(Thứ năm, 18/02/2021, 04:25 GMT+7)

 

NGÔ VƯƠNG PHÁT TÍCH HAY HỒI MỞ ĐẦU

 

Phạm Lưu Vũ

 
   Thuở ấy Nam Bắc còn mờ mịt, chưa phân định rõ ràng, mặc dù cái triệu lập quốc đã xuất hiện từ thời Nam đế, cách đó gần 400 năm. Cao Biền là tướng của Đường triều, đóng quân ở Kinh Môn, nhưng thường bí mật bỏ trại đi ngao du khắp nơi, xem xét kĩ phong thủy, giật mình thấy một cõi trời Nam phương luân đã định, ngũ hành đã thông, có núi Tổ tông để phát sinh long mạch, có tục linh, thổ khí rõ ràng… thì là đất đế vương, chả kém gì phương Bắc, sao Hán, Đường cứ mãi nhòm ngó? Thế thì là cướp đất, chứ đâu phải mở cõi? Bèn về giở thực lục ra xem lại cái chết vì khiếp sợ mà vỡ mật của quan Đô Hộ phủ Cao Chính Bình ngày trước, chỉ thấy chép tên tù trưởng An Nam là Đỗ Anh Hàn, người ở Đường Lâm, bèn đem theo hai thủ hạ là Tăng Cổn và Độc Đắc Trí cải trang làm khách thương bí mật chèo thuyền lên Đường Lâm, nằm sát bờ phía Nam sông Hồng. Đứng trên bờ nhìn xuống khúc sông, thấy Đại Can long Hồng Hà trôi ngửa, võng như cánh diều. Cao Biền bèn cùng thủ hạ trở xuống thuyền chèo sang bên kia sông, chiếu theo phương vị mà tính thì gặp một cái đầm rộng chừng vài chục mẫu, trên bờ mọc toàn lau sậy. Họ Cao trỏ tay, quả quyết với thủ hạ rằng có một đại huyệt kết ở giữa đầm, liền sai Tăng Cổn lặn xuống xem xét. Nguyên đó là một cái đầm lớn, có từ thuở khai thiên lập địa, tục gọi đầm Vạc vì có rất nhiều vạc làm tổ ở đấy, tên chữ gọi là đầm Vọng Nguyệt vì tháng nào cũng vậy, cứ đúng nửa đêm trăng rằm thì bóng trăng thẳng đúng giữa mặt hồ. Tăng Cổn tuân lệnh, cởi áo nhảy xuống, bơi ra tới giữa đầm rồi lặn xuống, quả phát hiện có một cái gò trồi lên từ dưới đáy, phía bắc là một dệ đất dài hơn chục thước, phía nam có bốn con quỷ mặt ngựa xếp theo hình chữ Nhất ngồi canh, chiếu ra những tia mắt xanh lè. Tăng Cổn rùng mình, hãi quá, vội vàng ngoi lên, bơi vào bờ rồi tả lại tỉ mỉ cho Cao Biền nghe. Cao nghe xong, gật gù bảo:
 
   “Đó là huyệt Dương lai Âm thụ. Bốn con quỷ ấy là Mông, Sơ, Dục, Tận. Huyệt nộn kết (kết non) nên địa quỷ xếp theo hình chữ nhất. Huyệt ấy có thể phát vương, nhưng ngắn ngủi, không quá được bốn đời, vì tham dục mà tranh giành, giết hại lẫn nhau… Song ta đã có cách khắc chế cái nhược ấy. Nếu sau này, trời cho ta trụ lại ở phương Nam, thì một chỗ này cũng có thể làm nên cơ nghiệp…”


Tiểu thuyết Lịch sử Ngô Vương của Nhà văn Phùng Văn Khai. Sách đã được tái bản lần 2 với diện mạo hoàn toàn mới

 
   Rồi thày tớ Cao Biền trở về Kinh Môn, đem quân vây thành Đại La, bấy giờ đang thuộc quân Nam Chiếu. Hai năm thì hạ được thành, sai Tăng Cổn đem tin báo tiệp về triều đình nhà Đường, Biền lập tức được phong trấn thủ An Nam. Cao Biền vào thành Đại La, cũng nằm sát bờ phía Nam sông Hồng, về phía hạ lưu so với Đường Lâm. Đúng khúc sông này, Đại Can long Hồng Hà lại trôi sấp, cong như cánh cung, chính chỗ đặt mũi tên, nổi lên một cái gò nhỏ gọi là gò Nùng Khâu, bốn xung quanh cỏ mịn như nhung, bóng như thoa dầu, biếc như tranh vẽ, giữa đỉnh gò lại lõm xuống tựa như một lỗ thủng, không biết thông tới tận đâu. Cao Biền là người có tâm nhãn, ngày trước nhờ kết nghĩa huynh đệ với Chu Bảo là phù thủy bên Tàu mà học được phép ấy, nên nhìn thì biết ngay là một huyệt đại quý, cũng kết từ Đại Can long Hồng Hà, bèn vận tâm nhãn quan sát, thấy quanh huyệt có đến tám con quỷ mặt ngọc, chia theo đúng phương vị của Bát quái ngồi canh. Tám con quỷ lần lượt là: Mông, Sơ, Dục, Kiến, Hưng, Suy, Vong, Tận. Ngoảnh lại thấy Độc Đắc Trí chắp tay đứng hầu phía sau, Cao liền vẫy lại gần, ghé tai bảo nhỏ:
 
   “Đây là huyệt Âm lai Dương thụ. Địa quỷ đã xếp thành vòng tròn, canh đủ tám phương thì mới gọi là “tỉnh thượng viên liễu”, thế là ngũ hành đã thành tựu, phương luân đã định đoạt, quý không tả xiết. Tuy chưa phải lão kết (kết già) song vẫn có thể truyền đến tám đời, nhưng phải là người có đức thì mới giữ được. Cơ nghiệp đế vương chính ở chỗ này. Nhà ngươi hãy trung thành với ta, lo gì mà không được vẻ vang…”
 
   Độc Đắc Trí nghe chủ nói thì cảm động lắm, sụp xuống lạy ba lạy rồi bẩm:
 
   “Đa tạ chúa công. Nô tài xin gan óc lầy đất, đời đời hầu hạ chúa công. Nhưng dẫu truyền được tám đời, thì cũng đến lúc tuyệt hay sao?”
 
