(Chủ nhật, 30/06/2019, 09:18 GMT+7)

HỮU TƯỚNG PHÙNG THANH HÒA
THỜI TIỀN LÝ (541-548)
 
Nhà giáo Phùng Khắc Đồng
 
 
I. Hoàn cảnh lịch sử nước ta ở thế kỷ thứ 6 (từ 501 đến 600)
Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu cùng anh là Triệu Quốc Đạt, năm 248 bị Lục Dận, một viên tướng lừng danh của nhà Đông Ngô sang đàn áp. Nước ta lại bị các triều đại phong kiến Trung Quốc thay nhau đô hộ. Ở Trung Quốc, năm 420 Lưu Dự cướp nhà Đông Tấn lập ra nhà Tống ở phía nam. Trung Quốc bước vào thời Nam Bắc Triều. Bắc triều gồm Ngụy, Tề, Chu. Nam triều gồm các nước Tống, Tề, Lương, Trần, mỗi nước cát cứ một nơi, đánh chiếm lẫn nhau. Nước ta lúc ấy bị chúng thay nhau chiếm đóng từ năm 420 đến 589. Nhà Tống đô hộ nước ta từ năm 420 đến 479, sau đó nhà Tề, từ năm 479 đến 502. Tiếp theo là nhà Lương thay nhà Tề cử bọn quan lại sang cai trị nước ta từ năm 502 đến 541 thì có cuộc khởi nghĩa của Lý Bí. Lý Bí đuổi được thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư, giành quyền tự chủ. Ông lên ngôi hoàng đế tức Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức đóng đô ở thành Long Biên.
Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “… Giáp Tý (544) Lương Đại Đồng năm thứ 10 - Mùa xuân, tháng Giêng, Vua (Lý Bí) nhân thắng giặc tự xưng là Nam Việt đế, lên ngôi, đặt niên hiệu (Thiên Đức năm thứ 1), lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái Phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng Văn, tướng Võ” (Toàn thư tập 1 trang 252). Ngay lúc đó ở phía nam nước ta quân Lâm Ấp sang xâm chiếm, tướng Phạm Tu (tức Lý Phục Man) được cử đi đánh dẹp và ông đã hy sinh. Triệu Quang Phục (con Triệu Túc) được trao bình quyền phò vua đuổi giặc. Năm Bính Dần, Thiên Đức thứ 3 (546) mùa xuân, tháng giêng, nhà Lương sai bọn Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân sang đánh trả thù cướp lại nước ta. Thế giặc rất mạnh, vua Lý Nam Đế phải chạy về Gia Ninh, nay thuộc xã Gia Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà vua cho sứ giả đi các nơi kêu gọi người tài giỏi ra giúp vua đuổi giặc. Lúc ấy có Phùng Thanh Hòa, một thanh niên yêu nước ở quận Nam Xương đất Giao Châu đã đem quân lính rèn luyện lâu nay đến hưởng ứng. Phùng Thanh Hòa được Lý Bí phong làm Hữu tướng cùng với Tả tướng Triệu Quang Phục đem quân đánh giặc ở hồ Điển Triệt (Đầm Vạc - Vĩnh Yên ngày nay). Trần Bá Tiên thua chạy, rút khỏi vùng hồ củng cố lực lượng để phản công. Vua thoát khỏi vòng vây rút về động Khuất Lão rồi bị bệnh mất ở đó vào năm 548. Sau khi Lý Nam Đế qua đời, triều đình phân ly. Triệu Quang Phục rút về lập căn cứ ở đầm Dạ Trạch (Hưng Yên) tiếp tục kháng chiến chống quân Lương. Phùng Thanh Hòa lui về lập nghiệp ở Thạch Thất - Sơn Tây. Lúc ấy là đất Giao Châu, huyện Câu Lậu, không tham gia chấp chính gì nữa. Năm 557 Triệu Quang Phục đánh tan quân Lương đi càn quét, thành lập chính quyền độc lập do ông đứng đầu xưng là Triệu Việt Vương (548-571). Trong khi đó một người cùng họ với Lý Nam Đế là Lý Phật Tử lại đem quân đánh Triệu Quang Phục. Sau nhiều trận không phân thắng bại, hai bên giảng hòa lấy vùng đất Từ Liêm ngày nay làm gianh giới. Từ đó vào Nam do Lý Phật Tử coi giữ. Từ đó ra Bắc do Triệu Quang Phục cai quản. Rồi Lý Phật Tử cho con trai là Nhà Lang kết hôn với Cảo Nương - con gái Triệu Quang Phục. Mượn danh nghĩa thông gia để Triệu Quang Phục mất cảnh giác. Năm 571 Lý Phật Tử bất ngờ đánh úp Triệu Quang Phục, Triệu bị đại bại và bị giết. Lý Phật Tử thâu tóm mọi quyền hành. Sử gọi là thời Hậu Lý Nam Đế.
Năm 581 ở Trung Quốc, Dương Khiêm thống nhất đất nước lập ra nhà Tùy (581-618) Dương Khiêm lên ngôi tứ vua Tùy Văn Đế. Sau một thời gian Tùy Văn Đế củng cố quyền lực, năm 602 Tùy Văn Đế đem quân sang đánh nước ta. Lý Phật Tử hèn nhát đầu hàng. Nước ta lại bị các triều đại phong kiến Trung Quốc (Tùy và Đường) thay nhau thống trị. Đến năm 722 có cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan tức Mai Hắc Đế. Năm 791 có cuộc nổi dậy của quân nhà Đường của Phùng Hưng tức vua Bố Cái Đại Vương, nhưng tất cả không được lâu dài.
Tóm lại, trước và sau thế kỷ thứ 6, nước ta bị các triều đại phong kiến Trung Quốc thay nhau đô hộ. Chúng chia nước ta thành quận, huyện, dùng tay sai giúp chúng cai trị. Còn chúng cử những tên tham tàn bạo ngược làm thái thú để vơ vét của cải, đàn áp nhân dân rất dã man. Sử ta gọi thời kỳ này là “Kỷ thuộc Ngô - Tấn - Tống - Tề - Lương” hơn 300 năm. Riêng thế kỷ thứ 6 (501-600) nước ta bị bọn thứ sử nhà Lương như Lý Nguyên Khải, Lý Tắc, Đăng Chi, Tiêu Tư, Dương Phiêu, Trần Bá Tiên… tranh giành quyền lực thay nhau đàn áp, vơ vét của cải của nhân dân ta, làm cho nhân dân ta vô cùng cực khổ nên phải đứng lên chống lại bọn chúng. Có lúc thua, có lúc thắng đã làm cho chúng không đồng hóa được dân tộc ta. Một trong các vị tướng giúp Lý Nam Đế đuổi quân xâm lược nhà Lương là Phùng Thanh Hòa.
 
II. Quê hương Phùng Thanh Hòa
1. Quê hương nơi sinh: Thần phả ở đình làng Phùng Xá, Thạch Thất, do tiến sĩ Nguyễn Bính, thế kỷ 17 soạn, chép như sau:
“Đại vương họ Phùng, húy là Thanh Hòa, sinh ngày 12 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 8/12/528) ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương, nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Ông bà ăn ở phúc đức, hiền lành, gia tư thuộc hạng trung lưu, hay làm việc thiện nên được thiên thần phù hộ sinh ra Ngài”.
Vùng Lý Nhân, tỉnh Hà Nam lúc ấy cũng thuộc đất Giao Châu. Nơi đây là vùng đồng bằng, ruộng vườn tốt tươi, dân cư sung túc, thấm đậm tình người. Vốn là dòng dõi con Lạc cháu Hồng đến đây khai phá ruộng đồng từ thời Hùng Vương. Nơi đây là cái nôi của nền văn minh lúa nước từ xa xưa. Lại trải qua thời Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp từ 187 đến năm 226) cai quản nước ta, ông là người góp công phổ biến Nho học, đạo lý của Khổng Mạnh trong vồng 40 năm, nên vùng này có nhiều người hiểu được lẽ sống ở đời. Do đó ông bà Phùng Thủy - Hoàng Thị Mai đều có tinh thần nuôi dạy con nên người, có trách nhiệm với dân, với nước.
2. Lập nghiệp mở mang quê mới: Lớn lên Phùng tướng quân tham gia hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, đánh quân xâm lược nhà Lương, được vua Lý Nam Đế phong làm Hữu tướng cùng Tả tướng Triệu Quang Phục đến giải vây cứu vua ở hồ Điển Triệt (Đầm Vạc - Vĩnh Yên). Vua rút vào động Khuất Lão, rồi mất ở đó. Vua Lý Nam Đế mất, triều đình phân hóa, mỗi người đi mỗi ngả. Triệu Quang Phục rút về lập căn cứ Dạ Trạch ở Hưng Yên, Lý Phật Tử giữ vùng Thanh Hóa. Phùng Thanh Hòa rút về Câu Lậu - Giao Châu nay là vùng Thạch Thất, Sơn Tây. Ngài đi du ngoạm nhiều nơi trong vùng, Ngài thấy An Hoa Trang (tên cổ của làng Phùng Xá) có địa thế đẹp, là vùng “sơn cao, thủy tụ” nơi đây ở giữa hai dòng chảy: Sông Đáy ở phía đông, sông Tích ở phía tây, giữa là vùng đồi gò và 12 ngọn núi đá của dãy Sài Sơn, Hoàng Xá. Ngài lại được nhân dân ở đây đón rước mời chào. Ngài liền ở lại, gom dân, lập công sở, mở mang trang ấp, từ đấy An Hoa Trang đổi thành Phùng Gia Trang, con cháu nối đời lập nghiệp. Tiếc rằng Ngài ở đây chỉ được 2 năm rồi mất vào cuối năm Kỷ Tỵ 549. (Năm 1959, do đào đất làm thủy lợi, nhân dân Phùng Xá đã phát hiện hệ thống mộ cổ. Các di vật gia dụng bằng đồng và bằng gốm sứ có rất nhiều. Số di vật này ngay năm đó (1959) được cán bộ Ty văn hóa Sơn Tây về mang đi).
Chỗ Ngài ở, sau được nhân dân dựng thành đình làng để thờ phụng Ngài làm phúc thần. Thế kỷ thứ 15 Phùng Gia Trang đổi thành Phùng Xá. Năm Vĩnh Hựu thứ 5, ngày 12 tháng giêng năm Canh Thân tức ngày 9/2/1740, Ngài dược vua Lê Ý Tông (1735-1740) tặng sắc phong là: “Đương cảnh thành hoàn, anh linh hiển trứ, hồi tâm Thượng sĩ Đại Vương”. Sau đó các triều đại phong kiến nhà Lê, nhà Nguyễn tiếp tục tặng nhiều sắc phong. Ngày 18/1/1993 đình làng Phùng Xá - Thạch Thất được Bộ Văn hóa trao tặng bằng di tích lịch sử văn hóa do Thứ trưởng Vũ Khắc Liên ký quyết định - Bộ trưởng Trần Hoàn ký bằng.
 
III. Sự nghiệp, công tích của
Hữu tướng Phùng Thanh Hòa
 
Thần phả đình Phùng Xá, Thạch Thất chép: … Khi Ngài sinh ra thiên tư khác lạ, lớn lên thông minh học một biết mười. Ngoài việc học chữ nghĩa văn chương, Ngài lại học binh thư võ nghệ, cung kiếm môn nào cũng giỏi. Không những thế, Ngài lại có năng khiếu về âm nhạc, sử dụng đàn sáo rất điêu luyện. Lúc bấy giờ nước ta bị nhà Lương đô hộ. Nhân dân lầm than đói rách khổ cực vô cùng. Năm Tân Dậu (541) Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương, đuổi được thứ sử Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên. Tuy Ngài còn ít tuổi nhưng vốn tài năng xuất chúng, cũng triệu tập nghĩa sĩ trong vùng đứng lên hưởng ứng. Tháng Giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí lên ngôi vua tức Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức. Quân nhà Lương lại cho Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân sang đánh trả thù. Vua Lý Nam Đế bị vây hãm ở thành Gia Ninh. Thế giặc rất mạnh, ngày 11 tháng 8 năm Bính Dần (546) Ngài được phong là Hữu tướng quân, rồi đem quân giải vây, cứu vua cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục ở hồ Điển Triệt.
Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “… Mùa thu tháng Tám, vua Lý Bí cùng các tướng đem 2 vạn quân từ trong đất Lão ra đóng ở hồ Điển Triệt, đóng nhiều thuyền bè chật kín cả mặt hồ. Quân Lương sợ không dám tiến vào (Toàn thư tập 1 trang 253)”.
“… Vua thoát khỏi vòng vây rút về động Khuất Lão” (toàn thư trang 254) Ngài cùng Tả tướng Triệu Quang Phục quyết chiến với Bá Tiên. Bá Tiên thua chạy. Sau đó tháng 4 năm 548 vua Lý Nam Đế qua đời. Triều đình phân chia Triệu Quang Phục rút về lập căn cứ Dạ Trạch - Hưng Yên xưng là Triệu Việt Vương (548-571). Còn Ngài lui về lập nghiệp ở An Hoa Trang, nơi có phong cảnh hữu tình là miền đất linh, nhân dân hiếu thuận.
An Hoa cổ truyền lưu tên hiệu
Phùng Xá tân thừa cải việt danh.
Chỉ trong vòng 2 năm, Ngài gom dân, lập ấp, mở mang làng xóm, lấy vợ sinh con, rồi mất ở đây vào ngày 15/8 Kỷ Tỵ (22/9/549). Nơi ở của Ngài, nay là đình làng, nơi có bài vị, sắc phong, câu đối, hoành phi, kiệu, tán lọng để thờ và ca ngợi Ngài.
Tích nhật An Hoa kim Phùng Xá
Công minh Tiền Lý hiển Lê thì
Hoặc:
“Phụ Tiền Lý, kiến độc lập kỳ - thống nhất sơn hà tôn đế quốc
Chuẩn Phùng Thôn, vi phụng tự sở - thiên thu miếu mạo phúc cư dân”.
Đặc biệt, còn giữ được bức cuốn thư bằng gỗ sơn son thếp vàng có từ lâu khắc bài thơ Ngũ ngôn chữ Hán như sau:
 

Phiên âm Lược dịch
Anh linh trường hách hách Trong sáng anh linh mãi
Chính khí tự nguy nguy Chính trực khí tiết sáng
Ba cổn chương thần hóa Sóng nước thần làm được
Sơn hà kỷ thánh uy Non sông rạng ngời uy
Công minh Tiền Lý sử Công lớn thời Tiền Lý
Tích hiển Hậu Lê thì Thời hậu Lê càng hiền rõ
Phúc tái đồng thiên địa Cùng đất trời phúc mãi
Hồng ân vạn cổ thùy. Muôn đời ghi ơn sâu.

 
Ngoài ra ở quê hương Phùng Xá, Thạch Thất còn lưu giữ được tập văn tế từ xa xưa để lại. Trong đó có bài văn tế ngày đám, kỷ niệm ngày sinh của Ngài (12 tháng 11 âm lịch), ngài hóa của Ngài 15/8 âm lịch và ngày tế cầu phúc đầu năm của làng (10/1 âm lịch).
Sau đây xin chép phần “Cung duy” (ca ngợi công ơn) của bài văn tế ngày đám 12 tháng 11.
Phiên âm: Cung duy:
Đại vương, Hồng Vinh dục Thánh, Nam nhạc, giáng thần, thiên tư dĩnh dị, tài cách quá nhân, ức niên chi miếu mạo như tân uất thông giai khí, lịch đại chi cẩn ba gia tặng - thái quýnh hồng vân, tư phùng đông trọng, tương giới đản thời, cung trần bạc lễ.
Tái cư nghi văn - Điện tiền sáng bội ảnh sâm, ẩn ước xích quang thất mãn, bảo tòa chi miện lưu hương, súy y hy hóa liên huân, lẫm chỉ xích vu uy nhan giáng lâm tại thượng, ngưỡng thanh linh chi hách trạc, bảo lựu tùng thân thượng ngưỡng đại vương phù trì chi đại đức giã - cẩn cốc.
Lược dịch: Kính nghĩ:
 Đại vương, thánh đất Hồng vinh, thần non Nam nhạc, thiên tư thông tuệ, tài cách hơn người. Trải hơn ngàn năm đình miếu vẫn nguyên còn khí tốt. Qua mấy thời truy phong ngôi cả, áo xiêm rực rỡ dáng mây hồng. Nay gặp tiết trọng đông, ngày đản, lòng thành dâng lễ, chúc lời văn: Trước điện tòa, sáng rực nghi dung, ẩn chứa khắp nhà rạng đỏ ngôi sang, mũ áo sực nức mùi hương. Một đóa sen thơm, tưởng uy nhan như gần gang tấc, ngửa trông lên hiển hách anh linh - giữ gìn che chở khắp dân thôn mong lượng trên chứng kiến hộ trì cho tất cả nhờ ơn đức lớn. Cẩn cáo.
Để khép lại phần này, xin trích một đoạn trong bài dẫn đề của nhà văn Phượng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Hà Tây trong “Hội thảo khoa học quốc gia” về danh nhân văn hóa Phùng Khắc Khoan tháng 6 năm 1992, nhà văn viết: “Hữu tướng Phùng Thanh Hòa là vị phúc thần của nhân dân An Hòa Trang. Khi Ngài hành giá đến đất này, thấy địa thế đẹp, cục diện nổi cao lên một khu, mặt trước có đường, đằng sau có hành cung, hai dòng nước chảy xuôi. Ngài ở lại gom dân lập công sở sau mất tại An Hòa Trang. Phùng Thanh Hòa là người có công giúp triều Tiền Lý chống xâm lược bảo vệ đất nước ở thế kỷ thứ 6 và là người có ân huệ với xóm làng…” (xem kỷ yếu Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thời đại, trang 9).
 

Kết luận

Thiên niên kỷ thứ nhất, từ năm 1 đến năm 1000 sau công nguyên, nước ta thường xuyên bị các triều đại phong kiến Trung Quốc thay nhau sang cai trị. Chúng chia nước ta thành quận, huyện và cử những tên quan tham bạo ngược sang đàn áp, vơ vét tài nguyên của cải của dân ta, làm cho nhân dân ta vô cùng cực khổ. Chúng lại đem những phong tục lễ nghĩa của chúng bắt nhân dân phải theo. Chúng làm thế để dần dần đồng hóa dân tộc ta. Nhưng nhân dân ta không chịu khuất phục, khi có người phất cờ đứng lên chống lại chúng, nhân dân ta lại nhiệt tình hưởng ứng đuổi chúng ta khỏi đất nước, dựng nền tự chủ. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đuổi quân nhà Hán năm 40. Cuộc nổi dậy của anh em Triệu Thị Trinh năm 248 đuổi bọn giặc Ngô, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí năm 541 đuổi giặc Lương. Cuộc kháng chiến chống quân nhà Đường năm 722 của Mai Thúc Loan và của Phùng Hưng năm 779. Cho đến khi cha con Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ dựng nền tự chủ, cải cách đất nước từ năm 905 đến năm 930. Sau đó, trên sông Bạch Đằng Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán (938) xây nền tự chủ lâu dài cho đất nước. Trong đó chú ý ở thế kỷ thứ 6 (501-600) có cuộc khởi nghĩa của Lý Bí chống quân Lương năm 541. Ông thắng lợi lên ngôi đế (Nam Việt đế) đặt tên nước là Vạn Xuân, có niên hiệu là Thiên Đức, có kinh đô riêng là Long Biên, lập điện Vạn Thọ làm nơi Triều Hội, có 2 ban văn võ. Tất cả như một triều đìnhh của Trung Quốc. Rõ ràng ngay từ đây Lý Nam Đế đã có ý độc lập tự chủ lâu dài. Cuộc khởi nghĩa này có nhiều người tài giỏi ra giúp vua đuổi giặc như Triệu Túc, Phạm Tu (Lý Phục Man), Tình Thiều, Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa. Phùng Thanh Hòa là người tài ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương, nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã đứng lên hưởng ứng, Ngài có công giúp vua Lý Nam Đế đánh quân xâm lược nhà Lương. Sau đó về gom dân lập ấp mở mang làng xóm lập ra quê hương Phùng Xá ngày nay. Nhớ ơn Hữu tướng Phùng Thanh Hòa, từ thời Lê thế kỷ 15, nhân dân ta đã tôn Ngài là Thành Hoàng Làng và dựng đình để thờ phụng Ngài. Hiện nay, vẫn còn di chỉ và lòng ngưỡng mộ của nhân dân Phùng Gia Trang tức Phùng Xá - Thạch Thất.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 
- Thần phả Đình Phùng Xá - Thạch Thất do Nguyễn Đăng Dự - Phùng Khắc Đồng dịch.
- Làng Bùng Trạng Bùng của Trần Duy Phương - Phùng Khắc Đồng - NXB Văn hóa dân tộc Hà Nội 1998.
- Tinh hoa Phùng Xá - sưu tầm và ghi chép của Phùng Khắc Đồng (chưa in).
- Đại Việt Sử ký toàn thư tập 1 nội các quan bản do Ngô Đức Thọ dịch và chú thích - GS Hà Văn Tấn hiệu đính - NXB Văn hóa Thông tin - Hà Nội 2003.
- Thế thứ các triều vua Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần - NXB Giáo dục 1997.
- Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam của Hà Văn Thư - Trần Hồng Đức - NXB Văn hóa thông tin - Hà Nội 1998.
- Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thời đại - Tập kỷ yếu Hội thảo khoa học về danh nhân văn hóa Phùng Khắc Khoan, do sở Văn hóa thông tin thể thao Hà Tây - UBND huyện Thạch Thất xuất bản năm 1993.