếc mắt sang mâm bên cạnh. Vốn khá tinh ý, Trương nhận ra đó là mâm của các giáo viên trong trường, những ngươì ít nhiều có quan hệ đến số phận của họ trong kỳ thi cũng như suốt khoá học. Trương chú ý đến một ông trán hói trên đầu chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc. Ngồi uống rượu thỉnh thoảng ông ta đưa tay vuốt nhữnh sợi tóc tưởng tượng của mình. Sở dĩ Trương chú ý đến ông ta vì ngồi uống rượu thỉnh thoảng ông ta lại liếc đôi mắt ti hí sang mâm của Trương, hình như mọi câu chuyện của Ban lãnh đạo đoàn học viên quân khu Tả Ngạn không lọt qua đôi tai chắc là rất thính của ông ta. Trương vừa uống rượu vừa nghiên cứu phân tích ông trán hói. Gương mặt lưỡi cầy, mũi ống bương, miệng vạt trầu, tiếng cười rin rít như tiếng bản lề cửa khô dầu. Cái cách ăn của ông trán hói khiến Trương phải ngạc nhiên. Từng miếng thịt chó được được đưa gọn lỏn vào mồm, rồi trôi qua cổ. Ông ta ăn mà như không nhai, cục yết hầu của ông ta trồi lên, trật xuống trông đến tức cười. Kinh nghiệm cuộc sống cho Trương biết rằng ông ta là con người thực dụng. Người thực dụng đúng là đáng khinh nhưng lại là những người dễ sai, vì đồng tiền họ có thể làm trâu, làm chó. Chờ cho mâm bên giải tán, Trương cũng bảo thanh toán tiền rồi đứng dậy. Quả như Trương dự đoán, ông trán hói đã ngồi chờ anh em Trương ở bàn uống nước. Khi Trương đi ra ông ta liền hỏi. “Mấy chú về ôn thi đầu vào Hoàn thiện phải không?” “Vâng ạ! Chúng em mời thầy uống nước”. “Sao các chú biết anh là thầy? Trước học ở đây rồi hả”. “Không ạ! Nhưng nhìn quý tướng của thầy em biết.” Rượu cũng làm cho cái lưỡi của Trương mềm ra. Ông trán hói cười, lại đưa tay vuốt những sợi tóc tưởng tượng của mình. “ Chú cũng đáo để lắm. Được dậy dỗ những người như chú kể cũng sướng cả một đời. Anh tên là Thiệp, mọi người vẫn gọi anh là thầy giáo Thiệp. Các chú ở quân khu Tả Ngạn về thi có phải không”. “Vâng ạ! Sao thầy biết?” Trương cũng vô tình buột miệng hỏi. “Chỉ nhìn nước da, nghe giọng nói cũng biết.  Năm 95 anh đi thực tế làm e Phó tham mưu trưởng e Chiến Thắng, sư đoàn Thép. Chả biết cuộc sống bây giờ thế nào chứ ngày ấy anh em mình cực lắm”. “Dạ! Giờ vẫn thế thầy ạ”. Quang giờ mới lên tiếng và lấy bao thuốc vi na ra mời. Thầy Thiệp cầm điếu thuốc nhúng cái đầu lọc vào chén nước rồi thổi cho hết nước mới châm lửa rít những hơi thật dài, thật sâu. “Mình không hút thuốc, nhưng gặp các chiến hữu cũ cũng đành làm một điếu. Tối về không khéo lại ho. Lần sau các chú đừng đầu độc anh nữa nhé. A, đoàn quân khu mình về thi 28 người phải không? Anh ở trong hội đồng nên anh biết”. Trương, Quang, Thư đưa mắt nhìn nhau, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Quang nháy mắt hỏi ý kiến Trương rồi lên tiếng. “Dạ! Đúng là, duyên trời cho chúng em được gặp thầy. Dạ! Thầy cho phép chúng em mời thầy đi uống cà phê ạ”. “Thôi! Các chú cứ vẽ. Anh với các chú còn gặp nhau nhiều. Hơn nữa, anh cũng không uống được cà phê. Tối về, lại mất ngủ. Tay thi sỹ nào đó bảo: Đêm không ngủ là đêm nhiều mơ ước. Các chú thấy thế có láo không? Anh mất ngủ nhiều nên tóc rụng hết, hói cả đầu đây này. Các chú không biết chứ, lần trước về phép đang ngủ nghe vợ khóc rưng rức. Anh hỏi, tại sao khóc. Cô ấy bảo rằng; bao ngày anh mới về thăm em một lần mà tối ngủ lại chổng đít vào mặt em. Các chú thấy thế có bực không? Trán mình bằng thật, mà vợ nó lại tưởng là mông đít kia chứ”. Mọi người cười sặc sụa, Quang cười đến mức phì cả nước trong miệng ra bàn. Đến đây thì mọi sự e ngại giữ ý hầu như bằng thừa. Thầy Thiệp bảo. “Có chú nào mang giấy bút không? Anh ghi cho cái số di động. Nếu có khó khăn gì cứ gọi cho anh. Các chú yên tâm cùng đơn vị cũ với nhau, không giúp được cho các chú anh làm con cho các chú”. Trương lấy ra quyển sổ điện thoại và cái bút. Thầy Thiệp ghi nhoay nhoáy vào đó và bảo. “Các chú có thể gọi cho anh vào bất kỳ lúc nào”.

Vài ngày sau Ban lãnh đạo đoàn học viên quân khu Tả Ngạn đã có được các thông tin ban đầu về thầy Thiệp. Mọi người phân tích với biểu quyết hai phần ba đã đưa nhận định; thầy Thiệp chính là vị cứu tinh, là phao cứu cánh cho cả đoàn. Tuy không đồng ý nhưng Trương vẫn phải cùng Quang và Thư đi gặp thầy Thiệp. Hôm đó chưa có rượu nên thầy giáo Thiệp có phần giữ ý. Sau khi mọi người đã nói hết nước hết cái thầy mới bảo rằng. “Nể các chú quá, không vì  tình cảm với quân khu Tả Ngạn thì có các vàng anh cũng chả nhận. Chỉ tiếc rằng anh không quyết được, chứ không anh ký luôn cho các chú vào học khỏi phải thi”. Quang năn nỉ. “Dạ thưa thầy, chúng em biết thầy vì chúng em mà vất vả. Chúng em không dám quên ơn, có gì xin thầy cứ dậy”. Thầy Thiệp ra chiều suy nghĩ một lát rồi mới bảo. “ Thôi ! Cùng đơn vị cũ, anh kết luận nhanh thế này. Trừ chú là Trưởng đoàn không phải đóng, hai chú đoàn Phó bằng một xuất. Nghĩa là hai mươi sáu xuất, mỗi xuất năm trăm ngàn đồng. Như vậy là mười ba triệu đồng chẵn, các chú gói gọn vào một gói, kèm theo danh sách cả đoàn. Tối mai gặp anh ở quán Gió tầng hai, đúng tám giờ anh em mình bàn tiếp”.

Được lời như cởi tấm lòng. Quang và Thư nửa đùa, nửa thật bảo rằng; có một tý chức săc vẫn hơn. Chỉ có Trương là vẫn giữ bộ mặt lầm lỳ như đang phải làm một việc xấu xa tội lỗi. Khi cùng Quang và Thư đi gặp thầy giáo Thiệp, Trương bảo. “Chỉ có bấy nhiêu thôi, kiên quyết không chi thêm một xu nào nữa”. Quang thấy vẻ mặt lầm lỳ của Trương thì lo thót tim, Quang bảo. “Tao vẫn còn vài triệu nữa, nếu lão ấy đòi thêm để tao đưa, bằng mọi giá phải đỗ”. Trương nói một câu cộc lốc “Không!”

Hẹn 8 giờ nhưng phải đến 8 giờ 30 phút thầy Thiệp mới tới. Mặt thầy đã đỏ ke ke, thấy Trương lầm lỳ đưa tay xem đồng hồ, thầy bảo. “ Anh bận họp hội đồng thi, năm nay gay đấy”. Thầy lại hỏi “Các chú đã uống gì chưa ?” Rồi không chờ ai gọi, thầy bảo chủ quán bê ra một két bia Hà Nội, xé ba con mực to bằng bàn tay, lấy một bao ba số dẹt, Trương kinh hãi nhìn két bia. Chỉ có bốn người mà uống hết két bia thì có mà bụng trâu. Trương nhìn thầy thiệp tự nhiên cảm thấy ghê ghê như đang phải giao tiếp với phù thủy. Đời mình chả lẽ phải làm trò một kẻ như thế này sao? Đã ở cái tuổi “bất nghi hoặc” Trương còn lạ. Trong số những người làm thầy đâu có thiếu những thằng ngu như bò, tham như chó. Cũng không trách chúng nó được, có trách là trách dân ta quá coi trọng cái sự học. Người người đi học, nhà nhà đi học chả nói đâu xa như gia đình Trương vợ hàm thụ, chồng hoàn thiện, hai đứa con phổ thông. Thật là bi kịch khi trong một gia đình thừa người học bài mà thiếu người rửa bát. Nếu xét về tinh thần hiếu học thì chưa bao giờ nền giáo dục nước nhà hưng thịnh như hiện nay. Trò đông thì thầy phải lắm. Cho nên quy trình tuyển chọn, đào tạo và cấp chứng chỉ “thầy” cũng phải làm nhanh cho kịp với “cầu”. Cho dù chỉ là “Con sâu bỏ rầu nồi canh” thì cũng phải thừa nhận một điều rằng; xét về mặt đạo đức thì chưa bao giờ đạo đức học đường xuống cấp như hiện nay.... Ngụm bia đắng ngắt trong cổ họng. Nhưng rồi bia cũng làm cho Trương trở nên can đảm. Trương đã trở lại là Trương, trở lại là anh tiểu đội trưởng trinh sát gan lỳ trong chiến đấu. Trương nhìn thầy Thiệp với ánh mắt tuy vẫn cam chịu nhưng đã ánh lên sự khinh bỉ. Cầu trời cho mày biết dừng lại. Trương nghĩ thầm khi đưa gói tiền cho thầy Thiệp. “Thưa thầy, em gửi thầy”. Thầy Thiệp đón gói tiền và hỏi. “Bao nhiêu?” “Dạ! Đúng 13 triệu, hôm qua thầy bảo…” Thầy Thiệp uống cạn cốc bia nữa rồi bảo. “Chú thông minh mà sao chậm hiểu. Đây mới là phần cứng nộp cho hội đồng. Còn tiền cho thầy chấm, thầy coi mà các chú định để anh uống nước lã đi chạy cho các chú à?” Gương mặt Trương đột nhiên tối sầm ngay lại. Quang và Thư chưa kịp làm gì để ngăn cơn giận của Trương thì Trương đã đứng vụt dậy, đút gọn gói tiền vào túi. “Thưa thầy. Em cám ơn thầy đã lo cho chúng em. Nhưng em cũng xin nói cho thầy biết; đoàn chúng em có 28 người thì có tới 23 người ôm cột mốc. Nếu các thầy đánh trượt thì các thầy lên đó mà ôm cột mốc thay cho chúng em. Xin phép thầy, em về”. Quang và Thư ngồi như chết cứng trên ghế. Chỉ đến khi Trương quay lại trừng mắt quát. “Chúng mày không về còn ngồi làm gì ở đấy”. Thì mới luống cuống đứng dậy. Có lẽ vì quá bất ngờ mà thầy Thiệp há hốc mồm không nói được gì. Thầy cứ mắt chứ A mồm chữ O nhìn Trương cứ ơ... ơ... Bà chủ quán đến bên Trương. “Các anh cho xin tiền”. Trương hầm hầm chỉ thầy Thiệp. “Ai gọi thì người đó thanh toán ”. Mặt thầy Thiệp chợt tái xám rồi lại ơ... ơ... ơ.

*

Cuộc thương lượng giữa Ban lãnh đạo đoàn học viên quân khu Tả Ngạn với thầy giáo Thiệp thất bại, dù đã được giữ kín vẫn như một là gió độc dội vào cả đoàn. Mọi người đổ lỗi cho Trương, ai cũng bảo Trương hâm, ngu không khí trở nên sôi sục chỉ thiếu có nước anh em trùm chăn nện cho Trương một trận. Trương cũng biết tai hoạ mình gây ra cho anh em không nhỏ. Trương bảo. “Chúng này học đi, xem ai đánh trượt chúng mày”. Quang thở dài. “Mày chỉ biết có mày mà không nghĩ tới anh em, mày cậy mày là giáo viên nắm chắc kiến thức. Chứ anh em chúng tao còn nhớ gì đâu”. Trương hỏi. “Thế mấy buổi các thầy xuống hệ thống,  đầu óc chúng mày để đâu”. Thư nói. “Cứ tưởng đóng tiền ngu rồi thì xả hơi một tý”. Trương im lặng một lát rồi nói. “Từ mai, tao sẽ hướng dẫn chúng mày về môn chiến thuật”. “Chắc đ... gì mày đã đỗ đấy mà đòi hướng dẫn”. “Mặc kệ, tao cứ lên lớp thằng nào học thì học không học thì mặc xác”.

Hôm sau, Trương mượn hội trường của tiểu đoàn để lên lớp thật. Lúc đầu chỉ có hơn chục người đến nghe, nhưng rồi cái giọng giảng rành mạch, lôi cuốn đầy sức thuyết phục của Trương đã kéo không những chỉ học viên của quân khu Tả Ngạn mà còn kéo cả học viên của các quân khu, quân đoàn khác đến nghe. Cả hội trường chật cứng người nhưng im phăng phắc. Qua hai ngày nói đến khàn cả giọng, Trương đã hệ thống xong kiến thức cơ bản của cả năm hình thức chiên thuật cấp trung đội bộ binh. Rồi Trương bảo. “Tôi chốt cho các anh năm câu, nếu nhà trường kiểm tra không vào một trong năm câu các anh cứ bắc kiềng lên lưng tôi các anh nấu”. Đang nói, Trương cảm thấy lợm giọng khi nhìn thấy cái trán “hói như mông đít” của thầy giáo Thiệp lấp ló phía sau. Tuy vậy Trương vẫn bình tĩnh bảo. “Tôi ở cùng anh em. Ai có gì cần hỏi, cứ đến tôi sẽ trả lời miễn phí”.

*

“Bây giờ còn hai môn nữa làm thế nào hả mày?” -  Không cứ gì Quang, mà cả Trương cũng đang suy nghĩ về chuyện đó. Chương trình thi đầu vào không chỉ có môn chiến thuật mà còn có cả môn triết học và toán. Trong các ngày nhà trường cử giáo viên hướng dẫn về môn triết Trương cũng nhớ lại kiến thức đủ để anh vượt qua kỳ thi, nhưng Trương lại không thể đứng ra hướng dẫn cho anh em trong đoàn được. Giữa lúc đang lúng túng thì Trương “vồ” được Nghĩa vốn là bạn cùng tiểu đội ngày trước. Khi biết Nghĩa là giáo viên triết học của nhà trường hiện đang đi nghiên cứu sinh, Trương bảo. “Mày phải giúp tao để xem cái bằng thạc sỹ của mày có đáng để lau tay hay không”. Nghĩa bảo. “Tao giúp gì được mày. Cái đầu mày chả lẽ lại không nạp được ba cái định nghĩa vật chất với ý thức của Lê Nin”. “Mình tao thì nói làm mẹ gì ? Tao cần là cần mày giúp cho cả đoàn tao”. Lúc đầu Nghĩa không hiểu nhưng khi nghe Trương nói rõ tình hình của đoàn học viên quân khu Tả Ngạn và cuộc thương lượng với thầy giáo Thiệp. Nghĩa bảo. “Mày vẫn trứng nào tật ấy. Nhưng cũng không trách mày được, các cụ xưa đã dậy; giang sơn dễ rời tính người khó đổi. Bây giờ mày nói cụ thể xem tao giúp gì được mày?” Trương bảo. “Mày là giáo viên mày nắm chắc nội dung, mày xuống hướng dẫn cho anh em tao vài buổi”. Nghĩa cười “Nhưng mày sẽ trả thù lao cho tao chứ?”. “Nhất trí. Mày giúp tao ba buổi, mỗi buổi tao trả mày 500 ngàn. Bằng vợ mày đi đánh vữa cả tháng còn gì?” Nghĩa ngạc nhiên. “ Mày nhiều tiền thế kia à?” Trương bảo. “Đoàn tao có 28 người, mỗi người học thêm một buổi 20 ngàn, bằng tiền con tao đi học thêm ở ngoài. Tao trả mày một triệu rưỡi, còn lại trăm tám để tao mời mày một bữa gọi là... tri ân”. Nghĩa nhìn Trương, cái nhìn thể hiện sự ngưỡng mộ với một nhân cách. Bao năm nay rồi. Nghĩa thở dài. “Mày tính toán nhanh gớm nhỉ. Nhưng mày còn nói đến tiền thì tao mặc xác mày”. “Vậy mày lấy cái gì?”. “Tao giúp mày ba buổi, mày phải trả tao ba ngày”. “Mày cần ba ngày của tao để làm gì? Đánh vữa, cuốc đất, hay bổ củi?”. “Tao muốn sau khi thi xong, mày ở lại chơi với vợ chồng tao vài buổi. Tao sẽ bảo Huệ bồi bổ cho mày. Trông mày có ra hồn người nữa đâu”. “Tao còn về đây học 18 tháng nữa, mày lo mẹ gì. Tao chỉ sợ vợ chồng mày không có rượu mà mời”. “Chắc gì mày đã đỗ mà học”. Vẻ mặt Trương chợt tái xám, tuy nhiên Trương vẫn nói cứng. “Đỗ thì tao làm trò, không đỗ thì tao làm thầy lo mẹ gì”. “Mày làm thầy đi thi không đỗ về dậy ai?”. Trương im lặng, có lẽ giờ Trương mới hiểu được tính chất nghiêm trọng của vấn đề.

Dù sao, cũng qua được môn thứ hai. Trong những ngày Nghĩa hướng dẫn môn triết học, Trương vừa nghe, vừa lo giải quyết nốt môn thứ ba. Môn toán. Đây có thể coi là môn “cửa tử” với tất cả thí sinh. Bởi anh em đều đã rời ghế nhà trường hàng chục năm trời, làm sao mà nhớ được công thức biến đổi lượng gíac với tìm Max, tìm Min để khảo sát hàm số. Trương đi tìm thầy Hùng, người đã được nhà trường cử xuống để hướng dẫn cho anh em trong kỳ thi. Không hiểu sao, chỉ một lần nghe thầy lên lớp Trương đã bị thầy chinh phục hoàn toàn. Trương hoàn toàn tin rằng; chỉ cần gặp thầy, là mọi vấn đề về môn toán sẽ được giải quyết. Nhưng cả hai lần lên phòng thầy Hùng đều đi vắng. Các thầy ở cùng khoa bảo rằng; thầy phải đi dậy thêm để kiếm tiền lo cho hai đứa con đi học. Kinh tế nhà thây cũng rất khó khăn.

Không gặp được thầy Hùng, Trương thực sự lúng túng. Câu nói vô tình của Nghĩa làm Trương lo lắng đến xọp người đi. Đã là người khi qua cửa không ai là không phải cúi đầu. ý nghĩ ấy tự nhiên giầy vò Trương. Rồi đúng như người xưa nói; “Đói ăn vụng, túng làm càn”. Trương họp Ban lãnh đạo đoàn học viên quân khu Tả Ngạn, đề xuất phải mua bằng được kết quả môn toán. Được biết, thầy Hùng là người phụ trách toàn bộ việc ra đề và chấm thi môn toán. Ban lãnh đạo đoàn học viên quân khu Tả Ngạn quyết định dùng số tiền 13 triệu định đưa cho thầy Thiệp để “đánh ” vào thầy Hùng. Trương bảo. “Phải làm sao cho kín, chứ với một người như thầy Hùng có các vàng tao cũng không dám cầm gói tiền đưa cho thầy”. Quang có vẻ không bằng lòng bảo. “ Mày cứ làm quan trọng hoá vấn đề. Chả có con chó nào chê cứt cả”. “Mày câm miệng đi cho tao nhờ”. Trương trừng mắt, tý nữa thì nhổ vào mặt Quang. Thư vội vã đứng dậy can. “Các ông vừa vừa thôi. Chết đến đít rồi, còn ngồi đó mà cãi nhau. Theo tôi nên mang một gói quà gì đó, để tiền vào rồi tìm cách đưa cho thầy”. Ý kiến ấy khiến Trương loé lên một sáng kiến. Trương bảo. “Tao biết thầy Hùng nghiện chè. Tốt nhất, nên mua lấy vài lạng chè lên biếu thầy. Chứ mua cả cân, e thầy lại từ chối”. “Sao ông biết thầy Hùng nghiện chè?” Thư nghi ngờ hỏi lại. “Cứ nhìn răng thầy thì biết”. Trương cười.

Mai thi, tối nay Ban lãnh đạo của đoàn học viên quân khu Tả Ngạn mới “tiếp cận” được với thầy Hùng. Khi nghe Trương trình bày khó khăn của anh em, thầy chỉ hỏi. “Thế anh em mình đã ôn được nhiều chưa?”. “Chúng em cũng ôn được kha khá thầy ạ. Chỉ có điều môn toán của thầy anh em bỏ lâu quá nên hầu như quên hết”. “Ừ!” Thầy Hùng cười. “Anh em không nói mình cũng biết. Cơ bản, các anh phải làm tốt hai môn kia. Còn môn toán, đến mình bỏ lâu còn quên nữa là. Bảo anh em cứ yên tâm”. “Dạ ! Anh em chúng em về đây thi, trăm sự nhờ thầy. Chúng em có vài lạng chè Tà Xùa biếu thầy uống nước”. “Chè Tà Xùa hả? May quá, mình cũng vừa hết chè. Ban nãi, đi qua cổng định mua lại quên. Thôi anh em chờ mình cắm lại ấm nước rồi cùng uống cho vui. Cái giống chè Tà Xùa, phải nước thật sôi thì nó mới ngon”. Trương vội đứng dậy, mặt biến sắc. “Dạ! Thưa thầy, mai chúng em đã thi. Hôm nay tranh thủ thăm thầy một chút, mong thầy giúp đỡ chúng em. Giờ xin phép thầy em về xem lại kiến thức một chút”. “Ừ nhỉ ! Chè ngon phải có bạn hiền. Tiếc rằng anh em lại bận, mình đang định hỏi anh em một số chuyện về quân khu Tả Ngạn. Ngày trước mình cũng dậy học trên đó. ở đó con người ta nghèo nhưng nhân hậu lắm”.

*

Qua hai ngày thi. Anh em trong đoàn quân khu Tả Ngạn bảo rằng; nhờ sự thúc ép của Trương và cuộc chạy đua nước rút trong những ngày cuối mà họ làm tốt được hai môn chiến thuật và triết học. Còn môn toán, không ai nói chắc được nhưng dù sao cũng đã có “bảo hành”.

 Giữa lúc mọi người đang chuẩn bị hành lý để về đơn vị chờ kết quả thì Thầy Hùng xuất hiện ở cửa phòng. Thầy đưa cho Trương gói chè và bảo. “ Anh em ạ. Hôm trước, anh Trương có mang biếu tôi một gói chè. Tôi cứ nghĩ rằng mình hết chè nên nhận. Khi các anh về rồi xem lại thấy nhà vẫn còn nên gửi lại anh em. Thôi cám ơn anh em. Chúc anh em lên đường mạnh khỏe”. Hai chân Trương gần như khuỵ xuống. Trương cố rặn ra một nụ cười gượng gạo khi bắt tay thầy Hùng. Mọi người đổ xô lại, nhưng không ai đủ can đảm để mở gói chè. Hàng loạt tiếng rên rỉ, than vãn vang lên. trong đó tiếng của Quang như át tất cả. “Đ... mẹ, thằng ngu. Mày giết anh em rồi”. “Mày bảo ai ngu?”. Trương chợt gào lên. Gần như hoá điên, Trương túm lấy cổ áo Quang, cánh tay cứng như thép của Trương đã vung lên, may mà anh em giữ lại được. Trương vừa dẫy, vừa chửi. “Chính chúng mày mới là lũ ngu. Cái ngu nhất của chúng mày là đã bầu tao làm Trưởng đoàn. Tao đã nói với chúng mày là tao không có khả năng làm lãnh đạo. Tao không biết nịnh nọt, luồn cúi. Tao không biết quan hệ, không biết đưa hối lộ thì làm thế đ... nào được. Đây ! Cầm lấy tiền của chúng mày về mà ôm cột mốc. Học với hành cái con c...”

*

Hơn một tháng sau, trong ngày khai giảng 27 học viên của quân khu Tả Ngạn công kênh Trương trên vai. Nhưng riêng Trương cứ như người đã đánh mất đi một cái gì quý lắm. Đi khai giảng về, Trương hỏi Quang.

- Mày bảo nếu đỗ mày mang biếu tao một cân chè tuyết. Mày quên rồi à?

- Quên mà sống được với mày à ? Phải khi nhận được giấy báo đỗ tao mới dám kể chuyện đi thi của chúng mình cho vợ. Vợ tao bảo mày sứng đáng uống thứ chè tinh khiết này. - Quang cười.

- Không tao cũng không sứng đáng. - Trương đáp và cầm gói chè lên thăm thầy Hùng. Hai thầy trò ngồi với nhau như  những người bạn thân lâu ngày gặp lại. Lúc chia tay, Trương nhìn thầy Hùng mãi sau mới nói lên lời.

- Thầy ạ! Mong thầy bỏ qua. Vì mông muội, chút nữa mà em đã  làm vấy bẩn một tâm thanh bạch.

- Không! Anh nhầm. Anh Trương ạ. - Thầy Hùng siết chặt tay Trương. - Không ai vấy bẩn mỡnh trừ khi chính mình tự vấy bẩn mình.

- Em hiểu! Thưa thầy. - Trương xúc động thật sự, đến bây giờ Trương mới tin rằng mình đã qua kỳ thi.


GIÓ TRÁI MÙA

Sáng nay, vừa thức dậy ông Thế đã tranh thủ đẩy xe rùa ra bãi bồi bên bờ sông Bứa chở đất phù xa về đổ vào mảnh vườn trước nhà để trồng rau. Đây là kinh nghiệm ông học được, khi cùng các cựu chiến binh về thăm đơn vị cũ, thấy các chiến sĩ kết hợp hành quân rèn luyện với cõng đất màu về đổ lên nền đất đá ong để trồng rau, ông thấy hay nên làm theo. Cũng là thay tập thể dục buổi sáng, ông nghĩ vậy. Nhưng rồi chỉ được hai chuyến ông bỗng cảm thấy đầu gối mình nhưng nhức y như có con sâu, con bọ đang cắn ở trong. Đấy là dấu hiệu cho ông biết lại có một cơn gió trái mùa. Thoạt đầu nó làm cho các khớp xương của ông đau nhức nhất là hai đầu gối, rồi nó làm cho ông thấy cơ thể bải hoải, chân tay buồn bực đến không muốn động vào việc gì.

Bà Dung thấy chồng nghỉ việc sớm biết ngay là có vấn đề, bà bảo ông nằm lên giường rồi lấy rượu ngâm với gừng tươi bóp vào các khớp xương cho ông. Ông nằm lim dim mắt cảm thấy cơn đau dịu đi. Ông muốn ngồi dậy để tiếp tục hoàn thiện cái tủ chè để kịp giao cho khách nhưng bà kiên quyết bắt ông phải nằm yên một chỗ. Đây là dịp hiếm hoi để bà được chăm sóc, hầu hạ ông. Còn khi khỏe mạnh thì ông tranh hết mọi việc của bà, ông vốn là một thợ mộc có tiếng ở trong vùng, quanh năm không bao giờ hết việc nhưng ngoài việc làm thợ, ông còn chăm lo đến đến con gà, con lợn thậm chí cả việc cơm nước, giặt giũ ông cũng làm bằng hết. Bà là giáo viên nghỉ hưu, thời gian cũng rỗi rãi không biết làm gì, “đấu tranh” mãi ông mới chịu nhường cho bà hai việc là đi chợ và rửa bát. Ông thích làm việc từ nhỏ, chỉ trừ lúc ngủ còn lại ông luôn chân, luôn tay. Công việc nó giúp cho ông khuây khỏa, đỡ buồn. Mỗi khi có chút thời gian rỗi rãi là ông lại sang nhà hàng xóm chơi với mấy đứa trẻ, ông làm cho bọn trẻ những con quay bằng gỗ dạy chúng đánh quay sao cho con nào con ấy quay tít thò lò. Ông lại còn dạy chúng những trò chơi như nhẩy dây, chơi ô ăn quan, rồi chuyền một, chuyền hai...

Dân làng Trịnh An biết rằng ông rất yêu trẻ con. Và bọn trẻ con trong làng cũng rất yêu ông. Hai vợ chồng ông không có con, có thể rằng họ cưới nhau khi cả hai đã có tuổi nên không có con. Hình như, hai ông bà coi đấy là sự thực hiển nhiên nên không thấy chạy thầy, chạy thuốc hay lên chùa cầu tự. Con cái là cái lộc trời cho. Trời cho ai thì người ấy được, còn trời không cho thì cố cũng không được. Ấy là cả hai ông bà đều nói vậy. Chuyện tình của hai ông bà cũng khá ly kỳ. Lúc còn trẻ, trước khi ông nhập ngũ bố mẹ ông đã mang trầu cau đến dạm hỏi bà Dung. Hai người trông cũng rất đẹp đôi, nói như bọn trẻ bây giờ đấy là một cặp “thanh mai, trúc mã”, họ ở gần nhà nhau, lớn lên bên nhau và yêu nhau rồi hai gia đình mới nói chuyện “người lớn” với nhau. Nghĩa là họ hoàn toàn tự nguyện chứ không phải là do cha mẹ hai bên kén dâu, chọn rể.

Đám cưới đã định ngày thì nhà gái vướng phải đại tang đành hoãn lại. Rồi ông Thế lên đường nhập ngũ, sau vài tháng huấn luyện ở Vĩnh Phú ông đi B cho đến sau giải phóng mấy năm, cứ tưởng đã chết gia đình lấy ngày nhập ngũ của ông làm ngày giỗ. Chỉ có bà Dung là không tin ông đã chết, bà dò hỏi rồi đến trại thương binh nặng Nho Quan, Ninh Bình đón ông về. Dân làng đổ xô đến chúc mừng, nhiều người không nhận ra ông bởi gương mặt bị biến dạng với những vết thương nhằng nhịt. Cũng không ai nghe thấy ông kể chuyện mình bị thương ở đâu và như thế nào. Ngay cả chuyện đánh nhau với giặc ở ngoài mặt trận cũng không ai nghe thấy ông kể. Mỗi khi có người vì tò mò hỏi ông chuyện ngoài mặt trận, ông hài hước bảo. Mặt trận ấy mà, nó cũng chán như cái mặt tôi ấy, hỏi làm gì. Ông nói vậy, và dân làng cũng không gặng hỏi. Tuy vậy, dân làng vẫn mừng cho ông họ bảo: Trở về được như ông dù có què cụt hay đui mù miễn là cái của quý vẫn còn lành lặn, hoạt động được thì vẫn là phúc. Nghe người ta nói vậy, ông chỉ cười. Cười mà như khóc. Ông bảo rằng ông không muốn về nhưng bà Dung cứ kiên quyết bắt ông về, ông không về bà ấy cũng sẽ ở lại trại thương binh nặng để bầu bạn với ông. Dù đã đón được ông về nhưng ông vẫn kiên quyết không chịu cưới bà. Cứ dùng dằng mãi cho đến khi bà Dung về hưu thì hai ông bà mới ra Ủy ban đăng ký rồi làm vài mâm cơm biến báo với họ mạc và xóm làng.

Bà Dung bảo chồng nằm trên giường để bà đi xuống bếp nấu cho ông bát cháo. Bà thấy lòng mình bồn chồn như có lửa đốt, lâu lắm rồi sáng nay khi còn nằm trên giường bà lại nghe thấy con chim khách hót lên năm tiếng ở cái cây muỗm trước nhà. Chả lẽ... Ở cái làng Trịnh An này, có lẽ bà Dung là người tiếp xúc với mạng xã hội đầu tiên. Cũng là do nhàn rỗi quá không biết làm gì nên suốt ngày cắm mặt vào cái điện thoại Vivo. Rồi cậu học trò cũ lập cho bà cái địa chỉ Facebook khi cậu ta hỏi cô giáo đặt tên là gì? Bà suy nghĩ một lúc rồi bảo: Cựu chiến binh! Cả cậu học trò cũ lẫn ông chồng đều nhìn bà ngạc nhiên. Ông hỏi: Bà đi bộ đội ngày nào mà là Cựu chiến binh? Bà mỉm cười không đáp ngay, khi chỉ còn hai vợ chồng với nhau bà mới bảo. Ông cho tôi mượn cái ảnh của ông làm ảnh đại diện, đây sẽ là Facebook của ông.

Khác với vợ, ông Thế mù tịt về công nghệ thông tin, ông chả biết mạng xã hội là cái gì, nên ông bảo bà muốn làm gì thì làm. Tuy nhiên, ông bảo: Mặt ông bây giờ trông dúm dó không ra hồn người đăng lên để dọa ai. Bà lấy ra cái ảnh thời ông mới nhập ngũ đưa cho ông xem. Ông ngạc nhiên nhìn bà, ông cũng không ngờ mấy chục năm qua bà vẫn giữ được cái ảnh đen trắng ông mặc quân phục đội mũ tai bèo. Ngày đó, trước khi đi B ông chỉ có hai cái ảnh. Một cái cho vào phong bì thư gửi về cho bà, khi ấy là vợ chưa cưới của ông. Còn một cái ông cũng như các đồng đội cho vào túi giấy bóng ghi đầy đủ họ tên, quê quán ở phía sau cho vào túi áo ngực đề phòng mình bị chết thì đồng đội khi an táng sẽ chôn theo tấm ảnh mong sau này sẽ có ngày được đưa về quê sum họp cùng tổ tiên, con cháu.

Nhưng…

... Trên đường hành quân vào tuyến lửa đơn vị ông Thế dừng chân nghỉ lại làng Chèm một cái làng nghèo trên dải đất miền Trung. Ông Thế khi ấy là chiến sĩ liên lạc của đại đội cùng với Đại đội trưởng được một bà mẹ đón về nhà. Trong nhà, có một bà mẹ chồng ở cùng con dâu. Người con trai chồng của chị con dâu ấy là xã đội trưởng đang trực chiến tại trận địa phòng không. Chị con dâu không còn trẻ, có lẽ cũng trên dưới ba mươi tuổi đấy là ông đoán vậy chứ cũng không dám hỏi. Chị có nước da ngăm ngăm đen thứ nước da rất đặc trưng của người dân miền Trung nắng lửa. Mái tóc đen, dày và dài buông đến gót chân tỏa ra mùi hương bồ kết xua đi những mệt mỏi của ông sau một chặng hành quân gần 30km. Ông cảm thấy nghẹt thở khi nhìn vào đôi mắt của chị, một đôi mắt đượm buồn phẳng lặng như mặt nước mùa thu. Năm đó ông vừa bước sang tuổi 19 cơ thể vâm vấp, săn chắc hàng ngày khi hành quân ông có thể khoác hai cái ba lô một cái đằng trước và một cái đằng sau lại còn kèm theo một khẩu trung liên RPD loại súng nặng nhất trong biên chế của tiểu đội vậy mà vẫn đi phăm phăm.

Khi vừa vào đến nhà đặt ba lô xuống thu xếp chỗ nghỉ cho Đại đội trưởng xong là ông vớ lấy cái cuốc chim bổ củi choang choác giúp mẹ con bà chủ. Đại đội trưởng Vũ Công Hài khi ấy chưa đầy ba mươi tuổi, trông người săn chắc và nhanh như con sóc trên đường hành quân lúc ông ở đầu hàng, lúc lại ở cuối hàng để vừa nhắc nhở mọi người giữ vững cự ly, tốc độ vừa động viên giúp đỡ những người yếu bám kịp đội hình. Tối ấy, mẹ con bà chủ nhà đãi hai người một ổ trứng gà ấp sắp nở. Bà mẹ bảo rằng có mái gà ấp sắp nở thì con mẹ bị cáo bắt mất nên mang trứng luộc cho hai anh em ăn còn có sức ngày mai đi tiếp. Đại đội trưởng cám ơn bà cụ nhưng lại bảo mình không ăn được trứng gà lộn, ăn vào dị ứng đỏ hết người nên nhường cả cho ông. Bà cụ nhìn ông động viên: Cố ăn đi con không phí của, mẹ và em đều không ăn được. Nếu khó ăn thì nhấp thêm chén rượu, trong nhà vẫn có hươu rượu mẹ thắp hương hôm rằm. Ông lắc đầu bảo: Từ bé con chưa uống rượu bao giờ. Vậy thì chú ấy ăn, con uống rượu được không mệ? Đại đội trưởng nhanh nhảu. Bà mẹ vào lấy ra hươu rượu Vũ Công Hài đón lấy rót ra cái nắp bi đông đưa cho ông và bảo: Chú nhấp một tý cho dễ ăn, nhiệm vụ của chú phải thanh toán hết món trứng đấy.

Đó là lần đầu tiên trong đời ông Thế được cảm nhận được vị cay, nồng của rượu. Cho đến hôm nay ông Thế cũng không hiểu tại sao chỉ có một nắp bi đông rượu mà ông đã chuếnh choáng, ông chén bay hết cả ổ trứng gà lộn, Đại đội trưởng còn cho ông thêm vài thanh lương khô nữa. Ăn xong bà cụ bảo trong gian buồng có một cái giường bên dưới có hầm cá nhân con vào nằm trong đó nếu có tàu bay thì chui xuống hầm cho an toàn, hai mẹ con bà sẽ nằm bên ngoài còn Đại đội trưởng thì ngay từ tối đã mắc võng nằm ngoài vườn. Tôi nằm ngoài này đêm còn đi kiểm tra gác. Vũ Công Hài nháy mắt nhìn người liên lạc của mình. Đêm ấy trời nóng như rang, ông chỉ muốn mắc võng nằm ngoài cho mát nhưng ánh mắt khó hiểu của Đại đội trưởng khiến ông không còn cách nào khác. Ông đành chui vào gian buồng tối như hũ nút và muỗi như sung cô con dâu vào mắc màn cho ông rồi lặng lẽ ra ngoài. Thấy mình được ưu ái lại có một không gian riêng ông vô tư cởi quần áo dài chỉ mặc độc cái quần lót nằm lên giường đánh một giấc. Nửa đêm, trời bất ngờ đổ mưa, tiếng sét nổ đinh tai khiến ông thức giấc, ông kinh hoàng khi thấy một tấm thân phụ nữ nóng hổi đang áp chặt lấy ông, trong khi đó bên ngoài nhà lại có tiếng ho húng hắng và tiếng quạt đập muỗi phành phạch của bà mẹ. Nghĩ đến 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân ông hoảng sợ cố nằm im nhưng... đôi môi của người phụ nữ đã tìm đến môi ông...

Sáng hôm sau chỉ có mình bà mẹ tiễn bộ đội đi hành quân, ông đã cố ý quan sát nhưng không thấy bóng dáng chị con dâu đâu. Mang trong mình một cảm giác tội lỗi nên ông lầm lỳ suốt chặng hành quân, đến chặng dừng chân tiếp theo ông mới phát hiện ra tấm ảnh để trong túi áo ngực của mình đã không còn nữa. Ông liền gặp Đại đội trưởng để thú tội. Cứ tưởng rằng cái ông Đại đội trưởng hét ra lửa ấy sẽ nổi trận lôi đình, lôi ông ra trước hàng quân mà xử. Nhưng Vũ Công Hài im lặng nhìn ông và bảo: chuyện này chỉ có tôi biết, cậu biết và trời biết. Rồi Đại đội trưởng cho ông biết việc bố trí cho ông quan hệ với người con dâu là ý định của bà mẹ và chồng chị ta. Bà cưới vợ cho con trai hơn chục năm trời, những ngày đêm mong được bế cháu vậy mà con trai của bà, tức chồng của chị con dâu ấy bị vô sinh. Nghe thầy lang bảo rằng do ngày bé anh bị quai bị nặng biến chứng dẫn đến vô sinh. Chị vợ muốn xin một đứa con nuôi nhưng anh chồng lại muốn có đứa con do vợ mình đẻ ra. Cũng may mà có đơn vị bộ đội dừng chân tại làng, con trai bà liền bố trí cho hai người nghỉ tại nhà mình. Biết Đại đội trưởng đã có vợ, có con, bà nói với ông đề nghị ông ngủ với con dâu bà. Nếu trời phật thương cho nó một đứa con thì đúng là đại phúc… Bà mẹ nói vậy. Đại đội trưởng cười mà nước mắt ứa ra, điều bà mẹ nói ông hiểu, nhưng lại nghĩ đến cậu chiến sĩ liên lạc của mình.

Đại đội trưởng đã có thâm niên hơn mười năm ở chiến trường, ông đã không ít lần chôn cất đồng đội có cả những chàng trai 19, 20 không ít người chưa biết bàn tay người con gái nóng lạnh ra sao. Cách đây vài tháng một chiến sĩ liên lạc cũ của đại đội đã hy sinh, trước khi chết cậu ta chỉ có một mong ước là được cầm bàn tay một người con gái, ông đã phải đi bộ gần chục cây số đến trạm giao liên đề nghị một nữ giao liên giúp thực hiện mong ước cuối cùng của người chiến sĩ nhưng khi họ về đến nơi thì cậu ấy đã ra đi. Còn người chiến sĩ mới này khi nhận về đơn vị ông đã tìm hiểu. Trước khi đi bộ đội bố mẹ cũng đã hỏi vợ cho cậu ta nhưng cậu ta mới chỉ dám cầm tay cô ta chứ chưa dám hôn. Chiến tranh ngày càng ác liệt, ông không muốn có một chàng trai nữa ngã xuống mà chưa một lần... Ông nói với bà mẹ rằng mình không được khỏe, người đang ngây ngấy sốt sợ không có kết quả. Bà mẹ thở dài, tin ngay lời ông. Bà bảo rằng: Có thể đấy là ý trời vì chiều nay có một cơn gió trái mùa, cái thứ gió khiến cho bà cũng cảm thấy bủn rủn hết chân tay. Bà vừa nói vừa nhìn người chiến sĩ liên lạc đang cởi trần bổ củi bên ngoài.

Cậu phải quên ngay chuyện này và từ nay về sau tôi không muốn nghe cậu nhắc đến làng Chèm nữa. Đại đội trưởng đã nói với ông như vậy...

*

... Biết chồng đồng ý bà Dung liền lấy cái ảnh đó đăng lên cùng với những thông tin về cuộc đời ông từ mấy chục năm về trước. Không ngờ một thời gian sau có rất nhiều người vốn là cùng đơn vị cũ với ông ngày trước vào muốn kết bạn và chia sẻ thông tin với ông. Bà nói chuyện với ông và thế là ông bà cùng có thêm một sự quan tâm mới, thỉnh thoảng có người bạn cùng chiến đấu với ông đến thăm ông. Những ngày ấy bà thấy ông vui và như trẻ lại, bà cũng mừng và chợt để ý hôm nào con chim khách bay về đậu trên cây muỗm trước nhà cất lên mấy tiếng hót là y như rằng ông có bạn đến thăm. Bà chỉ việc nhốt sẵn một con gà vào bu, bảo ông xuống ao đánh vài con cá. Gà thả đồi, cá ao nhà, rau nhà trồng mọi thứ đều sẵn sàng cho những buổi bạn bè gặp mặt ôn cố, tri tân. Được vài năm đầu, sau đó cũng ít dần, hơn nữa bây giờ ai đến chơi họ đều gọi điện báo trước thành ra chả có gì thú vị cả nó khiến cho con chim khách cũng quên đi việc mang đến niềm vui cho con người. Bà chợt nghĩ nếu cuộc đời này cái gì cũng biết trước thì đúng là vô vị. Tương lai bao giờ cũng phải là một cái gì đó bí ẩn, khó đoán định thì cuộc đời mới đáng sống. Vậy mà, sáng nay bà lại nghe thấy tiếng con chim khách hót đúng năm tiếng liền, bà đã hỏi ông: Hôm nay có ai hẹn đến chơi không. Ông lắc đầu bảo không. Bà tủm tỉm cười một mình.

Không biết khách là ai? Có thể là cậu ấy chăng? Hàng bao câu hỏi xuất hiện trong đầu bà Dung. Bà liếc mắt nhìn ông, tự nhiên bà cảm thấy một cảm giác hồi hộp khó tả. Bà lại mở điện thoại nhìn kỹ tấm ảnh đại diện của một người đàn ông có tên là Nguyễn Đình Trịnh An. Cách đây gần nửa năm, lần đầu tiên nhìn thấy cái ảnh này bà đã thấy choáng, toàn thân nổi da gà. Bà như bắt gặp hình ảnh của ông Thế mấy chục năm về trước. Hơn nữa cái tên Trịnh An lại trùng với tên làng của ông bà nên bà càng tò mò. Bà đặt cái ảnh đại diện của ông Thế và của Trịnh An cạnh nhau rồi ngồi ngắm hàng giờ liền. Sao trên đời lại có hai người giống nhau đến thế? Liệu có phải ông ấy đã phản bội bà? Không! Không thể như vậy được. Nhưng không hiểu sao, ngày nào bà cũng mở điện thoại ngắm nhìn tấm ảnh của Trịnh An?... Bà bắt đầu làm quen với Trịnh An trên Facebook.

“Chào bạn! Rất vui được làm quen với bạn. Bạn có thấy ảnh đại diện của tôi với bạn rất giống nhau không”.

“OK! Tôi gửi lời mời kết bạn với bạn chính là vì nhìn thấy ảnh đại diện của bạn. Đây là ảnh chụp tôi năm hai mươi tuổi, giờ tôi gần năm mươi rồi. Còn bạn?”

“Tôi năm nay gần bảy mươi tuổi rồi. Tôi ở làng Trịnh An, tên làng tôi trùng với tên của bạn. Ngẫu nhiên chăng?"

...

Cứ như vậy, bà biết được địa chỉ công việc, cũng như vợ con của Trịnh An. Cho đến khi Trịnh An cho biết mẹ anh ta vừa mất, trước khi mất có đưa cho anh ta một tấm ảnh của một người bộ đội mà không dặn gì. Tấm ảnh ấy chính là tấm ảnh ông Thế thời trẻ với những thông tin về họ tên, đơn vị, quê quán ở phía sau thì bà choáng váng. Bà bất ngờ hỏi chồng: Ngày trước khi hành quân vào Nam có bao giờ ông dừng lại ở làng Chèm không? Nghe vợ hỏi, ông Thế bỗng giật mình như một người đang làm việc vụng trộm bị bắt quả tang. Thái độ lạ lùng của chồng khiến bà Dung tin rằng điều nghi ngờ của mình là đúng. Bà cho ông xem tấm ảnh cùng những thông tin về ông mà Trịnh An vừa gửi đến. Ông im lặng một lát rồi bảo: Các cụ nói không sai, cái kim bọc trong dẻ lâu ngày cũng lòi ra. Rồi ông cũng kể cho bà nghe câu chuyện xảy ra với ông khi dừng chân tại làng Chèm trên dải đất miền Trung ấy.

- Nó là con trai tôi. - Kể xong ông thản nhiên nói.

Bà nhìn ông thấy rõ sự bình tĩnh của ông. Bà cũng ngạc nhiên về thái độ và sự bình tĩnh của mình. Trước khi hỏi ông máu trong người bà đã sôi lên khi nghĩ về việc ông có thể có một người con ở đâu đó, bà sẽ cho ông biết cái giá của sự phản bội. Lành làm gáo, vỡ thì làm cái gì cũng mặc. Bà đã hy sinh cả cuộc đời cho ông thì không có lý do gì chịu sự phản bội của ông. Nhưng khi nghe ông kể chuyện và thản nhiên thừa nhận mình đã có con riêng thì tự nhiên bà thấy lòng mình nhẹ nhõm như trút đi được gánh nặng mang suốt cả cuộc đời. Lạy trời, lạy phật thế là ông bà vẫn có con, có cháu.

- Tôi cho ông biết con trai ông giờ là chủ một doanh nghiệp đồ gỗ. Rõ khéo, nó vẫn làm cái nghề gia truyền của nhà ông. Nó đã có vợ, hai đứa con và ba đứa cháu nội cháu ngoại rồi.

- Vậy hả?

- Bây giờ ông tính sao?

- Đừng cho nó biết thì hơn.

- Sao lại không cho nó biết. Nó là con ông kia mà.

- Đại đội trưởng đã bảo phải quên chuyện đó đi.

- Đại đội trưởng, bộ đội các ông cái gì cũng nghe theo Đại đội trưởng sao?

- À... Ông ấy là chỉ huy. Ở nhà thì có bố mẹ. Vào bộ đội thì có chỉ huy. Ngày tiễn tôi nhập ngũ bố tôi dặn tôi phải nghe lời từ tổ trưởng trở lên.

- Nhưng bây giờ ông về rồi. Còn có ai chỉ huy ông nữa đâu?

- Chúng tôi vẫn có chỉ huy đấy chứ.

- Ông nói cái gì, tôi không hiểu.

- Quá khứ vẫn đang chỉ huy chúng tôi.

Bà im lặng suy nghĩ. Chân lý cuộc sống chả lẽ đơn giản vậy sao. Ai đó đã nói rằng: Con người ta sống phải có quá khứ, có hiện tại và tương lai. Những người lính đã đi qua cuộc chiến như ông vẫn không quên những tháng năm trận mạc, vẫn không quên và cố gắng xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội. Đến bây giờ thì bà đã hiểu tại sao bà lại yêu ông đến bất chấp tất cả, bất chấp cả việc chiến tranh đã cướp mất của ông khả năng làm chồng. Ngày nghe ông nói một mảnh bom đã cắt mất tinh hoàn của ông khiến ông không thể làm chồng được nữa bà vẫn không thể xa ông để toan tính hạnh phúc cho riêng mình. Ông bảo với bà hãy đi kiếm lấy một đứa con, khi nào có thai ông mới cưới bà. Người phụ nữ có chồng hay không cũng được nhưng nhất định phải có con, tôi sẽ yêu thương nó như con đẻ của tôi vậy. Hàng bao năm trời ông luôn thúc giục và mong bà có con y như một người chồng đích thực, chỉ đến khi bà bảo: Tôi đã hết khả năng làm mẹ rồi, không thể mang thai được nữa, ông cho tôi về làm bạn già với ông chứ. Khi ấy, ông ngửa mặt lên trời mà kêu lên, rằng: Trời không chịu đất, thì đất chịu trời.

Bây giờ khi đã sắp gần đất xa trời biết mình có con, có cháu vậy mà ông vẫn không chịu nhận con, nhận cháu. Ông còn đề nghị bà chấm dứt việc chuyện trò với Trịnh An. Cuộc sống đã an bài - Ông bảo với bà như vậy. Tôi có bà thế này là mãn nguyện lắm rồi. Tôi thấy mình là người hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là chỉ biết nghĩ đến mình mà hạnh phúc chính là biết hy sinh vì người khác. Trong phút chốc bà bỗng cảm thấy mình cũng rất hạnh phúc khi dành trọn cuộc đời bên ông. Bà cũng đã thống nhất với ông rằng sẽ thôi không chuyện trò cùng Trịnh An nữa. Vậy mà, sáng nay khi nghe con chim khách hót trên cây muỗm trước nhà tự nhiên bà nghĩ thế nào Trịnh An cũng đưa vợ con về nhận bố.

Không hiểu khi ấy chồng bà sẽ nghĩ sao nhỉ?

Có lẽ ông ấy sẽ lại ngửa mặt lên trời mà kêu lên: Trời không chịu đất thì đất chịu trời.
 

VÌ SAO TUỔI THƠ

Trời tối đen như mực có cảm giác như có thể dùng tay sắn từng mảng đêm mà ôm vào lòng. Khô và nóng, gió như phả hơi lửa vào mặt. Sau mấy chặng hành quân, tới 3 giờ chiều Nhân mới cùng với trung đội của mình đến được con suối lớn ngoài phum. Trước khi đưa trung đội đến đây, Nhân đã nghiên cứu khá kỹ địa hình vị trí này trên bản đồ. Phum STieeng, con suối  uốn mình như một dải lụa mềm mại vắt hờ xuống phía Nam. Khác với ở Việt Nam, những con suối ở Căm Pu Chia hiền hòa, êm đềm và có phần thơ mộng. Nhân cũng biết, dân số của phum STieeng không nhiều vì cả phum mới có chưa đầy năm chục nóc nhà. Gần năm chục gia đình nhưng không có lấy một người đàn ông, khi Nhân hỏi nhà cũng bảo rằng; Chồng, con họ đi bộ đội Campuchia.

Nghĩa bảo với Nhân rằng: Họ nói vậy thôi chứ theo em chồng con họ cũng có người đi theo Pôn Pốt đấy anh ạ. Nhân gật đầu. Biết làm sao được? Bọn lính Pôn Pốt cũng phải có quê, cũng phải do những ông bố, bà mẹ sinh ra, chúng cũng có gia đình, người thân chứ.

Nhân ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm với những ngôi sao nhỏ li ti. Lắng nghe tiếng lưỡi dao đang miết nhẹ nhàng lên hòn đá suối. Nghĩa có một con dao găm to bản hễ cứ có thời gian là Nghĩa lại mang nó ra mài, Nghĩa có biệt tài mài dao, không cần đến những viên đá mài thô nháp, chỉ cần có đá dù đó là đá suối trơn lỳ hay đá tảng, Nghĩa cũng có thể mài cho con dao của mình sắc như nước. Vốn là lính trinh sát con dao găm là một vũ khí lợi hại trong tay Nghĩa, nhưng Nghĩa lại chỉ dùng nó để cạo râu. Nghĩa có một bộ râu mọc cực kỳ vô tổ chức cái dài, cái ngắn, cái cứng, cái mềm, cái quặp vào cái vểnh ra trông đến tức cười. Và chỉ hai ngày không cạo bộ râu của Nghĩa đã rậm đến nỗi có thể dùng dây mà buộc túm lại dưới cằm.  Ngày em đi bộ đội- Nghĩa bảo - Mai nhà em đã chuẩn bị cho em mấy chục hộp banh xà lam. Mai nhà em bảo rằng, anh dùng hết chỗ dao này thì về cưới em. Vậy mà…Nghĩa hay dùng cái cụm từ “Mai nhà em” để nói về cô bạn gái đã nặng lời thề ước ở quê nhà. Nhân cầm con dao găm của Nghĩa lên tay, nhìn lưỡi dao đã mòn đi đến hơn nửa. Nhân cũng thở dài cùng Nghĩa.

Màn đêm đang yên tĩnh bỗng nhiên vang lên những tiếng đề pa của cối 60 ly và những tiếng nổ đanh, gọn của những quả đạn cối nhằm vào nơi trú quân của trung đội Nhân lúc chiều. Nhân đứng dậy quan sát, bọn chúng bắn không nhiều, không có dấu hiệu dọn đường cho một đợt tấn công. Rõ ràng đây chỉ là một trận tập kích bằng cối 60. Chỉ có một điều lạ là dù trời tối như mực mà những quả đạn cối “như có mắt” của bọn tàn quân lại tìm đến đúng những công sự được làm hết sức sơ sài. Qủa đầu tiên, rơi vào gần gốc cây thốt nốt nơi Nhân mắc võng. Chín quả còn lại được chia đều ra vị trí trú quân của ba tiểu đội. Nếu mình không cảnh giác chắc chắn cả trung đội đã bị xóa sổ chỉ bởi mười quả đạn cối rất lợi hại này. Nhân đưa mắt nhìn vào phum STieeng, cả phum vẫn im lìm không có lấy một ánh đèn, một bước chân người hay tiếng gọi nhau hốt hoảng chỉ có tiếng những con chó xủa lên oăng oẳng, tiếng những con bò giống lên ò ò hoảng hốt. Nghĩa cũng đã đứng dậy thản nhiên đưa lưỡi dao cạo sồn sột dưới cằm.

- Có chỉ điểm anh ạ.

Nhân gật đầu, diễn biến của màn trình diễn cối 60 vừa rồi cho thấy bọn tàn quân Pôn Pốt đã nắm rất chắc vị trí đóng quân của ta ban ngày. Bọn chúng đã chuẩn bị phần tử rất kỹ chỉ chờ đến giờ là thả đạn vào nòng.

- Đêm mai chúng sẽ lại tiếp tục. Cậu truyền lệnh cho các tiểu đội chỉ để lại những vọng gác bên ngoài còn lại bí mật di chuyển về vị trí cũ.

- Em hiểu rồi. Anh đang chơi trò ú tim.

Nhân mỉm cười trong đêm. Trò ú tim. Không hiểu tại sao, Nghĩa lại nghĩ ra cái cụm từ này? Ở mặt trận với cái chết cận kề mà những người lính lại luôn nhìn nhận sự việc một cách đơn giản như vậy. Có lẽ vì thế mà mọi hy sinh mất mát, bớt nặng nề hơn chăng. Nhân cũng thấy thích cách diễn đạt như thế này mặc dù nó hoàn toàn không đúng với bản chất của sự việc.

Khi các chiến sỹ đã trở về đúng vị trí như kế hoạch, Nhân lặng lẽ đi vào mắc võng ở chỗ cũ. Nhìn cái hố khá sâu do quả đạn cối của địch đào lên ngay cạnh võng Nhân thầm thán phục trình độ của tên pháo thủ. Kinh nghiệm mấy năm quần nhau với bọn Pôn Pốt cho Nhân hiểu một điều rằng. Chúng đều là những tên lính dạn dầy kinh nghiệm.

Chui vào nằm trong võng, rém màn cẩn thận. Muỗi ở Căm Pu Chia nhiều hơn cả châu chấu châu Phi. Đất nước Biển Hồ, hệ thống sông suối chạy nhằng nhịt, độ ẩm cao đấy là những điều kiện thuận lợi cho côn trùng phát triển. Nếu ngủ mà không mắc màn thì không chết vì súng đạn cũng chết vì sốt rét ác tính. Những con muỗi đói ngửi thấy hơi người rống lên o o bên ngoài màn khiến Nhân chưa thể chợp mắt. Có một cái gì đó giống như linh tính mách bảo cho Nhân biết rằng; “Trò ú tim” này, đêm nay vẫn chưa kết thúc. Cái chết vẫn đang rình rập đâu đây. Nhân đưa tay vuốt nhẹ theo thân khẩu súng tiểu liên đang đặt trên bụng dọc theo thân người, khẩu súng bao giờ cũng nhồi đủ 31 viên đạn. Ngón tay trỏ vô tình đặt vào cần định cách bắn. Đúng lúc đó Nhân cảm thấy có người đang nhẹ nhàng tiến lại gần võng của Nhân. Hết sức nhẹ nhàng Nhân khẽ đẩy cần định cách bắn về nấc liên thanh, hướng nòng súng về phía người đó, ngón tay trỏ căng dần trên vành cò.

Bóng đen tiến lại gần võng, gần đến mức Nhân có thể nhận ra đó chính là AVi cô gái ở trong ngay cái nhà trước mặt. Nhân bỗng nhiên nhớ lại chiều nay, khi hành quân đến con suối ngoài phum, mặt mũi của anh em trong trung đội ai nấy đều nóng bừng như lên cơn sốt, đưa tay lên vuốt những giọt mồ hôi tưởng tượng trên mặt chỉ thấy lổn nhổn bụi đất và cát. Vừa nhìn thấy dòng nước suối ai nấy đều như muốn quẳng ba lô súng ống mà cúi đầu xuống vốc cái dòng nước suối mát lạnh vã lên mặt cho thật thỏa thích. Nhưng cũng chính vào lúc ấy Nhân bỗng nghe thấy tiếng cười khinh khích. Cả trung đội sững sờ khi nhìn thấy hơn chục cô gái Khơ Me đang tắm dưới suối. Những cô gái cuốn xà rông cao trên tầm ngực để lộ những đôi cánh tay trần rám nắng và bờ vai tròn lẳn. Phát hiện thấy có bộ đội Việt Nam đi qua họ vội ngừng lại, lên bờ rồi thành một hàng len lén đi về phum. Nhìn những bộ xà rông sũng nước dính chặt vào những tấm thân mềm mại đang lặng lẽ lướt qua trước mắt, Nhân cảm thấy bao nhiêu mệt nhọc như tan biến. Nhân chú ý nhiều đến cô gái đi cuối hàng, bởi nàng có thân hình trông giống như một vũ nữ Apxara mà Nhân đã nhiều lần mơ thấy sau khi chiêm ngưỡng những bức điêu khắc trong đền Ăng Co. Khi sang Căm Pu Chia, Nhân đã có dịp đi thăm đền Ăng co. Nhiều đêm sau đó, Nhân đã mơ thấy những vũ nữ Apxara bước ra từ kỳ quan thứ 8 của nhân loại ấy mang vũ điệu Apxara đến vùng kinh bắc quê anh, vũ điệu Apxara hòa quện cùng giai điệu thiết tha trữ tình của làn Quan Họ quê anh.  Những người vũ nữ trong mơ với thân hình mềm mại, với đôi mắt  dịu hiền đã truyền đến cho Nhân niềm khát khao vươn tới cái đẹp vĩnh hằng. Nhân đã luôn ước ao đất nước tươi đẹp này tắt đi tiếng súng, tắt đi những ngọn lửa hận thù để vầng dương luôn tỏa sáng trên đỉnh tháp Ăng Co. Phải chúng ta chiến đấu không phải để gieo rắc hận thù, mà chúng ta chiến đấu để cho điệu múa lời ca của hai dân tộc hòa quyện vào nhau.

Nhân lặng nhìn theo người con gái mà ngay từ đầu đã khiến Nhân liên tưởng đến người vũ nữ trong những giấc mơ không có thực của anh. Bên tai Nhân, một cậu chiến sỹ nào đó đang ước thầm “ Quay lại cho anh ngắm một tý em ơi” thì nàng bất ngờ quay đầu lại. Nhân sững sờ trước một đôi mắt dài, đen láy được trang điểm bởi một hàng mi thanh tú. “Người đẹp STieeng” Nhân thầm đặt cho nàng cái tên ấy. Chỉ có điều, đôi mắt mê hồn của “Người đẹp STieeng”, lại lóe lên những tia lửa hận thù. Nhân thoắt rùng mình. Cái cảm giác bất an dấy lên trong Nhân kể từ giây phút ấy.

Có tiếng bới đất nhè nhẹ, cùng với hơi thở gấp gáp ngay cạnh mình. Avi đang bí mật gài mìn để ám sát Nhân. Trong đầu Nhân lướt qua hình ảnh về vụ ám sát Hải, người tiền nhiệm của mình. Hải cũng nằm trong võng mắc cạnh nhà dân như Nhân hôm nay. Khi thức dậy vừa sỏ chân vào giầy đứng dậy thì một quả mìn zíp đã đặt sẵn dưới đế giầy phát nổ. Kịch bản ấy lại đang lặp lại với Nhân. Bằng một động tác trở mình giống hệt như một người ngủ say trở mình trên võng, họng súng của Nhân đã chĩa thẳng vào mặt Avi.

Mình chỉ cần lẩy cò - Nhân nghĩ - Nhưng rồi đôi mắt dịu hiền của người vũ nữ trong mơ lại hiện lên ám ảnh Nhân. Không! Bằng mọi giá, dù phải đổi bằng tính mạng của mình ta cũng phải dập tắt những tia lửa hận thù trong mắt nàng. Trả lại cho đôi mắt đẹp mê hồn của nàng cái nhìn dịu hiền làm say đắm lòng người. Ngón tay trỏ của Nhân từ từ rời khỏi vòng cò.

Avi, có lẽ đã làm xong công việc của mình. Nàng vội vã đứng dậy, hấp tấp chạy nhanh về nhà.

Có tiếng gà gáy rộn rã cất lên. Để tự trấn an mình, Nhân nhìn lên bầu trời sao huyễn hoặc. Người ta bảo mỗi con người đều có một vì sao chiếu mệnh. Vậy đâu là vì sao chiếu mệnh của Nhân?

Cũng chưa cần phải vội. Cần phải nghĩ xem “Người đẹp STieeng” vừa gửi tặng Nhân quả mìn gì? Mìn KP2, mìn K58, mìn 652A…Thời gian bố trí của nàng không nhiều, nền đất lại khá cứng, giỏi lắm nàng cũng chỉ kịp chôn được một quả mìn 652A, cái loại mìn zíp chống Bộ binh chỉ nhỏ như hộp đựng thuốc lào. Nhân nghĩ. Khi biết chắc rằng Avi đã vào hẳn trong nhà. Nhân mới nhẹ nhàng ngồi dậy thận trọng đặt chân xuống đất. Nhân khẽ nhấc chiếc giầy bên phải đặt ra bên cạnh, rồi dùng tay dò dẫm. Đúng như Nhân dự đoán “Người đẹp STieeng” gửi tặng cho Nhân một quả mìn zíp bên dưới giầy. Rất thận trọng Nhân nhấc quả mìn lên, tháo kíp và  đặt lại như cũ. Nhân lại leo lên võng. “Trò ú tim” này, đêm nay sẽ tạm dừng. Nhưng ngày mai vẫn tiếp tục. Nhân nghĩ và thanh thản chìm sâu vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau, buổi sáng đầu tiên thức dậy ở phum STieeng sau một giấc ngủ ngắn nhưng khá sâu Nhân cảm thấy đầu óc mình tỉnh táo. Những chuyện xảy ra trong đêm qua làm cho anh ngước mắt nhìn lên căn nhà trước mặt. Bất giác Nhân phát hiện thấy ánh mắt của Avi đang kín đáo theo dõi anh. Nàng đang chờ đợi để chứng kiến cái giây phút quả mìn phát nổ dưới chân anh. Dù không quay lại nhưng Nhân biết rằng đôi mắt của “Người đẹp STieeng” đang mở to hết cỡ kinh ngạc nhìn anh. Làm như vô tình Nhân sỏ chân vào giầy và đứng dậy khoan khoái vươn vai hít căng lồng ngực. Nhân mỉm cười; Nàng sẽ còn kinh ngạc biết bao khi biết rằng đêm qua chính nàng đã cận kề bên cái chết.

Vẫn như không có chuyện gì sảy ra, Nhân cúi xuống cầm quả mìn lên ngắm nghía như đứa trẻ con ngắm nghía đồ chơi rồi cùng Nghĩa đến gặp Trưởng phum. Đó là một ông già cụt chân đã ngoài 60 tuổi có mái tóc quăn tít và lốm đốm bạc. Ông Trưởng phum kể cho Nhân nghe vợ và con ông đã bị bọn Ăng ca Pôn Pốt dùng cuốc bổ vào đầu, còn ông bị chúng dùng lá cây thốt nốt cưa chân. Vậy mà, con rể của ông lại đi theo bọn tàn quân. Ông chỉ ra ngoài rừng: Không biết bao giờ chúng nó mới tỉnh ngộ. Nhân bảo với ông Trưởng phum rằng; Để bảo đảm an toàn cho nhân dân, hôm nay bộ đội Việt Nam sẽ giúp nhân dân đào hầm trú ẩn. Mỗi nhà cần phải có một cái hầm khi có tiếng súng nổ tất cả phải xuống hầm. Ông Trưởng phum hỏi ; Tại sao, bộ đội Việt Nam không lo đào hầm cho mình mà lại đi đào hầm cho dân? Nhân bảo rằng: Đào hầm cho dân xong bộ đội sẽ đào hầm cho mình. Ông Trưởng phum bảo rằng; Ở phum STieeng nhà nào cũng có một cái hầm trú ẩn dưới chân cầu thang rồi. Nhân cùng ông ta đi kiểm tra và quả nhiên thấy lời ông ta là đúng.

Vậy mà, đêm qua khi bọn địch tập kích vào phum không một ai xuống hầm? Nhân không nêu câu hỏi ấy ra với ông Trưởng phum nhưng anh đã hiểu giữa những người dân và bọn tàn quân đang lẩn trốn ngoài rừng đã có sự thỏa thuận từ trước. Quan hệ huyết thống - Nhân thở dài. - Biết làm sao được.

*

Đã có dụng ý từ trước. Nhân đi hết lượt các nhà trong phum rồi mới đến nhà Avi. Từ xa anh đã nhìn thấy nàng đang hướng dẫn hơn chục em gái tập múa Aspxara. Ông Trưởng phum quay lại bảo Nhân.

- Avi là vũ nữ cung đình đã thoát chết trong một vụ thảm sát của Ăng ca Pôn Pốt. Bộ đội Việt Nam có thích xem múa Aspxara không?

Nhân gật đầu.

- Bác có thể bảo cô ta biểu diễn cho chúng cháu xem một vũ điệu được không?

Ông Trưởng phum bước lạị cạnh Avi, không hiểu ông nói gì với Avi chỉ thấy nàng ngước nhìn Nhân với cái nhìn cam chịu. Rồi nàng bước lên nhà sàn, một lát sau nàng đã xuất hiện trong bộ trang phục biểu diễn của người vũ nữ Apxara. Nhân vô cùng xúc động khi biết lời đề nghị của anh đã được nàng chấp thuận. Nhân xin nàng nàng hãy chờ cho một chút rồi anh tập hợp cả trung đội đến xem nàng biểu diễn. Những chiến sĩ tình nguyện say sưa thưởng thức vũ điệu Apxara mà tạm quên đi cái chết vẫn rập rình bên cạnh. Nhân chỉ tiếc một điều rằng mình không kiếm đâu ra một bông hoa tặng nàng để thể hiện lòng ngưỡng mộ. Nhân bước đến cạnh nàng, Avi đột nhiên co rúm người lại, đôi mắt thất thần y như anh đến gần để giết nàng.

- Cám ơn cô gái! - Nhân cười. - Cô múa đẹp lắm. Người Việt Nam chúng tôi có câu “Có đi, có lại mới toại lòng nhau.” sau đây, tôi xin được hát tặng lại cô một bài hát Quan họ quê tôi.

“Làng Quan Họ quê tôi những chiều bao thương nhớ…” Nhân cất tiếng hát. Anh hát không hay nhưng sự nhiệt tình và giai điệu tha thiết, trữ tình của ca từ như có sức lay động lòng người. Avi lặng đi khi nghe anh hát. Nàng không biết tiếng Việt - Nhân nghĩ - Vậy mà, hình như nàng hiểu được nội dung của ca từ và hình như nàng cũng thầm hát cùng anh.

*

Nghĩa chỉ vào nhà cô vũ nữ.

- Em đã phát hiện ra Avi chính là tên chỉ điểm.

- Không những là chỉ điểm mà cô ta còn là một kẻ ám sát. Chỉ có điều, cô ta đẹp thật. Mai nhà cậu có đẹp được như vậy không?

Nghĩa ngạc nhiên nhìn Nhân.

- Phụ nữ mỗi người một vẻ đẹp chứ anh. Vậy anh định xử cô ta thế nào?

- Mình cũng không biết. - Nhân lắc đầu. - Nhưng mình muốn dập tắt những tia lửa hận thù trong mắt nàng.

Một đêm, rồi hai đêm những qủa đạn cối “như có mắt” của bọn tàn quân vẫn tìm đến thăm công sự của trung đội Nhân. Nhưng cũng như buổi tối đầu tiên cả trung đội vẫn im lặng không một phát súng bắn trả. Tranh thủ thời gian Nhân tổ chức hướng dẫn nhân dân xuống hầm trú ẩn khi bọn tàn quân bắn vào. Nhưng đêm đến, khi những quả cối tép thi nhau nổ những người dân vẫn cứ ngủ ngon y như họ đang nghe những tiếng sấm ầm ì báo hiệu những cơn mưa.

*

Đang ngủ Nhân thấy có người lay vai mình. Nhân bàng hoàng mở mắt anh ngạc nhiên khi thấy cô vũ nữ đang đứng nơi đầu võng.

- Lục thum Việt Nam. Pôn Pốt về hàng.

- Xin cô đừng gọi tôi là lục thum. Tôi không phải là ông lớn. - Nhân đáp và  lặng lẽ đi theo nàng. Đêm yên tĩnh, những vì sao nhấp nháy trên bầu trời. Avi đưa Nhân đến nhà ông Trưởng phum. Trong bóng đêm Nhân nhận thấy có 8 người đàn ông gầy gò rách rưới đang ngồi ủ rũ trên sàn nhà. Khi thấy Nhân họ đều ngước những đôi mắt lo âu, hoảng hốt lên nhìn.

- Các anh đều là người của phum STieeng? - Nhân hỏi.

- Vâng! Thưa ông lớn. - Một người trả lời Nhân bằng tiếng Việt.

- Tốt lắm ! Các anh hãy để súng lại đây và ai về nhà nấy. Chúc các anh ngủ ngon.

Cả tám người đàn ông đều ngơ ngác nhìn Nhân. Khi thấy Nhân gật đầu mỉm cười như khẳng định điều mình vừa nói họ lặng lẽ đứng dậy và ra đi.

Đêm nay sẽ có những giọt nước mắt trào dâng vì hạnh phúc. Nhân nghĩ và ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy sao. Cô vũ nữ đến cạnh Nhân. Nàng đưa tay nắm lấy tay Nhân.

- Anh Nhân. Anh đang nghĩ gì vậy.

- Anh đang nghĩ về vũ điệu Apxara. Em có biết không? Ngày bé anh đã từng ước mơ lớn lên mình sẽ là nhà du hành vũ trụ bay lên chinh phục các vì sao. Vậy mà, khi xem em biểu diễn anh lại nghĩ mình quả là ngốc. Trên các vì sao làm gì có vũ điệu Apxara.

- Nhưng ước mơ của anh thật đẹp - Cô vũ nữ nhìn Nhân vẫn bằng đôi mắt đẹp mê hồn. Nàng chìa tay ra, siết chặt tay Nhân. Nhân bỗng cảm thấy người mình nhẹ bỗng rồi anh cùng nàng bay lên, bay lên đến với các vì sao tuổi thơ của anh.

Bỗng có một cú đập khá mạnh vào tay Nhân. Nhân giật mình choàng tỉnh. Hóa ra anh vừa trải qua một giấc mơ. Nhân dụi mắt. Tại sao mình có thể thiếp đi ngay trong lúc này? Gương mặt với hàng râu mọc vô tổ chức của Nghĩa ghé sát mặt Nhân.

- Bọn địch.

