(Thứ sáu, 29/11/2019, 08:34 GMT+7)

   
Trung tướng Phùng Khắc Đăng dâng hương tại Lăng Đức vua Phùng Hưng - Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Nội

   Người thứ nhất là Ngô Sĩ Liên(1400 - 1497) viết trong Đại Việt sử ký toàn thư (1479):
   Giáp Thân[Kiến Gia] năm thứ 14 [1224], (Từ tháng 10 về sau là niên hiệu của Chiêu Hoàng Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1; Tống Gia Định năm thứ 17). Mùa đông, tháng 10, [Lý Huệ Tông] xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu [32a] Hoàng.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng Hội đồng họ Phùng Việt Nam kiểm tra tiến độ làm Nhà thờ Thái phó Phùng Tá Chu
tại Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội

   Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo trời có khi thường có khi biến. Thánh nhân phối với trời đất, giúp việc hoá dục thì có đạo xử trí lúc biến mà vẫn không mất phép thường. Như Đan Chu con vua Nghiêu là kẻ bất tiếu, thì vua Nghiêu tiến vua Thuấn với trời, mà thiên hạ thịnh trị. Thương Quân con vua Thuấn là kẻ bất tiếu không thể truyền ngôi, thì vua Thuấn tiến vua Vũ với trời, mà xã tắc được yên, đều là xử trí lúc biến mà không mất phép thường cả. Đời sau chỉ truyền ngôi cho con mà không truyền ngôi cho người hiền, vì là không có người nào được như Thuấn và Vũ. Nếu không may mà không có con thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình để nối giữ nghiệp lớn, đó cũng là một cách xử trí trong lúc biến vậy. Lý Nhân Tông đã làm như thế rồi, Huệ Tông sao không xét việc cũ mà làm theo, lại để [32b] đến sau lúc tật bệnh mới lập con gái mà truyền ngôi cho, thế có phải lẽ không? Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ Hậu và Vũ Hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng tại Nhà thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất - Hà Nội

   Người thứ hai là Ngô Thì Sĩ(1726 - 1780) viết trong Việt sử tiêu án (1775):
   Vua [Trần Thái Tông] phong cho Phùng Tá Chu là Hưng Nhân Vương, Phạm Kính Ân làm quan Nội hầu. Hai người này đều là cựu thần nhà Lý, nhất đán đổi chủ, cam làm ưng khuyển, ý tất lũ ấy đều là thân thuộc họ ngoại nhà Trần, cũng là một phường với Trung Từ, Tự Khánh, cho nên thủy chung vẫn được tin yêu, ân thưởng hơn người khác. Nhà Lý mất, nhà Trần lên, vẫn là sở nguyện của những kẻ ấy, đâu còn đem lễ nhượng mà trách kẻ ăn trộm bao giờ?
   Đọc vào thì thấy hai sử gia họ Ngô cách nhau trên dưới ba trăm năm này xét việc Phùng Tá Chu giúp cho họ Trần lấy thiên hạ từ họ Lý đều theo ý hệ Nho giáo. Họ coi đó là việc làm bất trung (“trung thần bất sự nhị quân”), nên không thể chấp nhận được. Mà lời lẽ của sử gia Ngô đời sau còn nặng nề gay gắt hơn của họ Ngô đời trước.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng Hội đồng họ Phùng Việt Nam kiểm tra tiến độ làm bức tranh sơn mài
cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan

 

   Từ ngọn nguồn lịch sử, từ sâu thẳm trái tim, từ tư duy khoa học lịch sử, từ sự phát triển tất yếu của nhân loại tiến bộ, dứt khoát phải tường minh những đóng góp toàn diện, khác biệt trong một bước ngoặt lịch sử lớn, cuộc chuyển động, chuyển giao quyền lực giữa hai vương triều Lý - Trần mà Thái phó Phùng Tá Chu là một trong những người giữ vai trò then chốt, quyết định. Trên tinh thần ấy, Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng Ban liên lạc, các nhân sĩ trí thức đồng lòng quyết tâm thực hiện tổ chức Hội thảo Khoa học Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp. Đây cũng là bước phát triển mới, khẳng định hướng đi đúng đắn của các thế hệ con cháu họ Phùng.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng Hội đồng họ Phùng Việt Nam trao tặng bức tranh sơn mài
của cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
   
 

   Trung tướng Phùng Khắc Đăng trao đổi thống nhất với Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì đồng thời giao cho tôi và Tiến sĩ Phùng Thảo tiến hành làm việc trực tiếp nhiều lần với nhà sử học Dương Trung Quốc, các thành viên trong Hội khoa học lịch sử, các cụ cao niên họ Phùng nhánh Tây Đằng, Chu Minh - Ba Vì, nơi vừa là cội nguồn vừa là nơi an nghỉ của Thái phó lưỡng triều Phùng Tá Chu. Nhà giáo Nguyễn Quang Bình, đại diện nhánh họ Phùng Tây Đằng cung cấp rất nhiều tư liệu quý. Đoàn điền dã còn đi nhiều vùng lân cận dọc hai bên sông Hồng, nơi sinh sống, cư trú của các cành nhánh họ Phùng mà phả tộc ghi lại thuộc con cháu của cụ. Đặc biệt, Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội (khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội) rất nhiệt tình đi cùng đoàn điền dã. Hiếm có được tấm lòng thảo thơm với tiền nhân đến thế. Đi về các vùng quê, Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển luôn chấp hành kỷ luật của đoàn công tác, lặng lẽ đến với đình đền, các cụ cao niên, anh chị em dòng tộc mà rất nhiều người không hề biết tiến sĩ là cán bộ cao cấp của Quốc hội.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng Hội đồng họ Phùng Việt Nam trao tặng bức tranh sơn mài của cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cho Đại diện BQL Nhà thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất - Hà Nội  
 

    Đó cũng là một vẻ đẹp của con cháu họ Phùng.

   Trung tướng Phùng Khắc Đăng chỉ đạo muốn hội thảo thành công, các tham luận vừa phải khoa học, trên tinh thần lịch sử, trên tinh thần xây dựng những giá trị cốt lõi về thân thế sự nghiệp của danh nhân. Ông luôn nhắc anh em phải cẩn trọng và tôn trọng lịch sử. Các phản biện lịch sử phải trên tinh thần khoa học và tiến bộ. Tuyệt đối không được áp đặt, tranh công đổ lỗi, càng tuyệt đối không được làm sai lạc lịch sử.
   Các nhà khoa học, các nhân sĩ trí thức tiêu biểu như nhà sử học Dương Trung Quốc, Giáo sư Phạm Quang Long, Phó giáo sư Nguyễn Hữu Sơn, Phó giáo sư Nguyễn Thanh Tú, Tiến sĩ Phạm Minh Đức, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, Nhà văn Đặng Văn Sinh, Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục, Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn, Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân, Nhà nghiên cứu Hồ Mạnh Hà, Nhà giáo Phùng Quang Bình… luôn phấn chấn, hết sức hết lòng trong công việc.
   Các đoàn điền dã nhiều lần đi Thái Bình, nơi có miếu thờ Phùng Tá Chu; đi Nghệ An, nơi cụ được vua Trần cử đi trấn nhậm nơi phên dậu; về Nam Định, Ninh Bình, nơi cụ được cử tiến hành khảo sát, xây dựng các hành cung để sau này thuận tiện việc chống giặc Nguyên - Mông. Càng đi, càng tìm hiểu, càng thấy được tầm vóc lớn lao, khác thường của Thái phó lưỡng triều. Vẻ đẹp toàn diện của Thái phó Phùng Tá Chu dần dần hiện lên khiến mọi người không khỏi trầm trồ thán phục. Những vỉa tầng lịch sử tưởng đã ngủ quên, yên phận trên giá sách, trong những định kiến hạn hẹp của người đời đã được mở ra mênh mang, được trả lại những giá trị đích thực của nó.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng phát biểu tại Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

   Trung tướng Phùng Khắc Đăng là người trực tiếp đọc duyệt từng tham luận. Trước đó, ông luôn gợi mở, đặt vấn đề, bàn bạc, chia sẻ với mỗi tác giả nên các tham luận đã tránh được sự trùng lặp, sáo mòn, đơn điệu, khô cứng. Như được khuyến khích từ tinh thần làm việc của ông, các tác giả đều như đã vượt lên chính mình, tham chiếu và soi rọi các nguồn tư liệu để đưa vào bài viết thêm mới mẻ, tươi tắn đầy sức sống. Hiếm có người làm việc cụ thể, cẩn thận, tôn trọng đến cùng các ý kiến khác biệt trên tinh thần khoa học lịch sử để có được tiền đề vững trãi cho một cuộc hội thảo khoa học lớn.
   Hội thảo khoa học lịch sử Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp thành công, gây tiếng vang lớn trong giới học thuật, đặc biệt là giới sử học có được chính từ nền tảng vững chắc, cầu thị, khiêm tốn, biết lắng nghe của con cháu họ Phùng.
Âu cũng là trời đất, tổ tiên phù hộ độ trì con cháu vậy.

*
*     *

Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng Hội đồng họ Phùng Việt Nam đến thăm nhà của Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu (thứ 2 từ phải sang) đầu xuân năm 2017

   Trong khoảng gần chục năm, được làm việc cùng Trung tướng Phùng Khắc Đăng, tôi nhận thấy những lý lẽ riêng và hiểu được tại sao người đời luôn trân trọng vị tướng họ Phùng. Không chỉ là sự sâu sát, mực thước, kỹ lưỡng trong công việc. Càng không phải là sự hàm ơn, hiếu nghĩa của mọi người ở các cương vị có liên quan. Dù không dễ gọi được tên sự việc mà mọi người dành tặng khi suy nghĩ, làm việc, bàn bạc về ông, nhưng chắc chắn một điều là từ những gì ông hành xử với đời, với người, trong thẳm sâu nhận thức của mọi người đã mặc nhiên coi ông như một bậc cha chú đáng kính, như người anh người chị thảo hiền, người bạn thiết thân để có thể tự nhiên bộc bạch tấm lòng mình, kể cả những gì khó sẻ chia nhất cũng có thể hoàn toàn chia sẻ. Năm tháng thời gian trôi chảy, những sôi động, thậm chí áp lực cuộc sống ngày càng đè nặng lên đôi vai mỗi chúng ta càng cảm thấy có được một con người đáng tin cậy và biết sẻ chia như Trung tướng Phùng Khắc Đăng là quý đến nhường nào. Không riêng gì công việc của dòng họ mà trong khuôn khổ bài viết này đề cập đến, những việc khác nữa, những việc chính yếu mà Trung tướng Phùng Khắc Đăng đã suốt đời dành trọn vẹn tâm huyết và tài năng, bao gồm cả máu của mình thực hiện đã gửi đi thông điệp lớn của người lính cụ Hồ mang quân hàm tướng lĩnh sẽ được gửi đến bạn đọc trong một dịp khác.

(Hết)