   Cao Biền nghe đầy tớ hỏi, liền giảng:
 
   “Cuộc đất nào có đại Can long (trỏ sông Hồng) thì là đất đế vương, tức là đã định được phương luân, thông được ngũ hành, cho nên có thể lập quốc. Đại Can long tất sẽ có chỗ kết huyệt, là nơi giao nhau giữa Thiên cang và Địa mạch. Kẻ đã xem phong thủy thì cần phải biết, phàm các chỗ kết huyệt đều có địa quỷ ngồi canh. Nếu địa quỷ xếp theo hình chữ Nhất thì có thủy, có chung, vì vòng ngũ hành chưa thành tựu nên nguyên khí có lúc tụ, tất có lúc tán. Nay xếp theo vòng tròn thì vô thủy, vô chung. Tuy cũng có tụ, có tán đấy, song vẫn có thể lặp lại, hết vòng nọ, lại đến vòng kia. Nếu biết cách tích đức, sửa nghiệp… thì vòng ngũ hành sẽ lưu chuyển mãi, có thể truyền đến muôn năm, không chỉ tám đời mà thôi đâu”.
 
   Độc Đắc Trí nghe thầy giảng thì rất hớn hở, càng tỏ ra khúm núm, xun xoe. Nghĩ một lát lại làm ra vẻ băn khoăn:
 
   “Vậy còn cái huyệt Dương lai Âm thụ ở đất Đường Lâm kia thì sẽ thế nào?”
 
   Cao Biền nghe y hỏi trúng ý mình, liền bảo:
 
   “Ngươi không nói thì ta cũng đang nghĩ tới chỗ đó. Cuộc đất ấy cũng có thể lập nên cơ nghiệp, song phải biết phép, gọi là chuyển phong dưỡng thủy thì mới kéo dài được, nếu không thì họa tất sẽ từ bên trong mà ra. Huyệt ấy tuy không đáng ngại lắm, song cũng đủ sinh ra bậc anh hùng cái thế, tức là cái mầm loạn đấy, phải mất công chinh phạt. Vậy ta cũng phải liệu trước đi mới được”.
 
   Độc Đắc Trí nghe đến đây, lập tức hăng hái:
 
   “Nô tài xin lãnh việc triệt cái mầm loạn ấy. Xin chúa công cứ sai bảo.”
 
   Cao Biền gật đầu hài lòng, lại bảo:
 
   “Ta xem trong Đường thư, thấy chép tù trưởng họ Đỗ là người khởi loạn. Nhưng về tận nơi xem xét, thấy dân chúng lập đền thờ họ Phùng, tôn làm Bố Cái đại vương. Thế thì kẻ cầm đầu ngày trước là họ Phùng, chứ không phải họ Đỗ. Lòng dân tức lòng trời là ở chỗ ấy. Họ Phùng là anh hùng, song đức mỏng nên chỉ truyền được ba đời, nhưng long mạch còn đó, thì họ khác tất lại nổi lên, nên phải yểm đi mới được. Ngày nay với công phu đạo hạnh của ta, cũng chỉ cần mấy đạo bùa là xong.”


Hội đồng họ Phùng Việt Nam dâng hương tại Lăng Đức vua Ngô Quyền - Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Nội

 
   Thầy tớ tâng bốc nhau mấy câu nữa, rồi trở về trại để luyện bùa. Đây nói chuyện ở Đường Lâm. Bấy giờ có một trưởng giả họ Ngô tên Ngô Mân là người khảng khái, trọng nghĩa khinh tài, trong nhà nuôi hàng trăm thực khách, đủ các hạng hào kiệt, bách gia… từ đạo sĩ đến những người có tài cầm, kì, thi, họa, những kẻ thức thời, giỏi võ nghệ… Các buổi tối thường chia theo nhóm uống rượu, đàm đạo hoặc đấu cờ, đấu vật… nghĩ ra đủ các loại giải rất là vui vẻ. Một buổi tối xuất hiện bốn vị khách lạ từ phía Bắc xuống, đến xin đấu cờ, hỏi thì nói người bên kia sông. Ngô Mân tỏ lòng kính trọng, sai người tiếp đãi rất tử tế. Hôm nào cũng vậy, cứ giờ tuất thì đến, hết giờ hợi thì ra về, giữ thế nào cũng không ở lại. Được khoảng nửa tháng thì các kì thủ trong số thực khách của họ Ngô đều bái phục cả.
 
   Trưởng giả Ngô Mân để ý thấy hành tung của bốn vị này có điều bí ẩn, tướng mạo quái dị, ngồi chỗ nào thì khí lạnh toát ra chỗ đó, sờ vào quân cờ thì quân cờ giá ngắt như băng. Đêm hôm ấy, Ngô Mân bí mật sai người nhà bám theo, xem nhà cửa, quê quán của họ ở chỗ nào. Tới bờ sông, thấy bốn người kia ngồi thụp xuống, móc trong người ra hai miếng giáp mã, buộc vào hai ống chân rồi bước xuống mặt nước, bước đi như bay sang phía bên kia sông. Anh người nhà há hốc mồm kinh ngạc, nghĩ gặp được tiên, liên lập tức trở về kể lại cho chủ nghe…
 
   Đáng lẽ anh người nhà phải bí mật bơi sang bên kia sông, thì sẽ còn chứng kiến một chuyện kì lạ nữa. Nhưng anh ta đã vội vã quay trở về. Ngô Mân nghe anh ta kể lại cũng kinh ngạc, biết là dị nhân, nhưng biết đâu lại là thiên tiên hay thủy quái? song cũng có ý mừng thầm, liền dặn anh người nhà chớ hở cho ai biết, rồi sai mời ngay một đạo sĩ trong đám thực khách đến. Đạo sĩ này họ Trần, hiệu là Vương Ngọc chân nhân, cùng một chú tiểu đạo đồng họ Phùng, cũng người ở Đường Lâm, tên Khoai tới ra mắt. Vương Ngọc chân nhân nghe xong bảo:
 
   “Không phải thiên tiên, cũng chẳng phải thủy quái, mà là địa quỷ, nhưng không làm hại ai, chỉ ngồi canh giữ cái chỗ Trời Đất giao hợp mà thôi.”
 
