(Chủ nhật, 24/11/2019, 10:04 GMT+7)

   (VOV5) -Thương binh Phùng Văn Quán ở Ứng Hòa, Hà Nội là nhân chứng sống duy nhất hiện nay lưu giữ được chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại.

   Chiếc gậy Trường Sơn đã trở nên rất đỗi thân thương với nhân dân và bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là biểu tượng cho lòng yêu nước của những chiến sĩ từng một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Chiếc gậy Trường Sơn ra đời từ ý tưởng thông minh của 3 người lính Trường Sơn. Người thương binh Phùng Văn Quán ở xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là nhân chứng sống duy nhất hiện nay lưu giữ được chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại.


Thương binh Phùng Văn Quán với cây gậy Trường Sơn huyền thoại.

   Cựu chiến binh Phùng Văn Quán sinh năm 1942 trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm, mẹ tần tảo nuôi 2 chị em. Thời niên thiếu, chàng thanh niên Phùng Văn Quán tình nguyện vào Nam chiến đấu. Nhập ngũ ngày 10/2/1961, sau hơn 5 năm chiến đấu ông bị thương phải về hậu phương điều trị. Khỏi bệnh, ông viết thư xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục ra trận chiến đấu cho tới ngày 5/12/1970 ông buộc phải xuất ngũ để chữa bệnh vì bị thương nặng và chịu ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.
   Vào những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã có hàng trăm người con làng Hòa Xá tham gia Binh đoàn Trường Sơn. Khi đoàn quân đến huyện Hương Sơn, tỉnh Hòa Bình, trong lúc giải lao, Phùng Văn Quán rủ hai người bạn thân cùng làng là Đỗ Tít và Lưu Tiến Long vào rừng chặt cây làm gậy chống đi đường cho đỡ mệt. Chiếc gậy lập tức phát huy tác dụng, nó giúp bộ đội băng rừng lội suối an toàn, làm giá đỡ quần áo, ba lô và có thể làm vũ khí chiến đấu khi đánh giáp lá cà với địch. Việc làm của họ được đồng đội hưởng ứng và lan rộng ra các đơn vị bạn.
   Ông Phùng Văn Quán nhớ lại: “Trong lúc hành quân đeo ba lô nặng vai, trời lại mưa đường trơn nên tôi chặt gậy để chống lúc đi. Ban ngày hành quân đỡ vất vả nhưng hành quân ban đêm khó khăn, đường rừng mưa trơn. 3 anh em chặt 3 cái gậy khác nhau. Một cái bằng trúc, một cái bằng tre, gậy tôi bằng gỗ. Tôi coi gậy như một bạn đường đi vào Nam chiến đấu. Đây là kỷ vật mà tôi không bao giờ quên.”
   Dọc đường hành quân, gặp người cùng làng được về nghỉ phép và họ gửi 3 chiếc gậy đã khắc tên tuổi về quê để báo tin cho gia đình là đã vào đến chiến trường và vẫn mạnh khỏe. Chiếc gậy ông Phùng Văn Quán được khắc những dòng chữ “Thà quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “Fùng Quán” và “Trường Sơn 1-4-67”. 3 chiếc gậy đó khi trở về quê hương được nhân dân Hòa Xá trưng bày ở phòng truyền thống. Cứ mỗi lần thanh niên Hòa Xá lên đường nhập ngũ, các bậc cao niên trong xã lại trao cây gậy khắc dòng chữ “Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân” thay cho lời nhắn nhủ người lính vững bước hành quân và lời thề chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
   Tháng 4/1967, trong một chuyến đi công tác tới xã Hòa Xá, hình ảnh “Chiếc gậy Trường Sơn” cùng khí thế sục sôi lên đường đánh giặc cứu nước của những người con Hòa Xá đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác nên ca khúc đã đi cùng năm tháng “Chiếc gậy Trường Sơn”. Kể từ đó, loại gậy dùng cho bộ đội hành quân được đổi tên thành gậy Trường Sơn.
   Ông Phùng Văn Quán kể: “Lúc vào đến Trường Sơn ít ngày tôi nghe đại đội trưởng mở Đài Tiếng nói Việt Nam nghe thấy bài hát chiếc gậy Trường Sơn, tôi mới biết là gậy đã tới nơi quê nhà rồi. Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát chiếc gậy Trường Sơn làm nổi lên một phong trào chiếc gậy tòng quân ở xã, huyện và cả nước. Trước khi đi nhập ngũ, xã đưa đón tặng gậy Trường Sơn nhắc nhở anh em hoàn thành nhiệm vụ.”
   Chiến tranh đã lùi xa, 3 người con Hòa Xá, giờ đây chỉ còn ông Quán. Hai người bạn chiến đấu năm nào của ông đã không còn nữa, một hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, một cũng ra đi do di chứng của chất độc da cam/dioxin. Chiếc gậy của ông Đỗ Tít được Quân khu 3 xin làm kỷ niệm, gậy của ông Lưu Tiến Long được Tỉnh đội Hà Tây cũ lưu giữ.
   Còn chiếc gậy của ông Phùng Văn Quán sau một thời gian trưng bày ở phòng truyền thống xã Hòa Xá được đưa về với chủ nhân của nó. Có người đã từng trả ông Quán hàng trăm triệu đồng để mua chiếc gậy Trường Sơn nhưng ông không bán, bởi ông coi chiếc gậy này như một báu vật.
   Vào những ngày lễ lớn của đất nước, ông lại đem gậy ra đặt bên bàn thờ, thắp hương, tưởng nhớ đồng đội hy sinh. Ông Phùng Văn Quán cho biết: “Tôi gìn giữ gậy trong bao bọc cẩn thận để sau này cho con cháu tôi lớn lên sẽ biết được ông cha mình trước kia đi vào Nam chiến đấu. Gậy đã đi vào lịch sử rồi, tôi rất tự hào về công việc đã làm. Nhạc Sĩ Phạm Tuyên mới đây lên thăm tôi khi được xem lại chiếc gậy Trường Sơn đã bảo tôi chiếc gậy quý giá quá.”
   Xã Hòa Xá giờ đây đã có Bảo tàng quê hương chiếc gậy Trường Sơn. Cựu chiến binh Phùng Văn Quán và câu chuyện cảm động “Chiếc gậy Trường Sơn” đã góp phần làm rạng danh con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngọc Anh