(Thứ năm, 04/08/2022, 04:42 GMT+7)
Hồng Thanh Quang cùng phòng biên tập với tôi một thời gian khá dài ở báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Năm 1989, anh từ Quân đoàn 3 Tây Nguyên về, do sành tiếng Nga được phân làm biên tập viên phòng Thời sự quốc tế. Năm sau lập ra phòng mới là Quân đội nhân dân Thứ bảy (Hai năm sau gọi là Quân đội nhân dân Cuối tuần). Đại tá Phan Khắc Hải vừa từ tạp chí Quân đội nhân dân trong thành về làm Tổng Biên tập, mời riêng tôi lên ấn vào tay tôi cái chức phụ trách, bày ra trước mặt tôi các vị trí nhân sự trong phòng để hỏi ý kiến, tôi gật tất, trong đó Hồng Thanh Quang chuyên lo mảng quốc tế.
 

Anh tay ngang làm báo (vốn học vô tuyến điện quân sự) nhưng ngay từ đầu tỏ ra có khiếu nghề báo, số nào hầu như cũng bao hết cả hai trang chính trị, thời sự, văn hóa thế giới. Giọng điệu anh dù có đến mấy chục bút danh khi duyệt bài tôi cũng “ngửi” ra được ngay, đa đa ích thiện miễn là thứ trưng lên mặt báo bảo đảm mới mẻ, sinh động, hấp dẫn hơn báo ngày là được, kể cả việc sau này thằng cháu Đặng Đình Nguyên con đầu mới bốn, năm tuổi của anh mà đã có gien bố bình luận quốc tế, lược dịch bài nhoay ngoáy, hùng hồn sắc sảo không khi nào trệch đường lối quan điểm. Nhất là với chuyên mục đứng trang cuối Nhìn từ Hà Nội, một thứ giống xã luận của những nhật báo chính trị như Nhân dân, Quân đội nhân dân nhưng phải viết biến hóa, mềm mại hơn. Anh “Nhìn từ Hà Nội” quanh năm ngày tháng, mà làm hay, không bình luận viên nào chen chân vào được đất có sổ đỏ của anh. Trong lễ kỷ niệm 10 năm ra báo, anh bỗng bảo tôi: Em tự thấy mình giỏi, Nhìn từ Hà Nội giờ đã thành món đặc sản của báo ta rồi. Bao năm làm báo tôi rút ra: hành nghề báo như con dao pha tảng thịt lợn. Dao bén, thớt chắc, nhát dứt khoát, ba chỉ, dọi, thăn, xương, sườn, sụn... phải đâu ra đấy. Có một thời gian Hồng Thanh Quang còn đi học tại chức Khoa báo chí, Đại học Xã hội và nhân văn cho đủ văn bằng chứng chỉ chuẩn hóa cán bộ, chứ ngay từ đầu về báo Quân đội nhân dân anh đã là “con dao pha” trong nghề rồi. Hồi đầu mới ra An ninh thế giới của anh Hữu Ước bên công an rất đắt khách, có thời kỳ phát hành đến hai mươi, ba mươi vạn tờ mỗi số, anh hay mời tôi sang tòa soạn báo ở phố Yết Kiêu đánh bóng bàn, mấy lần anh rỉ tai tôi: Em sẽ lấy Hồng Thanh Quang bên anh về đấy. Tôi không nói ra nhưng nghĩ bụng, người giỏi bên quân đội lấy thế nào được. Thế mà về sau anh lấy được, tất nhiên là tôi ủng hộ ngay từ đầu, bạn bè làm ăn được mình mừng.
 

Đầu năm 1991, tại công ty May 20: Kỹ sư mốt Tanhia (thứ ba từ phải) và Hồng Thanh Quang (đầu bên phải).
 
