(Thứ bảy, 20/02/2016, 09:34 GMT+7)

VanVN.Net – Tác giả Phùng Kim Trọng sinh năm 1962 tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, hiện anh đang công tác tại điện ảnh quân đội nhân dân. Phùng Kim Trọng đã xuất bản bốn tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn và đoạt một số giải thưởng văn học. “Tráo đá” – tiểu thuyết mới nhất của Phùng Kim Trọng (NXB Quân đội nhân dân, 2012), đọc cuốn sách này người đọc không thấy một bức tranh nông thôn thanh bình, yên ả như nó vốn có. Những người nông dân chân chất, cần cù nhưng ít học đang bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi. Thời của sự đổ nát bao giờ cũng là điểm bắt đầu thời sự thịnh. Và thời thịnh sẽ mở ra cùng với sự tỉnh ngộ của người nông dân… Đây là bức thông điệp mà tác giả Phùng Kim Trọng gửi tới bạn đọc. VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu hai chương trích trong tiểu thuyết “Tráo đá”.

Tác giả Phùng Kim Trọng

 

Một

Chu Khởi là trò chơi khoăm của số phận với vợ chồng Hòa - Củ, dân làng Mùi vẫn cứ bảo nhau như vậy. Vợ chồng Hòa - Củ vốn mắn con cứ sòn sòn ba năm hai lứa, đã vậy lại còn làm cho một lứa sinh đôi chính vì thế mà chưa đầy ba chục tuổi họ đã có nửa tá. Bốn gái, hai trai. Lứa cuối cùng được hai thằng con trai nên anh Hòa đi đâu mặt cũng vênh lên như bánh đa nướng mặc dù để nuôi đàn con ấý với một chỉ tiêu hết sức đơn giản “ăn no mặc đủ” hai vợ chồng phải làm tối mắt, tối mũi, làm như trâu húc mả. Anh chồng đúng là loại ăn no vác nặng. Anh ta người cao, đen như cột nhà cháy ăn một bữa hết chín mười bát cơm, nhưng làm thì không ai bằng. Quanh năm ngày tháng người ta chỉ thấy anh ta mặc quần đùi, tháng chạp rét chết cò, tháng năm nắng cháy da, cháy thịt mà anh Hòa vẫn cởi trần, đầu không mũ, chân không dép làm hùng hục từ sáng đến tối mịt. Anh Hòa không nề hà việc gì, công việc càng nặng nhọc thì anh ta càng thích đào ao, vác gỗ, vét giếng hay gánh gạch đều là những công việc ưa thích của anh, đối với anh Hòa công việc như một niềm vui, vui nhất là sau mỗi ngày đi làm về được nhìn đàn con tíu tít bên mâm cơm. Được cái lũ con nhà ấy từ lớn chí bé đứa nào cũng hay ăn, chóng lớn ăn cái gì cũng được miễn là đầy bụng. Mới bốn, năm tuổi đầu chúng nó đã biết mò sang vườn hàng xóm bới trộm khoai, trộm sắn về luộc ăn với nhau. Ngược lại với anh chồng chị Củ lại là một người phụ nữ nhỏ nhắn, gọn gàng. Nhỏ người nhưng lại dai sức, 5 lần chửa đẻ với 6 đứa con trứng gà trứng vịt nhưng cấm thấy chị ấy nhức đầu, sổ mũi hay hoa mắt chóng mặt gì. Khi nghe cán bộ phụ nữ đến vận động chị ta đặt vòng thực hiện kế hoạch hóa gia đình chị bảo; Đẻ thì em không sợ, nhưng mà nuôi thì sợ quá.

Nói rằng, nuôi thì sợ quá. Vậy mà, một buổi sáng dậy đi ra bến Gót giặt quần áo chị Củ tình cờ nhìn thấy một cái mủng trôi lập lờ trên bến, cái mủng dạt vào chỗ chị đang giặt, chị dùng tay đẩy nó ra, nhưng rồi nó lại quẩn lại thấy có chuyện lạ chị liền kéo vào mở nó ra và ngạc nhiên thấy bên trong đó một đứa trẻ sơ sinh. Nói là trẻ sơ sinh thì cũng không được đúng cho lắm, đứa bé có khi cũng đã được hơn chục ngày tuổi, được nằm trong một cái chăn bông mới, hai mắt nó vẫn mở bình thản nhìn chị Củ trong khi miệng vẫn bú tay chùn chụt. Chị Củ mừng hơn cả bắt được vàng liền bế nó tức tốc chạy về nhà. Dân làng thấy chuyện lạ kéo đến xem chật nhà, nhiều người nhìn thằng bé, rồi nhìn đàn con của vợ chồng Hòa - Củ khuyên chị ta cho người khác nuôi, nhà bà Hào ngay bên cạnh chỉ có hai cô con gái sang xin về nuôi, thậm chí bà ta còn ngỏ ý đổi cho vợ chồng Hòa - Củ một đàn lợn con, đây là chuyện hy hữu chưa từng xảy ra ở làng Mùi ai đời lại đem lợn đổi lấy người bao giờ? Vợ chồng Hòa - Củ không thuận cho cũng là phải. Nó là của tôi, chị vợ cứ nhìn chằm chằm vào mặt đứa bé nói vậy. Dân làng lắc đầu, ông trời thật chả ra làm sao. Tự nhiên lại mang thằng bé bỏ vào gia đình đã lúc nhúc trứng gà, trứng vịt ấy. Rồi không biết hai vợ chồng sẽ nuôi thằng bé ra sao? Người ta hỏi nhau như vậy nhưng anh chồng cười hề hề. Trời cho voi, trời cho cỏ lo gì.

Anh Hòa lấy họ mình đặt tên cho thằng bé đó là Chu Đức Khởi. Nhưng ông trưởng họ Chu ở làng Mùi bảo rằng. Cái thằng con hoang ấy lấy đâu ra đức mà cho mang họ Chu Đức. Ông ta chỉ đồng ý cho nó mang họ Chu còn không được lót chữ Đức. Chu Khởi lớn lên bằng những lần đi bú trực hàng xóm. Có hôm bố mẹ đi làm mấy chị em ở nhà, thằng bé thiếu sữa khóc ngặt ngẽo, con chị bế đi xin khắp xóm không được về nhà ôm em cùng khóc…rồi cô chị cả nghĩ ra một cách là vắt sữa còn trâu cái đang nuôi con mang vào cho em, thằng bé không chịu lấy tay đẩy đi. Con chị không biết làm thế nào, nó liền bế em ra chuồng trâu thấy thằng bé với tay về phía bầu vú con trâu cái nó liền bế lại dưới bụng trâu để em ngửa cổ lên bú như con nghé con nhiều người nhìn thấy mà vừa thương, vừa cười ra nước mắt. Được cái nó cấm có ốm đau gì, lại mau mồm, mau miệng gặp ai cũng chào rồi lại cười. Một thằng bé như vậy mà lại là một thằng cứng đầu, cứng cổ, ngay từ bé ông bố nuôi đã phải dùng roi vọt bắt nó bỏ cái tật ăn cắp vặt. Anh Hòa sắm hẳn một cái roi bằng tay hóp bánh tẻ, anh thui ngọn roi qua lửa cho nó mềm và dẻo như roi da, mỗi khi ông vung nó lên nghe tiếng roi vun vút, vun vút đến rợn cả tai. Mỗi lần thằng con nuôi phạm tội anh đều bắt nó nằm sấp trên giường rồi cứ roi anh quất hai cái mông đít của Chu Khởi không lúc nào lành vết roi vậy mà nó vẫn cứ trứng nào tật ấy. Nó đã không lấy của ai thì thôi, chứ nó định lấy thì đố mà giữ được. Nhà bà Hào nổi tiếng ở làng Mùi là thần giữ của. Cái hòm gian được đóng bằng gỗ dổi dầy đến mấy phân lại dùng cái khóa chuông to bằng bàn tay thế mà chỉ cần cái cặp tóc của con gái Chu Khởi cũng mở được xúc lúa đem bán dần lấy tiền chơi bài. Chu Khởi biết đánh bạc từ bé. Thoạt đầu là cùng bọn trẻ con chơi bi, chơi đáo mỗi ván thắng được hai xu, năm xu, rồi nó biết đánh tổ tôm, đánh phỏm, chơi ba cây. Năm 13 tuổi nó đã dám ngồi chơi xóc đĩa với ông Bộ, ông Mùi, ông Ngân…toàn những người bằng tuổi cha, tuổi ông của Chu Khởi. Bị công an bắt mấy lần trên chiếu bạc, nhưng còn ít tuổi nên không phải ngồi tù. Ai cũng thấy lo lắng cho tương lai của Chu Khởi thế mà cuối năm 13 tuổi nó đột ngột biến mất khỏi làng. Bọn trẻ cùng chơi với Chu Khởi bảo rằng thấy có người cưỡi bình bịch đến rủ nó ngồi lên thế là nó ngồi lên và đi mất. Bố mẹ nuôi nghe thấy vậy cũng không thèm hỏi han chi, nó đi cho như vậy cũng là thoát được một cái nợ. Người dân làng Mùi bảo rằng. Thằng bé sống trong cái nhà ấy cũng không lấy gì làm sung sướng, khác máu tanh lòng, sống ở đó nó không hơn gì người ở, đã vậy lại còn bữa ăn, bữa nhịn nên thằng bé mới bỏ đi có người làng nhìn thấy nó đánh giầy trên hè phố Hà Nội, có người lại bảo nhìn thấy nó đi móc túi ở ga tầu. Đấy là người ta chỉ nói với nhau thế thôi chứ không ai dám khẳng định chắc chắn.

