(Thứ bảy, 31/12/2022, 06:08 GMT+7)

Tác giả: Th.S Phùng Quang Trung
Nguyên Trưởng phòng Văn học Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chùa Dụ Ân (hay gọi là Dụ Ân Tự) thuộc làng Bái Ân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội - Người vùng làng Bái Ân xưa thường gọi là Kẻ Bưởi (thuộc tổng Trung, Vĩnh Thuận, Phụng Thiên, kinh thành Thăng Long). Chùa Dụ Ân được xây từ thời Lý. Trong chùa còn tấm bia dựng năm Vĩnh Hựu thứ tư (1738), chuông đồng đúc năm Gia Long thứ 17 (1818), phản ánh nhiều tư liệu về làng xã và văn hóa vùng ven thành Thăng Long. Theo truyền thuyết được ghi vào sử sách, đầu xuân năm Tân Hợi 1011, Vua Lý Thái Tổ ngự thuyền rồng trên sông Tô Lịch. Đến bến Giang Tân, nhà vua thấy có mấy vuông lĩnh giăng lên vẽ một con rồng đang uốn khúc bay, vua liền dừng thuyền lên bờ hỏi thăm một cụ già thì được biết dân ở đây có nghề dệt lĩnh, lụa. Người dân đã vẽ rồng tượng trưng cho sự kiện rồng bay lên (Thăng Long) để đón nhà vua. Nhà vua hỏi về từng làng ở ven sông Thiên Phù và sông Tô Lịch rồi cho đổi tên các xóm Bến, xóm Nghè, xóm Dâu thành xã Nghĩa Đô vì là dân có nghĩa (với vua) và cho đổi tên xóm Bãi là Bái Ân (nghĩa là ơn thấm tất cả). Vua Lý Thái Tổ xuất thân gắn liền với Phật giáo nên khi gặp người dân xóm Bãi đã khuyên xây chùa, chùa Dụ Ân được dựng vào thời điểm đó.


Các hoạt động tôn giáo và thực hành tín ngưỡng phối thờ tại chùa Dụ Ân hiện nay

Theo tục truyền, đây từng là nơi tu hành và dạy học của vị tôn thất nhà Lý - Lý Công Ẩn. Trong số các học trò của cụ của người Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Theo Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ, thì “Lý Công Ẩn là tông thất của nhà Lý, ở xóm Bái Ân trại Bố Cái, thành Thăng Long. Sớm theo nghiệp Nho, sau được sư Vạn Hạnh truyền thụ đạo quyết nên chuyển sang học đạo mà nổi danh. Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt lúc thiếu thời thường đến cửa theo học. Năm Càn Phù Hữu Đạo (1039-1041) đời vua Thái Tông, ông đắc đạo thành tiên. Núi Trung Hàng ở châu Đông Ba lộ Hồng Châu, thuộc An Dương là nơi ông đắc đạo chứng quả, nay miếu vẫn còn. Theo người già trong làng kể lại, Dụ Ân là ngôi chùa cổ, xưa nằm ở cánh đồng Vàng (cách chùa hiện tại khoảng 2km về phía làng Xuân La), phía Tây Bắc làng Bái Ân, sau chuyển về gần làng. Khu đất chùa Dụ Ân hiện nay trước gọi là Đồi Ngang, có rừng rậm hay còn gọi là Rừng Ngang. Chỗ này là nơi hổ dừng chân nên người không dám qua lại. Khu vực này vốn là một quả đồi thấp, quá trình khai hoang người dân làng Bái Ân đã bạt đi để có đất canh tác, sinh hoạt và đưa chùa về gần làng để tiện cho việc đi lại của Phật tử.

Gần Dịch Vọng Tiền (phường Quan Hoa) có chùa Hoa Lăng thờ mẹ của thiền sư Từ Đạo Hạnh, người đã có công dạy dỗ, nuôi dưỡng vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn). Bái Ân xưa nằm ven bờ sông Thiên Phù, có bến Giang Tân. Về sau sông bị lấp, tạo ra vùng bãi rộng lớn, dân cư lúc đầu ở tại xóm Bãi. Bái Ân là ngôi làng duy nhất trên đất Thăng Long xưa được Vua Lý Thái Tổ đặt tên trong chuyến du xuân Tân Hợi năm 1011. Bái Ân là quê của Nguyễn Đình Hoàn, 15 tuổi đã đỗ Hương cống, sau đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn niên hiệu Chính Hòa (1688), làm quan đến chức Bồi Tụng (Phó Tể tuớng hay Binh Bộ Hữu Thị Lang). Ông từng dẫn đầu đoàn đại diện của triều đình Lê - Trịnh hội khám với đại diện chính quyền nhà Thanh về đất đai biên giới hai nước ở châu Lộc Bình (Lạng Sơn). Về sau, vào năm 1728, nhà Thanh phải trả lại khu vực này cho triều đình Lê - Trịnh. Làng còn có Nguyễn Quốc Ngạn đỗ Tiến sĩ khoa ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng (1775), làm quan đến Cấp Sự Trung.Trước dân làng sống chủ yếu bằng nghề dệt với các sản phẩm lụa, lĩnh rất nổi tiếng và làm giấy. Tổ nghề dệt là người họ Thái ở Trung Quốc sang từ trên một nghìn năm trước, truyền cho dân làng Bái Ân đầu tiên, rồi từ Bái Ân truyền sang các làng khác trong vùng Bưởi. Năm 2011, nhân dân làng Bái Ân đã sưu tầm tư liệu và cho in cuốn Kỷ niệm 1.000 năm vua Lý Thái Tổ đặt tên làng Bái Ân. Thời tiền khởi nghĩa, chùa cũng là nơi lui tới của nhiều lãnh tụ như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Quyết và nhiều cán bộ về đây xây dựng phong trào cách mạng của Đảng.

Hầu hết các chùa miền Bắc Việt Nam cũng như chùa Dụ Ân đều có Ban Mẫu (hay Điện Mẫu) bên cạnh chùa thờ Phật theo phái Đại Thừa. Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào giữa thiên niên kỷ thứ I (trước CN) có nguồn gốc xã hội sâu sa là một trong những trào lưu tư tưởng chống lại đạo Bà La Môn và chế độ phân chia đẳng cấp nghiệt ngã tồn tại trong nhiều thế kỷ ở Ấn Độ. Theo thuyết người sáng tạo Phật là Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhettha) thuộc dòng họ Cô Đàm (Gautama) con vua Tịnh Nhạm (Suddhodana), trị vì vương quốc nhỏ là Ca Tỳ La Vệ (Kapelavaxtu) ở trung lưu sông Hằng (Canga) bao gồm một phần đất La Pan và một phần các bang Utarơ, Pradlegơ vào Bihe của Ấn Độ ngày nay. Thái tử Tất Đạt Đa sinh năm 563 (TCN), xuất gia tu hành năm 29 tuổi. Sau mấy năm tu khổ hạnh và không ngừng duy tưởng. Năm 35 tuổi Tất Đạt Đa hiểu được bản chất của tồn tại, nguồn gốc của khổ đau và con đường cứu vớt. Từ đó, ông có biệt hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Cakya Muni - nghĩa là bậc Thánh của bộ lạc Thích Ca) và được gọi là Buddha (phiên âm theo tiếng Hán gọi là Phật Đà, người quen gọi là Phật), nghĩa là người giác ngộ, đã hiểu được chân lý. Sau đó Phật đi truyền bá học thuyết của mình mà sau này trở thành một tôn giáo lớn “Phật giáo”. Đến năm 483 (TCN), lúc 80 tuổi, Phật tịch (tạ thế).

Đạo Phật phát triển về phía Bắc, đến Trung Á, Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Nhật Bản… Về phía Nam, đến Srilaca, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Camphuchia... trở thành tôn giáo có tính quốc tế. Hiện nay, Đạo Phật có khoảng 360 triệu tín đồ (Việt Nam khoảng 14,4 triệu tín đồ), có mặt chủ yếu ở các nước Châu Á (94.9%) và nhất là thường pha trộn với tôn giáo bản địa của vùng văn hóa Đông Nam Á. Hiện nay Phật giáo lan truyền sang cả các nước Châu Âu, Châu Mỹ. Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm (từ những năm đầu Công nguyên bằng hai con đường Ấn Độ và Trung Quốc, thuộc Phật giáo Bắc tông (Đại Thừa). Sau này, các tỉnh phía Nam có một bộ phận Phật giáo Nam tông (Tiểu thừa) truyền vào chủ yếu trong vùng người Khơ Me.

Phật giáo Việt Nam ngay từ những ngày đầu mới du nhập đã gắn bó với vận mệnh dân tộc. Đặc biệt trong thời gian dài, dưới các triều đại Đinh, Lý, Trần, Phật giáo phát triển mạnh mẽ, có lúc trở thành quốc đạo, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Điển hình các vị Việt (đời nhà Đinh). Pháp Thuận (đời Tiền Lê). Vạn Hạnh (đời nhà Lý), Vua Lý Thái Tổ nguyên là một sa di. Trần Nhân Tông sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông đã xuất gia tu hành, trở thành Sư Tổ phái Thiền Trúc Lâm. Tiêu biểu các ngôi chùa ở Cầu Giấy (chùa Hà, chùa Thánh Chúa, chùa Cót, chùa Duệ Tú) và chùa Dụ Ân theo phái Đại Thừa.

