(Thứ sáu, 19/11/2021, 05:59 GMT+7)

“Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị và hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế. Là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”. Với vị trí chiến lược và tầm quan trọng của Thủ đô Hà Nội, trên các cương vị Cục trưởng Cục Tác chiến, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là 10 năm (2006-2016) trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình và dành sự quan tâm hết sức to lớn với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội nói chung, tới công tác quân sự, quốc phòng và lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Cùng với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, với Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sắc và chặt chẽ của ông tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang Thủ đô có bước trưởng thành, tiến bộ vượt bậc trong thời kỳ mới.

Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội có lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành gắn liền với lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội trong chiến tranh giải phóng, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước. Từ những đội tiền thân như Đoàn Thanh niên xung phong Hoàng Diệu, Đội Danh dự Việt Minh, Đội Công nhân xung phong… đến Chiến khu 11, Mặt trận Hà Nội, Thành đội Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô (trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ). Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trước tình hình mới, ngày 5 tháng 3 năm 1979, Đảng, Nhà nước quyết định thành lập Quân khu Thủ đô Hà Nội. Địa bàn Quân khu gồm thành phố Hà Nội. Đến tháng 8 năm 1999, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Chỉ quân sự thành phố Hà Nội, đồng thời tháng 9 năm 1999 quyết định điều chuyển Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây thuộc Quân khu 3 về trực thuộc Quân khu Thủ đô Hà Nội.

Năm 2008, đáp ứng yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội nói riêng, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 ngày 29 tháng 5 năm 2008, đã ra Nghị quyết số 15/2008 NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan; hợp nhất thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, sáp nhập huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung) thuộc tỉnh Hòa Bình vào thành phố Hà Nội. Cùng với đó, ngày 16 tháng 7 năm 2008, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết ký Lệnh số 16/2008/L-CTN về việc tổ chức lại Quân khu Thủ đô Hà Nội thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. “Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, chịu sự quản lý, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có chức năng tham mưu cho Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân và công tác quân sự địa phương, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng tại địa phương; tổ chức thực hiện việc xây dựng, quản lý, chỉ huy các đơn vị lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ thuộc quyền”. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1 tháng 8 năm 2008; cùng thời điểm bước vào hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể thành phố Hà Nội mới sau khi hợp nhất.

Ngày 10 tháng 7 năm 2008, Bộ Chính trị ra quyết định chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, các Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội gồm hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Tây trước ngày hợp nhất. Tôi vinh dự được có tên trong danh sách Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ngày 28 tháng 7 năm 2008, được Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Đại tá Phùng Đình Thảo, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thủ đô được bổ nhiệm làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. 7 năm thực hiện nhiệm vụ Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Phùng Quang Thanh, trước đó có hai lần được gặp và làm việc với ông trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trong năm 2003 khi ông về thăm và kiểm tra Đào tạo thí điểm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn - nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao cho tỉnh Hà Tây thực hiện và cuối năm 2004, ông tới dự Hội nghị Tổng kết 15 năm xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc (2004) do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây tổ chức. Lần thứ ba là khi trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 23 tháng 7 năm 2008, ông về thăm và kiểm tra Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây trước ngày tổ chức lại Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Tôi cảm nhận ông đã dành sự quan tâm hết sức sâu sắc và to lớn tới việc nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kết hợp quốc phòng với kinh tế, quốc phòng với an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu Thủ đô nay là lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội. Tôi còn nhớ chỉ trong tháng 7 năm 2008, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành tới 6 ngày thăm và kiểm tra, nắm tình hình tại Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Nội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây, Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô Hà Nội, chủ trì Hội nghị của Thường vụ Quân ủy Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng, quán triệt nhiệm vụ với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô Hà Nội, các đồng chí cán bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội mới được bổ nhiệm, chủ trì Hội nghị bàn giao giữa Tư lệnh Quân khu Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, trao các con dấu cho Bộ Tư lệnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ngày 30 tháng 7 năm 2008, Đại tướng Phùng Quang Thanh chủ trì buổi Lễ công bố Lệnh số 16 của Chủ tịch nước tổ chức lại Quân khu Thủ đô Hà Nội thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội với sự có mặt đầy đủ của các đồng chí trong Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu các cơ quan Bộ Quốc phòng, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị.

