(Thứ ba, 11/05/2021, 09:38 GMT+7)

Có lẽ trong lịch sử thi ca hiện đại, Phùng Quán là thi sĩ đầu tiên tuyên chiến với cái mà bây giờ chúng ta gọi là quốc nạn tham nhũng. Chúng nảy nòi, sinh sôi như dòi bọ. Lời kêu gọi thống thiết và tiếng thét xung phong này của Phùng Quán liệu có phải là sớm quá không, nhưng ông xem đó là tiếng gọi của nhân dân.

"Trong cõi ba nghìn thế giới đều ở một cõi vi trần - cõi bụi. Đập cõi vi trần ra thì thấy kinh nhà Phật" (Kinh Phật)
 
Năm 2007, Phùng Quán được trao giải thưởng nhà nước về văn học. Người ta rút trong di cảo của ông để in tập hồi ký Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào; kể về chuyện đã vật vã và với ý chí xông lên trời khi viết Vượt Côn Đảo. Trong bài viết chưa đầy 3 trang nói là thay lời giới thiệu có tiêu đề "Nhớ Phùng Quán" của Vũ Tú Nam, tôi ngạc nhiên về sự nhàn nhạt rất phải chăng của một nhà văn sâu sắc đã viết nên thiên truyện ngắn kỳ diệu "Sống với thời gian hai chiều". Một nhà văn tôi rất yêu quý bởi từ năm học lớp hai 1960 đã được đọc Văn Ngan tướng công dí dỏm và nhiều tưởng tượng của ông. Vậy mà sau một thời gian dài tới 12 năm Phùng Quán đã ra đi sao Vũ tiên sinh vẫn dành những lời phê bình thật là nghiêm khắc như là "Vượt Côn Đảo còn sơ lược, giản đơn", rằng "sau khi viết Vượt Côn Đảo, Quán có phần bốc đồng chủ quan" khi ông ấy viết thơ tự nhận mình là người cộng sản.
 
Có nên nhắc lại như thế hay chăng khi cuốn tiểu thuyết đó là một trong hai cuốn để Phùng Quán nhận giải thưởng Nhà nước? Và khi viết nó vào hồi tháng 11, 12 năm 1954 người chiến sĩ trinh sát vừa ra khỏi chiến tranh mới buông súng đã cầm lấy bút ở tuổi 22. Và sau đấy là cuộc đời thấp thỏm đa đoan không được chính danh mấy chục năm trời. Hơn nữa hồi ký ấy thật chân thực và cảm động được rút ra từ di cảo. Nghĩa là người viết không được sửa sang gì và nhất là trong đó có nhiều trang thật ân tình dành cho Vũ Tú Nam. Đọc những trang ấy tôi hình dung Vũ Tú Nam như một ông phật sống hiền hậu. Quá thận trọng hay định kiến chăng? Vượt Côn Đảo và Phùng Quán đáng được trân trọng hơn thế.
 
Và vào năm 2007, sau 20 năm đổi mới, thời gian đã đủ trang trải cho ta có quyền không nhắc tới những điều ấy nữa. Bởi quá khứ đã được khỏa lấp bao nhiêu nỗi đau và niềm vinh quang cho thân phận một con người dám cầm lấy cây bút sống chết chỉ làm nghề viết văn phụng sự tổ quốc và nhân dân. Hơn nữa lịch sử của đất nước và những trang đời của dân tộc biết bao đổi thay dữ dội nửa sau thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ mới. Dâng lên ở đây là sự bao dung chan hòa nhân ái sau những cuộc chiến tranh và đổi thay xã hội người Việt Nam chúng ta chịu sự tổn thất vô cùng to lớn. Nhưng không có ai thất bại mà chỉ có lịch sử và nhân dân chiến thắng.
 
Phùng Quán mồ côi cha khi mới biết bò. Vào lúc thân phụ ông bị giặc Pháp tra tấn đến chết ở nhà lao Đà Nẵng. Bà mẹ ở vậy nuôi con. Năm 13 tuổi, Phùng Quán trốn nhà đi Vệ quốc đoàn. 30 năm tiếp theo, mẹ ông chẳng bao giờ được gặp mặt đứa con một ấy. Năm 1970. Ở bên kia giới tuyến, trước khi chết, bà chỉ trăng trối một lời: Hãy chôn mẹ trên một vùng đất sạch.
 
Phùng Quán sinh ở Thừa Thiên - Huế. Nhưng thần thái ông là một kẻ sĩ Bắc Hà. Tự Phùng Quán nói về mình: "Những đứa trẻ chúng tôi ở lứa tuổi 13, 14 trước ngày trốn theo Vệ quốc đoàn làm đủ nghề: giữ trâu, bán đậu phụng rang, bán báo, đánh giày… biết suy nghĩ một cách nghiêm túc về cái sống và cái chết, về danh dự và tổ quốc…" Có lẽ phẩm chất nổi trội của ông là một người nhẫn nhục, đa cảm và hay xúc động vì nghĩa lớn. Một người có bản tính xông xáo mà lãng mạn. Lại hay tự dằn vặt mình. Năm 1948 làm liên lạc - trinh sát của trung đoàn 101 Thừa Thiên do Hà Văn Lâu làm trung đoàn trưởng. Một lần được đọc bài thơ kể về một thiếu nữ Pháp làm cứu thương chết trận, Phùng Quán ngồi khóc lặng lẽ. Nước mắt giọt ngắn giọt dài rớt xuống bài thơ ướt đẫm nước sông Ô Lâu tờ báo mà Phùng Quán cầm khư khư trên tay. 16 tuổi, lần đầu tiên chàng trai mới lớn được nếm cái vị mặn chát kinh người của chiến tranh.
 
Hai năm sau - 1950, lúc 18 tuổi, tiểu đội của Phùng Quán bị phục kích. Giặc bắn hạ gần hết. Phùng Quán bị thương nặng ở chân, trời tối quá bị hụt hẫng lăn xuống một cái rãnh trồng khoai môn, đau quá ngất đi, không biết bao lâu úp mặt xuống rãnh bùn. Thè lưỡi liếm mặt bùn ẩm ướt. Vừa liếm vừa hôn lên mặt bùn. Mắt đẫm lệ…
 
Mười năm sau, 1958. Khi Phùng Quán 26 tuổi, sau vụ Nhân văn giai phẩm, khi đăng hai bài thơ trên báo Văn (Vâng chỉ 2 bài thơ thôi - "Chống tham ô lãng phí" và "Lời mẹ dặn"), phải đi lao động cải tạo. Nhiều đợt. Nhiều nơi. Thái Bình, Phú Thọ. Thanh Hóa. Hà Nam. Đến năm 1964. Đợt nào cũng gặp phải chuyện trục trặc bị cơ quan quản lý nhận xét chưa tiến bộ, chưa khắc phục được tư tưởng nhân văn, đôi khi còn có ý định ngóc đầu dậy. Số tiền trợ cấp của Hội Văn nghệ 27 đồng một tháng chỉ đủ nộp tiền ăn cho công trường. Dạo đầu về Thái Bình, đi cùng tổ 3 người. Hoàng Trung Thông làm tổ trưởng. Thêm cả Tô Hoài. Tô Hoài bảo: Ông Thông vốn là tỉnh ủy viên ở Nghệ An ra. Hồi này, chưa uống rượu mấy. Nhưng máu rượu thì sẵn. Một lần tổ trưởng Thông say. Phùng Quán giơ tay: Anh để em đỡ. Thông quắc mắt quát lên: Ông mà phải để cho "nhân văn" dắt à. Câu nói này là lần thứ hai. Lần trước ở 84 Nguyễn Du cũng xảy ra y như thế. Phùng Quán lặng im. Vẻ mặt buồn. Nhìn Thông đi ra…
 
14 năm sau. Năm 1962. Phùng Quán lấy vợ chỉ có cơi trầu dạm ngõ. Không đám cưới. Đã không thể in thiếp mời vì không ai dám in tên ông trên thiếp.
 
44 năm sau. Năm 1992. Phùng Quán về Thái Bình thăm Nguyễn Hữu Đang - Trưởng ban tổ chức ngày độc lập 2/9/1945. Đoạn đường đá từ thị xã về thôn Trà Vị, xã Vũ Công, Kiến Xương chi chít ổ gà. Gió lạnh buốt ngày áp Tết táp thẳng vào mặt. Phùng Quán vừa đạp xe vừa ngẫm ngợi miên man, thấu hiểu sự thăng trầm của kiếp người tình nguyện dấn thân vì nghĩa lớn.
 
Có lần Phùng Quán tâm sự: Ông là người bộ hành còn sót lại trên con đường không còn ai đi nữa. Có lẽ điều này không đúng. Ít nhất trong một trường hợp. Sáng mồng một Tết năm Canh Ngọ 1991, vợ chồng Phùng Quán lần đầu tiên đến chúc Tết Tố Hữu, khi ông ấy không còn chức quyền gì nữa. Lúc tiễn biệt ra cổng, nhà thơ Aragông của Việt Nam thủng thẳng nói: "Thằng Quán nó dại" rồi dừng lại để nói tiếp "mà cậu cũng dại". Đoạn đường ngắn ngủi của mùa xuân năm ấy, họ đã đi cùng một con đường, con đường trở về với nhân dân mà họ vốn đã đi chung. Cao Bá Quát có lần nói: "Bạn bè bốn biển không có ai là người vụng về. Thế mà tâm sự trăm năm biết cùng ai bày tỏ". Phùng Quán không phải sót lại một mình. Ít ra ông cũng có một người bạn thi nhân chia sẻ gánh nặng của chữ mệnh.
 
Những tình tiết phơ phất thăng trầm của một đời người trên đây được trích ra nhỏ giọt như máu chảy từ trên trang hồi ký của Phùng Quán và của những người bạn văn. Nó minh chứng cho nhân cách của một con người.
 
Đời văn Phùng Quán dài khoảng 50 năm. Nhưng có đến 30 năm từ 1958 đến 1988 - năm Phùng Quán được Hội Nhà Văn Việt Nam khôi phục hội tịch, ông viết văn chui. Ký tên khác hoặc mượn danh người khác. Năm 2007, người ta thống kê có 9 tác phẩm mượn danh người khác và khoảng 60 truyện tranh ký tên khác mới in báo và sách được. Tiểu thuyết nổi tiếng Tuổi thơ dữ dội in lần đầu 1983 cũng còn đứng tên khác. Phùng Quán nổi danh trên văn đàn chủ yếu ở tiểu thuyết Vượt Côn Đảo (1954) kể về cuộc vượt biển bằng thuyền tự chế của các chiến sĩ cách mạng và Tuổi thơ dữ dội (1983) tái hiện những chiến sĩ nhỏ tuổi Vệ quốc đoàn dũng cảm mà khí phách thời chống Pháp như những trải nghiệm của chính tác giả, của một thế hệ của đất nước thời gian lao máu lửa. Nhưng tôi muốn nói tới thơ Phùng Quán vì đấy là lý lịch thế giới tinh thần của ông.
 
Đọc thơ Phùng Quán, tôi không có mong muốn đi tìm hình bóng của một thi sĩ có sự nổi trội về biến đổi thi pháp, sự kỳ lạ của ngôn ngữ, sự đột khởi của nhịp điệu hay sự lấp lánh của hình tượng và cảm xúc. Đọc thơ Phùng Quán, ta trang trọng đọc một nhân cách làm người, một chí khí và một tấm lòng thiết tha đau đớn, trăn trở và lo toan thời cuộc. Và tuyệt nhiên ta không tìm thấy một lần trong văn chương của ông một lời nào oán hận với bất kỳ cá nhân nào. Ở đây ta chỉ gặp niềm xưng tụng thiêng liêng tình yêu Tổ quốc và nhân dân. Là bởi vì Phùng Quán đã vịn câu thơ mà đứng dậy trong lúc vết thương trừu tượng không cách gì lành được, Đã có lúc…
 
"Thơ với tôi là nước trên sa mạc
Đã từ nhiều năm nay
Tôi sống mà như chết
Cơn khát thơ thiêu đốt trái tim tôi
Tôi đã đi rao cùng thiên hạ
- Ai đổi thơ lấy máu
- Không ai đổi"
 
Đời thơ Phùng Quán, những bài thơ hay nhất của ông là những bài thơ về nhân cách con người.
 
Cuộc đời thăng trầm của ông hiện hình trong 3 giai đoạn thơ. Phùng Quán bắt đầu viết thơ giai đoạn 1952-1958. Đây là thời kỳ xung mãn nhất và có những bài thơ hay nhất. "Di chúc chiến sĩ" (1952), "Chân trời" (1954), "Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo" (1954), "Trường ca hào bình" (1955), "Tôi muốn mời đến Tổ quốc tôi" (1956), "Chống tham ô lãng phí" (1956), "Lời mẹ dặn" (1957)… Thơ Phùng Quán tràn đầy lòng tin yêu đến mức bộc trực; mãnh liệt chất lý tưởng và hoài bão cách mạng trong nhiều vần thơ khẩu khí mang tính tự sự, diễn giải, dung dị mà minh triết.
 
"Nếu tôi chết
Xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả
Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã.
… Nếu phần mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn
Xin các đồng chí đừng do dự gì hết cả
Hãy đào mộ tôi lên
Quăng xác tôi đi
Và thay vào đó một trăm cân thuốc nổ"
 
Ở giai đoạn này, Phùng Quán đã cố gắng vùng vẫy trong đổi mới nội dung phản ánh và phương pháp thể hiện của thi ca khi ông đề cập đến đấu tranh với những kẻ làm càn, tiêu máu của dân như tiêu đồng bạc giả; Những kẻ mà ông gọi là những con chó sói quan liêu nhe răng cắn thịt da Cách mạng trong khi đất nước đêm đêm không đếm hết người nghèo, thiếu cơm thiếu áo… Có lẽ trong lịch sử thi ca hiện đại, Phùng Quán là thi sĩ đầu tiên tuyên chiến với cái mà bây giờ chúng ta gọi là quốc nạn tham nhũng. Chúng nảy nòi, sinh sôi như dòi bọ. Lời kêu gọi thống thiết và tiếng thét xung phong này của Phùng Quán liệu có phải là sớm quá không, nhưng ông xem đó là tiếng gọi của nhân dân, của những mẹ già, em trai, chị gái… còng lưng rỏ máu trên mảnh đất hoang tàn đầy thép gai, trên vành đai của chiến tranh còn chưa nguội lửa.
 
"Trung ương Đảng ơi!
Lũ chuột mặt người chưa hết
Đảng cần phải lập những đội quân trừ diệt
Có tôi!
Đi trong hàng ngũ tiên phong"
 
Thật đáng quý tấm lòng ấy! Hồn thơ ấy vẫn như vang vọng và có ý nghĩa xiết bao đến tận bây giờ với tất cả dũng khí và tinh thần của một người chiến sĩ.
 
Bài thơ "Lời mẹ dặn" thực ra là một lời hứa phải làm một người chân thật, thể hiện đạo đức của một người cách mạng. Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét. Những vần thơ viết những năm sau hòa bình ấy, Phùng Quán đã kế thừa được thành tựu thơ tự do không vần của thi ca kháng chiến chống Pháp. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Phùng Quán cũng như Trần Dần đã mạnh dạn thử nghiệm lối thơ leo thang còn mới mẻ. "Tôi muốn mời đến thăm Tổ quốc tôi" (1956), "Trường Ca hòa bình" (1955). Tuy chưa phải là đặc sắc nhưng có được những câu thơ lay động tình người.
 
Đó là hình bóng mẹ ngày xưa xa khuất.
 
"Phía chân trời kia.
mẹ tôi,
đôi mắt buồn sông Hương
Ngày ngày lên ga
chờ đứa con độc nhất…"
 
Đó là người Việt Nam như một niềm tin yêu của phẩm giá con người mà rất đời thường. Rất thật.
 
"Dân nước tôi
hay cười khi đang khóc
Lành như cơm
gan góc đến dị thường.  
Đó là lòng nhân hậu vô song của những bà mẹ già Việt Nam trước tù bình Pháp.
Có những bà mẹ già
cho tù binh hồi hương về tổ quốc
Nắm bàn tay
đã giết con mình
mà khóc"
 
Tiếc thay. Hai bài thơ nằm trong số những bài thơ hay nhất lại dẫn Phùng Quán đứng chân vào con đường Nhân văn giai phẩm và phải bị xử lý.
 
Sau đấy từ khoảng 1959 đến 1980, sáng tác trong khoảng 20 năm đó ít có thành tựu. Phần nhiều tự sự nôm na, diễn giải và bình dân hóa. "Bài thơ ru con trai của bà mẹ công nhân kiến trúc" (1959), "Bài thơ ru con gái…" (1959), "Quà tặng anh bộ đội" (1959). Kể cả cụm những bài thơ minh họa cho các bức tranh con vẽ. Không ghi năm sáng tác. Thậm chí, một số bài viết về hoa cỏ nữa… Hồn thơ ông như ngẩn ngơ khép lại. Mặc dầu vậy, đây đó vẫn còn ẩn giấu đôi vần xúc động. Ví như bài "Mời rượu" viết về núi Ba Vì.
 
"Tôi thì làm thơ bác làm núi
Nhớ nhau tưới rượu xuống Hồ Tây"
 
Hay một chút tội nghiệp nhu mì khi ngẫm về thơ, đến nỗi chưa nghĩ được đề.
 
"Thơ anh
cánh chim, bay dài không nơi đậu
Một sớm đỗ nhờ
Hót khúc hót buồn
Rồi bay đi…"
 
Bước vào những năm sau 1980 đến khi tạ thế 1995, Phùng Quán chủ động làm một cuộc lột xác để trở về với thơ. Tìm lại mình trên những nẻo đường sáng tạo. Hồi ấy các cơ quan ở Hà Nội có phong trào trở về miền núi tăng gia sản xuất. Nhất là trồng sắn… Khoảng thời gian 3 năm từ 6/1981 đến 8/1984, Phùng Quán đã chủ động đến một nơi hoang dã của vùng đồi núi Thái Nguyên, sống một mình trong cái lán lợp tranh lá nứa. Gần suối có tên là Linh Nham. "Trước mặt lán đào sẵn một cái huyệt dài hai mét, nguyền rằng nếu không tìm thấy Thơ sẽ lăn xuống đó cho xong một đời". Phùng Quán đã không lăn xuống được. Tiếp theo nửa sau 1984 và 1985, trở về với Huế để tìm Thơ. Người đàn bà tóc dày, rậm hơi quăn đen như phím dương cầm chỉ là cái cớ mà cái chính là Huế đón con về Huế đổ mưa. Mưa Huế. Nắng Cố đô. Trăng hoàng Cung, đón Phùng Quán về với ngọn nguồn sáng tạo thi ca. Trăng hoàng cung là sự vùng vẫy cuối cùng cho cuộc tìm kiếm một phương thức biểu hiện mới của Thơ, phục sinh những gì đã đạt được những năm 1954-1958 và để minh chứng cho luận đề của chính ông. Với tôi "Thơ mới là tất cả. Thơ là lý lịch, là mạng sống của đời tôi".
 
Trăng hoàng cung được Phùng Quán gọi là tiểu thuyết tình 13 chương, một tiểu thuyết kì cục như chính ông ấy nói, được bà quả phụ Vũ Bội Trâm tìm trong di cảo sau 1995. Xuất bản khi Phùng Quán không còn tưới rượu xuống Hồ Tây cùng núi Ba Vì nữa. Ở đây ta gặp lại lối thơ tự do không vần rất khoáng đạt xen giữa những lời dẫn giải văn xuôi bộc trực đúng theo phong cách Phùng Quán. Với 14 bài thơ kể về một cuộc tình từ yêu thương mê đắm pha chút khờ dại đến tan vỡ đau đớn mà lại là thảnh thơi. Dù cuộc tình ấy có thật một ngàn lần đi nữa, nhưng tôi cho rằng người đàn bà dù thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt chăng nữa thì chỉ là cái duyên cớ của hồn thơ Phùng Quán mà thôi. Thực chất là cuộc trở về với quê hương, trở về với cuộc đời, với vầng trăng xứ sở để tìm lại chính con người Phùng Quán, để ông múc lên những dòng thơ cuối cùng của Giếng Thơ tưởng như đã 20 năm rồi tắc mạch.
 
Có những vần thơ tội nghiệp. Đắng cay.
 
"Bạn hữu thân thiết ơi!
Xin đừng trách cứ tôi
Sao trong câu thơ tôi cứ lẫn nhiều vị đắng”.
 
Nhưng đất mẹ quê hương đã mở rộng vòng tay đón đứa con lưu lạc. Hồ sen như gấm trải quanh hoàng cung. Trăng ở hoàng cung đẹp đến nao lòng. Những con đường khuya xứ Huế lát những phiến trăng xanh. Những phiến trăng có mùi hoa sứ. Sông Hương gió thổi chi nhiều thế? Sóng vỗ làm chi rối ruột cả hai bờ. Bến sông cố đô đá tạc thành thơ… Tôi không trách Phùng Quán cũng không trách ai đã làm nên cơ sự Phùng Quán bị dối lừa và đau đớn bởi sự tan nát khi trở về chốn cũ, nhận ra cõi thiêng không còn nữa. Không làm lại được nữa.
 
“Tôi khóc trăng - hoàng - cung bị lấm bẩn
tôi khóc không biết lấy gì để gột sạch trăng"
 
Nhưng, rồi đó chỉ là một cuộc say. Bởi vì Phùng Quán mãi, mãi mãi là Phùng Quán - Người mang đến cho thi ca Việt Nam hiện đại những vần thơ độc đáo tụng ca một cách cảm khái nhân cách làm người.
 
"Tôi có quyền gì
được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn?
Tôi có quyền gì
được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?
Tôi có quyền gì
được rộng hơn nhân dân tôi
một mét vuông nhà ở?
Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa
khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường"
 
Một thi sĩ tài danh xứ Huế bảo rằng: Phùng Quán là một con người huyền thoại. Không. Tôi không nghĩ thế. Bởi vì Phùng Quán là nhà thơ của nhân dân. Đọc thơ Phùng Quán tôi tin ở con người; tin ở văn chương. Trong cõi ba nghìn thế giới này, mỗi con người chỉ như hạt bụi theo cách của mình. Hết thảy chúng ta đều như thế. Phùng Quán cũng như thế.
 
Mùa Xuân năm Tân Sửu.

Tác giả: Khuất Bình Nguyên
Theo: lethieunhon.vn


http://www.lethieunhon.vn/2021/04/tho-phung-quan-thanh-cao-nhu-oi-phung.html