(Thứ tư, 03/07/2019, 07:44 GMT+7)

    Sau thành công của Hội thảo Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, Hội đồng họ Phùng Việt Nam sẽ tiếp tục chuẩn bị cho cuộc Hội thảo về tướng quân Phùng Thanh Hòa - trạng vật vùng đất cổ với sự hợp tác của nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu. Sau đây ban biên tập website xin được giới thiệu bài viết của Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân “Đi tìm cách tiếp cận một nhân vật lịch sử: Phùng Thanh Hòa”.


ĐI TÌM CÁCH TIẾP CẬN MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ: PHÙNG THANH HÒA

Phạm Minh Quân[1]

 
  Không một nhân vật lịch sử nào lại không có vai trò của mình, với tư cách là một cá nhân, hay với tư cách là một thành tố trong tập thể, trong việc kiến tạo nên bề dầy lịch sử dân tộc. Việt Nam, với đặc trưng lịch sử là sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập, trong những trang vàng của mình sản sinh ra rất nhiều nhân vật lịch sử hiển hách. Song, rất nhiều nhân vật lịch sử đã bị khuất lấp và lãng quên, bởi bối cảnh điều kiện lịch sử hỗn mang, cũng như bởi sự khan hiếm của dữ kiện sử liệu. Phục dựng lại một nhân vật lịch sử, vì thế, nhằm góp phần tìm ra những phát hiện mới, không chỉ đối với cá nhân họ, mà còn đối với lịch sử thời đại của họ. Những mảnh ghép được phủi lớp bụi mờ lịch sử, sẽ sáng rõ thành tựu, và cuối cùng mang lại một bức tranh toàn cảnh về lịch sử đương thời như một chỉnh thể toàn vẹn.
   Phùng Thanh Hòa là một nhân vật lịch sử như vậy. Ông là một ẩn số. Thử một phép thống kê điểm trên các tài liệu được coi là chính sử/chính thống nổi tiếng, như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược,Khâm Định Việt sử thông giám cương mục,Đại Nam thực lục,… thì tần suất xuất hiện tên của Phùng Thanh Hòa chỉ mang lại con số không. Tuy nhiên, vị thế của Phùng Thanh Hòa lại được xác lập trong kho tàng dân gian và lịch sử địa phương (cụ thể là xã Phùng Xá). Bởi vậy, đặt ra một định đề thú vị, đó chính là minh định nhân vật Phùng Thanh Hòa. Ông là ai? Vị trí của ông trong lịch sử ra sao? Thành tựu nào ông để lại?
   Sự hạn chế của những tư liệu thành văn (những văn bản lịch sử được ghi chép lại), đặt ra đòi hỏi phải có những cách tiếp cận  mới. Với những nhân vật còn tồn tại trong vùng mờ lịch sử, khó khăn về tài liệu vô hình trung lại tạo điều kiện cho người nghiên cứu có thể mở rộng được biên độ tư biện, cho phép suy luận các kiến giải lịch sử, với điều kiện coi chúng là những giả thuyết. Đồng thời, dẫn liệu nghiên cứu một hiện tượng lịch sử không chỉ dừng lại ở nguồn sử được ghi chép (historiography), mà còn có thể đến từ khảo cổ học, lịch sử truyền miệng và văn học dân gian (folklore). Sự nghiên cứu liên ngành có thể được nhận diện qua ba cấp độ đối thoại. Cấp độ thứ nhất, là những đối thoại khởi phát giữa quá trình nghiên cứu của các ngành và cơ sở của chúng là những kết quả nghiên cứu đã có. Từ những trao đổi kết quả nghiên cứu thu được, vốn dĩ chưa được hệ thống, đi đến cấp độ thứ hai là đối thoại cấu trúc, tức phân chia sắp xếp các kết quả nghiên cứu thành các hạng mục. Cấp độ thứ ba, đối thoại phương pháp luận, là sự trao đổi nhằm chỉ ra mối quan hệ giữa những nội hàm tri thức có hình thức khác nhau, có thể thông qua truyền miệng, thành văn (văn bản), hay tồn hiện trong các di sản hữu hình (vật chất). Tuy khác nhau về hình thức, nhưng về bản chất, chúng đều là biểu hiện của lịch sử văn hóa, chứa đựng mọi liên hệ đối với quá khứ.