Chùa Dụ Ân luôn giữ phong tục có nguồn gốc từ Phật giáo nói chung và những phong tục dân gian bản địa nói riêng.Đức Phật A Di Đà là vị Phật được thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa. A Di Đà có nghĩa là Ánh sáng vô hạn bởi vậy Phật A Di Đà thường được gọi là Đức Phật ánh sáng có trong chùa Dụ Ân. Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc, chí tâm niệm hồng danh của Ngài sẽ giúp sinh vô lượng công đức và được vãng sinh về cõi Cực Lạc dựa theo 48 lời đại nguyện của Ngài. Tiền thân của Đức Phật A Di Đà là vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm với muôn vàn công đức và lòng đại bi thương yêu tất cả chúng sinh. Ngài đã mở môn phương tiện, độ kẻ chúng sinh ra khỏi Ta Bà đem về Tịnh độ. Điều đó được ghi trong kinh “Về khoảng hằng sa kiếp trước, có một đại kiếp gọi là Thiện Trì. Khi ấy tại cõi Tản Đề Lam thế giới có vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm, thống lãnh cả bốn xứ thiên hạ: Một là Đông thắng thần chân/ Hai là Nam thiệm bộ châu/ Ba là Tây ngưu hóa châu/Bốn là Bắc cô lô châu.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh được thờ ở chùa: Cuộc đời ông được ghi lại dưới nhiều màu sắc huyền thoại. Vì truyền thuyết nổi tiếng đầu thai thành vua Lý Thần Tông, cùng sự huyền diệu của các câu chuyện dân gian về ông mà thiền sư Từ Đạo Hạnh được liệt vào hàng thánh nổi tiếng trong tín ngưỡng Việt Nam (trong Tứ Bất Tử của người Lạc Việt trước khi truyền thuyết về Bà Chúa Liễu Hạnh được phổ biến và thay thế Từ Đạo Hạnh trở thành Tứ Bất Tử đến nay). Theo sách Thiền Uyển Tập Anh của Phân viện Nghiên cứu Phật học được Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1990, do dịch giả Ngô Đức Thọ dịch theo nguyên bản chữ Hán Trùng San Thiền Uyển Tập Anh khắc in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), thì Thiền sư Đạo Hạnh là đời thứ 12 của thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, sống vào đời vua Lý Nhân Tông, không rõ năm sinh, mất năm 1117, thế danh là Từ Lộ, cha là Từ Vinh, làm quan đến chức Tăng quan Đô án. Ông tu hành và mất tại chùa Thiên Phúc, trên núi Phật Tích, nay chính là chùa Thầy ở xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Sau khi mất, ông tái sinh, nhập hồn vào hoàng tử mới sinh Lý Dương Hoán, sau là vua Lý Thần Tông (vị vua thứ 5 của nhà Lý). Theo Lịch triều hiến chương loại chí, tác giả Phan Huy Chú, của Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 2007, thì “Chùa Phật Tích ở xã Thụy Khê, huyện Yên Sơn, một tên khác là núi Sài. Phong cảnh đẹp đẽ trông ngang xuống mặt hồ, trên núi có hang sâu là chỗ Từ Ðạo Hạnh mất. Vách hang còn có dấu đầu và dấu chân. Trên đó có am Hương Hải và viện Bồ Ðà đều do Thiền sư dựng nên, nay là chùa Thiên Phúc...” Theo Đại Việt sử ký toàn thư (bản in Nội các quan, bản năm Chính Hòa thứ 18 (năm 1697)) do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội tái bản tháng 7/2005, thì: “Bính Thân, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 7 [1116], Tống Chính Hòa năm thứ 6”. Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Quốc Oai (huyện Quốc Oai ngày nay, tên núi là Phật Tích). Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng: tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác. Phu nhân của Sùng Hiền hầu là Đỗ thị đã có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán. Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm, mùa xuân, cứ đền ngày mồng 7 tháng 3, con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của sư (xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng lại thờ như cũ, hiện nay hãy còn). Từ Đạo Hạnh là một trong những danh tăng nổi tiếng và nhiều truyền thuyết linh dị nhất trong lịch sử Việt Nam, Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngài cũng chính là người mở đầu cho một tín ngưỡng hòa trộn vào Phật giáo sau đó có sức ảnh hưởng lớn đối với người Việt thời Lý - Trần, tín ngưỡng thờ Thánh Tổ. Thánh Tổ là các vị sư, cuộc đời có nhiều công hạnh kỳ bí linh thiêng, sau khi viên tịch được nhân dân dựng đền thờ riêng hoặc lập nơi thờ ở sau điện Phật. Thánh Tổ vừa đại diện cho Phật vừa gần gũi với cuộc sống của nhân dân, tuy vẫn thuộc đạo Phật nhưng lại như một thế lực thần thánh bảo trợ cho nhân dân. Các chùa dạng này thường có mô hình “Tiền Phật - Hậu Thánh” và đặc trưng là thường rất to lớn về quy mô, ảnh hưởng tâm linh đến cả một vùng miền, xứ sở xung quanh như: Chùa Thầy, chùa Láng, chùa Trăm Gian, chùa Bối Khê, chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Đậu, chùa Mía, chùa Mui, chùa Hà, chùa Ngũ Xã, chùa Thiên Vũ… trong đó có chùa Dụ Ân.

Chúng tôi đã có buổi trao đổi với pháp sư Đoàn Danh Đạt (người đại diện thay mặt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sinh hoạttôn giáo, người chắp táptụng kinh,hướng dẫn thực hành tôn giáo tín ngưỡng tại chùa)và Ông Nguyễn Văn Lưỡng (Trưởng Tiểu ban quản lý di tích chùa Dụ Ân) cho biết:

- Chùa Dụ Ân Tự có hoạt động tôn giáo chủ yếu là Phật giáo không chỉ hòa quyện với tín ngưỡng dân gian mà còn hòa chộn với một số tôn giáo khác như Nho giáo, Đạo giáo. Đức Phật là bậc thầy chỉ cho chúng sinh con đường đi đến giác ngộ. Sau khi đức Phật nhập diệt, chư Tăng, Phật tử là những người hoằng truyền lời dạy của Ngài để chính pháp đến được với mọi người. Lúc đầu, nhiều người đến chùa vì tin rằng họ sẽ được ban phước, ban lộc. Tuy niềm tin này chưa đúng với chính pháp, nhưng nhờ đó mà người ta có nhân duyên đến chùa. Vì vậy, họ mới có cơ hội tiếp cận với những lời dạy của đức Phật và được đọc kinh, nghe pháp. Dần dần, họ sẽ hiểu được việc cầu xin chỉ là tín ngưỡng và biết tu là sửa đổi ba nghiệp cho thanh tịnh để được an vui ở hiện tại và vị lai.Như vậy, chùa Dụ Ân chính là trường học Phật pháp, là nơi thuận duyên cho chúng ta đến để tu học, để hiểu và thực hành những lời đức Phật dạy, tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Đức Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Đạo Phật là bình đẳng, bác ái, hỷ xả, từ bi và hay ở chỗ đó. Hệ thống tượng Phật và sự bài trí tượng ở chùa Dụ Ân, tổng quan chi tiết có trong “Hồ sơ khảo cứu lịch sử chùa Dụ Ân” của Viện Nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, thông qua mục “Khảo tả di tích” rất rõ nét về những giá trị Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở chùa.

- Chùa có lịch sử lâu đời nhưng không có ghi chép cụ thể các thế hệ tăng ni trụ trì, hiện nay mới xác định được danh tính 4 nhà sư gần nhất từng trụ trì chùa Dụ Ân (cả 4 nhà sư này đã có mộ tháp và bia khắc tên ở mộ tháp trong khu Tháp Tổ): Thích Đàm Nghĩa, húy nhật 25/2; Thích Ôn Hòa, hiệu Đàm Huyền, húy nhật 20/3 âm lịch; Thích Đàm Sâm, hiệu Đức Lâm, mất năm 1986, húy nhật 20/4 âm lịch; Thích Đàm Thanh, hiệu Cần Mẫn, sinh năm 1946 mất năm 2020, húy nhật 4/1 âm lịch. Cũng qua lời kể của các ông Nguyễn Văn Lưỡng, Đoàn Danh Đạt và những Phật tử cao niên của chùa Dụ Ân thì trước đây do điều kiện kinh tế của cả nước nói chung, của các Phật tử và nhà chùa nói riêng còn khó khăn nên các nhà sư trụ trì hầu như chỉ tập trung vào các công việc Phật sự, thực hành tôn giáo, thuyết giảng giáo lý nhà Phật, hướng dẫn tu tập và thực hành tôn giáo Đạo Phật cho các Phật tử, hoằng dương Phật pháp. Về quản lý di tích, do không có điều kiện kinh tế nên bằng sự vận động của cá nhân và sự hỗ trợ, giúp đỡ của Phật tử tại địa phương, các nhà sư chỉ cố gắng sửa chữa những chỗ hư hỏng, xuống cấp của công trình kiến trúc hay hiện vật thờ tự trong chùa. Thời kỳ ni sư Thích Đàm Thanh trụ trì, do nhiều công trình kiến trúc bị xuống cấp nghiêm trọng, được sự đồng thuận của chính quyền trong xã hội hóa tu tạo chùa Dụ Ân, nhà sư đã vận động các Phật tử tại địa phương và nhiều nơi khác phát tâm công đức xây dựng lại Tam Bảo (năm 2009), cổng chính chùa và Nhà Mẫu (năm 2011).

