(Chủ nhật, 12/04/2020, 04:05 GMT+7)

Trung tướng Phùng Khắc Đăng

“Nhẹ tênh một cuộc chơi”

 

Nhà văn Ngô Vĩnh Bình

 

I


Trung tướng Phùng Khắc Đăng phát biểu tại Hội thảo Khoa học
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời & sự nghiệp

   Trung tướng Phùng Khắc Đăng giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị những năm 2001-2007, được phân công theo dõi, chỉ đạo công tác báo chí, văn hóa - văn nghệ, là một vị tướng, thủ trưởng cấp trên trực tiếp luôn gần gũi với các nhà văn quân nhân. Ông là người bạn thực sự của các nhà văn “phố nhà binh”.  Một lần, tôi viết cái tin “Thủ trưởng Tổng cục Chính trị ra thăm Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam...”. Ông đọc và cười bảo: “Ra với” chứ! Một lần, hình như vào dịp Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông “ra với” anh em “Nhà số 4”. Nhà văn Chu Lai, một đại đội trưởng đặc công từng bám trụ chiến đấu ở chiến trường sông nước ven Sài Gòn thời chống Mỹ nhìn chằm chằm vào ve áo “hai sao, ba viền vàng” của ông đùa: “Ông tuổi như tôi mà quân hàm cứ “sáng lòa” lên thế này. Biết tác giả của “Ăn mày dĩ vãng” trêu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị bảo: “Cũng chả bằng những trang văn “lấp lánh”, để đời của ông!”. Lần khác, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, Đại tá Nhà văn Vũ Thị Hồng - vợ Nhà văn Chu Lai, lần đầu gặp ông e thẹn: “Nghe nói, anh cũng là lính chiến ở Khu 5 thời chống Mỹ, em cũng từng nhiều năm trong ấy, sao không biết anh nhỉ?”. Ông cười: “Vì lúc ấy, em còn bé mà!”. Nói vậy vì ông hơn nữ nhà văn cả một nửa con giáp (sinh năm 1945) trai quê đất Trạng Bùng (Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhưng ra lính từ năm 19 tuổi (1964) và từng là chiến sĩ trinh sát pháo binh thuộc mặt trận Quảng - Đà (Khu Năm) gần như suốt cả thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt.
   Tôi là sĩ quan dưới quyền ông suốt những năm ông ở Tổng cục Chính trị, nhưng chỉ đến khi tôi cùng các nhà văn: Nam Hà (Chủ biên), Dương Duy Ngữ, Phạm Hoa, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thị Như Trang tham gia Ban biên soạn bộ sách “Tổng tập Nhà văn  Quân đội - Kỷ yếu và Tác phẩm” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - Hà Nội, 2000) mới làm việc thực sự với thủ trưởng.
   Xuất phát từ suy nghĩ, quan niệm: Văn nghệ bộ đội là nét độc đáo của văn học Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bởi không phải nước nào cũng có văn nghệ bộ đội và không phải quân đội nào cũng có một lực lượng viết văn, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đông đảo và khỏe khoắn như của Quân đội Nhân dân Việt Nam; ấy là một lực “lượng đặc biệt” của quân đội; đồng thời cũng là lực lượng gạo cội trong đội ngũ nhà văn Cách mạng Việt Nam, những người đã góp phần chính yếu tạo nên mảng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng - mảng sách đồ sộ nhất, sáng đẹp nhất và tạo dựng nhân vật người lính - một trong những nhân vật trung tâm của văn học hiện đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Ban Thư ký Chi hội Nhà văn Quân đội đã làm tờ trình gửi Bộ trưởng bộ Quốc phòng và Thủ trưởng Tổng cục Chính trị về việc biên soạn xuất bản công trình “Tổng tập các nhà văn Quân đội”. Bộ trưởng Đại tướng Phạm Văn Trà và thủ trưởng Tổng cục Chính trị rất hoan nghênh và phê duyệt.     
   “Tổng tập Nhà văn quân đội, kỷ yếu và tác phẩm” là một bộ sách đồ sộ gồm 5 tập khổ 15x22cm bao gồm gần 4.700 trang giới thiệu 303 gương mặt nhà văn cùng những tác phẩm tiêu biểu của họ, trong đó có 128 nhà thơ, 174 nhà văn, nhà Nghiên cứu Lý luận Phê bình văn học. Đây thực sự là một cuộc “diễu binh” cuối thế kỷ XX của đội ngũ nhà văn - chiến sĩ. Công trình “Tổng tập Nhà văn Quân đội - Kỷ yếu và Tác phẩm” không chỉ là một bộ sách lớn, một tổng tập tư liệu quý của văn học Việt Nam, một bộ biên niên sử về chiến tranh cách mạng và người lính Việt Nam; đồng thời là hành trang hữu ích cho những người lính trẻ bước vào thế kỷ mới - thế kỷ XXI.