Hơn chục năm sau Chu Khởi đột ngột trở về làng, bây giờ anh ta đã là một người thanh niên lực lưỡng, có hàng ria con kiến vểnh lên trông như cụ Lý Cừ của làng Mùi ngày trước. Càng nhìn Chu Khởi dân làng càng đoán già đoán non rằng hắn có thể có máu mủ gì đó với cụ Lý Cừ. Lý Cừ tên cúng cơm là Nguyễn Tiến Cừ ông ta vốn là người Lý trưởng cuối cùng của làng Mùi. Người ta cứ bàn tán vậy thôi chứ vào năm bà Củ nhặt được Chu Khởi ở bến sông ấy thì cụ Lý Cử đã chết từ tám hoánh nào rồi. Các con của cụ ta khi ấy cũng không ai có thể là bố của Chu Khởi được nên đến hôm nay Chu Khởi vẫn đích thực là gã đàn ông du thủ, du thực không cha không mẹ. Đây là điều xỉ nhục với Chu Khởi. Hắn không chịu được và không thể để cho người khác gọi hắn là kẻ du thủ, du thực không cha không mẹ. Đã có những trận đánh nhau xảy ra và dân làng Mùi bây giờ chỉ dám nói sau lưng hắn thôi chứ các vàng cũng không dám nói trước mặt Chu Khởi.

Sau hơn chục năm trời mất tích, giờ về làng Chu Khởi xuống xe ở gốc đa làng cách nhà chừng non một cây số. Ngay sau đó dân làng thì thầm với nhau một điều rằng; Khi chiếc xe con mầu đen dừng lại, người lái xe xuống mở cửa xe, lấy va ly đưa cho Chu Khởi rồi đứng cúi đầu chào y như cảnh trong phim truyền hình Hàn Quốc đang chiếu trên ti vi. Chu Khởi chỉ khẽ  nhếch mép cười. Cái cười đểu đểu hình như là do mụ dậy cho hắn từ bé. Giờ đây, trông hắn nhiều người khó nhận ra nếu không có cái nụ cười đểu đểu thường trực trên môi ấy. Dân làng ai cũng tò mò muốn hỏi xem hơn chục năm qua Chu Khởi bỏ đi đâu và làm gì mà khi về làng có xe đưa, xe đón như vậy, nhưng hắn chỉ cười mà không nói.

Chu Khởi vừa về đã nghe thấy tiếng gà kêu quang quác, trong nhà Hòa Củ, rồi đích thân ông bố nuôi đạp xe đạp ra quán bà Sơn Sắn mua rượu. Chỉ mua có lít rượu mà ông ta trả hẳn tờ 100 ngàn đồng mới cứng khiến bà chủ quán cuống lên đếm tiền thừa trả lại. Còn ông bố nuôi thì đứng đó mặt lại vênh lên như bánh đa nướng. Bà chủ quán vừa trả tiền vừa nhìn ông hỏi “Tôi hỏi khí không phải. Thế ngày trước sao ông đánh cháu ác vậy?”. Ông Hòa nhìn bà ta vẻ khó chịu “Cái bà này, nuôi con thì phải dậy, phải răn. Tôi mà không dữ đòn nó được như hôm nay chắc” Tất cả những chuyện ấy nhanh chóng trở thành đề tài ngồi lê đôi mách của của những kẻ vô công rồi nghề ở làng Mùi . Không hiểu Chu Khởi mang về được nhiều tiền hay không nhưng rõ ràng những lần anh ta về quê thì bà mẹ nuôi lại tất bật đi chợ mua thức ăn. Trước đây, khi ra chợ bà ta chỉ dám mua mớ tép vụn năm thì mười họa mới thấy bà ta mon men lại hàng thịt mua vài lạng thịt dọi, cái sọ lợn về hầm với khoai sọ, còn giờ đây khi ra chợ bà ta đã biết đảo mắt tìm trễ lợn, tìm thịt thăn. Có hôm ra muộn hết thịt ngon người bán gạ bà ta mua tạm vài lạng thịt mông, thịt vai nhưng bà ta lắc đầu bảo; Sợ cháu nó không ăn. Chu Khởi không ở nhà lâu, lần nào về cũng chỉ chân ướt chân ráo là đi ngay. Anh ta làm gì, ở đâu thì ngay đến bố mẹ nuôi cũng không biết. Vậy mà, lần này Chu Khởi ở nhà hàng tuần liền chưa thấy đi. Hàng ngày hắn thường ăn diện quần áo chỉnh tề, đầu đội mũ phớt, chân đi giầy da bóng lộn lững thững như một kẻ vô công rồi nghề gặp ai trên đường Chu Khởi cũng cúi đầu chào hỏi rất lễ phép, và đặc biệt là trên môi anh ta không bao giờ tắt nụ cười. Những ngày Chu Khởi ở làng, cả làng đang sôi lên sùng sục. Chuyện là do cách đây mấy năm, Công ty trách nhiệm hữu hạn Si líc Trường Sinh được cấp giấy phép. Dân làng Mùi khi ấy không ai hiểu Công ty ấy sản xuất cái gì, hai tiếng Si Líc khiến người ta tưởng rằng đây là một cơ sở khoa học phục vụ lợi ích của đất nước, đã thế cán bộ xã, cán bộ huyện lại bảo rằng đây là công trình Quốc phòng, An ninh. Mà với dân làng Mùi được hy sinh quyền lợi của mình vì lợi ích Quốc gia không những là truyền thống mà còn là một niềm tự hào. Trong những năm chiến tranh làng Mùi là làng dẫn đầu huyện về phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Thanh niên làng Mùi ngày trước khi đã đủ cân, đủ lạng chỉ có một con đường duy nhất là lên đường nhập ngũ. Trong suốt những năm chiến tranh cả làng không có người con trai nào đi công nhân hay học trung cấp, đại học gì cả. Con gái làng Mùi cũng không ai thích thú gì chuyện học hành, họ chỉ đi học đủ biết đọc biết viết là ở nhà lấy chồng .Còn con trai, hễ cứ vừa lớn lên vừa mọc ria mép là ai nấy hăng hái lên đường ra trận. Nhưng trai làng Mùi ra trận cứ như người ta đi hội, đi bao nhiêu về bấy nhiêu, anh nào về cũng cứng cáp khỏe mạnh. Hàng trăm người ra đi nhưng chỉ có bốn người bị thương trở về mà cũng chỉ là vết thương phần mềm. Khi bình xét công trạng trong kháng chiến làng Mùi cũng đã được nằm trong diện được xét tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng khi xem xét kỹ người ta mới giật mình khi hiểu rằng cả làng không có một bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cũng không có lấy một người vợ liệt sỹ. Nhiều người tiếc ngơ, tiếc ngẩn nhất là khi nhìn làng Trịnh Khúc, làng Hùng Quan, làng Thạch Đê thay nhau nhận danh hiệu Anh hùng. Giờ đây sang thời kỳ làm ăn, kinh tế là mặt trận hàng đầu. Làng Mùi là làng đầu tiên trong huyện được chọn làm nơi phát triển kinh tế. Tờ giấy phép kinh doanh có con dấu đỏ chót  của Ủy ban Tỉnh khiến dân làng Mùi ngẩng cao đầu. Thử hỏi cả huyện này kể cả các anh được tuyên dương Anh hùng đã có làng nào vinh dự được nhà nước chọn làm nơi xây dựng Công ty Si Lic Trường Sinh phục vụ cho Quốc phòng, An ninh hay chưa? Hàng trăm hộ dân ở đất bãi ven sông háo hức chuyển vào định cư trong chân núi Thắm nhường đất cho Công ty Si Líc Trường Sinh. Gia đình ông Thận Hải, ông Tiếp Vân còn không nhận tiền đền bù tự nguyện đóng góp vào việc xây dựng công ty. Đài truyền thanh địa phương, rồi đài truyền hình tỉnh thi nhau tuyên truyền, nêu gương những gia đình đi đầu trong việc bàn giao mặt bằng cho Công ty Si Lic Trường Sinh. Hơn nữa dân xóm Bãi vốn là dân tứ xứ, chín người mười làng họ mới đến sinh cơ lập nghiệp ở đây chưa lâu nên tình cảm của họ với mảnh đất này cũng không có gì sâu nặng. Tạm biệt mảnh đất ven sông tuy mầu mỡ nhưng vài ba năm lại phải hứng chịu một trận lũ của dòng sông Hồng vốn không lấy gì làm hiền hòa cho lắm vào sống trong chân núi Thắm vốn chả bao giờ phải chịu thiên tai lũ lụt cũng là điều mà nhiều người đã nghĩ tới. Kể từ sau khi có khoán 10 hàng chục hộ dân đã vào chân núi để khai hoang vỡ hóa, giờ đây chuyển cả nhà vào đó, hy sinh một ít quyền lợi của cá nhân vì tập thể cũng là việc nên làm. Ông Bí thư Đảng ủy Đỗ Tiến Bật là người đầu tiên làm gương nhượng đất cho Công ty Si Lic Trường Sinh. Việc làm của ông có một sức thuyết phục ghê gớm. Gì thì gì đảng viên đã đi trước thì làng nước sẽ theo sau. Dân làng Mùi từ trước đến nay vẫn luôn hiểu một điều rằng, đảng viên là những người thông tỏ đường lối, nắm chính sách trong tay. Một khi đảng viên đã làm thì mình đừng có ỳ ra mà không xong. Dân xóm Bãi háo hức nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng. Háo hức chuyển nhà vào nơi ở mới để giúp cho Công ty Si Lic Trường Sinh kịp thời tổ chức sản xuất.

Chỉ đến khi Công ty Si Lic Trường Sinh lộ nguyên hình là một Công ty tư nhân chỉ làm mỗi việc là hút cát ở sông Hồng lên đem bán lấy lời thì người dân xóm Bãi mới ngã ngửa người ra. Nhất là khi người ta nhìn thấy bà Giám đốc Công ty không phải ai khác chính là Thúy Liễu con nhà Thục “lác”. Thì cả làng mới rên rỉ; Cha tiên sư mẹ con con đĩ nó lại lừa cả làng rồi. Người ta gọi Thục “lác” là đĩ kể cũng không ngoa. Thục “lác” vốn không có chồng, chị ta cũng không đến nỗi xấu chỉ trừ có đôi mắt “nhìn rau gắp thịt” là không duyệt được. Còn lại hầu như mọi thứ trên cơ thể chị ta đều khá là hấp dẫn. Thục “lác” có nước da trắng như trứng gà ta bóc vỏ, có một dáng người cao, thuộc vào hạng “chân dài” nếu như cái thời Thục “lác” còn là con gái người ta cũng đánh giá sắc đẹp của người con gái qua số đo 3 vòng như ngày nay thi hoa hậu thì chỉ xét nguyên về chỉ số 3 vòng Thục “lác” có thể là người mẫu tầm cỡ khu vực. Tạo hóa quả là bất công khi làm cho đôi mắt của người phụ nữ ấy bị “sang vành”. Thực ra đôi mắt “nhìn rau gắp thịt” không phải là lý do khiến cho Thục “lác” phải sống cảnh không chồng. Vấn đề chính ở đây là tiết hạnh, một điều mà từ trước đến nay dân làng Mùi luôn đặt lên hàng đầu khi tìm dâu, kén vợ. Khi ở tuổi dậy thì bố mẹ Thục “lác” đã khốn khổ vì cô con gái suốt ngày phấn son, trang điểm. Mà với dân làng Mùi khi ấy việc con gái thoa xon, đánh phấn khiến cho nhiều người phát tởm. Trừ cánh đàn ông là không cưỡng được sự hấp dẫn của những cặp mắt xanh, môi đỏ chứ với các bà, các chị thì việc con gái dùng son phấn là một điều trái tai gai mắt. Rồi nó cũng phưỡn bụng lên có ngày. Người ta ngấm nguýt như vậy, mà quả tình mới 17 tuổi đầu Thục “lác” đã làm mẹ. Đây là một sự kiện gây chấn động làng Mùi hồi đó, người ta cố gắng bằng mọi cách để tìm hiểu xem ai là cha đứa bé nhưng cho đến hôm nay đối với dân làng Mùi thì đó vẫn là một câu hỏi chưa hỏi có lời giải đáp. Người ta chỉ thấy xót xa cho ông bà Giáo Lượng, hai vợ chồng ông ăn ở rõ hiền lành. Ông Giáo vốn con nhà khá giả cũng có dăm ba chữ Thánh Hiền làm vốn, trước cách mạng làm nghề dậy chữ tam tự kinh. Hai vợ chồng không có con, sau này nghe dân làng nói bà Giáo đi “đánh giậm” được mụn con gái. Đây là một việc quá sức chịu đựng của ông Giáo, nhưng rồi suy đi tính lại, hơn nữa anh em nhà bà Giáo khi ấy đang là cán bộ xã nên ông ta đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Việc bà Giáo làm ông Giáo nuốt nhục chưa trôi thì lại đến việc cô con gái chửa hoang một người như ông Giáo làm sao chịu thấu. Trong chưa đầy một tháng ông Giáo hai lần thắt cổ tự vẫn nhưng số ông vẫn cứ phải sống mà chịu những nỗi đắng cay nhục nhã ở đời. Tình cảnh gia đình ông Giáo trở nên quẫn bách khiến Thục “lác” không thể sống ở nhà. Thục lác tỏ ra là một người phụ nữ khá trơ tráo, chỉ với một túp nhà tranh vách nứa dựng trên mảnh đất dưới chân Nương Mộ hai mẹ con Thục lác sống khá sung túc, thời ấy trong khi cả làng ai cũng đầu tắt mặt tối vì lo bát cơm manh áo, tháng ba ngày tám nhiều nhà phải ăn củ chuối thay cơm, thì nhà Thục “lác” vẫn cơm ba bữa, ăn gà bỏ xương, ăn cá bỏ đầu. Ngày ngày Thục lác diện quần hoa, áo va ly de mỏng tanh lượn lờ trên đường làng như cá cảnh. Các bà các cô nhìn cứ như bị gai chọc vào mắt. Ngôi nhà tranh ở dưới chân Nương Mộ ban ngày thì vắng tanh, vắng ngắt nhưng ban đêm thì chó những nhà hàng xóm cứ là cắn đến mòn răng. Người ta đồn rằng cánh đàn ông trong làng thường ăn cắp tiền vợ ban đêm mò đến với Thục “lác”. Biết làm sao được, các ông ăn cơm mãi cũng thèm tý phở. Cả làng chỉ có mỗi người phụ nữ mặc quần hoa áo cánh, lại thoang thoảng mùi nước hoa thì bố ông nào mà chịu được. Cánh đàn ông ở làng Mùi đã trốn vợ đi ăn vụng mỗi khi ngồi với nhau lại béo mép bảo rằng. Khi hứng lên Thục “lác” cứ rên lên hư hử nghe sướng cả một đời chứ đâu như các bà vợ nhà quê cứ nằm đuồn đuột, đuồn đuột như chịu trận. Không cứ gì đàn ông làng Mùi mà đàn ông ở các làng bên cạnh, thậm chí người ta còn thấy cả những vị cán bộ lúc nào cũng đạo mạo, mỗi khi lên phát biểu trước trước dân thì tuôn ra hàng bồ đạo đức vậy mà cũng mò đến nhà Thục “lác” chỉ có điều mỗi khi bước vào cổng cứ lấm la, lấm lét như tên ăn trộm. Người có tiền thì trả tiền, người không có tiền thì xúc trộm gạo, bắt trộm gà của vợ  mang đi. Chả biết thực hư ra sao nhưng nhiều nhà cơm chả lành, canh chả ngọt…Các bà vợ của làng Mùi nguyền rủa người phụ nữ hư hỏng, người ta gọi Thục lác là con đĩ làng. Người ta lo lắng nhìn cô con gái còn hơn hẳn mẹ. Thúy Liễu lớn lên cả làng sững sờ, đúng là mẹ cú con tiên, Thúy Liễu thừa hưởng ở mẹ cả dáng, cả da nhưng lại chối bỏ cặp mắt “sang vành”. Không biết ai là người gieo giống mà Thúy Liễu có đôi mắt nhìn sâu thăm thẳm, đàn ông mỗi khi nhìn vào cặp mắt ấy thường cảm thấy tĩnh lặng như mặt nước mùa thu. Trong làng Mùi ngày ấy đã xuất hiện những chàng thi sỹ suốt ngày làm thơ về cái hồ nước thu trong leo lẻo ấy. Không biết bao trai làng sẽ chết chìm trong đôi mắt ấy nếu Thúy Liễu đã tấp tửng đòi đi thi hoa hậu. Không biết mẹ con Thục “lác” lấy đâu ra tiền mà mua sắm áo váy để Thúy Liễu tham gia cuộc thi tuyển chọn Người đẹp xứ Đoài do Phòng Văn hóa Thông tin huyện tổ chức. Hàng ngày nhìn Thúy Liễu diện áo váy lượn lờ trên đường nhiều bà, nhiều cô đã thấy lo thon thót, mẹ nó đã vậy bây giờ trông nó như các cô người mẫu trên ty vi thế kia thì bọn đàn ông làng này không khéo hóa rồ lên hết. Trong cuộc thi đó, Thúy Liễu trả lời nhầm câu hỏi của Ban Giám khảo đưa ra. Ai lại đứng trước Ban Giám khảo, toàn những ông đầu bóng lộn, kính trễ xuống mũi, đứng trước hàng ngàn khán giả cô Thúy Liễu xinh đẹp lại trả lời rằng;  Hai Bà Trưng thực ra là Bà Trưng và Bà Triệu, họ là chị em sinh đôi cùng cha khác mẹ. Câu trả lời của nó khiến cho mọi người cười bò, vậy mà khi bị đánh trượt Thúy Liễu vẫn ấm ức cho rằng Ban Giám khảo không ai biết gì. Rằng nó bị trượt vì không có tiền lót tay… Sau cuộc thi Người đẹp xứ Đoài ấy Thúy Liễu bỗng nhiên được tuyển vào biên chế nhà nước. Thúy Liễu trở thành nhân viên của Công ty Du lịch tỉnh. Con tạo xoay vần ra sao hôm nay Thúy Liễu trở thành bà Giám đốc Công ty Si Lic Trường Sinh. Dân làng nhìn con gái Thục lác mỗi lần bước xuống xe ý tứ đưa tay kéo váy để lộ ra gót chân trắng hồng như gót chân tiên thì lộn ruột, y như ngày xưa nhìn thấy Thục “lác” mặc quần hoa mỏng dính lượn lờ trên đường. Cuộc đời sao đầy rẫy sự bất công, những con người lao động chân chỉ hạt bột thì trông lam lũ, da chân da tay thì dầy bì bì, nẻ ngang nẻ dọc trong khi đó bọn ăn trắng mặc trơn thì trông đứa nào cũng phây phây ra… Thế rồi không hiểu sao cánh nhà ông Thận Hải, ông Tiếp Vân, ông Ngoạn …tự nhiên kéo nhau đi kiện Công ty Si Lic Trường Sinh. Họ viết đơn đòi quyền lợi, trước hết họ đòi phải tính toán lại tiền đền bù. Nếu là nhà nước thu hồi thì một xu họ cũng không lấy, nhưng vì đây là của tư nhân nên cứ phải sòng phẳng. Cái lý của họ chỉ có là như thế. Làng xóm suốt bao ngày liền cứ sôi lên sùng sục như thùng thuốc súng. Đơn từ, kiện cáo tùm lum nhưng không ai giải quyết. Lẽ phải thuộc về kẻ có tiền, có quyền. Mà kể cũng lạ hàng bao lần gặp gỡ giải quyết, người đứng ra đại diện cho Công ty Si Lic Trường Sinh không phải là bà Giám đốc Thúy Liễu mà chỉ nhân viên được ủy quyền. Người ta đồn với nhau rằng, Thúy Liễu làm bồ nhỏ một ông cán bộ to. Cái Công ty Si Lic Trường Sinh thực ra là do ông ta điều hành Thúy Liễu chỉ là Giám đốc trên danh nghĩa mà thôi. Xã rồi huyện cũng nhận được đơn của dân xóm Bãi nhưng đố ai dám lên tiếng. Dân làng nhỏ to rằng cái ông đứng đằng sau Công ty Si Lic Trường Sinh chỉ cần hắt hơi nhẹ một cái là các vị từ Chủ tịch, đến Bí thư đã rời nhiệm sở về mà đuổi gà cho vợ,  hơn nữa người dân xóm Bãi trước đây đã tự nguyện nhượng đất cho Công ty tất cả đều làm đúng theo quy định của pháp luật. giấy trắng, mực đen, bút xa gà chết giờ còn kiện cáo cái gì. Nói lý, nói tình với nhau không được thế là đến lúc phải nói chuyện với nhau bằng gậy gộc, dao búa. Đã có vài trận chặn đường xe trở cát, đã có xô sát giữa thanh niên làng Mùi với công nhân của Công ty Si Lic Trường Sinh. Hai ngày trước vừa xảy ra một trận ẩu đả giữa thanh niên làng Mùi với nhân viên bảo vệ của Công ty Si Lic Trường Sinh khiến cho hai người bị thương nặng hiện đang nằm trong bệnh viện huyện. Công an vẫn đang còn điều tra, chưa sử lý. Hôm nay, cánh thanh niên trai tráng trong làng lại tụ họp nhau lại thành nhóm quyết trừng trị Công ty Si Líc Trường Sinh. Gần hai chục người tay gậy, tay dao được sự hỗ trợ của các bà các chị và hàng mấy chục người nữa kéo nhau ra. Nhưng khi ra đến nơi họ kinh hãi khi nhìn thấy một hàng rào cảnh sát với dùi cui, doi điện, với súng lục đeo xề xệ bên hông và gương mặt lạnh như tiền. Đứng đầu hàng cảnh sát là một thiếu úy còn trẻ cũng là người làng Mùi. Anh ta tên là Trí ngày bé hay gọi là Trí “nhớt” vì đi học cấp ba rồi mà dãi vẫn chảy rề rề. Trí “nhớt” là con ông Kiến Phức. Vợ chồng Kiến Phức cũng chỉ ở nhà làm ruộng như bao người dân làng Mùi . Lấy nhau gần chục năm trời cấm thấy vợ chửa đẻ gì, hai vợ chồng Kiến Phức đưa nhau đi cầu cúng khắp nơi. Nghe nói khi đến cầu ở đền Thượng bên kia núi Thắm hai vợ chồng gặp một người thầy bói ngồi xem bói bằng cách sờ đồng tiền lễ. Kể ra cũng lạ, hai mắt thầy rõ là tinh, là sáng cứ đảo lia lịa từ người này sang người khác vậy mà khi xem lại nhắm tịt lại tay cứ sờ sờ như người mù thật. Bà Phức sau khi bàn với chồng liền lấy tờ hai hào nhét tận cạp quần lót ra đặt vào tay thầy. Động tác lần cạp quần để lấy tiền của người phụ nữ hình như làm cho thầy chú ý. Thầy cầm tờ tiền lên tay, rồi đưa lên mũi nhăn mặt ngửi cứ y như thầy ngửi được tiền vận, hậu vận của con người từ đồng tiền ô uế đó. Ngửi xong thầy nhìn chằm chằm vào hõm ngực người phụ nữ và phán rằng; Hai vợ chồng chưa có con lỗi không phải do thánh thần mà chủ yếu là do họ chưa biết cách ngủ với nhau. Nói như vậy cũng là ý tứ, tế nhị lắm rồi chả lẽ thầy lại nói toẹt ra rằng hai vợ chồng đếch biết đ.. nhau, Vậy mà, cả hai vợ chồng kinh hãi nhìn thầy, ở nơi đền miếu linh thiêng này sao thầy lại dám nói về cái chuyện tục tằn đó? Giời ạ ! Đi cầu tự mà kiêng nói chuyện nói chuyện đ…nhau thì cầu cái con c… à? Thầy bỗng vung ra một câu chửi thề y như dân hàng tôm, hàng cá khiến những người đang ngồi chờ đến lượt xem bịt miệng cười rinh rích còn hai vợ chồng tái mặt, vã mồ hôi hột. Người chồng vội vã chi thêm hai hào nữa nhờ thầy chỉ bảo cho cặn kẽ. Thầy lim dim mắt nhìn ông Kiến vẻ thương hại rồi ghé vào tai thì thầm to nhỏ. Không biết thầy nói gì chỉ biết ông ta có vẻ tâm đắc và gật đầu lia lịa. Chả biết thầy dặn gì nhưng sau lần ấy, vợ chồng nhà Kiến Phức cứ quấn lấy nhau như rắn. Họ làm “chuyện ấy” không kể ngày đêm, không cần địa điểm. Lần thì ở ngoài đống rơm, lần thì hai người tranh thủ lúc chập choạng tối đè nhau ra bờ ruộng sau buổi tát nước, có lần bọn trẻ trâu bắt gặp hai vợ chồng ngủ với nhau ở bãi sắn trên Nương Mộ. Bọn chúng tưởng có chuyện gái trai hủ hóa nên về gọi người lớn ra bắt. Nhưng khi dân làng ra đến nơi thì thấy anh chồng đang nằm co quắp gối đầu trên đùi vợ ngủ ngon lành, còn chị vợ thì ngồi lấy nón quạt cho chồng rất chi là tình cảm. Dân làng được một phen ê mặt. Vợ chồng người ta ngủ với nhau thì có gì mà xem kia chứ? Nhưng tại sao không ngủ với nhau ở nhà mà lại kéo nhau lên đồi kia chứ? Thế mới là đồ rửng mỡ. Các ông, bà biết cái gì mà nói kia chứ, cái nhà bằng cái lỗ mũi nhét gần chục người đến ho còn ngại nữa là. Chỉ đến khi ấy người ta mới hiểu nguyên nhân muộn con của vợ chồng Kiến Phức. Thì từ ngày cưới nhau, hai người vẫn ăn chung ở chung với bố mẹ. Ngôi nhà tranh ba gian một trái thưng vách nứa ấy nhét gần chục người. Hai ông bà già, hai vợ chồng trẻ, một bà chị quá lứa lại kèm thêm 5 đứa em cả trai lẫn gái … Chuyện của vợ chồng Kiến Phức bỗng trở thành câu chuyện được bàn đến nhiều nhất trong làng thời ấy. Mà ở làng Mùi  thời ấy có cái gì để giải sầu đâu kia chứ, một quý mới có buổi chiếu phim phải rủ nhau đi từ chiều, xem xong về còn bàn cãi chuyện phim đến hàng tháng trời liền, nên có chuyện để mà nói cũng đỡ buồn. Rồi cu Trí ra đời. Kể ra thì cũng lạ lúc mong thì mong đỏ con mắt cũng chẳng có con còn khi đã có được một đứa rồi thì bọn đàn em trứng, gà trứng vịt thi nhau tòi ra. Vợ chồng Kiến Phức mấy năm liền tòi ra bốn đứa  nhưng được mỗi cu Trí là trai. Dù sao cũng đã có nếp, có tẻ lại vào đúng lúc làng Mùi đang ráo riết vận động kế hoạch hóa gia đình. Vốn có truyền thống đi đầu huyện trong tất cả các mặt hoạt động, người ta ra sức tuyên truyền, vận động khuyến khích các ông chồng tham gia triệt sản, những đứa ít học (mà cơ bản dân làng Mùi đều ít học) lại ác mồm cố tình phá hoại chính sách sinh đẻ có kế hoạch của Nhà nước lại gọi là thiến. Chính cái từ này khiến cho kế hoạch triệt sản nam ở làng Mùi suýt nữa bị phá kế hoạch. Ông Phó chủ tịch Nguyễn Tiến Thẩm đã làm gương xung phong triệt sản nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu, trong lần ông ta đi từ Ủy ban về tình cờ gặp anh cu Kiến đang khật khưỡng đi vay tiền. Đã mấy lần cùng cán bộ Phụ nữ, cán bộ Mặt trận đến nhà vận động nhưng lời nói của cán bộ cứ như nước đổ đầu vịt. Ông Phó chủ tịch nheo mắt ngắm đối tượng của mình rồi nảy ra một kế hoạch, ông ta liền rủ anh cu Kiến vào quán đổ cho vài chén rượu gạo. lắng nghe anh cu Kiến than thở về việc hết tiền, hết gạo ông tỏ vẻ thông cảm rồi  tỷ tê dỗ dành thế nào mà anh cu Kiến hăm hở ngồi lên xe máy của ông Phó Chủ tịch chạy vào bệnh xá và leo lên giường cho người ta phẫu thuật thắt ống dẫn tinh. Bà vợ ở nhà nghe đứa em dì tất tả chạy về gọi bảo rằng anh rể đang thiến thì bất chấp cả đứa con đang lên cơn sốt rét bà ta tức tốc chạy ra bệnh xá nhưng mọi sự đã rồi, bà ta liền xỉa tay, vỗ đùi bèn bẹt lên chửi cha chửi mẹ thằng nào, con nào rủ rê chồng bà ta đi thiến. Thủ phạm chính là ông Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Thẩm khi ấy đang ung dung ngồi viết báo cáo gửi huyện về việc làng Mùi đã hoàn thành chỉ tiêu triệt sản nam. Ở ngoài bệnh xá bà Phức lại quay sang chửi chồng. Bà ta bảo rằng người gì ngu hơn chó, đến con chó nó còn biết giữ cái của ấy lại nữa là người. Cả làng được một phen nghe sướng cái lỗ tai. Nhưng cái của quý của anh cu Kiến thì không sao trở lại như cũ được. Anh cu Kiến ngày đó là ông Kiến hôm nay, ông tuy chưa già trông vẫn còn sức vóc, nhưng trông lúc nào cũng ngơ ngơ như người bị ma bắt mất hồn. Những kẻ rỗi hơi trong làng không gọi ông là ông Kiến Phức nữa mà gọi ông là ông Kiến hoạn. Ông Kiến hoạn cũng có mặt trong đoàn người kéo nhau đi đầu tranh với Công ty Si Lic Trừơng Sinh, Thực ra thì ông không có lợi lộc gì trong việc đấu tranh này, ngồi nhà dỗi việc thấy dân làng kéo nhau đi thì ông cũng đi cho biết thôi. nhưng khi đến nơi thấy con trai mình trong lực lượng công an giữ gìn trật tự, nhất là khi thấy nó sải những bước dài vững chãi, hai mắt nhìn ông như nhìn vào một người xa lạ. Tự nhiên ông cảm thấy chân tay mình bủn rủn, mồ hôi vã ra trên mặt. Lạy trời, lạy phật có phải thằng Trí con ông kia không? Thấy thằng Trí người ta đẩy ông Kiến hoạn lên trước, ông cố lấy can đảm, định bước lên nói vài lời phải trái với con nhưng mắt ông bỗng hoa lên, đầu óc váng vất. Trước mắt ông đâu có phải là thằng Trí, cái thằng đi học đến cấp ba rồi mà mũi dãi vẫn chảy dề dề. Trước mắt ông là một sỹ quan cảnh sát rất oai nghiêm nhờ khoác trên mình bộ cảnh phục. Hóa ra cũng là nó mà khoác bộ cảnh phục lên người trông nó khác hẳn chứ cởi ra có lẽ nó vẫn chỉ là thằng “Trí nhớt”, một gã đàn ông bất lực nhất trong số đàn ông làng Mùi. Nghĩ được như vậy, nhưng người ông vẫn rúm lại từ dưới đũng quần ông một luồng nước âm ấm chảy ra, những người kéo nhau đi đấu tranh lúc đầu không hiểu chuyện gì nhưng khi hiểu ra vừa nhìn thấy con trai ông Kiến hoạn đã vãi đái ra quần thì phá lên cười. Bao nhiêu dũng khí lúc trước bỗng nhiên biến mất. Cuộc tập họp lực lượng để đòi công lý của dân làng Mùi bỗng trở thành chuyện cười. Rồi cũng không ai dám gây sự với cảnh sát mọi người im lặng giải tán.

