(Thứ ba, 12/03/2019, 08:42 GMT+7)

THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC

BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG

 

BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG

TRÊN ĐẤT THÁI BÌNH

 

 

                                                                          Tiến sĩ Phạm Minh Đức

                                                 (Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Bình)
 

Gian thờ Phùng Hưng tại đình làng Phú Chử, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, Thái Bình    

             (Đại tự ghi: Phúc thần sinh tồn)
 

     Nước ta từ khi bị nhà Hán (Trung Hoa) xâm lược, từ Hán, Ngô, Lương đến Tùy, Đường thay nhau cai trị và đều thực hiện chính sách cai trị tàn bạo nhằm xóa bỏ đất nước ta, xóa bỏ dân tộc ta. Trải hơn một nghìn năm Bắc thuộc với ý chí kiên cường, tinh thần đấu tranh bất khuất, nhân dân ta đã làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, dân tộc ta vẫn bảo tồn và giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt (Lạc Việt và Âu Việt). Ngay từ những năm 40 đầu Công nguyên theo lời kêu gọi của bà Trưng dân ta đã đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Hán. Thế kỷ thứ III bà Triệu khởi nghĩa chống nhà Ngô. Thế kỷ thứ VI Lý Bí khởi nghĩa chống lại nhà Lương. Đuổi được giặc Lương, Lý Bí xưng đế, lập nước Vạn Xuân. Nhà Tiền Lý và nước Vạn Xuân đã bảo toàn được nền độc lập dân tộc hơn sáu mươi năm (541-602). Thế kỷ thứ VII có cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, cuối thế kỷ thứ VIII lại có cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng. Về cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng sách Đại Việt sử ký toàn thưghi tóm tắt: “Tân Mùi (791). Mùa xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng góp nặng. Mùa hạ, tháng 4 người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe có thể vật trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-790) đời Đường Đại Tông nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hải hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hải xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình… dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn đem quân vây phủ, Chính Bình lo sợ, phẫn uất thành bệnh mà chết. Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết. Con là An tôn xưng là Bố Cái Đại vương…Vương thường hiển linh, dân cho là thần, làm đền thờ…”

(Sđd tập I, trang191Nxb KHXH-Hà Nội 1998).

      Cũng theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư mãi đến năm Qúy Mùi (803) nhà Đường cử Triệu Xương sang làm Thái thú Giao Châu thì “loạn mới yên” (Sđd tập I, trang 192). Nếu tính từ khi cuộc khởi nghĩa nổ ra và đến khi kết thúc thì khởi nghĩa do Phùng Hưng lãnh đạo đã diễn ra hơn mười năm (791-803).

     Xưa nay khi nói về cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng, sử sách chỉ nói về việc ông tập hợp quân nghĩa trong vùng đánh chiếm rồi làm chủ Tống Bình, không nói đến ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa ấy với toàn cõi Giao Châu nhưng ở Thái Bình hiện có hai làng Lộc Điền và Phú Chử  thờ ông. Theo dân gian thì Phùng Hưng đã xây thành, đóng đồn binh ở làng Phú Chử, lấy vợ người làng Lộc Điền.

     Vào những năm đầu thế kỷ XXI khi đi khảo sát thực tế để viết sách “Đất và người Thái Bình”, chúng tôi đã nghe dân gian kể lại: Đô úy Cao Chính Bình dẹp được Mai Thúc Loan, bắt dân đóng góp nặng. Năm 791 dân Giao Châu lại nổi dậy, Phùng Hưng dấy quân từ Đường Lâm (Sơn Tây) đánh thành Tống Bình. Cao Chính Bình sợ phát ốm mà chết. Phùng Hưng và  Phùng Hải vào thành tự quản lý các châu huyện. Bấy giờ người Chà Và, Côn Lôn vẫn vào cướp phá ven vùng Chu Diên, đích thân Phùng Hưng đã về đánh giặc, xây đồn ở Phú Chử (Việt Hùng, Vũ Thư) để giữ vùng hạ lưu trấn giữ cho Tống Bình, rồi cử Phùng Lã Tu ở lại giữ đồn Phú Chử. Theo khảo tả của các cụ cao niên, thành đồn có hình vuông mỗi chiều rộng khoảng 200m, đế rộng độ 4m, cao độ 3m, khu đất thành đồn rộng đến trên 10 mẫu Bắc bộ. Các triều đều coi là đất cấm, đến trước năm 1945 thành đồn vẫn còn cao độ 1,2m đến 1,5m, dấu tích còn mãi đến thập kỷ 60, thế kỷ XX mới bị san thành ruộng. Thành đồn của Phùng Hưng được xây dựng gần cửa Vàng (Tuần Vường) nơi ngã ba Đại Hoàng giang (sông Hồng) mở chi lưu Tiểu Hoàng giang (sông Trà Lý). Đây là cửa ngõ quan trọng để vào Long Biên, Tống Bình, Đại La ngày ấy và sau này là Thăng Long. Nơi đây sóng cao ngàn tầm, dân gian đã ví: “Một trăm cửa bể phải nể cửa Vàng (Vường)”.

        Phùng Hưng mất, con là Phùng An không giữ được nghiệp của cha, bị Đô hộ Triệu Xương vây hãm phải đầu hàng. Phùng Lã Tu cố giữ cửa Vàng và hy sinh. Trong thời gian làm vua, Phùng Hưng đã ban phát ân uy cho vùng Thư Trì, Chu Diên, sau ngày vương mất, dân các làng Phú Chử, Lộc Điền thụ ân lớn, đều lập đền thờ ông và thờ cả Phùng Lã Tu (xưa hai làng có ba đình, ba miếu, nay còn hai đình, ba miếu).

     - Tư liệu Hán Nôm hiện lưu giữ ở làng Bổng Điền, làng Phú Chử (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) lại viết:

         “Năm 763 nhà Đường cử Cao Chính Bình sang làm Thái thú đô hộ An Nam (tên nước ta thời ấy), Cao Chính Bình là tên quan đô hộ rất bạo ngược, hà khắc, dân ta khốn khổ trăm điều vì thuế khóa và tạp dịch nặng nề. Phùng Hưng mộ binh, tích trữ lương thảo nổi dậy khởi nghĩa. Dân chúng khắp vùng hưởng ứng, tôn ông là Đô Quân; em ông là Phùng Hải được tôn làm Đô Bảo. giúp việc mưu lược có Đỗ Anh Hàn. Nghĩa quân kéo về bao vây thành Tống Bình, Cao Chính Bình chống đỡ không nổi, sợ hãi rồi sinh bệnh mà chết. Phùng Hưng vào thành nắm quyền trị nước, ở ngôi được 7 năm thì mất, con là Phùng An lên kế vị, tôn cha làm Bố Cái Đại Vương. Chưa đầy năm, nhà Đường sai Triệu Xương sang đánh, dụ Phùng An ra hàng. Nước ta lại rơi vào tay nhà Đường”.

        Truyền thuyết về Phùng Hưng còn kể: “Lúc ấy ở đất Đường Lâm, có một vị quan họ Phùng, tên là Bá, vợ tên là Cái, được vua Ngô phong chức quan coi đất và đạo quân Nam Hạ, ngài làm quan triều Ngô, đến năm 40 tuổi vẫn chưa có con trai nối dõi tông đường. Một hôm ông than với Thái bà rằng: Ta từ trẻ đến lúc bạc đầu lúc nào cũng làm việc nhân nghĩa, không thay đổi lòng lúc sóng gió… Hay ta thử đi cầu tự xem sao? Nói rồi, ông sắm sửa lễ vật, cùng bà đến chùa trên núi Yên Tử, ở Hải Đông bái cầu xin Phật, Thánh cho con. Tự nhiên thấy trời sầm tối lại, hai ông bà liền nằm lại gần án tiền, mơ màng ngủ thiếp đi. Khoảng giữa canh hai trong lúc mơ, ông bà thấy trong chùa rực rỡ ánh hào quang, Phật ngồi trên trước điện hỏi rằng: Hai vợ chồng nhà ngươi đến có việc gì? Ông bà thưa rằng: vợ chồng chúng con năm nay đã cao tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi tông đường. Kính mong trời đất cho nam tử nối dõi. Kính mong Phật Thánh thiên thần ban cho thì thật là đại phúc. Phật Thánh bằng lòng bảo sẽ cho nam tử đầu thai vào nhà Bá công, sau sẽ là Bá Vương thiên hạ! Lúc ấy ông bà bỗng nghe thấy trời có tiếng sét đánh, hai ông bà đều tỉnh giấc, bà hỏi ông mộng lạ vừa thấy, ông nói rằng: chắc trời đất, Phật Thánh sẽ ban cho nhà ta đất lành chim đậu, đất thiêng nẩy sinh những anh hùng. Ông bà liền sắm sửa lễ tạ rồi trở về quê quán.

