(Thứ hai, 13/12/2021, 03:59 GMT+7)

Buổi ra mắt, trao tặng sách Đại tướng Phùng Quang Thanh: Thân thế - Cuộc đời và Sự nghiệp đã diễn ra tại Thư viện Quân đội, 84 - Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào 12/12/2021. Nhiều kỉ niệm về vị Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 2006 đến năm 2016 đã được những người anh em, đồng đội cùng ôn lại.

Đại tướng Phùng Quang Thanh: Thân thế - Cuộc đời và Sự nghiệp là cuốn sách tập hợp các bài viết của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các tướng lĩnh; các nhà khoa học; nhân sĩ trí thức và các nhà văn, nhà báo viết về Đại tướng Phùng Quang Thanh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. 

Trong lời giới thiệu cuốn sách gần 900 trang, Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã viết những dòng giản dị về Đại tướng Phùng Quang Thanh nhưng thế hệ trẻ hôm nay không phải ai cũng biết. Đại tướng Phùng Quang Thanh là người con ở xã Thạch Đà, Mê Linh, Vĩnh Phúc. Tuổi thơ cơ cực đã sớm cho ông nhận thức sâu sắc từ những buổi ban đầu, đó là phải có niềm tin, tri thức và rèn luyện không ngừng để tiến về phía trước. Mồ côi cha khi chưa đầy hai tuổi, cha của ông hoạt động cách mạng và bị giặc Pháp sát hại trong kháng chiến chống Pháp, ông sống với bà ngoại và cậu, trải qua một tuổi thơ nhiều gian khó. Dù là con liệt sĩ, không phải đi bộ đội nhưng ông vẫn viết đơn gửi xã đội trưởng và huyện đội trưởng tình nguyện nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Từ binh nhì trưởng thành, được thử thách, rèn luyện tại chiến trường, Phùng Quang Thanh đã bộc lộ những phẩm chất cao quý, bản lĩnh, ý chí và lòng dũng cảm. Ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 22 tuổi.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng với cuốn sách Đại tướng Phùng Quang Thanh: Thân thế - Cuộc đời và Sự nghiệp. Ảnh: Thành Duy

Mỗi bài viết trong cuốn sách Đại tướng Phùng Quang Thanh: Thân thế, Cuộc đời và Sự nghiệp là một góc nhìn khác nhau về Đại tướng Phùng Quang Thanh ở những giai đoạn công tác khác nhau, trên các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong thời gian 10 năm giữ cương vị chỉ huy cao nhất của Bộ Quốc phòng, với những hành động, quyết sách, những kiến nghị, đề đạt với Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng có ảnh hưởng lớn đến vị thế và tương lai đất nước trong lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong bài viết về Đại tướng Phùng Quang Thanh đã bày tỏ: "Có thể nói gần 7 năm làm cấp phó trực tiếp của anh là thời gian đầy ắp các sự kiện, các biến động của tình hình khu vực và thế giới. Đó cũng như là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới của công tác đối ngoại quốc phòng, mà thành quả của nó hôm nay nhìn lại không ai có thể phủ nhận. Trên chặng đường dài với nhiều bước phát triển vượt bậc ấy, một động lực quan trọng hàng đầu chính là tư duy và hành động của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Anh nhận thức rất đầy đủ và rất sớm vai trò quan trọng của đối ngoại quốc phòng, có cái nhìn xa về mục tiêu cần đạt được. Anh biết rõ rằng mình phải làm những gì, và giao cho những ai thực hiện những ai thực hiện những định hướng đó thành công”. Nói về cuộc đời Đại tướng Phùng Quang Thanh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã dùng cụm từ “Anh hùng thời chiến, kiến tạo thời bình” để tóm lược những phẩm chất và cống hiến xuất sắc trên cương vị Bộ trưởng của Đại tướng.

Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Phùng Khắc Đăng một lần nữa nhấn mạnh đến đức tính gần gũi anh em cán bộ, chiến sĩ của cố Đại tướng. Ngay từ khi còn công tác đến khi nghỉ hưu ông luôn dành thời gian cho anh em, đồng đội, quê hương, dòng họ, không có khoảng cách phân biệt. TS Phùng Thảo, Nguyên Chánh văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương, người chịu trách nhiệm bản thảo cuốn sách Đại tướng Phùng Quang Thanh: Thân thế, Cuộc đời và Sự nghiệp qua những lần gặp gỡ, tiếp xúc với Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nhận xét, “khi tiếp xúc với Đại tướng tôi chỉ thấy một vị tướng hiền lành, nhân hậu, khiêm tốn, quan tâm đến anh em chứ không bao giờ thể hiện rằng mình là Đại tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị…”

Trung tướng Phạm Quang Vinh kể lại những kỉ niệm trong quá trình công tác gắn với Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh: Thành Duy

Đây cũng là điều mà rất nhiều người từng có cơ hội làm việc lâu năm, những đồng đội cấp dưới của Đại tướng Phùng Quang Thanh cảm nhận được. Trung tướng Phạm Quang Vinh, Nguyên Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng, người có cơ hội làm việc dưới quyền Đại tướng gần 20 năm từ thời Đại tướng làm Cục phó Cục Tác chiến đến khi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu cảm nhận về một vị tướng nhân văn, lấy dân làm gốc, lấy chiến sĩ làm mục tiêu xây dựng, làm nền tảng cho sức mạnh quốc phòng Việt Nam. Trung tướng Phạm Quang Vinh xúc động kể lại, dù là Bộ trưởng bận rộn nhiều công việc quan trọng nhưng Đại tướng vẫn dành thời gian chăm sóc, hỏi han các chiến sĩ cảnh vệ trong cơ quan Bộ Quốc phòng. Lữ đoàn 144 là đơn vị làm công tác bảo vệ khu vực Bộ Quốc phòng, hàng năm, Đại tướng đều dành thời gian thăm hỏi, động viên các chiến sĩ khi ra quân. Đấy là điều khiến Trung tướng Phạm Quang Vinh cảm phục bên cạnh tầm nhìn, tư duy chiến lược mà ông đánh giá về Đại tướng thông qua những chính sách, những dự án lớn của Bộ Quốc phòng được triển khai thời Đại tướng Phùng Quang Thanh làm Bộ trưởng. Trước đó, khi Trung tướng Phạm Quang Vinh làm Cục trưởng Cục Kế hoạch - Đầu tư, với những việc lớn như mua sắm những vũ khí tối tân hiện đại hay triển khai các dự án quan trọng về quốc phòng đều được Đại tướng chỉ đạo triển khai công khai, minh bạch, tiết kiệm tiền của cho đất nước, giữ vững uy tín của Quân đội.

Khi Trung tướng Phạm Quang Vinh chuyển sang làm Cục trưởng Cục Tài chính, Đại tướng gọi ông lên gặp để tham mưu về công tác tài chính toàn quân, trong đó Đại tướng lưu ý rằng, đảm bảo đời sống cho cán bộ chiến sĩ toàn quân phải đặt lên hàng đầu. Theo Trung tướng Phạm Quang Vinh, Đại tướng chính là người đề xuất những việc cụ thể để cải thiện đời sống người chiến sĩ, từ nhà vệ sinh tự hoại, hệ thống tắm nước nóng hay chuyện nhỏ như giấy vệ sinh.... Đại tướng cũng rất quan tâm đến đời sống hậu phương người lính, từ những chuyến đi kiểm tra, nắm tình hình thực tế và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em các đơn vị mà những công trình như nhà công vụ, nhà ở phi công, nhà ở bộ đội tàu ngầm, nhà ở kiểm ngư… đã được triển khai xây dựng để giúp những cán bộ đảm đương các vị trí đặc biệt, đặc thù tại các cơ quan đơn vị trong toàn quân yên tâm công tác. Dưới tầm nhìn xa của Đại tướng, các đề án thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, kể cả thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tham gia phòng chống dịch bệnh cũng được triển khai có tầm nhìn, như việc chuẩn bị hạ tầng doanh trại mang tính lưỡng dụng để phục vụ các nhiệm vụ dân sự, nhiệm vụ của đất nước từ thời dịch SARS 2012 để đến nay Quân đội có cơ sở vật chất tham gia tích cực và hiệu quả trong phòng chống đại dịch Covid-19.

Thiếu tướng Hoàng Kiền, Nguyên Tư lệnh Binh chủng Công Binh, nguyên Giám đốc Ban Quản lí Dự án Đường tuần tra biên giới thì kể lại câu chuyện Đại tướng gắn bó với Trường Sa, quan tâm chỉ đạo mọi mặt về Trường Sa. Khi ra Trường Sa, Đại tướng kiểm tra các hầm hào tại đảo, quan tâm đến đời sống người lính thợ xây hầm. Thiếu tướng Hoàng Kiền cảm động trước việc Đại tướng luôn quan tâm đời sống chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo...

Nhà báo Hoà Văn, nguyên Tổng Biên tập Báo Biên phòng, kiêm Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng thì xúc động kể lại câu chuyện khi anh đang làm Tổng biên tập Báo Biên phòng, chuẩn bị nghỉ hưu nhưng lại bất ngờ được đề nghị bổ nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng khiến chính anh cũng ngỡ ngàng. Thì ra là từ chỉ đạo của Đại tướng Phùng Quang Thanh khi ông xem một chương trình trên tivi và thấy Đại tá Hòa Văn cùng đạo diễn Trần Tuấn Hiệp được nhận huân chương của Chủ tịch nước vì thành tích sản xuất 36 tập phim kí sự về biển đảo. Sau đó Đại tướng đã tìm hiểu về anh, nghe báo cáo về quá trình công tác, biết anh từng giữ cương vị Phó Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Biên phòng Hà Tĩnh trước khi chuyển sang làm Tổng Biên tập Báo Biên phòng, Đại tướng đã chỉ đạo quan tâm bổ nhiệm sử dụng, dù Hòa Văn chuyển sang làm báo, mải mê làm chuyên môn và không nghĩ sẽ tiếp tục phát triển theo ngạch quản lí chỉ huy nữa.

Trung tướng Hoàng Châu Sơn tại Lễ ra mắt cuốn sách về Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh: Thành Duy

Trung tướng Hoàng Châu Sơn, Nguyên Cục trưởng Cục Dân quân Tự vệ, thì điểm lại những đóng góp, chỉ đạo của Đại tướng Phùng Quang Thanh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVT quần chúng, giáo dục quốc phòng an ninh. Khi ông về nhận nhiệm vụ tại Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh khi đó là Tổng Tham mưu trưởng đã chỉ đạo tổ chức hội nghị toàn quốc về Dân quân Tự vệ. Sau đó đã giải quyết nhiều vấn đề, nhiều khoảng trống trong Luật Dân quân Tự vệ. Đại tướng đã chỉ đạo sát sao, liên tục nhiều năm để hoàn thiện thể chế quốc phòng, từ đó xây dựng các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề quốc phòng của đất nước. Đại tướng đã đọc hàng chục vạn trang, để chỉ đạo biên soạn 8 nghìn trang tài liệu về lĩnh vực Quốc phòng toàn dân, có tiếng nói trước Quốc hội, Bộ Chính trị… về các vấn đề liên quan. Sức làm việc và sự lắng nghe ý kiến, tôn trọng anh em bên dưới cũng như tác phong làm việc của Đại tướng là điều khiến Trung tướng Hoàng Châu Sơn khâm phục.

Bà Trần Thị Bích Lộc - Phu nhân Đại tướng Phùng Quang Thanh trao tặng 100 cuốn sách về Đại tướng cho Thư viện Quân đội. Ảnh: Thành Duy

Lễ ra mắt cuốn sách Đại tướng Phùng Quang Thanh: Thân thế - Cuộc đời và Sự nghiệp cũng là lễ trao tặng cuốn sách cho một số cơ quan, đơn vị, những nơi khi còn chiến đấu, công tác trên các cương vị khác nhau Đại tướng đã gắn bó với nhiều kỉ niệm như: Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Cục Tác chiến, Quân đoàn 1, Học viện Quốc phòng… . Thư viện Quân đội, nơi diễn ra buổi lễ cũng đã tiếp nhận 100 cuốn sách do Bà Trần Thị Bích Lộc, Phu nhân Đại tướng Phùng Quang Thanh trao tặng. Đại tá Trần Thị Bích Huệ - Giám đốc Thư viện Quân đội chia sẻ, cách đây 2 ngày chị mới được cầm trên tay cuốn sách và đã cảm nhận thấy tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các tướng lĩnh, anh em đồng chí đồng đội dành cho Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng những công lao to lớn của Đại tướng trong Sự nghiệp Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc cũng như những quan tâm của Đại tướng với các cơ quan, đơn vị; với anh em cán bộ, chiến sĩ toàn quân. “Thư viện Quân đội rất vinh dự được nhận sách Đại tướng Phùng Quang Thanh: Thân thế - Cuộc đời và Sự nghiệp. Chúng tôi sẽ tổ chức phục vụ bạn đọc một cách hiệu quả”, Đại tá Trần Thị Bích Huệ nói.

Thay mặt gia đình Đại tướng Phùng Quang Thanh, ông Phùng Quang Hải, con trai Đại tướng bày tỏ: Từ những tình cảm mà các tướng lĩnh, các nhà khoa học, nhân sĩ trí thức, các nhà văn, nhà báo dành cho Đại tướng trong cuốn sách, gia đình càng thấu hiểu và trân trọng những đóng góp của Đại tướng trong suốt cuộc đời mình. Gia đình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình, dòng họ để xứng đáng với những gì Đại tướng đã để lại.