(Thứ hai, 25/11/2019, 04:07 GMT+7)


Trung tướng Phùng Khắc Đăng phát biểu tại Hội thảo Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 2019

   Hội thảo khoa học Họ Phùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước tiến hành ngày 19 tháng 3 năm 2011 đã được tiến hành trên tinh thần tôn trọng tuyệt đối các ý kiến, tham luận, phản biện, phát biểu, kết luận của các nhà nghiên cứu, sử học, khoa học, giáo sư, tiến sĩ các ngành học, nhà văn… Hội thảo là một sinh hoạt văn hóa lớn đầu tiên do Ban liên họ họ Phùng Việt Nam chủ trì thực hiện. Hơn một năm chuẩn bị, hàng chục cuộc điền dã, trao đổi nghiên cứu của các nhà khoa học tâm huyết với họ Phùng đã được thể hiện trang nghiêm nơi Văn Miếu Quốc Tử Giám.
   Chủ trì hội thảo là Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Trưởng Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam. Các thành viên tham gia là những trí thức tiêu biểu: Giáo sư Đinh Xuân Lâm - Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo sư Lê Văn Lan, Giáo sư Phùng Hữu Phú, Giáo sư Trần Ngọc Vương, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Tiến sĩ Phùng Thảo, PGS Nguyễn Hữu Sơn, PGS Phùng Minh Hiến, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Giáo sư Phùng Hồ, Giáo sư Nguyễn Tài Thư, Nhà nghiên cứu Phan Duy Kha, PGS Mai Hồng, Tiến sĩ Vương Hường, Nhà giáo Phan Thị Bảo, Nhà báo Đinh Phong, Nhà thơ Ngô Minh…Giáo sư Trần Lê Sáng, người nghiên cứu và viết rất công phu về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan từ Sài Gòn đã gửi tham luận cho Ban tổ chức. Cuộc hội thảo được giới khoa học lịch sử hết sức quan tâm.
   Hội thảo diễn ra khoa học, trang nghiêm. Mở đầu là tham luận gây được tiếng vang lớn của Tiến sĩ Đinh Công Vỹ với tiêu đề: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Nhà quân sự hùng tài uy đức thấm sâu vào lòng dân. Giọng đọc to vang, khúc triết như lời hịch trong khói hương trầm thơm ngát Nhà Bái đường Quốc Tử Giám cho mọi người sự xúc động lớn. Các cành nhánh con cháu họ Phùng đứng kín trong nhà, ngoài sân im phăng phắc nghe từng lời của Tiến sĩ sử học luận về công đức của Bố Cái Đại Vương. Sau này, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ đã chuyển thể tham luận đó thành chúc văn tưởng niệm đức ngài luôn tuyên đọc nơi lăng vua Phùng Hưng. Đã nhiều năm, mỗi khi vị Tiến sĩ gắn bó sâu sắc với dòng họ Phùng mặc đại lễ đỏ, đầu đội mũ đỏ, chân đi hia thêu rồng ung dung vái chín vái rồi dõng dạc cất cao giọng đọc chúc văn thì hàng vạn người nơi quê Tổ Đường Lâm đều như thấy linh khí non sông chuyển động về.

   Âu cũng là cái duyên trời ban của vị Tiến sĩ với họ Phùng vậy.
Khi Nhà văn Hoàng Quốc Hải trình bày tham luận Vai trò của Thái phó Phùng Tá Chu với Vương triều Lý - Trần, toàn bộ hội thảo lặng đi trước sự xúc động sâu sắc của nhà văn với bậc tiền nhân. Lời văn giản dị, sáng trong nhưng vô cùng mạnh mẽ, khẳng định công lao gây dựng Vương triều Trần của vị Thái phó họ Phùng. Công lớn dường ấy mà lịch sử sau này còn nhiều chỗ thiếu công bằng với ông. Rất cần phải có cả một cuộc hội thảo lớn về thân thế cuộc đời và sự nghiệp của vị Thái phó lưỡng triều. Điều này, chỉ vài năm sau, với sự giúp đỡ hết mình của giới sử học, các nhà văn, nhà nghiên cứu mà hàng đầu là Nhà văn Hoàng Quốc Hải và Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, hội thảo khoa học Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp đã được tổ chức thành công tại nơi cụ yên nghỉ vùng đất thiêng Tây Đằng, Ba Vì.
   Hội thảo đang diễn ra êm thuận bỗng nhiều tiếng rì rầm, ồ à, có cả tiếng mời người đang phát biểu không nên nói tiếp. Đó là ý kiến của Giáo sư Trần Ngọc Vương về nguồn gốc cái tên và cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng ở đất Đường Lâm hoàn toàn nhiều khả năng ở Thanh Hóa mới chính xác. Tôi thấy đồng chủ trì hội thảo Dương Trung Quốc mấy lần toan ngắt lời vị Giáo sư xứ Nghệ đang bằng kiến thức thâm hậu của mình đưa ra một phản biện lịch sử. Con em họ Phùng đứng phía sau ồn ào, có người căng thẳng. Những giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của giới sử học ngẫm ngợi vân vi, không ít vị đi tới người chủ trì đăng ký phát biểu phản biện ý kiến của Giáo sư Vương.
   Trung tướng Phùng Khắc Đăng vẫn im lặng lắng nghe và khẽ vẫy tôi đến gần, nhỏ nhẹ:
- Khai sang nói với anh Dương Trung Quốc cứ để Giáo sư Vương nói hết ý và mời các tham luận khác theo trình tự mà không cần thiết phải phản biện ý của giáo sư. Trong khoa học, nhất là về các vấn đề lịch sử, những ý kiến khác nhau là bình thường. Khi kết luận hội thảo, chú sẽ trao đổi với thầy Đinh Xuân Lâm.
   Tôi vòng sang báo cáo với Nhà sử học Dương Trung Quốc. Bố cục nhà Bái đường hơi khác nên hai chủ tọa ngồi hai dãy bàn đầu đối diện nhau. Ở giữa là lư hương. Nhà sử học Dương Trung Quốc nghe tôi báo cáo ý kiến của Trung tướng Phùng Khắc Đăng xong khuôn mặt khẽ dãn ra, tươi cười cảm ơn Giáo sư Vương và tiếp tục điều hành. Những tham luận khác vang lên. Vấn đề tồn nghi mà Giáo sư Vương nêu ra, Trung tướng Phùng Khắc Đăng đến bắt tay cảm ơn và nói điều gì đó. Giáo sư Vương tươi cười. Anh em các đoàn họ Phùng đứng phía xa chắc không thể hình dung hết được những xử lý linh hoạt, tôn trọng khoa học lịch sử một cách lịch lãm, giàu kinh nghiệm của vị tướng họ Phùng. Giáo sư Trần Ngọc Vương, trong các cuộc hội thảo lớn tiếp theo của họ Phùng, đều dành nhiều công sức và tâm huyết tham gia. Tình cảm của vị giáo sư nổi tiếng nhưng cũng rất cá tính dành cho họ Phùng ngày càng bền chặt.
   Cuộc hội thảo đầu tiên của dòng họ Phùng đã gây tiếng vang lớn. Các báo chí truyền thông đều đánh giá đúng ý nghĩa sâu sắc  của nó. Những đóng góp của dòng họ Phùng với đất nước qua các thời kỳ cơ bản được khẳng định, tường minh.
Không ít chi tiết vui từ cuộc hội thảo đầu tiên.
   Trong buổi ăn trưa, do không lường hết anh con cháu họ Phùng kéo đến đông đảo, thành thử Ban tổ chức không đặt kịp đủ suất ăn. Dẫu là tiệc đứng thì rau dưa cũng bị vét nhẵn mà không ít người vẫn kéo đến. Làm thế nào đây? Nhà hàng trách móc chúng tôi đặt ít suất mà người đến quá nhiều. Sau một hồi thương thảo, tôi và chị Nguyễn Thị Mạch, vợ anh Phùng Hệ, một người con dâu đảm đang, hiếu thuận của dòng họ Phùng đi đến thống nhất là nhà hàng còn bất cứ thứ gì ăn được cứ cho xào nấu đưa ra. Một mặt, chị Mạch cử lái xe đi sang siêu thị bên kia đường mua ba mươi thùng rượu vang để cho khách uống trước. Đàn ông họ Phùng có cốc rượu thì việc đồ ăn không mấy quan trọng. Nhà hàng chỉ biết lắc đầu đồng thời trong lúc khó khăn đã nảy ra sáng kiến cử nhân viên đi khiêng về hai nồi riêu cua và hai thúng bún ở phố bên cạnh.
   Mãi đến hai giờ chiều, con cháu họ Phùng mới rời tay nhau ra để ai về đất nấy.
   Thật là một hội thảo nhớ đời.
   Sau này, chỉ riêng kinh nghiệm ăn uống, Trung tướng Phùng Khắc Đăng luôn chỉ đạo khi anh em làm cơm ngày giỗ Tổ mùng 8 tháng Giêng ở Đường Lâm là phải có nhiều bát đũa. Không nhất thiết mâm cao cỗ đầy nhưng anh em trăm miền về hiếu kính tổ tiên phải có bát cơm canh. Thường dịp cuối năm, dù bận đến mấy, Trung tướng Phùng Khắc Đăng cũng đều lên làm việc với chính quyền xã, thôn, Ban quản lý di tích Đường Lâm để hỗ trợ một phần kinh phí để nhân dân làm cỗ đón khách thập phương trong ngày giỗ Tổ. Các nhánh họ Phùng từ các vùng Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An… năm nào cũng đến dự Lễ rất đông đủ. Người họ Phùng cùng với bà con nhân dân Đường Lâm tay bắt mặt mừng tưởng nhớ tiền nhân các ngày mùng 7, mùng 8 tháng Giêng đã trở thành một nét đẹp văn hóa nơi vùng đất cổ kính phong dao.
   Trung tướng Phùng Khắc Đăng với kinh nghiệm chủ trì nhiều hội thảo lớn trong suốt cuộc đời quân ngũ của ông, nhất là khi đảm đương cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã hiểu thấu đáo rằng, tiếng vang, sự lan tỏa, hiệu quả lâu dài của mỗi hội thảo là phải phát huy bằng được thành tựu của nó. Vấn đề cốt yếu là phải tập hợp, biên tập và xuất bản được kỷ yếu hội thảo. Hội thảo Họ Phùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước phải mau chóng xuất bản được ký yếu. Với đặc thù họ Phùng, tập sách phải có những biên độ mở, phải có những phần bài phong phú, hữu ích, sát sườn với từng cành nhánh họ Phùng trên toàn quốc, cuốn sách phải có tính tri thức và tính giáo dục cao đối với thế hệ trẻ, nó vừa có độ hàn lâm khoa bảng vừa phải bình dị chân thành mới thu hút được nhiều tầng lớp người đọc. Ông cho mời vào Ban biên soạn gồm: Tiến sĩ Phùng Thảo, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nhà văn Phùng Văn Khai, Nhà báo Phùng Thế Nguyện, Nhà văn Đặng Văn Sinh, Doanh nhân Phùng Hệ, Đại tá Phùng Danh Thắm khẩn trương bắt tay vào công việc. Những tư liệu, hình ảnh, bài viết phải trung thực và khách quan từ những kết luận dựa trên tinh thần khoa học lịch sử.
   Cuốn sách Họ Phùng Việt Nam tập 1 mà nòng cốt là các tham luận hội thảo ra đời trong bối cảnh đó.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng Nhà văn Phùng Văn Khai đến thăm nhà và tặng sách Họ Phùng Việt Nam cho
Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu năm 2018 (ngồi giữa)

   Cuối năm giáp Tết 2011, Ban biên soạn đã không kể ngày đêm để cuốn sách ra đời kịp cho Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ngày mùng 6 tháng Giêng năm 2012.
   Đã có lúc tưởng như không kịp, bởi cuối năm, việc cấp giấy phép xuất bản không dễ dàng gì. Lại là sách về những tư liệu lịch sử cần phải được thẩm định kỹ lưỡng. Tôi báo cáo những khó khăn với Trung tướng Phùng Khắc Đăng, vị tướng bình tĩnh nói:
- Khai cùng với chú Phùng Thảo làm thật kỹ bản thảo rồi trực tiếp sang trao đổi với anh Lê Huy Hòa - Giám đốc Nhà xuất bản Lao động. Anh Hòa trước công tác ở Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân là người có kiến thức sâu về sách và lịch sử sẽ thuận cho chúng ta. Phải chạy đua với thời gian để có bằng được sách mùng 6 tháng Giêng trao thưởng cho các cháu.