   Có được bộ sách này, phải kể tới quyết tâm của Chi hội Nhà văn Quân đội lúc bấy giờ, mà người để tâm huyết và công sức nhiều nhất là nhà văn Nam Hà - tác giả của câu thơ nổi tiếng những năm chiến tranh: “Đất nước của những người con gái, con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép. Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt”, bấy giờ là Thư ký Chi hội. Các thủ trưởng Tổng cục Chính trị, trực tiếp là Trung tướng Phó chủ nhiệm Phùng Khắc Đăng dường như theo sát từng bước tiến độ của “dự án”; thậm chí có thể nói, ông đã “kiếm”, đã lo từng đồng cho công trình khi kinh phí có chuyện “phát sinh”. Nhà văn Nam Hà cho biết, vào thời buổi khó khăn “gạo châu, củi quế” mà Bộ trưởng “quyết” cho 500 triệu làm bộ sách là lớn lắm. Sách làm xong, quyết toán dư ra chừng 50 triệu, Chi hội làm giấy xin trả lại, đồng chí Phó Chủ nhiệm đã trực tiếp xin Bộ trưởng giữ lại cho Chi hội làm kinh phí cho phần quảng bá và chuyển tới từng nhà văn có tác phẩm trong tập sách.
   Tướng Phùng Khắc Đăng là người được Tổng cục phân công theo dõi, và chỉ đạo các cuộc vận động sáng tác, xét tặng các giải thưởng văn học nhệ thuật của Bộ Quốc phòng. Tôi nhớ, trong một cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông đã rất lo cho nội dung, chất lượng của bài vở gửi về dự thi. Ông bảo, “bó đũa chọn cột cờ” là khó lắm nên thi thoảng lại gọi điện cho Ban tổ chức cuộc thi hỏi: “Đã tìm thấy cột cờ chưa?”. Khi biết đã chọn ra một cột cờ là một nhà văn nữ xinh đẹp, ông mừng lắm. Nhưng khi đọc kỹ cái truyện ngắn dự thi của tác giả nọ, ông báo ông còn băn khoăn vì nếu theo như yêu cấu của cuộc thi thì nó mới chỉ đạt tiêu chí “hay”, còn chất bộ đội, chất chiến tranh thì mờ nhạt quá, nếu như không muốn nói là không có, mà đây lại là cuộc thi viết về bội đội, viết cho bộ đội. Sau ý kiến đầy chất “thuyết phục” của ông, ban tổ chức phải chọn “cột cờ” khác. Hôm trao giải “á quân” (giải nhì) cho tác giả nọ, ông ghé tai nhà văn nữ nói thầm, đại ý “giá như nhà văn có một tình yêu người lính!”. Nhà văn nọ bảo, đại ý “em xin hứa, cuộc thi lần sau ạ”.
   Tướng Phùng Khắc Đăng còn “can dự” đến những sáng tác “nhạy cảm” thời bấy giờ, nhưng là “can dự” một cách đầy xây dựng và nặng tình anh em, bè bạn. Khi nhà văn Thiếu tướng Dũng Hà viết cuốn “Sông cạn” được xem là “có vấn đề” không được xuất bản, ông đã đến tận nhà riêng thăm hỏi bậc đàn anh và khuyên: “Bác cứ từ từ nhé, cơm chưa ăn, gạo còn đó”. Nghe vậy, nguyên Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội đã “hưu chiến”. Và cuối cùng “Sông cạn” vẫn ra mắt bạn đọc. Tôi nhớ, hôm đến tặng tôi cuốn “Sông cạn”, nhà văn Dũng Hà xúc động nói với tôi: “... Sông cạn tuy chảy “nhọc nhằn” nhưng rồi cũng ra đến biển”, cũng được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in vào năm 2006. Ông kể: “Hạnh phúc cho tôi là sau khi bị kẹt dòng 10 năm, Sông cạn đã về được nơi nó cần chảy đến!”. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chảng tày gang” chỉ đến khi đọc kỹ lại cuốn sách được in rất đẹp, được trả nhuận bút… kịch trần, ông mới biết được rằng, nó đã bị biên tập cắt mất ngót 80 trang (từ 580 còn 507 trang A4) mà những trang bị cắt là những trang ông và bạn bè ông tâm đắc nhất”. Tướng Dũng Hà vừa cầm bút ký tặng tôi Sông cạn, vừa bảo: “Anh tặng chú một con hổ… nhưng chỉ là hổ vườn Thủ Lệ!”. Tôi bắt tay cảm ơn và thưa: “Dẫu sao thì nó vẫn là con hổ ạ!”. Như chuyện về Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng vậy. Hồi ấy, Khoa là Trung tá biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội mới từ Học viện Văn học thế giới M.Gorki (Liên Xô) về và có hai ba năm mà “dính” liên tục mấy vụ; mà ầm ĩ nhất là vụ “Chân dung và đối thoại”.
   Chân dung và đối thoại (Trần Đăng Khoa - NXB Thanh niên, 1998). Trong đó, các vấn đề văn chương được phát biểu qua các cuộc đối thoại thật và tưởng tượng, cũng mang lại không khí mới mẻ cho văn chương, có thể nói như là một hiện tượng vì những nhận định khác người gây bất ngờ của tác giả. Dư luận sôi lên khi cuốn sách được in ra. Có cả trăm bài báo, khen có chê có; mà là chê nhiều hơn, đến mức có cả sách phê bình cuốn phê bình này (như cuốn Cảm nhận & phê bình văn học: bàn về “Chân dung và đối thoại” của nhà giáo Lê Xuân Lít). Trước tình hình đó, cơ quan đơn vị quản lý Trần Đăng Khoa không thể làm ngơ. Không phải đã không có ý kiến của chính “người nhà” phê phán cuốn sách. Ai cũng tưởng Khoa sớm muộn sẽ “được” Tổng cục Chính trị “gọi vào”, nhưng không. Trong một buổi làm việc với Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội (bấy giờ, có lệ cứ hàng tháng là Thủ trưởng Tổng cục lại có buổi xuống nghe và thông qua kế hoạch). Làm việc xong, tướng Đăng sắp ra xe thì gặp Trần Đăng Khoa. Ông chủ động ôm lấy tác giả “Chân dung và đối thoại”, hai tay xoa xoa nhà thơ và báo: “Lưng chú màu mỡ thế này, thảo nào có nhiều người sống bám trên... Cũng cho anh hưởng tí chứ!”. Ai cũng biết sau cử chỉ ấy của đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục với Trần Đăng Khoa, mọi chuyện coi như... xong! Và cái truyện ngắn “Đi” của nhà thơ Nguyễn Bình Phương in trên báo Văn nghệ cũng đã “thoát hiểm” theo “cách” tương tự.
   Chuyện “chỉ đạo” như thế diễn ra thường xuyên, bởi đó là trọng trách được giao của ông. Tuy nhiên, ông ít khi lấy nê “cấp trên” để áp đặt ý kiến của mình với cấp dưới. Tôi nhớ có lần, ông tâm sự muốn thay khái niệm “nhà văn - chiến sĩ” thành “chiến sĩ - nhà văn” để tăng nội hàm chất “chất chiến sĩ”, “tính chiến đấu” của đội ngũ nhà áo lính. Ý kiến này đã không được sự “nhất trí cao” bởi anh em cho rằng, họ là nhà văn mặc áo lính (như người nông dân mặc áo lính) chứ không phải “người lính khoác áo nhà văn”. Nghe vậy, mãi về sau không thấy ông trở lại ý kiến này nữa. 
   Bây giờ là lúc có thể kể ra không ít điều về quá khứ một cách cởi mở và trung thực. Tôi nghĩ, đa số các trường hợp “nhạy cảm” mà những người từng giữ vai trò “cầm chịch” ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội như tôi phải giải trình là do có ý kiến khi thì của cơ quan chức năng, lúc thì ý kiến của một vài nhà phê bình trên báo chí chính thống và nhiều hơn là ý kiến, “đơn kiện” của người đọc (có khi là đồng nghiệp, là người viết với nhau). Không biết cụ thể trước đây, các bậc tiền nhiệm xử lý các “sự cố” như thế nào, chứ vào thời tôi làm Tổng biên tập thì tương đối “êm ái”. Có thể là thời tôi “cầm chịch” là thời đã được hưởng làn gió đổi mới, nên cách nhìn nhận, đánh giá những “lỗi’ kia có phần thoáng. Không có sự quy chụp, đa số cho rằng là “tai nạn nghề nghiệp”. Có người bảo, do các bản giải trình của chúng tôi viết “khéo”. Tôi cho rằng, không phải vậy mà cái chính là cấp trên của chúng tôi (cụ thể như tướng Phùng Khắc Đăng) đã luôn bầu bạn và cho chúng tôi những cơ hội được đối thoại; đồng thời tôi lại được “sự hợp” tác của bạn bè. Là thế, việc tưởng phức tạp hóa đơn giản, tưởng việc lớn hóa việc không lớn. Ơn giời! Là thế không có “đấu tố”, không có ai bị giáng cấp, giáng chức hay chậm quân hàm quân hiệu gì. Có lần tôi nói với nhà thơ Hồng Thanh Quang - Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết như vậy. Anh ấy nói: “Làm cấp dưới như anh thật sướng! Tôi trong đời hãi nhất những vị chỉ huy luôn chỉ nhìn ở cấp dưới những động cơ tiêu cực... đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo”.    

    

II


Nhà văn Ngô Vình Bĩnh (trái)

   Trung tướng Phùng Khắc Đăng là người rất trọng văn chương chữ nghĩa; đồng thời, ông cũng là một vị tướng có một tâm hồn lãng mạng. Ông thích thiên nhiên, nhà ông dù ở quê hay ở tỉnh, chật hay hẹp cũng luôn có cây cảnh, chim muông. Trên trang cá nhân có lần ông giãi bày: “Tôi thích chim nhưng không phải người biết chơi chim. Hôm nay, được tham dự một hội thi chim hoạ mi tại đình làng Võng. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng khi có đến 283 lồng chim của đủ mặt các câu lạc khắp vùng Sông Hồng về tham chiến. Các chiến binh Hoạ mi trông chàng nào cũng tự tin và kiêu hãnh, tiếng hót vang cả một vùng không gian rộng lớn, chiến binh nào cũng cao ngạo như để khẳng định vùng đất truyền thống của mình. Vòng một, vòng hai loại tiếp, những chiến binh bị loại hình như chẳng biết buồn rầu là gì vẫn hiên ngang cất cao tiếng hót. Nó đâu có biết chủ của nó rầu rĩ đến nhường nào. Đến khoảng 11h, 20 chiến binh xuất sắc được lọt vòng chung cuộc. Không khí hội thi sôi động hẳn lên. Tiếng loa của ban tổ chức giục giã các chủ chim đưa quân vào trận quyết chiến, các giảm khảo đã sẵn sàng mời 20 chiến binh vào trận như một dàn hoà tấu sôi động cả trường thi. Mỗi chiến binh phải giao tranh quyết liệt 15 phút liên tục. Các chiến binh luôn tự tin khẳng định mình. Do cuộc chiến kéo dài lại phải qua nhiều vòng đấu nên cũng xuất hiện các chiến binh uể oải chẳng còn hứng thú với đua chen. Một số chàng lảnh lót qua loa rồi thản nhiên nhảy nhót và thưởng thức các món ngon có sẵn bên mình. Tiếng còi vang lên báo hiệu kết thúc vòng thi chót, mấy ông chủ nét mặt căng thẳng còn các chiến binh như chẳng có chuyện gì vừa mới xảy ra. Lễ công bố các chiến binh lọt tốp mười và chiến binh đứng đầu để nhận cúp. Các lồng chim được phủ kín lai bằng một bao vải mang tên câu lạc bộ của mình. Sự hoan hỉ của toàn bộ trường thi cũng cuốn tôi lâng lâng như lạc vào các thung chim ở giữa đại ngàn. Một cuộc chơi vui có thưởng, phần thưởng chẳng đáng là bao nhưng cái được lớn nhất là tạo được một sân chơi văn hoá, mấy vị khách nước ngoài đứng xem tỏ ra thích thú, nhiều lúc khoái chí lại giơ ngón tay cái lên hứng khởi như muốn nói hay lắm, được lắm”.
   Tôi cũng biết, ông yêu thơ từ thời trai trẻ và thuộc rất nhiều thơ (kể cả cổ, kim, đông, tây); đặc biệt là thơ bộ đội.
   Ông kể, hồi ông còn làm Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu I, có một lần đến làm việc với Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng. Công việc xong xuôi, chị em có nhã ý muốn mời tướng quân ở lại ăn bữa cơm “rau dưa’’cùng cơ quan hội. Gọi là cơm “rau dưa” nhưng là cơm khách nên phải có rượu, mà rượu ở Cao Bằng thì thôi rồi! Nam nữ gì gì cũng uống hết mình. Uống bằng bát, uống chéo tay, uống đôi khi không say không về.
   Là Phó Tư lệnh một quân khu, lại là quân khu sơn cước nhưng cái khoản rượu chè bia bọt đối với ông có phần “yếu kém”. Không biết được tạng ông như thế nên chị em thay nhau chuốc tướng quân hết bát này đến quai khác. Biết được tửu lượng của mình nên uống với chị nào ông cũng chỉ nhấp môi, bị lộ và bị phạt phải uống chéo tay, uống trăm phần trăm. Không uống được phải hát. Tình thế thật là nguy nan bởi khả năng hát hò với ông cũng không hơn gì chè rượu. Những bài hát mà ông thuộc chỉ là 12 bài do quân đội quy định. Những bài ấy hát ở chỗ ăn uống thì hát sao được. Tính đi tính lại mãi, Phùng tướng quân đành liều xin đọc thơ.
   Là người con của làng Phùng Xá, quê hương Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan lại đã từng là cán bộ làm công tác nghiên cứu KHXH ở một học viện nên ông rất yêu văn chương và có nhiều bạn bè là văn nghệ sĩ. Ông đã từng làm thơ và cũng đọc cũng thuộc khá nhiều bài. Nhưng trong bối cảnh này thì đọc bài nào đây? Phải có cái gì gắn với chị em, gần với đất và người Cao Bằng chứ? Nghĩ một thoáng, sau mấy cái hắng giọng ông đọc luôn mấy câu:
Lên Cao Bằng không sợ dốc
Đèo Giàng, Đèo Gió đã lùi xa
Lên Cao Bằng không sợ đói
Nước trong, gạo trắng sẵn từ lâu
Lên Cao Bằng không sợ ốm
Chợ bày ngải cứu bán thay rau… 
   Đọc đến đây thì tướng quân quên béng mất câu cuối của bài thơ gốc, ngập ngừng một lúc ông quyết định phóng tác hai câu kết:
Lên Cao Bằng anh rất sợ
Em quên mất anh rồi, tối anh ngủ ở đâu?
   Thế là những đợt pháo tay vang lên cùng đó là những trận cười nghiêng ngả… Chị em bắt nhà thơ đọc lại, có chị rút bút ghi lia lịa. Chờ cho vãn tiếng vỗ tay, dứt hẳn tiếng cười, Trung tướng mới có mấy lời “đính chính” rằng đó không phải là thơ của ông mà là thơ của nhà thơ Vương Trọng, và rằng hai câu cuối là do ông quên mất nên tự nghĩ ra, ông nói thêm có lời xin lỗi tác giả bài thơ.
   Khi được nghe kể lại chuyện này, Phùng tướng quân chỉ cười và bảo: “Cho đến bây giờ tớ vẫn chưa được nhìn thấy văn bản bài thơ. Hôm ấy vô tình trên đường lên thị xã Cao Bằng, lúc xe qua chợ, vượt đèo chú lái xe cứ ngâm nga những vần thơ ấy, tớ thuộc và thế là tương kế tựu kế…” Để kết thúc câu chuyện xin phép nhà thơ Vương Trọng, Tướng quân Phùng Khắc Đăng và bạn đọc được chép nguyên văn bài thơ Lên Cao Bằng của thi sĩ họ Vương:
LÊN CAO BẰNG
Lên Cao Bằng không sợ dốc
Đèo Giàng, Đèo Gíó đã lùi sau 
Lên Cao Bằng không sợ đói
Nước trong gạo trắng sẵn từ lâu
Lên Cao Bằng không sợ ốm
Chợ bày ngải cứu bán thay rau… 
Lên đến Cao Bằng anh chỉ sợ
Em không còn đó biết tìm đâu!
   Tướng Phùng Khắc Đăng yêu thơ và cũng làm thơ. Tôi biết vậy. Thơ ông, là thơ của người lính, nhưng thiên về cảm tác mang sắc thái lịch sử. Ông làm nhiều thơ ca ngợi công đức tổ tiên. Trước một ngôi đền, ngôi miếu, trước tên tuổi một bậc hiền tài, danh tướng hay bên một di tích lịch sử danh thắng các bậc tiên liệt, danh nhân lịch sử văn hóa ông đều có thơ. Ngắn thôi, nhưng là tấm lòng, là sự tri ân của ông - một người lính, một người con quê hương Trạng Bùng với tiền nhân, với đất nước quê hương với đồng đội. Hôm ông dọn nhà đến ở ven hồ Tây, đứng trước khung cảnh đẹp như huyền thoại cổ tích, ông đã cảm tác làm bài thơ Hồ Tây mùa đông.
HỒ TÂY MÙA ĐÔNG
Dâm đàm, Xác cáo, Hồ Tây
Đông về mưa lạnh lây phây sương mờ
Chạnh lòng lại nhớ câu thơ
“Nhịp chày Yên Thái” bây giờ còn đâu
Cuộc đời bãi bể nương dâu
Xuân Hương đọc lại thấy đau nhân tình
“La đà” chẳng thấy trúc xinh
Thuyền câu tấm lưới nhục vinh để đời
“Thọ Xương” ôi cũng một thời
“Tiếng chuông” còn đó vọng lời người xưa
Mong sao bớt lanh, ít mưa
Để Hồ tẩy vẫn sớm trưa dập dìu
   Cũng bên sóng nước Tây Hồ, một buổi ông chợt nhớ chuyện Tiến sĩ Lê Văn Thịnh ngày xưa và ông làm bài thơ “Cụ Lê Văn Thịnh”:
 
CỤ LÊ VĂN THỊNH
         Mũ cao áo rộng quan một thời 
         Đầu triều Tiến sĩ tiếng để đời 
         Hồ Tây nghi án còn đọng lại 
         Chính trị - nho gia luật cuộc chơi.

         
Hay như bài “Thánh Gióng”, ông vừa công bố trên trang cá nhân của mình:
                  
THÁNH GIÓNG
         Ai được như cụ Gióng 
         Đánh giặc xong về trời 
         Công lao và danh vọng 
         Nhẹ tênh một cuộc chơi.
 
   ....
   Những bài thơ làm theo kiểu “cảm hoài”, “tức cảnh” như bài Hồ Tây mùa đông kể trên, ông có thật nhiều. Bà Dung - phu nhân tướng quân cho biết, ông có cả mấy chục bài thơ dạng này. Tôi bảo: “Chị gắng sưu tầm, in cho anh một tâp”. Ông cười chối đay đảy: “Thôi, thôi...”.

       

III


Trung tướng Phùng Khắc Đăng trong một chuyến đi điền dã Sơn Tây

   Với riêng tôi, tôi là cấp dưới của Trung tướng Phùng Khắc Đăng suốt thời gian ông công tác ở Tổng cục Chính trị, có lẽ, ông là thủ trưởng cấp trên trực tiếp duy nhất chủ động mời chúng tôi “đi chơi”. Đi chơi ngay từ khi anh em còn tại vị. Nói là “đi chơi”, nhưng thực ra là đến nhà ông, quê ông chơi trong những ngày nghỉ. Tôi là người đã được về Phùng Xá, quê ông; đã đến tất cả những địa chỉ mà ông và gia đình từng ở (Tập thể Nghĩa Tân, Trích Sài...), mà là lần nào cũng vui bởi lúc đó là anh em. Không còn là “trên” và “dưới”, không còn là công việc, không có “xin ý kiến”, chẳng còn “báo cáo báo cày”...
   Vui nhất là lần tôi và anh em Văn nghệ Quân đội: Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân, các nhà văn Nguyễn Bảo, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hữu Quý, Khuất Quang Thụy… về làng Bùng, xã Phùng Xá, Thạch Thất quê ông. Chúng tôi đã thắp hương kính viếng cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan; dạo quanh làng cổ với ao làng, giếng cũ, chùa xưa; thăm các di tích danh thắng quê cụ Trạng Bùng; xem hội vật, nghe hát chèo và thưởng thức những món ẩm thực xứ Đoài đậm chất dân dã tại nhà ông mà ấn tượng nhất là món “cầy tơ” do chính em trai ông chế biến cùng rượu nếp thơm dịu, vui vẻ chan hòa.
   Ngày mùng 7 tháng 3 năm 2001 (tức ngày 13 tháng hai năm Tân Tỵ), mẹ tôi mất ở quê (làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Tôi và gia đình tôi vô cùng cảm kích về sự có mặt họ tộc, các gia đình thông gia, bà con lối xóm, bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp xa gần; đặc biệt là sự có mặt của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp cùng các sĩ quan cao cấp của Tổng cục Chính trị trong những giờ phút đau thương. Hôm ấy, thủ trưởng Phùng Khắc Đăng đi công tác xa không về kịp, ông đã điện chia buồn với tôi và cử các sĩ quan thuộc quyến rước bức trướng ký tên ông dâng lên kính phúng viếng mẹ tôi.
   Mấy năm nay, cả tôi và ông đều đã nghỉ công tác, nhưng thi thoảng mấy anh em vẫn gặp nhau nơi chợ hoa Hoàng Hoa Thám, hoặc cà phê cà pháo ven hồ Tây. Lần nào anh em gặp nhau cũng vui như Tết. Có hôm nhà thơ cựu chiến binh Ninh An cao hứng:
Ngày xưa, ở khác chiến trường
Về hưu, ta lại ở cùng phường với nhau
Tướng Đăng đế luôn:
Chè sen, kẹo lạc, bạn hiền
Thi thoảng tụ tập, túi tiền bớt căng.
   Có hôm ông kể, ông đã có dịp đến Ghểnh Giáng (Bình Định) và may mắn được gặp ông Phó bí thư Tỉnh ủy. Ông này cho biết, xưa khi vua Bảo Đại công cán ra Bình Định thường cùng Nam Phương hoàng hậu ghé thăm Ghềnh Giáng. Thấy bãi biển có nhiều viên đá hình quả trứng xếp chồng chất trải dài hàng cây số vừa lạ lai đẹp mắt, như có sự quyến rũ và ham muốn thi thố sắc đẹp với trời biển. Hoàng hậu đã xuống bãi biển tắm tiên, rổi lên lạch nước ngọt ở bìa rừng gần đây ngâm mình cùng dòng suối trong veo và mát rượi, chắc cây rừng và muông thú thấy bồng lai tiên cảnh cũng phải ngẩn ngơ... Và khi tướng quân dạo bước một vòng để cố tưởng tượng ra cảnh cũ, người xưa thì chỉ thấy nhà thơ Zũ Kha với cây bút lửa đang thả hồn và phóng bút đề thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử treo khắp mọi nơi, ông đã xúc cảm làm mấy vần thơ dưới đây mà ông nói là “để thể hiện cái chất đàn ông”:
Đến bến tắm xưa người chẳng thấy
Chỉ còn vương lại mấy dòng thơ 
Trăm năm sóng cứ vỗ bờ
Ngàn năm bãi trứng thẫn thờ đợi ai?
   Đọc xong mấy câu này, thấy những người bạn đi cùng cứ dùng dằng bên cái lạch nước trong mát. Thế là ông lại nhẩn nha đọc:
Người xưa cũng giống người nay
Tắm tiên là thú đắm say lòng người
Nam Phương hoàng hậu đâu rồi
Để cho giếng ngọc ngàn đời nhớ mong.
   Các bạn biết không, tướng quân kể tiếp: “Tôi cũng tin thêm để các bạn biết cách đây hai năm tôi có dịp ghé thăm Bình Định, mấy ông bạn cũ gặp tôi và nói rằng vì mấy câu thơ của tôi mà mấy anh em định góp tiền mua cái máy dò sóng âm vì nghe nói máy móc hiện đại có thể tìm dấu, tìm ra cả... hơi của đẹp xưa. Các chiến hữu tin không ạ? Câu chuyện của vị tướng từng làm Chính ủy quân khu với bạn bè đồng đội thật ý nghĩa, nhưng cũng thật vui, thật đời thường.
   Ông, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, với tôi là vậy. Lúc nào cũng vậy, kể cả khi “mũ cao áo rộng một thời” cũng như khi cùng chúng bạn “chè sen, kẹo lạc, bạn hiền”. Đời ông đúng như câu thơ ông viết: “nhẹ tênh một cuộc chơi”.

 

Thập Tam trại, mùa hè năm 2017