(Thứ sáu, 18/06/2021, 12:52 GMT+7)

Bản thân Lý Đào Lang Vương là một tác phẩn hoàn chỉnh, nghĩa là độc giả có thể thưởng thức chỉ riêng mình nó. À không! Độc giả có thể đọc chỉ riêng mình nó, còn khi đã là thưởng thức thì độc giả nên tìm đọc hai tác phẩm có liên quan trước đó là Nam Đế Vạn XuânTriệu Vương phục quốc. Nằm trong dự án dài hơi về Vương triều tiền Lý, thật khó để viết về Lý Đào Lang Vương mà không nhắc tới hai tác phẩm kia.

Nam Đế Vạn Xuân viết về vị hoàng đế đầu tiên của nước ta, Lý Nam Đế - Lý Bí. Lý Bí sớm mồ côi cha mẹ, từ nhỏ xuất gia, trưởng thành làm quan cho Lương triều, sau ông dấy binh quật khởi, đánh bại Thứ sử Tiêu Tư, lập nước Vạn Xuân, lên ngôi hoàng đế. Cuộc đời của ông tóm tắt thôi đã thật ly kỳ. Thời đại của ông còn có nhiều ngôi sao sáng, là Tinh Thiều, là Phạm Tu, là Triệu Túc vv... ra sức giúp rập ông hoàn thành đại nghiệp. Đào Lang Vương - Lý Thiên Bảo chính là anh trai của Lý Nam Đế.

Triệu Vương phục quốc nối tiếp câu chuyện về nhà nước Vạn Xuân, khi Trần Bá Tiên đem binh lực hùng hậu, thế như chẻ tre đánh xuống nước ta. Nhân vật kiệt xuất dẫn dắt dòng chảy thời đại bấy giờ là Triệu Quang Phục, viên tướng trẻ của Lý Nam Đế, con trai của Triệu Túc. Ta phải biết Trần Bá Tiên, kẻ mang tham vọng xoay chuyển càn Khôn, thay triều hoán đại, kẻ sau này lật đổ nhà Lương, lập nên nhà Trần, lên ngôi quân chủ, là Trần Vũ Đế, mới thấy sự gian nan gần như vô vọng của viên tướng trẻ họ Triệu khi đương đầu với viên Thứ sử họ Trần. Lý Thiên Bảo lúc này theo lệnh Lý Nam Đế chinh nam, ông bị hai dũng tướng của Trần Thứ sử là Mông Kỳ và Lữ Phạm phục kích, đánh úp, phải dẫn tàn quân bỏ chạy.

Lý Đào Lang Vương viết tiếp câu chuyện về Lý Thiên Bảo. Ông dẫn tàn quân chạy về Dã Năng, liên kết với Bát tộc, gây dựng lực lượng chờ thời. Phía bắc ông phải chống lại bọn Lữ Phạm, Mông Kỳ, hai viên võ tướng phương Bắc đang tung hoành nơi miền biên viễn. Phía tây ông ra sức giúp rập các dân tộc Di Lạo, phá tan mưu đồ chia rẽ nội bộ lân quốc của bọn thương nhân phương Bắc. Phía nam ông đại chiến với Lâm Ấp, mà đại tướng quân của họ, Bố Đa Ngai là kẻ nuôi thù và đang nuôi tham vọng nuốt chửng Vạn Xuân.

Với Lý Đào Lang Vương, nói theo kiểu võ hiệp, công lực của Phùng Văn Khai đã lên một tầng cao mới. Mạch truyện chính dồn dập, hấp dẫn ly kỳ, điểm xuyết trong đó là những câu chuyện nhỏ độc lập, thú vị điểm tô cho câu chuyện lớn. Những câu chuyện nhỏ ấy là những gia vị khiến hương vị của tác phẩm thêm dậy hương, tròn vị: Đấy là câu chuyện về cô con gái tộc trưởng Su Man đối đầu với con hổ trắng; đấy là câu chuyện về hai viên bại tướng phương bắc đối ẩm giữa bao la biển trời; đấy là câu chuyện về viên võ tướng Ngụy Thần, dù biết tình thế vô vọng nhưng vẫn không rời bỏ trận tiền, tử chiến đến phút giây cuối cùng; đấy là câu chuyện về sự tái thiết đền thờ Triệu Trinh Nương, bà Triệu kiêu hùng, trang liệt nữ khiến bất kỳ ai mang dòng máu Việt Nam trong người cũng tự hào khi nhắc tới; đấy là câu chuyện về Đào Lang Vương xuất gia, luận bàn thời thế, luận bàn Phật pháp với một vị cao tăng vv... Những chi tiết nhỏ thể hiện công lực hùng hậu của người viết ẩn tàng trong tác phẩm.

Gấp lại Lý Đào Lang Vương, một độc giả mang trong mình chút tình yêu với lịch sử và chút tình yêu với văn chương như tôi chỉ muốn thốt ra thành lời: “Thật thống khoái!”


Ảnh: Tác phẩm và bức tranh “một cuộc tiêu du” tôi vẽ khi đọc tác phẩm.

Tác giả: Đặng Xuân Lương