(Thứ năm, 01/08/2019, 11:52 GMT+7)

LỜI TUYÊN DƯƠNG TẬP THƠ “XEM ĐÊM”

 

(Giải Thành tựu về Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội 2012)

 Phạm Xuân Nguyên

 
 
   Năm nay, giải Thành tựu về Thơ trao cho tập Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung được nhất trí cao (9/9 phiếu), rất xứng đáng. Nhà thơ Phùng Cung sinh năm 1928, tham gia cách mạng từ 1945, lên chiến khu Việt Bắc năm 1949 hoạt động văn hóa văn nghệ. Tháng 10 năm 1956 ông viết truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” đăng báo Nhân Văn số 4. Năm 1961 ông bị tù mãi đến năm 1973 mới được ra. Từ đó cho đến khi qua đời năm 1997, ông sống ở Hà Nội. Năm 1995 ông được in tác phẩm đầu tiên duy nhất của mình là tập thơ Xem đêm ở nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin. Nhà hoạt động chính trị và văn hóa Nguyễn Hữu Đang cùng nhà thơ Phùng Quán, những người anh em hoạn nạn của ông, đã góp tiền, chạy tiền để in tập thơ này cho ông. Ở đây cũng phải kể đến công lao của nhà thơ Quang Huy khi đó là giám đốc nxb Văn hóa - Thông tin. Xem đêm được tái bản năm 2012 có bổ sung thêm một số bài thơ (cả tập là 303 bài), thêm truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” và thêm những bài viết của Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Phùng Quán. Đó là tập thơ của cả một đời người và một nhà thơ có khi chỉ cần một tập thơ như vậy đã đủ cho cả một đời người. Đó là một bằng chứng thuyết phục cho thơ đích thực và sức sống của thơ. Trường hợp Phùng Cung là vậy, và Hội Nhà văn Hà Nội trao giải Thành tựu về thơ cho tập Xem đêm chính để khẳng định điều đó.
   Phùng Cung đã sống cuộc đời mình nhiều trầm luân, khổ ải, nhưng chính vì thế mà thơ ông lại đưa đến sự ngạc nhiên lớn cho người đọc. Ông ngẫm cuộc đời mình như cánh bèo “lênh đênh muôn dặm nước non/ dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh”. Ông chết điếng cuộc đời mình như cây cà bị sâu róm cắn trụi “kiếp cà/ duyên tím/ phận xanh/ cõi bẩn thỉu/ cố xanh, cố tím/ Ngoem ngoém tối ngày mồm róm/ cành suông chết điếng tím xanh”. Nhưng ông tự tin vào chất người như trà Tân Cương của mình “quất mãi nước sôi/ trà đau nát bã/ không đổi giọng Tân Cương”. Nhà thơ chống chọi được với hoàn cảnh thời thế là nhờ có Mẹ: “Mồ hôi mẹ/ Tháng ngày đăm đăm nhỏ giọt/ Con níu giọt mồ hôi/ Đứng dậy làm người”, nhờ có Làng mà từ cõi tù trở về nhìn dáng lạt bó rau, nhìn dấu chân bùn ông nhận được ra quê. Thơ Phùng Cung cho ta thấy cái tài của ông trong việc sử dụng tiếng Việt thôn quê được nâng lên thành ngôn ngữ thơ, trong cái nhìn cảnh sắc đời sống nông thôn và nông dân, trong sự nén lặng và bùng nổ âm thầm của tâm tư cá nhân ở từng câu từng chữ. Những bài thơ ngắn như những nét tạc sắc gọn mặt người, mặt đất. Lấy như chỉ một cái nắng thôi mà nhà thơ đã cho người đọc thấy bao nhiêu là nắng khác nhau chỉ ở thôn quê mới có và chỉ người nào sống thật với thôn quê bằng tấm lòng hồn hậu, con mắt trong sáng mới thấy ra: nắng ngã tương, nắng phơi rơm, nắng đồng trinh, nắng hàn vi, nắng hoa ngâu, nắng thừa, nắng cánh cam, nắng rươi, nắng ghé, nắng dứ, nắng tía, nắng hoang... Nhận xét của nhà thơ Hoàng Cầm có thể nói thay cho cảm nhận chung của mọi người về tập thơ này: “Có lẽ từ xưa đến nay, ở nước ta chưa có một tập thơ nào về một vùng quê nghèo khổ lại súc tích, cô đọng mang tính truyền thống và hiện đại sâu sắc như tập Xem đêm... Có thể nói, đây là tư liệu quý giá về đời sống và cả về ngôn ngữ nhân dân vùng trung du Bắc Bộ rộng lớn trước đây. Mỗi bài thơ, có khi chỉ một câu, đều như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào tim những luồng rung động thấm rất sâu”.
   May mắn là Phùng Cung đã có thơ để lại làm chứng cho chất người của ông. Tập thơ mà khi trao bản thảo cho người con trai, ông đã nói “có cái này là đóng góp cho đời... con phải biết hãnh diện”. Thơ ông là lý lịch đời ông, nói theo lời nhà thơ Phùng Quán, là bức chân dung chân thực cốt cách và tâm hồn ông, giải được nỗi buồn của ông khi có lần tự họa: “Tôi nhúng ngón tay/ Vẽ mình trong đĩa nước/ Vẽ muôn ngàn lần/ Ngón đau - đĩa cạn/ Biết đến bao giờ/ Tôi mới vẽ nên tôi...”. Chúng ta, những người đọc, cám ơn ông trong lao khổ vẫn giúp ta biết yêu thương xót xa con người. Hội Nhà văn Hà Nội biết ơn ông về những bài thơ hay, sâu sắc, và hãnh diện được trao giải thưởng Thành tựu về thơ cho ông để khẳng định một tác phẩm, vinh danh một nhà thơ.