(Thứ ba, 21/05/2019, 05:53 GMT+7)

KẾT LUẬN HỘI THẢO

BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG - THÂN THẾ,

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

 

   Hội thảo Khoa học Bố Cái Đại vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệpdiễn ra trong buổi sáng ngày mùng 8 tháng 5 năm 2019 là một Hội thảo lớn, trang trọng, giàu tính khoa học lịch sử đã thành công tốt đẹp.

   Để có được sự thành công đó, trước tiên phải khẳng định và ghi nhận sự nhiệt thành của UBND thành phố Hà Nội đã có sự chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện rất tốt. Với cách làm giản dị, thực người thực việc, tôn trọng khoa học lịch sử, lòng kính ngưỡng danh nhân đất nước, sự cầu thị học hỏi, tinh thần tiếp thu các giá trị tinh hoa truyền thống để giáo dục thế hệ trẻ, UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám với đông đảo cán bộ, nhân viên đã tham gia nhiệt tình và hiệu quả.

   Một thành công rất quan trọng, đó là những đóng góp của các Nhà nghiên cứu lịch sử, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn… đã dành thời gian và tâm huyết, đi điền dã trên sáu tỉnh, thành phố, xây dựng những tham luận công phu giàu tính khoa học lịch sử. Có những vị như cố Giáo sư Trần Quốc Vượng khi còn sống đã có nhiều bài viết sâu sắc về vùng đất Đường Lâm, Sơn Tây, trong đó có những nhận định và kết luận khoa học về Đức vua Phùng Hưng và Đức vua Ngô Quyền. Từ nền tảng đó, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tiến hành tập hợp, cùng xây dựng chương trình Hội thảo trên tinh thần khách quan lịch sử, nhằm làm sáng tỏ toàn diện thân thế cuộc đời và sự nghiệp của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu kết luận Hội thảo
 

    Đối với Hội đồng họ Phùng Việt Nam, đây là lần thứ 5 dòng họ Phùng tham gia đồng tổ chức Hội thảo. Các Hội thảo trước: Họ Phùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (2011); Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp (2013); Nhà trí thức yêu nước Phùng Văn Cung với cách mạng miền Nam (2013); Thái phó Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp(2016), đã được tổ chức rất thành công, gây tiếng vang, tạo ra giá trị nhân văn từ những đóng góp của Hội thảo. Phát huy tinh thần đó, Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã trân trọng mời và phối hợp toàn diện với các nhà nghiên cứu lịch sử, tổ chức đi điền dã, sưu tầm tư liệu, biên soạn, biên dịch các nguồn tư liệu liên quan đến Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Chỉ riêng Tiến sĩ Phùng Thảo đã tự mình đi tới 33 điểm đình đền trên 6 tỉnh, thành phố đã nói lên sự nghiêm túc, khoa học, tấm lòng với tiền nhân. Chính tinh thần đó đã góp phần thổi bùng ngọn lửa của các nhà khoa học để có được 27 tham luận dày dặn, công phu, tâm huyết về Đức vua Phùng Hưng.

   Từ kinh nghiệm và thực tiễn tiến hành các cuộc Hội thảo Khoa học trước đó, Hội thảo Khoa học Bố Cái Đại vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp đã được tiến hành trên tinh thần tôn trọng lịch sử, làm sáng rõ một cách khoa học và toàn diện về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, tôn trọng những ý kiến phản biện, những ý kiến khác, tìm tòi cái mới, cái tích cực mang tinh thần thời đại, nhằm đóng góp vào quốc sử những điều quý giá, những bài học lịch sử cho thế hệ sau.

 

   Hội thảo đã diễn ra trang nghiêm và sôi nổi. Các tham luận của Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, Tiến sĩ Phùng Thảo, Nhà nghiên cứu Tạ Đức, PGS Nguyễn Thanh Tú, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn, Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân, Tiến sĩ Phạm Minh Đức, PGS Nguyễn Hữu Sơn…, đặc biệt là ý kiến phát biểu của nhà văn Hoàng Quốc Hải đã khẳng định sâu sắc, toàn diện, có nhiều điều mới mẻ, những đề xuất chính đáng, để chúng ta hiểu rõ hơn, cần có những việc làm thiết thực hơn đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cũng như vinh danh và ghi nhận xứng đáng những đóng góp của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trong tiến trình lịch sử.

   Những ý kiến phản biện, ý kiến khác được thảo luận tại Hội thảo hoặc đặt ra trong Kỷ yếu Hội thảo đều được Hội đồng nghiêm túc nghiên cứu, trả lời rõ ràng trên tinh thần khoa học lịch sử. Những vấn đề đặt ra từ Hội thảo đều được ghi nhận và sẽ tiến hành xem xét một cách khách quan nhất.

   Từ toàn bộ Hội thảo, từ nguyện vọng của quần chúng nhân dân trong đó có dòng họ Phùng Việt Nam, từ khách quan lịch sử, từ thực tiễn xã hội hiện nay, chúng tôi - Đoàn Chủ tịch đại diện cho Hội thảo xin cảm ơn UBND thành phố Hà Nội, cá nhân ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch thành phố; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cá nhân ông Tô Văn Động - Giám đốc sở; Phó Giáo sư Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; các tham luận, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và xin được kiến nghị:

   - Sớm nghiên cứu đề xuất xây dựng khu tượng đài Bố Cái Đại vương Phùng Hưng ngoài trời tại địa điểm thích hợp trên thành phố Hà Nội.

   - Sớm tiến hành tôn tạo khu di tích lịch sử Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, xứng đáng với tầm vóc và vị trí của Đức vua Phùng Hưng.

   - Sớm thực hiện một số công trình dân sinh, trong đó có đoạn đường vào khu di tích Đường Lâm.

   - Sớm tôn tạo, nâng cấp Lăng Kim Mã, nơi có ngôi mộ Đức vua Phùng Hưng.

   - Quảng bá tích cực hơn nữa hình ảnh Đức vua Phùng Hưng trong thành phố Hà Nội và trên toàn quốc.

   Thực hiện những điều trên, vừa là để góp phần bồi dưỡng, nâng cao các giá trị nhân văn của nhân dân thành phố Hà Nội, đồng thời gửi thông điệp tới mọi tầng lớp tinh thần trân trọng danh nhân lịch sử, những anh hùng dân tộc, người có công với nước, góp phần khởi dậy tinh thần quật cường dân tộc trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

 

   Đó còn là góp phần khơi dậy và phát huy những nội lực còn tiềm ẩn trong các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân Thủ đô Hà Nội.