       Về nhà, một đêm bà mơ thấy một con hổ vàng từ trên núi xuống chui vào bụng, sau đó bà có thai. Sau khi đủ năm đủ tháng, đến ngày sinh, bà sinh ra một bọc, nở ra một chàng trai mặt vuông, tai to, thân đỏ như son, bụng có vân mây, lại có chữ “Bố Cái Đại vương thiên thần, tế thế an dân”. Trong lúc ngài sinh, phòng sản lúc ấy tự nhiên thấy mây vàng từ trên trời bay xuống, hoàng quang sáng chói cả sản phòng. Hôm ấy là ngày mồng 10 tháng giêng năm Bính Ngọ. Một trăm ngày sau khi sinh, ngài đã nói năng rõ ràng. Bá Công liền đặt tên cho ngài là Hưng. Ngài chưa học mà đã biết chữ. Năm 16 tuổi, ngài cao lớn, khỏe mạnh, một tay xách nổi trăm cân, từng nắm sừng đẩy được hai con trâu mộng đang húc nhau, dùng búa sắt giết hổ; lại mưu trí, bản tính hào hiệp, quảng đại, thường giúp đỡ người nghèo hèn yếu.

     Khi ấy nước ta bị người Tầu cai trị, chúng làm mưa, làm gió, hà hiếp bóc lột nhân dân… Ngài đã hô hào nhân dân đứng lên khởi nghĩa, người theo về có đến hàng vạn, quân tiến như chẻ tre, phá hủy các trận thế của giặc, giải phóng thành Long Biên, ngài lên làm vua, xưng là Bố Cái Đại vương.

       Một hôm ngài đi đến phủ Kiến Xương, huyện Thư Trì, làng Lộc Điền, nhân dân mang trâu bò, gà lợn làm lễ đón. Ngài bèn cho quân dừng lại ba bốn ngày, vào thăm hỏi dân chúng.

       Thôn Lộc Điền lúc ấy có một nhà khá giả, họ Nguyễn, tên Thành, vợ họ Lê, thường gọi Hoan Nương, người cùng làng. Một hôm bà Hoan nằm mơ thấy mình bay lên cung trăng, bẻ lấy hai cành quế rồi trở về, sau đó bà có thai. Bà mang thai đến 11 tháng thì sinh ra được một bọc, nở ra hai người con gái rất xinh đẹp. Bố mẹ đặt tên là Hồng Loan Nương và Nhị Nương.

       Thấm thoát đông qua, xuân lại, ngày tháng thoi đưa, hai người mau lớn, năm 16 tuổi người đẹp như sao băng, mặt đẹp như khuôn trăng, miệng cười như hoa nở, tính nết đoan trang… Lúc ngài Hưng gặp hai nàng, tưởng như lạc vào cõi tiên nga. Ngài hỏi thăm dân chúng, sau vào nhà họ Nguyễn xin hỏi làm vợ. Ngài lập bà chị làm Hoàng hậu, người em làm Phi. Ngài lại cho quân sĩ cùng nhân dân xây một hành cung, lưng quay về phía bắc, mặt quay về phía nam, để hai bà ở đó rồi ngài đem quân về triều…

Ngài ở ngôi được hơn bẩy năm, một hôm ngài đi chơi đến phường Thịnh Quang thấy trời đất tối sầm lại, rồi mưa to gió lớn. Ngài không có bệnh mà mất, hôm đó là ngày mồng 10 tháng 4. Mộ ngài mối kiến đùn lên rất to. Lúc ấy ở làng Lộc Điền có hơn mười người theo đi đưa ngài về làng, sửa sang cung sở ở thành từ miếu rước chân nhang ngài và mỹ hiệu về thờ ngài. Nghe tin ngài mất Loan Nương và Nhị Nương không bệnh mà mất, cùng thủ tiết với ngài. Từ đó truyền rằng ngài rất linh ứng.

      Các triều Đinh, Lê, Lý, Trần sau này hay cầu đảo, cầu gió được gió, cầu mưa được mưa. Ngài anh linh hiển ứng, các triều sau gia phong mỹ tự Thượng đẳng Phúc thần. Chuyện đã qua, kỳ tích này là bất hủ. Lê triều ban phong cho ngài là “Phùng Bố Cái uy dũng tế thế an dân đại vương”.

       Truyền thuyết và tư liệu lịch sử trên khảng định Bố Cái Đại vương Phùng Hưng đã ở Thái Bình. Kết luận trên là có cơ sở vì đất đai Thái Bình do phù sa bồi lắng, rất màu mỡ, gần hai mươi thế kỷ từ đầu công nguyên đến đầu thế kỷ XX Thái Bình luôn là miền hội cư của nhiều luồng dân cư trong nước. Thái Bình lại là vùng đất bị giới hạn bởi ba mặt sông, một mặt biển, trong đồng thì sông ngòi chằng chịt. Vị trí ấy xưa có tầm chiến lược rất quan trọng, nhiều thủ lĩnh khởi nghĩa chống xâm lược, chống phong kiến đã lấy Thái Bình làm nơi tụ binh, dấy nghĩa. Các sông lớn ở Thái Bình đều là cửa ngõ từ biển vào kinh đô và ngược lại, vị trí ấy không chỉ thuận tiện cho người Việt mà kẻ thù xâm lược từ ngoài biển cũng tiến quân theo đường này vào nước ta. Sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” của tác giả Đào Duy Anh dẫn lại sách “Thủy kinh chú”cho biết khi Mã Viện vào Giao Châu đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng (năm 43) một cánh quân của Mã Viện từ cửa sông Giữa (sông Thái Bình) tức cửa sông Hoá vào Ngải Am (Vĩnh Bảo) qua sông Luộc ra sông Hồng ở cửa Hàm Tử rồi vào Giao Châu.

      Ngược dòng lịch sử, năm 40 đầu công nguyên khi hai bà Trưng khởi nghĩa, Thái Bình có hơn 30 thủ lĩnh đã lãnh đạo nhân dân hưởng ứng, nay đền thờ các tướng súy ấy đều nằm ven các sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý và một số sông nội đồng.

      Thế kỷ thứ VI, Lý Bí đã lấy vùng sông nước, đầm lầy Thái Bình để tụ nghĩa chống lại nhà Lương, Thái Bình hiện còn trên sáu mươi đền thờ Lý Bí, Hoàng hậu và các tướng súy của vua. Hơn một ngàn năm trước, khi Đinh Bộ Lĩnh đến làm con nuôi Trần Minh Công, tựa dựa vào Bố Hải Khẩu để dẹp loạn 12 sứ quân, sử sách đã từng ghi nhận vùng đất này “dân đông, thóc nhiều”. Thế kỷ XV sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi cũng ghi: “Trấn Sơn Nam đất tốt, dân đông, các triều phí dụng nuôi quân đều lấy ở đấy”.Cuối thế kỷ XVIII trong lúc phò Lê Chiêu Thống bôn ba cần vương, Đồng Bình Chương sự  Trương Đăng Qũy quê xã Thanh Nê (nay là thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương) đã nói về thế mạnh kinh tế, quân sự của trấn Sơn Nam, của Thái Bình: “Trấn Sơn Nam đất tốt, dân đông, đinh tráng có thể luyện làm quân lính, thóc gạo có thể trưng làm lương thực, sông ngòi chằng chịt như mạng nhện, cưỡi một chiếc thuyền bỏ chỗ nọ đến chỗ kia, chẳng ai còn biết lối mà tìm” (Hoàng Lê nhất thống chí).

     Phùng Hưng không xây dựng căn cứa khởi nghĩa ở Thái Bình nhưng để giữ Tống Bình, giữ Giao Châu, Phùng Hưng đã dựng thành đồn, đóng quân ở Thái Bình, lấy vợ người Thái Bình. Sau ngày ông mất, dân làng Phú Chử, Lộc Điền lập đền thờ, tôn ông là thành hoàng. Đền thờ ông xưa được dựng ở ngoài đê, năm Thành Thái năm thứ 10 (1897) dân làng Phú Chử đã xây dựng đình vào phía trong đê, đình ấy nay vẫn còn, vẫn được tu bổ, tôn tạo, giữ gìn sạch đẹp.

      Hàng năm vào ngày 10 tháng 11 nhân dân Phú Chử đã tổ chức lễ hội để tưởng nhớ về Bố Cái đại vương Phùng Hưng và tướng Phùng Lã Tu. Những năm được mùa “Phong đăng hòa cốc” lễ hội  thường diễn ra trong ba ngày (10-12). Phần lễ có rước kiệu quanh làng, sau về đình tế lễ, lễ vật gồm có xôi, gà, thủ lợn, hoa quả... Phần hội có hát ca trù, hát, diễn chèo, thi vật, đi cầu kiều, bắt vịt... Ngày hội dân làng tham gia rất đông. Ngày nay, dân thường tế lễ dâng hương trong một ngày.

Đình làng Phú Chử - nơi thờ Bố Cái đại vương Phùng Hưng