   Trưởng giả Ngô Mân nghe nói càng kinh ngạc, bèn hỏi ngay:
 
   “Vậy ra ông đã biết lai lịch của họ ngay từ đầu?”
 
   Vương Ngọc chân nhân trả lời:
 
   “Bần đạo quả cũng biết một chút. Địa quỷ thường do phong thủy mà sinh ra. Có địa quỷ tất có long mạch và ngược lại. Vì thế bần đạo mới tới đây để xem xét.”
 
   Ngô Mân nghe nói càng tò mò. Hỏi tiếp:
 
   “Vậy ngài đã thấy điều gì?”
   
   Vương Ngọc chân nhân đáp:
 
   “Phàm những chỗ uốn lượn của long mạch thì thường có kết huyệt. Chảy từ thượng nguồn đến đây, Can long Hồng Hà võng như cánh diều, thì đất Đường Lâm chính là chỗ cột dây diều đấy. Anh hùng cái thế có thể sẽ phát tích từ đây. Giờ thấy xuất hiện tứ quỷ địa, thì không còn nghi ngờ gì nữa…”
 
   Câu nói của đạo sĩ làm Ngô Mân cảm thấy rúng động. Lặng đi một lát, chàng hỏi:
 
   “Tạ ơn Trời Đất, Tổ tông. Thật may mắn cho xứ Giao Châu này. Phải chăng vị anh hùng cái thế ấy ứng vào Ngài Bố Cái Phùng Đại vương?”
 
   Vương Ngọc chân nhân đáp:
  
   “Đúng như vậy, nhưng chưa phải hết. Sư phụ của bần đạo là Đức Vô Vị chân nhân, tức là Đức Ngài Tản Viên Sơn thánh (hướng về phía núi Ba Vì, chắp tay vái một cái), Ngài luôn bảo hộ cho toàn cõi Giao Châu, nên đã dặn bần đạo phải coi sóc việc này…”.
 
   Im lặng một lát, Vương Ngọc chân nhân chăm chú ngắm nhìn Ngô Mân, rồi cầm tay chàng, ân cần:
 
   “Việc tứ quỷ rời khỏi địa huyệt mà đến đây giao du, biết đâu chẳng có kì duyên…”
 
   Nói đến đây, ngài chợt hiểu ra, rằng mọi việc đều không ra khỏi sự trù liệu của Đức Vô Vị chân nhân. Ý nghĩ ấy khiến ngài im bặt, dường như không thể tiết lộ huyền cơ của sư phụ. Ngô Mân cũng không dám hỏi thêm nữa, chỉ mong cho chóng đến tối hôm sau, để mấy dị nhân kia quay trở lại. Nhưng suốt bổi tối hôm ấy, và mấy hôm sau nữa… bốn người kia vẫn biệt tăm. Ngô Mân đã cảm thấy bồn chồn. Tiết trời đang thu bỗng trở nên oi bức, ngột ngạt không chịu nổi, bao nhiêu cây cối đều đứng tắp, không một ngọn gió nhỏ. Đã xảy ra chuyện gì? Không thể đợi thêm được nữa, chàng liền sai người ra khách xá mời Vương Ngọc chân nhân vào hỏi chuyện. Người nhà đi một lát, trở lại báo thầy tớ đạo sĩ đã đi đâu không rõ.
 
   Vương Ngọc chân nhân đã đi đâu?
 
   Nguyên suốt ba ngày qua, đạo sĩ cũng có ý chờ đợi như Ngô Mân. Đến tối hôm ấy, đúng giờ mà vẫn chưa thấy bốn người kia xuất hiện, ngài liền gieo quẻ, biết là có chuyện, bèn cùng tiểu đạo đồng họ Phùng ra đi, nhằm thẳng hướng bắc, tới bờ sông rồi xuống đò qua phía bên kia. Đi thêm một quãng nữa thì tới đầm Vạc. Đêm ấy đúng rằm Trung thu mà lạ thay, bóng trăng không hề in xuống đáy nước, như thể có đám mây che khuất, nhưng ngẩng lên nhìn, thì mặt trăng tròn vằng vặc vẫn treo lơ lửng giữa đỉnh đầm mà bên dưới, mặt đầm lặng như tờ, tịnh không thấy bóng trăng. Chú đạo đồng họ Phùng thì tỏ ra kinh ngạc, nhưng sư phụ thì không, hình như ngài đã biết rõ căn nguyên. Trỏ ra giữa đầm, ngài bảo:
 
   “Huyệt đạo kết ở chỗ kia. Con giỏi bơi lội, hãy lặn xuống chỗ đó, thấy gì thì lên tả lại cho ta biết”.
 
