(Thứ năm, 05/01/2023, 01:20 GMT+7)

Đến với thơ của Phùng Đức Đỗ - một tác giả vừa làm thuốc vừa làm thơ, ở nhà thuốc Thọ Xuân Đường, tôi trở thành người hạnh phúc nhất - người thứ nhất khi được tác giả tin cậy, giao phó tất cả những thành quả cầm bút của anh để thưởng thức. Từng bài, từng bài trong tập Hương thầm trải lòng - tiếng lòng của một người yêu người, yêu nghề - với những cung bậc cảm xúc tròn đầy đưa tôi vào thế giới tâm hồn của anh.

Mỗi bài thơ là một bông hoa nhỏ mang hương sắc riêng, bộc lộ xúc cảm được kết lại thành vần điệu ngân nga trong lòng tác giả, đồng vọng đến bạn đọc. Lật giở từng trang thơ anh, có lúc cảm giác như được sống lại khi xưa tuổi hai mươi, thời đất nước còn chiến tranh để cảm nhận Hương cau thoảng trong gió quê với xúc cảm thầm kín mà đắm say mãi theo “đường hành quân trong đêm” nâng bước chân ai. Lại có khi được cảm nhận độ sóng sánh của bát nước mang đầy “Tình chè xanh” tràn qua khóe mắt, vượt giậu mồng tơi rồi đọng hương vị trong tim để viên mãn đến tuổi “cổ lai hy”, hai trái tim vàng vẫn song thọ bên nhau. Cũng có dịp cảm nhận “nguyên hương” cái xúc cảm của thời tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh cầm súng lên đường với Bữa cơm dọc đường, đến lúc trở về quê hương vẫn mãi “lung linh tỏa sáng tình người Việt Nam”. Rồi lại được cảm nhận cái tươi mọng của xúc cảm khi nghe âm vang Nhạc tay em gõ cho đời hai chữ bình yên” của những cô gái - đồng đội anh, những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận an ninh. Đặc biệt, còn được cảm nhận mùi Hương trầm nồng nàn của xúc cảm từ các vị thuốc “quy kinh” tỏa ngát từ tấm lòng lương y của gia đình anh, dòng tộc họ Phùng nổi tiếng y đức truyền đời từ thế kỷ 17. Tình yêu chung thủy, tình bạn thắm thiết, tình đồng đội keo sơn, tình gia đình sâu nặng, tình quê tha thiết, tình nguồn cội tổng hiệp thấm đượm... tất cả làm ta say ngây ngất trong Hương thầm lúc nào không rõ!


Tiến sĩ Phùng Tuấn Giang - con trai lương y Phùng Đức Đỗ (bên phải) chụp ảnh cùng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Phùng Đức Đỗ sinh ra trong gia đình có bố làm thuốc gia truyền - Lương y Phùng Đức Hậu. Anh là hậu duệ đời thứ 15 của người khởi thủy nghề thuốc Nam Thọ Xuân Đường là cụ Phùng Văn Dương (cụ Dương được tuyển vào làm trong Thái Y viện của triều đình nhà Lê năm 1653. Sau đó, con trai, cháu nội cụ đều có công với nước, với triều đình, được phong Ngự y của Thái Y viện). Nghề thuốc của Phùng tộc đến nay là đời thứ 16 - con trai cả của Phùng Đức Đỗ là Phùng Tuấn Giang cũng kế nghiệp tổ tông ngay từ lúc mới lớn. Phùng Đức Đỗ học Đại học Bách khoa, khoa Vô tuyến điện, ra trường anh công tác tại Tổng cục An ninh Bộ Công an. Khi nghỉ hưu, trở về quê hương, anh nối nghiệp cha mình làm thuốc. Anh đến với thơ có lẽ phần lớn ảnh hưởng từ người cha tài hoa giỏi cả nho, y, lý số, thơ văn. Anh bộc bạch lý do làm thơ thật hữu duyên:

Văn thơ mình dốt chẳng ham,
Cứu người làm trọng, y nhàn vịnh chơi.
Tháng ngày chỉ thích thảnh thơi,
Chữ y vào mệnh, muốn lười chẳng xong.
Bà con yêu quý đợi mong,
Lương y từ mẫu trong lòng nhớ ghi.
Nàng thơ lúng liếng đòi thi,
Rộn ràng câu chữ cũng ghi đôi vần...
(Cũng ghi đôi vần)

Và giờ đây, anh chỉ muốn gom những bài thơ của mình thành một tập làm kỷniệm để Hương thầm lan tỏa đến con cháu, người thân và bằng hữu mà thôi.

