(Thứ tư, 31/07/2019, 10:07 GMT+7)

   Theo dân gian truyền thống cũng như một số nguồn sử liệu thì đình Đoài Giáp được cất dựng từ thời vua Ngô Quyền thế kỷ thứ X, khi đó di tích chỉ là một ngôi miếu nhỏ do nhân dân trong làng dựng lên để tưởng nhớ công đức của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và suy tôn ông là vị Thành Hoàng làng của cả làng.

   Ngoài tên gọi là đình Đoài Giáp, đình còn có tên gọi khác là “Đoài Giáp từ” – chữ Hán Nôm (đền Đoài Giáp). Đình được tọa lạc trên một thế đất đẹp, thoáng đãng giữa trung tâm làng, phía trước mặt đình là một hồ nước rộng hình tứ giác, quay mặt ra hướng Tây Nam, người xưa rất khéo khi chọn không gian cảnh quan, phong thủy hợp với tâm linh tín ngưỡng và ý nguyện của dân làng, phía sau đình là khu vườn rộng để nhân dân trồng cây ăn trái, 2 bên đầu trái phải của đình là 2 giếng nước được dân làng đào và xây các thành giếng bằng đá ong (loại vật liệu đặc trưng của vùng xứ Đoài), nước ở giếng được dân làng sử dụng sinh hoạt hàng ngày và quanh năm không bao giờ cạn, dân làng xưa vẫn quen gọi đây là “giếng mắt rồng”, đầu rồng hướng về hướng đông, đuôi rồng hướng về hướng Bắc (đường liên thôn), phía xung quanh là một số ngôi nhà cổ có niên đại hàng mấy thế kỷ với mái ngói rêu phong cổ kính trầm mặc. Dù trải qua thời gian dài chịu sự tác động không nhỏ của những yếu tố như: chiến tranh, khí hậu, sự xâm hại của côn trùng mối mọt, nhưng trong các hạng mục kiến trúc kết cấu của đình vẫn giữ lại được những nét chạm trổ, điêu khắc cổ mang đậm dấu ấn của những ngôi đình làng cổ Việt Nam. Đình gồm những hạng mục công trình như “Tiền tế”, “Hậu cung” bố trí song song theo hình chữ “nhị” ngăn cách nhau bằng một sân rộng có chiều dài 7,2m, được lát bằng gạch Bát Tràng, 2 hạng mục trên có độ cao gần bằng nhau, song hậu cung có kích thước rộng hơn nhà tiền tế, hậu cung gồm 3 gian, có kết cấu “chuồng rường giá chiêng”. Tường đốc giá ngoài xây kiểu bổ trục giật tam cấp, các hệ thống cột quân, cột cái, cửa khám, cửa ra vào hậu cung đều được làm bằng gỗ (loại tứ thiết) vững chắc, bờ nóc là cột trụ biểu vuông đầu đắp đèn lồng và “đôi Nghê” chầu cách điệu, linh vật “Nghê” có đôi mắt tròn, lồi, mũi sư tử, khoằm miệng mở rộng nhìn xuống, lông chân sau là những vằn xoắn lớn. Theo quan niệm của người Việt xưa, Nghê biểu hiện cho sức mạnh của thiên nhiên, phần bờ dải, bờ guột đắp nổi hình “dơi vũ cánh” và đề tài “Phúc – Lộc – Thọ” mang nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mái đình dốc ngắn được lợp ngói mũi hài nay phủ trên mình lớp rêu phong cổ kính, tàu mái hơi vuốt cong được cài then con sỏ vào xà hạ với chiều dài 9,6 m, lòng nhà 8 m, cao 5,2 m và nền nhà hậu cung cao hơn sân trong sân ngoài gần 1m.

Mặt trước đình Đoài Giáp

   Ngoài đôi trục tay ngai còn có 4 trụ vuông, trên các mặt trụ vuông có những câu đối bằng chữ Hán, sơn son thiếp vàng tăng vẻ cổ kính và giá trị của di tích, hệ thống thờ tự trong đình được bài trí rất quy mô, cân xứng, đảm bảo tôn nghiêm trang trọng. Gian bên trái đình là ban thờ “Bản thần thổ đất” (Thần Đất), nơi đây bài trí một số đồ thờ quý được chế tác bằng các chất liệu như: đồng, gỗ, gốm, vải, giấy, nổi bật là bộ lư hương đồng được đúc tỉ mỉ công phu hình “đôi sư tử quả địa cầu” thể hiện ước mơ, tài năng sáng tạo của các nghệ nhân xưa, niên đại của cổ vật này có cách đây 2 thế kỷ. Gian bên phải là ban thờ “Bộ hạ thần vị”, 2 bên ban trang trí hình “Rùa đội hạc”, mỏ hạc ngậm hoa sen gợi lên vẻ đẹp thanh tao nơi cửa thánh hiền, các đồ thờ khác ở đây cũng rất đa dạng, độc đáo, đáng lưu ý là bát hương được làm bằng gốm sành đất, ở giữa ban thờ, giữa trán bát hương đắp nổi hình linh vật “lưỡng long chầu nguyệt” (2 linh vật rồng chầu mặt trăng) ở giữa bát hương có hình chữ “thọ” biểu hiện sự trường tồn vĩnh cửu với thời gian, bát nhang này có niên đại vào giữa thế kỷ XVIII. Nổi bật nhất giữa hậu cung là khám thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Khám thuộc loại lớn được chạm trổ công phu với nhiều linh vật quý, thiêng, trong khám có đặt bài vị, trên đỉnh khám treo một dòng chữ Hán cổ sơn son thiếp vàng có tên là “Thánh cung vạn tuế” khẳng định người sống mãi trong tâm khảm của mỗi người dân trong làng. Bộ khám này được chế tác vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, các đồ thờ trong khám cũng rất phong phú, bằng các chất liệu khác nhau có niên đại cuối đời nhà Lê đầu nhà Nguyễn.

   Trong đình hiện còn lưu giữ 1 quả chuông đồng đề 4 chữ Hán “Đoài Giáp từ chung” (chuông đền Đoài Giáp) đúc năm Tự Đức thứ 13 – 1861. Ngoài ra đình hiện còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong quý có niên đại từ đời vua Minh Mệnh đến Khải Định. Đây là di tích rất tiêu biểu của vùng còn lưu giữ được các sắc phong, một số bia đá được tạc đời Hồng Đức thứ 4 (1474) ghi lại tiểu sử và công trạng của vua Phùng Hưng, long ngai bài vị, giá văn (thế kỷ XVIII), kiệu bát cống… đó là những nguồn sử liệu vô giá để cho các thế hệ sau này nghiên cứu và minh chứng về công lao của người với dân với nước. Điều hiếm thấy ở các di tích không có được là nóc nhà hậu cung cũng là ngôi nhà lý tưởng - nơi của hàng trăm con dơi (cũng là loại động vật quý). Dơi gắn liền với ngũ phúc là “phú – quý – thọ - khang – ninh”. Với những giá trị văn hóa lịch sử tiêu biểu, đình Đoài Giáp đã được Nhà nước xếp hạng vào năm 1996, lễ hội của đình diễn ra trong 2 ngày 7 - 8/1 âm lịch. Ngoài phần lễ linh thiêng, trang trọng người dân của làng còn được thưởng thức và tham gia nhiều trò chơi dân gian, các tiết mục văn hóa văn nghệ truyền thống, đặc sắc.

   Nhà văn hóa của thôn gần với đình nên rất thuận tiện cho việc tổ chức các nội dung như lễ hội, hội họp tọa đàm cộng đồng, tuyên truyền, thu hút nhân dân và du khách đến tham dự. Hiện tại địa phương đã cắt cử các cụ cao niên trong làng trông coi, dọn dẹp, quản lý di tích, thường xuyên phục vụ nhu cầu hành lễ của bà con trong làng và du khách. Tuy nhiên để cho di tích tồn tại bền vững, xứng tầm là điểm tham quan cho du khách mỗi khi về thăm làng Việt cổ, nguyện vọng của nhân dân và chính quyền địa phương rất mong được Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí để tu bổ tôn tạo lai các hạng mục công trình của ngôi đình cổ này, cũng như tiến hành cải tạo cảnh quan môi trường hồ nước trước cửa đình bảo đảm sạch, đẹp, đó cũng là công việc cấp thiết góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của ngôi làng Việt cổ tiêu biểu đầu tiên của cả nước.

 

Nguyễn Trọng An