(Thứ sáu, 24/06/2022, 03:36 GMT+7)

Dành nhiều tâm sức cho mảng phim hoạt hình lịch sử, một lĩnh vực hóc búa, khó nhằn với nhiều đạo diễn nhưng NSƯT Phùng Văn Hà lại cho rằng với phim hoạt hình lịch sử: Không đi sẽ chẳng thành đường.

Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp làm phim hoạt hình, NSƯT Phùng Văn Hà khá có duyên với các phim về đề tài lịch sử, những danh nhân, anh hùng dân tộc. Ngay bản thân anh cũng thừa nhận: Phần lớn các kịch bản tôi được giao và làm nhiều là những phim khai thác đề tài lịch sử. Đây là thể loại đòi hỏi sự cẩn trọng, kỹ lưỡng và khá mất công so với các thể loại khác. Các phim thường ghi dấu, ca ngợi các anh hùng dân tộc, các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược hay những sự kiện lịch sử đặc biệt. Bản thân tôi cũng khá hứng thú với mảng đề tài này. Mỗi lần bắt tay vào làm, tôi và êkip đều phải cân nhắc, lựa chọn để biến những bài học lịch sử khô khan thành những hình tượng, nhân vật, chi tiết mềm mại và hấp dẫn nhưng vẫn phải chuyển tải được ý nghĩa, bài học, giá trị mà nhân vật, lịch sử mang lại. Hàng loạt bộ phim tôi đã làm đều theo tiêu chí đó như Cậu bé cờ lau, Người anh hùng áo vải, Truyền thuyết gươm thần…
 
 
Một điểm khó của các phim này là kén đạo diễn. Nhiều đạo diễn ngại khi nhắc tới thể loại này bởi có phim thời gian, tâm sức dành cho nó dài gấp 5 đến 10 lần những bộ phim khác. Làm phim lịch sử, người đạo diễn phải có một tầm nhìn bao quát về tổng thể, từ việc xây dựng nhân vật, câu chuyện đến tìm ngôn ngữ điện ảnh để truyền tải câu chuyện, nhất là sự hiểu biết về lịch sử, về bối cảnh của câu chuyện. Một điểm khó nữa nằm ở sự chắt lọc và khái quát khi câu chuyện phim thường chỉ gói gọn trong 20-30 phút. Làm sao phải lựa chọn giữa rừng sự kiện nhân vật, chi tiết nào nên đưa vào và đưa với thời lượng bao nhiêu để vừa lên được câu chuyện, vấn đề mà vẫn không bỏ sót chi tiết, sự kiện nổi bật... Bộ phim Người anh hùng áo vải là một ví dụ. Phim kể về Vua Quang Trung - một vị vua nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Cái khó là lấy chi tiết, tình huống, trận đánh nào để khắc họa tài cầm quân của Vua Quang Trung cũng như sẽ lấy những sự kiện, nhân vật nào làm nền để lên được chất anh hùng, sự tài ba, thao lược của vị vua trẻ giữa bối cảnh phức tạp thời Vua Lê - Chúa Trịnh. Một điều khó nữa của phim lịch sử là cách mô tả các trận đánh. Với đặc thù của phim hoạt hình, mỗi nhân vật đều phải phác họa, đi nét, tô mầu và có những bước chuyển động riêng. Với một trận đánh, giữa khá nhiều nhân vật làm sao để không rối, không loạn và vẫn sắc nét từng nhân vật là một bài toán không dễ để giải. 
 
Với phim hoạt hình, thời gian sáng tạo cho một bộ phim lịch sử tầm 20-30 phút là 2 năm nhưng có những phim do thời gian gấp gáp, êkip phải làm ngày làm đêm để xong trước hạn. Làm việc trong thời gian dài, không chỉ phải duy trì tiến độ, chất lượng mà điều cốt yếu còn là giữ được tinh thần sáng tạo không bị nhạt dần theo thời gian. NSƯT Phùng Văn Hà chia sẻ: “Tôi luôn phải tự đặt áp lực cho chính mình. Là đạo diễn, tôi như người trưởng đoàn. Chỉ cần tôi nhụt chí, buông lơi sáng tạo, dễ dãi trong các bước, các khâu thì cả dây chuyền sẽ đuối theo. Mỗi khâu ẩu đi một chút, thiếu nhiệt huyết, thiếu sáng tạo đi một chút sẽ thành cả một bộ phim không đạt được đích ban đầu mình đã đề ra và sẽ đem lại nhiều nuối tiếc cho người làm. Với mỗi đề tài, đặc biệt là nhân vật lịch sử không phải bỗng chốc mình có thể làm lại nên tôi luôn tâm niệm đã bắt tay vào làm là cố hết sức mình”. 
 

Phim "Cậu bé cờ lau"
 
Luôn chọn đề tài khó như cách để tự kiểm nghiệm, thử thách chính mình, NSƯT Phùng Văn Hà cho biết dù vẫn còn những khó khăn về máy móc, các phần mềm hỗ trợ… nhưng được làm công việc mình yêu thích, đam mê thì mọi áp lực đều trở nên nhẹ nhàng. Điều anh cảm thấy nuối tiếc là ở nhiều bộ phim, có nhiều cảnh có thể làm tốt hơn, hoành tráng hơn nhưng buộc phải cắt bỏ vì điều kiện làm phim còn hạn chế, nguồn nhân lực cho hoạt hình còn mỏng. Điều đó thực sự khiến một người yêu nghề như anh cảm thấy chưa thỏa chí. 
 
Tuy có những bó hẹp về kinh phí, công nghệ, kỹ thuật , kỹ xảo hay nguồn nhân lực nhưng không thể phủ nhận nhiệt huyết của các nghệ sĩ làm phim hoạt hình trong đó có Phùng Văn Hà. Thiếu đầu ra, thiếu đi nguồn cổ vũ nhưng nhiều phim hoạt hình Việt Nam khi được chiếu trên các nền tảng mạng, các kênh truyền hình như VTVgo, các trường học, tuần lễ phim… đã thu hút lượng lớn khán giả. Phim Cậu bé cờ lau làm về thời nhỏ của vua Đinh Bộ Lĩnh với độ dài 40 phút không chỉ đoạt rất nhiều giải cao của các kỳ LHP quốc gia. Bộ phim còn được mang đi chiếu ở nhiều trường học trong cả nước. Khi đưa lên mạng youtube đã đạt hàng chục triệu lượt xem. Điều đó nói lên sức hút của dòng phim lịch sử cũng như có thể xem đây là kênh truyền bá lịch sử đến trẻ em một cách cuốn hút. Đạo diễn Phùng Văn Hà quan niệm: “Làm phim lịch sử là mang đến cho khán giả một bộ phim hấp dẫn về nghệ thuật, hiểu sâu hơn về lịch sử, tự hào về những bản anh hùng ca của ông cha ta trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam”.
 
Trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII tổ chức tại Huế, NSƯT Phùng Văn Hà cũng góp mặt tại hai hạng mục phim hoạt hình dự thi và phim hoạt hình toàn cảnh với hai bộ phim Truyền thuyết gươm thần và Huyền thoại Hồ Núi Cốc. Truyền thuyết gươm thần nói về cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh. Khởi đầu nghĩa quân liên tiếp rơi vào thất bại khiến Lê Lợi phải nhiều lần rút quân lên núi Chí Linh. Nhưng từ khi gươm thần xuất hiện trong tay Lê Lợi cùng với Bình Ngô sách của Nguyễn Trãi soi đường thì đội quân của Lê lợi bỗng lớn mạnh thần kì. Những chiến thắng vang dội đầy bất ngờ khiến cho quân Minh bạt vía kinh hồn, rút quân về nước. Có phải chính gươm thần đã đem lại sức mạnh thần kỳ cho Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn? Điều đó vẫn là những điều huyền bí, thiêng liêng được cất giấu trong lòng Hồ Gươm ngày nay. Phim tôn vinh các anh hùng, những trận đánh góp phần mang lại độc lập, tự do và sự tự hào của các thế hệ người Việt. Truyền thuyết gươm thần cũng giành giải Cánh diều Vàng 2020 với những đánh giá cao từ Chủ tịch Ban giám khảo - NSND, đạo diễn Hà Bắc. 
 
Dù đã gặt hái không ít thành công với các mảng đề tài khác như Ve vàng và Dế lửa - Giải Cánh diều bạc Hội Điện ảnh (HĐA) 2007, Giải Bông sen bạc tại LHP VN lần thứ XVI/2009. Trên giá sách (2008) - Giải Khuyến khích của HĐA 2008.
 

Phim "Truyền thuyết gươm thần"
 
Những chú cá lạc đàn (2009) - Giải Cánh diều bạc HĐA 2009, Giải khuyến khích LHP ĐA, TT và DL Quốc tế 2010. Bù nhìn rơm (2012) - Cánh diều bạc Hội Điện ảnh 2012… Nhưng với đạo diễn, NSƯT Phùng Văn Hà lịch sử vẫn là lĩnh vực anh quan tâm, theo đuổi. Phim Cậu bé cờ lau: Cánh diều vàng HĐA 2014, giải Đạo diễn xuất sắc nhất HĐA 2014, Bông Sen Vàng - LHPVN 19, Đạo diễn xuất sắc nhất - LHPVN 19. Phim Kim đồng - Bằng khen của BGK HĐA - 2016. Phim Người anh hùng áo vải: Giải Cánh diều vàng; ĐD xuất sắc HĐA 2017; (Bông sen Vàng; Nhóm họa sĩ diễn xuất xuất sắc; Nhạc sĩ xuất sắc - LHPVN lần thứ 21), Truyền thuyết gươm thần - Cánh diều Vàng 2020…
 
Với Phùng Văn Hà, anh luôn tâm niệm: cứ làm phim hay, có cảm xúc thì bất kỳ lứa tuổi nào cũng đồng cảm và muốn xem.

Theo Phi Yến / Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 493 - tháng 3/2022