(Thứ sáu, 23/09/2022, 11:09 GMT+7)

Gần hai mươi năm qua kể từ khi Tạ Đình Đề vĩnh biệt cộng đồng, đã có hàng trăm bài báo, hàng chục công trình chuyên luận viết về ông, đều với âm hưởng ngợi ca tài trí trong chiến đấu và thương tiếc cho một tinh thần sáng tạo trong tư duy quản lý kinh tế. Nhiều nhà văn đã lấy cuộc đời, sự nghiệp của Tạ Đình Đề làm nguồn cảm hứng sáng tạo.

Tác phẩm Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời (Tập truyện ký, NXB Hội Nhà văn 2014) của tác giả Dương Thanh Biểu đã đề cập và đi sâu vào phần nửa cuối cuộc đời Tạ Đình Đề với biết bao sóng gió vùi dập. TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, đã chủ trì và chủ biên nhiều công trình khoa học về xây dựng và áp dụng pháp luật. Điều quan trọng hơn cả là Dương Thanh Biểu đã từng trực tiếp thụ lý hồ sơ Tạ Đình Đề để giải quyết triệt để, dứt điểm minh oan cho ông.
 
Với dung lượng 300 trang khổ sách 14x20,5, được chia thành 14 chương, Dương Thanh Biểu chinh phục bạn đọc bằng những số liệu chính xác, đầy đủ, đồng thời được biểu đạt bằng nhiều hình thức. Ba hình thức thường bắt gặp trong kết cấu lối viết của Dương Thanh Biểu là giọng văn của ngôn ngữ ký báo chí; ngôn ngữ chính luận; ngôn ngữ thông tin tư liệu. Nhưng bao trùm xuyên suốt tác phẩm là một giọng văn thân tình gần gũi mà đanh thép bởi tính thuyết phục của công lý.
 
TS Dương Thanh Biểu đã nhiều lần trò chuyện, đối thoại trực tiếp với Tạ Đình Đề, do đó trong khi thể hiện tác phẩm, tính chân thật của văn bản/tác phẩm được tôn trọng tuyệt đối. Nhờ áp dụng nhiều phương pháp tiếp cận với Tạ Đình Đề mà nổi bật nhất là phương pháp phỏng vấn trực tiếp và thống kê phân tích tư liệu trong các văn bản hồ sơ gốc, tác giả đã có cái nhìn khách quan toàn diện về trường hợp án oan sai đối với Tạ Đình Đề.
 
Nhìn từ phương pháp tiểu sử học, chúng ta thấy suốt tuổi thơ của tác giả Dương Thanh Biểu được tắm đẫm trong những câu chuyện về người chiến sĩ quân báo Tạ Đình Đề đi bảo vệ Bác Hồ với những chiến công như huyền thoại, điều đó đã đánh thức tinh thần hướng thiện, tinh thần duy mỹ trong tâm hồn ngây thơ trong sáng của tác giả, hệ quả dẫn đến là lòng kính trọng rất đỗi tự nhiên đối với Tạ Đình Đề. Mặt khác, Dương Thanh Biểu là người có khiếu văn chương, hơn nữa do nghề nghiệp quy định tính cách và hành vi ứng xử. Là người nghiên cứu khoa học pháp lý, tác giả hiểu hơn ai hết tính khách quan của sự vật hiện tượng và cũng yêu công lý, yêu chân lý hơn hết.

 
Tác phẩm Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời, về loại hình là một tập truyện ký, song nhiều trường đoạn trong tác phẩm được viết hết sức bay bổng và phóng khoáng như bút pháp của tiểu thuyết. Ngập tràn trong cuốn sách và xuyên qua tác phẩm, bạn đọc nhận thấy âm thanh và hình ảnh sinh động của tiếng rít thuốc lào và những tràng pháo tay tán thưởng ủng hộ Tạ Đình Đề trong những lần xử án. Và cứ sau mỗi lớp truyện để làm đà, làm điểm nhấn cho lớp truyện tiếp theo, chúng ta lại thấy tiếng rít thuốc lào với những vòng khói và những tràng pháo tay vang dậy như một điệp khúc mang ý nghĩa biểu tượng của sự đĩnh đạc hào hoa chiến thắng.
 
