(Thứ bảy, 29/05/2021, 11:44 GMT+7)

Triều đại nhà Trần (1225-1400) đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với võ công vĩ đại - ba lần đánh bại quân xâm lược Mông - Nguyên. Thời đại nhà Trần xây dựng quốc gia dân tộc Đại Việt là thời đại rực rỡ huy hoàng về văn trị và võ công. Nhân cách văn hóa của thời đại nhà Trần thật sự là bài học lịch sử quý báu để lại cho hậu thế, với những tấm gương đạo đức, trí tuệ, văn võ song toàn ngời sáng như: hoàng đế Trần Nhân Tông (hóa Phật), danh tướng Trần Quốc Tuấn (hiển Thánh)…

Văn thần, võ tướng thời đại nhà Trần tài năng mưu lược, hùng tâm tráng trí, siêu quần bạt chúng với những tên tuổi như Hàn Thuyên - đại biểu cho một cuộc cách mạng về ngôn ngữ - cải cách chữ Hán sáng tạo chữ Nôm; Lê Văn Hưu - đại biểu ưu tú cho giới sử học của dân tộc Việt Nam; Đặng Lộ - đại biểu cho tinh thần nghiên cứu phát minh khoa học thiên văn; ChuVăn An - đại biểu cho nền giáo dục an dân trị quốc. Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn - đại biểu cho tinh thần (luật pháp) Nho giáo - pháp trị; Trần Quang Triều và Trần Nguyên Đán đại biểu cho tinh thần sáng tạo thơ ca Việt Nam thế kỷ XIV. Tuy nhiên, bên cạch đó còn có một số nhân vật lịch sử văn hóa thời đại nhà Trần chưa được sử sách ghi nhận đích đáng như Tả Nhai đạo lục Phùng Tá Thang, danh tướng Phạm Kính Ân; Trần Khuê Kình; văn thần Bạch Liên (môn khách của Trần Quang Khải), văn thần Trương Mông.

Xuất phát từ quan điểm lịch sử cụ thể và yêu cầu giải mã những điểm bị khuất lấp của lịch sử, trong phạm vi bài viết, chúng tôi bước đầu nghiên cứu xem xét trường hợp danh thần Phùng Tá Thang dưới góc độ tiếp cận của phương pháp nhân học văn hóa.

Tài liệu viết về Phùng Tá Thang rất hạn chế, các bộ Quốc sử như Đại Việt sử ký toàn thư [1] (Ngô Sĩ Liên) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục [2] cũng chỉ ghi có mấy dòng, nội dung giống nhau: “Giáp Thìn [Thiên ứng Chính Bình] năm thứ 13 [1244]. Tháng 3, cho Phùng Tá Thang, cha Phùng Tá Chu làm Tả Nhai đạo lục, tước Tả lang. Bấy giờ, các vương hầu bổ quan tăng đạo thì gọi là Tả Nhai, vì tăng lữ không thể cho đứng vào hàng ngũ các quan trong triều. Tả Nhai là phẩm cao nhất của tăng đạo. Không phải là người thông thạo tôn giáo của mình thì không được dự bàn. Nay đem phong cho Tá Thang như vậy là hậu lắm”.

Theo các tác giả Từ điển Văn hóa Việt Nam [3] “Phùng Tá Thang là một cao nhân xuất sắc dưới triều Lý, tiếp thu và ảnh hưởng quan điểm Phật giáo của Thiền sư Đỗ Đô, được xem là người có đóng góp vào quá trình hình thành giáo phái Trúc Lâm. Học trò của Phùng Tá Thang về giáo lý đạo Phật đều là những yếu nhân của hoàng tộc nhà Trần”.

Để đi tìm câu trả lời thỏa đáng câu hỏi nghiên cứu về nhân cách Phùng Tá Thang, tôi xin phép được khái quát quá trình khảo sát điền dã và kết quả nghiên cứu của chúng tôi về Phùng Tá Thang trên địa bàn non thiêng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh). Năm 1991-1992, nhờ một cơ duyên may mắn, tôi được đi theo đoàn công tác của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng và Giáo sư Hà Văn Tấn về Yên Tử khảo sát khảo cổ học. Và sau đó, tôi nhiều lần cùng đoàn nghiên cứu của Giáo sư Phạm Đức Dương, Phó Giáo sư Đỗ Lai Thúy về Yên Tử khảo sát Ngôn ngữ học tộc ngườiLịch sử văn hóa nghệ thuật.

Cuối năm 1991, đoàn công tác của Giáo sư Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn khảo sát quần thể khảo cổ phía đông núi Yên Tử cách tượng An Kỳ Sinh 1.325m về phía đông (đợt nghiên cứu khảo sát này hoàn toàn độc lập, đơn thuần khoa học, không nằm trong chủ trương hoạt động quản lý khoa học của nhà nước). Quần thể khảo cổ phía đông núi Yên Tử có thể được mô tả với mấy nét cơ bản. Chu vi của quần thể khảo cổ có các cạnh đều nhau là 33m, trên một diện tích khá bằng phẳng có 5 tấm bia đá cổ (nguyên liệu đá tại chỗ) đã bị đổ vỡ nằm ngổn ngang xen lẫn với những cây gỗ táu [4] phân bố thành từng bụi cao tầm gần 3m, có đường kính gốc từ 45 đến 60cm, dáng dấp cổ kính. Trong di tích khảo cổ có 7 mũi khoan thăm dò địa chất của người Pháp còn để lại đó, màu nước/ánh thép vẫn còn nhẵn bóng. Xung quanh di tích được kè đá tảng vuông thước thợ, có độ cao thấp khác nhau rất công phu. Bình đồ của di tích khảo cổ được xác định “tọa quý hướng đinh” (đông bắc - tây nam) - hướng chầu về kinh đô. Khi vừa đọc những dòng chữ đầu tiên trên văn bia, Giáo sư Trần Quốc Vượng quỳ xuống xúc động khóc nức nở: “Lịch sử dân tộc Việt còn đây…” Sau khi đọc những mảnh vỡ của bia và phân tích đánh giá sơ bộ hiện trạng di tích khảo cổ, Giáo sư Trần Quốc Vượng kết luận: “5 tấm bia đá của di tích có niên hiệu Quang Thuận thứ 3, năm [1462], do sử quan Phan Phu Tiên phụng soạn”. Giáo sư Hà Văn Tấn cho biết thêm: “Đây là bia Danh nhân Thần tướng Đại Việt, ghi lại công trạng và thánh tích những người anh hùng lịch sử của quốc gia Đại Việt từ Cao Lỗ đến Lê Thái Tổ”. Trên văn bia phần đọc được khá đầy đủ là Danh nhân Thần tướng thời đại nhà Trần. Về cơ bản nội dung văn bia “Danh nhân Thần tướng” đã giải mã được những tồn nghi của lịch sử về các nhân vật lịch sử như: Phùng Tá Thang; Phùng Tá Chu; Hàn Thuyên; Lê Văn Hưu; Đặng Lộ…

Với những bằng chứng vật chất khảo cổ lịch sử đó, Giáo sư Hà Văn Tấn đi sâu theo hướng nghiên cứu hàn lâm, còn Giáo sư Trần Quốc Vượng đi theo hướng nghiên cứu folklore (dân gian) và địa văn hóa, nghiên cứu thực chứng. Về mặt khoa học, Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định “cứ phải đào lên mới biết được”, ý Giáo sư nhấn mạnh vào vấn đề khảo cổ khai quật mở rộng diện tích ra xung quanh.

Trước hết, về trường hợp danh/văn thần Phùng Tá Thang đã được hé lộ một cách khá chi tiết, do Giáo sư Trần Quốc Vượng ghi chép trong nghiên cứu khoa học của ông. Với đặc tính nghiên cứu khoa học của Giáo sư Trần Quốc Vượng, ông thường quan tâm đến các vấn đề xung quanh dữ kiện trung tâm. Bằng tri thức tâm huyết của nhà khoa học lịch sử cộng với sự thông tuệ dân gian của mình, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã mở rộng sự khám phá của ông về sự đổ vỡ của 5 tấm bia “Danh nhân Thần tướng Đại Việt”. Khi Giáo sư phỏng vấn những cán bộ quản lý văn hóa địa phương được các đồng chí cho biết: “Những tấm bia bị đổ vỡ thuộc phía đông núi Yên Tử là do giặc Minh đập phá…”; một số vị khác khẳng định: “Do bom Mỹ bắn phá thời kỳ chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ (1964-1972)”. Còn các cụ già dân tộc thiểu số người Dao cho biết: “Do các đoàn địa chất của Pháp trước đây đốt củi làm vỡ bia…”; một số cụ khác kết luận là: “Do đoàn cán bộ địa chất của ta dựng lán trại, làm bếp nấu ăn, đốt củi sưởi lâu ngày nên bia bị đổ vỡ…” Quả là sự thật lịch sử đến đây rất khó phân định.

Tại thời điểm đó, chúng tôi tạm phục dựng chân dung, tiểu sử nhân cách văn hóa của Phùng Tá Thang trên mấy nét chính.

Phùng Tá Thang sinh năm 1161, mất năm 1253. Phùng Tá Thang vốn là học trò của Đỗ Đô thiền sư, và hiểu biết sâu rộng về địa lý phong thủy, là người có công giúp đỡ Trần Lý buổi đầu khởi sự đại nghiệp. Phùng Tá Thang là người viết lịch sử dòng tộc nhà Trần từ thủy tổ đến Trần Lý. Trưởng tử của Phùng Tá Thang là Phùng Tá Chu, là tâm phúc của Trần Tự Khánh, có nhiều công lao phò tá Trần Cảnh lên ngôi vị chính thống. Phùng Tá Thang là một pháp sư có uy tín dưới triều vua Trần Thái Tông.

Với con mắt của khoa học ngày nay, với phương pháp tư duy tư biện, chúng ta có thể lập luận với tư cách là những giả thuyết khoa học lịch sử để tiếp cận vấn đề danh tích và công trạng của Phùng Tá Thang.

Phùng Tá Thang với tư cách là một pháp sư có uy tín vào thời Trần Thái Tông, mà đặc trưng giai đoạn đầu của nhà Trần tinh thần Tam giáo đồng nguyên, Tam giáo tịnh hành còn rất mạnh. Ngay từ năm Đinh Hợi, Kiến Trung năm thứ 3 [1227], nhà Trần đã tổ chức thi Tam giáo tử (nghĩa là những người nối nghiệp Nho giáo, Đạo giáo, Thích giáo). Vào năm 1227, vua Trần Thái Tông mới có 9 tuổi, không thể định được kỳ thi mang tính quốc gia quan trọng như vậy, chắc chắn phải có sự tham mưu hiến kế của hai cha con Phùng Tá Thang và Phùng Tá Chu.

Theo sách Thiền tông chỉ nam [5] chép năm 1236, Trần Thái Tông đến núi Yên Tử gặp Quốc sư Phù Vân là bạn cũ (trong khi đó Sử Ký chép năm 1237). Sau khi Trần Thái Tông từ Yên Tử trở về kinh đô Thăng Long “Tháng 2 [1237], cho dựng điện Linh Quang ở Đông Bộ Đầu, gọi là điện Phong Thủy (dân gian gọi là điện trà). Mùa hạ, tháng 5 [1237], Tết Đoan Ngọ làm lễ tế điếu Khuất Nguyên, và người hiền đời xưa như Giới Tử Thôi… Hằng năm cứ đến tháng này đều cử hành lễ điếu”.

Điểm lại sự kiện lịch sử biên niên trong năm 1237, dưới triều vua Trần Thái Tông, chúng tôi nhận thấy có mấy điểm nhận định hợp lý về Phùng Tá Thang. Với tư cách là Pháp sư của triều đình, tất nhiên Phùng Tá Thang phải là người điều hành việc làm Lễ điếu tại điện Linh Quang, trên bến Đông Bộ Đầu, còn vai trò của vua Trần Thái Tông là chủ lễ danh dự.

Năm 1244, Phùng Tá Thang được phong chức Tả Nhai đạo lục, tước Tả Lang, là phẩm cao nhất của hàng tăng thống. Vấn đề ở đây đặt ra tại sao thời nhà Trần đã có Quốc sư, lại còn có chức Tả Nhai đạo lục đứng đầu hàng tăng thống?

Đối chiếu sách Lịch triều hiến chương loại chí [6] của Phan Huy Chú, chúng tôi nhận thấy vai trò tăng thống dưới thời nhà Trần không còn quyền lực vô hạn, vô hình như dưới các triều đại Đinh, tiền Lê và Lý nữa. Tính chất và nội dung của vai trò tăng thống đã thay đổi. Vai trò của Quốc sư là do trong giới tu hành Phật pháp suy tôn khi giác ngộ chân lý Phật học sâu sắc, mang sắc thái học thuật cao. Còn vai trò tăng thống dưới triều nhà Trần nghiêng và phía quản lý nhà nước, do nhà vua ban phong mà công việc chính là chủ về việc tế lễ, tham mưu các vấn đề về phong thủy, quy hoạch xây dựng những công trình quan trọng của quốc gia, nhằm hạn chế bớt vai trò và quyền lực của tăng thống tham gia vào công việc triều chính (chính trị). Đó chính là nhà Trần đã rút ra bài học lịch sử về các cuộc thay ngôi đổi chủ (đảo chính cung đình) ở các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, đều có sự can thiệp của giới tăng thống. Cho nên, để đảm bảo quyền lực của gia tộc, của hoàng tộc, nhà Trần đã để các vị Quốc sư trụ trì ở Tổ đình Yên Tử, và các vị tăng thống (Tả Nhai đạo lục) chỉ được tham gia vào quá trình quản lý nhà nước ở phần nghi lễ tôn giáo, mà không được dự vào hàng ngũ các quan trong triều đình. Do đó vai trò về quyền lực thực tế của các vị tăng thống dưới thời nhà Trần đã bị hạn chế nhiều.

Hiện nay, giới nghiên cứu khoa học lịch sử cho rằng vào năm 1242, vua Trần Thái Tông, chia nước làm mười hai lộ là do chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo của Phùng Tá Thang. Đây chính là hình ảnh, mô hình vận động của một quốc gia Đại Việt đang lớn mạnh đi lên với sự chi phối của thập nhị nhân duyên trong học thuyết của nhà Phật.

Với những tư liệu lịch sử vừa nêu trên, trước hết, đối với chúng tôi, những người làm công tác nghiên cứu cũng cảm thấy chưa thật sự thỏa mãn.

Năm 1999, đoàn nghiên cứu điền dã của chúng tôi, do Giáo sư Phạm Đức Dương chủ trì, đã đi về huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình và một số vùng đất tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang để tìm hiểu thêm về một số vấn đề Ngôn ngữ học tộc người

Trong lần khảo sát tại chùa An Khê, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình và mở rộng khảo sát dân gian, chúng tôi được biết tại chùa An Khê có thờ Phùng Tá Thang ở bậc thứ nhì, dưới thiền sư Giác Hải [7]. Trong thần phả của chùa An Khê có ghi rõ Phùng Tá Thang mất ở chùa An Khê. Và trong đợt khảo sát tại địa bàn các huyện Đình Lập (Lạng Sơn), Sơn Động (Bắc Giang), chúng tôi được các cụ già người Tày, người Sán Dìu cung cấp thông tin về Phùng Tá Thang qua gia phả của dòng tộc mình. Giáo sư Phạm Đức Dương đọc thần phả và gia phả của dòng họ Trương (dân tộc Sán Dìu), ghi bằng chữ Hán vào thế kỷ XVII, có đoạn nội dung rất quan trọng. “… Gia tộc họ Trương có cụ Tổ là Trương Mông vốn từ Thanh Hóa, có hùng tài, được quan Tả Nhai đạo lục Phùng Tá Thang tiến cử cho nhà vua làm đến chức quan Ngự sử thời nhà Trần…” Chúng tôi đối chiếu với Sử ký, thấy có ghi “Bính Ngọ [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 15 [1246]. Mùa đông, tháng 12 cho Trương Mông làm Ngự sử đại phu (Mông người Thanh Hóa có hùng tài)”. Còn thần phả, gia phả của dòng họ Tráng, dân tộc Tày tại Đình Lập (Lạng Sơn) ghi bằng chữ Hán có niên đại thế kỷ XVIII, cũng được Giáo sư Phạm Đức Dương đọc có đoạn nội dung quan trọng nữa: “… Viễn Tổ họ Tráng vốn là Trần Kình, làm tướng dưới thời nhà Trần, làm đến chức Thân vệ tướng quân, Tổ từng cùng Phùng Tá Thang đem quân trấn giữ phía Bắc…” Chúng tôi đọc đối chiếu trong Sử ký, thấy có ghi “Bính Dần [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 15 [1246]. Mùa hạ tháng 4, sai Thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình đem quân trấn giữ phía Bắc, đánh lấy các đất thuộc lộ Bằng Tường”.

Như vậy, con người và công tích của Phùng Tá Thang vẫn được thần phả, gia phả của một số dòng họ và thần phả các chùa ghi chép khá tường tận. Tuy nhiên trong Sử ký chỉ ghi rất sơ sài. Điều này có thể cắt nghĩa được, vì từ thế kỷ XV trở đi, các sử quan nhà Lê đã soạn lại sử. Lúc này, tư tưởng Nho giáo đã trở thành ý thức hệ của giới thống trị, cho nên những nhân vật lịch sử ít nhiều có ảnh hưởng tư tưởng của Phật giáo thường được viết sơ sài, thậm chí cắt bỏ, nhất là đối với những nhân vật lịch sử không có chiến công hiển hách thì càng dễ bị xóa tên.

Năm 2017, đoàn công tác của chúng tôi do Phó Giáo sư Đỗ Lai Thúy làm trưởng đoàn về khảo sát tại Yên Tử, chúng tôi nhận thấy hiện trạng di tích vườn bia phía đông núi Yên Tử đã là một khu vực tập kết vật liệu (đá, cát, xi măng) để phục vụ cho việc xây dựng nâng cấp bảo tồn Yên Tử theo hướng hiện đại hóa.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đặt vấn đề bước đầu tìm hiểu về nhân vật danh thần Phùng Tá Thang qua thư tịch lịch sử, văn bia và khảo sát văn hóa dân gian, nên chúng tôi chưa dành nhiều thời gian cho sự phân tích đánh giá được sâu sắc về con người, sự nghiệp cũng như công tích của cụ Phùng Tá Thang đối với nhà Trần và với đất nước ta ở thế kỷ XIII. Tuy nhiên, đã có một nền tảng vững chắc để chúng tôi tạm kết luận chắc chắn rằng: Những nhân vật lịch sử được sử quan triều đại nhà hậu Lê ghi vào bia “Danh nhân Thần tướng Đại Việt” chắc chắn phải có công trạng lớn với đất nước. Nhất là vào thế kỷ XV, dưới thời trị vì của Vua Lê Thánh Tông, một trong những ông vua sáng suốt bậc nhất trong lịch sử quân chủ Việt Nam.
 
Tài liệu tham khảo:

[1] Ngô Sĩ Liên (2010), Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Viện Sử học (dịch), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
[3] Nhiều tác giả (1993), Từ điển Văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội.
[4] Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2000), Tên cây rừng Việt Nam, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.
[5] Trần Thái Tông (1977), Thiền tông chỉ nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[6] Phan Huy Chú (2012), Viện Sử học (dịch), Lịch triều hiến chương loại chí, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
[7] Nguyễn Lang (2010), Việt Nam Phật giáo sử luận (3 tập), Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội.

Sau đây là một số hình ảnh:









Lãnh đạo họ Phùng Việt Nam dâng hương Lăng mộ Thái phó Phùng Tá Chu và đi điền dã

Tác giả: Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn