(Chủ nhật, 12/07/2020, 08:32 GMT+7)

HỌ PHÙNG Ở TÂY NINH, NHỮNG DẤU ẤN TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI

 
PHÙNG PHƯƠNG QUÝ


Tây Ninh, một vùng đất anh dũng kiên cường trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo về Tổ quốc. Với 240 km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, mảnh đất miền Đông "gian lao mà anh dũng" trằn mình từ nhiều đời nay chồng giặc cướp giữ gìn phên giậu nước nhà. Từ cuối thế kỷ 19, lịch sử đã ghi nhận công lao quy dân, lập ấp ở vùng Tân Lập, Tân Hội, Tân Hiệp (thuộc hai huyện Tân Biên và Tân Châu bây giờ) của hai anh em Huỳnh Công Giản; Huỳnh Công Nghệ, mà dân các vùng Hòa Thành; Tân Biên; Châu Thành lập đền thờ gọi là Quan lớn Trà Vong.
Năm 1809 trên đất Tây Ninh đã thành lập được các thôn ấp mới như An Tịnh,Cẩm Giang, Thạnh Ðức và Thanh Phước.  Lúc đó có rất nhiều dòng họ đến Tây Ninh khai cơ lập nghiệp. Họ Phùng cũng sớm có mặt ở Tây Ninh, sát cánh cùng một số dòng họ khác như họ Huỳnh, họ Dương; họ Lê; họ Phan; họ Võ, họ Trương; họ Lâm; họ Nguyễn; họ Đặng...
"Nghiên cứu về các cộng đồng dân cư, dân tộc ở Tây Ninh, sách Miền Ðông Nam Bộ- con người và văn hoá của Tiến sĩ Phan Xuân Biên (Nxb Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh năm 2004) dành hẳn một chương IV. Từ một số thư tịch cổ và gia phả, ông cho rằng: “Có lẽ vùng đất mà vào năm 1809 lập nên làng Bình Tịnh (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng ngày nay) là nơi tụ cư sớm nhất của người Việt ở vùng đất Tây Ninh. Họ vốn có gốc từ lớp lưu dân miền Trung di cư đến xóm Ràng (nay thuộc xã Trung Lập, Củ Chi) vào khoảng cuối thế kỷ XVII (năm 1685) rồi toả dần lên phía Bắc, ven theo sông Vàm Cỏ kiếm đất sinh sống…”.
Cụ thể hơn về các họ tộc, tác giả có nhắc đến một số họ tộc khai cơ mở đất ở An Tịnh: “Ở ấp An Khương hay còn gọi là xóm Cây Sao, họ Phan được coi là họ đầu tiên đến lập nghiệp. Ở thôn An Phú (còn gọi xóm Hóc Ớt) có họ Hồ, thôn An Thành (Sình Tranh) có họ Lê (cao tổ Lê Văn Phi) sau đổi thành họ Nguyễn; thôn An Bình (Cây Cau) có họ Trương và hậu duệ là Trương Tùng Quân  và họ Ðinh; ở thôn An Thới (xóm Trầu) có họ Trần; ở thôn Tịnh Phong có họ Ðoàn và thôn An Ðước (Bàu Mây, Trà Nguồn) có họ Lê…”. (Theo báo Tây Ninh).


