(Thứ tư, 10/08/2022, 11:05 GMT+7)
Viết về nỗi đa mang của phận đàn bà trót trao gửi số phận mình cho nghệ thuật, với những day dứt như một thứ bùa ngải không thể nào trốn chạy được, chị Nguyễn Thị Hồng Ngát có những câu thơ ám ảnh tôi: “Em/ Phận mỏng như hạt cát/ Phận nhỏ như hạt cát/ Nhưng trái tim khổ nỗi cứ đập hoài/ Bao vui buồn sướng khổ vì ai...” Cái nỗi khổ vì đam mê, vì khát vọng cứ cháy lên như ngọn lửa chưa lúc nào chịu “hạ nhiệt” trong chị dường như mỗi ngày thêm thúc bách chị làm việc. Nghỉ hưu rồi, tưởng gặp chị dễ dàng hơn thời chị làm một bà “Cục phó” (Cục điện ảnh), ai dè chị vẫn như con quay, chóng mặt với công việc, với các dự án làm phim trong và ngoài nước trong vài trò Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam kiêm Giám đốc Hãng phim Hội điện ảnh (HodaFilm)...

 
Chị Hồng Ngát đến thăm một người bạn làm thơ, mang theo một đóa hồng đỏ thắm. Tính chị vốn ân cần chu đáo, đã yêu mến ai thì lúc nào những cuộc viếng thăm cũng ít nhiều nghi lễ. Không phải khách sáo, mà để tỏ lòng trân trọng bạn. Bạn văn chương đích thực đâu phải thứ tình cảm xô bồ, dễ tìm dễ thấy trong cuộc đời. Chị nói cười giòn vang, đôi mắt đen cứ lấp láy như hai hạt nhãn vùng Hưng Yên quê chị. Tiện thể, chị “khoe” luôn chiếc xe hơi màu đỏ rất điệu chị vừa “tậu” được. Về hưu rồi mới đi học lấy bằng lái xe và mua ô tô tự lái, ai lại ngược đời thế chứ? Chị bộc bạch: “Bố mình ở quê hay ốm, thỉnh thoảng cụ mệt mình lại phải chạy về trông nom cụ. Đường thì xa, đi xe máy sao được. Hồi chưa nghỉ hưu, thỉnh thoảng phiền anh em lái xe đưa về thăm bố. Nhưng bây giờ nghỉ rồi, phải tự túc chuyện đi lại. Có hôm chạy đôn chạy đáo cũng chẳng kiếm được xe về với bố. Bực quá, mình giấu ông xã đi học lái xe. Học được mấy buổi phải nói thật. Vì không lẽ cứ vắng nhà từ 5h chiều đến 10h đêm mà chẳng có lý do gì chính đáng. Nghe chuyện ông xã mình (Tiến sĩ văn học Phan Hồng Giang) mất ngủ cả đêm. Ông ấy than vãn: “Tai họa, tai họa. Đường sá như thế mà em đi học lái xe thì lo quá”. Mình học xong, lấy bằng lái mấy tháng mà không thấy đòi mua xe ông ấy cũng yên tâm phần nào, nghĩ là mình học cho vui thôi. Ai dè một hôm mình mang con xe Matiz đỏ còn dán tem về “dụ” chồng: “Anh lên xe, em chở anh đi đằng này” thì ông ấy phát hoảng. Ông ấy ngồi sau xe mặt đầy lo âu. Mình chở thẳng ông ấy đến thăm nhà anh trai Từ Sơn. Mình đi rất chậm, rất từ tốn, nhường nhịn. Thế mà lúc về ông ấy bảo: “Anh phải đi mua ngay điện thoại di động để thỉnh thoảng kiểm tra em chạy ngoài đường thế nào”. Và ông ấy mua điện thoại di động thật. Vẫn chưa đủ, ông ấy còn đi mua bảo hiểm người và bào hiểm xe cho mình nữa”. Còn mình thì từ lúc lái được xe đi ngoài đường thấy rất vui. Ít ra thì từ nay “mưa không đến mặt nắng không đến đầu nữa rồi”. Trong các loại bằng cấp mình có thì có lẽ bằng lái ô tô là thứ bằng làm mình hứng thú nhất, thích nhất”.
 
Nói đến đây nữ sĩ lại cười giòn. Nhìn chị ung dung ngồi sau vô-lăng chiếc xe màu đỏ xinh xắn rất tự nhiên và tự tin. Ai bảo về hưu là nghỉ ngơi, là yên trí với tuổi già sầm sập đến, còn với chị, nghỉ hưu chính là bắt đầu. Chị trẻ hơn, đẹp hơn, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn và sức làm việc thì còn khủng khiếp hơn nữa. Chị kể: “Chết cười, hôm mình vừa nhận quyết định về hưu, một người bạn đến chơi, sợ mình buồn, hụt hẫng, mới kéo mình đi đăng ký ở một trung tâm bơi lội, thể dục. Mua thẻ xong rồi, vào bể bơi, nhìn thấy toàn người lớn tuổi tóc bạc da mồi, mình hoảng hốt kêu lên: “Trời ơi, giờ đây mình sẽ nhập vào thế giới này sao?”. Và chị bỏ không tập. Chị tìm đến một câu lạc bộ khác. Chị nói đại ý rằng, không ai tránh được tuổi già và không thể nào trốn chạy nó nếu muốn. Nhưng chị thấy mình còn quá nhiều công việc phía trước muốn hoàn thành. Chị còn quá nhiều năng lượng, quá nhiều đam mê để lao động, sáng tạo. Chị chỉ muốn chống lại ý nghĩ rằng mình đã già, đã ngưng trệ mọi niềm ham muốn với đời sống và nghệ thuật.
 
Mỗi con người trong từng giai đoạn cuộc đời có những cái thích nhất định.Với chị Hồng Ngát, giai đoạn này của cuộc đời chị có được cái thích nhất là tự do làm nghề. Chị có thể sắp xếp thời gian cho những công việc hữu ích nhất mà mình muốn.
 
Trong vai trò là Giám đốc Hãng HondaFilm - hãng phim của Hội nghề nghiệp, chị Hồng Ngát đau đáu một nỗi niềm là làm sao để những phim làm ra xứng đáng với tên gọi của nó. Với kinh nghiệp nhiều năm hoạt động ở lĩnh vực điện ảnh trong vài trò vừa là người quản lý vừa là nhà biên kịch, chị Hồng Ngát cùng các cộng sự của mình đã sản xuất bộ phim truyện “Em muốn là người nổi tiếng”, “Đừng đốt”  và hiện đang tất bật cho dự án phim “Nỗi buồn chiến tranh”- chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bảo Ninh. Chị quyết tâm xây dựng thương hiệu cho hãng bằng cách làm những bộ phim gây tiếng vang, hoặc chí ít cũng là những phim tử tế, nghiêm túc trên phương diện nghệ thuật. Chị như con thoi, tất bật nào đi ngoại giao, xử lý các mối quan hệ, nào lo tiền bạc, kinh phí, thủ tục cho từng bộ phim, sắp đặt công việc cho các đồng nghiệp. Chị bảo: “Đời người ngắn lắm mà việc mình cần làm lại rất nhiều nên phải chạy đua với thời gian. Nhưng mình cũng tự nhủ không cần phải quá cố gắng. Một khi trời còn thương, còn cho mình đủ sức khỏe, đủ đam mê thì còn tiếp tục. Tuổi trẻ mình cũng từng phải chịu quá nhiều vất vả, thử thách rồi, nên có lẽ bây giờ cũng được trời bù đắp thêm cho chút ít...”