- Nhìn chung các hoạt động tôn giáo (tín ngưỡng Phật giáo là chính) và hòa chộn thực hành tín ngưỡng dân gian tại chùa Dụ Ân bao gồm:

+ Các nghi thức hoạt động nghi lễ: Cầu an, cầu siêu, sám hối, dâng hương, an vị, chẩn tế, khai đàn tràng, khai kinh, công phu, tịnh độ...
+ Các tập tục: Tục bố thí, tục phóng sinh, tục ăn chay, trường hương, trường kỳBồ Tát, di cung hoán số, bán khoán, quy y tam bào của Phật tử, tụng kinh đảo bệnh, dược sư, tụng kinh sám hối…
+ Các hoạt động: Lễ Phật Đản (lễ Tắm Phật), lễ Vu Lan Bồn Báo Hiếu, lễ Giỗ Tổ, lễ Vía Phật, lễ Vía Bồ Tát, lễ cúng sao giải hạn, lễ tụng Kinh Dược sư... Hàng năm, chùa Dụ Ân còn tổ chức các lễ giỗ cho tôn sư bản tự; các lễ hằng thuận - lễ kết hôn tại chùa với người chủ lễ là nhà sư trụ trì; các khóa lễ Phật, các ngày Vía Phật: Vía Đức Di Lặc (ngày 1/Giêng); Vía Ngọc Hoàng Thượng Đế (ngày 9/Giêng), Vía Phật Thích Ca xuất gia (ngày 8/2), Vía Phật Thích Ca nhập diệt (ngày 15/2), Vía Đức Quán Thế Âm (ngày 19/2), Vía Đức Phổ Hiền Bồ Tát (ngày 21/2), Vía Đức Chuẩn Đề Bồ Tát (ngày 16/3), Vía Đức Văn Thù Bồ Tát (ngày 4/4), Vía Đức Phật Thích Ca giáng sinh (ngày 15/4), Vía Đức Quan Thế Âm thành đạo (ngày 19/6), Vía Đức Đại Thế Chí Bồ Tát (ngày 13/7), Lễ Vu Lan (ngày 15/7), Vía Đức Địa Tạng Bồ Tát (ngày 30/7), Vía Đức Quán Thế Âm xuất gia (ngày 19/9), Vía Phật Dược Sư (ngày 30/9), Vía Phật A Di Đà (ngày 17/11), Vía Phật Thích Ca thành đạo (lễ Lạp Bát ngày 8/12)...
+ Các hoạt động tín ngưỡng phối hợp: Tam Nguyên, thờ cúng tổ tiên, đưa hương linh lên chùa (quy y cho vong lên chùa, theo Phật), thắp đèn dược sư, lễ chùa đầu năm, lễ trì tiêu tai thần chú cát tường, lễ kỳ an hội, lễ đàn tràng dược sư thất châu, lễ pháp hội cam lồ pháp thực, cúng sóc vọng tuần tiết, cúng động thổ, cúng xá tội, rước Phật về thờ cúng tại gia…
+ Các tổ chức: “Đạo tràng”, “Pháp hội Địa tạng”, “Pháp môn Tu thiền”, “Pháp môn Tịnh độ”, “Địa quan xá tội”, “Pháp hội Địa tạng Bồ Tát Bạt độ chư hương linh siêu sinh tịnh độ”, “Cầu mùa thủy quan giải ách”, “Lễ cúng 23 tháng Chạp”, “Cúng Giao thừa”, “Các khóa lễ tụng kinh”, “Chai đàn chẩn tế” …
+ Tuyên sớ: Ngày 9 tháng Giêng(lễ Thượng Nguyên) xem như mở cửa chùa đầu năm mới (“mở hàng” của những người kinh doanh trong dân gian). Các nhà sư (bản tự và sư chùa ở chùa khác được mời đến) và Phật tử, du khách cùng đọc kinh cầu mong năm mới an lạc. bách gia trăm họ được yên vui.
+ Tuyên sớ: Ngày 9 tháng 4 âm lịch (lễ cúng vào hè, lễ Phật Đản): Vào ngày này, chùa tổ chức lễ thần, lễ chúng sinh (cũng vào hè) và lễ Tắm Phật (Phật Đản) theo đúng nghi lễ Phật giáo. Chùa mời các nhà sư quen biết tới cùng sư bản tự tụng kinh, hành lễ cùng các Phật tử. Ở các nơi khác, lễ cúng vào hè thường được tổ chức vào ngày 1/4 và lễ Phật Đản (thường vào ngày 15/4), còn chùa Dụ Ân tổ chức cả hai lễ vào ngày 9/4 âm lịch. Về dân gian, lễ cúng vào hè là để người dân bày tỏ ước nguyện một mùa hè mưa thuận, gió hòa, dịch bệnh do oi nóng tiêu tan, vạn sự bình yên.
+ Tuyên sớ: Ngày 9 tháng 7 âm lịch (lễ cúng ra hè): Cũng giống lễ cúng ngày 9 tháng 4, lễ này được tổ chức chung cho lễ cúng ra hè và lễ Trung nguyên. Chùa Dụ Ân mời các nhà sư quen biết tới cùng sư bản tự tụng kinh, hành lễ cùng các Phật tử, người dân địa phương, du khách. Lễ cúng ra hè như lời cảm tạ một mùa hè trôi qua bình an. Lễ Trung nguyên hay còn gọi là Rằm tháng Bảy. Trong dân gian, đây cũng là ngày tổ chức Xá tội vong nhân và Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu. Tết Trung Nguyên khơi dậy đời sống tinh thần của người Phật tử, củng cố niềm tin và hướng con người đến những giá trị sống tích cực hơn. Ăn chay, phóng sinh vừa thể hiện lòng từ bi cứu khổ cứu nạn, vừa tích đức cho bản thân và gia đình. Với dân gian, mọi người tri ân công ơn cha mẹ. Vào những ngày này, con cháu trong gia đình đều cố gắng thu xếp để trở về nhà, tận hưởng những giây phút đầm ấm bên gia đình và những người thân yêu, đi chùa để cầu sức khỏe cho cha mẹ, nghe giảng, từ đó hiểu hơn về đạo làm con. Đây cũng là ngày xá tội vong nhân nên mọi người đều tỏ lòng thương xót trước những linh hồn lang thang, không nơi nương tựa.