Ban liên lạc họ Phùng Tây Ninh họp phiên đầu tiên

Ðặc biệt là năm 1836, khi phủ Tây Ninh được thành lập, với các chính sách khuyến khích lưu dân khai phá lập thôn làng trên vùng đất mới, số di dân đã tới đây lập nghiệp ngày một nhiều hơn. Cùng một số lưu dân ở miền Trung theo đường biển tìm vào, dân ở miền Tây Nam bộ di cư lên. Tây Ninh ngày càng có nhiều họ tộc tới sinh cơ lập nghiệp. Làng Bình Tịnh (nay là xã An Tịnh) huyện Trảng Bàng, tiếp giáp với huyện Củ Chi của Sài Gòn là nơi tập kết đầu tiên của các dòng họ di dân tới. Dòng họ Phùng có mặt ở đây từ rất sớm, con cháu hậu duệ tới bây giờ vẫn còn vài chục hộ gia đình. Đất Trảng Bàng được coi là nơi khởi tổ cho dòng họ Phùng, tiếp sau này một số chi nhánh họ Phùng từ Long An, Bến Tre, huyện Hồng Dân (Cà Mau) di cư tới. Ông Phùng Nhật Phong 70 tuổi, một nhà nghiên cứu khoa học về cây trồng ở xã Gia Huỳnh, huyện Trảng Bàng cho hay chi họ Phùng gia đình ông hiện diện ở đây từ lâu lắm rồi. Chi nhánh họ Phùng ở Trảng Bàng phát triển khá vững về kinh tế, con cháu thành đạt. Ông Phùng Nhật Phong là người đam mê làm kinh tế nông nghiệp. Từ hai chục năm trước, vườn thanh long ruột đỏ của ông xuất hiện ở Tây Ninh như một sự kiện đặc biệt về sáng tạo, đổi mới giống cây trồng. Cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao hơn thanh long ruột trắng, hơn nữa ông còn tìm hiểu liên hệ mở rộng thị trường bán thanh long đỏ ra nước ngoài. Những năm 2008-2010, giá thanh long ruột đỏ cao gấp đôi thanh long ruột trắng, nên phong trào trồng thanh  long ruột đỏ rộ lên khắp các huyện đồng bằng Tây Ninh. Trại thanh long ruột đỏ của ông Phùng Nhật Phong trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp cây giống và chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc. Vài năm sau, khi diện tích thanh long đỏ phát triển rộng, thì ông lại chuyển sang nghiên cứu chế biến thành phẩm từ trái thanh long ruột đỏ. Theo những tài liệu nghiên cứu và thí nghiệm thành công được Viện Pasteur Thành phố HCM chứng nhận, thì trái thanh long ruột đỏ được ông Phùng Nhật Phong chia làm ba loại sản phẩm. Phần thịt của trái được ép lấy nước, chế biến ra loại nước uống tăng lực có giá trị ngang ngữa với một loại nước giải khát tăng lực của Hàn Quốc có xuất khẩu sang Việt Nam. Phần vỏ của trái, được chế biến ra một loại mỹ phẩm dưỡng da, hiệu quả, đẹp và an toàn. Riêng phần hạt thanh long đỏ, rất nhỏ và khó thu lượm, trong quá trình ép thịt lấy nước, ông sáng chế ra máy tách hạt. Hạt thanh long đỏ phơi khô có giá bán rất cao. Sau khi đem ép sẽ được một loại dầu hạt thanh long dùng trong y dược. Ông Phùng Văn Tiết Bí thư đảng ủy xã Đôn Thuận, mỗi khi gặp mặt Ban liên lạc họ Phùng tỉnh Tây Ninh đều không giấu nổi vẻ vui mừng, tự hào vì dòng họ nhà mình, các con cháu luôn ngoan ngoãn học giỏi và thành đạt. Với trách nhiệm là một Bí thư đảng ủy xã, ông luôn nhắc nhở các gia đình trong dòng họ biết phát huy truyền thồng gia đình, dòng tộc, gương mẫu chấp hành tốt pháp luật của nhà nước, quy chế công tác của cơ quan.

Dương Minh Châu là một huyện mới, lấy tên vị Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Tây Ninh thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây cách xóm Ràng huyện Củ Chi 18 km. Năm 1809 một số dòng họ di dân vào xóm Ràng rồi phát triển dần lên Tây Ninh, trong đó có chi họ Phùng ở xã Phan, đã và đang tồn tại một chi họ Phùng Tấn. Con em họ Phùng Tấn ở đây cùng sát cánh với các dòng họ khác xây dựng, phát triển một địa phương mới, được thành lập từ năm 1951, đã qua nhiều lần tách ra, sáp nhập lại cho đến hiện nay hình thành một huyện Dương Minh Châu với dân số trên 110 ngàn người. Một gương mặt tiêu biểu cho tuổi trẻ họ Phùng ở đây là Bí thư đoàn xã Phan Phùng Tấn Khoa. Huyện Dương Minh Châu, nơi gắn liền với hồ đập thủy lợi Dầu Tiếng nổi tiếng của miền Đông Nam bộ, đã ghi nhận công lao nhỏ bé của các thế hệ họ Phùng Tấn trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Nói đến Tây Ninh là nói tới đạo Cao Đài, một tôn giáo thuần Việt được sáng lập vào năm 1926. Tòa Thánh Tây Ninh cũng là một hiện tượng kiến trúc lạ, không có bản vẽ thiết kế mà xây dựng theo trí tưởng tưởng của đạo trưởng Phạm Công Tắc ( 1890- 1959). Nghe kể, khi xây dựng tòa thánh, ban đêm ngủ ông thường mơ thấy Ngọc Hoàng thượng đế chỉ vẽ cho mình phải xây dựng từng phần Tòa thánh như thế nào, kết quả là một kiệt tác về kiến trúc tôn giáo mà không giống bất kỳ kiến trúc đình miếu nào ở Việt Nam. Người dân huyện Hòa Thành có tới 90% theo đạo Cao Đài và họ rất hãnh diện về quần thể kiến trúc này, hiện đã trở thành điểm du lịch thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Chi họ Phùng ở Hòa Thành cũng cảm thấy vinh dự vì đã góp công sức, của cải cho đạo, cùng xây dựng một đạo Cao Đài yêu nước, đoàn kết dân tộc. Sĩ tải Hiệp thiên đài Phùng Văn Phan 82 tuổi, là người có nhiều năm gắn bó với đạo, từng có nhiều kỉ niệm vui buồn về công việc tu hành của mình qua hai chế độ. Với tinh thần "yêu nước như yêu đạo", sau ngày giải phóng miền Nam tháng 4/1975, các con trai con gái của ông đều được nuôi ăn học thành người. Với niềm tin vào chế độ mới, các con ông đều học hành tiến bộ, trở thành những bác sĩ, giáo viên giỏi, nhà thơ tài năng. Cũng là những đạo hữu đạo Cao đài, chi họ Phùng của gia đình ông Phùng Văn Giàu ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu cũng hướng con cháu tới đạo lý làm người lương thiện. Dù chỉ là những nông dân thuần phác, nhưng trai gái họ Phùng ở Tân Hưng đều có trình độ văn hóa, hiểu biết về khoa học kỹ thuật, lao động sản xuất giỏi. Người thì mua sắm máy kéo cày vỡ đất trồng mía, trồng mì, cấy lúa. Người trở thành những thợ điện, thợ xây chuyên nghiệp. Đạo lý dạy tín đồ làm việc thiện, đạo hữu Cao Đài trong họ Phùng luôn tâm đắc vấn đề công quả. Ông Phùng văn Giàu thường xuất hiện ở những địa chỉ từ thiện, khi dựng nhà tình thương cho người nghèo, khi phục vụ điện ánh sáng cho những gia đình gặp khó khăn. Nghe tin huyện biên giới Châu Thành có cụ già cô đơn nhà cửa sập sệ, huyện Tân Biên có anh cựu chiến binh đông con nghèo khổ quá, ở khu Năm Trại có gia đình nghèo toàn phụ nữ vừa bị mưa lốc bay hết mái nhà...vậy là những đạo hữu Cao Đài thuộc dòng họ Phùng có mặt ngay. Họ đi quyên góp tiền bạc, vật liệu xây dựng, mỗi thùng mì tôm, bao gạo hay túi nước mắm bột ngọt, muối, đường đều thấm đượm mồ hôi,tấm lòng của người họ Phùng. Bác sỹ Phùng Hoàng Đức tuy công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng hàng năm thường tổ chức những đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo tại quê nhà Tây Ninh. Cô giáo Phùng Thị Tuyết Anh sinh năm 1965 là một người tâm huyết với nghề trồng người, nhưng lại đam mê văn học nghệ thuật. Là hội viên Hội văn học nghệ thuật Tây Ninh, nhiều năm qua cô giáo Phùng Thị Ánh Tuyết đem tài năng của mình gửi gắm vào những trang viết, phục vụ đời sống văn hóa cho nhân dân trong tỉnh nói chung và các em học sinh thân yêu nói riêng.
Chi nhánh họ Phùng ở Trà Vong, huyện Tân Biên cũng là một nhánh di dân từ miền Tây Nam Bộ lên Tây Ninh. Cụ ông Phùng Văn Bảy trước kia là người Bến Tre, sau khi tham gia cách mạng công tác tại Long An, cưới vợ ở đây rồi chuyển lên chiến khu Tân Biên, thống nhất đất nước rồi thì ở lại Tây Ninh lập nghiệp. Chi họ Phùng ở Trà Vong tuy ít người nhưng được đánh giá khá thành đạt. Tuy các con đều là nông dân, nhưng các cháu nội, ngoại đều học hành đỗ đạt. Từ khi Ban liên lạc họ Phùng toàn quốc tổ chức trao quà, học bổng cho con em họ Phùng đỗ đại học, thì chi họ của cụ Phùng Văn Bảy liên tục ba năm có các cháu nội đỗ các trường Đại học. Phùng Văn An 24 tuổi, sinh viên trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh khóa 2013, rất tự hào về truyền thống hiếu học của gia đình. Ba mẹ em dù là nông dân, sớm tối vất vả trên đồng ruộng, nhưng lại nuôi một hoài bão lớn là các con mình phải học hành tiến bộ. Từ tình thương ba mẹ, em đã cố gắng học tập tốt, tốt nghiệp đại học vào loại khá. Đến nay đã ra trường, có công việc làm ổn định, Phùng Văn An vẫn chưa nguôi niềm hi vọng đem kiến thức đã tiếp thu về phục vụ cho ngành nông nghiệp quê hương.


Ra mắt Ban liên lạc họ Phùng Tây Ninh ngày 21/2/2014

Sau ngày thống nhất đất nước, số gia đình họ Phùng từ Bắc vào Tây Ninh xây dựng kinh tế mới tập trung ở huyện Tân Châu mới thành lập. Huyện Tân Châu là một huyện biên giới, có diện tích bằng một phần tư cả tỉnh, nên được chú trọng đầu tư phát triển về kinh tế và đời sống văn hóa. Ông Hai Ninhnguyeen phó Chủ tịch tỉnh hiện ngụ tại thị trấn Tân Châu vẫn còn nhớ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi ông còn là Tổng đội thanh niên xung phong, đã đón tiếp và hướng dẫn những gia đình nông dân từ Bắc vào đây lập nghiệp, trong đó có một số hộ dân thuộc chi họ Phùng Bắc Giang, miền đất của quê hương cụ tổ họ Phùng Đạo Cao ở thôn Trung xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng. Những người này  mang theo tình cảm, ý chí của dòng họ đi xây dựng quê hương mới. Tại xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, vùng đất mới còn ngổn ngang bom mìn sau chiến tranh không ngăn được bước chân của con cháu họ Phùng. Từ bàn tay lao động chăm chỉ, miệt mài, mồ hôi và cả nước mắt đã biến đất rừng hoang thành những nương mì (sắn) bãi mía, những rừng cao su bạt ngàn xanh biếc. Qua mấy chục năm bền bỉ, sáng tạo, cuộc sống nơi đây đã có nhiều thay đổi. Từ những ngôi nhà tranh tạm bợ, đường mòn hằn vết xe bò kéo, nay đã thôn xóm khang trang như một thị tứ, tiếng máy cày, máy kéo rộn rã suốt ngày. Hết mùa mì lại tới vụ mía, rồi dòng nhựa trắng cao su đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho nông dân. Các gia đình họ Phùng ở đây đã xuất hiện những tỉ phú nông dân, điển hình như ông Phùng Phú Đoàn 66 tuổi.

Chi họ Phùng Bắc Giang vào đây có hai nhân vật khá nổi tiếng cùng họ cùng tên. Đó là Thạc sĩ Phùng Đức Thái sinh năm 1952, nguyên Giám đốc Trường chính trị tỉnh và doanh nhân Phùng Đức Thái sinh năm 1968. Thạc sĩ Phùng Đức Thái từng kinh qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, lăn lộn khắp các chiến trường từ Tây Nguyên về tới Tây Ninh và cuối cùng chốt lại đây, đưa vợ con cùng vào Phường I thành phố Tây Ninh sinh sống. Ông Thái là một tấm gương về quyết tâm vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, xây dựng một gia đình văn hóa mẫu mực. Còn doanh nhân Phùng Đức Thái thì lại khác. Là một người làm ăn có uy tín ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang, nghe tin Tây Ninh dễ làm ăn, anh đã đưa cả gia đình vào huyện Châu Thành thành lậpCông ty TNHH Thái Lan chuyên kinh doanh phế liệu. Công việc làm ăn có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn, có những khi gặp rủi ro tưởng như sụp đổ. Nhưng người Giám đốc họ Phùng đã vượt qua tất cả, để duy trì phát triển sự nghiệp của gia đình và dòng họ.
Trước năm 2015, tỉnh Tây Ninh từng có một vị nữ Chủ tịch tỉnh là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, thì chi họ Phùng ở thị xã Tây Ninh (bây giờ là thành phố) có một phó Giám đốc Sở Tư pháp Phùng Thị Dâu. Vốn là con em chi họ Phùng ở Tây Ninh đã lâu, gia đình bà có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng. Nay con cháu đã phát triển đông đảo hơn và những cán bộ viên chức nhà nước như bà Phùng Thị Dâu đang phát huy truyền thống gia đình, dòng họ, để công tác thật tốt. Với vai trò là một phó Giám đốc Sở Tư pháp, là những người trực tiếp tham gia theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; pháp chế ở địa phương, bà Phùng Thị Dâu ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan, còn tích cực tham gia việc giáo dục, động viên con cháu trong chi họ Phùng chấp hành tốt pháp luật, thực hiện nghiêm nghĩa vụ công dân. Các thành viên trong chi họ cũng rất tự hào vì có người họ Phùng tham gia cơ quan quản lý nhà nước, từ đó tự giác bảo ban nhau sống gương mẫu, nề nếp. Tới Tây Ninh, thamquan vùng đất đỏ lịch sử, người họ Phùng cả nước có thể gặp gỡ nhiều anh chị em đồng tộc khắp nơi, như Phùng Văn Huỳnh cán bộ Phòng BHXH huyện Hòa Thành; Phùng Văn Tiết ở Đôn thuận, Trảng bảng; Phùng Thị Dâu ở Sở Tư pháp; Phùng Văn Thêm ở Trà Vong, Tân Biên...
Có một chàng sĩ quan trẻ là Đại úy Phùng Quốc Hưng quê ở Hà Tây (Hà Nội), từng công tác tại Sư đoàn 5 bộ binh, đống quân trên đất Thái Bình, huyện Châu Thành. Phùng Quốc Hưng là một sĩ quan có nghiệp vụ giỏi, hết lòng vì hoạt động của Ban liên lạc họ Phùng Tây Ninh. Sau này chuyển công tác về thành phố Hồ Chí Minh, Phùng Quốc Hưng vẫn tích cực tham gia trong Ban liên lạc tuổi trẻ họ Phùng phía Nam. Một người thuộc chi họ Phùng ở làng Thụy Vân thành phố Việt Trì, Phú Thọ cũng vừa mở thêm một nhánh cho chi họ tại ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, với mong ước rất đơn giản là giữ gìn sự hòa hợp huyết thống cho họ Phùng -Đào chuẩn tới đời thứ ba. Tức là trước đó ông nội lấy vợ họ Đào, tới cha cũng lấy vợ họ Đào và tới đời ông Phùng Quốc Hùng cũng lấy vợ họ Đào. Cháu Phùng Hoàng Phú 10 tuổi đang là học sinh lớp 4 trường tiểu học Trường Đông, huyện Hòa Thành là kết quả sự hòa hợp hai họ Phùng- Đào đời thứ ba, của chi họ Phùng Thụy Vân- Phú Thọ.
Ban liên lạc họ Phùng toàn quốc tỉnh Tây Ninh được thành lập tháng 10 năm 2013 và ra mắt bà con các chi họ vào ngày 21 tháng 2 năm 2014. Để có được kết quả đó, phải ghi nhận công sức và lòng nhiệt tình cuả ban vận động thành lập Ban liên lạc từ những ngày đầu. Tây Ninh là vùng đất mới, các chi họ Phùng ở đây tập trung từ nhiều địa phương, vùng miền trên cả nước, với những phong tục, tập quán khác nhau, thậm chí không đồng quan điểm cả về tôn giáo. Họ Phùng Tây Ninh hiện nay bao gồm cả những người sống trong hai chế độ trước năm 1975. Công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mang lại cơ hội rất lớn cho nhân dân hai miền Nam- Bắc cùng nắm tay nhau đi tới hòa hợp hòa giải dân tộc, trong đó có các gia đình của các chi họ Phùng cả nước. Họ Phùng Tây Ninh cũng không ngoại lệ, Ban vận động thành lập Ban liên lạc họ Phùng toàn quốc ở Tây Ninh, đại diện là Thạc sĩ Phùng Đức Thái, đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm hiểu động viên các gia đình, chi họ Phùng ở các huyện ngồi lại với nhau, làm một việc hữu ích cùng với dòng họ Phùng cả nước. Ngay khi nhận được thư ngỏ của Ban liên lạc họ Phùng toàn quốc do trung tướng Phùng Khắc Đăng, phó Ban liên lạc họ Phùng toàn quốc gửi các chi họ Phùng cả nước. Ban vận động BLL họ Phùng toàn quốc ở Tây Ninh đã khẩn trương sao chép tư liệu, soạn thảo thêm nội dung kế hoạch thành lập Ban liên lạc họ Phùng Tây Ninh, gửi về các địa phương có các chi họ Phùng sinh sống như Dương Minh Châu; Trảng Bàng; Tân Biên; Châu Thành; Tân Châu; Hòa Thành và thị xã Tây Ninh. Để có được sự thống nhất và tin tưởng trong nội bộ Ban liên lạc, Ban vận động đã mời một số người cao tuổi, có uy tín đại diện cho chi họ Phùng bản địa và những người thuộc chi họ Phùng từ nơi khác di cư đến Tây Ninh, cùng hộp mặt bàn bạc cách thức, phương pháp xây dựng một Ban liên lạc họ Phùng tỉnh Tây Ninh mà có đại diện của tất cả thành phần tôn giáo, nghề nghiệp, chính trị.
Ngày 19/10/2013 Ban vận động thành lập Ban liên lạc họ Phùng Tây Ninh gồm hai ông Phùng Đức Thái (thạc sĩ chính trị) và Phùng Đức Thái doanh nhân, nhà văn Phùng Phương Quý lúc đó là Trưởng đại diện Ban liên lạc họ Phùng toàn quốc phía Nam và ông Phùng Phú Đoàn, họp sơ bộ tại tư gia doanh nhân Phùng Đức Thái ở huyện Châu Thành để bàn bạc và thông qua một số nội dung, quy định trong việc thành lập Ban liên lạc. Nội dung công việc đạt được sự đồng thuận cao của mọi người, thống nhất triển khai. Để tới ngày 21/2/2014 tổ chức lễ ra mắt Ban liên lạc họ Phùng Tây Ninh, gồm sáu người, Thạc sĩ Phùng Đức Thái được bầu làm Trưởng Ban liên lạc họ Phùng Tây Ninh. Cũng từ đó, Ban liên lạc họ Phùng Tây Ninh liên kết được với Ban liên lạc họ Phùng toàn quốc, thống nhất các nội dung hoạt động chung của họ Phùng toàn quốc. Trong tám năm qua, con cháu họ Phùng Tây Ninh đã có ba em đỗ các trường Đại học, được Ban liên lạc họ Phùng toàn quốc khen thưởng và tặng học bổng. Thành tích đó được các chị họ học tập, phấn đấu làm theo hướng cho con cháu trong chi họ mình một con đường vươn lên tốt nhất, bền vững nhất. Từ khi có Ban liên lạc họ Phùng Tây Ninh, những gia đình họ Phùng ở các địa phương tích cực tham gia sinh hoạt, đóng góp quỹ họ, tổ chức thăm viếng hiếu, hỉ trong các gia đình thành viên, tặng học bổng, tặng quà hàng năm cho các cháu con em họ Phùng học giỏi, ngoan ngoãn, thăm hỏi những người ốm đau bệnh tật, giúp đỡ những gia đình nghèo phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống no ấm.
So với các dòng họ khác tụ hợp về đây từ ngày mở đất lập ấp, người họ Phùng ở Tây Ninh không nhiều. Theo thống kê từ các chi họ thì hiện nay họ Phùng Tây Ninh mới có hơn hai trăm người. Tuy vậy, với tinh thần yêu đất nước quê hương, trân quý truyền thống của dòng họ. Các chi hội họ Phùng Tây ninh đang doàn kết, đùm bọc lẫn nhau xây dựng đời sống hạnh phúc, an nhiên.