Nhưng không chỉ có Hồng Thanh Quang báo, còn song hành Hồng Thanh Quang thơ, Hồng Thanh Quang em-si truyền hình. Thực ra thời nay truyền hình lấn át hoàn toàn báo giấy, nghề tay trái hay lên VTV Hồng Thanh Quang mới nổi, chẳng mấy chốc danh nổi như phao tiếng vang như mõ. Trẻ trung, đẹp trai ngời ngời, tính tình đôn hậu vui vẻ, anh đến đâu gái bị hớp hồn đến đó. Lại có lần anh bảo: Em đi mát xa thư giãn sợ nhất chị em nhận ra cái mặt mình. Chắc hẳn trước khi về báo anh đã có mấy mối tình đầu rồi, những bài như Ủ câu thơ cũ vào men lá; Xa Pleiku, Gửi bạn... đều phải có địa chỉ người nhận cụ thể thuộc phái đẹp chứ bạn nam mấy ai tặng thơ thẩn làm gì. Thế rồi vừa về báo với tôi, anh có ngay mối tình sét đánh với ca sĩ Lê Dung hơn anh cả chục tuổi. Và tôi tình cờ được chứng kiến họ yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên ở chân cầu thang trụ sở báo số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội.
 
Sáng hôm ấy, cô ca sĩ đến bản báo để bàn thảo về cuộc biểu diễn nội bộ ngay tại hội trường tòa soạn vài ngày sau. Ca sĩ Lê Dung vốn ở đoàn Văn công Quân khu Tả ngạn, rồi Văn công Tổng cục Chính trị, cô có giọng nữ cao vút trong trẻo trời phú, sau được cử sang Liên Xô học Opêra ở Nhạc viện Traikovski. Mối tình sét đánh bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên khi đụng nhau ở cầu thang báo Quân đội nhân dân giữa Hồng Thanh Quang và Lê Dung đã làm đảo lộn kế hoạch cho tương lai của chính nữ ca sĩ khi mới về nước. Còn nhà thơ trẻ thì luôn thành thật hết mình, cứ đọc thơ anh ngày đó thấy yêu nàng như thế nào: Yêu như lao xuống dòng nước xoáy/ Giữa trời cao không chịu mở dù (Khúc ca, tháng 8-1990); Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em/ Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/ Còn điều chi em mải miết đi tìm (Khúc mùa thu)... Tối ấy là khi hai người mới chớm quen rủ tôi đến ngồi uống nước ở một quán phố Trần Bình Trọng gần hồ Hale. Mới vào chuyện được vài phút, trong ánh đèn mờ tỏ, tôi vô tình nhìn sang đã thấy anh chị tự nhiên như ruồi ôm hôn nhau rối rít. Học tây về có khác. Rồi Dung chiều người yêu nhiều khi như chị chiều em vậy, một chú em hay tò mò, nghịch ngợm. “Nửa năm hương lửa đang nồng” Quang liên tục ứng tác các bài thơ tặng nàng nồng nhiệt kiểu như: Em vẫn chưa già đâu/ Anh không còn trẻ nữa/ Nếu hạnh phúc cho nhau/ Luật trời ta cũng sửa (Xem ảnh); Tôi yêu em như mẹ/ Như là em yêu tôi (Đừng bỏ tôi)... Hôm đám cưới tổ chức ở hội trường báo Quân đội nhân dân, chú rể ngon nghẻ điển trai có bông hoa hồng đỏ cài trên ngực áo vét, cô dâu áo dài màu ngà quét đất, tặng nhau bó hoa dơn trắng, ôm hôn thắm thiết giữa hôn trường xung quanh toàn lính người nhà. Những ngày sau đó hạnh phúc hiển hiện trên gương mặt sáng của đôi tân giai nhân. Khi “Yêu như lao xuống dòng nước xoáy” như vậy, anh còn cả gan đứng ra thuê Nhà hát lớn Hà Nội, tổ chức mấy đêm liền chỉ một mình vợ biểu diễn hát hàng chục bài, về mặt nghệ thuật thì thắng rồi bởi thời kỳ đó giọng Lê Dung đang “phiêu” chinh phục được khán giả, nhưng không biết về kinh tế bị lỗ lãi thế nào, hay chỉ huề được là may. Chu Lai là nhà văn thường chơi với giới sân khấu biểu diễn, có lần nói với tôi: Ca sĩ A khi vào Sài Gòn đi người không, về ôm rất nhiều thứ, còn Lê Dung vào Sài Gòn có nhiều thứ, ra tay không. Tôi qua vài lần tiếp xúc cũng thấy vợ Quang không phải là người quá thiên về vật chất, nhưng quả nữ tính cao vòi vọi. Khoảng hơn một năm sau ngày cưới, hôm đó thấy Quang đến cơ quan mắt có ngấn nước, tôi hỏi, anh nói nhỏ Lê Dung không thể có con. Lại một lần Quang đến mặt bầm dập sây sát, anh cho biết uống rượu về lai Lê Dung bị ngã ở dốc Bưởi, may mà cô không việc gì, còn anh chỉ bị trầy da. Hôm sau bỗng Lê Dung một mình đùng đùng đến nhà tôi kể lể (Cô cứ tưởng tôi là cán bộ có quyền hành với cấp dưới lắm), thì ra cái sự cố đêm qua còn có sự ghen bóng gió nào nữa, có lẽ do anh chồng trẻ đang đi xe liếc ngang một cô gái đẹp trên đường chẳng hạn? Ngay cả một người đàn bà tài sắc nổi danh như Lê Dung cũng không tự tin lắm trong tình trường. Rồi tôi lai xe máy đưa Lê Dung về, đến Cầu Giấy cô bảo tôi vào quán ăn bữa thịt chó giải đen. Nhưng sau vận đen không giải được, ở với nhau được khoảng ba, bốn năm hai người chia tay, như Quang nói là Dung không thể có con đã chủ động giải thoát cho anh. Quang có bài có lẽ nói về cuộc chia tay đau đớn này, tựa là Đêm cuối cùng anh sẽ hát em nghe, có câu: Sáng mai tất cả lại cô đơn/ Ai buồn nhớ con đường chưa tới/ Nơi ngửa mặt nhìn trời như chó sói/ Anh tru lên mãi một tên người (1995). Quang là người tình nghĩa luôn chơi đẹp, đã nhường ngôi nhà đang ở cùng một mảnh đất mua “ào ào” ở xóm Cò, Thanh Xuân cho Lê Dung khi chia tay. Thế rồi chỉ sau đó ít lâu người ca sĩ tài hoa gặp hạn nặng tuổi 49, bất ngờ bị cơn tai biến não qua đời. Quang giữ ý không lộ diện đưa nàng đi, chỉ đứng sau hậu trường cùng cậu con riêng Lê Dung lo mọi chi phí trong bệnh viện. Hôm đó tôi lặng lẽ lên xe ca cùng nhiều văn nghệ sĩ đưa Lê Dung đến nơi yên nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Thanh Tước, ngồi bên tôi có nhạc sĩ Phú Quang bạn thân với vợ chồng nhà thơ. Anh đã phổ bài Khúc mùa thu của Hồng Thanh Quang, chính Lê Dung đã mấy lần biểu diễn tại Nhà hát Lớn rất thành công, bài ca đến nay vẫn được công chúng ưa chuộng. Thỉnh thoảng tôi mở đĩa nghe, lại nhớ đến chú em đa tình và cô em đa đoan ngày ấy. Khi tôi viết những dòng này vào cuối năm 2021, rất đau lòng nghe tin nhạc sĩ, người bạn thân thiết Phú Quang vừa qua đời và trong lễ tang anh, cô ca sĩ học trò Minh Chuyên đã hát bài Khúc mùa thu để tiễn đưa người thầy tài hoa.
 
Hình như Hồng Thanh Quang sinh ra để yêu và luôn đau khổ lụy tình. Cứ đọc thơ anh là biết. Bài nào cũng em em anh anh sướt mướt lâm ly. Đến hôm nay Quang đã đi được quãng đường thơ khá dài và anh lại là người sáng tác “năng suất”, nhưng tôi thấy những bài hay nhất của anh rơi vào lúc anh yêu Người đàn bà hát ấy. Dường như anh được trả giá trong thơ bằng tình yêu điên cuồng hết mình. Thường thì các nhà thơ lâu lâu mới ra được một tập thơ mỏng, anh khác, làm thơ liên tục, đặc biệt trên “phây” có dịp quảng bá giao lưu thơ phú với bàn dân thiên hạ, luôn luôn có sự ứng khẩu thành thơ. Chẳng thế mà một hôm anh tặng tôi... “cục gạch”. Đúng là cỡ gạch pa panh to dày hơn hẳn cục gạch đỏ bình thường, cuốn Nỗi buồn tốc ký. Hai tập đóng chung vào một hộp các tông, bìa trình bày công phu designer Van Sang, trang lót kim nhũ vàng, dày tổng cộng 800 trang khổ lớn sơ sơ 700 bài (Nxb Hội Nhà văn, 2013), lại còn đề giá hẳn hoi giễu chơi thiên hạ, trọn bộ 249.000đ. Hôm đó có cuộc giao lưu giới thiệu cuốn này ở Nhà hát Lớn, do Phú Quang dẫn chương trình, nhiều ca sĩ nổi tiếng hát những bài phổ thơ anh, tiếc là tôi có việc bận không đến được. Trước hết khâm phục chú em về tài tổ chức và sự đầu tư hoành tráng cho thi ca!
 
Đúng là phải tốc ký thì mới làm được nhiều và nhanh đến thế. Thơ trong đầu anh theo cảm xúc cứ ào ạt tuôn ra trang giấy, anh chỉ việc hối hả tốc ký, có lẽ không cần sửa lại như kiểu có lần anh dẫn chương trình trên truyền hình, đi ba bước ra cửa ứng khẩu một bài thơ, giống Tào Thực đời Tam Quốc. Nhà thơ Anh Ngọc trong một bài viết đã bình luận: Thơ Hồng Thanh Quang lực lưỡng. Quả là có “lực lưỡng”, nhưng tôi có lần lại máy miệng nhắc xa xa chú em: Quý hồ tinh bất quý hồ đa đấy nhé. Và tôi phải đặt kế hoạch hàng năm để đọc hết tác phẩm “khổng lồ” kia, thỉnh thoảng mới giở ra vài trang nhấm nháp “nỗi buồn” cùng anh. Chung quy vẫn là cái số “thân cư thê” của anh cả thôi. Đây nhá: Vốn chuyên bỏ vợ theo bồ/ Nay bồ thành vợ chế thơ thế nào (Bỗng dưng ta thấy nao lòng); Em ơi về ở bên chồng/ Cố quên nhau nhé như không có gì (Thì em về ở bên chồng); Tiếc một lòng trai/ Không thành ngọc nổi/ Tiếc một hồn cây/ Rìu người đốn vội/ Chắc là có tôi/ Khi mình lỡ nhau (Tìm trầm ngậm ngải); Ta nhớ một người môi lại hôn người khác (Đôi lúc thèm một bàn tay phụ nữ); Anh già rồi đang đi giữa thời trai (Em đừng hỏi)...
 
Người vợ sau của Hồng Thanh Quang cũng là một người đàn bà đặc biệt.  Mỹ Linh, quê Hà Giang. Năm 18 tuổi có giọng hát triển vọng, Mỹ Linh được về học ở trường nhạc, cô giáo thanh nhạc lại là danh ca Lê Dung. Lúc đó hai người đã chia tay nhau rồi và Quang ngẫu nhiên gặp Linh, anh hơn cô học trò vợ cũ gần hai chục tuổi. Lại mối tình sét đánh. Giờ họ đã hai mặt con, một trai một gái đẹp như tranh. Nhiều năm đứng ngoài quan sát cặp vợ chồng này, tôi chợt nghĩ, Mỹ Linh có thể là một hiện tượng lạ thường về khởi nghiệp chăng? Từ một cô gái miền núi như con nai vàng ngơ ngác lần đầu về nơi đô hội, mà chỉ một thời gian ngắn lập gia đình xong, một tay cô gây dựng cơ đồ. Lúc Quang còn ở báo Quân đội nhân dân đi cái xe máy cà tàng, hôm đó mời tôi đón sinh nhật ở quán, Mỹ Linh lái chiếc Toyota đời mới, kính râm mốt, áo mốt thời trang hở ngực khá rộng đến mừng sinh nhật chồng. Không nói ra, nhưng quả lúc đó tôi lóa mắt. Cô lập riêng công ty dạy nghề theo một phong cách điều hành quản lý hiện đại nào đó (Quang bảo, em cũng không biết công ty vợ là thế nào). Có lẽ công ty nhiều năm nay ăn nên làm ra, Quang cho tôi biết là đủ trang trải để hoàn tất cái tổ ấm gia đình. Ngôi biệt thự to đùng vừa khánh thành tiền của cô là chính, thiết kế kiến trúc, nội thất cũng bà chủ nghĩ ra tất.
 
Chắc hẳn với anh chồng đa tình, số đào hoa thì không thể không có lúc người vợ đảm ấy nổi máu Hoạn Thư, nhưng bản chất cô hiền thục và độ lượng nên như Quang thổ lộ, mọi chuyện đã ổn thỏa cả. Cậu lớn du học Mỹ, đứa bé sắp hết phổ thông chắc cũng sẽ học nước ngoài, anh mới bố cáo thiên hạ bài Tặng Linh, vợ tôi: Tôi bỗng nhớ Hà Giang tím gió/ Nếp nhà sàn nép bóng vào sương/ Linh ứng lại những gì đã trải/ Những buồn vui mặn ngọt thăng trầm/ Khi giọng hát phủ huyền bóng tối/ Ai trong tôi bật khóc âm thầm... (Và bắt đầu cất lên giọng hát).
 
Tôi còn có một kỷ niệm khác với Hồng Thanh Quang.
 
Ngày ấy tôi quen ông Cường giám đốc Công ty may 20, Tổng cục Hậu cần. Công ty ông đang ăn nên làm ra. Ở công ty có cô Tanhia, người Belarus, chuyên gia về thời trang. Tanhia mắt xanh tóc vàng gương mặt khả ái, dáng cao lồng lộng như tòa tháp (nói theo ngôn ngữ bác Hữu Thỉnh). Tôi chỉ đứng đến vai nàng, vả lại muốn nói chuyện bằng tay với người đẹp mà không biết cách.
 
Nhưng tôi cũng là gã si tình, xuống công ty về làm hẳn một bài thơ khá dài tặng nàng. Tôi nhờ Hồng Thanh Quang dịch ra tiếng Nga. Lại nhờ phóng viên nhiếp ảnh Kinh Quốc cùng phòng xuống Công ty 20 chụp một pô chân dung cô kỹ sư mốt thời trang kiêm người mẫu kia. Bài thơ Việt và bản dịch Nga được kỳ công in vào mặt sau tấm ảnh khổ lớn chân dung người đẹp, có lời đề tặng, đồng chữ ký của tôi và Quang. Chúng tôi bồi hồi mang đến tặng nàng. Nàng đang ở khách sạn La Thành đường Đội Cấn và lúc đó Liên Xô đang rục rịch đổ, nàng sắp phải về nước. Quang đứng dưới nói vọng lên, tất nhiên là tiếng Nga: Anh có thể lên được không? Nàng trên ban công nhìn xuống, nói: Được, xin mời. Vừa gặp, cao 1,72 mét như Quang mà phải kiễng chân mới hôn được nàng, còn tôi thất thế toàn phần, nàng cúi xuống hôn được một cái vào bên má. Quang đã học 5 năm ở trường quân sự Ulianopxcơ, vả lại nếu chỉ học trong trường thôi thì giao tiếp cũng hạn chế, anh kể hay lẻn ra ngoài tán gái nên tiếng Nga đường phố làu làu, thành ra hai người nói chuyện rất say sưa. Cô gái xứ Bạch Nga thật sự cảm động khi nghe Quang đọc bài thơ bằng tiếng Nga và có lẽ nàng cũng kinh ngạc khi biết tác giả chính là tôi ngồi bên, ông già lùn tì lại biết nói mỗi câu tiếng Nga lúc chia tay: Đớtxviđanhia.
 
Tiếc rằng tôi và Quang đều không lưu lại bài thơ, mà theo Quang đánh giá là “khá hay” cả lời Việt cũng như lời chuyển ngữ. Không biết về nước cô kỹ sư mốt xinh đẹp ấy có còn giữ bài thơ tỏ tình và còn lưu trong bộ nhớ hai anh chàng đầu đen mũi tẹt ở xứ nhiệt đới rất thành thật, tính tình bồng bột sôi nổi ngày ấy hợp sức mà tán mãi “tòa tháp” không đổ?
 
Ở phòng báo Quân đội nhân dân cuối tuần với tôi gần 15 năm thì Hồng Thanh Quang chuyển sang báo An ninh thế giới của Hữu Ước, lúc chuyển anh trung tá đến niên hạn lên thượng tá, sang công an anh cũng được thăng quân hàm ngay. Hôm chuyển anh không vui, có ý trách tôi: Em ở mãi với anh mà không lên được cái chức phó phòng. Tôi cũng buồn mà bảo: Em thấy đấy, ngay anh cũng vụng cách tiến thân, bao năm dẫm chân tại chỗ, sao giúp gì em được. Sang đấy anh lên đại tá, phó tổng biên tập báo An ninh thế giới, tung hoành ngang dọc bạn bè khắp Bắc-Trung-Nam. Với tôi anh vẫn tình nghĩa, thỉnh thoảng đánh xe về thăm. Cách đây năm, sáu năm anh chuyển hẳn sang báo Đại Đoàn Kết làm tổng biên tập, do với “minh chủ” cũ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, sự đời thay đổi biết làm sao được!
 
Anh mới nghỉ hưu. Lại nghe tin anh mắc phải một bệnh khá lạ, tốn kém mấy bận bay sang tận Singapore chạy chữa, may gặp được đúng thầy, đúng thuốc. Anh lại khỏe như xưa, mừng quá! Giữa tháng Tám vừa qua sinh nhật tôi, một mình từ biệt thự trên đường Thăng Long anh vượt dịch Covid đánh xe con đến tận nhà chúc mừng.
 
Anh bạn nhà thơ nọ vừa đi Pleiku về kể, mình ghen với Hồng Thanh Quang quá, gặp mấy em đẹp như đóa hoa rừng biết mình từng ở báo Quân đội nhân dân toàn hỏi thăm Hồng Thanh Quang, đọc thơ Hồng Thanh Quang vanh vách, chả nhớ bài nào của mình cả. Có cô còn “xí phần” bài Ủ câu thơ cũ vào men lá là anh ấy tặng riêng em ngày rời Quân đoàn 3 đấy nhá. Lúc gặp Quang tôi hỏi, có đúng cái cô Em chưa tóc ngắn chưa gió bụi/ Hạnh chấm vai gầy nâu rất nâu ấy không? Quang cười khì: Cô gái Pleiku nào chẳng thế.
 
Hôm nay anh vẫn là người hạnh phúc vì luôn có bao nhiêu người thuộc thơ và có khối em lấy thơ anh vận vào mình để được sống mãi với thời gian mộng tưởng về một chàng thi sĩ đa tình...
 
Theo Phạm Quang Đẩu / Văn nghệ số 23/2022