(Thứ hai, 23/09/2019, 08:50 GMT+7)

Chương 2

DẤU ẤN TRUYỀN THỐNG TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI TRONG PHÙNG VƯƠNG

 
Khái niệm chương hồi được dùng theo những cách khác nhau nhưng cùng có một nội dung. Có người dùng chương (hồi) với ý nghĩa chương hồi hay chương (hoặc hồi) là một. Để tiện trình bày, chúng tôi dùng khái niệm chương hồi theo ý nghĩa có thể là chương, có thể là hồi như các tiểu thuyết cố điển Trung Quốc Tam Quốc chí, Tây du ký… vẫn dùng. Tiểu thuyết chương hồi vốn là một thể loại văn học cổ điển Trung Quốc. Theo ý kiến của Thạc sĩ Nguyễn Thị Lam Anh trong bài viết Tiến trình của thể loại tiểu thuyết trong thế giới văn học Đông Á qua khái niệm tiểu thuyết ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam đăng trên website văn học của ĐHKHXH và Nhân văn TP.HCM năm 2012 cho rằng tiểu thuyết chương hồi bắt nguồn từ hình thức giảng sử trong dân gian: “Hình thức giảng sử là một trong các kiểu thuyết thoại phổ biến đời Tống, đến thời Minh thì phát triển thành loại tiểu thuyết giảng sử. Loại tiểu thuyết này có nội dung là những câu chuyện kể lịch sử, có xen vào một số nhân vật và tình tiết hư cấu. Về hình thức, tiểu thuyết giảng sử thời Minh được trình bày dưới dạng các tác phẩm trường thiên, phân chia thành nhiều chương hồi, vì vậy còn được gọi là tiểu thuyết chương hồi” [32].
Trong cuốn Từ điển văn học định nghĩa về tiểu thuyết chương hồi: “Thuật ngữ chỉ một dạng thức tiểu thuyết trường thiên quan trọng trong văn học cổ điển Trung Quốc và Việt Nam. Tiểu thuyết viết theo dạng này phân chia tác phẩm thành các hồi khác nhau phát triển từ lối giảng sử thoại bản (kể chuyện lịch sử, thời Tống - Nguyên). Giảng sử thoại bản là hình thức kể chuyện (chủ yếu là truyện lịch sử) được những người kể chuyện trong dân gian (thuyết thoại nhân - người kể chuyện, thuyết thư nhân - người kế sách) các đời để lại, đối với những câu chuyện có dung lượng lớn họ không kể xong ngay một lần nên buộc phải ngắt thành các phần khác nhau, mỗi phần được đặt một tiêu đề để tóm lại nội dung, đó chính là cơ sở hình thành các hồi và tiêu đề các hồi của tiểu thuyết chương hồi về sau” [3, 1732].
Đặc trưng cơ bản nhất của tiểu thuyết chương hồi là tác phẩm được viết theo kết cấu chương, hồi, trong đó về nội dung, mỗi chương hồi kể một câu chuyện hoặc một tình huống, một đoạn của cuộc đời nhân vật khá trọn vẹn, có hình thức giống nhau ở đoạn mở đầu và kết thúc. Nói về kết cấu này, trong bài viết Truyền thống và cách tân trong dạng thức kết cấu tiểu thuyết Quốc ngữ giai đoạn đầu thế kỉ XX trên website của trường Đại học sư phạm TP.HCM ngày 13- 12- 2011, Tiến sĩ Lê Tú Anh nhận định: “Kết cấu chương hồi là phương diện thi pháp của tiểu thuyết chương hồi. Cấp độ bề mặt của kết cấu chương hồi là các chương (hồi) - đơn vị kết cấu. Một chương (hồi) trong tiểu thuyết chương hồi thường có các dấu hiệu nhận biết cụ thể. […]. Dễ nhận biết nhất là tác phẩm chia thành nhiều hồi, mỗi hồi hô ứng với một sự kiện trong tác phẩm và được mở đầu bằng một câu hay một cặp văn vần” [34].
Khi nhắc đến tiểu thuyết chương hồi, không thể không xem xét đặc điểm phân hồi của tác phẩm. Bởi lẽ, các hồi trong tiểu thuyết chương hồi có giá trị quan trọng không chỉ xét riêng về thể loại chương hồi, mà còn là sợi dây xuyên suốt gắn kết nội dung tác phẩm văn học. Trên website khoa Văn học - trường Đại học KHXH và Nhân văn TP.HCM có bài viết Những vấn đề của văn học đại chúng: so sánh tiểu thuyết Feuilleton ở Nam Bộ trước năm 1945 và tiểu thuyết chương hồi của Thạc sĩ Phan Mạnh Hùng đăng tải ngày 15/ 09/ 2011 đã bình luận về hình thức tiểu thuyết chương hồi như sau: “Hình thức chương hồi định hình rõ và có tính nguyên tắc. […]. Xuất phát từ những thoại bản, những đơn vị chương hồi thường kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này dẫn đến lối kết cấu của tiểu thuyết chương hồi tương đối khuôn mẫu: toàn bộ câu chuyện được chia thành nhiều hồi khác nhau, mối quan hệ giữa các hồi có tính chất vừa “khép” vừa “mở”, vừa có tính “liên tục” vừa có tính “gián cách”. Lối kết cấu này giúp tác giả có thể xâu chuỗi các sự kiện, các tình tiết có liên quan đến cốt truyện và nhân vật để tạo thành một chỉnh thể của tác phẩm. Trong đó mỗi hồi có thể là một câu chuyện, một tình tiết tập trung làm nổi bật nhân vật và chủ đề của tác phẩm. Trước mỗi hồi thường có hai câu thơ hoặc vài dòng đề từ nhằm tóm tắt nội dung chính của hồi đó. Kết thúc mỗi hồi, tác giả thường đẩy sự việc đến mức cao trào nhằm tạo ra sự hồi hộp, mong đợi nơi người đọc” [41].
Hình thức tiểu thuyết chương hồi “chuẩn” là có hai câu đối ngẫu đặt ở đầu hồi mục đích tóm tắt nội dung, kết thúc tác giả đẩy câu chuyện lên cao trào, rồi kết lại bằng hai câu thất ngôn ở cuối hồi để thể hiện lời bình của người đời nay hoặc đời sau. Trong khi kể chuyện, các cụm từ “lại nói về”, “nói tiếp chuyện…”, “đây nói tiếp…” được người viết vận dụng linh hoạt. Hơn thế nữa, tiểu thuyết chương hồi cổ điển gắn liền với hình thức giảng sử - như lối đọc tiểu thuyết chương hồi từ đêm này sang đêm khác nên yếu tố đẩy câu chuyện lên cao trào, và hạ hồi bằng câu nói: “muốn biết… như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ” để thu hút sự chú ý của người nghe rất quan trọng. Kết cấu này ta thấy rất rõ trong Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Hồng lâu mộng, Kim Bình Mai, hay một số tiểu thuyết chương hồi thời trung đại của Việt Nam như: Hoàng Lê nhất thống chí, Hoan châu kí, Việt Lãm xuân thu… Như vậy, hình thức kết cấu hồi “chuẩn” này đã  được tiếp thu nghiêm túc trong các cuốn tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam và liên tục biến đổi trong văn học nước nhà. Bước sang thế kỉ XX, trong nhiều tiểu thuyết chương hồi, câu kết thúc “muốn biết việc… thế nào, xem hồi sau sẽ rõ”, vẫn được sử dụng nhưng là dùng để kết thúc một quyển. Chẳng hạn trong cuốn Việt Nam anh kiệt của Phạm Minh Kiên được chia làm hai cuốn với 15 hồi; kết thúc cuốn một (gồm 8 hồi), tác giả viết: “Muốn biết Phụng - Tiên ngày mai ra sao, xin coi tiếp cuốn nhì”.


