(Thứ bảy, 18/07/2020, 12:39 GMT+7)

Sau khi ra mắt bạn đọc hai cuốn tiểu thuyết lịch sử: Phùng Vương (2018) và Ngô Vương (2019), nhà văn Phùng Văn Khai tiếp tục đi sâu vào lịch sử để tìm tòi, khám phá, hoàn thiện và ra mắt hai cuốn tiểu thuyết đồ sộ Nam Đế Vạn Xuân và Triệu vương phục quốc.


 

Sáng 17/7, Khoa Viết Văn - Báo chí, Đại học Văn hoá Hà Nội phối hợp với Viện Nhân học Văn hoá tổ chức buổi toạ đàm, giới thiệu hai cuốn tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân và Triệu vương phục quốc. Buổi toạ đàm thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu phê bình, các nhà văn và bạn đọc đến tham dự.

Tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân (NXB Văn học, 2020) xoay quanh công cuộc khởi nghĩa và thành lập nên nhà nước Vạn Xuân của Lý Bí. Triệu vương phục quốc (NXB Văn học, 2020) khắc hoạ nhân vật Triệu Quang Phục cùng với quá trình đấu tranh giữ nước của ông. Cả hai cuốn sách được nhà văn Phùng Văn Khai viết theo thể loại trường thiên tiểu thuyết, với bố cục chương hồi cùng nhiều tuyến nhân vật.

Chọn nhân vật là những anh hùng lịch sử; chọn thời gian là những giai đoạn mang tính bản lề, có sự ảnh hưởng và có tính quyết định lịch sử; chọn những sự kiện mang tầm vóc lớn lao của quốc gia… Nhà văn Phùng Văn Khai đã cho thấy khả năng nhìn nhận, lựa chọn và sự dài hơi đối với thể loại này. Qua các cuốn tiểu thuyết lịch sử, Phùng Văn Khai đều muốn viết về những nhân vật đứng ra gánh vác việc giang sơn, đánh giặc giữ nước. Đây là một lựa chọn đầy chông gai, thử thách với mỗi người cầm bút, bởi lịch sử đã ghi lại những diễn biến, kết quả, nhà văn thì khó lòng thay đổi được điều đó. Nhưng Phùng Văn Khai đã khéo léo lựa chọn viết về những nhân vật đã lùi xa thời anh đang sống rất nhiều. Lịch sử không thể ghi chép được đầy đủ, và vẫn còn rất nhiều khoảng mờ cho nhà văn tưởng tượng.

 

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, Phùng Văn Khai đã đem đến những truyện lịch sử trong các tiểu thuyết của mình. Giữa trào lưu viết tiểu thuyết lịch sử của nền văn học hôm nay, Phùng Văn Khai đã đi theo một hướng riêng biệt. Anh đam mê với sử Việt và làm giàu có cho lịch sử bằng những tiểu thuyết của mình.


 

Chọn chính sử làm điểm tựa, Phùng Văn Khai đã khéo léo kết hợp với dã sử, huyền sử cùng sự hư cấu phong phú để đi qua các giai đoạn lịch sử, để thấu hiểu các nhân vật lịch sử. Mỗi hành động, lời nói, mỗi sự lựa chọn của nhân vật lịch sử đều trở nên sống động và hấp dẫn qua ngòi bút đầy năng lượng và truyền cảm của nhà văn.

Ghi nhận những đóng góp của tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai, PGS.TS Trương Sỹ Hùng, Viện Nhân học Văn hoá chia sẻ: Cả một thời kì dài chúng ta chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Minh - Thanh, đó là điều đương nhiên không tránh khỏi. Tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam chưa nhiều, vậy nên sự xuất hiện những cuốn sách của Phùng Văn Khai là một bước tiến cho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI này. Khi bạn đọc tiếp cận tiểu thuyết lịch sử Việt Nam thì lịch sử Việt Nam cũng sẽ được quan tâm hơn.

Đề tài lịch sử trong văn học là một đề tài đầy hấp dẫn. Viết về lịch sử không có nghĩa là nhà văn rời xa thực tại, mà qua lịch sử chúng ta sẽ nhận ra, lịch sử đang nhắn gửi chúng ta điều gì, nhà văn đang muốn nói với đương đại điều gì… Nam Đế Vạn Xuân và Triệu vương phục quốc đều cho chúng ta thấy tinh thần quả cảm, không chịu khuất phục của cha ông ta. Không chỉ cuốn hút bạn đọc bởi những trận đánh long trời lỡ đất, nhưng chước mưu để có thể chiến thắng kẻ thù, hay những cách bày binh bố trận, tiểu thuyết Phùng Văn Khai cũng khai thác sâu vào đời sống văn hoá tinh thần, tâm linh, tôn giáo, bản sắc của dân tộc ta trong những thời kì đó. Điều này làm cho tiểu thuyết của anh trở nên ấn tượng hơn khi những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử trở nên “lịch sử” hơn trong toàn bộ không gian, cảnh sắc, tập quán của thời lịch sử.

Nói về Phùng Văn Khai và những cuốn tiểu thuyết lịch sử, đồng nghiệp của anh ở Nhà số 4, nhà văn Nguyễn Đình Tú bảy tỏ: Phùng Văn Khai là một nhân cách văn chương đáng trân trọng, điều này được thể hiện rõ qua từng tập sách của anh, qua từng lao động sáng tạo của anh. Anh tâm huyết với lịch sử đến mức cho rằng, mình như người đi gom tư liệu lịch sử, để lỡ sau này, khi có điều kiện, những người khác có thể lấy đó mà phát triển thêm hoặc chuyển thể thành các loại hình nghệ thuật khác.

 

Bộ diễn giả quen thuộc trong các lần ra mắt tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai gồm PGS.TS Văn Giá, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà phê bình Đỗ Lai Thúy lần này vắng một, Đỗ Lai Thúy đi vắng không dự được. Trong phần chia sẻ tại lễ ra mắt sách, nhà văn Phùng Văn Khai nói vui rằng, "hôm qua anh Phạm Xuân Nguyên có bảo tôi viết không hay, tuy thế thì dù không hay tôi cũng vẫn cứ viết". Tinh thần lao động ấy đã được tác giả theo đuổi đề tài lịch sử thể hiện ở 4 cuốn tiểu thuyết trong vòng 12 năm qua, và hiện còn 2 bản thảo đang dang dở. Còn tác phẩm được ghi nhận đến đâu, có lẽ cả tác giả và bạn đọc cần chờ đợi thêm. 
Sau đây là một số hình ảnh:








 

Theo: vannghequandoi.com.vn