(Thứ tư, 24/08/2022, 11:36 GMT+7)

Tôi biết anh Phùng Quang Thanh khi đọc cuốn sách Xốc tới của nhà văn Mai Ngữ, viết về người anh hùng trẻ tuổi Phùng Quang Thanh. Cuốn sách mỏng, in không đẹp lắm, rất giản dị để kịp tuyên truyền về tấm gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí, đầy lòng thương yêu, tin tưởng cán bộ, chiến sĩ dưới quyền, chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, nghị quyết chi bộ và sáng tạo trong cách đánh địch của người cán bộ Trung đội ở Mặt trận Đường 9 - Nam Lào khi đang độ tuổi 22.

Tôi cũng nghe đồng đội kể nhiều về anh. Vậy nhưng mãi tới năm 1994, khi tôi chuyển gia đình về ở tại khu chung cư Bắc Nghĩa Tân mới có điều kiện gặp anh. Lúc ấy, anh đang công tác tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu. Từ đấy, thi thoảng lại có dịp gặp gỡ, mỗi lần như vậy, anh thường hỏi tôi về tình hình Quân khu 1, về công tác bố trí lực lượng, về những vấn đề phức tạp thường xảy ra tại vùng biên giới... Biết cái “máu nghề nghiệp” ăn sâu ở anh nên tôi thông cảm và khi có điều kiện là tranh thủ hỏi han để hiểu sâu hơn những thông tin có liên quan đến nhiệm vụ tác chiến. Khoảng tháng 9 năm 1997, khi đang là Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 1, tôi về dự họp ở Bộ Quốc phòng, nghe anh em nói khả năng anh Thanh sẽ về làm Tư lệnh Quân khu 1, tôi mừng thầm cho anh và cho đơn vị. Đến cuối năm 1997, Quân khu 1 nhận được thông báo của Bộ Quốc phòng, chính thức điều động anh Phùng Quang Thanh về làm Tư lệnh quân khu. Trước đó, tại Quân khu 1, Tư lệnh Đàm Văn Ngụy đã được trên cho nghỉ hưu theo chế độ, ông gửi gắm lại cho Bộ Tư lệnh nhiều điều tâm huyết, những ý tưởng còn dang dở và đặc biệt lưu ý dù ai về làm Tư lệnh quân khu cũng mong anh em đoàn kết, phát huy tốt thành quả của các thế hệ trước đã có công xây dựng. Tháng 2 năm 1998, anh Thanh mới về quân khu nhận nhiệm vụ, vì lúc nhận quyết định, anh đang học tại Học viện Quốc phòng và khi học xong thì đã giáp Tết.

Buổi gặp gỡ đầu tiên với Bộ Tư lệnh Quân khu 1 diễn ra rất thân tình, không có khoảng cách giữa người cũ và người mới đến nhận nhiệm vụ. Tôi cảm nhận được anh rất vui và cũng bớt đi phần nào lo lắng khi về công tác ở vùng đất địa đầu biên giới. Ngày hôm sau, anh đặt lịch làm việc với tôi trước, với tư cách là gặp Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị quân khu. Anh nói với tôi: “Khi tôi về nhận nhiệm vụ, các thủ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng Tổng cục Chính trị đã căn dặn kỹ, cần nhanh chóng nắm bắt tình hình của quân khu. Đây là quân khu có địa bàn chiến lược trọng yếu, có yếu tố đa dân tộc, địa hình hiểm trở, kinh tế chậm phát triển và còn nhiều hậu quả chiến tranh tồn đọng”.