+ Tuyên sớ: Ngày 9 tháng Chạp (lễ tất niên): Vào ngày này, các nhà sư, Phật tử bao sái các ban thờ, tượng thờ, vật thờ tự chuẩn bị đón năm mới, xuân sang. Sau khi thực hành bao sái, những người thực hành tiến hành đọc kinh trì chú, tạ ơn Tam Bảo, niệm phật cầu gia bị và thực hành các nghi lễ Phật giáo của lễ tất niên.
+ Vào ngày lễ hội của làng Bái Ândiễn ra hàng năm, từ ngày mồng 9 cho đến hết ngày mồng 10 tháng hai âm lịch để tôn vinh công đức của 3 vị Thành Hoàng đã có công với làng. Dâng làng cử đoàn vào chùa dâng lễ Phật và đề nghị pháp sư Đoàn Danh Đạt đại diện chùa Dụ Ân cúng tại đình trước một ngày (sau đó làng mới tổ chức lễ hội).
+ Ngày 27/7 nhà chùa phối hợp cúng Liệt sỹ, thỉnh chuông hồi hướng cho các Liệt sỹ, siêu độ cho các vong linh Liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ hàng năm…
+ Xu hướng người dân gắn bó với ngôi chùa Dụ Ân ngày càng trở nên khăng khít. Điều đó thể hiện qua những đám tang có đan xen các yếu tố Phật giáo như rước ảnh Phật A Di Đà, các nhà sư, các vãi tham gia tụng kinh, niệm Phật độ cho người mất; ngày càng có nhiều gia đình phật tử và người dân đưa tổ tiên, cha mẹ lên chùa an vị; ngày càng có nhiều người ăn chay, rước Phật về nhà thờ cúng cùng với tổ tiên, làm nhiều việc thiện, giữ giới. Nhiều gia đình đồng thuận nhờ nhà chùa lập đàn lễ để quy vong lên chùa.
+ Đặc biệt khu đất chùa Dụ Ân xưa nằm ngay cạnh sát khu nghĩa trang, toàn bộ việc xây dựng các chung cư sầm uất như hiện nay đã phải chuyển trên 4000 ngôi mộ (làm 8 đợt chuyển di dời hài cốt đi) nên có rất nhiều vong. Nhà chùa luôn giữ tục cúng 3 mâm cơm hàng ngày (thường nhật): Một mâm cúng Tổ, một mâm cúng Thổ thần và một mâm cúng các vong cô hồn (mang tính nhân đạo để báo đáp, cứu giúp những linh hồn khốn khổ, cầu mong để được họ hỗ trợ không quấy phá).
+ Đã có sự lồng ghép hoạt động Chủng tử Mật Tông ở chùa, tụng kinh theo nghi thức Phật Phổ Môn...
+ Ngày cúng đại Lễ tại chùa Dụ Ân bắt buộchèm đồ cúng gồm: Xôi nguyên vỏ, gà mái tơ luộc, thịt bò béo luộc, hương nhang, thanh bông hoa quả, phẩm oản và các đồ chay…
+ Từ năm 2020, kể từ khi ni sư Thích Đàm Thanh mất đến nay chưa có nhà sư trụ trì. Điều này cũng ảnh hưởng tới việc bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích, nhất là việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại chùa không được đồng thuận giữa Trưởng Tiểu Ban Quản lý di tích Nguyễn Văn Lưỡng với pháp sư Đàm Danh Đạt và đồng thầy bên ngoài muốn tổ chức Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại chùa như sư thầy Đại đức Thích Tâm Kiêm trụ trì chùa Một Cột Hà Nội (người cùng sơn môn với ni sư Thích Đàm Thanh đã mất).Pháp sư Đoàn Danh Đạt người gốc Triều Dương (Hải Triều, Tiên Nữ, Hưng Yên), ở chùa từ nhỏ làcháu ruột cố ni sư Thích Đàm Thanh trước vẫn duy trì Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại chùa.Trong chùa có không gian ban Mẫu rộng 2 cung, theo nhu cầu của khách thập phương: Nghệ nhân Ưu tú đồng thầy Đặng Ngọc Anh, cũng như nhiều lần đồng thầy Đại đức Thích Tâm Kiên đã từng tổ chức hầu đồng tại chùa.

Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Dụ Ân

- Chùa Dụ Ân thờ Phật, ngôi chùa trang nghiêm trầm mặc rấtcó giá trị về mặt lịch sử. Tọa lạc ở vị trí quan trọng cửa ngõ Thủ đô, thuộc Nghĩa Đô, Cầu Giấy. Ngôi chùa có một ý nghĩa đặc biệt trong lòng người dân Thủ đô nói chung và người dân phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy nói riêng.Căn cứ theo tấm bia đá được khắc năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708), đời vua Lê Dụ Tông thời Lê trung hưng, thì việc thờ tự trong chùa Dụ Ân và các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng được hình thành trước năm 1708. Trải qua hơn 400 năm tồn tại, chùa Dụ Ân cùng với đình làng, quán cây ao cá tạo thành cụm di tích làng Bái Ân, đã được vua chúa nhiều đời ban cho 22 đạo sắc phong. Trên cơ sở phân tích, hiện trạng kết cấu của di tích chùa Dụ Ân cho thấy, do sự tác động phức tạp về nhiều mặt như thời gian, biến đổi khí hậu, sự tác động của con người, di tích và không gian kiến trúc cảnh quan chùa Dụ Ân đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể: Chùa Dụ Ân nằm trên vùng đất thấp nên mỗi khi có mưa lớn bị ngập rất nặng. Nhiều di vật, giấy tờ của chùa đã bị thất lạc hoặc hư hỏng qua những lần ngập nặng các năm về trước. Trong quá trình xây Tam Bảo và Nhà Mẫu, nhà chùa chỉ mới nâng được nền Tam Bảo, Nhà Mẫu và sân Nhà Mẫu lên cao.Mặt khác, do ở vùng đất thấp, trũng, độ ẩm cao nên các công trình, hiện vật của chùa bằng gỗ bị mối, mọt tấn công. Nhà chùa từng dùng biện pháp phun thuốc chống mối mọt để bảo vệ các công trình, hiện vật nhưng sau không sử dụng vì lượng thuốc dư theo mạch nước đổ vào ao chùa, làm ô nhiễm môi trường và chết vật nuôi. Hiện nay, thực trạng này chưa có phương án xử lý triệt để, ảnh hưởng tới chất lượng của các công trình hiện hữu, nhất là những công trình có sử dụng nhiều gỗ.Ngoài ra, căn nhà phụ trợ (cấp 4) bên cạnh Tam Bảo và nhà kho lâu ngày bịxuống cấp trầm trọng có thể bị sập bất cứ lúc nào. Do kinh phí hạn hẹp khi xây dựng Tam Bảo và Nhà Mẫu nên gỗ sử dụng để làm kèo, mái của 2 công trình này không được tốt, hiện đã xuống cấp. Chịu sự tác động của thời gian cùng thiên tai, bão lũ nên nhiều hạng mục tại di tích Chùa Dụ Ân đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập, đổ nếu không có giải pháp bảo vệ, trùng tu kịp thời.

- Tồn tại qua nhiều thế kỷ, chùa Dụ Ân đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Đến năm 2007, Tam Bảo được xây dựng lại mới trên nền Tam Bảo cũ, tiếp đó xây cổng chùa và tiểu cảnh trước Tam Bảo; đến năm 2011 thì xây Nhà Mẫu với nguồn kinh phí xã hội hóa. Được sự ủng hộ của nhân dân và các nhà hảo tâm, ngoài việc xây dựng, nhà chùa còn đại tu nhiều hạng mục: làm sân, tôn nền, bổ sung một số đồ thờ tự…

- UBND phường Nghĩa Đô đã có quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 5/3/2021 về việc kiện toàn Tiểu Ban Quản lý di tích nhằm bảo vệ, gìn giữ di tích nguyên trạng và đầy đủ theo quy định của Luật Di sản Văn hóa, Luật Tôn giáo Tín ngưỡng và các văn bản pháp luật có liên quan. Nhằm phát huy các giá trị của di tích, phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc; đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; khai thác, phát triển du dịch, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di tích; khuyến khích xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, gắn với quản lý bằng pháp luật; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.Trong khoảng 400 năm tồn tại, vấn đề bảo tồn, trùng tu Chùa Dụ Ân đã được cộng đồng cư dân làng Bái Ân quan tâm thực hiện, bằng chứng là những dữ liệu lịch sử rất có giá trị hiện còn được bảo lưu tại di tích. Tuy nhiên, trong 400 năm ấy, Chùa Dụ Ân cũng không tránh khỏi sự xuống cấp. Hiện nay, việc tu bổ Chùa Dụ Ân nhằm gìn giữ toàn vẹn, lâu dài các giá trị của di tích là hết sức cấp thiết.