Trong sự nghiệp, mỗi người đều muốn khẳng định mình với vị thế riêng. Lương y Phùng Đức Đỗ cũng vậy, anh nguyên là Chủ tịch Hội Đông y Thường Tín, Ủy viên BCH Hội Đông y Thành phố Hà Nội, tiếp nối truyền thống của gia đình rèn đức, luyện tài, hướng tâm, hướng thiện, “chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình”. Không chỉ là một lương y có tiếng ở đất Hà thành mà thơ của anh cũng được bạn đọc biết đến ở Tạp chí Hội Đông y Hà Nội, ở Tạp chí Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Báo Người Hà Nội, Tạp chí Tinh Hoa Việt và ở cuốn lịch sử gia tộc Họ Phùng Việt Nam...Mỗi nhà thơ có thể đạt tới một mức độ nhất định về sự chân thực và gắn bó với độc giả, Phùng Đức Đỗ đã có niềm tự hào riêng trong sự gắn bó với bạn đọc của anh.

Thơ của Phùng Đức Đỗ in dấu phong cách của anh chẳng giống ai, bởi anh đi con đường của riêng mình. Cùng sinh hoạt Câu lạc bộ trên “cánh đồng” thơ không chuyên, bạn bè có người đã dăm ba tập sách, có người hàng ngàn bài thơ. Còn anh ung dung, tự tin với sự ít ỏi của mình, bởi “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”! Với anh, thơ là tứ và cảm xúc. Đặc biệt, anh rất chú trọng cảm xúc, chỉ khi nỗi lòng rưng rưng thì câu chữ, vần điệu theo câu tứ mới lộ ra hình hài:

Nhà thầy sẵn có kim ngân,
Cháu con đỗ trọng muôn phần vui tươi.
Thung dungnăm tháng thầy cười,
Tu nhân, ích trí cuộc đời như tiên.
Ước gì mãi mãi thiên niên,
Lương y khổ luyện nghiệp bền càng lâu.
Phụ tửvững nhát dao cầu,
Xa tiền, quân tửnhớ câu mẹ hiền.
Đau xương, huyết kiệtkhông quên,
Có công Tuệ, Lãn mới nên hương trầm.
(Hương trầm)

Không trăn trở và xúc cảm cao độ với thuốc, với nghề, với tổng hiệp sao có thể có những vần thơ sâu sắc lại mượt mà câu chữ vậy! Đây có thể xem như lời tâm huyết với nghề thuốc Đông y của lương y Phùng Đức Đỗ.

Anh cũng như cha, ông, tổng hiệp của mình, luôn ý thức, tâm niệm, rằng Đông y góp ngọc cho đời:

Chặng đường theo Đảng quang vinh,
Bao nhiêu năm ấy! Nghĩa tình nặng sâu.
Tấm lòng với chiếc dao cầu,
Trường chinh mấy cuộc hát câu mẹ hiền.
Mong cho dân khỏe nước yên,
Vọng,văn,vấn,thiết, viết nên sử vàng.

Vào dịp Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ra chỉ thị 24/CTTW(8/2008) về công tác Đông y. Chỉ thị nêu rõ Đông y Việt Nam là nét văn hóa của dân tộc Việt Nam, đã đóng góp phần to lớn vào trang sử vàng của dân tộc, cần được bảo tồn và phát triển. Một chỉ thị của Đảng tường chừng khô khan, thuần chính trị, ấy vậy mà với Lương y mang hồn thơ như Phùng Đức Đỗ lại đón nhận chỉ thị của Đảng như lời ru mẹ hiền căn dặn con, tác giả xúc động:

À ơi! Con ngủ cho ngoan,
Yêu con mẹ dặn thuốc Nam vườn nhà.
À ơi! Từ thuởxưa xa,
Cây cỏ hoa lá đã là tri ân.
À ơi! Người Việt vững chân,
Thiên tai địch họa bao lần vượt qua.
Nhờ cây thuốc quý quanh nhà,
Dân cường nước thịnh ơi à...à ơi!
À ơi! Ơn đất,ơn trời,
Ơn sâu tiên tổ, ơn người, ơn cây.
Con ơi! Mẹ dặn điều này,
Thuốc Nam căn bản hàng ngày tìm xem.
Nhớ bằng óc, yêu bằng tim,
À ơi! Con sẽ làm nên nghĩa tình.
Nhớ câu dược tính nhất minh,
Kỳ y vạn bệnh hồi sinh con à!
Trước là bảo vệ người nhà,
Sau quanh hàng xóm cũng là bà con.
Xa là người nước cùng non,
Gặp ai đau yếu là con giúp người.
Cơ hàn còn lắm con ơi!
Thiện tâm con nhớ giúp đời bớt đau.
À ơi! Mẹ nhủ đôi câu,
Thuốc Nam người Việt nối cầu yêu thương.
(Nối cầu yêu thương)

Hoặc như đọc Thư Bác Hồ gửi cho ngành y tế; Chín điều căn dặn của Hải Thượng Lãn Ông, anh cũng rất xúc động mà diễn thành thơ - thơ lục bát, thể thơ dân tộc cho dễ nhớ dễ thuộc!

