(Thứ ba, 14/09/2021, 02:34 GMT+7)

Đóng góp vào thắng lợi vĩ đại của Hai Bà Trưng có công lao của những người phụ nữ trung kiên, tuy đóng góp thầm lặng nhưng cực kỳ đáng trân trọng.

Trong cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo có nhiều nhân vật nữ tình báo xuất sắc như Bát Nàn, Ả Lã nàng Đê, Nàng Dưỡng, Ngọc Kinh,… Mỗi người có những phương cách hoạt động, thu thập thông tin tình báo khác nhau nhưng điều đáng quý là những điều hữu ích từ nội tình giặc Đông Hán như việc phòng thủ, số lượng binh lính, kho tàng quân lương, kế hoạch ra quân… đều giúp cho nghĩa quân có những phương cách đối phó hữu hiệu.

Tuy từ "tình báo" mới xuất hiện nhưng từ ngàn xưa đã có những nữ anh hùng đóng vai trò đó, họ có thể là những binh sĩ, thậm chí là tướng quân cũng không ngần ngại mà "vào vai" để có thể lấy về những thông tin quý giá nhất cho quân ta.

Bụng mang dạ chửa, mặc áo rách đi vào "hang cọp"

Một nữ tướng trong vai kẻ ăn mày nhưng rất nổi tiếng, đó là Phùng Thị Chính. Theo tư tịch cổ, ông Phùng Bổng vốn gốc ở Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) đến nhập cư đã hai đời ở trang Phú Nghĩa (nay thuộc xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội) và kết duyên với bà Hùng Thị Tuyết quê ở Phong Châu (nay là thuộc tỉnh Phú Thọ), sinh được một gái đặt tên là Phùng Thị Chính.

Về mặt thân thích, Phùng Thị Chính có quan hệ họ hàng gần gũi với Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị), là cháu gọi bà Man Thiện (mẹ Hai Bà Trưng) bằng dì, vì thế khi lên 12 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, nàng tới ở với gia đình dì.

Đến tuổi trưởng thành, Phùng Thị Chính đã là một thiếu nữ nhan sắc xinh tươi, võ nghệ tài ba, sức khoẻ phi thường; lương duyên đưa dẫn nàng kết hôn với Đinh Lượng người ở trang Thanh Lãm (nay là làng Thanh Lãm, xã Phú Lương, huyện Thanh Oai, Hà Nội), ông là thuộc tướng cận vệ của Thi Sách.

Bấy giờ tên Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định tức giận vì bị Thi Sách chỉ trích những hành động tàn ác của mình nên đã đem quân đến huyện Chu Diên để đánh. Do lực lượng yếu hơn, Thi Sách và nhiều thuộc tướng của mình chống không nổi đều bị giặc giết, trong số đó có Đinh Lượng.

Lúc này, Phùng Thị Chính đang bụng mang dạ chửa, nghe tin dữ rất căm hận liền đến xin với bà Trưng Trắc đi đánh giặc để báo thù cho chồng. Mặc dù đã khuyên can, nhưng trước quyết tâm không thể lay chuyển của nàng, Trưng Trắc liền giao cho Phùng Thị Chính nhiệm vụ đi thăm dò tình hình bố phòng tại thành Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), nơi đặt trị sở của chính quyền đô hộ, là sào huyệt của tên Thái thú Tô Định.

Đến nơi, Phùng Thị Chính trong bộ dạng tóc tai rối bời, quần áo rách nát bẩn thỉu lân la với bọn lính gác, vừa xin ăn vừa hỏi han tình hình. Bọn chúng kinh thường người ăn mày bụng chửa sắp tới ngày sinh nên không đề phòng gì cả, nhờ vậy nàng có cơ hội quan sát, đi lại, nắm biết mọi đồn sở, địa giới, cách bố phòng quân sự của giặc.

Xong nhiệm vụ dò la, người phụ nữ trong bộ dạng ăn xin ấy nhanh chóng rời khỏi lỵ sở của quân Hán, trở về căn cứ Mê Linh báo cáo tình hình. Nhờ có được những tin tức quý giá mà Phùng Thị Chính cung cấp, bộ chỉ huy nghĩa quân vạch ra kế hoạch tiến đánh Luy Lâu một cách nhanh chóng.

Nữ tướng của Hai Bà Trưng: Người sinh con nơi tiền tuyến, kẻ ăn mày trong hang ổ địch - Ảnh 2.

Nữ tướng Phùng Thị Chính ôm con xung trận

Chuyện kể rằng trước khi xuất quân xảy ra sự việc ngoài dự kiến, nữ tướng Phùng Thị Chính nai nịt gọn gàng, sụp lạy xin được nhận ấn tiên phong; điều này khiến Trưng Trắc có phần ngạc nhiên về sự đòi hỏi kỳ lạ đó vì biết nàng đã đến tuần ở cữ, ai lại cử một phụ nữ sắp sinh con ra trận?

Các tướng lĩnh khác cũng tưởng rằng với sức khỏe và tình cảnh hiện tại, Phùng Thị Chính sẽ ở lại hậu cứ, lo việc giữ đồn trại. Thế nhưng Phùng Thị Chính viện mọi lý do và khăng khăng nói rằng mình chưa thể trở dạ vào khoảng này được; trước quyết tâm khó thể lay chuyển đó, cuối cùng Trưng Trắc đành phải chiều lòng, phong cho Phùng Thị Chính chức Trưởng nội thị tướng quân, dẫn quân tiên phong trực tiếp giao tranh với giặc.

Trận đánh đúng vào lúc đang gay go, quyết liệt thì bất ngờ Phùng Thị Chính trở dạ, chuyển bụng lâm bồn. Được các tùy tùng yểm trợ nàng sinh một bé trai ngay giữa chiến địa, Phùng Thị Chính bình tĩnh cắt rốn cho con, xé áo bọc con, lấy dây lưng buộc con trước bụng, một tay giữ lấy hình hài nhỏ bé, tay kia thì cầm gươm lên ngựa, xông vào trận tiếp tục cuộc chiến, đốc thúc nghĩa binh tiến lên.

Đây là một trường hợp hết sức hy hữu, vì khi người phụ nữ sinh xong, cơ thể còn rất yếu ớt, thường phải nằm bất động một thời gian mới trở lại bình thường. Ấy thế mà Phùng Thị Chính lại lên ngựa, tả xung hữu đột thì thật phi thường.

Có nguồn dữ liệu cho biết trong sách Hậu Hán Thư của Phạm Việp, cũng có ghi rằng: "Phùng Thị Chính có thai sắp đến ngày sinh, nhưng vẫn xung phong ra trận. Phu nhân sinh con ngay tại mặt trận. Dân gian truyền rằng trong suốt thời gian chống cự, vẫn đèo bọc con nhỏ bên mình".

Sau khi lên ngôi vua, Trưng Trắc đã phong chức cho Phùng Thị Chính làm Trưởng Nội các Ðông phương, Tả cung Thị nội tướng quân, Tướng phó thống lĩnh Tế tác (tình báo). Đến năm Qúy Mão (43 sau công nguyên), khi Hai Bà Trưng thua trận, tuẫn tiết ở sông Hát.

Nữ tướng Phùng Thị Chính dẫn một lực lượng nhỏ rút về đất Tuấn Xuyên (nay thuộc xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội) lập căn cứ tiếp tục chiến đấu chống giặc đến người lính cuối cùng rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Người đời sau đã lập đền thờ để khói hương tưởng niệm, các triều vua cũng ban sắc phong thần cho người phụ nữ tiết kiệt, kiên trung ấy.

Tự giả làm kẻ ăn xin, lọt vào đồn trại giặc

Một nữ tướng khác của Hai Bà Trưng từng trong vai kẻ ăn mày để đi thu thập tin tức của giặc, tuy không phải là nhân vật nhiều danh tiếng nhưng cũng là một người đáng nhắc đến. Đó là nữ tướng Ả Quán.

Theo bản thần tích về Ả Quán do Nguyễn Bính soạn năm Nhâm Thân niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572) đời vua Lê Anh Tông và được Nguyễn Hiền sao lại vào năm Canh Thân niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) đời vua Lê Ý Tông, bản thần tích được chép trong tập Phú Thọ tỉnh, Phù Ninh huyện, Phú Lão tổng, Thái Bình xã, Bình Thản thôn thần tích cho biết Ả Quán là con gái một gia đình họ Đào cư trú ở đất Long Biên (nay thuộc Hà Nội).

Từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên trở thành một thiếu nữ, Ả Quán nổi tiếng thông minh, tính cách mạnh mẽ, đẹp người đẹp nết. Theo thần tích ghi lại, vào năm 16 tuổi, nàng có ý nguyện "thoát vòng tục lụy" nên đã đến một ngôi chùa ở ấp Thái Đán, trang Thái Bình, huyện Phù Khang, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây để tu hành, sớm hôm đèn hương thờ Phật.

Bấy giờ đất nước ta đang nằm dưới ách đô hộ của giặc Đông Hán, căm hận sự tàn bạo của chúng, quyết lòng rửa thù nước trả thù nhà, bà Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị kêu gọi, vận động các tù trưởng, thổ hào nhiều nơi chuẩn bị lực lượng để đứng lên lật đổ ách đô hộ của ngoại bang. Ngày 6 tháng giêng năm Canh Tý (năm 40) nghĩa quân hội tụ ở bãi Trường Sa bên cửa sông Hát làm lễ tế cờ:

Một xin rửa sạch quốc thù
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẹn vận sở công lênh này.
(Trích Thiên Nam ngữ lục diễn ca)

Nữ tướng của Hai Bà Trưng: Người sinh con nơi tiền tuyến, kẻ ăn mày trong hang ổ địch - Ảnh 3.

Nghĩa quân xung trận diệt quân Hán

Ngọn cờ khởi nghĩa phất lên, anh hùng hào kiệt khắp nơi nổi dậy hưởng ứng, sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết tình thế nước Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương".

Cuộc khởi nghĩa năm Canh Tý (40) thắng lợi do nhiều yếu tố, như có sự chuẩn bị chu đáo; thành công trong việc vận động các tù trưởng, thổ hào nhiều nơi tập hợp lực lượng để đứng lên lật đổ ách đô hộ của ngoại bang, giành lại độc lập cho đất nước; có đường hướng, sách lược đúng đắn… Và góp phần vào thắng lợi này có đóng góp của nhân dân, của những con người yêu nước, họ đã đem sức lực, xương máu, của cải, tài trí của mình ra vì nghĩa lớn; trong số đó có Ả Quán.

Tương truyền, khi đang tu hành ở Sơn Tây, nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Ả Quán liền bỏ áo nâu sồng, khoác chiến bào, chiêu mộ quân binh đi theo. Lúc gặp mặt, thấy Ả Quán là người khí phách mạnh mẽ, lại có tài nên bà Trưng Trắc đã phong cho hiệu là Phu nhân chỉ huy sứ tả tướng quân.

Khi ấy, bộ chỉ huy nghĩa quân cần rất tin tức về nội tình của giặc, nhiều tướng lĩnh được lệnh thu thập tin tình báo đã tỏa đi khắp nơi để thực hiện nhiệm vụ. Nơi cần nắm rõ thôn tin hơn cả, đó là trị sở đô hộ của giặc tại Luy Lâu, nơi Thái thú Tô Định đóng quân nên người ta thường gọi là Tô thành.

Luy Lâu là một tòa thành lớn, kiên cố được xây dựng trên một vùng đất trù phú, lương thực đầy đủ, quân lính đông đảo. Nắm rõ được sự bố phòng của giặc cũng như thông tin đầy đủ về các cơ sở quân sự của chúng là việc làm không phải dễ.

Mặc dù nữ tướng Phùng Thị Chính đã tình nguyện lọt vào hàng ổ giặc để nắm tình hình, nhưng Ả Quán nghĩ rằng một người khó có thể có đủ tin tức nên nàng xin với chủ tướng Trưng Trắc được đảm trách nhiệm vụ nguy hiểm, khó khăn này.

Cũng trong vai một người ăn xin, Ả Quán đã xâm nhập được vào trong thành lũy, đồn trại của quân Tô Định, tiếng là xin ăn mà thực là để do thám.

Những tin tức quan trọng do lực lượng tình báo cung cấp đã giúp cho bộ chỉ huy nghĩa quân có những phương sách đúng đắn, dẫn đến chiến thắng nhanh chóng, toàn diện, trên một vùng rộng lớn, thật là:

Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành,
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
(Trích Đại Nam quốc sử diễn ca)

Nữ tướng của Hai Bà Trưng: Người sinh con nơi tiền tuyến, kẻ ăn mày trong hang ổ địch - Ảnh 4.

Nữ tướng Ả Quán và binh sĩ luyện tập cung kiếm. Hình minh họa: Sachxua

Thế nhưng, nền độc lập của dân tộc ta giành lại chưa được bao lâu thì vua Hán sai quân sang đàn áp để tái lập ách đô hộ của chúng:

Ba thu gánh vác sơn hà,
Một là báo phục, hai là bá vương.
Uy thanh động đến Bắc phương,
Hán sai Mã Viện lên đường tiến công.
(Trích Đại Nam quốc sử diễn ca)

Sử sách chép rằng: "Năm Quý Mão (43 SCN) (Hán, năm Kiến Vũ thứ 19). Tháng Giêng, mùa xuân. Trưng Trắc cùng em gái là Nhị cự chiến với quân Hán. Hai bà bị thua và mất" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Mặc dù Hai Bà Trưng tuẫn tiết, nhiều tướng lĩnh hi sinh trong cuộc chiến đấu với giặc Hán; dù thế giặc rất mạnh nhưng nhiều tướng lĩnh khác vẫn chống trả quyết liệt. Theo bản thần tích về nữ tướng Ả Quán, bà đem tàn quân chạy về huyện Phù Khang (nay là huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) lập đồn lũy, tuyển thêm tráng đinh để tiếp tục kháng chiến.

Đầu tháng 7 năm Quý Mão (43 SCN), giặc huy động lực lượng lớn bao vây, tấn công, Ả Quán và nghĩa binh chống cự đến cùng rồi bà tự vẫn để giữ khí tiết, hôm đó là ngày mồng 7 tháng 10.

Để tưởng nhớ đến người nữ tướng anh hùng, sau này dân trong vùng đã lập miếu thờ cúng. Các triều vua sau này đã sắc phong cho bà hiệu là Thánh mẫu Ả Quán khể nha phu nhân.
 

Tác giả: Lê Thái Dũng

Nguồn: Theo soha.vn


https://soha.vn/nu-tuong-cua-hai-ba-trung-nguoi-sinh-con-noi-tien-tuyen-ke-an-may-trong-hang-dich-20190827144414843.htm