Tại buổi Lễ, sau khi công bố lệnh số 16 của Chủ tịch nước, Đại tướng Phùng Quang Thanh trao Quân kỳ Quyết thắng và phát biểu giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phải quán triệt đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng ta, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện công tác quân sự, quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội vững mạnh trong tình hình mới. Tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng trên địa bàn, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô, bao gồm các đơn vị thường trực, lực lượng dự bị động viên và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội ngày càng vững chắc. Trong suốt những năm sau này, ông thường xuyên quan tâm, căn dặn Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên địa bàn. Chủ động phối hợp, hiệp đồng với công an nhân dân Thủ đô bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, chủ động tham mưu và làm tốt việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh…

Quán triệt nhiệm vụ trên giao và tổ chức thực hiện vào thời điểm thành phố Hà Nội vừa mở rộng địa giới hành chính, Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đang triển khai các hoạt động tiến tới Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đứng trước thời cơ và những thuận lợi rất cơ bản. Đó là được thực hiện nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn Thủ đô ngàn năm văn hiến, có sức mạnh tổng hợp của lịch sử, truyền thống văn hóa và anh hùng, có tiềm lực kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, lại được kế thừa và phát huy truyền thống của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội anh hùng… Tuy vậy, thời điểm này cũng có không ít những khó khăn, thách thức. Đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam mà Thủ đô Hà Nội là trọng điểm… Thiên tai bão lũ xảy ra nhiều, nhất là trận lũ lớn lịch sử chưa từng có xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2008. Công tác tại môi trường đô thị nhưng đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhất là người hưởng lương còn không ít khó khăn, nhất là về nhà ở. Yêu cầu mới về tổ chức, biên chế của cơ quan Bộ Tư lệnh và các đơn vị đòi hỏi “tinh, gọn, mạnh”, nên số dư biên chế sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng rất lớn, tác động không nhỏ tới tâm tư, tình cảm của cán bộ, nhân viên, nhất là ở ba cơ quan Quân khu Thủ đô Hà Nội, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Nội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây và ba trường quân sự Quân khu, Hà Tây và Hà Nội cùng một số đơn vị khác… Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hợp nhất các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội từng nói: “… nếu ở các Ban, Ngành, Đoàn thể thành phố Hà Nội là hai trong một thì ở Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là ba trong một…” Rồi những tồn tại bộc lộ phát sinh phải giải quyết sau khi tổ chức lại… Có lẽ đó là những vấn đề khó khăn, trăn trở nhất của Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ, trong khi cùng lúc phải tích cực, kịp thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh, cùng biết bao bề bộn công việc của thành phố Hà Nội những ngày đầu hợp nhất và mở rộng địa giới hành chính.


Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm, động viên cán bộ, giáo viên, học viên
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (tháng 4 năm 2010)

Để bước đầu ổn định tổ chức biên chế của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu đã ban hành biểu biên chế lâm thời của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Thường vụ Quân ủy Trung ương ban hành Công văn số 57 (về việc giải quyết số dư cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội), hoàn thành thực hiện trong hai tháng 7 và 8 năm 2009, Bộ Tổng Tham mưu có quyết định điều động 600 đồng chí quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng về các đơn vị khác trực thuộc Bộ, thực hiện xong trước ngày 30 tháng 12 năm 2008.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Thành ủy Hà Nội về tổ chức biên chế mới về giải quyết số dư sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có Nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ, nhất là cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ mới. Tổ chức quán triệt đến từng Chi bộ, Đảng bộ và các đơn vị cơ sở. Thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch về tổ chức, biên chế, tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ để các cấp ủy, Chi bộ, Đảng bộ xác định về đề xuất nhân sự từ cơ sở.

