(Thứ sáu, 14/05/2021, 10:40 GMT+7)

Danh tướng Phùng Thị Chính, chức Trưởng nội thị tướng quân, cánh tay phải của Nhị vua Hai Bà Trưng trong cuộc chiến chiếm thành Lũy Lâu, đánh đuổi giặc thái thú Tô Định.

Nữ tướng Phùng Thị Chính là cháu họ của Hai Bà Trưng, lấy Đinh Lượng gia thần của Lạc hầu Thi Sách, quê ở huyện Chu Diên. Nàng là người thông minh lại tinh thông các môn võ nghệ và có chí khí, đảm lược hơn người.

Thời bấy giờ, không chịu khuất phục ách đô hộ của nhà Hán, Lạc hầu Thi Sách tập hợp lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng chẳng may ý đồ bại lộ, Thái thú Tô Định lừa bắt và sát hại cùng với Đinh Lượng và nhiều gia thần trung tín khác.

Nợ nước thù nhà, Nữ chủ Trưng Trắc quyết đứng lên tiếp tục sự nghiệp giành lại non sông của chồng. Một mặt, Nữ chủ bí mật tích trữ khí giới lương thực, suy nghĩ kế hoạch dấy binh khởi nghĩa, mặt khác Nữ chủ cử em gái Trưng Nhị cùng với Phùng Thị Chính đi chiêu mộ những người con gái tài giỏi các nơi, cùng chí hướng nội thị, cùng kêu gọi các anh hùng hào kiệt dấy binh khởi nghĩa.

Trong vòng 15 ngày, các nàng đã mời được ở Thượng Ngạn (Từ Liêm) được một người, ở An Xá (Thạch Thất) hai người, ở Thanh Vân (Yên Lạc) một người, ở Chu Mô (Bạch Hạc) hai người – những nội thị này, thực tế là những “thuyết khách” tài ba, đem "hịch" của Nữ chủ tới khắp các châu huyện, gặp gỡ các anh hùng hào kiệt cùng các quan lang phụ đạo, hẹn ngày kéo quân về Châu Phong ứng nghĩa.

Khi các đạo quân binh khởi nghĩa tập trung vừa đủ (nam được hơn sáu vạn, nữ được hơn hai ngàn), bà Trưng Trắc liền sai quân binh thiết lập đàn tràng (bãi cát ngã ba sông Hát) tế cáo trời đất thần linh, thề nguyện cùng nhau đồng tâm giết giặc, giành lại non sông, trả thù nhà đền nợ nước.

Trong cuộc tấn công quyết định vào thành Lũy Lâu, bà cũng cử nữ tướng Phùng Thị Chính đi trước điều tra tình hình doanh trại quân địch. Nữ tướng Phùng Thị Chính lập tức lên đường. Ăn mặc quần áo rách rưới, khoác chiếc bị rách giả làm người ăn xin, Phùng Thị Chính khôn khéo len lỏi vào tận trong thành Luy Lâu, dò xét các kho quân lương, các trại đóng quân cùng mọi đường đi lối lại.

Khi đã thu thập đầy đủ tin tức, trinh sát viên nữ đầu tiên của Việt Nam trở về Phong Châu, bẩm trình với Nữ chủ Trưng Trắc và các tướng lĩnh nòng cốt. Do biết được tường tận tình hình quân giặc, nên Nữ chủ Trưng Trắc cùng tướng lĩnh lên kế hoạch chi tiết, bố trí lực lượng và chỉ huy thích hợp, đồng loạt tiến công trên các hướng, nhất loạt đánh mạnh vào những nơi hiểm yếu, vì vậy, chỉ trong một trận tổng tấn công, thành Luy Lâu bị triệt hạ, hệ thống cai trị của nhà Hán sụp đổ.

Hơn một ngàn tên địch bị giết. Tô Định phải vội vã vứt bỏ ấn tín, ăn mặc giả làm phụ nữ, lên thuyền trốn về Nam Hải. Ngay sau đó, 64 thành trì khác cũng nhanh chóng bị hạ, đất nước Việt Nam sạch bóng quân thù... Nữ chủ Trưng Trắc lên ngôi vua, ban thưởng và phong chức cho các tướng sĩ. Nữ tướng Phùng Thị Chính được ban tước "Trưởng nội thị tướng quân".

Khi Hán Quang Vũ sai Mã Viện mang quân sang đánh chiếm lại nước ta, Trưng Vương phái Bình Khôi công chúa Trưng Nhị cùng Phùng Thị Chính Trưởng nội thị tướng quân lĩnh ấn tiên phong, đem quân đến vùng Lãng Bạc ứng chiến.

Tại địa danh này, trận ác chiến sinh tử diễn ra giữa quân Hán và binh lực của nhị vương Hai Bà Trưng. Nhưng chính lúc ấy, Phùng Thị Chính bị động thai, rồi sinh ra một mụn con trai, ngay giữa chiến trường. Quân Hán đang bao vây bốn phía, Phùng Thị Chính một tay bồng con, còn tay kia múa trường kiếm tả xung hữu đột.

Hơn một chục tên giặc bị giết. Phùng Thị Chính phá được vòng vây, chạy về. Hai Bà Trưng hạ lệnh rút quân về Cấm Khê. Rồi sau nhiều trận chiến đấu, quân ta lâm vào thế bị bao vây, Hai bà Trưng không chịu rơi vào tay giặc, đã nhảy xuống dòng sông Hát tự tận.

Nhiều vị nữ tướng khác cũng noi theo gương của hai Bà. Tuy nhiên, cũng còn những nữ tướng và nhiều quân sĩ khác, đã kịp tản đi các nơi, tránh được sự truy lùng của quân giặc. Phùng Thị Chính bồng con chạy đến miến núi Tuấn Sơn sống mai danh ẩn tích được ba tháng.

Nhưng thật không may, vào lúc ấy miền này lại xảy ra nạn lụt, dân chúng lâm vào cảnh vô cùng khốn khó. Bà nữ tướng bèn đưa hết của cải còn lại của mình chu cấp cho dân, trong khi, chính đứa con của bà cũng không cứu được. Nạn đói của vùng này, vì thế, được cứu vãn.
Còn lại một thân một mình, bà nữ tướng đã sống như một thường dân. Nhưng sau đó, lại xảy ra một chuyện không may khác: tên tướng cai trị nhà Hán thấy bà xinh đẹp, đã cho quân đến bắt về làm vợ.

Quyết không để lọt vào tay quân giặc, bà chạy thẳng ra bờ sông, rồi lao mình xuống nước, quyên sinh. Cùng lúc ấy, một đám mây trắng từ trên trời xà xuống, đưa Nữ tướng bay lên...


 

 


Vô cùng thương tiếc và cũng là ghi sâu công đức của bà, dân chúng trong vùng đã lập đền thờ, tôn bà làm thần Thành hoàng và hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ.

Đền Thanh Lãm (còn gọi là Miếu Linh Tiên) được xếp hạng: Di tích lịch sử văn hoá do Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận theo Quyết định số 608/QĐ-BVHTT ngày 29/5/1989.

- Đền Thanh Lãm: Thờ nữ tướng Phùng Thị Chính ( các triều đại đời sau tôn bà là Nhất vị Đại vương công chúa).
- Vị trí địa lý: Thuộc Tổ dân phố 1, phường Phú Lãm, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Phía Đông và Nam giáp đường làng; phía Tây và Bắc của di tích giáp khu dân cư.
- Diện tích đất đai: 4.458 m2
- Quy mô, kiến trúc: Kiến trúc theo chữ Đinh, gồm 2 hạng mục là tòa đại bái và hậu cung. Đại bái có kết cấu theo hàng chân cột, các vì kèo kết cấu theo lối cổ truyền là kiểu chồng giường. Bên trong đại bái có kiến trúc xà, kẻ, bẩy còn khá bền vững, các hàng cột gỗ lim to khỏe. Về nghệ thuật điêu khắc đơn giản có hoa văn lá lật... đầu hồi có tường bao là lối kiến trúc lá mái đặp cao bổ nóc, nóc rồng chầu mặt trời.
- Quá trình xây dựng, trùng tu: Công trình được khởi dựng từ lâu đời, ít nhất từ năm Dương Đức Tam niên ngũ nghiệt cách đây 352 năm. Công trình mới được trùng tu, tu bổ năm 2016.

Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Thy Nga
Theo: didulich.net

http://www.didulich.net/van-hoa/gia-tri-lich-su/nu-tuong-phung-thi-chinh--trinh-sat-vien-nu-dau-20464