(Thứ sáu, 19/02/2016, 08:23 GMT+7)

Tôi tìm đến Khoa Hóa học để gặp thủ khoa Phùng Mạnh Quân, một trong bốn thủ khoa có số điểm cao nhất trường, thế nhưng cũng phải đến hai lần tôi mới gặp được em...

 

Đến Trường ĐHKHTN trong ngày tựu trường của sinh viên K50, tôi được thầy Phó trưởng Phòng Đào tạo đưa cho bản danh sách dài 14 thủ khoa kỳ thi đại học năm 2005 của trường. Thầy cho biết: “Trên danh sách là 14 thủ khoa nhưng có một số em sẽ không đến nhập học".

Tôi tìm đến Khoa Hóa học để gặp thủ khoa Phùng Mạnh Quân, một trong bốn thủ khoa có số điểm cao nhất trường (32 điểm) theo chỉ dẫn của thầy Phó trưởng Phòng Đào tạo. Thế nhưng cũng phải đến hai lần tôi mới gặp được em.

Chàng tân thủ khoa với cặp kính cận dày cộp, dáng người hơi đậm đang chờ làm thủ tục nhập học. Đáp lại lời chúc mừng của tôi, Quân cười:“Thực ra khi xem điểm trên mạng, em không dám tin mình là thủ khoa. Từ phòng thi ra, em chỉ nghĩ mỗi môn được 9 điểm là thoả mãn lắm rồi, không ngờ kết quả ngoài sức mong đợi của em".

Nói khiêm tốn thế thôi, nhưng điểm lại thành tích học tập của chàng tân thủ khoa, không ít người phải khâm phục: 12 năm liền là học sinh giỏi toàn diện, giải ba Hoá học lớp 11, giải nhì Hoá học 12 học sinh giỏi toàn thành phố Hà Nội. Ba năm cấp ba, Quân luôn đứng trong top 10 người học giỏi nhất lớp.

Học giỏi, hiền lành và có vẻ ít nói, các bạn trong lớp đặt cho Quân biệt danh là... "Quân rùa" như con rùa trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài. Không hiểu có ai đọc chệch thành "Quân ruồi", thế là cái biệt danh "Quân ruồi" theo cậu từ đó.

Là học sinh giỏi toàn diện nhưng niềm đam mê của Quân giành nhiều hơn cho môn Hoá học. Cứ lên thư viện trường là thấy Quân "ngấu nghiến" với những cuốn sách hoá học. Có bao nhiêu tiền tiết kiệm, Quân giành vào việc mua đồ thí nghiệm. Bây giờ thì cậu đã có một gốc để làm thí nghiệm nho nhỏ trong phòng học thoả mãn những đam mê của mình. Ngoài thời gian học tập, lúc rảnh rỗi là Quân vùi đầu với những ống nghiệm, những hoá chất tự bỏ tiền ra mua. Và cũng tự tìm niềm vui với những phản ứng hoá học, tự sung sướng với những kết quả thí nghiệm thu được, bổ sung vào kho kiến thức phong phú về Hoá học của mình. Quân còn nhớ năm lớp 10 làm thí nghiệm về diệp lục của lá. Cho lá vào cồn rồi đem đun sôi. Đang chăm chú chờ đợi kết quả thì ống nghiệm nổ, cồn chảy lênh láng khắp phòng và… bốc cháy. Bố mẹ được một phen tá hoả còn Quân thì được một kỷ niệm để đời về niềm đam mê với những ống nghiệm.

Mê Hoá học, học giỏi Hoá học, Quân thành học trò cưng của cô giáo dạy Hoá. Những bài giảng về Hoá học, những bài thí nghiệm lý thú của cô đã tiếp thêm niềm đam mê cho cậu học trò giỏi.

Cầm giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông loại giỏi bước vào kỳ thi đại học, cũng như nhiều thí sinh khác, Quân làm hai bộ hồ sơ: một vào ĐHKHTN - ĐHQGHN, một vào Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và đậu cả hai. “Lúc đầu ý định của em là thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng cô giáo dạy Hoá lại hướng em vào Khoa Hoá - Trường ĐHKHTN để có nhiều điều kiện đi sâu hơn vào nghiên cứu sau này". Thế là chàng học sinh giỏi hoá lớp 12 A4 trường THPT Thăng Long Hà Nội tiếp tục với niềm đam mê từ thời cấp hai.

Tâm sự về bí quyết học tập của mình, Quân cho biết: "Em không học nhiều đâu, nhưng khi học thì phải tập trung. Những lúc học ở nhà em không mấy khi làm vào giấy mà thường viết lên bảng. Em không ủng hộ việc thức khuya. Trong thời gian ôn thi, lúc kịch nhất em cũng chỉ thức được đến 11 giờ, còn bình thường thì 10 giờ rưỡi là em đã lên giường rồi".

- Ước mơ của thủ khoa trong ngày tựu trường là gì? "Trước mắt em sẽ phải học cật lực để theo kịp với các bạn học sinh giỏi quốc gia trong lớp. Sau đó em sẽ cố gắng để giành được suất học bổng du học. Đó là cơ hội để nâng cao kiến thức cho bản thân. Khi ra trường, em hy vọng là mình có đủ điều kiện để được giữ lại làm giảng viên của trường hoặc được nhận vào một viện nghiên cứu".

- Em có ước trở thành nhà quản lý không, hiệu trưởng của một trường đại học chẳng hạn? “Có chứ, trước mắt em sẽ ứng cử vào chức lớp trưởng. Em nghĩ mình có thể trở thành một lớp trưởng tốt thì cũng có thể trở làm được một hiệu trưởng hoặc một viện trưởng tốt".

Trong những ngày tuổi trẻ cả nước đang sôi nổi với tinh thần “Tiếp lửa truyền thống - mãi mãi tuổi 20" từ hai cuốn nhật ký của hai liệt sĩ trẻ tuổi Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm, thủ khoa ĐHKHTN cũng có những suy nghĩ rất chân thành và cao đẹp về lý tưởng của tuổi trẻ: "Em nghĩ tuổi trẻ cần phải có những ước mơ lớn lao, đừng sợ những ước mơ đó không thể trở thành hiện thực được. Các bạn hãy ước mơ đi, hãy tìm cho mình một lý tưởng và sống hết mình vì lý tưởng đó thì sẽ có quyết tâm vươn tới những dự đinh và của mình".