Do thực hiện đúng đắn công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách nên đến tháng 12 năm 2009, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã ổn định tổ chức, biên chế mới. Các cơ quan Tư pháp: Viện Kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự, Cơ quan điều tra hình sự. Đoàn nghi lễ 781 được chuyển giao thuộc Bộ Quốc phòng. Ba trường quân sự được tổ chức lại thành một trường quân sự nhưng thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của trường quân sự cấp quân khu và tỉnh, thành phố trước đây. Tổ chức lại Trung đoàn Thiết giáp 47 (thiếu) thành Tiểu đoàn Thiết giáp 47 nhưng được trang bị đầy đủ xe thiết giáp và vũ khí trang bị. Trung đoàn bộ binh (KTT) 854 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây được biên chế trực thuộc Sư đoàn bộ binh 301 (Trung đoàn bộ binh 854 mà tiền thân của nó là Trung đoàn bộ binh 12 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây đã huấn luyện gần 80 tiểu đoàn bộ binh tăng cường cho chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước). Đồng thời, giải quyết cho gần 1.000 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ theo chính sách của Nhà nước do giảm biên chế hoặc được Bộ Quốc phòng điều chuyển về các đơn vị khác. Sau này, từ thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã đề nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng điều chỉnh biên chế mới, bổ sung chức danh biên chế, trần quân hàm, tạo sự yên tâm, phấn khởi, hoàn thành tốt nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, nhất là khối cơ quan Bộ Tư lệnh và Trường quân sự. Tháng 7 năm 2009, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng đã tổ chức di chuyển Sở Chỉ huy và nơi làm việc của cơ quan Bộ Tư lệnh về vị trí mới (diện tích gấp hai lần vị trí cũ) trước 5 tháng so với quy định, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương.

Nắm vững yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa bàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chủ động, tích cực tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, công tác quân sự địa phương, tăng cường quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng, kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trên địa bàn. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu với Thành ủy ban hành nhiều Văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị lãnh đạo, Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội ngày càng vững mạnh toàn diện. Trong đó ban hành Chỉ thị mới về thực hiện Chỉ thị 12 của Bộ Chính trị về “Tăng cường giáo dục quốc phòng - an ninh trước tình hình mới”, trong đó xác định các cấp ủy thuộc thành phố khi bổ nhiệm, đề bạt cán bộ phải xem xét tiêu chí, tiêu chuẩn đã qua Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh để nâng cao nhận thức, trình độ toàn diện.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bầu sau khi hợp nhất nhanh chóng kiện toàn hàng loạt các cơ quan chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và công tác liên quan. Cùng với đó là quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể với từng thành viên như: Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố; Thành lập các ban chỉ đạo giáo dục quốc phòng - an ninh; Phòng không nhân dân; Tìm kiếm cứu nạn; Phòng thủ dân sự; Đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão; Phối hợp với Sở Y tế đề xuất thành lập Ban quân dân y kết hợp. Đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ cấp thành phố để chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thực hiện. Các Ban Chỉ đạo cấp thành phố thực hiện Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết chế độ, chính sách cho quân nhân phục viên, xuất ngũ trước 30 tháng 4 năm 1975. Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết chế độ cho quân nhân đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế…

Đã tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng trên địa bàn; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm chế độ chính sách và công tác thi đua khen thưởng. Trong đó tập trung thực hiện tốt những vấn đề mới và khó như “Quy hoạch xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội”. Tổ chức xây dựng công trình phòng thủ ở các khu vực trọng điểm, các căn cứ hậu phương bằng ngân sách địa phương. Thành phố đã cơ bản hoàn thành đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn chương trình Trung cấp (sau khóa đào tạo thí điểm cho toàn quốc tại tỉnh Hà Tây năm 2002) được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3, đồng thời tích cực triển khai thực hiện đào tạo chương trình Đại học theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Thành phố đã dành ngân sách địa phương đào tạo được số lượng lớn sĩ quan dự bị bổ sung cho số còn thiếu theo chỉ tiêu động viên quân nhân dự bị được Thủ tướng Chính phủ giao. Hằng năm, thực hiện có nền nếp chế độ đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, đăng ký quản lý sĩ quan dự bị, đăng ký quân nhân dự bị hạng 1, hạng 2 và đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố ban hành “Nghị quyết về xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố. Là tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước có Nghị quyết chuyên đề về thực hiện nhiệm vụ này.

Trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, Đại tướng Phùng Quang Thanh không chỉ quan tâm chỉ đạo những nhiệm vụ mang tính chiến lược, ông còn quan tâm chỉ đạo giải quyết những vấn đề cụ thể, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Khi biết trong đội hình đóng quân của Sư đoàn bộ binh 301 còn để Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn bộ binh 692 ở khu vực Ba La - phường Yên Nghĩa - quận Hà Đông, ông chỉ đạo: “Bộ Tư lệnh nên đưa Tiểu đoàn 5 về đội hình Trung đoàn ở Sơn Tây, khi nào xây dựng xong doanh trại cho đơn vị, tôi sẽ lên thăm”. Đó là một quyết định rất đúng đắn, thời bình các đơn vị chủ lực cần được quản lý tập trung. Mặt khác, phương tiện vận tải mới được thành phố Hà Nội bảo đảm và hệ thống đường giao thông mới phát triển, khi có tình huống xảy ra, việc cơ động lực lượng vào trung tâm Thủ đô chỉ mất vài chục phút. Có đôi lần, Đại tướng dặn tôi với giọng nói rất nhẹ nhàng: “Anh Tuấn chú ý vấn đề tuyển quân của Hà Nội!” Chỉ vậy thôi, nhưng tôi hiểu Bộ trưởng nhắc nhở điều gì, vì ông là người rất gần gũi với cán bộ, nhân dân và chiến sĩ, có rất nhiều thông tin.

Kết hợp với việc ngay sau khi hoàn thành tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đợt 2 năm 2008 (sau khi hợp nhất Hà Nội và Hà Tây), Ủy ban kiểm tra Thành ủy tổ chức kiểm tra đột xuất ở một quận nội thành về công tác này, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, tôi có đề nghị đồng chí Trưởng đoàn kiểm tra gửi cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội một bản kết luận kiểm tra của đoàn công tác, làm cơ sở để Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện và tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố có các biện pháp chỉ đạo mới.


Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp gỡ, động viên chiến sĩ Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về địa phương (tháng 1 năm 2013)



Đại tướng Phùng Quang Thanh động viên chiến sĩ mới lên đường nhập ngũ
tại huyện Đan Phượng, Hà Nội vào ngày 25 tháng 3 năm 2013

Năm sau, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chuẩn bị văn bản, tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chỉ thị về công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, xác định nhiệm vụ này đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Yêu cầu phải thực hiện chặt chẽ công tác sơ tuyển ở cấp xã, phường, thị trấn về các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, sức khỏe, văn hóa và diện chính sách miễn, hoãn trước khi điều khám sức khỏe ở cấp quận, huyện, thị xã. Không được điều khám sức khỏe quá 3 người trên một chỉ tiêu giao quân, khắc phục việc gọi khám sức khỏe nhiều, hạn chế thấp nhất tỷ lệ phát lệnh gọi nhập ngũ dự phòng; tăng cường công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng và thành viên Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp. Đánh giá thực hiện chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, thi đua khen thưởng kịp thời. Quá trình thực hiện, phát hiện một số vi phạm của cán bộ quân sự cấp quận, huyện và cơ sở đã xử lý kỷ luật, kiên quyết và kịp thời. Kết quả công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của thành phố Hà Nội đạt chuyển biến mới, bảo đảm số lượng, chất lượng, nhiều năm số công dân có trình độ tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp nhập ngũ đạt tỷ lệ trên 40%, có nơi trên 60%, cao nhất cả nước. Kết quả đó giúp nâng cao chất lượng chiến sĩ mới của các đơn vị, giúp cho quân đội có thể sử dụng, giảm bớt số lượng đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Với việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp các ngành chức năng của thành phố, tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm túc Luật Dân quân tự vệ mới ban hành, đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố quyết định chính sách với cán bộ quân sự cơ sở có nội dung cao hơn quy định chung của Nhà nước.