Tôi nói: “Đúng vậy, dần dần từng bước, anh em trong Bộ Tư lệnh sẽ trao đổi, anh em cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật sẽ báo cáo với anh cụ thể hơn. Mặt khác, anh là Cục trưởng Cục Tác chiến thì tình hình toàn quân và tình hình các quân khu chắc anh cũng hiểu rất kỹ rồi”. Anh bảo: “Đúng như vậy. Nhưng khi về công tác ở quân khu thì còn nhiều vấn đề rất mới đặt ra, nhất là yếu tố địa phương trong công tác quốc phòng, quân sự. Tôi chưa có kinh nghiệm về công tác quân sự địa phương nên chắc có nhiều bỡ ngỡ, rất mong các anh trao đổi kỹ giúp tôi trong công việc mới mẻ này...” Nghe anh nói vậy, tự nhiên tôi có cảm tình với anh, vị Tư lệnh chân tình, khiêm tốn và cũng rất nhẹ nhàng. Nhớ lại cuộc đời binh nghiệp của mình khi đã trải qua các chức vụ từ cơ sở đến cấp quân khu toàn làm việc với các đồng chí cấp trưởng quân sự và chính trị đều lớn tuổi hơn, có người còn ngang cả tuổi cha tôi, vậy nên lần đầu tiếp xúc với một vị Tư lệnh có tuổi đời ít hơn mình, tôi cảm nhận được phong cách mới và sự gần gũi, giúp tôi cởi mở hơn khi trao đổi.

Anh hỏi tôi nhiều thứ, nhiều việc. Tôi nói với anh: “Có mấy việc tôi thấy cần trao đổi kỹ với anh. Về phương án phòng thủ và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân khu, với anh chắc không khó lắm. Cái mà chúng ta cần quan tâm là giải quyết hài hòa mối quan hệ của Đảng ủy quân khu, Bộ Tư lệnh quân khu với cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp, phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn vững chắc. Mặt khác, với tình hình quân khu hiện tại, cần làm tốt vấn đề tư tưởng để tạo lập lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ. Đó mới là điều cốt yếu để xây dựng quân khu vững mạnh toàn diện. Theo tôi, điều quan trọng nhất là phát huy triệt để mặt tốt và cũng khắc phục triệt để những tồn tại kéo dài, không phàn nàn, không đổ lỗi cho ai. Phương pháp là làm việc với tinh thần dân chủ trong tất cả các mặt công tác của quân khu như: dân chủ trong công tác cán bộ; dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác hậu cần - tài chính... Nếu làm được vậy, tôi tin rằng cán bộ, chiến sĩ trong quân khu sẽ củng cố lòng tin vào lãnh đạo và chỉ huy các cấp”. Anh rất đồng tình với những vấn đề tôi trao đổi và hỏi tôi rất kỹ về đặc điểm, khó khăn, thuận lợi khi về công tác tại địa bàn rừng núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi cũng chân tình trao đổi với anh những việc cần làm, những kinh nghiệm mà bản thân đã vận dụng thành công.

Anh Thanh về quân khu với rất nhiều lợi thế nhưng cũng không ít khó khăn, như: Bộ Tư lệnh có sự biến động mạnh về nhân sự, người thì được điều động, người thì hoàn thành nhiệm vụ được trên cho phép nghỉ chế độ; những bàn tán về Tư lệnh mới là người Kinh - một sự thay đổi lớn vì trước đó, Tư lệnh đều là người “tại chỗ”.

Dù thời gian công tác ở quân khu với anh không nhiều nhưng tôi thấy ở anh một vị Tư lệnh rất năng động, một con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước mọi quyết định của mình. Anh sớm tạo lập được lòng tin với cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, chiến sĩ toàn quân khu. Đây là yếu tố rất quan trọng để anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Anh cũng là Tư lệnh rất nhiệt tình ủng hộ cái mới, như đổi mới phương pháp hoạt động của cấp ủy. Điển hình là xây dựng và hoàn thiện bộ quy chế làm việc của cấp ủy, chỉ huy các cấp, trong đó có chi tiết rất cụ thể như: dân chủ, công khai trong công tác cán bộ, bỏ việc xin ý kiến từng người trong thường vụ với lý do bận việc, với công tác cán bộ nhất thiết phải họp thường vụ khi đủ. Khi họp, Bí thư và Phó Bí thư - Tư lệnh không phát biểu trước mang tính định hướng mà để các ủy viên thường vụ nói trước. Tuy chi tiết nhỏ nhưng cách làm việc ấy đã tạo lập lòng tin rất lớn với Đảng ủy quân khu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một việc khác là vấn đề kinh tế - tài chính của quân khu. Có đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tâm tư về các khoản quỹ của quân khu và cách sử dụng. Biết được điều đó, anh Thanh cho công khai tại hội nghị cán bộ về hoạt động của các doanh nghiệp quân khu, doanh nghiệp nào lỗ, lãi, doanh nghiệp nào nợ đọng lớn, khoản lỗ nào, khoản nợ đọng nào là khó có đường giải quyết để mọi người cùng biết. Anh cũng cho công khai quỹ vốn quân khu và phương hướng khắc phục, sử dụng tiếp theo.

Giai đoạn 1997-1998, Bộ Quốc phòng chủ trương giảm mạnh biên chế, không ít quân nhân chuyên nghiệp và số sĩ quan trưởng thành trong chiến tranh, tuổi đời còn trẻ, năm phục vụ còn ít, nay theo quy định phải xuất ngũ, phục viên và cho nghỉ nếu đủ điều kiện. Tâm trạng buồn bã trong số anh em này rất lớn, nhất là số cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp là con em người dân tộc thiểu số lại càng nặng nề hơn. Thường vụ Đảng ủy quân khu đã nêu lại vấn đề, Tư lệnh rất trăn trở, anh đã đề xuất với Thường vụ tạm dừng để tìm hướng giải quyết. Anh chủ động và trực tiếp báo cáo Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về đặc điểm, tính chất đặc biệt của Quân khu 1 do yếu tố chiến tranh tồn lại, được cấp trên đồng tình mở ra hướng giải quyết linh hoạt hơn, vừa giữ yên lòng quân, vừa chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Không chỉ quan tâm cái chung, việc lớn, anh Thanh còn sát sao tới tận cơ sở, quan tâm đến nơi ăn, chỗ ở của quân nhân. Anh thường nhắc “phải thay đổi cách nghĩ, tìm mọi giải pháp nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho bộ đội, như mùa đông không được để anh em tắm nước lạnh, bữa ăn phải được cải thiện, bộ đội được ăn ngon, đủ chất”. Anh còn đặt vấn đề: “Lớp cán bộ cũ là những người hy sinh và cống hiến rất lớn, nhưng do hoàn cảnh đất nước khó khăn, chế độ chính sách chưa thỏa đáng nên một số đồng chí khi về hưu phải nương dựa vào con cháu, nhiều đồng chí phải bươn chải vất vả để duy trì cuộc sống hằng ngày, chúng ta nên nghĩ cách giúp đỡ trong điều kiện cho phép”. Bộ Tư lệnh rất đồng tình và từ đó đã mở rộng, giữ tốt mối quan hệ giữa các thế hệ.

Anh Phùng Quang Thanh làm Tư lệnh Quân khu 1 chỉ hơn 3 năm, nhưng với tinh thần và trách nhiệm cao, anh đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong gắn kết quan hệ của quân khu với cấp ủy, chính quyền địa phương; đã củng cố và hoàn thiện phương án phòng thủ quân khu, tỉnh, thành phố, được cấp trên kiểm tra đánh giá cao; mạnh dạn đổi mới phương thức hoạt động của cấp ủy, người chỉ huy các cấp; tôn trọng cấp ủy, thường xuyên trao đổi với Bí thư, sớm tạo lập được lòng tin với cán bộ, chiến sĩ toàn quân khu. Anh đã để lại tình cảm rất tốt đẹp về một vị Tư lệnh cương quyết nhưng mềm dẻo về phương pháp để đạt được sự khởi sắc mới cho Quân khu 1.

Anh là một Tư lệnh tài năng, đổi mới, quyết đoán nhưng thân thiện. Sau này, khi anh được điều động về công tác tại Bộ Tổng Tham mưu, đến lúc được Đảng, Nhà nước giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, mỗi khi được làm việc cùng anh, tôi vẫn thấy một vị Bộ trưởng mang đậm phong cách như xưa.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng
Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam