(Chủ nhật, 25/08/2019, 09:46 GMT+7)

Phùng Xá - Quê hương của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan

Phùng Xá là một xã thuộc huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Xã Phùng Xá gồm hai làng cổ là Phùng Thôn (còn gọi là làng Bùng) và Vĩnh Lộc. Đây là quê hương của cụ Phùng Khắc Khoan, tục gọi là Trạng Bùng, là làng quê cổ kính, sớm có truyền thống văn vật.

Phùng Xá - vùng đất, con người

Theo Thần phả, làng Phùng xưa gọi là trang An Hoa, sau đó đổi thành làng Bùng do liên quan đến họ của vị Thành hoàng. Vị Thành hoàng đó húy là Phùng Thanh Hòa, quê ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương, sinh ngày 12-11-528 (Mậu Thân). Bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Phùng Thanh Hòa từ nhỏ đã có thiên tư khác lạ, học một biết mười. Bấy giờ ở nước ta bị nhà Lương (Trung Quốc) đô hộ, với chính sách bạo ngược. Năm 541 (Tân Dậu), Lý Bí khởi nghĩa thắng lợi, dựng nước Vạn Xuân. Trong cuộc nổi dậy của Lý Bí chống nhà Lương, Phùng Thanh Hòa còn trẻ đã mang quân hưởng ứng, được phong làm Hữu tướng quân (Tả tướng quân là Triệu Quang Phục).

Sau đó nhà Lương sai Dương Phiêu, Trần Bá Tiên chiếm lại nước ta (lúc này Lý Nam Đế đã qua đời), Triệu Quang Phục rút quân về đền Dạ Trạch lập căn cứ, xưng là Triệu Việt Vương. Phùng Thanh Hòa trụ lại trang An Hoa mở ấp lập làng, đổi tên là trang Phùng Gia. Từ đây âm “Phùng” biến thành “Bùng” (làng Bùng)1. Sau này, Phùng Thanh Hòa được lập làm Thành hoàng làng.


Làng Phùng Xá hiện nay

Tương truyền, họ Phùng ở đây vốn là dòng dõi Phùng Hạp Khanh (thân phụ Phùng Hưng); Phùng Thanh Hòa, Phùng Hạp Khanh, Phùng Khắc Khoan, 3 nhân vật ở 3 thời đại lần lượt xuất hiện ở làng Bùng. Bùng chính là đất tổ nghiệp của họ Phùng. Và Phùng Thanh Hòa chính là thủy tổ của họ Phùng ở Phùng Xá hiện nay.

Làng Bùng nằm trong vùng Văn hóa xứ Đoài, gần xa quanh quất là những di tích và danh thắng nổi tiếng. Cách làng Bùng không xa là núi Sài Sơn, còn gọi là núi Phật Tích, chân núi có chùa Thày nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Phía Tây Bắc, cách làng Bùng khoảng 5 km là chùa cổ Tây Phương nổi tiếng, và cạnh đó là chùa Cực Lạc. Cùng nằm trong vùng văn hóa ấy là làng Hương Ngải nổi tiếng văn vật, khoa bảng; rồi còn có động Hoàng Xá, dãy Răng Cưa, gò Đống Thóc… Quả thật, đây là nơi “địa linh nhân kiệt”.

Vậy là muộn nhất thì từ thế kỷ thứ VI, quý địa làng Bùng đã được quý nhân họ Phùng biết tới. Toàn xã Phùng Xá, kể cả làng Vĩnh Lộc, đã có nhiều dòng họ đến sinh sống, trong đó có các bậc tuấn kiệt. Sau cụ Phùng Thanh Hòa nhập tịch làng Bùng từ thế kỷ thứ VI, thư tịch bi ký còn chỉ rõ: Thời Lý có Đại Tư Mã Nguyễn Cảnh Câu; thời Trần có Thị thư Viện Hàn lâm Thám hoa Nguyễn Đăng Đạt; thời Lê có Thái tể Mai Quận Công, Nhị giáp Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, Đặc tiến Kim tử Vĩnh Lộc đại phu Phùng Lĩnh Hầu và Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Vũ Đình Dung (35 tuổi thi đỗ khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức 2 năm 1733, đời Vua Lê Thuần Tông, làm quan đến chức Hàn Lâm viện Thừa chỉ). Thời Lê, ở Phùng Xá còn có một nhà hai cha con kế tiếp đỗ Tiến sĩ: Cha là Nguyễn Nham, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (năm 1715), đời Vua Lê Dụ Tung, làm quan đến chức Học sĩ, thự Tham chính Nghệ An. Con là Nguyễn Thì Lượng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (năm 1731), đời Vua Lê Duy Phường. Ngoài ra, số người đỗ Phó bảng, Hương cống, Cử nhân, Tú tài, Sinh đồ cũng khá nhiều. Quan Văn, Võ trong làng dường như thời nào cũng có. Ngày nay, ở quê làng Bùng có Trung tướng Phùng Khắc Đăng (hậu duệ của Phùng Khắc Khoan) đã giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan – một nhân cách lớn

Cuộc đời, sự nghiệp

Bùng và Vĩnh Lộc là hai làng, nhưng trải theo lịch sử, hai làng này là một hệ thống không tách rời (theo kiểu “nhị thôn nhất xã”). Trong quá trình phát triển, nhất là vào thế kỷ XVI - XVII đã mang đậm dấu ấn của một nhân vật kiệt xuất là Phùng Khắc Khoan. Cho đến hôm nay hễ nói đến Bùng là người ta liên tưởng đến một cái tên dân gian: Trạng Bùng. Đó là linh hồn của một làng quê văn hiến.

Phùng Khắc Khoan sinh ngày mồng 3 tháng Giêng năm Mậu Tý (năm 1528) trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, trấn Sơn Tây cũ, nay thuộc Thủ đô Hà Nội. Phùng Khắc Khoan tên húy lúc mới sinh là Hoàng Phu, hiệu Nghi Trai, biệt hiệu Mai Nham Tử.


Chân dung cụ Phùng Khắc Khoan

Do được cha rèn cặp nên ngay từ nhỏ, Phùng Khắc Khoan đã nổi tiếng văn chương: 9 tuổi nổi tiếng thơ hay. Phùng phụ biết rõ điều này và rất tự hào về con. Đến năm 15 - 16 tuổi, Phùng Khắc Khoan sang học với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau những năm tháng học tập và cả đến khi Phùng Khắc Khoan ra phò tá nhà Lê, giữa hai thầy trò đã diễn ra nhiều cuộc giao thiệp trao đổi nội dung tiên tri dự báo. Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khuyên Phùng Khắc Khoan qua câu chuyện sau:

Đầu năm Bính Thìn (năm 1556), Vua Trang Tông nhà Lê mất, không có con nối nghiệp. Thái sư Trịnh Kiểm thừa cơ muốn tự lập làm Vua, nhưng còn phân vân chưa dám quyết, liền mật sai Phùng Khắc Khoan đem lễ vật ra Hải Dương hỏi ý kiến Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Trạng không nói rõ chỉ quay lại bảo người nhà: “Vụ này lúa không được mẩy, chỉ tại thóc giống không tốt, vậy các người tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói rồi Trạng chống gậy ra chùa chơi. Phùng Khắc Khoan đi theo. Trạng ra chùa bảo nhà sư quét chùa, thắp hương, rồi cười nói rằng: “Nhà sư giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản đấy”. Rồi Trạng ra về, không nói thêm gì nữa. Phùng Khắc Khoan hiểu ý Trạng muốn mách bảo: Hãy tìm con cháu nhà Lê để ký vị, còn nhà Trịnh cứ tôn nhà Lê mà nắm thực quyền…”.

Về học nghiệp, Phùng Khắc Khoan học giỏi, tinh thông cả thuật số. Năm Nhâm Tý (1552), ông 25 tuổi đi thi chỉ đỗ Tam trường.

Những năm trẻ tuổi, ông sống trên đất nhà Mạc nhưng không chịu ra thi cử, không phò Mạc. Đầu đời Lê Trung Tông, ông theo Lê Bá Ly vào Thanh Hóa quy thuận nhà Lê. Những ngày đầu ở đây, nghe tin Hoằng Hóa là đất văn học, ông bèn tìm đến cư ngụ, dạy trẻ con nhà quê. Sau đó, ông đến huyện Vĩnh Phúc rồi Yên Định sống bằng nghề dạy trẻ. Bấy giờ, xứ Thanh Hóa tổ chức kỳ thi Hương, ông tham dự và đỗ đầu. Thái sư Trịnh Kiểm biết ông là người học cao, mưu lược, cho mời tham dự việc triều chính, giữ chức Kỷ lục ở Ngự Dinh. Trong đời Chính trị (1558 - 1571), ông vâng mệnh đi các huyện, chiêu dụ dân di tản các nơi về quê cũ làm ăn. Cuộc đời làm quan của ông nhiều nỗi thăng trầm. Đời Lê Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 3 (1580), Triều Lê mở khoa thi Hội, ông đã 53 tuổi, cũng lều chõng đi thi, đỗ Hoàng Giáp (Tiến sĩ). Thi xong ông được thăng Đô cấp sự.

Giữa tháng Tư năm Quý Tỵ (1593), Vua Lê Thế Tông bước lên chính điện tại Kinh đô Thăng Long, sự nghiệp trung hưng của nhà Lê đã hoàn thành. Phùng Khắc Khoan được phong chức Kiệt tiết tuyên lực, công thần; năm 1595, được thăng Công bộ Tả thị lang.

Vua Lê về Kinh đô, cùng với việc khôi phục kinh tế, có chuyện lớn là lo việc đối ngoại với nhà Minh. Năm Đinh Dậu (1597), đương lúc làm Tả thị lang bộ Công, ông được cử làm Chánh sứ sang Minh. Bấy giờ, nhà Minh đã nhận hối lộ của con cháu nhà Mạc, không chịu nhận sứ thần của nhà Lê. Ông viết thư cho Súy ty nhà Minh (quan coi cửa ải) nói rõ nhà Mạc cướp ngôi, mà lại được giúp, đè nén nhà Lê, thế là về bè với gian tà, hại người ngay thẳng, lấy gì để tỏ đại nghĩa với thiên hạ. Người Minh khen là có nghĩa, mới cho sứ thần qua cửa quan để đến Yên Kinh. Khi sứ bộ đến Yên Kinh, lễ bộ đường trách về việc người vàng ta đem cống không theo mẫu cũ làm cúi đầu, nên lại ngăn không cho sứ vào chầu. Ông biện bạch rằng: “Nhà Mạc cướp ngôi, danh nghĩa là nghịch, nhà Lê khôi phục lại, danh nghĩa là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng cúi đầu thay mình, đã là may lắm. Còn như nhà Lê bao đời làm công thần, kiểu người vàng ngửa mặt, quy chế cũ còn đó. Nay lại bắt theo như lệ nhà Mạc, thì lấy gì khuyên việc chiêu an và trừng giới việc trách phạt được”. Việc đến tai Vua Minh, cuối cùng lại theo thể thức cũ của nhà Lê. Khi ông ở Yên Kinh, gặp sinh nhật Vua Minh Trần Tông, ông có làm tập thơ Vạn thọ thánh tiết gồm 30 bài dâng lên. Thần Tông xem và phê: “Hiền tài đất nào chẳng có. Trẫm xem thi tập, thấy Phùng Khắc Khoan là người trung hậu, thật đáng ngợi khen; mệnh lệnh in ngay để ban hành trong thiên hạ”. Dịp này, ông còn đối đáp với sứ thần Triều Tiên về chủ quyền đất nước, chế độ khoa cử và làm thơ xướng họa với Lý Toái Quang. Lý Toái Quang rất phục tài. Người Trung Quốc bấy giờ khen ông là sứ giỏi. Khi đi sứ trở về, Thành tổ Trịnh Tùng rất kính trọng chỉ gọi là Phùng tiên sinh mà không gọi tên. Người trong nước kính mến đều gọi ông là Trạng nguyên, còn trong dân gian chỉ nôm na gọi là Trạng Bùng. Lê Kính Tông lên ngôi, ông được phong Thượng thư Bộ Công, năm thứ 3 (1602) lại thăng Thượng thư Bộ Hộ, tước Mai quận công. Ngày 24 tháng Chín năm Quý Sửu (1613) ông mất, thọ 86 tuổi, truy tặng Thái phó.

Giờ đây, tại làng Bùng, người dân vẫn truyền kể những chuyện cảm động về ông Trạng. Theo truyền thuyết, khi đi sứ về, cụ Phùng đã mang theo một số loại cây trồng, nghề dệt lượt và cách làm cày bừa. Ngô thì cụ giắt ở búi tóc, dây khoai lang thì cụ sai tùy tòng bện giả làm quai hòm, sắn thì cụ làm gậy chống, đậu đen thì cụ đút ở hậu môn, vừng thì cụ đút ở đầu dương vật. Cụ quan sát, ghi nhớ cách dệt về giúp dân dệt lượt Bùng, cách làm nông cụ về giúp cả làng Nủa Vĩnh Lộc làm cày bừa. Như vậy là cụ Phùng với tư duy: “dĩ nông vi bản”, có thể đem về một số cách làm cày bừa… làm khung cửi dệt và một số nông sản mà ta chưa có, hoặc đã có nhưng khác loại. Lâu về sau, lượt Bùng, cày bừa Vĩnh Lộc đâu đâu cũng thích dùng. Theo Khoán ước đã thành văn thì kỵ nhật ngày 24 tháng 9 hàng năm ở đền thờ Trạng, hai làng Bùng và Vĩnh Lộc phải có liễn cháo đậu, đĩa cà muối, bát canh, đĩa dưa đạm bạc đem cúng theo lời dặn lại của cụ, mà cũng là tưởng nhớ công ơn Người đã mang các thứ ấy khi đi sứ về.

Huyền thoại trên đây rất phù hợp với tâm tính Phùng Khắc Khoan. Thời còn tại chức, ông viết Lâm tuyền văn bằng thơ lục bát Nôm, nhắc đến đủ các loại cây hoa trái quả ở Thành Nam, Con Cuông xứ Nghệ. Khi đã về hưu, ông lại quan tâm khơi máng đào mương, tưới tiêu chống hạn cho ruộng lúa của cả một vùng quê. Với những tư liệu đậm tính truyền thuyết, dân dã này, GS Trần Quốc Vượng cho rằng: “Phùng Khắc Khoan đúng là một vị Nông Thần. Dân gian làng Bùng - Phùng đã biến ông Tiến sĩ thành ông Trạng, rồi lại biến ông thành Thần Nông… Cuộc đời Trạng Bùng đã được huyền thoại hóa, huyền tích hóa quá nhiều. Đó là vì ông là một nhân tài ngoại hạng”.

Phùng Khắc Khoan là một nhân cách lớn. Cả đời ông gắn bó trọn vẹn với nỗi vui buồn của nhân dân. Sử gia Phan Huy Chú xếp ông là một trong 39 người “Phò tá có công lao, tài đức thời Lê Trung hưng” và viết: “Ông là người cương quyết, sáng suốt, có tài, cái gì cũng biết được chỗ cốt yếu”. Tại trung tâm Hà Nội có phố Phùng Khắc Khoan, dài 170m nối phố Trần Xuân Soạn với phố Hòa Mã.


Đình và nhà thờ Phùng Khắc Khoan ngày nay ở Phùng Xá

Nhà thờ và lăng mộ Phùng Khắc Khoan ở thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Đây là di tích danh nhân văn hóa có từ lâu đời, đến Triều Nguyễn được tu sửa, tôn tạo, theo dòng chữ Hán trên thượng lương cho biết nhà thờ được sửa chữa lớn và hoàn thiện vào năm Duy Tân thứ 1 (1907). Ngôi nhà này chính là nơi sinh ra và lớn lên của Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan. Sinh thời ông cho sửa sang ngôi nhà này thành học đường và đặt tên là Hoàng đạo thư đường.

Từ gian giữa nhà thờ có treo bức hoành “Trung hưng công thần từ” (Đền thờ vị công thần thời Trung hưng). Trong nhà thờ có một số câu đối, hoành phi, nội dung ca ngợi Trạng Bùng: “Bắc Nam huân liệt, Văn chương hoa quốc, Nam quốc tôn sư, Vọng long sơn đẩu, Di tượng đức thanh cao”.

Nhà thờ bảo lưu nhiều hiện vật giá trị có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Ngoài 11 đạo sắc phong từ đời Cảnh Hưng nhà Lê (1740 – 1786) đến đời Thiệu Trị nhà Nguyễn (1841 - 1847), đáng chú ý là 4 cuốn sách chữ Hán.

Cuốn thứ Nhất: bản sao chưa rõ năm chép, phần đầu “Phụ công thi tập”, phần sau “Sứ hoa thi tập”, tập hợp những bài thơ của Phùng Khắc Khoan.

Cuốn thứ hai: “Ký lục tiên tổ sự tích” lược chép tiểu sử Phùng Khắc Khoan và bài thơ Nôm “Đào nguyên hành” (còn có tên khác là Lâm tuyền vãn).

Cuốn thứ ba: chép các điều khoản con cháu họ Phùng được miễn lệ.

Cuốn thứ tư: “Phùng tướng công phụng Bắc sứ ký” (bản sao) ghi sự kiện Phùng Khắc Khoan đi sứ nhà Minh vào năm 1598.

Nhà thờ còn giữ 3 bức lụa truyền thần chân dung Phùng Khắc Khoan, trong đó có bức truyền thần do họa sĩ nhà Minh vẽ tặng khi ông đi sứ Yên Kinh.

Như vậy, nhà thờ này có thể coi là một bảo tàng về danh nhân Phùng Khắc Khoan. Đến nhà thờ, ta biết rõ cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Vì có công với nước, có nghĩa với dân nên cụ Phùng Khắc Khoan được nhân dân tôn phong là Trạng, tục gọi là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Mộ đặt cách nhà thờ khoảng 300m, gần đình làng trông về hướng Bắc. Xung quanh mộ xây tường bao đá ong cao 1,2m. Phần mộ đặt lộ thiên, phía trước có hai phỗng đá. Đầu mộ xây một bệ thờ đặt hai bia đá ghi tóm tắt công trạng Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, khắc từ đời Tự Đức năm 1857 và 1858.

Hằng năm, dân xã Phùng Xá và các chi hậu duệ họ Phùng tổ chức giỗ cụ vào ngày 24 tháng Chín Âm lịch. Chi trưởng họ Phùng có tục phải sắm hai thức cúng là liễn cháo đậu xanh và ruột cà.

Nhà thờ Phùng Khắc Khoan đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa lưu niệm danh nhân năm 1990.

TS Lưu Minh Trị

Nguồn: http://thegioidisan.vn/vi/phung-xa-que-huong-trang-bung-phung-khac-khoan.html