(Thứ năm, 05/08/2021, 08:42 GMT+7)

Cụ Phùng Văn Côn (1743-1822) được sinh ra từ một gia đình truyền thống làm nghề y chữa bệnh cứu người tại làng Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thủa nhỏ đã thông minh xuất chúng, theo nghiệp ông cha, cụ cũng vào phục vụ trong quân y. Do có nhiều đóng góp cụ cũng đã được phong chức Tiến Công Thứ Lang kiêm Ngự y, sắc phong “Oanh liệt tướng quân”. Sau khi triều Tây Sơn thất thủ ông tản vào Thanh Hóa, mặc dù được trọng dụng mời trở ra nhưng ông từ chối ở lại chữa bệnh và làm phúc cho người nghèo được nhân dân khắp vùng kính trọng. Do mộ bị thất lạc nên đến cuối năm 2017 con cháu Họ Phùng Thọ Am mới tìm thấy, để tưởng nhớ tới cụ Phúc Khai Lăng đã được xây dựng vào cuối năm Mậu Tuất (2018) tại tỉnh Thanh Hoá.

Truyền thống cứu người dòng Họ Phùng Thọ Am

Thọ Xuân Đường - “trái tim” của dòng họ Phùng Thọ Am, là một Nhà thuốc với gần 400 năm lịch sử, cơ sở 1 số 99 Phố Vồi - Thường Tín - Hà Nội và cơ sở 2 số 5 Khu Thủy sản - ngõ 1 Lê Văn Thiêm - Nhân Chính - Thanh Xuân - Hà Nội. Hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ làm nghề bốc thuốc chữa bệnh này, mở đầu câu chuyện: “Chợ Vồi nổi tiếng của trấn Sơn Nam xưa (Sơn Nam nhất chợ Bằng Vồi)”.

Từ hàng trăm năm trước cả vùng ven đô phía nam Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định... nhiều người đã biết đến nhà thuốc Đông y gia truyền này: “Thọ Xuân Đường có cội nguồn từ làng Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đây vốn là làng văn hóa có nhiều danh nhân, khoa bảng có công lao với đất nước. Đây là quê hương của gia đình nho sinh - quân y dưới thời Quang Trung, Phùng Văn Côn - hậu duệ đời thứ 5 của lương y Phùng Văn Dương, cụ khởi thủy nghề thuốc Đông y của Thọ Xuân Đường” - lương y Phùng Tuấn Giang nói.

Quả là hiếm có một dòng họ nào lại giữ được trọn vẹn nghề y truyền thống như họ Phùng với thương hiệu Thọ Xuân Đường. Cuốn sử của gia tộc, ghi lại: “Cụ Dương tên tự là Khang Thụy Chân Nhân, cụ được nhà Lê tuyển mộ vào làm thuốc tại Tế Sinh Đường - Thái Y Viện năm 1653. Cha đẻ của cụ Phùng Văn Côn là cụ Phùng Văn Đồng, cũng là một lương y phục vụ trong quân đội, được nhà Lê phong tới chức Tiến Công Thứ Lang, kiêm Ngự Y ở Thái Y Viện.

Noi gương của cha và cụ tổ, cụ Phùng Văn Côn đã vào quân đội làm nghề thuốc, giữ chức Phó Ngự y. Năm 1789, một trong chiến dịch thần tốc tiêu diệt 20 vạn quân Thanh của vua Quang Trung có sự tham gia chữa trị cứu thương rất đắc lực của cụ. Chiến dịch kết thúc, vua Quang Trung tấn phong cho cụ chức “Oanh Liệt Tướng Quân” và ban thưởng một đồng tiền vàng mang 4 chữ “Nhất Phẩm Đương Triều. Đồng tiền vàng này nay đã trở thành báu vật của dòng họ Phùng và truyền thống làm thuốc của nhà thuốc Đông y Thọ Xuân Đường.

Nghề làm thuốc của họ Phùng cứ tiếp tục được nối truyền để phục vụ người dân. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, lương y Phùng Đức Hậu - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Thường Tín (Hậu duệ đời thứ 14 của lương y Phùng Văn Dương) đã lập ra nhà thuốc Thọ Xuân Đường đặt ở Chợ Vồi, nay là thị trấn Thường Tín.

Nối tiếp nghề thuốc của lương y Phùng Đức Hậu, con trai của cụ là lương y Phùng Đức Đỗ theo nghề, nguyên là Chủ tịch hội Đông y huyện Thường Tín, ủy viên BCH Hội Đông y thành phố Hà Nội. Lương y Phùng Đức Đỗ - hậu duệ đời thứ 15 đã trang bị những thiết bị hiện đại để khám chữa bệnh và bào chế thuốc, bên cạnh truyền nghề và đào tạo người con trai của mình - Phùng Tuấn Giang nối nghiệp, ngay từ lúc anh còn nhỏ.

Giữ trọn chữ “tâm” và “tài” 4 thế kỷ qua, gia tộc họ Phùng luôn hết lòng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn khôi phục nền y học cổ truyền Việt Nam mà còn góp phần đưa Nam y Việt vươn tầm thế giới. Hơn 20 năm qua, Tiến sĩ - lương y Phùng Tuấn Giang vẫn miệt mài ngày đêm lặng lẽ say mê với nghề, không ngừng học hỏi, bảo tồn và phát huy giá trị tri thức bản địa về y học cổ truyền, mong muốn mang lại những giá trị bền vững không chỉ cho dòng họ, mà còn cho cả nền Nam y Việt Nam.

Thân thế, sự nghiệp ngự y Phùng Văn Côn

Cụ Phùng Văn Côn sinh ra trong một gia đình truyền thống làm nghề y chữa bệnh cứu người tại làng Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cụ tổ nghề y của dòng họ Phùng là cụ Phùng Văn Dương (1653) từng làm việc tại Tế Sinh Đường - Thái y viện triều Lê, bố cụ Phùng Văn Côn là cụ Phùng Văn Đồng (1713-1783) làm lương y phục vụ trong quân đội, được nhà vua phong tới chức Tiến Công Thứ lang kiêm Ngự y tại Thái Y Viện.

Cụ Phùng Văn Côn thuở nhỏ đã thông minh xuất chúng, theo nghiệp ông cha, cụ cũng vào phục vụ trong quân y. Do có nhiều đóng góp cụ đã được phong chức Tiến Công Thứ lang, đến năm 1781 được điều vào Thái Y Viện, năm 1782 giữ chức Ngự y triều đình xếp vào hàng quan Nhất phẩm (Bậc cao nhất trong thứ tự 9 bậc danh giá của các đời vua).

Đặc biệt, cụ Phùng Văn Côn dưới triều vua Quang Trung do tham gia tích cực trị thương cứu thương trong chiến dịch thần tốc tiêu diệt 20 vạn quân Thanh năm 1789 và có nhiều công lao to lớn nên đã được vua Quang Trung tấn phong chức “Oanh Liệt Tướng Quân” và được ban thưởng đồng tiền vàng mang 4 chữ “Nhất Phẩm Đương Triều”. Đồng tiền vàng hiện nay vẫn được lưu giữ tại nhà thờ tổ và trở thành báu vật của dòng họ Phùng tại Thọ Am, Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội.

Năm 1801, triều Tây Sơn thất thủ, triều Nguyễn lên thay, do đang làm Ngự y triều Tây Sơn cụ đã phải chạy loạn vào Thanh Hóa, giấu thân phận làm thuê cho một cửa hàng thuốc Nam tại Quý Lộc, Yên Định. Năm 1803, cô của vua Nguyễn Ánh lâm bệnh nặng có tới cửa hiệu thuốc này cắt thuốc 3 lần không khỏi, cụ đã xin với ông chủ làm thuê được cắt 5 thang thuốc cho bệnh nhân, sau 5 thang cô của vua đã khỏi bệnh. Triều Nguyễn ngỏ ý muốn mời cụ tham gia công tác chữa bệnh của triều đình nhưng cụ đã từ chối, cụ tiếp tục ở lại Thanh Hóa chữa bệnh giúp cho nhân dân và làm phúc cho người nghèo.

Trong quá trình ở lại và coi mảnh đất này là quê hương thứ hai, cụ đã quen và lấy vợ là Trịnh Trang (họ hàng với Chúa Trịnh Sâm).

Cụ mất năm 1822, được an táng tại khu Hòn Mít, Hón Bân, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, sau đó cụ bà cũng được an táng tại đây.

Phúc Khai Lăng - Tâm huyết của lương y đời thứ 16 hướng về nguồn cội

Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang luôn trăn trở về phần mộ cụ tổ đời thứ 5 Phùng Văn Côn chưa được tìm thấy. Nhiều năm, với tấm lòng thành kính hướng về cội nguồn anh đã đi nhiều nơi, đọc nhiều sử sách triều Lê, triều Nguyễn, vào nhiều thư viện tìm kiếm, “lân la” nhiều đầu mối để tìm phần mộ cụ tổ.

Một đêm cuối hạ năm 2017, anh nằm mơ thấy cụ Phùng Văn Côn báo mộng đi về hướng Nam, vùng Thanh Hóa để tìm mộ cụ. Cụ báo chỗ cụ gần bãi cát, cạnh dòng sông, trên một gò cao. Anh đã nhờ người theo sự báo mộng của cụ khoanh được ba khu vực có vị trí hình ảnh như cụ báo cho biết. Và sau nhiều lần cùng với sự giúp đỡ của các nhà tâm linh ngoại cảm, phong thủy đến cuối năm 2017, anh cùng với trưởng tộc Họ Phùng đời thứ 16 là ông Phùng Văn Phương đã tìm thấy mộ cụ tại Hòn Mít, Hòn Bân, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Do cụ linh thiêng nên đã phát lộ cho con cháu biết, trước đó vài tháng chủ thầu bãi cát ở Hòn Bân có đào chỗ gò cao để đặt téc dầu và động vào phần mộ hai cụ. Tự nhiên đang đào thì máy xúc chết máy, khi kiểm tra thấy động vào mộ hai cụ và làm vỡ tiểu cụ bà. Chủ bãi cát làm lễ xin đưa các cụ đi nơi khác nhiều lần nhưng các cụ không đồng ý và muốn được ở lại gò này để đợi con cháu vào nhận.

Lúc này ở Thọ Am, ngày cuối cùng trước khi lên đường đi tìm mộ cụ Phùng Văn Côn, Lương y Phùng Tuấn Giang, trưởng tộc Phùng Văn Phương và các nhà tâm linh ngoại cảm về nhà thờ tổ xin tổ tiên chứng giám, chỉ bảo, soi đường cho tìm được mộ cụ. Để nhận biết được tổ tiên Họ Phùng đã xin đặt lên bàn thờ tổ một chiếc đũa ăn cơm và một quả trứng, sau đó mang đi theo vào Thanh Hóa.

Vào tới Hòn Mít, trời nổi gió to, cát bay mịt mù, khi tìm thấy hai phần mộ các nhà ngoại cảm tâm linh khấn xin “nếu đúng tổ tiên Họ Phùng cho chúng con được nhận”. Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang đã cắm chiếc đũa trên phần mộ, sau đó đặt quả trứng lên. Kỳ lạ thay trứng hút chặt vào đầu đũa mặc dù gió to thế nào cũng không rơi. Mấy anh em trong họ đi cùng lúc này ôm nhau phấn khởi, cúi lạy khóc thương các cụ.

Sự tích đêm khai quật, tôn tạo mộ hai cụ cũng là câu chuyện linh thiêng đầy bất ngờ. Khi đi xem hướng, thầy nói nên an táng cụ bà bên phải, cụ ông bên trái nhưng khi đặt xuống hướng lại giống hệt như lúc ban đầu khai quật mộ hai cụ lên. Đáng nói thêm, cụ bà báo mộng cho Lương y Phùng Tuấn Giang là bà hay đau một bên hông nên anh cho đào lại chỗ mộ cũ khi khai quật tìm thấy ngay cái xương sườn cụ bà bị mất do máy xúc làm vỡ tiểu. Những gì trong đêm làm mộ đó đến cả người nhà và những người làm thuê cũng không thể tin vào mắt mình… Đến hôm sau trời quang mây tạnh, thời tiết vô cùng sang đẹp.

Phúc Khai Lăng được hoàn thành vào mùa xuân năm Kỷ Hợi 2019, nằm trên một gò cao có cấu trúc đầu gối sơn, chân đạp thủy (lưng tựa núi, mặt hướng sông), sơn thủy hữu tình. Cách khu di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia đền Đồng Cổ và động Hồ Công không xa.

Khu lăng mộ với diện tích trên hai trăm mét vuông, được xây dựng theo thiết kế toàn bộ bằng đá nhám Thanh Hóa toát lên vẻ đẹp giản dị, thanh tao nhưng linh thiêng. Từ cổng vào bên phải là phần mộ cụ bà, bên trái là phần mộ cụ ông, đằng sau là long đình, bốn góc là bốn cây đại cổ thụ, xung quanh khu lăng mộ được trồng rất nhiều cây thuốc quý, hoa thơm bốn mùa.

Vòng sang phải là một khu đất cao trên có một tảng đá lớn khắc bài thơ:

Nam Phương nhất tinh chiếu
Phùng tộc sáng Tổ Tông
Y khai tồn Thiên Địa
Quý Lộc quảng tứ phương

Vòng sang trái là hai cụ rùa, một cụ cõng bia công trạng, lời giới thiệu về Phúc Khai Lăng, còn một cụ cõng đồng tiền vàng bốn chữ “Nhất phẩm đương triều” được Vua Quang Trung ban tặng cho Ngự y Phùng Văn Côn.

Hằng tháng, tranh thủ những ngày nghỉ hay ngày giỗ cụ, Lương y Phùng Tuấn Giang cùng một số anh em trong họ vẫn “hành quân” về thắp hương ở Phúc Khai Lăng. Anh tâm sự: “Về với cụ thấy tâm hồn thanh thản lạ kỳ, tình yêu với y dược trong anh lại được như tiếp thêm sức mạnh, anh nguyện dốc lòng cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.

Anh đọc thêm: “Phúc Khai Lăng linh hương muôn thuở, con cháu đời sau ngưỡng vọng vinh danh, noi gương hành đạo chữa bệnh cứu người…
Ngàn năm nhớ mãi cụ Phùng Côn
Vì nước, vì dân dạ sắt son
Trời Nam còn sáng ngời y đức 
Cháu con ơn cụ giữ vuông tròn…”

Sau đây là một số hình ảnh:


Toàn cảnh Phúc Khai Lăng tại xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa


Lương y Phùng Tuấn Giang và trưởng tộc Phùng Văn Phương tại Phúc Khai Lăng

Tác giả: Nhà báo Tình Vũ