Những sinh hoạt đời thường trong gia đình anh chị cũng mang dấu ấn nghề nghiệp: Đón xuân Mậu Tý, vợ chồng làm thơ về cây thuốc quý hoặc Thiếp với chàng luận bàn Đông dược. Con người thầy thuốc và con người thơ trong anh viết không thể giả, phải thật; thật từ cuộc sống đến cảm xúc!

Thơ Phùng Đức Đỗ đa phần ngắn gọn và hàm súc. Mỗi thi tứ được thể hiện cô đọng trong một bài xinh xinh. Số ít những bài thơ hơi dài dài (5, 7 khổ thơ) như Đội xe chúng tôi; Tuổi trẻ; Yêu Thăng Long - Hà Nội quyết thắng giặc Covid... đọc vẫn đủ độ hàm súc, rung cảm lòng người.

Thơ Phùng Đức Đỗ không có lời ồn ã, to tát mà vẫn đủ sôi nổi, thiết tha bởi chất tình trong thơ anh đôn hậu, đằm thắm như con người ngoài đời của anh vậy, luôn thủ thỉ, tâm tình! Đặc điểm này thể hiện cả ở các bài anh viết tri ân các cụ tổng hiệp hoặc ca ngợi Đảng bộ và nhân dân Thường Tín anh hùng:

Anh kể em nghe
Về Thường Tín quê ta.
Ai đã đi xa mà chẳng nhớ
Sông Nhuệ, sông Hồng như hai dải lụa
Tươi mát đồng quê hương lúa ngọt ngào.
Truyền thống quê ta biết mấy tự hào
Hàm Tử, Chương Dương quân Nguyên mất mật
Đồn Hà Hồi đại phá quân Thanh
Đất hiển linh sinh các bậc tài danh
Nguyễn Trãi đó người anh hùng dân tộc!

Lời thơ như những lời tâm tình chân tình, thủ thỉ đi vào lòng bạn đọc như hương thầm thoang thoảng mà tinh tế, nhẹ nhàng gợi niềm tự hào thành kính với mảnh đất danh hương rất tự nhiên:

Đã năm lần Bác về thăm Thường Tín
Ôi! Ước gì Bác Hồ kính mến
Lại về thăm trong ngày hội vui này
Quê hương ta giờ đã đổi thay
Tư duy mới đôi bàn tay sáng tạo
Làng lúa, làng hoa, làng nghề đổi thay sắc áo
Quê hương mình đẹp tựa bức tranh thêu
Thường Tín anh hùng, Thường Tín thương yêu
Đi khắp bốn phương trời vẫn nhớ!

Tình cảm trong thơ anh đậm đà hương quê, hồn quê. Một góc chợ quê, một cây cầu quê, một con đường quê, một nhân vật ở quê... đều có chỗ đứng trong tam hồn anh, phả vào thơ anh một hơi thở của cuộc sống mới thay da đổi thịt. Phải yêu quê đến thế nào anh mới có thể ngẫm ngợi mà chiết tự cái tên đất, tên quê:

Đất “Thường” mà “Tín” bạn ơi!
Đất danh hương, đất tình người yêu thương.
Đất địa linh, đất quật cường,
Đi xa là nhớ đất “Thường” trong tim.
(Đất Thường trong tim)

Nói đến thơ trữ tình của anh không thể không nhắc đến tình cảm của anh dành cho mẹ. Anh lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ không chỉ cùng làm thuốc. Cha mẹ anh cùng chung lẽ sống, xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái nên người. Bố dạy con bằng Giáo huấn ca;Gia huấn dạy con gái, còn mẹ Dặn con làm việc thiện:

Cả đời làm thiện con ơi!
Dặn con, con nhớ không ngơi việc làm.
Một lần làm ác, làm tham,
Đã thừa để tiếng thế gian chê cười.
Lạc Hồng truyền thống yêu người,
Nhớ câu lá bọc để đời thương nhau.
Dặn con, con nhớ ghi sâu,
Người trong một nước nỗi đau chia cùng.
Nhớ khi có bát cơm bưng,
Xót người vận hạn khó từng bữa ăn.
Dặn con tích một thành trăm,
Vui làm việc thiện, tháng năm kiệm cần.
Trước là được ấm vào thân,
Sau tu lấy phúc để dành mai sau.

Một người mẹ thuộc thế hệ xưa, vậy mà mẹ đã bước ra khỏi cái công dung ngôn hạnh chật hẹp đến với bà con, đến với cách mạng:

Trên là quầy thuốc
Dưới là hầm sâu,
Mẹ nuôi cán bộ
Gian khổ quản đâu!
Đây nhát dao cầu
Thơm mùa cam thảo
Tình mẹ ngọt ngào
Trải bao giông bão.
Quy,khung,thục,thược
Mẹ giữ thơm tho
Tận tụy chăm lo
Lương y từ mẫu
Bà con yêu dấu
Như tựa người thân
Gặp cảnh túng bần
Thuốc tiền mẹ biếu
Cho tròn mùa xuân...
(Mẹ tôi)

Khi đất nước chưa yên hàn Mẹ tiễn bốn trai/Lên đường cứu nước, còn mẹ ở lại Tiền tuyến hậu phương/Thi đua đánh Mỹ! Mẹ không chỉ Cùng chồng thuốc thangMẹ nuôi lợn to/Tặng cho bộ đội/ Mong ngày thắng lợi/Đón các con về...;Việc tốt mẹ làm/Kể sao cho hết! Một người mẹ luôn nghĩ cho người khác!Ngay cả khi con gái cả của mẹ bảy mươixuân, mẹ vẫn chăm lo như con còn thuởthiếu thời:

Con làm thượng thọ đi con,
Mẹ mừng con đã tuổi tròn bảy mươi.
Tóc con nay đã bạc rồi,
Mẹ thương con vẫn như hồi còn non.
Con làm thượng thọ đi con,
Mẹ vui khi thấy môi son con cười.
(Con làm thượng thọ đi con)

Chân dung mẹ được anh khắc họa thật đẹp từ nhiều góc nhìn. Với anh, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời nhất trong cuộc đời, mẹ là cõi phúc của các con, tròn đầy yêu thương, tròn đầy trách nhiệm, công tư vẹntoàn. Bởi thế, nhữngcâu thơ anh viếtvề mẹ thật xúc động và thật sâu sắc, đọc lên rưng rứcdấu yêu.

Vào cái tuổi “cổ lai hy” (anh sinh năm 1947), có lẽ người ta hay hoài niệm về quá khứ, về thời hoa niên tuổi học trò. Bởivậy nên anh có hẳn một mảng thơ hồi ức, ấylà lẽ thường tình. Trở về cái ngày xưa ấy, về thời áo trắng, anh Nhớ về mái ấm Lạng Sơnvới thật nhiều kỷ niệm vẫn tươi rói, trinh nguyên:

Đã hơn năm chục mùa xuân,
Đã đi muôn nẻo xa gần nước non.
Nhớ về mái ấm Lạng Sơn,
Tình thầy nghĩa bạn vẫn còn hương say.
Áo sờn vương bụi phấn bay,
Yêu trò,yêu lớp cô thầy vẫn vui.
Giấy khan,bụng đói bạn ơi,
Thơm thơm nhớ củ sắnlùi chia nhau.
ĐènBương thức suốt canh thâu,
Mùa thi thương bạn,rừng sâu truy bài.
Nhớ Bình Độ, nhớ Lũng Vài,
Rừng hồi thơm cạnh rừng mai mơ màng.
Nhớ nọngmế, nhớ bản làng,
Đã từng giúp đỡ cưu mang nghĩa tình.

Bài thơ là nỗi nhớ mái ấm Lạng Sơn, nỗi nhớ được diễn đạt bằng cảm hứng lãng mạn và bút pháp miêu tả kết hợp tự sự giúp ta vừa hình dung được khung cảnh cụ thể của cuộc sống gian khổ khi ấy lại vừa cảm được cái tình sâu đượm của mái ấm thầy trò, bạn bè, dân bản! Nỗi nhớ xoáy vào hai hình ảnh: hình ảnh thầy trò Bách Khoa gian khổ và sẻ chia, quyết chí và lãng mạn cùng hình ảnh đồng bào Lạng Sơn cưu mang, nghĩa tình. Hai hình ảnh này xoắn vào nhau. Trong đó, thiên nhiên Đông Bắc - Lạng Sơn là cái nền dựng nên hình ảnh mái ấm. Nỗi nhớ được bộc lộ trực tiếp, thố tra bằng lời láy lại tới 8 lần từ nhớ, tạo thành chuỗi âm hưởng vời vợi đồng vọng, nhấc thi sĩ khỏi hiện tại, để đắm sâu trong nỗi nhớ không cùng. Những địa danh vùng núi Đông Bắc cũng thể hiện gián tiếp nỗi nhớ của nhà thơ. Bình Độ, Lũng Vài, những địa danh này, với tác giả không phải là những cái tên vô hồn mà có một sức gợi cảm đặc biệt. Đó là quê hương thứ hai, là thanh xuân của thầy trò anh. Những địa danh đã đột ngột đánh thức ký ức, dựng ký ức thành những ấn tượng cụ thể, sinh động và mái ấm Lạng Sơn hiện lên, quá khứ hiện được tái sinh trong hiện tại. Nhà thơ trực tiếp đối diện với mái ấm Lạng Sơn, người đọc đọc vị, đồng đối diện với tác giả ở nơi in dấu bước chân, thấm giọt mồ hôi, lưu lại bụi phấn của thầy trò anh.

Nỗi nhớ của anh mới dài rộng làm sao, nó trải ra khắp các chiều kích thời gian, không gian và chiều sâu tâm hồn. Đã hơn năm chục mùa xuân, đúng, đời người, không phải ai sau khi tốt nghiệp đại học cũng đi qua được hơn năm chục mùa xuânđể nhớ về thời mười tám đôi mươi, nhớ về những năm tháng đồng cam cộng khổ sơ tán nơi sơn cước cùng thầy cô bạn bè-những năm tháng trong trẻo, hồn nhiên, yêu đời và vô tư nhất. Theo thời gian, nỗi nhớ dày lên, trùng lớp bởi mỗi một mùa xuân đên, bởi mỗi lần họp lớp, hội khóa, bởi mỗi thiệp hồng của con cháu, bởi mỗi tin phân ưu!...Đã đi muôn nẻo xa gần nước non, đúng, đời người không phải ai, sau khi tốt nghiệp đại học cũng đi muôn nẻo xa gần nước non! Phùng Đức Đỗ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, mang sức trẻ cùng cả thế hệ của anh đi giải phóng miền Nam, giành độc lập tự do cho Tổ quốc theo nghề của mình - một chiến sĩ an ninh thầm lặng cống hiến. Trên “muôn nẻo” ấy, anh đã đi qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều người, có nhiều kỷniệm nhưng đau đáu trong tim, khắc sâu trong tâm khảm anh vẫn là mái ấm Lạng Sơn.Hương thơm của củ sắn lùi chia nhau, ánh sáng của đèn bươngcùng cô thầy, bạn trai, bạn gái trong những ngày giấy khan, bụng đói vẫn len lỏi trong kýức rồi ngan ngát tỏa ra câu chữ của hơn năm chục mùa xuânsau! Kýức của anh đưa bạn đọc trở về một thời sơ tán nơi rừng sâu của các sinh viên K11 khoa Vô tuyến điện, trường Đại học Bách Khoa với những cảm xúc nghẹn ngào bởi thương, bởi cảm phục, bởi tự hào. Hồi ức về hiện thực sơ tán của trường lớp được phổ vào bằng hơi thơ lãng mạn của một cựu sinh viên, cứ mỗi dịp hội lớp, hội khóa, hội trường lại hòa điệu cùng bạn bè thành một bản hợp ca:

Thoắt đà đã bạc mái đầu,
Vẫn còn nhung nhớ nhịp cầu Bách Khoa.

Lại nói về hồi ức,về thời bom đạn đã qua, anh có bài Bữa cơm mặt đườngđược nhiều bạn đọc yêu thích. Trong những năm chống Mỹ, tác giả đi làm nhiệm vụ, có dịp gặp những chiến sĩ mở đường Trường Sơn, anh đã ghi lại một trong những kỷ niệm ấy bằng thơ:

Chẳng cần chi mâm miếc lôi thôi
Nền đường đấy ta ngồi ta chén!
Ngày đầu tiên má em còn thẹn,
Công việc quen dần tiếng hát thêm vui.
Múc môi canh sóng sánh nụ cười!
Múc cả mặt trời chói chang ánh nắng.
Đường Trường Sơn mở bao nhiêu chặng
Bữa cơm mặt đường nhớ lắm em ơi!
Có những hôm cơm dọn xong rồi,
Giặc Mỹ đến bom gào đạn xé
Thương con đường mắt em đẫm lệ.
Mặc đói, mặc bom cứ thế lao đi
Đường thông xong mặt mũi đen sì,
Giữa mặt đường lương khôn hai tạm.
Ôi kỷ niệm một thời súng đạn
Bạc tóc rồi mà vẫn chưa quên
Ngồi trước mâm cơm tôi lại nhớ đến em,
Bữa cơm mặt đường Trường Sơn huyền thoại!

Nhan đề bài thơ thật lạ. Bữa cơm sao có thể ở mặt đường! Hai câu đầu cũng khiến ta ngỡ ngàng:

Chẳng cần chi mâm miếc lôi thôi
Nền đường đấy ta ngồi ta chén!