 
Nếu quay ngược đồng hồ thời gian, nhìn lại quá khứ, không hiểu chị Hồng Ngát có hài lòng với những gì hôm nay chị đang sở hữu không: một gia đình êm ấm, những đứa con thành đạt và những đứa cháu đẹp xinh, kháu khỉnh. Tôi đọc bài thơ “Ám ảnh” của chị và hiểu phần nào tâm trạng của chị hơn. Người đàn bà tưởng như rất viên mãn trong chị, sau bao nhiêu khúc quanh của cuộc đời phải vượt qua đã chiêm nghiệm: Có chút gì may mắn/ Phải đâu là ngẫu nhiên?/ Và lặng im day dứt: Chao ơi là so sánh/ Âu cũng thói thường tình/ Tôi cũng nhiều nỗi khổ/ Chẳng thích lời biện minh. Chị chắc chắn là không biện minh, nhưng những ai biết rằng chị từng trải qua nhiều đổ vỡ, mất mát trong tình riêng, làm thêm bất cứ việc gì khi đi học ở xứ người  để gửi tiền về nuôi 3 con nhỏ, lặn lội giữa chợ đời để có ngày hôm nay hẳn sẽ nhận ra một điều rằng, cái giá chị phải trả cho những thành công (tạm gọi là như vậy) cũng đắt lắm. Nếu có một điều gì cần phải nói lời cám ơn đời, cám ơn số phận, thì với chị chính là dành cho sự có mặt của người đàn ông đi cùng chị tới hôm nay - Tiến sĩ, dịch giả Phan Hồng Giang. Trong lúc chênh vênh nhất của cuộc đời, anh đã đến và sẻ chia cùng chị những nhọc nhằn khốn khó. Anh cho chị niềm tin để tiếp tục làm nghệ thuật. Và vang lên một tiếng gọi thiết tha về một tổ ấm mà bấy lâu chị âm thầm khao khát: Em mới hiểu thế nào là tổ ấm/ Khi đi xa muốn vội vã quay về/ Chân lang bạt nẻo đường dài muôn dặm/ Bỗng thấy thèm rau muống luộc dầm me...
 
Nguyễn Thị Hồng Ngát sau tất cả những chức vụ và nhiều vai trò quan trọng khác, cuối cũng vẫn cứ là một nhà thơ. Bởi chỉ ở trong thơ, con người chị mới được bộc lộ đúng nhất. Thơ, với chị là một thứ “nhu cầu” tự thân. Nó đến và ở lại trong lúc chị cần điểm tựa về tinh thần. Nó xoa dịu những vết thương và nâng chị đứng lên lúc tuyệt vọng. Dẫu có lúc chị hoang mang tự hỏi: “Ôi những vần thơ bé nhỏ xinh xinh/ Ngươi làm được gì trước muôn vàn cái ác?” Chị viết những câu thơ, ký thác tâm trạng và ước mơ của mình vào đó, rồi ký thác nó vào đời sống, như thể gieo một cái mầm cây. Vốn sắc sảo, thông minh, chị hiểu hơn ai hết rằng, cái mầm cây ấy một khi đã được gieo cấy trên cánh đồng rộng lớn của  cuộc đời, thì sự sinh tồn của nó đã nằm ngoài mong muốn của chị. “Sứ mệnh của nhà thơ là cầm bút. Khi cầm bút là lúc tôi thật thà nhất với con người mình. Là chính mình. Một dấu chấm nhỏ trong đời thôi cũng đã là rất quý giá rồi”.
 
So với nhiều nữ thi sĩ khác, chị Nguyễn Thị Hồng Ngát được đi nhiều nơi trên thế giới. Đi, nhìn, ngắm, và cảm nhận. Để thấy đâu là giá trị thật trong một đời người. Cho dù, trong những phút giây tĩnh lặng của đời người, chị đã nhiều lần dừng lại, ngoái nhìn và nghĩ suy: “Mỗi tuổi/ Lười giao du đi một ít/ Mỗi tuổi/ Bớt nói đi một ít/ Mỗi tuổi/ Ngại ngần thêm nhiều điều...”
 
BÌNH NGUYÊN TRANG