Theo hướng tay Nghĩa chỉ. Nhân đã nhận ra, Avi đang cùng với một nhúm tàn quân Pôn Pốt ở ngay trước mặt. Nhân nhẩm tính có 8 tên tàn quân với 5 khẩu súng. Cánh tay cầm dây giật mìn DH10 của Nhân chợt căng cứng. Hai mắt của Nhân căng ra. Cô vũ nữ và bọn tàn quân vừa hiện ra trong giấc mơ của Nhân, giờ đây họ lại hiện ra bằng xương, bằng thịt trước mắt Nhân. Giữa giấc mơ và hiện thực có gì liên hệ với nhau? Đôi mắt của Nghĩa vẫn chiếu thẳng vào Nhân chờ đợi. Không chỉ mình Nghĩa mà hơn chục chiến sỹ nữa cũng đang chờ đợi hành động của Nhân. Tiếng mìn DH10 sẽ là hiệu lệnh tấn công cho toàn trung đội. Nhân biết điều đó. Cũng như, Nhân biết hơn ai hết rằng chỉ cần sợi dây trên tay Nhân giật nhẹ lên một cái là cô vũ nữ cùng bọn tàn quân Pôn Pốt sẽ bị quả mìn DH10 quét sạch, và một tấm huân chương chiến công chắc chắn sẽ lấp lánh trên ngực Nhân. Nhưng câu nói của ông Trưởng phum lại văng vẳng bên tai “Avi là vũ nữ cung đình đã thoát chết trong một vụ thảm sát của Ăng ca Pôn Pốt.” .Mình có cách sử trí nào khác nữa không? Nàng đã thoát chết khỏi bàn tay tội ác của bọn diệt chủng, giờ đây chả lẽ lại tan xương, nát thịt bởi sức tàn phá khủng khiếp của quả mìn DH10 trong tay Nhân? Tại sao, lại là Nhân chứ không phải ai khác phải làm cái việc khủng khiếp này. Chưa bao giờ Nhân lại cảm thấy căm ghét cái thứ vũ khí giết người trong tay Nhân như thế. Không! Không thể như vậy được. Ta có thể chết đến hai lần chứ ta không thể hủy hoại một vẻ đẹp ngần kia. Nhân muốn gào to lên như vậy. Trong khi, anh vẫn  đủ tỉnh táo để nhận ra bọn tàn quân hình như vẫn chưa thống nhất với nhau về một việc gì đó. Chúng cãi nhau, rồi bỏ ra rừng còn cô vũ nữ lặng lẽ về phum.

Khi bọn tàn quân đã biến mất khỏi trận địa. Nghĩa ngạc nhiên nhìn Nhân.

- Anh làm sao thế? Tại sao lại không đánh.

- Mình cũng không biết. Chỉ biết rằng mình không thể.

Nghĩa trân chối nhìn Nhân. Nhân thở dài.

- Đêm nay sẽ không có chuyện gì nữa đâu. Cậu truyền lệnh cho anh em về nghỉ ngơi. Riêng quả mìn DH10 vẫn để nguyên chỗ cũ. Từ nay đến sáng mai tổ trinh sát của cậu phải bám sát Avi. Phải bắt quả tang cô ta đang mang lương thực tiếp tế cho đồng bọn. Nhớ, cô ta là một vũ nữ, tôi không muốn cậu đối sử với cô ta như kẻ thù.

*

Cái “trò ú tim” này đã đến lúc kết thúc. Nhân nghĩ như vậy, khi tổ trinh sát của Nghĩa bắt được Avi mang lương thực và cả tấm sơ đồ vẽ vị trí trú quân của trung đội anh ra rừng cho bạn tàn quân. Khi Nhân đến nơi nàng nhìn anh, vẫn là những tia lửa hận thù lóe ra từ đôi mắt đẹp đến mê hồn của nàng.

- Thế nào? Cô vũ nữ, tại sao cô lại đi tiếp tế cho địch để sát hại chúng tôi.

- Là địch của các ông nhưng là anh tôi. - Avi bất ngờ trả lời rành rọt bằng tiếng Việt. Điều ấy làm cho Nhân cảm thấy thú vị.

- Cô biết tiếng mẹ đẻ của tôi. Khá lắm, điều đó chứng tỏ cô đã nghiên cứu về văn hóa cũng như lịch sử của đất nước chúng tôi. Tôi hỏi cô câu này và đề nghị cô hãy thành thật. Cô nghĩ gì về những chiến sỹ tình nguyện chúng tôi?

Bất ngờ vì câu hỏi không liên quan gì đến việc làm chỉ điểm hay tiếp tế cho địch. Avi bỗng trở nên lúng túng.

- Cha tôi đã bị các ông giết. Các ông là kẻ thù của tôi.

- Cô có lý. Vậy vợ con ông Trưởng phum bị những người như cha cô, anh dùng cuốc bổ vào đầu. Ông ta lại bị cưa chân bằng lá cây thốt nốt. Vậy, ai là kẻ thù của ông ta?

Ánh mắt của “Người đẹp STieeng” bỗng nhiên nhìn xuống, cố tránh ánh mắt của Nhân. Nàng đã bắt đầu mất đi sự tự tin. Nhân nghĩ thầm.

- Cô là một vũ nữ. Chúng tôi biết, cô đã thoát chết trong một vụ thảm sát của Pôn Pốt. Vậy, chúng không phải là kẻ thù của cô sao? Trả lời tôi đi, cô vũ nữ.

 Không chịu được ánh mắt thẳng thắn, chân thành của Nhân. Avi cúi đầu thở dài.

- Quả tình, tôi chưa nghĩ đến những điều ông nói.

- Tôi cũng tin như vậy. Cô, anh cô, thậm chí cả cha cô có lẽ cũng chưa nghĩ đến những điều như thế. Nhưng câu trả lời của cô khiến tôi tin cô là người thật thà. - Trên môi Nhân thoáng một nụ cười. Anh thận trọng lựa lời để không ghép Avi vào cùng với bọn tàn quân. - Tôi hỏi thật, anh cô và đồng bọn của anh ta  rất tin cô , đúng không?

Cô vũ nữ ngỡ ngàng nhìn Nhân. Nàng không hiểu Nhân đang định đưa nàng đến đâu trong cuộc hỏi cung này. Nàng ấp úng.

- Tôi không biết.

- Vậy mà chúng tôi biết. - Nhân lại cười. - Và chúng tôi cũng biết rằng chỉ có cô mới giúp họ tỉnh ngộ trở về với chân lý. Nhưng trước tiên tôi muốn cô phải tin vào thiện chí của chúng tôi.

Cô vũ nữ ngước mắt nhìn Nhân. Ánh mắt của nàng từ sự ngỡ ngàng đã chuyển sang bạo dạn. Nàng nhếch môi cười vẻ ngạo mạn.

- Dựa vào cái gì? Dựa vào những lời nói của ông thôi ư?

- Không ! - Nhân lắc đầu. - Dựa vào việc làm của chúng tôi. Cô phải biết rằng từ hôm chúng tôi đến đây cô, anh cô và đồng bọn của anh ta luôn tìm cách để giết chúng tôi. Tôi hoàn toàn tin rằng cô sẽ không nương tay nếu có cơ hội. Trong khi chúng tôi thì ngược lại, chúng tôi chiến đấu vì sự sống của nhân dân cô trong đó có cô, anh cô và đồng bọn của anh ta. Bởi, chúng tôi biết cô và họ là những người lầm đường lạc lối. Nếu muốn giết cô tôi đã có thể bắn vỡ đầu cô ngay đêm hôm đầu tiên khi cô đang bới đất để đặt mìn dưới giầy của tôi.

- Hả ? - Cô vũ nữ sững sờ nhìn Nhân. - Nghĩa là…

- Nghĩa là tôi có đầy đủ lý do và cơ hội để giết cô. Nhưng tôi đã không làm việc đó. Tôi không chịu được nếu cô chết đi mà không hiểu được thiện chí của chúng tôi. Tôi không chịu được nếu như đôi mắt xinh đẹp của cô khép lại với những tia lửa hận thù.

- Ông đừng ngụy biện. Chả qua là ông sợ không dám giết tôi. Nếu ông giết tôi thì anh tôi và các bạn của anh tôi sẽ trả thù.

- Cô lại có lý. - Nhân gật đầu cười. - Cái chết của cô sẽ đẩy anh cô và đồng bọn của anh ta đi nhanh hơn đến cái chết. Và cái chết của họ, cô biết đấy sẽ lại đẩy nhiều người khác đi đến cái chết. Lòng hận thù mù quáng sẽ dẫn đến những cái chết cực kỳ vô lý. Nhưng cô phải biết rằng. Một nhúm tàn quân đói khát, chúng tôi tiêu diệt lúc nào mà chả được. Mời cô đi cùng tôi.

Avi ngỡ ngàng nhưng rồi cùng theo Nhân và các chiến sỹ đi đến trận địa phục kích của trung đội Nhân đêm qua. Nhân dừng lại nhìn nàng.

- Cô có nhận ra chỗ này không?

Cô vũ nữ bàng hoàng, hai chân như muốn khụy xuống, hai mắt mở to như không hiểu Nhân vừa hỏi gì.

- Nếu cô không nhớ thì tôi nhắc cho cô. Đêm hôm qua cô cùng tám người đàn ông nữa đã dừng ở đây. Tám người nhưng chỉ có năm khẩu súng đúng vậy không? Và đây, cũng chính là ổ phục của chúng tôi.

Nhân bước lại vạch bụi cây bên đường. Hai chân của cô vũ nữ run rẩy. Đôi mắt nàng mở to tưởng đến rách cả mi mắt khi nhìn thấy quả mìn DH 10 gài  trong bụi cây.

Giọng Nhân vẫn bình thản.

- Quả mìn này đã chờ ở đây ba đêm. Đêm qua nếu tôi điểm hỏa…

Người đẹp STieeng trân chối hết nhìn Nhân rồi lại nhìn quả mìn DH10. Nhân nhận ra nàng đã hoàn toàn bị anh chinh phục. Nhân mỉm cười độ lượng bảo các chiến sỹ đưa trả cho nàng cái túi đựng thức ăn, anh còn đưa cho nàng cả một ba lô gạo.

- Đi đi. Cô gái, cô hãy mang những thứ này đến cho anh cô và đồng bọn của anh ta. Ba lô gạo này là của chúng tôi gửi cho họ ăn cho đến khi tỉnh ngộ. Hãy mang thiện chí của chúng tôi tới họ.

Nhân ra hiệu cho các chiến sỹ của mình đi về phum. Cô vũ nữ đứng như trời trồng nhìn theo. Khi những chiến sỹ tình nguyện Việt Nam gần đi khuất nàng bỗng bàng hoàng chạy theo.

- Lục thum… Việt Nam.

Nhân dừng lại, cô vũ nữ vừa thở hổn hển vừa nhìn Nhân cầu khẩn.

- Lục thum …Nếu họ trở về các ông sẽ làm gì?

- Xin em đừng gọi tôi là ông lớn. Tôi không phải là ông lớn, và cũng không bao giờ là ông lớn đối với em - Nhân cười - Người Việt Nam chúng tôi có câu: “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người quay trở lại”. Nếu họ trở về, đối sử với họ như thế nào đấy là việc của nhân dân cô.

Cô vũ nữ nhìn Nhân với ánh mắt hoàn toàn tin cậy. Nàng quả quyết.

- Hôm nay tôi sẽ dẫn họ về.

Nhân gật đầu.

- Tôi biết. Và tôi tin, cô sẽ làm được việc đó.

Nhân chìa tay ra. Cô vũ nữ e ngại bước lại nắm chặt lấy tay Nhân.

Và lạ chưa, Nhân lại có cảm giác như anh lại đang cùng nàng bay lên, bay lên đến các vì sao tuổi thơ của anh.