   Xét trên một phương diện phổ quát, chúng ta sống cùng/bởi lịch sử. Một số triết gia lịch sử phương Tây, như Hegel và Marx, quan niệm con người là một sinh vật lịch sử, hay chính xác hơn là mang tính lịch sử và có ý thức lịch sử. Chúng ta giao tiếp bằng lịch sử, tức lịch sử được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ cá thể này sang cá thể kia. Nietzsche quan niệm ba cách vận dụng lịch sử. Đầu tiên, lịch sử mang tính chất vĩ đại, được sử dụng như là những ví dụ truyền cảm hứng và ủng hộ hành động. Thứ hai, lịch sử mang tính chất cổ xưa, thông qua những truyền thống và biểu tượng để tạo ra sự đảm bảo căn cước, bằng cách tôn sùng và bảo tồn những giá trị còn tồn tại. Thứ ba, lịch sử mang tính chất phê phán, khi những sai lầm và bất công trong lịch sử được vạch rõ để thúc đẩy sự cải tạo thay đổi ở hiện tại. Và một trong những phương tiện trao truyền hữu ích nhất của lịch sử, chính là khía cạnh lịch sử truyền miệng. Nó là thành tố của văn hóa dân gian, thể hiện ký ức tập thể của cộng đồng, là mắt xích quan trọng giữa lịch sử văn hóa và ý thức lịch sử. Ở bối cảnh Việt Nam, thì văn hóa dân gian thường được nhìn nhận là một đặc trưng phổ biến của văn hóa Việt Nam, thậm chí còn được coi là cội nguồn kiến tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc.
   Bởi vậy, nghiên cứu nhân vật lịch sử Phùng Thanh Hòa không có nghĩa đi vào ngõ cụt nếu thiếu sử liệu. Thay vì đi vào sử sách, Phùng Thanh Hòa đã đi vào dân gian. Trên thực tế, những manh mối đầu tiên của Phùng Thanh Hòa lại đến từ thần phả đình Phùng Thôn (làng Bùng, xã Phùng Xá, Thạch Thất) được soạn vào khoảng thế kỷ XVII: “Đại vương họ Phùng, húy là Thanh Hòa, sinh ngày 12 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 8/12/528) ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Ông bà ăn ở phúc đức, hiền lành, gia tư thuộc hạng trung lưu, hay làm việc thiện nên được thiên thần phù hộ sinh ra Ngài.” Căn cứ vào đoạn chép thần phả nói trên, thì Phùng Xá không phải là nơi xuất thân của Phùng Thanh Hòa. Thế nhưng ông lại được người dân tôn thờ là Thành hoàng làng nơi đây, đồng thời, tên gọi Phùng Xá xuất phát từ Phùng Gia Trang (trang của họ Phùng) và tên gọi này chỉ xuất hiện kể từ khi Phùng Thanh Hòa lui về đây lập nghiệp, bởi trước đó nơi đây có tên gọi là An Hoa Trang, thuộc Câu Lậu, Giao Châu. Đoạn trích thần phả sau đây đặc biệt quan trọng, góp phần làm sáng tỏ vị trí sự nghiệp của ông: “Ngày 11 tháng 8 năm Bính Dần, Đại vương (tức Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa) dẫn quân đến Liên Trang, hợp binh cùng nhà vua (Lý Bí) đóng tại hồ Điển Triệt, ra sức sửa sang và đóng nhiều thuyền chiến dàn kín mặt hồ, làm cho quân Lương thấy mà khiếp sợ...” Thần phả đã xác nhận Phùng Thanh Hòa là một nhân vật lịch sử thế kỷ VI, cũng như đi đến một kết luận quan trọng hơn: Sự nghiệp của ông gắn liền với sự nghiệp dựng nước và bảo vệ nước Vạn Xuân của Lý Bí (Lý Nam Đế).
   Trong suốt giai đoạn Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của lịch sử Việt Nam, Lý Bí (503 – 548) nổi lên như một mốc son chói lọi. Bởi ông là người Việt Nam đầu tiên tự xưng là hoàng đế, đặt quốc hiệu nước là Vạn Xuân và niên hiệu riêng là Thiên Đức. Không chỉ là sự kết tinh đỉnh cao của ý thức độc lập dân tộc, mà đây còn là một lời khẳng định đanh thép của nước Nam trong tư thế đối sánh ngang hàng với phương Bắc. Hơn nữa, việc dựng nước Vạn Xuân của Lý Bí chính là tiền đề cho nhà nước tự chủ của nhà Đinh, nhà Lý sau này.