Hình ảnh bữa cơm hiện lên vô cùng độc đáo: chẳng cần chi mâm miếc vẫn hiên ngang ngồi trên nền đường đang san dở dang và kẻ địch thì sẵn sàng đánh phá bất cứ lúc nào, những cô gái mở đường vẫn ta ngồi ta chén. Họ đâu còn cách khác trong hoàn cảnh chiến tranh này, thậm chí họ còn phải hy sinh tính mạng để giữ gìn con đường. Họ phải tranh thủ thời gian nghỉ giữa hai đợt ném bom oanh tạc của kẻ thù mà khẩn trương ăn uống. Bữa cơm đơn sơ mà niềm vui đong đầy:

Múc môi canh sóng sánh nụ cười!
Múc cả mặt trời chói chang ánh nắng.

Nhịp điệu thơ khoan thai, xúc cảm khoan khoái bởi cũng hiếm khi được thảnh thơi ngồi ăn bữa cơm mặt đường. Hình ảnh thơ thật đẹp, ngôn ngữ thơ đầy sáng tạo của nhà thơ đã chụp được khoảnh khắc duyên dáng, đáng yêu của các chiến sĩ nữ mà mỗi hơi thở, mỗi động tác đều toát lên vẻ đẹp thanh xuân, vẻ đẹp của lý tưởng sống của cả một thế hệ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Hình ảnh bữa cơm mặt đường hiện lên rõ nét qua lớp ngôn từ giản dị, và mang đậm tính khẩu ngữ, những câu thơ như những lời nói thường nôm na mà cứng cỏi. Cái cách các cô gái mở đường ăn cơm, toát ra một thái độ bất chấp mọi hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã. Chiến tranh, bom đạn thù vãi xuống trên mặt đường Trường Sơn, nhưng nơi huyết mạch giao thông của Tổ quốc ấy vẫn vang lên tiếng cười tươi vui, lạc quan yêu đời.

Hiện thực chiến tranh tàn khốc đã được nhìn nhận qua lăng kính và tâm hồn thầm lặng của người chiến sĩ an ninh:

Có những hôm cơm dọn xong rồi,
Giặc Mỹ đến bom gào đạn xé
Thương con đường mắt em đẫm lệ.
Mặc đói, mặc bom cứ thế lao đi
Đường thông xong mặt mũi đen sì,
Giữa mặt đường lương khôn hai tạm.

Từ cái cách các cô gái mở đường dùng cơm đến cái cách các chiến sĩ gái thương con đường, bạn đọc đôi khi ngộ nhận tác giả là người trong cuộc, vì thiết nghĩ chỉ có thể là người trong cuộc mới có cách nói chân thực mà xúc động, lay động long người đến thế! Trong khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ, những người lính nói chung, những cô gái mở đường nói riêng vẫn giữ vững tình cảm keo sơn gắn bó. Họ cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, trải qua mưa bom bão đạn, để rồi luôn kiên định với lý tưởng giải phóng dân tộc. Bức chân dung của những người chiến sĩ mở đường Trường Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước đã được vẽ thêm một nét cứng cáp mà dịu dàng rất con gái thông qua hình ảnh Bữa cơm mặt đường của tác giả Phùng Đức Đỗ!

Với mảng thơ tình yêu, Phùng Đức Đỗ luôn thiết tha, đằm thắm, nhân hậu, thủy chung. Vâng, ngoài những cảm xúc, tình cảm anh dành cho tổ nghiệp, quê hương, gia đình, bè bạn, tuổi học trò, anh còn dành một phần cho tình yêu, cho gia đình nhỏ bé của mình. Khi mới yêu, có lúc anh cũng trăn trở lắm. Ta đồng cảm với cuộc tranh luận đáng yêu của Lý trí và trái tim:

Đừng thăm em! Đừng thăm em!
Yêu em thì hãy lãng quên lúc này”.
Lýtrí có vẻ gắt gay,
Mùa thi đang bận sợ rầy đến em.

Lý trí sáng suốt theo cách của lý trí. Còn trái tim lại sáng suốt theo cách của trái tim:

Trái tim nó nói những câu,
Nghe ra thấm thía nặng sâu nghĩa tình.
Nó còn nói biết hysinh,
Những gì nhỏ bé... cho tình sáng lên

Theo cách của trái tim, tình yêu là khi hai con người cùng nhau sống đẹp và làm cho xung quanh trở nên tốt đẹp hơn. Cuộc tranh luận đã nhen nhóm và thắp lên một tình yêu chân chính, thuần khiết mà cháy bỏng của đôi lứa học trò! Tình yêu ấy lớn dần cùng nỗi nhớ thương đau đáu, khôn nguôi trong anh chị như hơi thở, như máu thịt trong Tình chè xanh hay trong Hương cau:

Đường hành quân trong đêm
Rộn mùa cau xây trái
Hương cau bay theo mãi
Trên khắp nẻo đường xa.
 
