(Chủ nhật, 21/07/2019, 08:50 GMT+7)

HẠNH NGỘ CỦA BA NHÀ THƠ HỌ PHÙNG

Đỗ Lai Thúy

 
   Ba nhà thơ Phùng Cung, Phùng Quán, Phùng Khắc Bắc, vừa được một nhà thơ họ Phùng thứ tư, Phùng Văn Khai, kiến tạo nên một gặp gỡ thú vị. Họ giống và khác cả ở tuổi tác, quê quán, thân phận xã hội, và phong cách thơ. Hẳn vì thế mà sự trùng phùng này ở họ gợi lên bao nghĩ suy, cảm xúc về một vùng địa lý nhân văn, về nhân cách và thi cách, về những số phận thơ, về một dòng chảy văn chương dường như không bờ bến.
   Sơn Tây - Xứ Đoàixưa gồm cả Vĩnh Phúc và một phần Phú Thọ, nên là quê đẻ (Yên Lạc) và quê tổ cũng là quê nuôi (Sơn Tây) của Phùng Cung. Đây là một vùng đất đá ong (khô nhiều ngấn lệ - Quang Dũng) cứng cỏi, một bầu trời xanh thẳm với những đám mây trắng lang thang về đậu đỉnh Ba Vì. Trời ấy đất ấy tạo nên tính cách cổ sơ của xứ Đoài. Mây trắng, con đẻ của trời và đất, là tâm hồn xứ Đoài. Mà Phùng Cung là một nhân vật tiêu biểu. Phùng Khắc Bắc đẻ ở làng Bùng, Thạch Thất (Nhà Đá, tức được xây bằng đá ong), Sơn Tây. Tuy sau này theo gia đình lên Bắc Giang, một thổ ngơi gò đồi tương tự Sơn Tây, nên tính cách âm thầm, cô độc, sâu sắc của vùng quê “đất sỏi chạch vàng” ông còn giữ được. Riêng Phùng Quán, sinh ở Huế, nhưng những năm hậu - Nhân văn ông đã nhiều năm đi trồng mía và làm thơ ở Thái Nguyên, một vùng trung du khác. Thơ Phùng Quán vừa có tính đồi gò của quê trò vừa có tính đầm phá của quê đẻ.
   Tuy chưa phải là họ lớn hàng đầu của Việt Nam, nhưng họ Phùng để lại nhiều mốc son trong lịch sử đất nước. Trước hết phải kể đến Phùng Thanh Hòa, hữu tướng quân của Lý Bí (Thành hoàng đình làng Ngọc Than, Quốc Oai, một di tích lịch sử cấp quốc gia), người khởi nghĩa chống nhà Lương dựng nên nước Vạn Xuân, người xưng Đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Sau đó đến Phùng Hưng, người được dân tôn xưng là Bố Cái Đại Vương. Rồi Phùng Tá Chu người có công lớn trong việc giúp Trần Thủ Độ xây dựng nên nhà Trần. Cuối cùng là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, một nhà thơ, một danh thần của triều Lê Trung Hưng, từng cầm quân và đi sứ làm nổi danh tài trí đất nước. Ngoài ra, cụ trạng còn sống trong dân với bao giai - huyền thoại là tổ của nhiều nghề, như dệt, trồng đậu tương, vừng. Ngoài tứ trụ nói trên của họ Phùng, còn biết bao các danh tài khác như Phùng Phúc Kiều, Phùng Đốc, Phùng Hữu Hiệu, Phùng Ông, Phùng Trạm… Các nhà thơ như Phùng Cung quê gốc Sơn Tây không trực hệ thì cũng là bàng hệ của Phùng Hưng, còn Phùng Khắc Bắc thì rõ ràng là con cháu Trạng Bùng. Riêng chi họ Phùng của Phùng Quán ở Huế chưa ai truy nguyên dòng họ đến từ đâu, nhưng hẳn ít nhiều cũng liên quan đến nơi phát tích. Dù xa nhau về không gian và thời gian, nhưng dòng máu của tổ tiên xưa nay không thể không chảy trong huyết quản của ba nhà thơ này.
   Phùng Cung tham gia cách mạng trong khởi nghĩa tháng Tám. Ông làm chủ tịch xã Hồng Châu, sau đó lên Việt Bắc tham gia Hội Văn nghệ Việt Nam làm công tác “điếu đóm phục vụ các cụ Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Tô Hoài…” Chứng kiến những thoái hóa nhân cách trong tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ và sự biến mất của các nghệ thuật dân tộc như tuồng chèo, hát nói, các nghề thủ công truyền thống… nên khi hòa bình lập lại, ông viết truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” in ở báo Nhân văn năm 1956 và nhiều truyện ngắn khác chưa in. Khi ở tù, thoạt tiên ông cũng viết nhẩm truyện ngắn, nhưng không nhớ nổi, nên đành chuyển sang làm thơ nhẩm, nhằm bảo vệ ngôn ngữ cũng đang bị tha hóa. Tập thơ Xem đêm là kết quả của sự nhớ lại này. Phùng Cung, như vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sống để viết nhằm bảo vệ nhân cách trí thức của mình và/ là văn hóa dân tộc.
   Phùng Quán cũng sinh ra trong một gia đình cách mạng. Bản thân ông 16 tuổi đã tham gia Vệ Quốc Đoàn làm liên lạc, rồi làm văn nghệ. Ông bị quy Nhân văn khi viết những bài thơ khẳng định nhân cách của mình và đạo lý làm người như Lời mẹ dặn hoặc Chống tham ô lãng phí. Sau này dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu ông vẫn giữ nguyên lý tưởng cách mạng thuở ban đầu và trung thành với thơ.
   Phùng Khắc Bắc thuộc thế hệ sau nhưng thời đại ông sống không phải không đặt ra cho thanh niên sự lựa chọn. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bố mẹ ông mong muốn con mình vào đại học, nhưng ông đã kiên quyết đi bộ đội đánh Mỹ cứu nước. Ở chiến trường B2, ông bị nhiễm chất độc da cam. Năm 1977, ông về lại miền Bắc, ở Cục Tuyên huấn, đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, rồi chuyển ngành ra Hội Nhà văn làm hành chính. Trong lúc làng văn nghệ trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng và nhà văn như những bờ tre ấm bụi, thì ông lặng lẽ sống, lặng lẽ viết, không vì danh tiếng, cũng không để kiếm ăn. Chỉ đến khi ông mất, nhà văn Xuân Thiều lục di cảo mới biết ông có một tập truyện ngắn, một tiểu thuyết và một tập thơ.
   Như vậy, ba nhà thơ họ Phùng đều là những con người có nhân cách, thậm chí nhân cách rất cao. Nó không chỉ biểu hiện trong cuộc sống, trong đời thường, mà trước hết và chủ yếu trong việc trung kiên với lý tưởng viết của mình. Trong trường hợp này, nhân cách sẽ tạo ra văn cách, mà ở họ là thi cách, Écriture. Nhân cách ở họ, trên những nét lớn, là giống nhau. Đó là sự yêu thơ, sống để làm thơ và làm thơ để sống: Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ đứng dậy (Phùng Quán). Khi rơi vào trường hợp mất tư cách công dân, chỉ còn là phó thường dân, Phùng Cung, Phùng Quán chỉ còn có một con đường làm thơ bằng tiếng nói của mình, bằng ngôn ngữ, để khẳng định mình, thơ lúc này như một cứu cánh, một lẽ sống. Thơ lúc này, không kèm theo một tính từ nào hết, thơ sạch, mà muốn đạt được thứ thơ bản nguyên này thì phải sáng tạo, phải cách tân. Phùng Khắc Bắc cũng vậy. Sống ở Hội Nhà văn (như Phùng Cung trước đây ở Hội Văn nghệ), chứng kiến những mùa thơ hợp tác xã bội thu/ thực, ông phải tìm kiếm thơ trên mảnh ruộng phần trăm của mình. Như vậy, nếu cách tân, sáng tạo là thi cách chung của cả Phùng Cung, Phùng Quán, Phùng Khắc Bắc, thì mỗi nhà thơ đều có cái cách sáng tạo riêng cho chính mình.
   Phùng Cung trong Xem đêm là sáng tạo chữ. Bạn “cùng một lứa bên trời lận đận” với Trần Dần, Lê Đạt, những người thơ coi chữ là tính thứ nhất của thi ca, những người tự gọi mình là phu chữ (Lê Đạt), làm thơ là công tác chữ, gây sự chữ (Trần Dần), Phùng Cung không thể không chịu ảnh hưởng về quan niệm chữ này. Tuy nhiên, Phùng Cung có hướng tìm tòi riêng của mình, khác cả Dần, lẫn Đạt. Nếu Trần Dần bắt mỗi con chữ trong thơ mình phải phát ra nghĩa mới, khác hẳn nghĩa tiêu dùng, nghĩa từ điển, nếu Lê Đạt bắt mỗi con chữ trong thơ mình phải cùng lúc phát ra nhiều nghĩa, để mở rộng không gian thẩm mỹ của thơ, thì Phùng Cung làm khảo cổ học chữ, khai quật những con chữ quê ra đời từ thuở khai sơn lập địa. Qua chữ quê tìm về quê chữ, vùng đất Sơn Tây cổ sơ có thể nay đã hiện đại hóa, nhưng còn lưu giữ những hóa thạch chữ trong tâm thức người quê ở nơi đây. Thơ của Xem đêm là đánh thức chữ, đánh thức ký ức dân tộc, đánh thức lương tri văn hóa dân tộc. Bởi vậy, thơ Phùng Cung là hiện đại, nhưng khác thơ hiện-đại-hiện-đại của Trần Dần, Lê Đạt, Thanh Tâm Tuyền, thơ Phùng Cung cũng như Tô Thùy Yên là hiện-đại-cổ-điển.
   Thơ Phùng Quán không đi tìm chữ, mà tìm ý, tứ, tư tưởng. Chữ trong thơ Phùng Quán, bởi vậy, không có giá trị tự thân, không sinh ra tư tưởng mà phục vụ tư tưởng. Thơ ông, là thơ diễn đàn. Có thể đọc to cho bạn bè nghe quanh mâm rượu, ở Chòi Ngắm Sóng hồ Tây, đọc to ở các cuộc bình thơ, nói chuyện thơ trong khán phòng, thậm chí đọc to cho đám đông nghe trong phòng chờ tàu hỏa. Cũng như Hoàng Cầm, Phùng Quán có giọng đọc/ ngâm thơ rất hay và, vì thế, rất thích đọc trước thính giả. Thơ nhằm mục đích này phải tư duy rõ ràng, khúc chiết, từ ngữ hấp dẫn, âm vang, không được đa nghĩa. Thơ Phùng Quán là thơ của nhân dân. Đúng như ông nói: “Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác.”
   Phùng Khắc Bắc ngay từ đầu đã làm thơ tự do, khác với số đông phải trải qua thể truyền thống, thể thơ mới. Điều này phần nào chứng tỏ ở ông một suy tư bề bộn, bão táp, muốn bung phá. Đó là suy tư của những người đã trải qua chiến tranh, của người đã đối mặt với nhiều cái chết vì bản thân mình đang mang mầm chết ở trong người. Bởi vậy, ông không có cái vui hời hợt, phong trào, mà một nỗi buồn cá nhân do cái nhìn chiều sâu, nhìn vào bản chất của cuộc đời và con người. Không thế không thể viết được kiệt tác Ngày hòa bình đầu tiên.
   Trên đây, tôi đã lướt qua ba nhà thơ họ Phùng từ các cạnh khía quê hương - thổ ngơi, dòng họ - huyết thống, truyền thống văn hóa, nhân cách và thi cách. Hoàn cảnh lớn làm cho họ không giống nhau bao nhiêu, thì hoàn cảnh nhỏ lại làm cho họ khác nhau bấy nhiêu. Phùng Cung là thi nhân, Phùng Quán là thi sĩ, còn Phùng Khắc Bắc là nhà thơ. Với những lời dẫn lộ trên, tôi hân hạnh xin trao cuốn sách Ba nhà thơ họ Phùng vào tay bạn đọc.