- Khó khăn nhất hiện nay trong công tác bảo tồn di tích chùa Dụ Ân là việc phòng chống cháy nổ, chống mối mọt tượng cổ, nhà cổ và các dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Dụ Ân vẫn còn chậm trước nguy cơ hư hại nặng hơn. Do đó, công tác triển khai đề án trung tu chùa Dụ Ân cần được UBND quận Cầu Giấy, UBND thành phố Hà Nội, các cơ quan liên quan sớm triển khai thực hiện. Các vấn đề liên quan đến nạo vét làm sạch ao chùa, khơi thông dòng chảy để đảm bảo an toàn nhà cổ cũng phải tính đến hình thức công - tư, đồng thời cần chú ý, hướng dẫn, tránh tác động đến di tích.

- Việc trùng tu Chùa Dụ Ân cần phải được tiếp cận nghiên cứu thận trọng. Trong đó, phải được tiến hành theo quan điểm bảo tồn phù hợp và đúng hướng, cùng với các giải pháp can thiệp chính xác và chuẩn mực, tránh trường hợp làm biến dạng di tích, theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa: “Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm giảm hoặc thay đổi đặc điểm, giá trị di tích, đồng thời ưu tiên bảo quản, gia cố, sau đó mới đến tu bổ, tôn tạo”.

- Thăng Long - Hà Nội nói chung và di tích chùa Dụ Ân nói riêng có một vị trí và sứ mệnh đặc biệt trong việc tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam và hệ thống di sản văn hóa - nguồn tài nguyên vô giá trên mảnh đất ngàn năm văn hiến, góp phần quan trọng làm nên những giá trị ấy. Trải qua hàng ngàn năm với bao biến động dữ dội giữa các triều đại và thời kỳ lịch sử, sức sống di tích đang bị đe dọa, tiềm ẩn nguy cơ mai một, đòi hỏi có những ứng xử đúng đắn và tích cực, kịp thời để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Hệ thống tượng Phật, tượng Thánh và sự bài trí tượng cùng các hiện vật ở chùa cần được các cơ quan chức năng tổng hợp kiểm kê, đánh giá hết về giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và văn hóa, về quy mô, sự phong phú đa dạng của hiện vật thờ, đặc biệt chỉ rõ hệ thống tượng Phật Thánh cổ thời nào (Lê hay Nguyễn?), trạng thái bảo quản của di tích, từ đó đưa ra các phương án bảo vệ và sử dụng có hiệu quả di tích.

Chùa Dụ Ân là nơi thờ Phật, phối thờ Thánh, thực hiện tự do tôn giáo tín ngưỡng, là tài sản và giá trị tinh thần của toàn dân, nên từ cổ xưa đến nay chùa Dụ ân luôn được toàn dân bảo vệ giữ gìn và tôn tạo. Toàn dân sử dụng chùa vào việc thực hiện tự do tôn giáo tín ngưỡng, kính Phật yêu nước, là nơi hội họp của các đoàn thể quần chúng và nhân dân, đặc biệt Hội Người Cao tuổi làng Bái Ân và chùa Dụ Ân cần có sư trụ trì: Việc này cần có sự vào cuộc của Cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương (Tổ dân phố, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy).

Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã đáp ứng nhiều tiêu chí để đăng ký vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời cũng theo ủy ban, khi di sản này được các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam chia sẻ, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội làng Bái Ân, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Một giá trị nữa được UNESCO ghi nhận là từ những năm 1990, các con nhang, đệ tử và người Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã tự nguyện huy động, đóng góp tiềncủa, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu - Đó là di sản cần được kiểm kê cập nhật hằng năm với sự tham gia của cộng đồng người dân làng Bái Ân, trưởng thôn, thủ nhang, pháp sư, đồng đền, đồng thầy, con nhang, đệ tử. Dù làng Bái Ân không còn tên, trở thành một bộ phận của phường Nghĩa Đô, trong tâm thức của người dân vẫn xem chùa Dụ Ân là chùa làng, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và góp phần tích cực hình thành tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho nhiều thế hệ người dân “Kẻ Bưởi”. Hiện nay cần sự quan tâm cấp thiết để trùng tu, tôn tạo nhằm bảo vệ hiện trạng di tích cũng như cảnh quan danh thắng, đồng thời cần lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử - văn hóa chùa Dụ Ân.

Sau đây là một số hình ảnh: