(Thứ năm, 27/10/2022, 01:44 GMT+7)
Giới thiệu truyện Tiếng trống Mê Linh:
 
Tiếng trống Mê Linh chính là biểu hiện truyền thống bất khuất của dân tộc ta anh dũng chiến đấu bảo vệ non sông đất nước.
 
Dưới hiệu lệnh của tiếng trống Mê Linh rộn rã rền vang, nhân dân Mê Linh cùng với nhân dân cả nước ta đã đoàn kết vùng lên khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng chống quân xâm lược và thống trị nhà Hán để giải phóng đất nước.
 

1. Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em đứng đầu đất Mê Linh[1]. Đã từ lâu, Mê Linh rộn rã tiếng trống. Đó là những chiếc trống lớn đúc toàn bằng đồng, rực rỡ sắc vàng, rền vang những âm thanh hùng tráng[2]. Đó cũng là vật quý có từ thời các vua Hùng bắt đầu dựng nước.
 
Bỗng giặc Hán tràn sang xâm lược nước ta. Đám quân mạnh nhất của chúng đóng ngay trên đất Mê Linh. Giáo sắt, gươm thép của giặc tua tủa khắp nơi. Tướng giặc tên là Tô Định, rất tham lam, tàn bạo. Quân lính của hắn cầm gươm giáo lăm lăm trong tay để vơ vét sản vật của đất Mê Linh, lùa ép dân Mê Linh vào rừng săn tê giác, đào núi tìm mỏ quý, khiến bao người chết mất xác. Thế là trên đất Mê Linh tắt lịm tiếng trống đồng.
 
2. Trưng Trắc đau lòng trước cảnh đất nước bị giày xéo, muôn dân bị lầm than. Bà bàn với chồng là Thi Sách mưu việc khởi nghĩa, đuổi giặc ra khỏi đất nước. Trưng Nhị cũng hăm hở cùng chị ngày đêm lo việc luyện rèn dân binh. Trống đồng Mê Linh sắp sửa rung lên những hiệu lệnh ra quân.
 
Giữa lúc ấy tướng giặc Tô Định dỏng tai nghe ngóng tình hình. Hắn rắp tâm dập tắt cuộc nổi dậy ngay từ khi mới nhen nhóm[3]. Lập tức hắn cho người mời Thi Sách đến rồi trở mặt thét quân lính bắt trói ông về tội chống lại chúng. Hắn ra lệnh chém đầu ngay để đe dọa những người khác.
 

 
Không ngờ vừa nghe tin dữ, lòng người trên khắp nước Việt bừng bừng căm giận. Hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị lại đã từ lâu nung nấu hận thù, quyết định ra lệnh khởi nghĩa. Trống đồng gầm lên như sấm. Những tiếng trống ầm ầm giục giã mọi người cầm vũ khí đứng lên giết giặc.
 
Dân Mê Linh và cả nước ùn ùn kéo theo hai chị em bà Trưng. Giáo đồng, rìu đồng vung lên sáng lóa. Giặc Hán cuống cuồng tháo chạy khắp nơi. Tướng giặc Tô Định vô cùng hoảng sợ phải cắt râu, thay áo, giả làm người dân thường để lẩn trốn. Tiếng trống đồng vang vang đuổi theo bọn giặc. Chẳng mấy chốc, đất nước sạch bóng quân thù. Thế là Hai Bà Trưng đã giành lại non sông, trả xong thù nhà. Quê hương xanh tươi trở lại. Tiếng trống đồng lại dõng dạc rền vang trên đất Mê Linh và trên khắp non sông hùng vĩ của nước Việt ta.
 
An Ly kể
 
Trong Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn thơ nói về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, đoạn đầu được trích in trong sách giáo khoa Tiểu học nên khá quen thuộc với nhiều người.
 
Hai Bà Trưng dựng nền độc lập
 
Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân,
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
Hồng quần nhẹ bức chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành.
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Ba thu gánh vác sơn hà,
Một là báo phục, hai là bá vương.
Uy danh động đến Bắc phương,
Hán sai Mã Viện lên đường tiến công.
Hồ Tây đua sức vẫy vùng,
Nữ nhi chống với anh hùng được nao?
Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo,
Chị em thất thế cùng liều với sông.
Phục Ba mới dựng cột đồng,
Ải quan truyền dấu biên công cõi ngoài.
Trưng Vương vắng mặt còn ai?
Đi về thay đổi mặc người Hán quan.
 
Tác giả: Lê Ngô Cát
 
(Nguồn: thegioicotich.vn)