Mẹ đem cơi trầu ra
Mời bà con trăm họ
Em ơi! Ngày vui đó
Khi Nam Bắc gần nhau.
(Hương cau)

Có cả một miền ký ức êm ru, dịu dàng, thơm mát trong hương cau, hương chè xanh nơi làng quê đồng bằng Bắc bộ là hành trang chiến sĩ của anh.

Trong tình yêu, Phùng Đức Đỗ đôi khi cũng nói tới triết lý âm dương ngũ hành của văn hóa phương Đông:

Anh là dương, em là âm,
Phải duyên trời đất lặng thầm yêu nhau.
Ngũ hành ta hiểu từ đâu,
Thủy em sinh mộc cho màu tươi xanh.
Lẽ đời có gốc sinh cành,
Con mình ấp ủ mà thành em ơi!
Lưỡng nghi, tứ tượng... sinh sôi.
Nhân gian cứ thế đắp bồi mới nên.
(Hiểu âm dương vẹn nghĩa tình)

Nhưng hơn hết là anh thấu hiểu văn hóa lúa nước của người Việt trong tình yêu để sao cho vẹn nghĩa tình:

Con Rồng yêu mến cháu Tiên,
Miền xuôi miền ngược nên duyên đậm đà.
Phải thương từ đấy mà ra,
Giá gương nhiễu phủ để ta thương mình.
Âm dương là lẽ trời sinh,
Hiểu âm dương vẹn nghĩa tình em ơi!
(Hiểu âm dương vẹn nghĩa tình)

Nhưng thành ngữ dân gian “con Rồng cháu Tiên”, “miền ngược miền xuôi”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” đã chạm vào trái tim người đọc để mỗi khi đọc lên lại rưng rưng như được tiếp thêm sức mạnh truyền từ nguồn cội cha ông. Xúc cảm tình yêu của thế hệ anh thật đặc biệt và mãi tỏa hương thơm mật ngọt cho đời:

Anh và em hương nhụy cho đời
Bằng trái tim hai đứa
Cũng biết chắt chiu nâng niu
Như thuởban đầu tổ tiên ta giữ lửa
Gom góp dần
Thành ngọn lửa tình yêu!
(Nâng niu)

Tình yêu thời hoa niên của anh chị thật đẹp, đẹp hơn khi tình yêu ấy kết nên trái ngọt. Như người ta nói ba trong một, anh chị là mối tình đầu cũng là tình cuối của nhau. Anh chị đám cưới đến nay đã năm mươi năm có lẻ mà vẫn vẹn nguyên dấu yêu, nâng niu, trân quý nhau. Anh luôn đặt mình vào thế giới của người vợ để đồng cảm sẻ chia (Hiểu âm dương vẹn nghĩa tình; Đón xuân Mậu Tý vợ chồng làm thơ về cây thuốc quý; Thiếp với chàng luận bàn đông được; Thơ tặng vợ tròn năm mươi; Thuốc và em; Anh vẫn còn may; Anh và em; Trời thương). Có câu hát ngân nga Biển một bên và em một bên thì với Phùng Đức Đỗ cũng có thể mượn cách ấy mà nói thuốc một bên và em một bên:

Em thủy chung dịu dàng tươi mát
Thuốc thấm sâu nên nghĩa nên tình
Thuốc và em ngân nga khúc hát
Cho cuộc đời mãi mãi hồi sinh.

Mừng sinh nhật vợ tròn năm mươi tuổi(5/6/1950 - 5/6/2000), anh viết:

Năm mươi tròn trĩnh tuổi bà,
Cặp môi vẫn đẹp, làn da mịn màng.
Tự hào bà vẫn còn xoan,
Đã lên bà nội chưa toan về già.
Đã xinh bà lại nết na,
Giỏi giang việc nước, việc nhà bà lo.
Bao năm tận tụy với trò,
Chở bao khách quý qua đò vẫn vui.
Yêu bà trò gọi “U ơi”,
Tôi nghe thấy cũng yêu đời thêm lên!
May cho tôi có vợ hiền,
Con ngoan, cháu đẹp nhờ duyên của bà.
Có một bà cố nhân ba,
Có ba bà lại nhân ra chín lần.
Nếp ăn, ý ở kiệm cần,
Thương chồng con cháu chẳng ngần ngại chi.
Việc trường, việc hội chăm đi,
Việc tình, việc nghĩa, việc gì cũng tươm.
Đã đi quá nửa chặng đường,
Càng sâu nghĩa nặng, càng thương yêu bà.

Anh cũng như bao người đàn ông chân chính khác luôn biết trân quý người vợ hiền giỏi việc nước, đảm việc nhà (chị công tác bên ngành giáo dục - Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề, sau về hưu lại cùng anh làm thuốc), không tiếc lời khen tặng cho vợ để nhân lên hạnh phúc cho tổ ấm riêng mình, để khẳng định cái tôi đầy yêu thương, kiêu hãnh!

Tình yêu trong thơ anh đẫm đọng với gia đình, với quê hương đất nước. Không ồn ào, to tát, nó đơn giản, gần gũi, nó gợi sự liên tưởng để người đọc thêm thương và thêm yêu hơn những gì mình đang có.

Anh làm thơ như làm đẹp chính cuộc đời, thơ là hơi thở, là vần điệu được cất lên từ những tin yêu. Năm 2019, anh không may bị xe máy đi ẩu đâm gãy chân, nhưng anh vẫn lạc quan:

Mình ơi! Anh vẫn còn may,
Cái chân thì gãy, cái tay thì còn.
Cái đầu thì vẫn còn ngon,
Các bộ phận khác vẫn còn lưu thông...
(Anh vẫn còn may)

Tình yêu của đôi tình nhân không tuổi này mới đẹp làm sao. Có trải qua yêu thương trong những năm tháng gian khổ, phấn đấu, trưởng thành, có đi qua chiến tranh với cái sống cái chết cận kề mới có những ngày ấm áp hạnh phúc trân quý:

May mà có vợ mát tay,
Có con có cháu đêm ngày chăm nom.
May mà lại được bà con,
Họ hàng đoàn thể thăm còn động viên.
Cảm ơn trời đất tổ tiên,
Cảm ơn bầu bạn xóm giềng yêu thương.
Ngẫm mình duyên nợ còn vương,
Trả sao cho hết đoạn trường nay mai...
May mà trên chặng đường dài,
Cảm ơn mình đã chung vai gánh gồng.
Nhớ câu bà khéo chăm ông,
Tôi như trẻ lại được bồng được ru!
(Anh vẫn còn may)

Vào năm thất thập (xuân 2017), dí dỏm và hóm hỉnh, anh viết Đã bảy mươi xuân thật thế a!:

Bảy mươi mình vẫn thấy chưa già
Vẫn vui bầu bạn, vẫn xuân hoa.
Cầm míc vẫn ca dăm bài hát
Bóng bàn giao hữu mấy đại ca.
Quân thần tá xứ...luôn ghi nhớ
Hải Thượng răn người nhắc nhở ta.
Vui cùng con cháu quên năm tháng
Đã bảy mươi xuân. Thật thế a!

Đó! Màu thời gian vẫn tươi sáng, hương thời gian vẫn nồng nàn. Đọc thơ của tác giả Phùng Đức Đỗ, ta thấy anh luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống. Những câu thơ dung dị, chân tình đủ làm cho con người tự tin, mạnh mẽ và tỏa sáng cho dù ở lứa tuổi nào!

Còn rất nhiều cung bậc cảm xúc được anh gửi vào trong thơ một cách tự nhiên, chân chất, dung dị rất họ Phùng, rất Đức Đỗ! Tất cả đã gieo vào lòng người đọc tạo nên những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp dành cho tập thơ anh - một con người dành trọn trái tim cho thuốc, cho đời mà chỉ nhận mình là “hương thầm” chứ không là “hương trầm”.

Hương thầmchính là quê hương, gia tộc, tổng hiệp, là mẹ, là gia đình, bè bạn, là những ký ức thời trai trẻ để Đức Đỗ tiếp tục sống lạc quan, yêu đời. Hương thầm cũng là những vần thơ tri kỷ của anh, thơ và người tựa bờ vai chung thủy vào nhau mà thăng hoa, mà cống hiến, mà hướng thiện. Tiếng thơ của anh cất lên trong đời thực, đến và chạm vào trái tim cảm xúc của người đọc chính là nhờ hương thầm đủ mỹ hương vị, nhiệm màu đầy yêu thương vậy.

Gấp lại Hương thầm, cảm giác như trên tay còn lưu lại mùi thơm và tôi dám chắc rằng trên mảnh đất đời người, dù có chỗ khô cằn nắng hạn nhưng một khi ta bỏ công bỏ sức, gieo hạt yêu thương ta sẽ thưởng thức hương vị ngây ngất, ngọt ngào của tình người, ta có quyền tin vào hạnh phúc, vào cuộc đời.

Nhà giáo Lê Minh Thu