   Vốn giỏi bơi lội như rái cá, đạo đồng Phùng Khoai tuân lệnh, hăng hái cởi phăng áo, tụt quần lội ngay xuống, vạch lau lách lội ra rồi ngụp xuống, lặn một hơi ra tới giữa đầm. Giữa đêm rằm, mặt đầm tuy không in bóng trăng soi, nhưng dưới đáy vẫn bàng bạc ánh trăng luồng. Phùng Khoai nom thấy cái gò lờ mờ hiện lên, liền đó có bốn tảng đá ở phía nam, nom như bốn người ngồi, xếp hình chữ Nhất. Phùng Khoai uốn lượn một vòng xung quanh cái gò, sờ nắn cẩn thận bốn tảng đá, dùng tay ước lượng thước tấc và ghi nhớ kĩ những chỗ lồi lõm rồi ngoi lên, bơi vào bờ, tả lại cho sư phụ biết. Vương Ngọc chân nhân nghe xong, bảo:
 
   “Quả như ta đã đoán trước. Đó đích thị là tứ quỷ, song đã bị yểm bùa, nếu không giải được, thì sẽ bị nhốt ở đây ít nhất 600 năm, huyệt đạo linh mấy cũng trở nên vô dụng. Giờ con hãy bơi trở lại đó, tìm ở phía lưng bốn tảng đá, thấy bốn lá bùa thì lột đem về đây.”
 
   Nói rồi ngài thò tay vào trong bụng, móc ra một viên ngọc dạ minh châu, đưa cho Phùng Khoai, dặn phải dùng vật này thì mới tìm được bốn lá bùa.
 
   Phùng Khoai vâng lời, cầm viên ngọc rồi lại lội xuống đầm, lặn một hơi tới chỗ cái gò. Viên ngọc quả nhiên kì diệu, dưới ánh sáng của nó, cái gò hiện lên, lung linh một màu hồng, đỏ rực. Bốn tảng đá thì màu vàng, nom rõ dáng người ngồi. Phùng Khoai soi vào lưng, quả nhiên có bốn lá bùa, dán ở những vị trí khác nhau, liền lột ra, đem lên trình sư phụ.


Hội đồng họ Phùng Việt Nam tại Khu Di tích Bạch Đằng Giang - Minh Đức - Thủy Nguyên - Hải Phòng

 
   Vương Ngọc chân nhân cầm bốn lá bùa lên, soi dưới ánh sáng của viên ngọc dạ minh châu, thấy mỗi lá bùa có 3 chữ, bèn đọc, nhân tiện giảng cho Phùng Khoai:
  
Lá bùa thứ nhất, dán ở huyệt Đại trùy, có 3 chữ: “Kiến vô kiến”. Giảng: Thấy mà không thấy.
 
Lá bùa thứ hai, dán ở huyệt Chí dương, có 3 chữ: “Kiến vô cấu”. Giảng: Thấy mà không gặp.
 
Lá bùa thứ ba, dán ở huyệt Mệnh môn, có 3 chữ: “Cấu vô đắc”. Giảng: Gặp mà không đắc.
 
Lá bùa thứ tư, dán ở huyệt Trường cường, có 3 chữ: “Đắc vô sinh”. Giảng: Đắc mà không sinh.
 
Giảng đến đây, Vương Ngọc chân nhân không kìm được, trỏ tay về phía thành Đại La thốt lên:
 
   “Bọn người phương Bắc kia thật là hiểm độc, âm mưu phong bế ngũ hành, chia lìa âm dương, chặn đường tam tài (Thiên Địa Nhân) đây”.
 
   Tiểu đạo đồng Phùng Khoai nghe sự phụ than, liền đưa hai tay ra, nói:
 
   “Sư phụ đưa cho con đốt béng đi là xong”.
 
   Vương Ngọc chân nhân lắc đầu bảo:
 
   “Kẻ dùng tà thuật này không phải tầm thường. Phải dùng khí huyết của chính nó, tức là dòng dõi mấy ngàn năm lang cẩu để luyện bùa, thì tấm bùa này chẳng khác gì một phần thân thể, giác quan… của nó, dẫu để cách xa hàng vạn dặm, thì vẫn mang cái thấy, biết… rất nhạy của loài lang cẩu. Chỉ cần xé rách, thì ở xa, nó cũng lập tức rùng mình, huống hồ còn đem đốt. Nếu biết bùa bị phá, tất nó sẽ tìm cách khác. Những kiểu lấp dòng, đóng cọc, luyện âm binh, giăng ma võng… kiểu gì nó cũng dám làm, khi đó không những long mạch bị hủy hoại, mà còn kinh động đến muôn dân, cho nên phải cẩn thận mới được.”
 
   Phùng Khoai nghe sư phụ nói cũng phải rùng mình. Bèn hỏi:
 
   “Vậy phải làm sao bây giờ, thưa sư phụ?”
 
   Vương Ngọc chân nhân ngắm nhìn Phùng Khoai từ đầu đến chân, rồi như chợt nhớ ra điều gì, ngài bảo:
 
   “Té ra việc ấy cũng chả khó khăn gì. Phàm vật gì ở trên đời, độc mấy cũng có cách khắc chế. Tinh huyết lang cẩu thơm nhẹ mùi tàu nhưng cực độc, vốn rất kị mùi khai của nước đái, nhất là nước đái khỉ, gọi là thủy niệu hầu. Con là dòng dõi Lạc hầu kể cũng đã nghìn năm, thì chỉ cần đái vào mấy tấm bùa này, nó cũng trở nên vô dụng, kẻ kia sẽ chẳng cảm thấy gì”.
 
   Chú đạo đồng Phùng Khoai nghe sư phụ nói thì sướng quá, liền trải bốn tấm bùa trên mặt đất, rồi vạch chim tè ngay lên đó. Kì lạ thay, bốn tấm bùa xèo xèo, quăn queo lăn lộn trên mặt đất, bốc khói đen mù mịt, y như đái vào than hồng khiến chú đạo đồng giật nảy mình, đến nỗi phải nhảy dựng người. Ngay lập tức, một làn gió mát lạnh nổi lên, trong giây lát, bốn phương rì rào tiếng gió thổi, đồng thời chính giữa mặt đầm, bóng trăng rằm hiện lên, sáng vằng vặc, y như mặt trăng thứ hai, trên trời là mặt trăng thứ nhất. Vương Ngọc chân nhân thấy thế xoa hai bàn tay vào nhau, lấy làm hài lòng lắm, sai Phùng Khoai dùng que thu bốn tấm bùa kia lại, dúi vào bụi lau chờ có lúc dùng đến, xong xuôi, hai thầy trò trở về bên Đường Lâm.
 

*
 
*            *

 
   Tối hôm ấy, anh người nhà hớn hở chạy vào báo với Ngô Mân, rằng bốn dị nhân kia lại xuất hiện, đang ngồi đánh cờ ở dưới sảnh. Ngô Mân mừng lắm, liền dặn anh người nhà chớ làm kinh động đến họ rồi đội mũ, mặc áo, vừa rời khỏi thư phòng, vừa bảo anh người nhà:
 
   “Ra ngay khách xá gặp đạo sĩ. Lần này ta phải thân đến vấn chuyện ngài mới được”.
 
   Vương Ngọc chân nhân chừng đoán biết Ngô Mân thể nào cũng tới. Vừa chào hỏi xong, đã nói ngay:
 
   “Bần đạo cũng đang định tới mừng cho ông…”
 
   “Ngài mừng tôi về chuyện gì?” - Ngô Mân ngạc nhiên - “Có phải sự trở lại của tứ quỷ?”
 
   “Cũng vì chuyện ấy mà bần đạo phải tới đây…” - Vương Ngọc chân nhân đáp - “Tứ quỷ bị người phương Bắc dùng tà thuật để yểm bùa, vào đúng cái đêm ông gọi bần đạo tới, nên mới vắng bặt ba ngày nay. Giờ bùa đã được giải, nên họ lại tới đây…”
 
   Ấy là đêm Ngô Mân sai anh người nhà bám theo họ. Tiếc rằng anh ta đã vội vã quay trở về, nên không được chứng kiến việc yểm bùa. Chính là cũng đúng đêm đó, Độc Đắc Trí đã mò tới đầm Vạc, mang theo bốn lá bùa của Cao Biền. Ngô Mân cũng không biết việc ấy, bèn hấp tấp hỏi:
 
   “Vậy bây giờ ta nên đối xử với tứ quỷ như thế nào?”
 
   “Cứ mặc họ, làm như không biết gì” - đạo sĩ đáp - “Chỉ nội trong ba ngày, tất họ sẽ rời khỏi đây, vì họ có việc phải đi”.
 
   Ngô Mân càng sốt ruột, hỏi tiếp:
 
   “Họ đi đâu? Thưa ngài?”
 
   Đạo sĩ trả lời:
 
   “Phàm địa quỷ một khi đã được giải phóng khỏi sự trấn yểm, tất sẽ tìm đến thủ phạm để trừng phạt. Đợi họ đi rồi, ta sẽ có việc phải làm”
 
   Ngô Mân cảm thấy câu chuyện càng lúc càng có vẻ u huyền, trọng đại, nên không dám hấp tấp. Chờ một lát mới rụt rè nói:
    
   “Ngài cần việc gì, tôi cũng sẵn sàng. Nhưng chẳng hay sức tôi có kham nổi hay không?”
 
   Đạo sĩ nhìn quanh, thấy không có ai, mới hạ thấp giọng bảo Ngô Mân:
 
   “Đức của Thiên, Địa kết ở nơi huyệt đạo, thì đức của Nhân kết ở đất Đường Lâm này. Trước đã ứng vào Phùng đại vương, thì nay có lẽ ứng vào họ Ngô của ông đấy. Không phải vô cớ mà bỗng dưng tứ quỷ mò đến đây giao du, việc gì cũng đều có nhân duyên cả đấy, ông chớ bỏ lỡ cơ hội mà có tội với tổ tông…”
 
   Ngô Mân cảm động lắm, toàn thân nổi da gà. Chàng ngập ngừng:
 
   “Chỉ sợ họ Ngô tôi đức mỏng, không kham nổi việc ấy. Vậy ngài bảo tôi phải làm thế nào bây giờ?”
 
   Đạo sĩ bảo:
 
   “Bần đạo sẽ vì ông, cũng là vì muôn dân mà lập đàn, để gieo cái đại sự nhân duyên này, Cũng là mong thông được ngũ hành, định được phương luân, thuận được phong thủy… thì sau này, có phân định rõ Bắc - Nam được hay không, để người Nam ta đời đời thoát khỏi kiếp đô hộ, chính là ở lúc này.”
 
   Trưởng giả Ngô Mân không hổ là người có tâm cơ, lập tức hiểu ra việc trọng đại, bèn nhất nhất nghe lời. Hai người bàn bạc kĩ mọi việc chuẩn bị cho việc lập đàn đến gần sáng mới chia tay.


Bộ 4 tác phẩm Tiểu thuyết Lịch sử của Nhà văn Phùng Văn Khai đang được độc giả yêu văn học, lịch sử đón nhận:
Phùng Vương; Ngô Vương; Nam Đế Vạn Xuân; Triệu Vương Phục Quốc

 
   Quả nhiên đến đêm thứ ba thì bốn vị kia lại biệt tăm. Trưởng giả Ngô Mân đoán tứ quỷ đã đi trừng phạt kẻ yểm bùa đúng như lời nói của đạo sĩ hôm trước, bèn lập tức dặn người nhà chuẩn bĩ sẵn mọi thứ, đoạn tới ngay khách xá gặp đạo sĩ. Vương Ngọc chân nhân cũng đã sẵn sàng. Mọi người lặng lẽ rời Đường Lâm, tiến sang phía đầm Vạc. Đàn được lập ngay trên bờ. Vương Ngọc chân nhân đích thân vào tế, đọc sớ cáo Thiên Địa, chư vị linh thần, khí thiêng sông núi… tiếp đến trưởng giả Ngô Mân. Xong xuôi, đúng giữa giờ Tý, đạo đồng Phùng Khoai nhận mệnh, đem di cốt tổ họ Ngô cùng món tam hương chỉ (3 cái chân hương ở bàn thờ Tổ nhà họ Ngô) bọc trong lụa điều, cầm theo viên ngọc dạ minh châu soi đường lội xuống đầm.
 
   Phùng Khoai theo lời dặn của Vương Ngọc chân nhân, giữa đỉnh cái gò trồi lên dưới đáy đầm có một chỗ lõm xuống, sâu lút cánh tay trẻ con. Các món linh vị được đặt ở đúng ở đó. Đặt xong lập tức quay trở lại. Phùng Khoai vừa bước lên bờ, thì bầu trời đang đêm bỗng nổi ráng hồng như thể lúc bình minh, đến nỗi nom mặt ai cũng hồng lên, bốn phía có tiếng rầm rì, rồi nổi một làn gió thơm ngào ngạt, lạnh đến nỗi làm mọi người nổi hết gai ốc, mặt đầm chao động, dềnh lên đến mấy tấc, cứ dập dềnh như thế một lúc… Cuối cùng là một cơn lốc xoáy, từ trên trời xoáy xuống hình chiếc phễu, tụ lại đúng giữa đầm làm mặt đầm lõm hẳn xuống. Ai cũng trợn mắt kinh dị, chứng kiến một việc chưa từng có. Gương mặt Vương Ngọc chân nhân có vẻ vẫn bình thản, chỉ vái trưởng giả Ngô Mân một cái rồi ghé tai nói nhỏ:
 
   “Xin chúc mừng họ Ngô ta. Đây là cái điềm khế hợp của Tam Tài. Đêm qua, sư phụ của bần đạo đã lên trời Đao Lợi, thỉnh được một vị Thái Minh Ngọc Hoàn thiên giáng sinh xuống cõi này. Giờ điềm lành đã hiện lên thì đại sự tất thành công. Chỉ có điều phải chờ đợi trong vòng ba mươi năm nữa”.
 
   “Tại sao phải thỉnh ở Đao Lợi thiên?” - Ngô Mân thắc mắc.
 
   “Đạo Lợi là cung trời của Thiên Đế Thích” - Đạo sĩ cắt nghĩa - “Thiên Đế Thích là khắc tinh của giống Atula phương Bắc, bọn chuyên gây họa cho cõi này, nên mới phải thỉnh ở đó.”
    
   “Tại sao phải đợi ba mươi năm?” - Ngô Mân vẫn còn thắc mắc.
 
   “Tại vì huyệt đạo bị cái máu lang sói Atula nó yểm mất ba ngày. Cũng may mà bần đạo đã gỉải kịp” - Đạo sĩ trả lời.
 
   Rồi Ngô Mân cùng bọn người nhà ra về trước. Vương Ngọc chân nhân bảo Phùng Khoai ở lại, sai đi tìm mấy lá bùa ở bụi lau hôm nọ, gói lại rồi mang theo. Phùng Khoai ngạc nhiên hỏi để làm gì thì đạo sĩ bảo:
 
   “Để tiệt âm mưu của kẻ kia” - (chỉ Cao Biền, người luyện mấy lá bùa).
 
   “Thưa, tiệt như thế nào?” - Phùng Khoai hỏi tiếp.
 
   Vương Ngọc chân nhân ân cần giảng giải:
 
   “Con biết không, bọn phù thủy ở phương Bắc vốn rất thạo tà thuật này. Chúng nó còn biến hóa ra thuật hãm vong để làm thần giữ của, hàng trăm năm, nghìn năm… trông coi vàng bạc, châu báu của chúng ăn cướp được. Địa quỷ bị yểm thì cũng tương tự như vong bị hãm, một khi đã được giải phóng, tất sẽ tìm đến thủ phạm để rút lưỡi…”
 
   Dừng lại một lát như để ngẫm nghĩ, đạo sĩ mới nói tiếp:
 
   “Cái vạ rút lưỡi ấy, kẻ kia sẽ phải chịu đến ba đời. Nhưng với đạo lực của một kẻ đã luyện thành mấy lá bùa này, thì nó vẫn có thể luyện thành một cái lưỡi khác, gọi là thiệt phù, khi đó mỗi lời của nó nói ra, là một lời mê hoặc, còn hiểm độc gấp vạn lần lưỡi thịt…”
 
   Phùng Khoai nghe sư phụ giảng thì trợn mắt rùng mình. Bèn hỏi:
 
   “Vậy công việc của con bây giờ phải làm gì?”
 
   Vương Ngọc chân nhân bảo:
 
   “Con hãy về ngay thành Đại La, lần theo dấu vết của tứ quỷ bằng cách nắm trong tay viên ngọc dạ minh châu này. Tìm thấy thì cứ để mặc cho họ hành sự, chờ kẻ kia bị rút mất lưỡi rồi, bấy giờ hãy nhét mấy lá bùa này vào miệng nó, thì thầy nó không những sẽ bó tay, mà còn không dám nghĩ tới chuyện trấn yểm long mạch ở đây nữa. Có thế thì việc đại sự của ta mới thành công được.”
 
   Phùng Khoai hiểu ra, tinh thần phấn chấn hẳn lên, liền tuân mạng, vái lạy sư phụ rồi cầm lấy viên ngọc dạ minh châu, nhằm hướng thành Đại La, lập tức lên đường.
 
   Từ Đầm Vạc về đến thành Đại La ước chừng 100 dặm. Phùng Khoai rảo bước một mạch, chiều hôm sau thì tới nơi. Đại La thành bấy giờ dân cư thưa thớt, phần lớn tập trung trong nội thành, bốn phía xung quanh toàn rừng rậm hoang vu, quán xá lèo tèo, tìm mãi mới thấy một tửu lâu tương đối một tí, nằm ở phía Tây Bắc, bèn vào gọi mấy thứ ăn lót dạ. Ăn xong trở ra, vừa đi được mấy bước, bỗng bàn tay nắm viên ngọc dạ minh châu trong túi thấy lạnh ngắt. Nhớ lời dặn của sư phụ, thế thì tứ quỷ tất đang ở rất gần đâu đây. Phùng Khoai đảo mắt quan sát một vòng, xung quanh tịnh không một bóng người, bèn quay trở lại tửu quán. Quả nhiên có bốn ông khách đang ngồi trong quán uống rượu, nhìn qua cũng biết ngay là tứ quỷ từng xuất hiện ở Đường Lâm. Phùng Khoai mừng húm, chọn một chỗ ngồi để bí mật theo dõi.
 
    Quả như lời của Vương Ngọc chân nhân. Tứ quỷ đã tìm về thành Đại La để trừng phạt kẻ đã dán bùa lên lưng họ. Nhưng tại sao họ lại chọn chỗ này để chờ? Nguyên Cao Biền từ khi xem xét phong thủy, đến lúc chiếm được thành Đại La thì đã có ý xưng vương. Việc trước tiên là phải định dòng long mạch bằng cách dùng cọc thủy châm cố địa để đắp La Thành, phép này gọi là dưỡng Địa, thứ đến tôn cao gò Nùng Khâu, mở rộng chu vi vài trăm trượng để hộ trì đế huyệt, đồng thời đổi tên thành Nùng Sơn, phép này gọi là phụng Thiên. Giao cho Độc Đắc Trí coi sóc việc xây đắp La Thành. Chỗ này đúng cửa Đại Càn môn, nên Độc Đắc Trí thường đến đôn đốc và la cà ở tửu lâu này.
 
   Cho nên chẳng phải đợi lâu, ngày hôm sau đã thấy Độc Đắc Trí cùng một bọn lâu la kéo nhau vào quán. Hôm đó tiết trời mới vào đầu mùa đông, bên ngoài cũng chưa lạnh lắm, nhưng trong quán bỗng dưng lạnh kinh khủng, thầy trò Độc Đắc Trí rét run cầm cập, phải dùng rượu để hâm nóng người, tu hết hũ này đến hũ khác. Chẳng bao lâu, cả lũ đều say mèm, đổ gục hết xuống bàn. Riêng Độc Đắc Trí vẫn chưa say hẳn. Gã lờ mờ cảm thấy bốn bóng người bước tới, nắm tóc gã kéo lật ngửa ra phía sau, một người đè Bách hội, hai người nắm Hợp cốc, một lát thì toàn thân gã lạnh giá, cứng như băng, mồm há hốc, chiếc lưỡi từ trong miệng bật ra ngoài, từ ngọn đến gốc, người thứ tư thản nhiên thò tay rút lấy, bỏ vào trong túi rồi cả bốn người quay ra khỏi quán.
 
   Phùng Khoai núp trong chỗ kín quan sát hết mọi chuyện. Cậu ta rùng mình, lắc đầu lè lưỡi, lạ sao không thấy có tí máu nào từ mồm Độc Đắc Trí tuôn ra? Giờ đến lượt mình đây, cậu ta nghĩ thế rồi nhanh chóng rời khỏi chỗ ẩn nấp, tiến lại phía Độc Đắc Trí vẫn còn ngồi dựa lưng vào ghế, cổ ngửa ra phía sau, mắt trợn trừng trừng, thở khò khè như kéo bễ. Phùng Khoai rút 4 lá bùa trong túi ra, vo tròn lại rồi nhét vào cái mồm đang trống hoác ấy, rồi một tay bóp cho mồm nó ngậm lại, tay kia cũng không quên làm phúc vuốt cho hai nó nhắm, khỏi mở trừng trừng, chả khác gì một cái tử thi. Xong xuôi, cậu nhanh chóng quay người, phơi phới bước đi…
 
   Cao Biền nghe tin Độc Đắc Trí bị rút mất lưỡi thì giật nảy mình. Biết ngay việc này do địa quỷ làm, nghĩa là ở trên đầm Vạc, có kẻ đã lột mất bốn lá bùa của mình. Song trong cái rủi lại có cái may, họ Cao lại có kế khác. Gọi là phép “thiệt phù”, luyện bùa làm lưỡi để nói lời mê hoặc, chỉ những người bị địa quỷ rút lưỡi thì mới dùng phép này được. Cũng tương tự như phép “quyền phù”, chỉ dùng ngón tay trỏ của người bị sét đánh chết thì mới luyện được, gọi là “chỉ đạo quyền phù”. Cao Biền đã chuẩn bị sẵn một bộ kinh gồm ba vạn chín nghìn chữ gọi là kinh Cao Vương. Một khi đã luyện được thiệt phù mà đem kinh Cao Vương ra tuyên đọc, thì nghìn vạn người đều nhất nhất nghe theo. Kế này gọi là “tuyên giáo thiệt phù”, cực kì diệu dụng. Là người lão luyện trong thiên hạ, họ Cao biết tranh được lòng người còn hơn giành được long mạch. Bèn tức tốc ra lệnh đưa Độc Đắc Trí về phủ để đích thân Cao chữa trị cho y.
 
   Độc Đắc Trí nằm trên cáng, thân thể ngay đơ, mồm mím chặt, toàn thân trắng toát, phủ một lớp băng mỏng. Cao Biền nom thấy cũng phải rùng mình khi chứng kiến khí lạnh kinh người của địa quỷ. Liền đưa tay vỗ vào huyệt Bách hội rồi xoa nắn hai huyệt Hợp cốc. Giây lát Đắc Trí tỉnh lại, từ từ mở mắt, thở ra mấy cái, lớp băng trên người cũng vừa tan hết, toàn thân ướt như con chuột. Nom thấy Cao Biền, Đắc Trí vội vàng há miệng, họ Cao nhìn thấy mồm y bị nhét đầy thứ gì đó thì hết sức kinh ngạc. Vội vàng thò tay móc ra, thì chính là mấy lá bùa ngày trước. Mùi khai của nước đái khỉ nồng nặc xông lên khiến họ Cao hoảng sợ, rụng rời chân tay. Thế là cái kế “thiệt phù” đã hết hy vọng, dẫu có luyện được bùa thì cũng không thể lắp vào mồm y được. Cõi này có người còn cao tay hơn ta, họ Cao nghĩ, càng nghĩ càng hoảng sợ, chân tay run lẩy bẩy.
 
   Cao Biền đã tan giấc mộng đế vương chưa? Chưa. Y dẫu thua tứ quỷ, song vẫn còn bát quỷ ở Nùng Sơn. Y gấp rút hoàn thành việc đắp La Thành. Nhưng chỉ hai năm sau, y bị triệu hồi về phương Bắc, chưa kịp lập cái danh Cao vương. Mộng đế vương của họ Cao mới vĩnh viễn chôn vùi. Cao Biền về nước, bỏ kinh Cao vương ở lại, đời sau dẫu không có “thiệt phù”, nhưng thỉnh thoảng nó cũng vẫn mê hoặc được khối người.
 
   Độc Đắc Trí tuy trở thành con vật không có lưỡi, song y cũng được Cao Biền trả công bằng cách cho con là Độc Cô Tồn nối nghiệp. Độc Cô Tồn ở lại Đại La hầu hạ các đời thái thú, sau cũng làm đến thái thú. Con của y là Độc Toàn Chân chỉ thích buôn bán, giàu có nhất toàn cõi Giao Châu, về sau cũng phải chịu cái vạ cắt lưỡi, đúng như câu nói của Vương Ngọc chân nhân ngày trước, nhưng đó là cả một câu chuyện khác, câu chuyện của Phùng tiên sinh đời sau kể lại chuyện Ngô Vương.
 
   Trước khi đọc truyện Ngô Vương tiếp theo đây, xin hãy theo chân Phùng Khoai trở lại Đường Lâm bẩm báo mọi việc với sư phụ. Vương Ngọc chân nhân xoa đầu ban khen, rồi để Phùng Khoai ở lại nhà trưởng giả Ngô Mân, ngài đã hoàn thành sứ mệnh, được sư phụ gọi về núi. Trước khi đi, ngài để lại bài kệ, gồm 4 câu như sau:
 
“Vọng Nguyệt nhất dương lang khí bế
Đường Lâm tứ quỷ Lạc hầu khai
Phùng sinh hậu thuyết Ngô vương truyện
Kỉ độ niên tuyền song thất lai”
 
   Ba mươi năm sau, nhà họ Ngô sinh quý tử, lúc sinh ra trong nhà ngào ngạt hương thơm, rực rỡ một ánh sáng màu tía. Cha Ngô Mân đặt tên là Ngô Quyền. Phùng Khoai bấy giờ cũng đã đứng tuổi, vẫn làm khách trong nhà họ Ngô, được Ngô Mân giao tiểu công tử cho Phùng Khoai trông nom. Nhân tiện nhắc lại bài kệ của đạo sĩ ngày trước, Ngô Mân bảo:
 
   “Hai câu đầu tả chuyện yểm bùa và giải bùa ở đầm Vạc (tức là đầm Vọng Nguyệt). Còn hai câu sau tôi chưa hiểu rõ ý ngài muốn nói gì?”
 
   Phùng Khoai nhờ theo sư phụ bấy lâu nên cũng hiểu, bèn trả lời:
 
   “Hai câu sau là ngài huyền ký chuyện sau này. Công tử nhà ta (trỏ Ngô Quyền) có lẽ chính là một vị Thái Minh Ngọc Hoàn thiên giáng sinh làm Ngô Vương chăng? Sau này sẽ có người họ Phùng (Phùng tiên sinh) chép lại việc này”.
 
   “Sau này là bao lâu?” - Ngô Mân hỏi.
 
   “Là “song thất” (bảy bảy bốn mươi chín)… đời nữa. Mà tôi cũng chỉ biết tới đó. Ngài còn ngầm huyền ký những gì nữa thì có lẽ phải tới lúc đó mới giải được”. - Phùng Khoai trả lời.
 
   Trưởng giả Ngô Mân trợn mắt kinh ngạc. Chẳng lẽ bốn mươi chín đời sau, giặc phương Bắc lại một lần nữa triệt phá long mạch ở cõi này hay sao? Trong lòng ông lúc này, đức tin đã vững như Thái Sơn. Phùng Khoai về sau luôn ở bên cạnh Ngô Quyền, trong suốt cuộc đời chinh chiến với bọn Atula phương Bắc của Ngài…
 
   Quả nhiên bốn mươi chín đời sau, có chàng họ Phùng, tên Văn Khai kể chuyện về bậc đại anh hùng Ngô Quyền trong tiểu thuyết NGÔ VƯƠNG. Văn chương khoái hoạt, sang trọng, lời thoại theo lối tiên tụng hậu phê, hơi giống chính văn Tàu để cho bọn hậu sinh của Cao Biền dễ tiếp cận mà mở mắt ra. Tiểu thuyết Ngô Vương của Phùng Văn Khai viết chi tiết như thực lục, mạch lạc như đường quang, phấn chấn như dọn cỗ. Tả giặc phương Bắc như đám ghẻ chỉ thích chui vào nằm ở hạ bộ. Đối với một vị tướng nhà Trời như Ngô Quyền, thì đuổi giặc phương Bắc cũng chả khác gì cạo lông lợn. Cuộc đầu nhàn như đánh hộ, cuộc sau dễ như đuổi gà và cuộc thứ ba, diễn ra trên sông Bạch Đằng là một cuộc chiến oanh liệt gấp trăm lần Xích Bích. Viết rõ ràng, thứ tự, lớp lang… như người trong cuộc, Phùng Văn Khai chính là Phùng tiên sinh trong bài kệ của Vương Ngọc chân nhân vậy.