Đường vào lăng Đức vua Phùng Hưng tại thôn Cam Lâm - Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Nội

Bên cạnh đó là những tiểu thuyết chương hồi nhưng hình thức không theo kết cấu “hồi chuẩn”, nghĩa là trong tác phẩm chỉ có một vài biểu hiện của kết cấu chương hồi hoặc một biểu hiện của kết cấu chương hồi không có mặt xuyên suốt tác phẩm mà chỉ xuất hiện ở một chương. Chẳng hạn tác phẩm vẫn bao gồm nhiều hồi, nhưng mỗi hồi có câu thơ đối ngẫu mở đầu tái hiện nội dung chính của hồi và kết thúc không có câu thơ thất ngôn thể hiện lời bình. Trong văn học trung đại, cuốn Nam triều công nghiệp diễn chí mang hình thức kết cấu này. Trong văn học hiện đại, những tiểu thuyết chương hồi không theo lối hồi chuẩn như Chiến sĩ (Nguyễn Khải), Tây Sơn bi hùng truyện (Lê Đình Danh), Mười hai sứ quân (Vũ Ngọc Đĩnh)…
Tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương được viết dưới dạng kết cấu chương hồi, bao gồm ba mươi hai hồi, mở đầu mỗi hồi là hai câu thơ đối ngẫu, nhưng kết thúc mỗi hồi không phải là hai câu thơ thất ngôn. Nội dung của các câu thơ đối ngẫu đã tóm tắt nội dung chính của một hồi. Ba mươi hai hồi là diễn biến nhân dân ta chống lại quân xâm lược nhà Đường dưới sự lãnh đạo của hai cha con Phùng Hạp Khanh - Phùng Hưng, từ khi chuẩn bị đội tượng binh, thuyền chiến cho đến những trận đánh ác liệt bảo vệ lãnh thổ quê hương. Ba mươi hai hồi được xâu chuỗi trong một trục thời gian, trải dài từ khoảng năm 761 đến năm 791. Các yếu tố về niên đại trong cuốn tiểu thuyết hoàn toàn bị lược bỏ, thay thế vào đó là quá trình khi Phùng Hưng được sinh ra, lớn lên và lãnh đạo đội quân chống giặc xâm lược kết thúc thắng lợi. Việc lược các yếu tố niên đại như: không chỉ rõ cụ thể năm Phùng Hưng sinh ra là năm bao nhiêu, cuộc khởi nghĩa chống giặc phương Bắc diễn ra vào năm bao nhiêu… nhưng vẫn tái hiện được các sự kiện lịch sử có thật, nhân vật lịch sử có thật chính là sự tài hoa của người viết tiểu thuyết lịch sử. Mặc dù các tư liệu lịch sử liên quan đến Phùng Hưng còn lại rất ít ỏi, song có lẽ Phùng Văn Khai đã khoác lên mình nhân vật lịch sử có thật những yếu tố của tiểu thuyết, sự hư cấu tinh tế trong mô hình kết cấu của tiểu thuyết chương hồi khiến lịch sử hiện lên rất thật. Chính vì vậy, kết cấu ba mươi hai hồi luôn mạch lạc, gắn kết chặt chẽ với nhau vừa giúp người đọc thấy được sự trưởng thành của nhân vật lịch sử, vừa thấy được sự chuẩn bị, và chiến thắng quân xâm lược của cả dân tộc.
Trong Tam quốc diễn nghĩa (bản dịch của Phan Kế Bính) tiểu thuyết được chia làm 120 hồi, “cách kết thúc mỗi hồi với câu “hạ hồi phân giải” là đặc điểm có tính chất thể loại của tác phẩm. Nguyên tắc cắt đứt mỗi hồi là dừng lại vào lúc câu chuyện đang căng thẳng nhất để bắt buộc người nghe đêm sau phải nghe tiếp. Sau câu hỏi “Muốn biết thế nào (cái gì, ai..) xem hồi sau sẽ rõ” là tiếp ngay nhan đề của một hồi mới được tổ chức theo nguyên tắc những câu 7 hoặc 8 chữ, không vần và cắt nhịp 4-3 hoặc 3-5” [12,tr.16]. Với Phùng Vương của Phùng Khai, các câu thơ đối ngẫu này không có quy định về số chữ và vần nhịp nhưng về cơ bản đáp ứng được nội dung đối lập. Mở đầu mỗi hồi là mô típ quen thuộc với hai câu đối ngẫu tóm tắt nội dung của hồi đó. Chẳng hạn, hồi một của tiểu thuyết Phùng Vương mở đầu bằng hai câu:
Tể tướng Dương Quốc Trung Bắc Phương gây mầm loạn
Châu mục Phùng Hạp Khanh Đường Lâm trại sinh vương [7, tr.6]


Tiểu thuyết Lịch sử Phùng Vương

Ngay từ hai câu mở đầu đối ngẫu với nhịp 5/5 đã cho ta thấy hồi này được kết cấu theo bút pháp đối lập, đối lập giữa không gian hỗn loạn của phương Bắc và không gian của Đường Lâm, đối lập giữa quân giặc phản loạn Dương Quốc Trung và trại chủ Phùng Hạp Khanh. Phùng Văn Khai mở ra hai không gian lịch sử đối lập với nhau, để cho thấy rõ yếu tố “thiên thời” trong quân sự đang đến rất gần. Chuyển tiếp sang hồi hai: “An Lộc Sơn động binh khởi loạn/ Phùng trại chủ nhân hội cầu hiền” [7, tr.19] (nhịp  3/4), hồi ba: “Sử Tư Minh phản Đường soán ngôi Yên đế/ Phùng Hạp Khanh quyết kế lập đội tượng binh” [7, tr.34] (Nhịp 3/2/4), hồi thứ tư: “Đầm Sương Mù, tiểu công tử gặp tiên/ Núi Cổ Họng Bồ Phá Giang đánh hổ” [7, tr.51] (nhịp 3/4), hay hồi thứ năm: “Hạp Khanh lặn lội cầu hiền sĩ/ Trương Thuận hung hăng đắp La Thành” [7, tr. 70] (nhịp 2/5). Mặc dù độ dài câu chữ, nhịp trong hai câu thơ đối ngẫu mở đầu các hồi không như nhau, nhưng cốt lõi là sự đối lập giới thiệu nhân vật và sự kiện chính của mỗi hồi đều được Phùng Văn Khai tuân thủ.
Tiểu thuyết chương hồi từ thế kỉ XX đến nay, rất ít tác phẩm được kết thúc bằng lối “hồi chuẩn”, nghĩa là kết thúc hồi gồm hai câu thơ thất ngôn thể hiện lời bình của người đời sau. Tiểu thuyết Phùng Vương, hầu hết kết thúc mỗi hồi là kết thúc mở. Đây chính là dụng ý nghệ thuật của Phùng Văn Khai. Chẳng hạn, kết thúc hồi một Phùng Văn Khai miêu tả: “Ba cánh tay rắn rỏi nâng bát rượu ngang mày thay cho câu trả lời đã được quyết từ trong tim óc. Trong nhà, bỗng có tiếng trẻ con khóc lớn dị thường. Tiếng khóc to hơn rất nhiều những đứa trẻ khác khiến cả ba bất giác giật mình nhìn ra phía đầu con đường mòn. Phía bên kia con đường là rừng Cấm và núi Thiêng đang lặng lẽ thâm u ẩn tàng dưới những chòm mây trôi lơ đãng” [7, tr.18]. Đoạn văn kết thúc miêu tả cảnh Phùng Hạp Khanh, Đỗ Anh Doãn và Bồ Phá Giang uống rượu mừng, tiếng khóc của đứa trẻ mới sinh như báo hiệu sự chào đời của người anh hùng tương lai, phá vỡ không gian tĩnh mịch của núi rừng. Hầu hết kết thúc mỗi hồi, đoạn văn miêu tả thường mang ý nghĩa dự báo tương lai, ý chí quyết thắng của quân ta và ám chỉ sự  thất bại của quân địch đang đến rất gần. Một số ít hồi được kết thúc bằng hành động hoặc lời nói của nhân vật thể hiện ý chí quyết tâm trong chiến trận đôi bên. Mặc dù không kết thúc bằng lối hồi “chuẩn”, nghĩa là hạ hồi bằng câu “Muốn biết (…) thế nào xem hồi sau sẽ rõ” nhưng tác giả vẫn tạo được sự hồi hộp, lôi cuốn người đọc theo dõi phần tiếp theo nhờ tạo nên những tình huống, sự kiện giao tranh gây tò mò cho độc giả.
Phùng Văn Khai cũng như nhiều người sử dụng khung tiểu thuyết chương hồi cho tác phẩm mới của mình hiểu rằng: cách kể chuyện của chương hồi đã qua hệ giá trị tiếp nhận đã mang những tiêu chí mới. Nhưng, với tiểu thuyết lịch sử, hình thức chương hồi có những ưu thế của nó. Và Phùng Văn Khai, cũng như nhiều người khác, chỉ sử dụng những ưu thế của cách thức tổ chức cốt truyện và kết cấu này ở những gì có ưu thế như  kết cấu một cốt truyện, một tình huống chặt chẽ, đẩy mạch truyện đi nhanh, có kết cấu hấp dẫn, lối kể gắn với những tình huống gay cấn… Ngoài ra, những yếu tố khác, mang phẩm chất của văn xuôi hiện đại như miêu tả tâm trạng nhân vật, vai trò của chi tiết, kể và tả, giọng điệu người kể chuyện không phải là của người toàn tri, “biết tuốt” chi phối lối kể… cũng được sử dụng. Việc sử dụng kết cấu chương hồi trong tiểu thuyết Phùng Vương của Phùng Văn Khai được nhiều nhà phê bình đánh giá cao. Bùi Việt Thắng trong bài viết Phùng Vương - tiểu thuyết Phùng Văn Khai - Giải mã những bí ẩn của lịch sử trên website Nhà văn TP.HCM đã nhận định: “Tiểu thuyết chương hồi vốn là “đặc sản”của văn chương Trung Quốc. Nay được tiếp biến bởi một nhà văn thế hệ 7x như Phùng Văn Khai kể ra cũng là một vấn đề vừa có ý nghĩa lý thuyết vừa có ý nghĩa thực tiễn của sáng tác văn chương […]. Cấu trúc theo chương hồi quả là thứ “bình cũ rượu mới.” [49]. Quả thật, để viết về cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược trong suốt thời gian dài, việc chia tác phẩm thành nhiều hồi, sử dụng kết cấu tiểu thuyết chương hồi là một sự sáng tạo cao của Phùng Văn Khai. Bởi lẽ, với thể loại tiểu thuyết chương hồi, những tư liệu lịch sử ít ỏi về Phùng Hưng được Phùng Văn Khai lồng ghép trở nên rất thật, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính dân tộc rất cao. Vận dụng kết cấu này, tác phẩm của Phùng Văn Khai là sự nhìn lại quá khứ lịch sử dưới con mắt của người viết tiểu thuyết, vừa là sự sáng tạo một thể loại “đã cũ” mà mang những giá trị “mới”, đem đến thành công cho tác phẩm.
Cốt truyện thực chất là hệ thống cụ thể những sự kiện, biến cố, hành động nhằm thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Như Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng tóm tắt về cốt truyện của tiểu thuyết Phùng Vương: “Tác giả đã bắt đầu câu chuyện từ sự rối ren, khủng hoảng , báo hiệu sự sụp đổ của nhà Đường, cùng với đó là âm mưu thôn tính, biến nước ta thành châu quận của chúng, sau đó là những năm tháng “ giấu mình”, lặng lẽ nuôi chí lớn của Phùng Hạp Khanh, để cuối cùng là những chiến thắng vang dội của Phùng Hưng và quân dân Việt. Những vùng đất, thành trì, những tên núi sông, những trận đánh lẫy lừng, mưu trí, quả cảm ở Hy Cương, Ngõa Cương, Lô Giang, Đầm Sương Mù, Phong Châu, Tống Bình, Đường Lâm… được kể lại với niềm say mê và lòng tự hào sâu sắc. Cùng với đó, câu chuyện được mở rộng không gian đến những vùng quê xa xôi, heo hút với cảnh sinh hoạt, lao động, chiến đấu sôi nổi, bi hùng” [39].
Cốt truyện trên được tạo thành bởi ba mươi hai hồi, nghĩa là mỗi hồi là một đơn vị của cốt truyện, trình bày một sự kiện có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Đây là nét khác biệt với cuốn Tam quốc diễn nghĩa: “các hồi không phải là đơn vị của cốt truyện. Ta phải xem đoạn mới là đơn vị của cốt truyện, mỗi đoạn tương ứng với một mưu mô (từ khi nghĩ ra mưu mô cho đến khi mưu mô được thực hiện), ví dụ Vương Doãn dùng kế liên hoàn diệt Đổng Trác dài tới hai hồi (hồi 8 và hồi 9); trận Xích Bích phải dùng đến 5 hồi( hồi 45- 50)”[12, tr.15-16]. Khác với Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, mỗi hồi của Phùng Vương là một đơn vị của cốt truyện.
Như giáo sư Phan Cự Đệ nhận định về cách xây dựng hồi (chương) trong tiểu thuyết chương hồi: “Chương là đơn vị của sự phân bố kết cấu trong tác phẩm và việc xây dựng chương có vị trí quan trọng hàng đầu trong nghệ thuật xây dựng kết cấu tiểu thuyết. Tiểu thuyết chương hồi kết cấu theo lối xâu chuỗi các sự kiện và phụ thuộc vào trình tự thời gian nên mỗi chương là một sự việc hay nhiều chương cùng phản ánh một sự kiện lịch sử” [5, tr.176]. Tiểu thuyết Phùng Vương được xây dựng chính xác theo kết cấu chương hồi này: mỗi một hồi thể hiện đầy đủ diễn biến và kết quả của một sự kiện nhưng ba mươi hai hồi trong tiểu thuyết lại cùng phản ánh một sự kiện lịch sử. Các hồi gắn kết với nhau theo một trục cốt truyện chính, đó là diễn biến quá trình cha con Phùng Hạp Khanh và Phùng Vương lãnh đạo nhân dân ta chống giặc phương Bắc giành thắng lợi. Mỗi hồi trong cuốn tiểu thuyết là một sự kiện, một nấc thang quan trọng để đi đến chiến thắng lẫy lừng đó. Do vậy, kết cấu các hồi có sự liền mạch chặt chẽ, không thể tách hay cắt bỏ bất cứ một hồi nào, tạo nên cốt truyện mạch lạc, gắn bó khăng khít để dẫn tới kết thúc của cuốn tiểu thuyết.
Tiểu thuyết chương hồi cổ điển Trung Quốc chú trọng yếu tố tình huống truyện trong một hồi, tình huống truyện càng hay thì càng hấp dẫn. Bởi lẽ, các tác phẩm này được hình thành trên hình thức “giảng sử” - kể chuyện lịch sử hết đêm này qua đêm khác nên tình huống truyện và sự kiện trong một hồi là quan trọng nhất để lôi cuốn người nghe. Chẳng hạn, tình huống truyện trong hồi đầu tiên của Tam quốc diễn nghĩa:
Tiệc vườn đào, anh hùng kết nghĩa
Chém Khăn Vàng hào kiệt lập công[12, tr.25].
Hồi mở đầu này mở ra tình huống ba anh hùng hảo hán: Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa anh em trong vườn đào. Từ đó, lời thề son sắt ấy được thử thách qua hàng trăm trận chiến đẫm máu với quân thù, mà chiến công mở đầu của ba anh em là sự kiện chém giặc Khăn Vàng cứu được Đổng Trác. Tiểu thuyếtPhùng Vương kế thừa đặc điểm này của tiểu thuyết chương hồi cổ điển Trung Quốc. Nghĩa là tác giả coi trọng tình huống, sự kiện và hành động của nhân vật trong nội dung của một hồi. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhà văn còn sử dụng nhiều yếu tố của tiểu thuyết hiện đại như: kết hợp biện pháp miêu tả yếu tố tâm lí của nhân vật trong khung thể loại của tiểu thuyết chương hồi.
Các sự kiện được thể hiện gọn trong một hồi, các sự kiện trong các hồi tạo nên mối liên kết, không thể tách rời. Giữa các hồi có mối quan hệ lô - gic khiến người đọc như đang xem một thước phim quay chậm về lịch sử, từ những ngày nhân dân chuẩn bị nhân tài - dũng sĩ, đội voi tượng, ngưu binh cho đến từng bước chống giặc thành công. Cốt truyện này rất khác với một số cuốn tiểu thuyết chương hồi hiện đại. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Chiến sĩ của Nguyễn Khải, “mỗi chương được coi là một tháp đoạn khá hoàn chỉnh, gói gọn một câu chuyện, một sự kiện và giới thiệu với chúng ta một chân dung, một kiểu người”; nhưng “Nguyễn Khải đã sử dụng những trang phân tích tâm lí, những lời bình luận nhằm nâng cao ý nghĩa triết học và đạo đức nhân sinh của các sự vật” [5]. Có nghĩa là tiểu thuyết chương hồi hiện đại cố gắng đan xen phân tích tâm lí nhân vật vào trong từng chương (hồi), để cho dòng chảy tâm lý bao trùm cốt truyện, còn trong tác phẩm Phùng Vương cốt truyện chủ yếu xoay quanh sự kiện và hành động của nhân vật.