Lệ Mai cũng có mặt trong đội quân đi đòi công lý ấy. “Đội quân đi đòi công lý” đấy là cái tên mà Tiến Thanh dùng để gọi những người đi đấu tranh với Công ty Si Lic Trường Sinh. Lệ Mai thấy cái tên ấy mới ý nghĩa làm sao? Đúng là chỉ “anh ấy” mới nghĩ ra được. Nàng nhìn Tiến Thanh như khích lệ. Thực ra, nàng cũng không hiểu đúng sai, phải trái ra sao. Nàng cũng đã nghe bố nàng cấm nàng không được tham gia vào cái “đám vô công rồi nghề này”. Đấy là cái tên mà ông Chủ tịch hội Cựu chiến binh dùng để gọi “đội quân đi đòi công lý”. Lệ Mai chả biết ra làm sao cũng là những con người ấy, cũng là công việc ấy vậy mà mỗi người lại gọi khác nhau. Nhưng dù bố nàng có gọi đấy là những thằng kẻ cướp, những tên giết người đi chăng nữa thì nàng làm sao có thể ngồi nhà trong Tiến Thanh là thủ lĩnh của đội quân “đi đòi công lý”. Hôm trước nàng đã nghe tin trong cuộc ẩu đả với bảo vệ của Công ty Si Lic Trường Sinh chàng đã bị thương. Vết thương  không nặng, chỉ là do một viên đá chắc là của phe mình ném trượt vào đầu thôi nhưng đã khiến cho nàng lo lắng đến mất ăn, mất ngủ…Nàng liếc mắt nhìn Tiến Thanh dấn bước lên sánh ngang người chàng và cất tiếng hỏi nhỏ nhẹ.

- Anh Thanh. Giờ anh tính sao?

Tiến Thanh ngước mắt lên nhìn nàng ngán ngẩm lắc đầu, nàng bỗng cảm thấy trái tim mình đập mạnh trong lồng ngực.

- Cũng chưa biết tính sao nữa. Nhưng chúng ta sẽ không bỏ cuộc. Nếu cần có thể kiện lên tận Trung ương.

- Có mà con kiến đi kiện củ khoai. - Chu Khởi đi bên cạnh khẽ nhếch môi cười đểu và buông ra một câu khiến Lệ Mai cảm thấy hai mắt mình nẩy lửa. Nàng chỉ muốn cào cấu, muốn móc mắt hắn cho hắn khỏi châm chọc phá đám Tiến Thanh.

- Anh thì biết cái gì.

- Sao lại không biết gì cô em xinh đẹp. Tôi còn biết cả lý do khiến cô tham gia vào đám vô công rồi nghề này.

Đám vô công rồi nghề cái từ mà Chu Khởi nói về đội quân “đi đòi công lý” của Tiến Thanh khiến Lệ Mai cảm thấy như bị hắn tát thẳng vào mặt. Hai mắt nẩy lửa, nàng quay lại đối mặt với Chu Khởi.

- Anh vừa nói cái gì?

- Xin lỗi ! Nhưng hai người trông cũng đẹp đôi đấy. – Chu Khởi lại cười vẫn cái cười mà không hiểu sao Lệ Mai thấy nó đểu đểu. Nhưng cái câu  “Hai người trông đẹp đôi đấy” lại khiến cho nàng thấy mát lòng, mát dạ má nàng thoắt bừng đỏ, trái tim nàng đập rộn trong ngực, nàng liếc xéo sang Tiến Thanh. không hiểu chàng có nghe thấy Chu Khởi nói gì không mà nét mặt chàng hình như không có gì thay đổi. Đến một kẻ vô lại, một tên phá đám như hắn cũng phải thừa nhận chúng mình đẹp đôi đấy, anh không thấy sao? Đôi mắt nàng lại âu yếm nhìn Tiến Thanh khiến Chu Khởi bỗng nhiên phá lên cười, tiếng cười không biết phải hiểu như thế nào, hắn khẽ nháy mắt với nàng ngầm như giao hẹn điều gì rồi rẽ sang hướng khác. Trên đường giờ đây chỉ còn có hai người, bước chân nàng ngập ngừng, chậm dần trong khi Tiến Thanh vẫn vô tình sải bước.

- Anh Thanh.

Nàng cất tiếng gọi nhỏ, tiếng gọi vừa đủ để nói lên những điều suy nghĩ thầm kín trong tim mình. Nàng có một giọng nói du dương êm ái khiến cho đàn ông khi nghe thấy cứ thích nghe mãi. Giọng nói ấy có lẽ nàng được thừa hưởng từ mẹ nàng.

Đang cúi đầu bước Tiến Thanh bỗng ngập ngừng dừng lại, nửa như muốn nghe cho rõ, nửa như không. Nàng quyết định dấn thêm một bước nữa.

- Tối nay anh…có bận gì không ? – Lệ Mai làm bộ ấp úng và cúi xuống mân mê tà áo. Ngay cả cách mân tà áo cũng là  một cách tỏ tình thầm kín mà nàng đã dụng công tập luyện. Thực ra nàng tập những cách mê hoặc đàn ông này cũng vô ích vì nàng là một cô gái đẹp. Hôm trước chị Thúy Liễu  Giám đốc Công ty Si Lic Trường Sinh có nói với nàng rằng; Nếu muốn chị ấy sẽ tài trợ cho nàng tham gia cuộc thi Hoa hậu toàn quốc. Chị vẫn còn hậm hực vì trước kia bị người ta sử oan trong cuộc thi Người đẹp xứ Đoài. Bọn khốn nạn ấy thì biết cái gì kia chứ. Ngồi làm Giám khảo mà mắt cứ dán vào cái “Ngã ba, ngã bẩy” của người ta. Chị ấy bảo cho nàng biết rằng, chị đã thanh toán xong món nợ với những vị ngồi trên bàn Giám khảo hôm ấy. Các vị ấy không có con mắt để thưởng thức cái đẹp, thì tốt hơn cả là về mà đuổi gà cho vợ.  Nàng chả hiểu chị ấy nói về cái ngã ba ngã bẩy nào, cũng không biết chị ấy đã làm thế nào để trả thù được họ nhưng cũng thấy hay hay. Chị ấy còn bảo rằng làng Mùi của mình nhất định phải có người đăng quang Hoa hậu toàn quốc cho thiên hạ lác mắt ra. Nghe nói đến được tham gia thi Hoa hậu nàng cũng thích ghê lên ấy. Nhưng còn Tiến Thanh? Không hiểu tại sao suốt thời gian này mọi suy nghĩ của nàng chỉ hướng về Tiến Thanh. Chỉ cần một ngày không nhìn thấy chàng là nàng cảm thấy ruột gan bồn chồn như ngồi trên đống lửa. Có những hôm không có việc gì nàng cứ phải giả vờ đi vào xóm Trại chỉ để nhìn thấy Tiến Thanh một lần. Liệu anh ấy có đồng ý cho nàng tham gia thi hoa hậu nhất là với sự giúp đỡ của chị Thúy Liễu hay không? Hôm nay nàng muốn gặp Tiến Thanh để nói với chàng chuyện đó để xem phản ứng của chàng ra sao. Nhưng nàng lại không biết phải bắt đầu như thế nào. Từ xưa đến nay nàng luôn được giáo dục để hiểu rằng một người con gái không bao giờ được chủ động hẹn hò, chủ động tỏ tình với con trai. Ôi ! Kiếp sau nàng sẽ quyết không làm con gái nữa.

- Tối nay anh phải sang nhà bác Thận Hải. Nhưng có việc gì không em?

Nàng bỗng nhiên bối rối. Bao giờ cũng vậy khi đối diện với người đàn ông mà nàng thầm yêu trộm nhớ Lệ Mai cũng không sao làm chủ được. Nàng quay ngoắt lại làm ra vẻ giận dữ xăm xăm bước về nhà mình, trong đầu hy vọng rằng Tiến Thanh sẽ chạy theo, sẽ gọi nàng lại. Ôi! Chỉ cần nghe tiếng gọi của chàng là nàng sẽ quay lại, sẽ chạy bổ về phía chàng thậm chí sẽ … Nhưng không, chàng lặng lẽ cúi đầu đi về nhà, nàng cảm thấy thất vọng chỉ muốn khóc, nhưng rồi lại cố tĩnh tâm nghĩ về những việc Tiến Thanh sẽ bàn ở nhà ông Thận Hải. Thì có chuyện gì nữa vẫn là chuyện “đòi công lý”. Trong tất cả những người dân của xóm Bãi trước đây đi đấu tranh với Công ty Si Lic Trường Sinh thì nhà ông Thận Hải là hăng hái nhất. Chuyện ấy cũng dễ hiểu thôi vì ông ấy là người bị thiệt thòi nhiều nhất. Ông ta đã vô tình biếu không cho Công ty Si Lic Trường Sinh cả một mảnh đất vườn rộng hơn một mẫu với bao nhiêu là cây trái. Trong hơn một mẫu vườn ấy ông Thận đã trồng hàng bao cây ăn quả, mùa nào thứ ấy. Nào na, nào bưởi, nào nhãn…đặc biệt nàng rất thích cây hồng không hạt của vườn nhà ông Thận Hải. Cả làng này chỉ có nhà ông là có cây hồng không hạt như vậy, trước đây năm nào nàng cũng được Thái Ngọc, con gái út của ông Thận Hậu hái cho hàng túi. Cây hồng nhà ông trăm quả như một, quả nào quả ấy đều căng mọng, đỏ dòi dọi chỉ cần đưa lên miệng là đã thấy ngọt lịm. Loại hồng quý ấy không hiểu sao không thể trồng được. Vì nó không có hạt nên không có cây con, nhiều người đã hỳ hục triết cành hàng bao lần nhưng không thành. Trước kia vợ chồng ông Thận Hải hăng hái trong việc nhượng đất cho Công ty Si Lic Trường Sinh bao nhiêu thì bây giờ ông ta hăng hái đi đòi bấy nhiêu. Bao ngày nay đi đến đâu ông cũng bảo rằng ông ta bị lừa. Từ xã cho đến huyện đều nói với ông và người dân rằng đây là Nhà nước trưng dụng đất để xây dựng công trình Quốc phòng An ninh. Theo luật Nhà nước có thể trưng dụng đất đai, nhưng Nhà nước vốn tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân nên mới bàn bạc thỏa thuận. Nghe người ta nói mà ông thấy nở từng khúc ruột. Gia đình nhà ông so với những gia đình khác của làng Mùi từ trước đến nay đều thua thiệt, muốn có thằng con trai cho khỏi lép vế, lớn lên cho nó vào bộ đội, nói dại giả sử nó có hy sinh vì nước vì dân cũng là niềm tự hào. Vợ chồng ông được bốn cô con gái, ba cô đã yên bề gia thất giờ chỉ còn có cô út, năm nay cũng 18 tuổi rồi, gả chồng nữa là xong. Nhà toàn có con gái có tích trữ tiền của cũng chả làm gì. Bố mẹ nghèo có khi chị em nó còn đoàn kết, còn có chị có em. Chứ có tiền của để giành không khéo chị em nó lại chia lìa đến không nhìn mặt nhau. Chả ai biết ông thật hay đùa có lúc ngồi uống rượu với mấy chàng rể ông bảo rằng; Bố chỉ xin các con có hai điều. Một là lúc về già chúng mày đừng có đánh bố. Hai là khi vợ chúng mày đẻ, đừng có bắt vợ bố đi trông con cho chúng mày để bố sống cô đơn một mình. Giờ đây có cơ hội để ông đóng góp cho đất nước ông thấy vô cùng vinh dự. Ông chỉ xin Công ty Si Lic Trường Sinh hỗ trợ ít tiền để làm ngôi nhà mới trong chân núi Thắm và xin Ủy ban cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông. Vợ chồng ông vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn lao động được, còn người còn của lo gì. Đóng góp một ít tiền của cho đất nước cũng là trách nhiệm là nghĩa vụ nên làm của ông. Ông nói vậy, dân làng nhiều người lúc đầu con do dự tính toán thiệt hơn nhưng rồi cũng học tập ông. Mọi yêu cầu của ông, của dân làng đều được đáp ứng, thậm Chí công ty Si Lic Trường Sinh còn cho xe đến san nền nhà, chuyên chở vật liệu giúp dân làm nhà. Ông cảm thấy vô cùng hãnh diện khi hàng ngày nghe đài truyền thanh xã nêu gương vợ chồng ông đã tích cực ủng hộ đất nước. Mà giọng của cái cô phát thanh viên nghe mới ngọt ngào làm sao? Ông còn nhớ mãi cái câu nói mỗi buổi sáng. “Việc làm của gia đình ông Hà Văn Thận và bà Tạ Thị Hải là biểu hiện cao đẹp của lòng yêu nước, của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, sứng đáng cho chúng ta noi gương…” Ôi ! Sống đến quá nửa đời người rồi ông mới biết mình cũng có máu Anh hùng, mà lại là Anh hùng Cách mạng kia đấy. Có ai ngờ được rằng ông và cả ông Bi thư Đỗ Tiến Bật cũng bị chúng nó lừa. Mà bị ai lừa kia chứ? Bị cái con ranh con, con Thục lác lừa thì nỗi nhục làm sao mà chịu cho thấu. Lần nào nghĩ đến Thục lác ông cũng thấy mặt mình nóng bừng. Người đàn bà đàng điếm hư hỏng ấy là nỗi thèm muốn khát khao không bao giờ thỏa của ông. Cái thời còn sung sức ông cũng như những người đàn ông khác của làng Mùi đều bị con mụ ấy hớp mất hồn. Thì từ tấm bé chỉ được nhìn thấy đàn bà mặc quần thâm, áo gụ giờ đây bỗng nhiên có một người mặc quần hoa, áo va ly de mỏng tanh, đã thế cặp môi đỏ như son lúc nào cũng cười mỗi khi đi qua lại còn thoang thoảng mùi nước hoa nữa thì bố anh nào chịu cho được. Đêm về nằm bên vợ thấy mùi mồ hôi chua loen loét lại mơ tưởng đến cái mùi thơm thoang thoảng từ người Thục lác. Cánh ông Vân, ông Ngoạn nói nhỏ vào tai ông rằng chỉ cần yến thóc là được ngủ với Thục lác. Yến thóc chứ cả tạ ông cũng không tiếc nhưng khổ một nỗi ông không sao lừa được bà vợ lúc nào cũng như người cảnh sát ở bên cạnh. Cho đến bây giờ mỗi khi nghĩ đến niềm ao ước thời trước ông vẫn còn luyến tiếc, sao đời ông không có được cái may mắn như ông Vân, ông Ngoạn. Cùng là đàn bà con gái mà sao các bà ấy lại để cho chồng được nếm mùi đời. Nhưng dù sao đấy cũng vẫn là chuyện của ngày hôm qua, còn hôm nay ông đi kiện, ông đi đấu tranh cũng chỉ là để không cho mẹ một con đĩ nó ăn trên ngồi chốc. Nó có làm gì đâu mà bỗng dưng hưởng hết công sức của vợ chồng ông làm cả một đời người. Nghe ông Thận dãi bày, nhiều người cũng tỏ ra thông cảm, uất ức thay cho ông. Chung quy lại cũng chỉ là do dân mình ít học. Chu Khởi cái đứa con hoang, cái thằng cha du thủ, du thực lại buông ra cái lời nhận xét rất chi là vô trách nhiệm.Vô học, phải không có những người dân vô học ở làng Mùi này thì hôm nay hắn đã làm mồi cho cá sông Gom rồi. Tại sao hắn lại không giống Tiến Thanh trong mắt Lệ Mai Tiến Thanh là biểu hiện của tinh thần thượng võ, giữa đường thấy chuyện bất bình... Tiến Thanh của nàng giống như bậc Anh hùng thượng võ sẵn sàng xả thân vì việc nghĩa, vì lẽ công bằng chứ không như những kẻ hiếu kỳ. Vừa nhìn thấy Công an đã vãi đái ra quần thì còn đấu tranh cái gì nữa chứ. Lệ Mai cảm thấy uất lên tận ngực, Công an họ cũng chỉ là con người thôi. Nói phải củ cải cũng phải nghe, ai chứ anh Trí “nhớt” thì có gì đáng sợ. Còn nhớ trong hội làng đầu năm khi Trí “nhớt” bị bọn con gái túm lấy bắt đánh đu, anh ta chẳng suýt nữa thì tè ra quần còn gì. Mà bố con nhà ấy cũng lạ kể cả bố lẫn con hễ vừa động đến là đã vãi tè ra, thật chả ra làm sao. Nhưng thôi, thua keo này bày keo khác, chắc Tiến Thanh lại nghĩ ra một kế sách gì mới, hôm nay chàng vào nhà ông Thận Hải chắc là để bàn bạc. Chả biết họ định làm gì nữa đây? Ôi giá như nàng được tham gia trong cuộc họp tối nay. Mà có ái cấm nàng đâu nhỉ? Ông Thận đâu có phải là người xa lạ, về vai vế bên bố nàng phải gọi ông ấy bằng chú, nhưng về đằng ngoại thì ông ấy lại phải gọi nàng là cô mối quan hệ họ mạc nhằng nhịt ở làng Mùi khiến cho ai cũng là người nhà, hơn nữa nàng với Thái Ngọc con út ông Thận Hải là bạn chơi ô, chơi chuyền với nhau từ bé. Chỉ có một điều hơi ngại rằng từ đây vào nhà ông Thận Hải những gần chục cây số, đường xá ngoằn ngoèo như rắn lượn. ..Ơ tại sao mình không bảo Tiến Thanh rằng mình cũng có việc đi vào đó, tối cho mình đi cùng, trên đường đi nàng sẽ …Nghĩ được như vậy thì đã không còn thấy Tiến Thanh, nàng cúi đầu lủi thủi bước về nhà. Vừa đến cổng nhà, con chó Tô từ trong nhà vẫy đuôi mừng rối rít khi thấy nàng về. Không hiểu sao nàng lại đưa chân đá cho nó một cái, con chó kêu oẳng một tiếng rồi cong đuôi chạy thẳng vào nhà.

Về đến nhà Lệ Mai thấy Chu Khởi đang ngồi chơi cờ tướng cùng với bố nàng. Ông Đại đội trưởng Đặc công từng ngang dọc trên các chiến trường miền Đông Nam bộ, từ ngày cởi giáp hạ sao về làng không có trò giải trí gì khác ngoài việc vùi đầu vào bàn cờ tướng. Ông Nghiên đánh cờ không giỏi nhưng ham đánh đến quên ăn, quên ngủ, quên cả vợ con. Ngày còn ở trong quân ngũ đóng quân ở xa có lần đi phép, khoác ba lô lên đến ga tầu gặp được bạn cờ hai người tỷ thí dăm trận không phân thắng bại người bạn rủ ông về nhà chơi tiếp. Ông Nghiên không từ chối ở chơi cho đến hết cả đợt phép năm rồi khoác ba lô về đơn vị. Câu chuyện đó mãi khi về hưu rồi ông mới kể cho vợ con nghe. Vợ ông nghe xong cũng chỉ cười cười, cái cười không ra buồn cũng không ra vui. Bao năm ông đi bộ đội chả cần biết ông làm gì bà lặng lẽ ở nhà nuôi dậy một đàn ba đứa trai, đứa nào lúc mới sinh cũng ốm đau quặt quẹo, chỉ khi qua tuổi sài đẹn mới ra hồn người. Đến khi ông về bà mới đẻ thêm Lệ Mai cho có đứa chấy rận. Giờ đây, ông bà đã dựng vợ được cho 2 đứa chỉ còn một cậu con trai đang đi bộ đội, và cô con gái út là Lệ Mai. 4 lần sinh nở nhưng chỉ đến khi sinh đứa út là bà Thân mới có chồng ở bên cạnh. Có chồng ở bên cạnh mà cũng như không, bà Thân vẫn bảo số bà vất vả tại bà cầm tinh con khỉ lại lỗi mùa sinh nên mới lấy phải người chồng ham chơi như vậy. Ai lại có ông chồng đưa vợ đến nhà hộ sinh xong, quay về sang nhà hàng xóm đánh cờ, đến lúc tan cuộc cờ thì vợ cũng đã bế con về đến nhà. Bị dân làng xúm vào nói cho một trận ông Nghiên đỏ mặt ấp úng như gà mắc tóc. Ông bảo sốt ruột quá không biết làm gì đành rủ nhau đánh một ván cờ. Ai ngờ quên khuấy đi mất. Nghe ông nói ai cũng cảm thấy buồn cười. Người gì cái người ham chơi thế không biết? Bố vợ nghe tin chàng rể ngồi đánh cờ mà quên vợ đang đau đẻ, chả biết nghĩ gì bảo đặt tên cho cháu là Lệ Mai. Đó là đứa cháu gái duy nhất của ông không phải kèm theo chữ “Thị”. Sau này mỗi khi nghĩ về cái tên cháu ngoại ông cụ thường trầm ngâm bảo. Không biết tại sao ông lại nghĩ ra cái tên ấy. Lệ M