   Nếu coi năm 544 là dấu mốc thành lập nhà nước Vạn Xuân, thì sự nghiệp của Lý Bí có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, là giai đoạn Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi thứ sử Giao Châu lúc đó là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư vào năm 541 và chiếm thành Long Biên. Tiêu Tư vốn vơ vét bóc lột một cách hà khắc tàn bạo, dân chúng không khỏi lầm than. Còn Lý Bí là một hào trưởng tài kiêm văn võ nhận được sự ủng hộ của các thủ lĩnh địa phương, và quy tụ dưới trướng của ông là những quan tướng tài đức như Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc. Đầu năm 542, nhà Lương ép Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng cất quân sang đánh nhưng thất bại tan tác ở Hợp Phố, thiệt hại đến sáu, bảy phần quân. Ở phía Nam, thì Lâm Ấp cũng cướp quận Nhật Nam vào mùa hạ năm 543, khiến Lý Bí phải cử Phạm Tu phá tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức. Cho tới năm 544, khi những mối hiểm họa từ phía Bắc lẫn phía Nam đã tạm thời được dẹp yên, Lý Bí quyết định lên ngôi xưng Đế và xác lập nhà nước Vạn Xuân, lập trăm quan, bổ nhiệm Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ. Họ là những nhân vật chủ chốt trong giai đoạn đầu tiên của Lý Nam Đế.
   Sang đến giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ năm 545, khi nhà Lương cho Dương Thiêu là thứ sử Giao Châu và Trần Bá Tiên làm tư mã, tập hợp quân đội ở châu Quảng và định nhập với quân của thứ sử Định Châu là Tiêu Bột để tiến đánh Giao Châu. Trần Bá Tiên thúc quân đi trước đánh bại Lý Nam Đế ở Chu Diên, rồi lui về cửa sông Tô Lịch thì thua tiếp, Triệu Túc, Tinh Thiều, Phạm Tu tử trận. Chính ở giai đoạn hai này, cùng với Triệu Quang Phục, thì vai trò của Phùng Thanh Hòa mới nổi lên sáng rõ. Trước tình cảnh các công thần dày dạn kinh nghiệm lần lượt hy sinh, Lý Nam Đế đặt niềm tin vào những vị tướng trẻ dũng cảm là Triệu Quang Phục (lúc này 21 tuổi) và Phùng Thanh Hòa (lúc này 17 tuổi). Triệu Quang Phục được phong là Tả tướng quân, Phùng Thanh Hòa được phong là Hữu tướng quân. Cho dù tuổi đời còn rất trẻ, Phùng Thanh Hòa đứng dậy chiêu tập nghĩa sĩ trong vùng, tham gia hợp quân với Triệu Quang Phục tả xung hữu đột giải vây cứu vua Lý Nam Đế ở hồ Điển Triệt, nhờ đó vua thoát vòng vây rút về động Khuất Lão.
   Một vấn đề tồn nghi cần được lý giải là lựa chọn của Phùng Thanh Hòa sau khi Lý Nam Đế qua đời. Tháng 4 năm Mậu Thìn (548) vua Lý Nam Đế qua đời, Triệu Quang Phục rút về lập căn cứ tại Dạ Trạch, Hưng Yên, xưng là Triệu Việt Vương (548 – 571), trong khi Phùng Thanh Hòa lui về An Hoa Trang, xứ Đoài để lập nghiệp. Trước đó, Lý Nam Đế đã ủy cho Triệu Quang Phục giữ việc nước. Điều này đặt ra một hoài nghi về vị thế và thái độ của Phùng Thanh Hòa trước thời cuộc. Có lý do nào đứng sau hành động rút lui khỏi quyền bính của ông?
   Hầu hết các tài liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh, Lịch triều hiến chương loại chí, hay Đại Việt sử lược, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, đều tán thành về nguồn gốc tổ tiên phương Bắc của Lý Bí (hay Lý Bôn), do tránh nạn binh đao nên tránh sang đất phương Nam. Tuy nhiên, vấn đề quê hương phát tích của ông còn để lại nhiều luồng ý kiến khác nhau. Quan điểm thứ nhất, theo Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh, Lịch triều hiến chương loại chí và các sử gia thời Nguyễn thì Lý Bí là người quê Thái Bình, phủ Long Hưng. Tuy nhiên quan điểm này ngày nay đang bị tranh cãi do sự phi logic về không gian và thời gian, bởi hai tên gọi trên đều là tên gọi thời sau này đặt (Thái Bình được đặt thời nhà Đường, Long Hưng được đặt thời nhà Trần), đồng thời các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng với địa lý thời Bắc thuộc thì tỉnh Thái Bình vẫn còn là biển. Do đó, dẫn đến quan điểm thứ hai là địa danh Thái Bình quê hương của Lý Bí nằm tại địa phận tỉnh Sơn Tây (tức xứ Đoài) ngày nay, bởi một liên hệ địa lý lịch sử là nơi đây có rất nhiều đền thờ Lý Bí cùng các công thần như Triệu Túc, Phạm Tu. Nhà sử học Mỹ, Keith Weller Taylor, trong tác phẩm Việt Nam khai quốc (The Birth of Vietnam) thì cho rằng họ Lý đã đến định cư ở bờ Bắc sông Hồng, tại Vũ Bình gần Tân Xương, dưới chân núi Tam Đảo. Quan điểm thứ ba gần đây, được Hội thảo khoa học "Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của vua Lý Nam Đế” kết luận, rằng quê của Lý Bí ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Nhưng, từ cơ sở về nguồn gốc, một mấu chốt thú vị về Lý Bí đã được Tạ Chí Đại Trường rút ra trong Thần, người và đất Việt, rằng Lý Bí với vị thế một “người lai-Hán” đã đặt ông gần gũi với cách ứng xử của tổ tiên các đời về trước khi họ chiếm được chính quyền, tức xưng Đế, đặt niên hiệu và quốc hiệu. Keith Weller Taylor thì nhận định táo bạo hơn, cho rằng Lý Bí muốn được độc lập, nhưng lại rập theo khuôn mẫu và lấy những gợi ý từ triều đình Trung Quốc. Sự nghiệp của Lý Bí còn là một sự liên kết thần – người, và cũng ở giai đoạn của ông là sự phát triển của nhóm thần sông nước. Triệu Quang Phục, khi tiếp nối sự nghiệp của Lý Bí và lui về cơ sở là đầm Dạ Trạch kháng địch vẫn nối tiếp sự cầu viện thần linh sông nước này. Có một nghịch lý, là Lý Nam Đế vẫn chịu ảnh hưởng mạnh từ truyền thống truyền hiền, thay vì truyền tử như phương Bắc, nên ông đã giao lại quyền lực cho Triệu Quang Phục thay vì anh trai Lý Thiên Bảo hay Lý Phật Tử cùng họ. Điều này hẳn gieo cho Lý Phật Tử những mầm mống bất mãn và tham vọng tiếm quyền sau này.
   Cũng theo Tạ Chí Đại Trường, cuộc xung đột giữa Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục có hơi hướng như cuộc xung đột An Dương Vương – Cao Lỗ. Tên Lý Phật Tử có nghĩa là một đồ đệ của đức Phật họ Lý, một minh chứng cho sự lan tỏa của Phật giáo vào khoảng thế kỷ thứ VI – VII. Theo nhận định của sử gia người Pháp, Maurice Durand, Lý Phật Tử ở nơi mà năm 580, Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) sang truyền bá Phật giáo vào nước ta. Tạ Chí Đại Trường còn đi đến một kết luận táo bạo hơn, rằng thất bại của Triệu Quang Phục trước Lý Phật Tử là một câu chuyện về sự đàn áp “dâm từ” (nơi thờ không được tầng lớp trên thừa nhận). Từ đó, có thể đặt giả thuyết gốc rễ xung đột giữa Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử, bên cạnh một cuộc tranh chấp về uy quyền chính trị thế tục, sâu xa còn là một mâu thuẫn về tín ngưỡng tôn giáo. Phùng Thanh Hòa đã sớm đoán biết sự ly khai nội tại giữa Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử, nên ông chủ động hòa hoãn lùi về phía sau, nhằm tránh vương vào nạn binh đao nội chiến, trong khi vẫn lơ lửng hiểm họa xâm lược đến từ phương Bắc và phương Nam.
   An Hoa Trang, nằm trong đại bình đồ Câu Lậu, Giao Châu, sau này là một bộ phận của vùng văn hóa xứ Đoài, chính là cái nôi, vùng đất bản địa của người Việt – Mường. Mang địa hình bán sơn địa núi đồi xen kẽ đồng bằng, đồng chiêm ô trũng xen kẽ với những đầm hồ vực lớn cùng mạng lưới hệ thống sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Có lẽ, Phùng Thanh Hòa là người tiếp nối triệt để tinh thần giữ cho dân chúng thái bình của Lý Nam Đế nhất, giống như tên nước Vạn Xuân với ý nghĩa khao khát mong cho xã tắc thanh bình, dân tộc độc lập, thịnh vượng đến muôn đời sau. Ông đã nhìn thấy đây là một vùng đất lý tưởng để an dân lập ấp, phát triển cơ nghiệp về lâu dài. Nhưng sẽ không có một hòa bình vĩnh cửu nếu đất nước vẫn phải chịu mối đe dọa ngoại xâm. Tầm nhìn xa của Phùng Thanh Hòa, là muốn xây dựng một cơ sở địa phương vững chắc, cố kết và ổn định, để luôn sẵn sàng phối hợp ứng chiến một khi vấn nạn chiến tranh xảy ra. An Hoa Trang (mà sau này được đổi tên lại là Phùng Gia Trang, rồi Phùng Xá), vì lý do đó, chính là lựa chọn của Phùng Thanh Hòa, một vùng đất an bình, có địa thế thuận lợi nằm giữa sông Đáy và sông Tích Giang. Khi đến đây, ông bắt đầu cho triển khai canh tác trồng trọt, làm thủy lợi, dạy chữ dạy nghề. Đến năm Kỷ Tỵ 549, trong khi hoài bão vẫn còn dở dang, ông đột ngột qua đời.
   Song, Phùng Thanh Hòa được lưu giữ trân trọng trong tâm thức địa phương. Ông, với tư cách vừa là một nhân vật lịch sử, vừa là Phúc thần của làng, vừa là vị tổ họ Phùng, được ánh xạ vào các hoạt động lễ hội truyền thống của làng Bùng. Để tưởng nhớ công ơn giúp nước, giúp dân làm nghề thì người dân nơi đây tổ chức lễ hội làng vào mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Ngoài phần lễ được tiến hành bởi các hương lão tại đình làng, thì phần hội được tổ chức quy mô lớn với nhiều hoạt động như thi vật, đu, các trò chơi dân gian. Nhưng đặc biệt nhất trong số đó là hội Vật, được tổ chức từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng Âm lịch. Phùng Xá vốn nổi tiếng giàu truyền thống với các sới vật, “Bùng không vật thì lúa chiêm không tốt.” Những lò vật trứ danh ở làng Bùng luôn phụng thờ Phùng Thanh Hòa như một vị tổ nghề. Bởi đối với người dân, ông là hiện thân của phẩm chất kiên trung dũng cảm, tinh thần thượng võ, sức khỏe phi thường. Và những nhân vật lịch sử có công lao với dân tộc, với địa phương, thì bằng chứng vĩ đại nhất về sự tồn tại của họ nằm trong ý thức lịch sử của mỗi một cá nhân trong cộng đồng – sự bất tử hóa.
   Từ những phác thảo sơ khởi, nhân vật lịch sử Phùng Thanh Hòa yêu nước, nhưng cũng đầy nhân văn đã dần hiện lộ giữa mây mù lịch sử. Nhận thức lại và nghiên cứu thấu triệt Phùng Thanh Hòa, không chỉ bảo chứng tầm vóc lịch sử của cá nhân ông đối với dòng họ, dân tộc, địa phương, đất nước, mà quan trọng hơn, mang lại tấm gương giáo dục lịch sử và tinh thần yêu nước cho hậu thế.
           

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đại Việt sử lược, Nguyễn Gia Tường dịch, Nxb TP.HCM, 1993.
  2. Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Viện Sử học Việt Nam dịch, Nxb Giáo dục Hà Nội,1998.
  3. Việt điện u linh tập, Lê Hữu Mục dịch.
  4. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên… soạn thảo, Đại Việt sử ký toàn thư, Viện Khoa học –Xã hội Việt Nam dịch, Nxb Khoa học Xã hội, 1993.
  5. Friedrich Nietzsche, On the use and abuse of history for life, Dodo Press, Gloucester, Anh, 2008 (Ấn bản đầu tiên được xuất bản năm 1873).
  6. Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam (Việt Nam khai quốc), University of California Press, 1991.
  7. Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Văn nghệ –California, 1989.
  8. Tạ Chí Đại Trường, Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam, Trên Kệ Sách kesach.org, 2009.
  9. Thần phả Đình Phùng Xá –Thạch Thất, Nguyễn Đăng Dự –Phùng Khắc Đồng dịch.
  10.  Trần Quốc Vượng, “Lý Bí và Nhà nước Vạn Xuân,” https://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/7960602-.html(truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2019).


[1]Thạc sĩ, Viện Nhân học Văn hóa.