   Tôi rời nhà Trung tướng Phùng Khắc Đăng khi đêm đã khuya. Hôm ấy Tết ông Công, Táo quân cưỡi cá chép lên thiên đình tâu trình công việc ở dương gian. Về đến nhà tận Như Quỳnh đồng hồ chỉ 11 giờ đêm. Ngày mai là ngày chủ nhật chắc chắn anh chị em Nhà xuất bản đều nghỉ. Tết đến nơi rồi liệu họ có mặn mà cho cuốn sách của dòng họ không?
   Tôi gọi điện cho giám đốc Lê Huy Hòa nói rõ mọi chuyện, nhất là những khó khăn.
   Nghe rõ đầu đuôi, Lê Huy Hòa cười vang trong máy:
   - Đúng là các anh họ Phùng rất tâm huyết với dòng tộc, nhất là Trung tướng Phùng Khắc Đăng.  Mai là chủ nhật, Khai mang bản thảo sang đây mình sẽ cùng nhau đọc trực tiếp. Giấy phép sẽ xử lý được. Chẳng nhẽ các bậc tiền nhân làm biết bao công việc ích nước lợi dân mà nay anh em ta tiếc ngày nghỉ hay sao.
   Tờ mờ sáng hôm sau, tôi ôm bản thảo sang Nhà xuất bản. Lê Huy Hòa quả là một người đọc thần tốc và kiến thức lịch sử của anh hiếm người theo kịp. Anh phân cho tôi đọc những phần liên quan văn học, những gì tồn nghi báo cáo trực tiếp với anh. Suốt ngày chủ nhật, hai anh em xử lý xong cũng là lúc màn đêm buông xuống mịt mùng.
   Có giấy phép, vấn đề nhà in cũng không phải dễ.
   Chúng tôi đã phải chạy đua tính bằng phút. Chia nhau ra làm, phần ảnh tôi gọi điện chỉ đạo về cho Nguyễn Thị Nhường, cán bộ của Nhà sách Như Quỳnh đem đi in trước. Duyệt xong bìa lập tức chuyển qua đường email để nhà in ra phim. Giám đốc in Lê Việt Dũng, một người anh của tôi lập tức cắt ngắn chuyến về quê làm giỗ ông nội chở nhân viên về khởi động máy in đã đóng niêm để ăn Tết. Sách bìa cứng phải gia công gáy cẩn thận, anh huy động cán bộ công nhân tranh thủ làm đêm.
   Khi cuốn sách đầu tiên in xong còn thơm mùi mực tôi đem đến nhà Trung tướng Phùng Khắc Đăng cũng là lúc bóc tờ lịch ngày 29 Tết. Cầm cuốn sách trên tay ông Đăng cảm động nói: - Chỉ có cháu mới làm nổi việc này. Thay mặt Ban liên lạc, thay mặt dòng họ chú cảm ơn vợ chồng Khai.
   Cuốn sách Họ Phùng Việt Nam tập 1 đã được ra đời với những tình tiết như thế.

*
*      *

   Ngay trong những ngày Tết 2012, khi cuốn sách Họ Phùng Việt Nam tập 1 được in ấn xong, trang trọng và không sai sót, Trung tướng Phùng Khắc Đăng lập tức chỉ đạo thực hiện buổi Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan tại Văn Miếu phải được thực hiện trang trọng, đúng nghi lễ, phải là một nét đẹp văn hóa của họ Phùng Việt Nam.
   Cả nhà tôi tuy vất vả nhưng rất vui mừng khi công việc luôn được Trung tướng Phùng Khắc Đăng quan tâm sâu sắc. Tôi còn nhớ những ngày hè nóng nực năm ấy, khi thực hiện xây nhà để chuẩn bị chuyển ra quận Long Biên ở tiện cho nhu cầu công tác và học tập của gia đình, sau hôm khai móng một tuần, khi lớp bê tông còn chưa kịp khô, Trung tướng Phùng Khắc Đăng đã điện thoại cho tôi:
   - Chủ nhật này chú sẽ sang thăm và kiểm tra việc xây nhà của Khai, cháu mời bà con hàng xóm nói chú có lưng cơm mời mọi  người.
   Vợ chồng tôi rất xúc động trước sự quan tâm riêng của ông. Thời điểm này, Trung tướng Phùng Khắc Đăng rất bận. Ông vừa phải tham gia các phiên họp Quốc hội vừa phải chỉ đạo các mảng công tác ở Hội Cựu chiến binh Việt Nam, thời gian đâu còn đến thăm kiểm tra cái nhà cỏn con xây ở một xóm ven sông quận Long Biên. Nhưng tôi biết tính ông, đã hẹn việc gì nhất định sẽ đến chu đáo.
   Tôi bàn với mấy anh em bè bạn báo chí ở Long Biên làm mâm cơm mời bà con hàng xóm.
   Hôm đó, ai cũng vui mừng, nhiều người dân còn không tin có Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Đại biểu Quốc hội đến đây thăm mọi người. Khi tề tựu đông đủ, vị tướng nhỏ nhẹ nói với bà con:
   - Cháu Khai về đây xây nhà cũng là về đây ăn ở lâu dài với các cụ, với bà con, với chính quyền địa phương. Tôi xin thay mặt gia đình cháu có lời cảm ơn, mong được bà con xóm giềng đùm đậu, anh em giúp đỡ. Cháu là bộ đội đang công tác, không có nhiều thời gian nên khó chu đáo công việc xây dựng, càng mong bà con giúp đỡ, chỉ bảo cho.
   Tôi cùng mọi người im lặng mà xúc động tận đáy lòng. Ai cũng nghĩ một vị tướng ở nơi cao kia thì cần gì phải lặn ngòi ngoi nước đến tận bãi sông để thưa chuyện chỉ vì việc xây nhà của một cậu lính. Mọi thứ cứ theo luật là xong, tiền đường tiền điện thì phải đóng góp theo qui chế khu dân cư. Giấy phép xây dựng thế nào cứ thế mà làm. Có không ít người đến đây xây dựng hùng hổ không coi ai ra gì, nhân dân cũng có chấp nhặt gì đâu. Cần gì phải cẩn thận đến như vậy.
   Trong bữa cơm đơn sơ ngồi bên đống sắt thép, gạch vỡ, đám thợ thuyền chân lấm tay bùn, cùng bà con hàng xóm khề khà chén rượu, Trung tướng Phùng Khắc Đăng kể rất nhiều chuyện về đời quân ngũ của ông. Cánh nhà báo bạn tôi không ít người từng là lính của ông ai nấy đua nhau chúc rượu và hỏi chuyện vị tướng.
   Tôi xây được căn nhà nhỏ trong sự yêu thương, đùm đậu của rất nhiều người.
   Quay lại chuyện Trung tướng Phùng Khắc Đăng chỉ đạo tiến hành buổi Lễ trao giải.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng trong buổi Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan cho các cháu họ Phùng đỗ đại học trên toàn quốc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

   Đây là buổi trao giải đầu tiên của dòng họ Phùng cho các cháu đỗ đại học trên toàn quốc. Việc này đang được cân nhắc sẽ làm thường niên. Đây phải được khẳng định là một nét đẹp văn hóa của dòng họ Phùng ghi nhận thành tựu học tập của con em trên toàn quốc. Vật chất nào có đáng là bao nhưng ý nghĩa của nó phải được trở thành truyền thống của dòng họ. Trong sáu tháng trời cuối năm 2011, tôi và Tiến sĩ Phùng Thảo cùng các anh chị em trong trang web họ Phùng Việt Nam tất bật thống kê, liên lạc, tuyên truyền, lên kế hoạch, chuẩn bị in ấn tài liệu, bằng chứng nhận giải thưởng, khắc con dấu, giấy mời, băng rôn khẩu hiệu, phù hiệu Ban tổ chức… công việc luôn được tiến hành dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban liên lạc.
   Từ trước Tết, việc xin được tổ chức tại Văn Miếu ngày mồng 6 tháng Giêng không phải dễ dàng gì.
   Khi tâm sự với Tiến sĩ Vũ Huy Văn, một người anh của tôi chuyên trách công tác tuyên truyền của dòng họ Vũ - Võ về việc khó có thể đưa được cuộc trao giải của dòng họ Phùng vào Văn Miếu ngày mồng 6 Tết, anh Vũ Huy Văn điện thoại cho tôi:
   - Mình đã hẹn với Giám đốc Văn Miếu, sáng mai hai anh em đến thuyết trình.
   Đúng hẹn, tôi và anh quân phục chỉnh tề bước vào làm việc với Ban giám đốc Quản lý di tích Văn Miếu. Sau một hồi thuyết trình, phân tích, Tiến sĩ Vũ Huy Văn nói một câu xúc động tất cả mọi người:
   - Cụ Phùng Khắc Khoan không chỉ là danh nhân họ Phùng mà là danh nhân của cả nước. Cụ từng là hiệu trưởng trường Đại học đầu tiên của Đại Việt ta tức là Văn Miếu Quốc Tử Giám nơi chúng ta đang ngồi đây. Có lẽ nào việc trao giải thưởng mang tên vị Hiệu trưởng Văn Miếu mà lại không được tiến hành ở Văn Miếu.
   Mọi người lặng đi trước ý kiến của vị Tiến sĩ họ Vũ.
   Và không ai băn khoăn nữa, tất cả nhất trí đồng lòng để báo cáo thực hiện.
   Việc tổ chức trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan cho các cháu đỗ Đại học dòng họ Phùng trên toàn quốc tiến hành ngày mùng 6 tháng Giêng đã được sáu năm liền.
   Khi về báo cáo lại với Trung tướng Phùng Khắc Đăng, ông tươi cười khen:
   - Tiến sĩ Vũ Huy Văn tình cảm và sâu sắc lắm, Khai nhớ làm giấy mời để hôm đó Tiến sĩ tham gia cùng trao giải với anh em.
Việc mời nhân sĩ trí thức tâm huyết với họ Phùng trao giải thưởng là chỉ đạo thấu tình đạt lý của Trung tướng Phùng Khắc Đăng.    Ông chia sẻ với anh em:
   - Mình phải mời được những người có uy tín, tâm huyết với dòng họ tham gia trao giải thưởng mới có ý nghĩa. Danh nhân là chung của đất nước chứ không của riêng dòng họ nào. Họ Phùng chúng ta phải thật trân trọng kẻ sĩ, trân trọng trí thức. Họ chính là rường cột của quốc gia.
   Việc tiến hành trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan năm đầu tiên 2012 đã diễn ra như một ngày hội không chỉ riêng với con cháu họ Phùng. Sân Văn Miếu đầu xuân, trong làn mưa bụi bay mờ mịt nơi bảng đồng bia đá, từng đoàn khách không kể là người Việt, người Hàn, người Nhật, người Mỹ, người Pháp, người Nga… các sắc tộc màu da nối nhau vào dâng hương thành kính nơi đạo học đã ngạc nhiên và thích thú trước quang cảnh dòng họ Phùng trang trọng, thành kính dâng hương và trao giải thưởng cho con em đỗ đại học. Các cháu họ Phùng từ mọi vùng quê được các bậc lão trượng đưa đến trang nghiêm, vinh dự nhận phần thưởng trong sự xúc động không phải lúc nào cũng đến ở trong đời. Lão anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu, mái đầu phơ trắng, mắt sáng long lanh trang nghiêm, sôi nổi nhắc nhở con cháu họ Phùng hãy ghi nhớ ơn đức của các bậc tiền nhân mà phấn đấu tu dưỡng học hành. Lễ trao giải Phùng Khắc Khoan thường niên ở Văn Miếu Quốc Tử Giám đã là một nét đẹp văn hóa độc đáo của dòng họ Phùng Việt Nam.

*
*       *

Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng đoàn Đại biểu họ Phùng Hưng Yên tại Lễ Giỗ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
tại Thạch Thất - Hà Nội năm 2018

   Sau dư luận tốt đẹp của Hội thảo Khoa học Họ Phùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước và Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan cho các cháu họ Phùng đỗ đại học trên toàn quốc năm 2012, Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam đứng đầu là Trung tướng Phùng Khắc Đăng xác định một số việc cần phải được tiếp tục tiến hành theo hướng thực chất, lâu dài, hiệu quả, đặc biệt là những ứng xử với lịch sử, với tiền nhân là các danh thần, danh nhân họ Phùng trong suốt chiều dài lịch sử.
   Cuối năm 2012, khi Huyện ủy Thạch Thất thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chuẩn bị tiến hành Hội thảo khoa học Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp nằm trong chương trình hướng tới kỷ niệm 400 năm ngày mất của ông (1613-2013) đã tìm đến với Ban liên lạc họ Phùng đề nghị phối hợp tham gia. Là hậu duệ của cụ Trạng Bùng, Trung tướng Phùng Khắc Đăng nhận thức sâu sắc đây là dịp để tiến hành các hoạt động có ý nghĩa về giáo dục tuyên truyền không chỉ với con cháu họ Phùng mà là thế hệ trẻ của cả nước. Vị tướng trao đổi và căn cứ từ thực tiễn đề xuất một số việc mà anh em họ Phùng có thể tham gia. Bí thư huyện ủy Nguyễn Doãn Hoàn, nguyên Bí thư huyện ủy Nguyễn Văn Nhàng và các đồng chí lãnh đạo huyện rất phấn khởi trước sự hợp tác toàn diện của Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam. Điều đặc biệt, bác Nguyễn Doãn Thuận - nguyên Bí thư huyện ủy Thạch Thất, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây (cũ), người từng tổ chức Hội thảo khoa học về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan trước đó 20 năm (1993) rất tích cực tham gia. Một điều thật thú vị, ông chính là cha ruột của bí thư Nguyễn Doãn Hoàn. Một lần tâm sự với tôi, anh Hoàn nói:
   - Khai ạ, mình mấy chục năm trước khi còn là đoàn viên thanh niên từng vác đất vác gạch tôn tạo đền thờ cụ Trạng, bố mình trước đó làm hội thảo về cụ, nay đến mình được tham gia chỉ đạo và thực hiện Hội thảo, đúng là nhân duyên hiếm thấy. Mong muốn được các chú các anh, các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà khoa học, nhà văn nhà thơ giúp đỡ để hậu thế thêm tường minh và tự hào về cụ Trạng Bùng.
   Chuẩn bị Hội thảo khoa học lịch sử đòi hỏi phải hết sức công phu. Nhân vật Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là một danh nhân lớn của đất nước chứ đâu phải là của riêng vùng quê Thạch Thất, của con cháu Phùng gia. Trung tướng Phùng Khắc Đăng chỉ định tôi phải thường xuyên trao đổi và lên họp với các anh Huyện ủy. Tôi cùng các anh Kiều Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch; Kiều Bá Thuyên - Trưởng phòng Văn hóa không kể đêm ngày sáng tối, hễ có gì liên quan là lập tức trao đổi, chia sẻ, thống nhất công việc. Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất trong văn bản quyết định thành lập Ban tổ chức Lễ kỷ niệm, ở phần tổ chức Hội thảo có mời đích danh tôi tham gia. Tôi đem văn bản đó về báo cáo Tổng biên tập Ngô Vĩnh Bình, ông cười tủm tỉm nói:
   - Về nguyên tắc, Khai là sĩ quan quân đội, muốn tham gia công việc bên ngoài phải có ý kiến chỉ đạo từ trên bằng văn bản, căn cứ nhu cầu, vị trí vai trò của cơ quan, nhưng việc này Trung tướng Phùng Khắc Đăng đã có trao đổi qua với mình. Cơ quan nhất trí dành thời gian cho cậu tham gia. Cậu phải thực hiện cho tốt, xứng đáng là con cháu cụ Trạng đất kẻ Bùng.
Tôi thầm biết ơn vị thủ trưởng luôn rất hiểu anh em văn nghệ trẻ nghĩ gì, làm gì ông đều ủng hộ, cũng là gỡ cái khó xử cho cá nhân tôi.
   Theo hướng chỉ đạo của Huyện ủy và Trung tướng Phùng Khắc Đăng, tôi đề xuất tổ chức thực hiện bộ Hợp tuyển thơ văn Phùng Khắc Khoan. Đã 400 năm, một người lừng danh như cụ Trạng mà chưa có được bộ hợp tuyển trọn vẹn nào. Các triều đại đều tôn vinh, in ấn trước tác của cụ nhưng vẫn khá rải rác. Người đời viết về cụ rất nhiều nhưng nằm tản mát trong các thư tịch, viện nghiên cứu, sách cá nhân… mà chưa hợp lại thành bộ. Bây giờ có điều kiện, dứt khoát phải làm bộ hợp tuyển trọn vẹn, đủ đầy mới xứng với thân thế cuộc đời và sự nghiệp của quan Trạng.
   Ý kiến của tôi dường như cũng trùng khớp với tư duy của nhiều người. Lãnh đạo huyện Thạch Thất, Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam nhất trí thực hiện bộ tổng tập trong dịp Lễ kỷ niệm. Phải ra được bộ sách để phục vụ hội thảo. Vấn đề khó khăn ở chỗ, các tư liệu lưu trữ ở Viện Hán Nôm, Thư viện Quốc gia, các Nhà xuất bản, Nhà thờ họ Phùng… chưa có sự thống nhất, một số tư liệu đã thất lạc, thậm chí có một số là dị bản chưa tường minh đích xác là của cụ hay của người nào khác.
   Cái khó ló cái khôn, khi nhận thực hiện nhiệm vụ tổ chức biên soạn bộ Hợp tuyển, tôi và Tiến sĩ Phùng Thảo bàn nhau phải dựa vào tất cả các nguồn, đặc biệt là dân gian, những thế hệ cây đa cây đề đi trước. Khi làm việc với bác Nguyễn Doãn Thuận để lấy nguồn tư liệu từ cuộc hội thảo trước cách đó hai mươi năm, khi trao tài liệu, bác Thuận cố vấn, nếu có điều kiện hãy tìm gặp Giáo sư Trần Lê Sáng, một chuyên gia nghiên cứu và viết rất toàn diện về cụ Trạng Bùng. Bác Thuận nói:
   - Các anh nên tìm gặp Giáo sư Sáng. Ở hội thảo trước, những tham luận công phu nhất phải kể đến của Giáo sư Bùi Duy Tân, Giáo sư Trần Quốc Vượng và Giáo sư Trần Lê Sáng. Hai vị kia đã qua đời nay chỉ còn ông Sáng. Tìm được nhân vật này sẽ có nhiều tư liệu lắm.
   Bắt tay bác Thuận mà lòng tôi xôn xao khó tả. Ôi các bậc cha anh sao nặng nghĩa nặng tình. Đầu những năm chín mươi, khi miếng ăn còn không đủ các cụ đã nghĩ và làm những việc có ích về văn hóa, những ứng xử trọn nghĩa vẹn tình với tiền nhân.         Bây giờ đủ đầy, nếu ta không làm được đến nơi đến chốn là có tội. Khi báo cáo với Trung tướng Phùng Khắc Đăng, ông chỉ đạo:
   - Bằng mọi cách phải tìm được đầy đủ các tư liệu về cụ. Nên kết hợp với anh em bên Viện Hán Nôm để nghiên cứu tài liệu, chỗ nào chưa dịch được thì thuê dịch, huyện không có kinh phí thì dòng họ sẽ lo liệu. Phải làm hết sức có thể.
Ông như truyền ngọn lửa bền bỉ sang anh em cộng sự. Ngay tuần tiếp đó, tôi lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm gặp Giáo sư Trần Lê Sáng. Giáo sư ở trong một căn nhà nhỏ. Khi nắm bàn tay gầy guộc của ông xưng là con cháu họ Phùng đến xin ý kiến về hội thảo cụ Phùng Khắc Khoan, mắt vị Giáo sư già ánh lên những tia sáng ấm áp.
   - Ngày trước, bọn mình làm còn một số điểm chưa được công phu, thấu đáo. Nay anh em trẻ hãy cố gắng nhé. Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là một trong những tinh túy độc đáo bậc nhất của Việt Nam ta đấy.
   Tôi trò chuyện với ông, báo cáo, dự tính những công việc phải thực hiện của bộ hợp tuyển và xin phép được sử dụng công trình nghiên cứu của ông về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Vị Giáo sư tỉ mỉ dặn dò, trao đổi, bổ khuyết những gì còn thiếu và nói với tôi:
   - Tôi đã già rồi, có lẽ từ giờ đến khi nhắm mắt chưa chắc đã trở ra Hà Nội. Đằng đẵng bao nhiêu năm nay chỉ mơ ước được làm bộ tổng tập về trước tác của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan mà chưa có điều kiện. Đây không chỉ riêng nguyện vọng của tôi, mà còn là của các anh Bùi Duy Tân, Trần Quốc Vượng. Nay dòng họ Phùng thực hiện mới đúng là vật về chủ cũ, con cháu tôn vinh tiên tổ còn gì tốt bằng. Mình viết cái thư, Khai mang ra Viện Hán Nôm để tiện sử dụng tư liệu.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng và Tiến sĩ Phùng Thảo (ngoài cùng bên trái) tặng bộ sách của Họ Phùng Việt Nam cho Đại diện họ Phùng Nam Định

   Tôi chào bậc tiền bối mà lòng thêm vững tin công việc sẽ nhất định thành tựu. Với những tấm lòng trọng kẻ sĩ đến nhường này nhất định việc của chúng tôi phải thành công. Tôi hứa khi thực hiện xong bộ hợp tuyển sẽ đem đến biếu Giáo sư. Ông nhìn tôi  tin tưởng. Sau này, khi bộ sách in ra, tôi đã đem bộ sách đến tận nhà để biếu Giáo sư.
   Ra Hà Nội, tôi cùng Tiến sĩ Phùng Thảo, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ tới Viện Hán Nôm. Tiến sĩ Đinh Công Vỹ vốn là cán bộ ở đây. Mấy năm nay, ông luôn gắn bó với họ Phùng. Bất kể là việc gì họ Phùng mời, ông đều lập tức hành quân. Thật hiếm có người vì dòng họ khác như Tiến sĩ Đinh Công Vỹ.
Nhưng những khó khăn vẫn liên tiếp mở ra.
   Viện trưởng Viện Hán Nôm Trịnh Khắc Mạnh niềm nở tiếp chúng tôi đồng thời gọi cán bộ tra tìm nguồn tư liệu về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, cả những sáng tác thơ văn của cụ. Sau nửa ngày tra cứu, một phần không nhỏ tư liệu bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều trang không đọc được, nhiều trang đã mủn mất. Hai mươi năm trước, nhóm các Giáo sư Trần Lê Sáng, Bùi Duy Tân, Trần Quốc Vượng khi thực hiện hội thảo về Phùng Khắc Khoan đã cho triển khai dịch, sao chép, bổ cứu… nhưng nguồn đã dịch đó bây giờ không biết nằm ở nơi nào. Nếu bây giờ tổ chức dịch lại, riêng về khoản công văn giấy tờ qua lại xin cấp phép cũng phải hàng tháng. Lại phải mất hàng tháng để mời người dịch, thẩm định, hiệu đính, đối chiếu, kết luận mới có thể sử dụng.    Thời gian hội thảo đã cận kề.
   Chúng tôi rời Viện Hán Nôm trong tâm trạng bồn chồn buồn bực. Cũng không thể trách được ai bởi việc này chưa bao giờ được giao cụ thể cho một cơ quan tổ chức nào. Cái khó ló cái khôn, tôi nói với Tiến sĩ Phùng Thảo:
   - Mai cháu sẽ tìm đến gia đình Giáo sư Bùi Duy Tân, người từng chủ biên nhiều sách về cụ Phùng Khắc Khoan. Bản thân Giáo sư là người hết sức nghiêm khắc, chắc chắn sẽ còn lưu tư liệu đã được dịch.
   Tiến sĩ Thảo phân công tôi tiến hành theo kế hoạch, có gì báo cáo lại với ông.
   Hôm sau, thông qua một số anh em văn nghệ sĩ, tôi tìm đến nhà Giáo sư Bùi Duy Tân quãng gần ga Giáp Bát. Ngôi nhà nhỏ hai tầng cây cối um tùm. Tủ sách của giáo sư nghiêm ngắn dàn dạt những sách đông tây kim cổ. Chúng tôi tìm mãi, tìm mãi nhưng không thấy tư liệu gì về cụ Phùng Khắc Khoan. Chỉ có một cuốn kỷ yếu in chung của hội thảo trước ố vàng giống như cuốn sách mà chúng tôi đã có.
   Một ý kiến đề xuất:
   - Ta thử tìm xem máy tính của cụ biết đâu trữ ở trong đấy?
   Người con trai giáo sư sốt sắng mở máy để chúng tôi tìm.
   Chúng tôi tìm hồi lâu nhưng cái cần tìm vẫn tuyệt nhiên không có.
   Người con trai giáo sư đăm chiêu nói:
   - Tôi biết tính cha tôi rất cẩn thận. Những tài liệu quan trọng trước khi mất, ông đều giao cho các cơ quan theo vai trò nghiên cứu từng mảng cả rồi.
   Mọi người chưa biết nói gì, bỗng anh nói tiếp:
   - May ra còn một chỗ, đó là bên Nhà xuất bản Giáo dục. Khi bố tôi còn sống, tôi có nghe loáng thoáng ông giao các tư liệu về cụ Phùng Khắc Khoan cho họ thì phải.
   Một tia hi vọng lại lóe lên.
   Nhà xuất bản Giáo dục, kho lưu trữ khổng lồ các tài liệu sách báo liên quan đến giáo dục kia liệu có còn lưu giữ các tài liệu về cụ Trạng Bùng không? Ở nơi mông mênh ấy liệu anh em có quan tâm để tìm cho mình không? Dẫu sao mặc lòng, chúng tôi càng phải vững tâm hơn nữa.
   Thật trời không phụ lòng người, không biết nhân duyên thế nào, vị phụ trách phần tư liệu cũng là một người họ Phùng sốt sắng hứa sẽ tìm. Ngay trong đêm, chị điện thoại cho tôi đã tìm thấy nguồn tư liệu được dịch quý hiếm đó. Đây là nguồn tư liệu rất tin cậy của các vị giáo sư Hán Nôm hàng đầu mất bao công lao thực hiện trong hàng chục năm trời.
   Tôi báo cáo Trung tướng Phùng Khắc Đăng, vị tướng vui mừng chỉ đạo phải có công văn sang xin thật đàng hoàng. Đây là tài sản tinh thần của cụ với bao nhiêu công lao của các thế hệ lưu giữ, bảo quản, dịch… nên khi tiếp nhận phải biết trân trọng.
Tôi đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của ông.
   Để hội thảo cũng như bộ Hợp tuyển thơ văn Phùng Khắc Khoan có sức nặng và bao hàm tất cả các lĩnh vực đúng như thân thế cuộc đời và sự nghiệp của ông, Trung tướng Phùng Khắc Đăng chỉ đạo phải mời các nhà nghiên cứu, những giáo sư tiến sĩ, nhà văn nhà thơ hàng đầu sưu tầm và viết về cụ. Trang web họ Phùng Việt Nam đăng tải liên tục những bài viết, tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến cụ Phùng Khắc Khoan để giới nghiên cứu toàn quốc bàn thảo, đóng góp ý kiến cho khách quan, khoa học. Tấm lòng mời gọi tấm lòng. Niềm vui lan tỏa niềm vui. Nhiều nhà nghiên cứu, các tác giả toàn quốc hồ hởi tham gia viết bài rất sôi nổi. Khi cho công bố những bài viết của các cây đa cây đề như Giáo sư Trần Lê Sáng, cố Giáo sư Bùi Duy Tân, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng… đã nhận được sự hưởng ứng hết sức nhiệt thành của giới nghiên cứu và bạn đọc cả nước. Nhiều tác giả ở nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, nơi thơ văn Phùng Khắc Khoan đã vượt ra khỏi biên giới Đại Việt có mặt trong tư thế ngoại giao cũng có bài viết gửi về.
   Nhìn chồng bản thảo cao dần, vững vàng như một quả đồi nhỏ trên bàn làm việc, tôi và Tiến sĩ Phùng Thảo có lúc đã rơi nước mắt.
   Bài vở về đến đâu, Ban biên soạn tiến hành phân loại, rà soát, biên tập ngay đến đó. Ban biên soạn gồm Tiến sĩ Phùng Thảo, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, Nhà văn Đặng Văn Sinh, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Nhà văn Hoàng Quốc Hải và tôi miệt mài đêm ngày soi rọi từng chữ, từng chữ. Nhà văn Đặng Văn Sinh từ thị trấn Sao Đỏ lên ở nhà tôi cả tuần để thẩm định phần chữ Hán. Lắm khi thấy nhà văn và Tiến sĩ Đinh Công Vỹ trao đổi, tranh luận đến mức gay gắt chữ nọ chữ kia tôi không khỏi mừng thầm.
   Khi công việc đã hòm hòm, bê đống bản thảo được đóng thành ba tập lớn nặng tới sáu bảy cân đem đến trình Trung tướng Phùng Khắc Đăng, tôi và ông đã ngồi lặng đi đến vài phút trong một buổi chiều mùa đông chạng vạng góc Tây hồ.
   Mãi lúc sau, ông mới lên tiếng:
   - Chú không ngờ công trình lại bề thế đến như thế này. Công đầu phải thuộc về cháu và Tiến sĩ Phùng Thảo.
   Trung tướng Phùng Khắc Đăng sát sao chỉ đạo việc in ấn bộ sách phải hết sức khẩn trương nhưng tuyệt đối không được sai sót. Ông bảo:
   - Hôm trước, chú đã trao đổi với Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Ủy ban các Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật toàn quốc, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và anh Thỉnh đã đồng ý viết lời giới thiệu cho bộ sách. Khai bám sát và làm việc với nhà thơ Hữu Thỉnh cho đạt tiến độ.
   Tôi lập tức thực hiện mệnh lệnh của ông.
   Quá trình in ấn, xuất bản bộ Hợp tuyển thơ văn Phùng Khắc Khoan đúng như là một chiến dịch mà vị tổng chỉ huy là một vị tướng dẫu hai vai còn gánh vác việc ở Hội cựu chiến binh Việt Nam và tham gia Đại biểu Quốc hội nhưng vẫn luôn dành nhiều thời gian và tâm huyết. Bộ sách ra đời là một tự hào lớn của dòng họ Phùng Việt Nam. Trong Hội thảo khoa học Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, bộ sách - một công trình khoa học lớn đã gây kinh ngạc cho rất nhiều người. Nhân dân Phùng Xá - Thạch Thất lần đầu tiên thấy được toàn vẹn vẻ đẹp vừa hàn lâm vừa nôm na đồng áng của cụ Trạng qua từng trang sách.
   Hội thảo khoa học Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp diễn ra  với tinh thần khoa học lịch sử rất cao. Giáo sư Vũ Khiêu, vị khách danh dự đặc biệt trong diễn ngôn của mình đã hết sức xúc động khi Thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện cuộc hội thảo giàu ý nghĩa lịch sử và chặt chẽ về học thuật như vậy. Bậc lão trượng tuổi đã gần trăm vẫn có những lời minh triết về Đức quan Trạng đủ thấy dù ở chế độ nào, hiền tài trong trời đất cũng luôn dành những lời lẽ tốt lành nhất hướng đến người đi trước.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng các thành viên trong Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam tại buổi Hội thảo Khoa học Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp tại Thạch Thất năm 2012   
 

   Chủ trì hội thảo, Nhà sử học Dương Trung Quốc điều hành như điều hành phiên họp Quốc hội khiến buổi Lễ càng trọng thị, trang nghiêm, đúng tinh thần khoa học. Đồng chủ trì Hội thảo, Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Trưởng Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam luôn tươi tắn lắng nghe mọi ý kiến trên diễn đàn. Từng tham gia nhiều hội thảo, nhưng chắc chắn hội thảo khoa học Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp giàu ý nghĩa với ông nhất. Cũng như ông, Bí thư Nguyễn Doãn Hoàn, người cách đây vài mươi năm khi độ tuổi thanh niên cùng anh em vác đất khiêng gạch tôn tạo Đền thờ quan Trạng chắc không dám nghĩ đến một ngày mình ngồi ở ghế chủ trì hội thảo về một nhân vật lịch sử mà người cha đẻ đã cùng với các bậc đa đề thực hiện tôn vinh trước đó 20 năm.
   Hội trường sức chứa 200 người không còn một chỗ trống. Nhiều người phải kê ghế ngồi ở hành lang. Các đoàn con cháu họ Phùng mọi vùng miền kéo về hân hoan như đi dự hội. Ai cũng muốn được gần hơn quan Trạng. Ai cũng tự hào mang dòng máu họ Phùng.
   Trong các hoạt động kỷ niệm 400 năm ngày mất Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1613-2013) nhiều hoạt động đã trở thành những sinh hoạt văn hóa cộng đồng bổ ích cho nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Khi cùng có một đường đi chung, mọi trái tim cùng hướng về một đích cũng là lúc những vẻ đẹp tưởng như khuất lấp thường ngày đã hiện ra lấp lánh. Làng Bùng xã Phùng Xá, Thạch Thất năm nào ngày 24 tháng 9 Âm lịch giỗ Đức quan Trạng cả làng đều tề tựu ở sân đền thờ hương hoa tưởng nhớ bậc tiền nhân. Năm kỷ niệm lớn này, lần đầu tiên, thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động mà người dân hằng mong đợi. Sới vật làng Bùng, nơi Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa, vị tướng trụ cột từng phò trợ Lý Nam Đế lập quốc được dân phong là Trạng Vật cũng là nơi trung tâm diễn ra các hoạt động chính Lễ kỷ niệm.
   Từ tiềm thức văn hóa sâu xa, từ nguyện vọng của nhân dân, Ban tổ chức của huyện Thạch Thất quyết định xây dựng và biểu diễn một vở chèo về quan Trạng. Với cuộc đời vô cùng phong phú, dẫu nhiều thăng trầm nhưng luôn một lòng ưu nước, ưu dân như đức quan Trạng thì việc thể hiện dưới một tích chèo là rất cần thiết. Bản thân cụ Trạng cũng là một tác gia văn chương lừng lẫy một thời không chỉ ở Đại Việt mà còn vang tận phương Bắc, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên. Việc xây dựng vở chèo là một dấu son, một sự khác biệt thú vị trong Lễ kỷ niệm.
   Từ quyết tâm ấy, các nhà soạn chèo nổi tiếng đã miệt mài xây dựng tác phẩm chèo về quan Trạng. Kịch bản được viết rất công phu từ các nguồn tư liệu. Thể loại chèo vốn quen thuộc nơi thôn ấp một lần nữa phát huy được khả năng lay động lòng người. Dẫu là thế, khi xác định sẽ truyền hình trực tiếp thì việc dàn dựng và biểu diễn của cả một tập thể phải được thực hiện hết sức nghiêm túc, tuân thủ mọi điều kiện khách quan và chủ quan. Vở chèo khi lên sóng truyền hình, nó không đơn thuần là tấm lòng của nhân dân Phùng Xá đối với cụ Trạng mà sức lan tỏa sâu rộng của nó đã ở tầm quốc gia rồi.
   Nhiều lần tham gia chỉ đạo các chương trình lớn có truyền hình trực tiếp, Trung tướng Phùng Khắc Đăng hiểu thấu đáo rằng, sẽ có không ít thách thức phải vượt qua. Câu chuyện kể về cụ Trạng dưới hình thức chèo phải vừa đạt được tầm tư tưởng, tính nghệ thuật phải vừa không thể sai sót về chính trị. Quan hệ giữa ta và Trung Quốc luôn là mối quan hệ được các giới chức đặc biệt quan tâm. Những cuộc đi sứ của cụ Trạng sẽ phải xử lý sao đây? Những trăn trở của Phùng Khắc Khoan khi tuổi trẻ lựa chọn con đường đi cho mình cũng là cả vấn đề. Sự liên quan với các nhân vật lịch sử khác cũng phải xử lý thấu đáo trên tinh thần vì nghĩa lớn, vì cái chung. Không thể nâng một nhân vật lịch sử này lên để làm sai lạc một nhân vật lịch sử khác. Giọng điệu kể chuyện sẽ như thế nào? Quy ước sân khấu sẽ ra sao? Một bài toán tổng thể cần sự giải đáp của cả một tập thể lớn để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân đã được Nhà hát chèo Hà Nội, tác giả kịch bản, đạo diễn chương trình, các ban ngành liên quan dàn dựng gần một năm mới hoàn tất. Những khi tháp tùng Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng Ban tổ chức đi duyệt vở chèo về cụ Trạng, tôi càng thấy được tầm nhìn, bản lĩnh, đặc biệt là sự đồng cảm sâu sắc, sự thấu hiểu ngọn ngành của vị tướng với những người làm nghệ thuật. Càng thấy được, trong quãng thời gian dài Trung tướng Phùng Khắc Đăng với cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã lãnh đạo chỉ đạo hết sức hài hòa, sáng tạo trên nguyên tắc quan điểm văn hóa nghệ thuật của Đảng mà vẫn giữ được chất nghệ sĩ cho anh em sáng tạo, sự thăng hoa của các đơn vị, cá nhân mỗi nghệ sĩ làm công tác văn học nghệ thuật trong Quân đội.
   Vở chèo Phùng Khắc Khoan trong chương trình Lễ kỷ niệm sau đêm truyền hình trực tiếp đã nhận được sự đồng cảm lớn của khán giả xem truyền hình và sự đánh giá đúng mức của giới chuyên môn.
   Hẳn nơi chốn linh thiêng, Đức quan Trạng đã cảm nhận được tấm lòng thành của hậu thế.

 

 Họ Phùng Việt Nam