Tượng Đức vua Phùng Hưng bên trong lăng thờ

Có thể khẳng định rằng, Phùng Văn Khai lựa chọn hình thức tiểu thuyết chương hồi để phân chia mỗi hồi là một đơn vị của cốt truyện là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Bởi lẽ, nếu như tác giả lựa chọn lối viết tiểu thuyết trường thiên sẽ không thể tạo nên sự tò mò của người đọc. Mỗi hồi là một đơn vị của cốt truyện nhằm lôi cuốn độc giả theo dõi từ hồi này sang hồi khác mà không gây nhàm chán hay gây đứt quãng sự kiện vẫn tạo nên sự hồi hộp, mong chờ của độc giả khi theo dõi từng cuộc chiến đấu của nhân dân ta.

Trong luận án Tiến sĩ Thể loại tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam năm 2009, Vũ Thanh Hà nhận định về kết cấu hồi cố: “ mở đầu mỗi hồi hoặc mở đầu các đoạn kể bằng cụm từ “lại nói…”, “nay lại nói…”, “hồi bấy giờ…”, “lúc ấy…” được lặp đi lặp lại như một công thức. Đây là cách tác giả xâu chuỗi sự kiện trên như một trục thời gian nhằm phục vụ cho việc trần thuật các sự kiện cũng như các nhân vật nhưng không gây ra cảm giác về thời gian quá khứ. Bằng cách duy trì kết cấu hồi cố, tác giả đã tạo cho chiều kích vấn đề tác phẩm có biên độ rộng hơn. Với khả năng đồng hiện trên cùng một cấp độ thời gian, tác giả sẽ cung cấp cho người nghe toàn bộ nội dung của câu chuyện đang kể và tùy ý lựa chọn, sắp xếp các phần, mảng sự kiện sao cho đạt được hiệu quả cao nhất cũng như quyết định cho xuất hiện bao nhiêu vấn đề, sự kiện cùng nhân vât trong một lần kể” [21, tr.19].
Trong tiểu thuyết Phùng Vương, kết cấu hồi cố này được lặp đi lặp lại 93 lần dưới cấu trúc “lại nói về..”, “lại nói tiếp”, “lại nói chuyện…”, “đây nói tiếp chuyện…”, “nói tiếp chuyện…”… Kết cấu hồi cố được Phùng Văn Khai sử dụng linh hoạt. Việc sử dụng kết cấu hồi cố này trong cuốn tiểu thuyết góp phần tạo nên không khí của chiến trận, từng không gian được chuyển linh hoạt, điểm nhìn của người kể chuyện vì vậy bao quát được toàn bộ trận chiến. Nhiều chương, kết cấu hồi cố này được vận dụng tới 5 lần, 7 lần, thậm chí 11 lần. Chẳng hạn chương 13, không gian kể chuyện dưới cổng thành Phong Châu, Thang Ân Bá dẫn đạo quân chống lại quân của Vũ Khánh, thì điểm nhìn trần thuật linh hoạt chuyển nhiều lần như sau:
“Lại nói chuyện Cao Chính Bình ở châu Vũ Định.[…]. Đây nói tiếp chuyện ở Phong Châu.[…]. Nay nói tiếp chuyện Vũ Khánh.[…]. Nói tiếp chuyện Cao Phiên Dương cùng binh tướng hạ trại trên núi Ngõa Cương.[…]. Nay nói tiếp chuyện ở Phong Châu.[…]. Đây nói tiếp chuyện Vũ Khánh và Bồ Phá Giang cự giặc ở chân núi Ngõa Cương.[…]. Đây nói tiếp chuyện quân tướng Cao Phiên Dương trên đỉnh núi Ngõa Cương.[…]. Đây nói Phùng Hưng cùng hai nghĩn quân sĩ mờ sáng kéo thẳng đến núi Ngõa Cương.[…]. Đây nói tiếp chuyện ở Châu Vũ Định.[…]. Đây nói tiếp chuyện quân tướng Đường Lâm dưới chân núi Ngõa Cương…”


Tranh minh họa tích Phùng Hưng đánh hổ

Chỉ trong một chương, kết cấu hồi cố được lặp đi lặp lại mười một lần, không gian lịch sử liên tục biến chuyển vừa diễn tả không khí hào hùng nơi trận mạc, vừa khiến người đọc bao quát được toàn cảnh cuộc chiến. Kết cấu hồi cố như một bước đánh giấu chuyển câu chuyện sang sự kiện lịch sử khác, sang những nhân vật lịch sử trong không gian khác. Việc thay đổi không gian, sự kiện lịch sử liên tục như vậy đáp ứng nhu cầu của người đọc, tạo nên các bước dồn dập, cuốn hút sự chú ý của độc giả. Sử dụng kết cấu hồi cố và kết cấu chương hồi thực sự là “thượng sách” của Phùng Văn Khai.

Trong luận văn Tiến sĩ của Vũ Thanh Hà Thể loại tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam năm 2009, tác giả cho rằng cách thức thể hiện thời gian trong tiểu thuyết chương hồi: “thời gian tuyến tính biên niên, xâu chuỗi sự kiện trên căn cứ trên trục dọc (kinh và thời gian dồn nén, đồng hiện sự kiện theo chiều ngang (vĩ)”. Nghĩa là thời gian trong tiểu thuyết chương hồi là một trục thời gian tuyến tính, không thể quay trở lại và một trục thời gian nằm ngang - cùng một thời điểm tại nhiều nơi sẽ diễn ra những sự kiện khác nhau. Trong cuốn Tam quốc diễn nghĩa, Phan Kế Bính dịch: “Thời gian của tiểu thuyết bao giờ cũng theo một hướng duy nhất và không biết quay trở lại để hồi tưởng cũng như không biết nhảy cóc về tương lai” [12, tr.27].
Tiểu thuyết Phùng Vương được viết theo lối thời gian tuyến tính, thời gian trải dài từ khi Phùng Hưng sinh ra, cho đến khi đánh đuổi thành công quân Đường xâm lược. Phùng Văn Khai đã tìm cách thoát khỏi hình thức viết tiểu thuyết theo sử biên niên, nghĩa là không đưa cụ thể ngày tháng năm sự kiện lịch sử diễn ra. Mở đầu tác phẩm, nhà văn giới thiệu về khoảng thời gian nhà Đường suy vi: “Vào khoảng năm Thiên Bảo thứ năm nhà Đường, việc triều chính đã cực thịnh nhiều năm. Trong triều quan lại xa hoa không bút nào tả xiết. Kể từ khi Đường Huyền Tông có được Dương Quý Phi chỉ đêm ngày lo chơi bời hưởng lạc”[...]. “Khoảng năm Thiên Bảo thứ mười bốn nhà Đường, vị tướng soái lừng danh người dân tộc Hồ là An Lộc Sơn, đảm đương chức nhiệm Tiết độ sứ của ba vùng: Phạm Dương, Bình Lư và Hà Đông, thống lĩnh toàn bộ lực lượng quan sự các vùng Hà Bắc, Sơn Tây, và Đông Bắc khởi mười lăm vạn Hồ- Hán trương cờ khởi loạn. […]”. Những yếu tố cụ thể binh tướng nhà Đường làm loạn được nhà văn điểm qua rất nhanh: “Năm 758, An Khánh Tự bị sáu mươi vạn quân của Tiết độ sứ chín phương nhà Đường thiết lập trùng vây ở Nghiệp Thành như cá nằm trên thớt chỉ còn trông chờ vào thái độ của Sử Tư Minh.[…]. Đầu tháng 3 năm 759, Sử Tư Minh sau khi cắt đứt đường tiếp dẫn lương thảo của địch đã xuất toàn quân đánh thẳng vào trung tâm quân Đường. […]. Tháng 4 năm 759, Sử Tư Minh tự xưng là Yên Đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên. […]. Năm 761, trong trận quyết chiến tại núi Mang Sơn với quân Đường do Lý Quang Bật chỉ huy, tài năng quân sự của Sử Tư Minh lần nữa được hiển lộ”. Còn lại các sự kiện nhân dân ta chuẩn bị lực lượng chiến đấu, giành thắng lợi từng trận chiến nhỏ cho đến khi Phùng Hưng lên ngôi quân trưởng đều không có thời gian cụ thể. Điều này góp phần đưa tác phẩm gần với nghệ thuật - văn chương, sử dụng nhiều yếu tố hư cấu hơn là một tác phẩm bị lệ thuộc vào việc tái hiện các sự kiện lịch sử là mục tiêu chính.
Việc tìm cách thoát khỏi yếu tố sử biên niên đã có từ những tác phẩm tiểu thuyết chương hồi đầu tiên thuộc thời kì văn học trung đại. Tiến sĩ Vũ Thanh Hà  trong bài viết Tính nguyên hợp của thể loại tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam đăng trên Báo điện tử Tôn vinh văn hóa đọc nhận định: “Mối quan hệ văn - sử trong thể loại tiểu thuyết chương hồi mang màu sắc của mối liên hệ giữa nội dung đề tài và phương thức biểu hiện. Bỏ qua lối ghi chép lạnh lùng, nghiêm trang của “sử bút”, tác giả tiểu thuyết chương hồi đã tìm được một phương thức truyền tải những nội dung thuộc về lịch sử bằng một cách thức uyển chuyển và sinh động hơn” [38]. Chính vì lẽ đó, dù Nam triều công nghiệp diễn chí viết về thời kì Trịnh - Nguyễn phân tranh, Hoàng Lê nhất thống chí ghi chép sự nghiệp thống nhất đất nước của vua Lê khi quan niệm “văn - sử - triết bất phân” đang chi phối nhãn quan của người cầm bút thì các tác phẩm này vẫn mang yếu tố nghệ thuật nhiều hơn yếu tố lịch sử. Tiếp đến những sáng tác tiểu thuyết chương hồi thế kỉ XX cho đến nay, các tác giả đã thoát ra khỏi toàn bộ yếu tố sử biên niên, để tạo nên một tác phẩm văn chương kể chuyện lịch sử bằng con mắt của người thời nay. Tác phẩm Phùng Vương của nhà văn Phùng Văn Khai cũng không nằm ngoài quy luật đó, để tạo nên một câu chuyện lịch sử về nhân vật lịch sử có thật là Phùng Hưng, nhưng khoác lên nhân vật nhiều yếu tố hư cấu, nghệ thuật nhiều hơn, khiến câu chuyện lịch sử trở nên dễ hiểu, gần gũi như một tác phẩm văn chương.
Như tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng trong bài viết Lịch sử nhìn từ truyền thống và cảm hứng hiện đại đã nhận định: “Với nguồn sử liệu ít ỏi, khô khan, tản mác từ chính sử và dã sử, tác giả dày công hư cấu và tưởng tượng lại quá khứ, bồi đắp nên da thịt liền mạch cho đời sống được tái hiện trong tác phẩm. Nhằm bao quát bức tranh lịch sử với không gian và thời gian xa xôi, tác giả đã không kể theo lối thông sử biên niên mà lựa chọn những “lát cắt ngang” gay cấn làm nền cho việc triển khai cốt truyện. Nhờ vậy, Phùng Văn Khai đã khỏa lấp những “khoảng trống”, “khoảng trắng” trong lịch sử, phục dựng lại cuộc trường kì kháng chiến hơn 20 năm của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của hai cha con Phùng Hạp Khanh - Phùng Hưng đánh đổ ách thống trị nhà Đường” [39]. Quả thật, thời gian trong tiểu thuyết là thời gian tuyến tính trải dài hơn 20 năm, nhưng Phùng Văn Khai đã xâu chuỗi thời gian bằng một chuỗi sự kiện nổi bật để thể hiện được vẻ đẹp của nhân vật lịch sử, và quá trình chiến đấu của cả dân tộc. Thiết nghĩ, ở đây cảm hứng về lịch sử và góc nhìn tái hiện lịch sử không phải ở những chi tiết đã ghi trong chính sử mà là những tái tạo hợp lý, “phục dựng nguyên mẫu một cách hợp lý” như cách nói của các nhà bảo tồn di sản văn hóa, đã làm cho Phùng Văn Khai làm lịch sử sống dậy bằng bức tranh do ông sáng tạo ra chứ không phải chỉ ở những sự kiện và con người có thực như những cái đinh bắt vít những sự kiện lịch sử vào tác phẩm văn chương.
Do thoát khỏi toàn bộ yếu tố sử biên niên, nên thời gian dịch chuyển trong tiểu thuyết được thay đổi bằng các cụm từ thể hiện nhịp thời gian trôi. “Thấm thoắt mười năm lặng lẽ trôi qua”, “sau thời gian giao tranh khoảng gần một năm”, “hơn nửa tuần trăng sau”, “chiều hôm trước”, “tối hôm sau”, “tờ mờ sáng”, “canh ba đêm ấy”, “trời vừa tảng sáng”. Các từ ngữ chỉ thời gian như: sáng, trưa, chiều, tối, ngày, tháng, năm… được sử dụng liên tục mang dụng ý chỉ thời gian qua đi. Tác giả không sử dụng thời gian cụ thể, chi tiết, mà hầu hết trong các trận đánh đều chỉ “ám chỉ” về khoảnh khắc thời gian đang trôi. Bởi lẽ, các tư liệu lịch sử hoàn chỉnh về sự kiện Phùng Hưng đánh đuổi quân Đường như thế nào vẫn là một “bí ẩn” đang được nghiên cứu. Với thể loại tiểu thuyết lịch sử, Phùng Văn Khai đã khéo léo hư cấu tiến trình Phùng Hưng lãnh đạo nhân dân Đường Lâm khởi nghĩa, cốt sao thể hiện trung thực hình ảnh nhân dân ta chiến thắng, ca ngợi được vẻ đẹp người anh hùng, truyền thống yêu nước của dân tộc.
Có thể khẳng định được rằng, khi quan niệm viết tiểu thuyết lịch sử được rộng mở, hầu hết các nhà văn hiện đại tìm cách thoát khỏi yếu tố sử biên niên trong tác phẩm của mình. Họ khẳng định mình viết văn về câu chuyện lịch sử, dùng con mắt của người đời nay để soi rọi lại quá khứ lịch sử, chứ không phải dùng văn chương để ghi chép trung thành sử. Tiểu thuyết Phùng Vương về cơ bản nêu bật hình ảnh nhân vật lịch sử Phùng Hưng có thật, và diễn biến chiến đấu của quân dân ta được nhà văn hư cấu, sáng tạo một cách lô-gic. Do đó, các yếu tố thời gian cụ thể được “xóa mờ” đi, tác phẩm vì vậy dù trong khuôn mẫu của tiểu thuyết chương hồi vẫn lôi cuốn người đọc.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, “diện mạo nhân vật thường được vẽ theo lối chấm phá chứ không cụ thể rõ ràng như ở văn học hiện đại. Tác giả “cụ thể hóa” nhân vật bằng biện pháp bề ngoài chứ không phải bằng nội tâm nhân vật. Nhân vật này khác với nhân vật kia ở bộ áo giáp, ở vóc người, ở vũ khí mà họ sử dụng […]. Diện mạo nhân vật thường được miêu tả một cách ước lệ” [12, tr.19]. Đây cũng chính là đặc trưng trong miêu tả nhân vật của tiểu thuyết chương hồi. Hơn 400 nhân vật được La Quán Trung miêu tả mang những vóc dáng riêng, tính cách riêng, không ai lẫn với ai. Riêng về miêu tả ngoại hình nhân vật đã thể hiện được tài năng của tác giả. Tất cả các nhân vật được miêu tả bằng bút pháp ước lệ, chấm phá, các nhân vật đều mang vóc dáng khác người. Chẳng hạn, Lưu Bị “mình cao tám thước, hai tai chảy xuống gần vai, hai tay buông dài hơn đầu gối, mặt đẹp như ngọc, môi đỏ như son”, Tào Tháo thì “dáng cao bảy thước, mắt nhỏ râu dài”, Trương Phi “thân dài tám thước, đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én, tiếng như sấm động”, Gia Cát Lượng thì “mình cao tám thước, mặt như ngọc dát nhũ, đầu đội khăn lượt, mình bận áo cánh hạc, hình dung thanh thoát như tiên”. Miêu tả nhân vật như vậy, La Quán Trung vừa thể hiện được dung mạo khác thường, vừa khiến người đọc hình dung cụ thể về mỗi nhân vật.
Cách miêu tả nhân vật theo lối ước lệ của tiểu thuyết chương hồi cũng được Phùng Văn Khai vận dụng rất hiệu quả. Tác giả chú ý miêu tả ngoại hình nhân vật, hành động nhân vật để phần nào bộc lộ tính cách chứ không đi sâu vào diễn biến tâm lí của nhân vật. Phùng Hưng được miêu tả“nai nịt gọn gàng, dáng đi nhanh vững khác thường, đặc biệt là cặp mắt sáng lấp loáng như có thần khí”, “mặt trẻ như thoa phấn, môi đỏ như son, vạm vỡ mà thanh thoát”. Cha của Phùng Hưng - Phùng Hạp Khanh thì mang dáng dấp “cao lớn, bước đi thanh thoát, râu dài chấm ngực, cặp mắt tinh anh”. Nhân vật Phan Đường- người thầy của Phùng Hưng là người “trung niên tuổi ngoại tứ tuần, mi thanh mục tú, dáng vẻ tiên phong đạo cốt, cặp mắt sáng như sao”. Các tráng sĩ anh hùng cùng được miêu tả với vóc dáng khác người, không ai giống ai. Bồ Phá Giang “cao lớn dị thường, lưng hổ tay gấu, bộ râu quai nón rậm rì vuốt ngược lên cặp lông mày xếch đen như một vệt hắc ín”; Đỗ Anh Hàn “mình cao bảy thước, dáng điệu khoan thai, khuôn mặt tươi sáng lanh lợi”, “dáng vẻ thư sinh miệng rộng mắt sáng, cặp lông mày như lá liễu”; Ngô Chất - tráng sĩ mười chín tuổi “mình cao tám thước, thân nở eo thon, mặt chữ đinh, râu tóc xoăn tít”… Phía bên đội quân nhà Đường, Sầm Phàn - viên tướng của Cao Phiên Dương “mình cao tám thước, mặt đen mắt lớn, môi đỏ râu rậm”; Mã Hổ“mình cao tám thước rưỡi, mang giáp trụ trắng, chân đi giầy tía, lưng đeo cung tên, thắt đai ngọc, đầu đội giáp trụ hồng, hai tay sử dụng đại đao, bên hông giắt hơn chục ngọn trùy đồng gai nhỏ”; Từ Phục- người nổi danh tài thủy binh dưới trướng Trương Bá Nghi “mình cao tám thước, mắt lớn mi cong, hai tay vươn dài như tay vượn”…
Phùng Văn Khai đã sử dụng bút pháp ước lệ trong miêu tả ngoại hình nhân vật. “Thước” ở đây chỉ là một đơn vị đo thời cổ, thường được dùng để thể hiện vóc dáng cao lớn, mạnh mẽ của người tướng lĩnh. Nhà văn đã sử dụng nhiều ngôn ngữ cổ điển, ước lệ tượng trưng để thể hiện được tầm vóc, dung mạo phi thường của các nhân vật. Bên cạnh đó, nhà văn còn sử dụng bút pháp sử thi, phóng đại hóa diện mạo để dự báo tài năng, khí phách của nhân vật. Cách miêu tả như vậy khiến người đọc hình dung được nhân vật như đang đứng trước một bức tranh vẽ, và hình thức cuốn tiểu thuyết trở nên trang trọng, gần gũi với tính cổ điển của tiểu thuyết chương hồi. Tác giả mặc dù sử dụng biện pháp phóng đại trong miêu tả nhưng độc giả vẫn thấy gần gũi, nhân vật vẫn mang được tầm vóc riêng, hơn sáu mươi nhân vật của tiểu thuyết mà không ai trùng lặp ai.
Miêu tả tính cách nhân vật qua hành động và ngôn ngữ là một đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết chương hồi. Trong Tam quốc diễn nghĩa, “dưới sự chi phối của mỹ học truyền thống và cũng do bắt nguồn từ chuyện kể dân gian nên tác phẩm ít nói đến diễn biến tâm lí của nhân vật. Người nghệ sĩ thường kể chuyện thường kể những biến cố, những hành động của nhân vật để hấp dẫn người nghe hơn là kể tỉ mỉ về suy nghĩ tâm trạng của nhân vật. […]. Các nhân vật đều hành động theo một nghĩa vụ định sẵn, nên nhân vật không bao giờ phải phân vân” [12, tr. 18- 19]. Các nhân vật của Tam quốc được tái hiện qua những trận đánh, những mưu mô, chứ không phải do miêu tả nội tâm nhân vật như tiểu thuyết hiện đại.
Nhân vật trong Phùng Vương cũng được thể hiện bằng hệ thống các hành động, ngôn ngữ. Trong bài viết Phùng Vương mãi vang vọng Đường Lâm đăng trênBáo điện tử Đại đoàn kết ngày 08/12/2015, Vũ Bình Lục nhận định: “Ngoại hình các nhân vật phần nhiều có tính ước lệ. Tính cách các nhân vật cũng được tác giả chú ý miêu tả, mặc dù những đoạn văn miêu tả nội tâm nhân vật chưa thật nhiều và thật sâu” [44]. Đồng quan điểm này, Bùi Việt Thắng nhận định: “Nhân vật trong Phùng Vương chủ yếu được khắc họa thông qua hành động, ít khi đi vào những miền tâm lí phức tạp của tâm trạng vì yêu cầu của một tiểu thuyết chương hồi”[49].
Nhân vật Phùng Hạp Khanh hiện lên là người đức độ, yêu nước, thương dân. Phùng Hạp Khanh nuôi chí lớn, đánh đuổi quân xâm lược từ những ngày còn trẻ theo Mai Thúc Loan khởi nghĩa. Quay trở lại Đường Lâm, ông dồn tâm khai khẩn đất hoang, làm giàu cho quê hương, ngày đêm nung nấu ý chí đánh đuổi kẻ thù. Phùng Hạp Khanh được Phùng Văn Khai đặt vào trong các mối quan hệ giao tiếp với Đỗ Anh Doãn, Bồ Phá Giang, Vũ Khánh… Ngôn ngữ nhân vật trang trọng, phù hợp với giọng điệu chung và với từng loại nhân vật, nhất là các nhân vật anh hùng.
Nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa, “tâm hồn họ cũng khác với đời thường; họ không hề vướng thê nhi, chỉ biết xung trận lập chiến công, không hề biết sợ sệt, dao động là gì” [12, tr.21] thì nhân vật trong Phùng Vương cũng được xây dựng bởi bút pháp sử thi như vậy. Tác giả khắc họa nhân vật bằng phép khoa trương, phóng đại sự “khác người” của chính nhân vật trong tài năng, hành động. Phùng Hưng được giới thiệu từ hồi một với “tiếng khóc dị thường”, sang hồi bốn là chàng thiếu niên “mười hai tuổi”, đến hồi thứ mười hai Phùng Hưng bắt đầu xuất binh. Vị thủ lĩnh này hiện lên với tư thế dũng cảm, binh pháp, võ công tinh tường khi giao chiến với Ô Hoàng Phúc: “Ô Hoàng Phúc thấy hàng quân rối loạn thất kinh toan hò hét bỗng thấy viên tướng trẻ dũng mãnh phi ngựa xông thẳng về phía mình vung ngọn trường thương đập thẳng xuống đầu con bạch long câu với khí thế vô cùng mạnh mẽ. […]. Còn chưa kịp định thần đã thấy viên tướng trẻ nhanh như chớp thúc vòng ngựa trở lại giơ cao ngọn trường thương nhằm thẳng vào ngực y đâm tới” [7, tr.221]. Sau khi thắng trận, Phùng Hưng ra lệnh: “Nay ta mở đức hiếu sinh tha cả cho lũ các ngươi.[…]. Anh em binh lính ngươi đất Phong Châu hãy mau trở về làng xóm cày cấy làm ăn, phụng dưỡng cha mẹ. Ai muốn xung vào quân Đường Lâm thì mau biên tên họ, ta sẽ đối đãi như anh em thủ túc, quyết không đổi khác” [7, tr.222]. Tác giả đặt nhân vật vào những tình huống giao tranh với địch thủ để thể hiện khí phách, tài năng dị thường của nhân vật. Người thủ lĩnh Phùng Hưng hiện lên là vị anh hùng giàu đức độ, vị tha, quả cảm. Điều này càng được thể hiện rõ trong trận Phùng Hưng đánh hổ và bức tâm thư vị thủ lĩnh gửi tới nhân dân.
Bên cạnh đó, tiểu thuyết còn xây dựng thành công hình ảnh các tướng lĩnh. Mỗi nhân vật được đặt vào tình huống giao tranh khác nhau, buộc nhân vật phải bộc lộ hành động, cá tính của mình. Chẳng hạn, nhân vật Đỗ Lăng - Phạm Cương tính cách đối lập nhau được thể hiện rõ trong trận chiến ở núi Nghĩa Lĩnh, khi tiến vào doanh trại của quân Đường. Bản tính nóng nảy, Đỗ Lăng quắc cặp mắt quát binh sĩ:“Các tiểu đầu mục mau phân loại lính Đường triều và binh sĩ bản địa. Đường triều: Chém! Binh sĩ bản địa trói hết cả lại đợi mệnh Phùng công tử”. Còn Phạm Cương “vội thúc ngựa sấn lên nói: Đỗ huynh quên lời răn dạy của Phan tiên sinh rồi ư? Chúng đã hàng rồi sao nỡ giết đi mang tiếng ác?”[7, tr.211]. Vì sự nóng nảy, Đỗ Lăng đã trúng kế mai phục của địch: “Lời còn chưa dứt, Đỗ Lăng đã thét quân bản bộ hăm hở tiến thẳng vào khu rừng rậm”. Đỗ Lăng hiện lên là vị tướng nóng nảy, bồng bột. Còn Phạm Cương là viên tướng kiên nhẫn, biết suy nghĩ thiệt hơn. Bên cạnh đó, các tướng lĩnh Bồ Phá Giang, Vũ Khánh cũng được mô tả khí phách kiên cường, võ nghệ tài ba qua nhiều trận đánh.
Giáo sư Phan Cự Đệ cho rằng: “Tiểu thuyết chương hồi phải đảm bảo tính liên tục của các sự kiện. Không thể để cho trong tiểu thuyết có những thời gian chết quá lâu, vì đối với loại tiểu thuyết này, sức hấp dẫn chủ yếu là ở cốt truyện và hành động của nhân vật” [5, tr.186]. Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết Phùng Vương đều được đặt vào các tình huống, trận giao tranh, quyết chiến để bộc lộ tính cách. Mỗi hồi là diễn biến chiến trận, hình ảnh của nhân vật được đan xen qua những hành động, diễn biến của sự kiện mà hình thành nên tính cách đặc trưng để phân biệt nhân vật này với nhân vật khác. Bùi Việt Thắng trong bài Giải mã bí ẩn lịch sử cho rằng nhân vật trong tiểu thuyết Phùng Vương trải qua bốn giai đoạn: “xuất hiện - nổi tiếng - hành sự - kết thúc” (bi kịch hay thành công) [49]. Theo cách phân loại này, hình ảnh một số nhân vật chính được tái hiện như sau:
Bảng 2.1. Phân loại nhân vật theo bốn giai đoạn.

Nhân vật Xuất hiện Nổi tiếng Hành sự Kết cục
Phùng Hạp Khanh Dòng dõi Phùng Trí Cái, châu mục Đường Lâm (từ hồi 1 đến hồi 15). Từ cuộc nổi dậy của Mai Thúc Loan.
 
Lãnh đạo nhân dân Đường Lâm khai khẩn đất hoang.
Chiêu binh hiền nghĩa sĩ.
Thành công.
Mất năm bảy mươi bảy tuổi.
Phùng Hưng Xuất hiện từ hồi thứ 4: mười hai tuổi ra dáng vóc người khỏe mạnh. Trong chiến đấu, tư tưởng thương dân, khoan hòa với binh lính. Anh dũng trong chiến đấu.Giết hổ.
Viết tâm thư gửi nhân dân.
Thành công, lên ngôi quân trưởng
Trương Thuận Là dòng dõi nhà Đường, nhờ đút lót mà làm quan cai trị ở An Nam. Nham hiểm, độc ác. Ép nhân dân ta xây La Thành. Bi kịch, bị ám hại bởi con trai Trương Bá Nghi.
Trương Bá Nghi Con trai của Trương Thuận. Đa mưu, thủ ác, nhẫn tâm. Giết thầy, hại cha. Bi kịch, chết dưới tay Cao Chính Bình.
Cao Chính Bình Cai trị châu Vũ Định, sau kiêm quản An Nam. Đa nghi, nham hiểm, Hạ độc thủ với Trương Bá Nghi, giết tướng lĩnh Trương Thành, Tôn Mãng, Từ Phục. Bi kịch, ốm chết khi nghe tin Phùng Hưng làm chủ An Nam.

 
Thông qua bảng trên, chúng ta thấy được Phùng Văn Khai đã khéo léo tạo nên hệ thống nhân vật ở hai phía đối lập. Khi Trương Bá Nghi giết cha, hại thầy, Cao Chính Bình hạ độc thủ giết Trương Bá Nghi, Từ Phục, Trương Thành, Tôn Mãng không từ bất cứ thủ đoạn nào đủ thấy tính cách nham hiểm, độc đoán, đầy tham vọng thì thủ lĩnh Đường Lâm khoan dung, nhân hậu, yêu nước, thương dân. Tất nhiên, tác giả đã sử dụng bút pháp hư cấu, đặt nhân vật vào tình huống nhất định để thể hiện phẩm chất nhân vật, ngợi ca người anh hùng Phùng Hưng.


Đình Đoài Giáp - Nơi thờ Đức vua Phùng Hưng tại thôn Đoài Giáp - Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Nội

Có thể thấy được rằng, Phùng Văn Khai đã tuân thủ hoàn toàn đặc trưng miêu tả nhân vật này của tiểu thuyết chương hồi. Khác biệt với nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử hiện đại, khi tác giả khai thác chiều sâu tâm lí nhân vật để thể hiện chủ đề và tư tưởng tác phẩm như Đỗ Minh Tuấn nhận định khi nói về tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác: “Nguyên lý văn hóa lưỡng hợp, hỗn dung đặc trưng của dân tộc Việt dường như đã trở thành miếng đất màu mỡ cho tư duy nghệ thuật của người viết tiểu thuyết lịch sử, kết hợp nhuần nhuyễn chính sử, dã sử và huyền sử với tưởng tượng, hư cấu và khai thác chiều sâu tâm lý để sáng tạo ra những nhân vật nhiều chiều chập chờn giữa huyền thoại và giải huyền thoại, giữa đời thường và lịch sử, giữa sứ mệnh và tự do, giữa quyền lực và nhân tính. Nguyễn Huệ trong Sông côn mùa lũ là một nhận vật như vậy, một nhân vật mang tính ám ảnh của văn hóa Việt Nam với tất cả những mâu thuẫn, giằng xé giữa con người nhân bản và con người chính trị” [54]. Phùng Văn Khai lại lựa chọn cách miêu tả nhân vật rất cổ điển nhưng không hề nhàm chán, không có “con người nhân bản”, giằng xé trong những mâu thuẫn nội tâm. Nhân vật trong tiểu thuyết được khoác lên màu áo của lịch sử, gần gũi với vẻ đẹp của sử thi. Dưới khuôn mẫu của tiểu thuyết chương hồi, tất cả các nhân vật đều được xây dựng trong màu sắc trang trọng, hào hùng, trang nghiêm của chiến trận, không hề có miêu tả nhân vật trong đời thường. Chính vì vậy, tác phẩm toát lên vẻ đẹp ngợi ca người anh hùng dân tộc, ngợi ca tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
Dấu ấn tiểu thuyết chương hồi phần lớn được thể hiện trong tiểu thuyết Phùng Vương với những đặc trưng chính như sau:
Thứ nhất, tiểu thuyết gồm ba mươi hai hồi mà nên. Mỗi hồi bao gồm hai câu văn vần đối ngẫu mở đầu tóm tắt nội dung và kết thúc các hồi chủ yếu là kết thúc mở.
Thứ hai, cốt truyện được thể hiện mạch lạc, lô-gic, được tạo nên bởi nội dung của ba mươi hai hồi. Mỗi hồi là một đơn vị của cốt truyện.
Thứ ba, kết cấu hồi cố với các cụm từ “lại nói về…”, “nói tiếp chuyện…”, “lại nói chuyện…” tạo nên mạch liên kết, chuyển đổi từkhông gian này sang không gian khác, sự kiệnnày sang sự kiện khác một cách linh hoạt, tự nhiên.
Thứ tư, thời gian của tiểu thuyết hoàn toàn là thời gian tuyến tính, chỉ hướng về tương lai, không hề có đoạn hồi tưởng quá khứ.
Thứ năm, nhân vật được miêu tả ngoại hình bằng bút pháp ước lệ và tính cách được bộc lộ thông qua hành đông và ngôn ngữ.
Phùng Văn Khai đã thành công khi sử dụng kết cấu chương hồi. Vũ Bình Lục nhận định trong bài viết Phùng Vương mãi vang vọng Đường Lâm: “Phùng Vương được cấu trúc theo tiểu thuyết chương hồi, một loại cấu trúc đã có từ xa xưa, đặc biệt là đã rất thành công ở tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Ở Việt Nam, nhóm văn phái họ Ngô (Ngô gia văn phái) cũng thể hiện thành công kiểu kết cấu chương hồi này trong cuốn sử kí đặc sắc Hoàng Lê nhất thống chí. Nhưng bây giờ là bây giờ, khi mà tiểu thuyết lịch sử kết cấu chương hồi dường như đã trở thành tài sản “phi vật thể”, chỉ có giá trị lưu trữ, hoặc “kính nhi viễn chi”. Nhưng nhà văn Phùng Văn Khai đã kiên quyết thực hiện kiểu kết cấu chương hồi có vẻ rất “lạc hậu” này trong tiểu thuyết lịch sử của mình.Và anh đã thành công, ít nhất là ở cuốn Phùng Vương này” [44].