Cùng với việc xây dựng, chuẩn bị, tăng cường tiềm lực mọi mặt của khu vực phòng thủ, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ động đề xuất với lãnh đạo thành phố xây dựng kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ cấp thành phố vào giữa nhiệm kỳ 2010-2015, thực hiện nghiêm quy định của Trung ương, các cấp huyện, tỉnh, thành phố tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ một lần trong một nhiệm kỳ, vừa là dịp thành phố làm mẫu để các quận, huyện học tập, rút kinh nghiệm. Tôi còn nhớ một buổi sáng trước khi triển khai diễn tập, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho gọi tôi lên làm việc. Ông nói: “Cơ quan đã chuẩn bị Chỉ thị về diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2013, nhưng tôi chưa ký. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cần báo cáo với anh Phạm Quang Nghị (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội) và anh Nguyễn Thế Thảo (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố) thống nhất về nội dung diễn tập sau đó báo cáo tôi, tôi sẽ ký Chỉ thị thực hiện”.

Khi nghe Đại tướng nói vậy, lại hiện lên trước mắt tôi hình ảnh về một số cuộc diễn tập khu vực phòng thủ ở tỉnh Hà Sơn Bình và Hà Tây trước đây mà tôi được tham dự với các cương vị khác nhau. Quá trình chuẩn bị đã xảy ra sự tranh luận đầy tinh thần trách nhiệm, rất nghiêm túc và có những lúc cũng rất “thẳng thắn” giữa các đồng chí chủ trì lãnh đạo tỉnh với Ban Chỉ đạo và đạo diễn cấp trên về vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo xử lý một số vấn đề, tình huống trong diễn tập. Có thể nói, sự chỉ đạo của Đại tướng Phùng Quang Thanh là một kiểu mẫu về phương pháp làm việc, mối quan hệ về phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, tôn trọng và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, sát thực tiễn của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là với địa bàn thành phố Hà Nội.

Căn cứ chỉ đạo của Bộ trưởng, đã có một cuộc làm việc của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, diễn ra từ 8 giờ sáng tới hơn 11 giờ trưa về nội dung, kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội do đồng chí Trung tướng Nguyễn Trung Thu - Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì. Sau đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã báo cáo Dự thảo kế hoạch và nội dung cuộc diễn tập “Khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2013” với tập thể thường trực Thành ủy do đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì, với sự có mặt của Thủ trưởng Cục Tác chiến. Sau khi nghe báo cáo, nghiên cứu, thảo luận, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất với nội dung, chương trình diễn tập. Chúng tôi đã báo cáo với Bộ trưởng về kết quả buổi làm việc và Đại tướng Phùng Quang Thanh đã ký ban hành chỉ thị thực hiện.

Đồng chí Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (năm 2015, ông được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm Đại tướng), Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp là trưởng ban chỉ đạo của Bộ Quốc phòng chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội.

Ngày 16 tháng 11 năm 2013, khai mạc cuộc diễn tập, Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và theo dõi cuộc diễn tập. Có lẽ hiếm có một cuộc diễn tập khu vực phòng thủ nào lại cùng lúc có mặt ba đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị tới dự như cuộc diễn tập “HN-13” của thành phố Hà Nội.

Sau ba ngày thực hiện, cuộc diễn tập “HN-13” đã thành công tốt đẹp đạt mục đích yêu cầu đề ra. Đây là cuộc diễn tập khu vực phòng thủ với quy mô “một bên hai cấp có một phần thực binh”, vận hành đồng bộ nhất của thành phố Hà Nội thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự công an và các Ban, Ngành tham mưu thực hiện”. Thực binh Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội tiến công tiêu diệt địch đổ bộ đường không có hiệp đồng phối hợp của lực lượng không quân, xe tăng, pháo binh và các đơn vị bộ đội chủ lực, địa phương và dân quân tự vệ thành phố, sử dụng khối lượng lớn vũ khí trang bị với nhiều lực lượng tham gia… nhưng bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng đánh giá kết quả, thành công cuộc diễn tập “HN-13” là cơ sở để Bộ Quốc phòng tiếp tục rút kinh nghiệm, chỉ đạo các quân khu chỉ đạo các tỉnh, thành phố diễn tập trong thời gian tới.

(còn tiếp)

Tác giả: Trung tướng Phí Quốc Tuấn
Nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội
Nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội