(Thứ bảy, 16/11/2019, 08:12 GMT+7)

TIẾN SĨ PHÙNG THẢO,
MỘT TRÁI TIM MỘT CON ĐƯỜNG PHÙNG TỘC
 

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI
 

   Nói tiếp chuyện cuộc đi điền dã ba mươi sáu đình, đền, chùa, miếu để tìm hiểu và viết một tham luận Hội thảo Khoa học Bố Cái Đại vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Phùng Thảo. Điều này chắc chắn là một kỷ lục không chỉ đối với những người họ Phùng. Tham luận dày 110 trang A4 với hàng chục ảnh minh họa, khá đầy đủ hình ảnh, bản dịch các sắc phong các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đối với anh hùng giải phóng dân tộc Phùng Hưng là một kỳ công khó có người thứ hai thực hiện được. Ngay tên Tham luận:Bố Cái Đại vương Phùng Hưng - Anh hùng giải phóng dân tộc cũng phải mất hàng năm, khi đã ngấm sâu đến tận tim óc mới thấy ông thể hiện trên trang giấy. Có những chữ phải mất cả đời người mới có được là như thế. Có những chữ khi anh không đủ tài đức, không đủ sự thành tâm thành kính, không đủ bề dày thực tiễn và kinh nghiệm nó sẽ chẳng tìm đến với anh, anh biết nó cũng không dùng nổi. Đó cũng là đạo nghĩa về văn bút ở đời. Bản tham luận có tính chất xương sống của Hội thảo đã được diễn ra rất thành công tại Văn Miếu ngày 8 tháng 5 năm 2019 được đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu tâm phục khẩu phục. Nhà sử học Dương Trung Quốc, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, lãnh đạo thành phố Hà Nội, những cá nhân và đơn vị thực hiện tổ chức Hội thảo đã nắm chắc phần thắng khi có được những tham luận công phu và chất lượng đến vậy.


Tiến sĩ Phùng Thảo đi điền dã làm việc với Trưởng phòng Văn hóa Thông tin
thị xã Sơn Tây - Thành phố Hà Nội

 

   Trong các cuộc đi điền dã, Tiến sĩ Phùng Thảo luôn là người rất tỉ mỉ, cẩn trọng. Đừng tưởng những gì hiện ra ở đình đền chùa miếu đã lộ diện cả bên ngoài. Còn nhiều vỉa tầng sâu sắc ẩn tàng trong mạch ngầm văn hóa dân gian, nhất là nơi nhân dân lắm. Nếu không hết lòng tìm tòi, suy tưởng, lật đi lật lại vấn đề, đớn đau dằn vặt trong công việc, sẽ không thể có được các bài viết sâu sắc, chạm vào trái tim lịch sử, đánh thức trái tim bạn đọc được đâu. Ta phải tự thuyết phục được chính mình mới hòng thuyết phục được người xung quanh. Có những cái tưởng đã rất chắc chắn nhưng vẫn còn những hồn vía, ẩn dụ, thử thách mà tiền nhân hoặc vô tình hoặc hữu ý đặt thế hệ sau vào vị thế phải làm rõ. Lại có những chuyện mưởi mươi mà người đời hoặc bất lực về tài chính hoặc lười nhác trong việc tiến hành khiến cứ chìm lút đi. Chúng tôi đã đi Đường Lâm thực không nhớ hết là bao nhiêu lần vậy mà hôm đứng tòa hậu cung đình Đoài Giáp tôi thấy Tiến sĩ Phùng Thảo đã lặng đi, bâng khuâng khó tả khi thấy tòa đình cổ bề thế khi xưa nay chỉ còn lại gian hậu cung khiêm nhường nép bên dãy nhà dân. Nhiều câu hỏi như cùng lúc vang lên xoáy vào chúng tôi. Tại sao, có những di chỉ văn hóa lịch sử phải được lập tức tiến hành tôn tạo, phục dựng mà vẫn vô cùng ì ạch, thậm chí là lãng quên? Lúc đó, thấy đôi mắt ông se sắt khi trò chuyện với cụ thủ từ gầy guộc mà lòng tôi thắt lại. Anh Phan Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm đi cùng như thấy rõ được tâm tư của chúng tôi cũng chỉ biết im lặng. Vị Bí thư nơi đây cũng phải đầu tắt mặt tối cùng bà con thôn mạc bao nhiêu năm nay vừa coi giữ vừa tôn tạo bằng những giọt mồ hôi chát mặn của nhân dân để giữ gìn được hệ thống đình đền chùa miếu thờ tự các bậc tiền nhân. Nhiều việc muốn làm mà không sao làm được. Những sự ràng buộc, thậm chí là vô lý, thiển cận khiến nhân dân ở đây đã rất nhiều lần kiến nghị mà chỉ rơi vào thinh lặng. Chúng tôi đã từ lâu cảm thông với tâm tư và nguyện vọng của nhân dân cũng chỉ biết thầm thương nhau, gắng gỏi lắm cũng chỉ là trao tặng quyển sách quyển vở, một chút vật chất hương hoa hầu san sẻ với dân. Phần lớn vẫn chỉ là động viên về tinh thần. Đừng tưởng liệu pháp tinh thần không quan trọng. Họ Phùng vật chất dẫu đơn sơ nhưng hễ lên với bà con và chính quyền Đường Lâm, nhắc có ông Đăng, ông Thảo lên đền lập tức quây quần đầm ấm và san sẻ. 


Tiến sĩ Phùng Thảo cùng Tiến sĩ Đinh Công Vỹ (áo đỏ) và các thành viên Hội đồng họ Phùng Việt Nam trong
Lễ giỗ Đức vua Phùng Hưng tại Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Nội

 

   Cuộc ở đình Đoài Giáp ấy, sự quan hoài của vị tiến sĩ họ Phùng trước điểm thờ tự Bố Cái Đại vương Phùng Hưng còn quá sơ sài, không xứng đáng với công tích hiển hách của vị vua anh hùng đã khiến chúng tôi cảm thấy phải xiết chặt đội ngũ hơn, phải vừa có những hoạch định lâu dài vừa phải ngay lập tức bắt tay thực hành những việc cụ thể nếu không sẽ ngày càng muôn khó. Tiến sĩ Phùng Thảo là như vậy. Tôi chắc chắn rất nhiều đêm ông không ngủ. Những email gửi rất muộn. Những cú điện thoại lúc mờ sáng khi mọi người còn chìm say trong giấc ngủ đã nói lên điều đó. Có những đêm khuya, ông phải leo lên tầng cao nhất để giảm thiểu ánh sáng và tiếng động khi điện thoại trao đổi với các nhà khoa học hoặc tự mình làm việc tránh ảnh hưởng tới vợ con. Sự chăm chỉ của Tiến sĩ Phùng Thảo là một tấm gương với cá nhân tôi. Cho dù là hẹn đón ông lúc 5 giờ sáng khi mùa đông giá buốt thì 5 giờ kém đã thấy vị tiến sĩ thoăn thoắt tay cắp cặp, mũ trùm đầu, khăn quấn chặt, ngược đường gió bấc kịp thời cùng tham gia chuyến điền dã liên tỉnh với anh em. Ở cái nắng suýt soát 40 độ, vẫn với vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn ấy, ông kiểm tra từng bệ đá, đầu cột, tấm bê tông mặc kệ mồ hôi thi nhau nhỏ xuống mặt đồi đá ong cháy bỏng vùng đất Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì. Trong các chuyến công tác, thường chúng tôi họp bàn luôn khi xe vừa lăn bánh. Họ Phùng hiếm khi họp với nhau trong hội trường mà thường là trao đổi khi cùng đi điền dã, điện thoại bất kỳ đêm ngày sáng tối, luôn sử dụng lực lượng tại chỗ để thực hiện công việc được suôn sẻ. Bất kỳ là thời tiết mưa nẳng rét buốt, đám ma đám cưới vùng này vùng khác, các kỳ cuộc giỗ tổ, khánh thành, động thổ khu thờ ở các cành nhánh trên toàn quốc, khi được phân công cứ thế tự giác tự nguyện tổ chức hành quân. Tiến sĩ Phùng Thảo luôn được cử đi nhiều nhất. Không một kêu ca phiền phức, cứ được phân công là vui vẻ lên đường. Nhiều khi quá bí người, dòng họ đã phải phân công ông đi một mình, đến lái xe cũng không có. Thế mà vừa vào đến nơi đã oang oang chất giọng Hải Phòng bàn công việc với các cụ hứng khởi lắm. Tôi chưa thấy Tiến sĩ Phùng Thảo ốm nằm bệt bao giờ. Một hôm, đoàn công tác lấy làm sợ hãi khi ông xin ra nằm phía sau xe trong một chuyến đi Thái Bình. Ông bảo vừa thực hành một phẫu thuật liên quan đến vùng lưng bụng phải nằm mới bớt đau. Mọi người không muốn ông tiếp tục chuyến hành trình vì đường xa hàng trăm cây số nhưng ông vẫn khăng khăng phải đi vì đã hẹn với anh em ở cơ sở, nhất là đã hứa với Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức cuộc điền dã miếu thờ Thái phó Phùng Tá Chu ở làng Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông nói mà chúng tôi ứa nước mắt: “Cụ Đức tuổi còn cao hơn tôi, đã hẹn rồi không thể thất lễ được. Ta đi sớm về sớm chắc cũng không sao”.
   Cả đoàn công tác lặng đi trước tấm lòng và đặc biệt là trái tim của Tiến sĩ Phùng Thảo với công việc tộc Phùng.


Tiến sĩ Phùng Thảo cùng Trung tướng Phùng Khắc Đăng và Nhà nghiên cứu Phạm Minh Đức đi điền dã tại Miếu Mẽ - Mỹ Xá - Hưng Nhân - Hưng Hà - Thái Bình
 

   Tiến sĩ Phùng Thảo là người rất giỏi về công tác tổ chức. Tôi đã học hỏi được nhiều từ ông và Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Công việc của họ Phùng, nói không tên là nói vui thôi chứ tất cả đều được tiến hành hết sức khoa học và tỉ mỉ. Việc nhỏ như thể hiện một lời mời cũng phải tôn nghiêm và mực thước. Các nhà khoa học đã không quản đường sá, thời tiết, tuổi tác bao nhiêu năm nay đi với anh em tộc Phùng thì việc trân trọng từ sự đón đưa, trò chuyện, tiến hành làm việc phải hết sức chân thành và trọng thị. Dẫu rằng các vị nhân sĩ trí thức ấy, đến với các danh nhân họ Phùng không phải vì vật chất, càng không phải do Hội đồng hoạch định giao nhiệm vụ mà cao nhất chính là từ trái tim mình, lương tâm mình đã thúc giục họ đến với các vị vua, danh tướng, danh thần, danh nhân có công với nước. Vua Bố Cái Đại vương Phùng Hưng là vua chung của đất nước chứ không phải của riêng tộc Phùng. Nhà văn Hoàng Quốc Hải trong một cuộc phát biểu quan trọng tại Văn Miếu đã chỉ ra rằng: “Trung Quốc có người anh hùng đánh hổ là Võ Tòng. Việt Nam có người anh hùng tay không đấm chết hổ là Phùng Hưng. Võ công của Võ Tòng là giết chết chị dâu trả thù cho anh trai mình. Võ công của Phùng Hưng là lãnh đạo nhân dân trường kỳ kháng chiến hai mươi tư năm đánh giặc Đường giành lại độc lập dân tộc. Thế mà bây giờ, rất trăn trở, thậm chí là có tội với tiền nhân khi thế hệ trẻ dường như biết đến Võ Tòng nhiều hơn Phùng Hưng? Sự đau đớn này là do đâu? Sự thực này đến bao giờ được khắc phục và khắc phục như thế nào?”. Tất cả hội trường lặng phắc. Ai cũng thấy mình như có lỗi nhưng lỗi đến từ đâu và khắc phục như thế nào quả thật không dễ trả lời.
   Chúng tôi rất biết, Tiến sĩ Phùng Thảo cũng đớn đau và trăn trở sau những câu hỏi xoáy vào tâm can tim óc như thế lắm. Và ông, đã từ lâu lặng lẽ đi tìm câu trả lời bằng chính công việc cụ thể của mình. Âm thầm. Dằng dặc. Đối với những câu hỏi vang lên từ lịch sử, câu trả lời đôi khi phải đánh đổi bằng toàn bộ cuộc đời mình. Điều này đã khiến chúng tôi, cùng với các nhân sĩ trí thức chân chính yêu lịch sử, yêu Tổ quốc sát cánh với nhau hơn, tạo thành đội ngũ, tạo thành những đợt sóng hết lớp này đến lớp khác vừa là ra khơi vừa là trở về để tìm vẻ đẹp của tiền nhân.


Tiến sĩ Phùng Thảo, Nhà văn Phùng Văn Khai tham dự Hội thảo Phùng Văn Cung. Trong ảnh có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh (thứ 4 từ trái sang)  - Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long (nay là Phó Chủ tịch nước) cùng các nhà khoa học trên toàn quốc về dự Hội thảo
 

   Có câu chuyện tôi biết Tiến sĩ Phùng Thảo vô cùng trăn trở. Đó là khi được tộc Phùng phân công ông tham gia tổ chức Hội thảo khoa học Bác sĩ Phùng Văn Cung với Cách mạng miền Nam. Lại là những cuộc đi. Lại là những cuộc gặp nối nhau miên man ở các vùng đất trong Nam ngoài Bắc. Hẳn Tiến sĩ Phùng Thảo không thể ngờ rằng có ngày mình lại đứng trước những cuộc đời hi sinh lẫm liệt và không ít khuất lấp, sự vô tâm đến vô ơn với người có công đến thế. Bác sĩ Phùng Văn Cung là một trí thức lớn của Cách mạng miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam với những đóng góp xuất sắc trong công cuộc giải phóng dân tộc. Những gì ông và gia đình cống hiến hi sinh trong đó có cả máu xương là vô cùng lớn lao. Ấy vậy mà, vì cái gì mà người có công chưa được vinh danh xứng đáng? Chẳng lẽ trong thời đại Hồ Chí Minh vẫn tồn tại những việc không đáng có như vậy hay sao? Trong Hội thảo, tiếng nói của giới trí thức xúc động nghẹn ngào vang lên khi nhớ về công lao và đức độ của người con tộc Phùng vùng đất phương Nam. Người ngoài đau một, tôi biết Tiến sĩ Phùng Thảo đau mười. Với vị trí tháng năm công tác của ông hẳn ông tâm tư lắm. Nhưng cũng thật mạnh mẽ, ông hiểu thế hệ sau phải bằng đạo đức và trí tuệ của mình, niềm tin và cả phong cách nữa, thực hiện bằng được việc vinh danh cho thế hệ đi trước. Cái gì thuộc về lịch sử phải trả lại lịch sử. Chúng ta có thể ấu trĩ, vô tâm, phiến diện, thiển cận dăm ba năm, có khi là dăm ba chục năm, nhưng cuối cùng sự thật phải trả về sự thật. Như là việc tộc Phùng đã thực hiện Hội thảo khoa học về Thái phó lưỡng triều Phùng Tá Chu. Sử sách trong đó có một số người soạn chính sử đã bất công với ông, nhưng sự thật phải được trả về. Công lao cực lớn của Thái phó lưỡng triều Phùng Tá Chu phải được nhân dân, đất nước hôm nay ghi nhận. Cụ là người cùng với Thái sư Trần Thủ Độ đã khai sáng triều Trần. Vương triều Lý mục ruỗng thời điểm đó cần phải được thay thế chúng ta mới có thể ba lần đánh thắng Nguyên - Mông. Dẫu sự thật mười mươi là như vậy, nhưng ai sẽ nói và nói như thế nào để vừa trả lại được sự thật vừa phải trên tinh thần khoa học lịch sử. Điều này, tộc Phùng nói chung, Tiến sĩ Phùng Thảo nói riêng đã có cách hành xử thấu lý đạt tình.


Tiến sĩ Phùng Thảo cùng Trung tướng Phùng Khắc Đăng trao Bằng vinh danh cho ông Phùng Văn Sơn
tại Ba Vì - Hà Nội

 

   Học tập từ các bậc tiền nhân, Tiến sĩ Phùng Thảo luôn biết khiêm nhường học hỏi. Cái sự học vốn thăm thẳm khôn cùng nhưng với ông nó chưa bao giờ bị gián đoạn, bị dừng lại vì bất cứ lý do gì. Người thầy lớn nhất của ông chính là nhân dân. Ông yêu mỗi vùng đất và nhân dân không chỉ ở quê mình. Đi đến đâu, chỉ thoáng chốc thôi đã thấy ông trò chuyện thân tình với người ở đó. Có khi là cụ thủ từ tuổi đã bảy tám mươi. Có khi là cậu thanh niên xe ôm xe thồ lam lũ. Có khi là quan chức ở ngôi cao, thậm chí là rất cao, tôi đều thấy Tiến sĩ Phùng Thảo ứng xử rất chân thành, không có sự phân biệt, càng không bao giờ thiếu đi sự tôn trọng người đối diện cho dù họ là ai. Ông đặt ra những câu hỏi chưa ai đặt ra và sẵn sàng tự mình dành hàng tháng, thậm chí hàng năm trời để đi tìm câu trả lời. Đó chính là cái đích lớn của một nhà khoa học đích thực.
   Tôi cũng thấy Tiến sĩ Phùng Thảo trong gia đình hết sức bình dị. Người vợ tấm cám của ông chắc hơn ai hết hiểu sâu sắc điều này. Có những chuyến đi, người vợ đi cùng gặp vấn đề sức khỏe, ông báo cáo đoàn xin ở lại nhà khách để trông nom. Bản thân mình đau vẫn kiên quyết lên đường nhưng người bạn đời lại khác. Điều đó cho chúng tôi nhìn ông ở một khoảng cách gần hơn, thấy được những giá trị nhân văn chưa bao giờ là những điều to tát mà luôn là những việc rất nhỏ ngay ở cạnh mình.
   Cái cách Tiến sĩ Phùng Thảo giáo dục con cháu cũng rất chân thành, gợi mở, không bó buộc. Ông thường tự mình làm gương và nêu gương. Con cháu nhìn vào ông để rèn luyện trưởng thành. Ông hợp với tất cả mọi người. Ông khuyến khích mọi người nên độc lập trong tư duy công việc và thực hành cuộc sống. Điều này chỉ có được ở những người giàu trải nghiệm và chiêm nghiệm. Phải biết buông bỏ và phải biết tiếp nhận cái mới, cái khác, thậm chí là cái trái ngược mới có thể trưởng thành toàn diện trong cuộc sống sôi động và phức tạp hôm nay.
   Dường như Tiến sĩ Phùng Thảo đã ý thức từ rất lâu, việc tổ chức và thực hành các phương lược lâu dài trong tộc Phùng phải có đội ngũ kế cận các thế hệ. Ông lắng nghe tâm tư của từng bạn trẻ. Không chỉ động viên khuyến khích mà dường như ông luôn âm thầm truyền lửa cho thế hệ trẻ họ Phùng. Trò chuyện với Câu lạc bộ tuổi trẻ họ Phùng, tôi thấy ông nói say sưa, tâm huyết những điều ấp ủ bấy lâu từ gan ruột. Tôi biết ông thèm lắm cái tuổi trẻ ấy, cái tuổi trẻ mà thế hệ ông đã phải đổi bằng xương máu khi ở hai đầu đất nước mấy chục năm rền vang tiếng súng. Rồi đói nghèo lạc hậu. Rồi quan liêu khinh suất. Tự bó buộc nhau. Tự làm nhỏ nhen chính mình hỏi làm sao mà phát triển được. Hôm nay có sự phát triển, chúng ta lại phải giáp mặt với những nguy cơ khác, những nguy cơ không kém phần khốc liệt. Nó có thể xóa trắng anh, đồng hóa dân tộc anh, những đổ vỡ văn hóa không gì cứu được đang trực chờ giáng xuống nếu chúng ta không tỉnh táo và hành động đúng cách. Cứ như thế, Tiến sĩ Phùng Thảo bằng năng lượng cháy sáng của mình, truyền cho những người trẻ tuổi tâm huyết, niềm tin và cả những cảnh báo ở chặng đường đời.


Hội đồng Cố vấn; Hội đồng họ Phùng Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động của Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam (2009-2018) tại Thiên Sơn Suối Ngà - Ba Vì - Hà Nội

   Tiến sĩ Phùng Thảo năm nay đã bước sang tuổi bảy mươi mốt. Khác với mọi người, ông luôn ý thức về tuổi tác. Ông luôn biết cuộc đời hữu hạn để làm những việc hữu ích nhất ở đời. Nhiều lần, tôi tháp tùng ông tới thăm, trò chuyện với Đại tướng Phùng Quang Thanh, người tộc Phùng đồng tuế với ông cũng đang mạnh mẽ, bình tĩnh, kiên gan đối diện với vấn đề sức khỏe. Các ông trò chuyện với nhau, nói cười thoải mái. Tôi thấy mọi thứ như xanh hơn, thắm thiết hơn ở cuộc đời. Nói thanh thản những lúc này đây sao tôi thấy các bậc cha chú mình, cả chính mình nữa trẻ trung và vô tư đến vậy. Ừ thì đời người lắm khúc quanh, nhưng có dòng sông nào là không chảy. Ừ thì đã làm hết khả năng có thể, nhưng làm sao có thể làm vừa lòng được tất thảy mọi người. Tôi bỗng thấy các ông sừng sững như những đỉnh núi mà ôm chứa vào lòng biết bao đất đá, hang động, cây cối, muông thú, và cả rắn rết cũng không tránh khỏi đeo bám mình. Trên trời ngàn năm mây vẫn nhởn nhơ bay. Tôi bỗng nhớ câu thơ khí khái của người bạn tri kỷ: Tự do thuộc tính của mây - Đứng im như núi cũng đầy tự do. Và ngay lập tức, tôi thấy mọi việc ở đời bỗng hư không, vật chất càng hư không, chỉ trái tim và tình người ở lại. Thắm thiết. Vững bền. Thành đồng vách sắt chính là những trái tim đang đập.
   Cái cách Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam - Trung tướng Phùng Khắc Đăng và Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Việt Nam - Tiến sĩ Phùng Thảo làm việc với nhau cũng hết sức lạ lùng, gói gọn trong hai chữ: Bình an. Làm gì thì làm phải hướng đến bình an cho dòng họ. Công việc lúc nhặt lúc khoan. Cá tính mỗi người mỗi khác nhưng hai ông luôn khăng khít và thống nhất trong từng việc nhỏ. Không phải không có việc có ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều, nhưng rất nhanh, các ông thống nhất trên lợi ích chung, vì đường đi bình an lâu dài của tộc Phùng. Ý kiến mỗi người có thể bảo lưu nhưng đã quyết là tuyệt đối tuân phục. Tôi tháp tùng và phục vụ hai ông tròn mười năm đã rất thấu hiểu việc này. Sự sáng trong, công tâm, nhất là sự hi sinh về thời gian và trí tuệ của hai ông với tộc Phùng chính là vẻ đẹp bình an và bền chặt nhất, lực hấp dẫn tôi nhất để tôi mạnh mẽ bước trên con đường tộc họ. Chưa bao giờ tôi thấy vị Chủ tịch không hỏi ý kiến Tiến sĩ Phùng Thảo. Điều nào câu nào cũng thưa anh khiến tôi không khỏi có lúc bâng khuâng tự nghĩ sao các cụ kín kẽ và trọng thị nhau tự nhiên được như thế nhỉ? Như tôi nhiều lúc hay cáu giận văng mạng các cụ cũng chỉ tươi cười nhắc nhở còn ngày càng giao việc để cho trưởng thành hơn. Cuộc sống của tôi, hạnh phúc và trưởng thành nhất chính là được giao và làm các công việc của tộc Phùng, trong đó có việc được tiếp xúc và thực hành công tác thường xuyên với ông Đăng, ông Thảo. 


Đại gia đình họ Phùng Việt Nam trong Lễ trao giải Phùng Khắc Khoan thường niên ngày mồng 6 tháng Giêng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám 

   Họ Phùng toàn quốc hôm nay đã và đang quây quần, đoàn kết, sẻ chia, gánh vác trọng trách từ việc quân việc nước đến mỗi việc trong từng cành nhánh, gia đình. Nối tiếp mạch nguồn từ tổ tông nguồn cội, con cháu tộc Phùng hôm nay đang nắm chắc tay nhau, khơi sáng trí tuệ và niềm tin, luôn mạnh mẽ và bao dung, đường hoàng bước trên con đường lớn. Trên con đường lớn tiến về phía trước ấy, có những con người bình dị, khiêm nhường nhưng vô cùng đáng kính. Một trong những con người ấy là Tiến sĩ Phùng Thảo. Chính ông, thế hệ các ông, bằng toàn bộ cuộc đời mình, đã thắp thành ngọn đuốc để soi sáng, dẫn dắt thế hệ trẻ chúng tôi.