Do kết cấu trật tự khoa học về thời gian và sự kiện, tác giả viết về góc khuất của cuộc đời Tạ Đình Đề mà vẫn ôm chứa được nhiều chi tiết sống động về chất đời sống của nhân vật. Tạ Đình Đề hiện lên thật đẹp, ngay từ ngày đầu đến với cách mạng, được cách mạng giao phó nhiệm vụ và đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Tác giả cũng dành khá nhiều trang viết tái hiện tình yêu lứa đôi thời trẻ của ông. Hai người phụ nữ được nhắc đến trong tác phẩm đều là những con người hồn hậu, thông minh, giàu tình thương yêu và quyết đoán. Người thứ nhất là Đặng Thị Thọ, vợ của Tạ Đình Đề, yêu ông từ khi ông còn hoạt động trong thành Hà Nội khi Pháp tạm chiếm (1946-1954). Người người thứ hai là Thẩm phán Phùng Lê Trân từng ngồi ghế chánh án Tòa án Nhân dân Hà Nội, trực tiếp xử vụ án Tạ Đình Đề. Trong vụ án này, nhờ sự xử án công minh và cách làm việc khoa học của bà mà ông được trắng án. Tác giả đã cảm thán về hai người phụ nữ trong tác phẩm: "Hồng phúc thay cho đất nước Việt Nam ta không bao giờ vắng bóng những người phụ nữ như Phùng Lê Trân và Đặng Thị Thọ".
 
Nhiều chi tiết trong tác phẩm toát lên tình cảm của nhân dân ngưỡng mộ và ủng hộ Tạ Đình Đề được tác giả ghi lại một cách trung thực: Ngày xử án Tạ Đình Đề, nhân dân nhiều tỉnh quanh Hà Nội đã đến dự phiên tòa và mỗi lần Tòa tuyên án quần chúng nhân dân đều đứng bật dậy vỗ tay ầm ầm. Một chi tiết nữa cũng hết sức quan trọng, vừa giàu tính văn học, vừa giàu tính tư liệu là việc bà Phùng Lê Trân, Thẩm phán Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý cho công nhân ngành đường sắt kéo thêm dây điện để mắc loa ra ngoài, phục vụ đông đảo quần chúng đến dự phiên tòa.
 
Tác phẩm cũng tập trung vào sự kiện hai lần xử án Tạ Đình Đề. Nhờ nắm vững chuyên môn khoa học pháp lý, và hơn thế, sau này được trực tiếp thụ lý hồ sơ, tác giả đã đưa ra được rất nhiều bằng chứng về sự trong sáng của Tạ Đình Đề đến với bạn đọc hôm nay.
 
Đọc tác phẩm của Dương Thanh Biểu bằng cảm quan của ngày hôm nay chúng ta càng thấy trân trọng tài năng Tạ Đình Đề, người sớm có tư duy đổi mới kinh tế trong quản lý xí nghiệp. Do nhạy bén và vượt trước nên ông dễ bị đố kỵ và ganh ghét. Chân dung một người anh hùng thời chiến trận từng tung hoành như con sư tử cùng tướng Hoàng Sâm trong hành quân tác chiến, từng giữ cương vị trưởng ban quân báo Đoàn Tây Tiến, rồi trở về đời thường làm quản lý góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền bắc được tác giả khắc họa thật rõ nét.
 
Ở vị trí người anh hùng thời trận mạc, tác giả đã khéo sắp xếp những chi tiết thuộc về chuyện dân gian kết hợp với nguồn tư liệu phong phú thời hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám... để tô thêm vẻ đẹp của người anh hùng thật sống động và có khả năng thu hút tâm trí bạn đọc. Dù có cắt bớt đi đôi cánh của sự lãng mạn, chúng ta vẫn cảm thấy đâu là hạt nhân hợp lý trong tính cách anh hùng của Tạ Đình Đề.
 
Từ góc khuất cuộc đời Tạ Đình Đề đã mở ra ánh sáng: ánh sáng của sự thật về con người và sự nghiệp; ánh sáng của khoa học lịch sử cần và phải được xem xét làm rõ hơn nữa để duy danh và tôn vinh xứng đáng một nhân cách.
 
Theo Nguyễn Văn Sơn / Báo Nhân dân