(Thứ bảy, 23/01/2021, 09:52 GMT+7)

   Vừa qua, Hội thảo Khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, Cuộc đời và Sự nghiệp đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các vị tướng lĩnh, nhân sĩ trí thức trên toàn quốc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài Tổng thuật và 10 bức ảnh lịch sử của Thượng tướng Phùng Thế Tài với lãnh đạo Đảng, Nhà nước:
 

TỔNG THUẬT HỘI THẢO KHOA HỌC
“THƯỢNG TƯỚNG PHÙNG THẾ TÀI
THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP”

 

Nhà báo Thu Hòa

 
   Ngày 19 tháng 12 năm 2020, tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân, thành phố Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Hội đồng họ Phùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920-2020).
   Tới dự Hội thảo có Thượng tướng Phạm Thanh Ngân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Phó chủ tịch Quốc hội. Đại tướng Phùng Quang Thanh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Tham dự Hội thảo có Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - nguyên Phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (khi Phùng Thế Tài làm Tư lệnh); Thượng tướng Phương Minh Hòa - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Tư lệnh, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân; Trung tướng Phạm Văn Long - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Đức Soát - nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng - nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân; Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân; Trung tướng Khuất Duy Tiến - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 - nguyên Cục trưởng Cục nhà trường - nguyên Hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục quân I; Trung tướng Phí Quốc Tuấn - nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Trung tướng Mai Hồng Bỉnh - nguyên Cục trưởng Cục tuyên huấn; Trung tướng Nguyễn Kim Cách - nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương; Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - nguyên Chính ủy Quân đoàn 1 - nguyên Cục trưởng Cục tổ chức - nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu; Trung tướng Đặng Nam Điền - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng - nguyên Chính ủy Học viện Hậu cần; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật; Thiếu tướng Hoàng Kiền - nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Công binh; Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng - nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Lịch sử Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô - nguyên Cục trưởng Cục Ma túy - Bộ Tư lệnh Biên phòng; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Quốc phòng; Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện - nguyên Phó Cục trưởng Cục tuyên huấn; Thiếu tướng Trịnh Đình Thắng - nguyên Phó Chính ủy trường Sĩ quan Chính trị; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam… cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo, đại diện Hội đồng họ Phùng Việt Nam, gia đình Thượng tướng Phùng Thế Tài cùng nhiều đại biểu tham dự Hội thảo.
   Trung tướng Phùng Khắc Đăng - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam và Phó giáo sư - Tiến sĩ Đào Duy Quát - nguyên Phó trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đồng chủ trì Hội thảo. Đoàn thư ký Hội thảo: Nhà văn Phùng Văn Khai - Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam và Đại tá Nguyễn Quốc Lim - Cán bộ Cục tuyên huấn Tổng cục Chính trị.
   Về phía Quân chủng Phòng không - Không quân tham dự Hội thảo có Thiếu tướng Bùi Tố Việt - Phó Chính ủy Quân chủng.
Trong diễn văn khai mạc Hội thảo khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, Phó giáo sư - Tiến sĩ Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã nhắc tới những sự kiện lịch sử của đất nước gắn với thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thượng tướng Phùng Thế Tài. Đó là sự kiện lịch sử Hồ Chủ tịch về nước năm 1941 kịp thời lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Đó là sự kiện Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh ngày 2 tháng 9 năm 1945 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là sự kiện Toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Đó là công cuộc đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở các sự kiện lịch sử trên, đều có sự tham gia, đóng góp công sức, trí tuệ của Thượng tướng Phùng Thế Tài. Đó cũng là một điều đặc biệt thể hiện sự tin cậy của Đảng, Bác Hồ, quân đội và nhân dân dành cho Thượng tướng Phùng Thế Tài. Đúng như lời khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thượng tướng Phùng Thế Tài là một đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện, trưởng thành từ chiến sĩ trở nên một vị tướng có tài của quân đội ta”.
   Thượng tướng Phùng Thế Tài (tên thật là Phùng Văn Thụ) từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội: Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phùng không - Không quân... Ông được đánh giá  là một vị tướng độc đáo, một nhà quân sự tài năng, một học trò nổi trội về năng lực quân sự của Bác Hồ. Cuộc đời và sự nghiệp của Thượng tướng Phùng Thế Tài luôn gắn với những giai đoạn, sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc. Ông là một người lính quả cảm, vị Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội trong những ngày tháng cam go, khốc liệt, ngàn cân treo sợi tóc sau Cách mạng tháng Tám và  ngày Toàn quốc kháng chiến; Ông là vị tướng bảo vệ bầu trời - vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972 lịch sử; Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Phùng Thế Tài với cương vị Trung đoàn trưởng các Trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, tiếp đó là Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội đã góp sức vào chiến công của quân và dân Hà Nội trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không là công sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong đó có sự đóng góp của Thượng tướng Phùng Thế Tài khi đó là Phó tổng Tham mưu trưởng đặc trách Quân chủng Phòng không - Không quân; và trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, với vai trò đốc chiến các cánh quân, Thượng tướng Phùng Thế Tài đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quyết định sự thần tốc, táo bạo, quyết thắng mà Đảng ta đã chỉ đạo.
   Tại hội thảo, Trung tướng Phùng Khắc Đăng đãkhẳng định: Hội thảo Khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp là hoạt động hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự kính trọng và biết ơn tới các vị tiền bối cách mạng, các vị tướng lĩnh, danh nhân có đóng góp lớn trong thời đại Hồ Chí Minh; qua đó đưa ra những thông điệp, những bài học lịch sử cụ thể, góp phần định hướng, giáo dục thế hệ trẻ noi theo. Hội thảo cũng là dịp để các nhà nghiên cứu lịch sử có điều kiện tìm kiếm, rà soát lại, mở rộng các biên độ tiếp cận nhằm nâng cao nhận thức toàn diện về các nhân vật, sự kiện lịch sửcụ thể, góp phần xây dựng nền tảng khoa học cho việc đánh giá các sự kiện lịch sử vững chắc hơn khi thời gian ngày càng lùi xa.
   Trong tham luận “Thượng tướng Phùng Thế Tài - những câu chuyện từ thực tiễn chiến tranh”,Trung tướng Khuất Duy Tiến đã xúc động ôn lại những kỷ niệm gắn bó của mình với Thượng tướng Phùng Thế Tài-người anh, người chỉ huy trực tiếp của ông. Qua lời kể của Trung tướng Khuất Duy Tiến, chân dung Thượng tướng Phùng Thế Tài là người hết sức sâu sát, tỉ mỉ, quyết đoán và đặc biệt thẳng thắn, chân thành, hòa đồng với cấp dưới, cũng rất sâu sắc và mưu lược.
   Thượng tướng Phương Minh Hòa đi sâu vào những đóng góp của Thượng tướng Phùng Thế Tài trong chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên khôngtháng 12năm 1972. Trên cương vị Tư lệnh  đầu tiên của quân chủng còn non trẻ của Quân đội, Thượng Tướng Phùng Thế Tài  đã cùng các chỉ huy của Quân chủng Phòng không-Không quân, lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Ông vẫn được gọi là “Vị tướng của tháng 12 lịch sử”.
   Hội thảo cũngđã nhận được nhiều tham luận về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Thượng tướng Phùng Thế Tài với sự nghiệp cách mạng và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có tham luận của Đại tướng Phùng Quang Thanh “Thượng tướng Phùng Thế Tài - người cộng sản  kiên trung, vị tướng tài ba của quân đội ta” đã khái quát và nêu bật những đóng góp  to lớn, tiêu biểu, quan trọng nhất, những ghi nhận của Đảng, Nhà nước và quân đội với Thượng tướng Phùng Thế Tài; tình cảm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, quê hương và cá nhân Đại tướng Phùng Quang Thanh với Thượng tướng Phùng Thế Tài. Nhiều tham luận là những bài viết xuất sắc, mới mẻ, xúc động nhưng hết sức khoa học, dựa trên những nguồn tư liệu chính thống, đáng tin cậy, để từ đó hiện lên chân dung Thượng tướng Phùng Thế Tài dưới lăng kính khoa học lịch sử và xã hội nhân văn.
   Thượng tướng Phùng Thế Tài đã đi xa, nhưng vẫn còn vẹn nguyên đó tài năng và nhân cách, trái tim và ngọn lửa của người học trò yêu quý của Hồ Chủ tịch. Hội thảo không chỉ là dịp nhìn nhận, đánh giá, khẳng định vai trò, vị trí của vị tướng tài ba của quân đội mà còn là dịp để mỗi chúng ta phấn đấu, trưởng thànhhơn trong đòi hỏi mới của sự nghiệp cách mạng-như lời Trung tướng Phùng Khắc Đăng khẳng định.
   Ở phần kết luận Hội thảo, Phó giáo sư - Tiến sĩ Đào Duy Quát đã khát quát rất sâu sắc các tham luận khoa học của các vị tướng lĩnh, giáo sư, tiến sĩ đã trình bày tại Hội thảo và các tham luận được lựa chọn, biên tập in trong Dự thảo Kỷ yếu. Với 34 tham luận đã bao quát toàn bộ thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thượng tướng Phùng Thế Tài. Nhiều tư liệu mới, quý giá được các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu kỹ là những bằng chứng khoa học để chúng ta có điều kiện tiếp cận rộng rãi, có cái nhìn khách quan, trung thực, toàn diện về Thượng tướng Phùng Thế Tài. Với độ lùi 100 năm, các sự kiện lịch sử được soi rọi dưới lăng kính khoa học càng khẳng định vững chắc giá trị và tầm vóc to lớn của Cách mạng Việt Nam, của thời đại Hồ Chí Minh, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phát triển sôi động, đa dạng, phức tạp và khó lường như hôm nay.
   Những đề xuất, góp ý về việc sớm nghiên cứu vinh danh đặt tên phố, tên đường, tên trường học, khu văn hóa lịch sử của các vị tướng lĩnh, các nhà khoa học thông qua Hội thảo khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cũng chính là nguyện vọng của nhân dân, chiến sĩ về ứng xử nhân văn, coi trọng các giá trị truyền thống, uống nước nhớ nguồn, biết ơn với những người có công với nước mà Thượng tướng Phùng Thế Tài là một trong số đó.
   Thông qua Hội thảo, chúng ta càng thấy rõ, trong thời đại Hồ Chí Minh, những đóng góp trí tuệ và máu xương cho Cách mạng trong công cuộc giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đều được Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta ghi nhận xứng đáng. Đây cũng là biểu hiện về sự công bằng, dân chủ, văn minh của Việt Nam chúng ta. Đây cũng chính là sự trưởng thành vững chắc của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới.
   Có thể khẳng định, Hội thảo khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp là một dấu mốc quan trọng không chỉ với vị Thượng tướng đáng kính và gia đình, dòng tộc họ Phùng mà còn có ý nghĩa sâu sắc với việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Hội thảo đã khép lại thành công đồng thời cũng mở ra những giá trị mới, niềm tin mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.


Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài và
Phó Chính ủy Phan Khắc Hy


Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài tháp tùng Hồ Chủ tịch thăm
bộ đội Phòng không - Không quân


Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài tháp tùng đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Quốc hội tới thăm Quân chủng Phòng không - Không quân


Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh; Thủ tướng Phạm Văn Đồng tham dự diễn tập CD30 năm 1981


Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài và Chính ủy Đặng Tính


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị với lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân


Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam với lãnh đạo Quân chủng
Phòng không - Không quân


Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài với các chuyên gia quân sự Liên Xô