(Thứ năm, 12/01/2023, 07:58 GMT+7)

Nhận xét của Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội:

Viết là tìm đến những cái mới, tạo ra những thông điệp mới, hoặc ít nhất là làm tươi lại những chuyện đã cũ… Đó chính là vấn đề được đặt ra đối với người viết, đặc biệt là người viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Chùm thơ Trên những hố bom, Thổ Sơn, Viết ở Tiểu đoàn 804 của Phùng Thị Hương Ly đã phần nào cho ta thấy được góc nhìn tươi, mới khi tiếp cận đề tài chiến tranh cách mạng và người lính ở người viết trẻ này. Thơ Phùng Thị Hương Ly không trực tiếp kể về cuộc chiến, không nói nhiều về sự mất mát hi sinh hay những đau thương mà chiến tranh để lại, nhưng câu chữ trong bài thơ, hình ảnh trong bài thơ lại đầy lên vẻ ám ảnh của cuộc chiến đã qua: Hàng dừa im lặng xanh nhớ những đứa con mình/ mùi hương không nói với tôi khu vườn bao nhiêu trái hạnh/ Người đàn bà nhìn xa xăm/ không nói với tôi sao lại quên chải tóc/ Cánh đồng không nói với tôi có bao nhiêu bông lúa/ nhả sương đêm vào ban mai/ bầy chim thơm thơm tiếng hót…/ Người con gái không nói điều gì trước quân thù bủa vây/ miên man dòng suối… (Thổ Sơn). Quá khứ và hiện tại là hai thực thể sống động nằm trong một mối tương giao nhiều ngẫm ngợi, thể hiện sự trân trọng, biết ơn của người trẻ đối với quá khứ dân tộc.

Với các tác phẩm Trên những hố bom, Thổ Sơn, Viết ở Tiểu đoàn 804, tác giả Phùng Thị Hương Ly đã phần nào cho ta thấy được góc nhìn tươi, mới khi tiếp cận đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Chia sẻ tại lễ trao giải, tác giả Phùng Thị Hương Ly bày tỏ: “Tôi rất vui khi được cộng tác với tờ tạp chí uy tín, chất lượng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đặc biệt là vinh dự giành được giải thưởng trong cuộc thi lần này, vinh dự có được sự ghi nhận của tạp chí cũng như hội đồng ban giám khảo. Giải thưởng này là sự khích lệ to lớn cho hành trình sáng tác của tôi, để tôi trân trọng thêm những chuyến đi, những cảm xúc sáng tạo có được về mỗi vùng đất, con người, và nhất là đề tài chiến tranh, cách mạng, người lính hôm nay”.



TRÊN NHỮNG HỐ BOM

Xanh lên những mùa cây
Dọc đồi biên ải
Mùi thuốc súng tan vào lòng đất
Mây đã mang đi bụi mù rát bỏng
Vết sẹo là khoảng trống khôn cùng
 
Tu hú vọng da diết bên thung
Từng chùm vải rừng au au chín
Nhìn bầy chim đến chở mùa đi
Tiếng hót chênh chao bên hố bom cả đời cha không sao lấp nổi
 
Những đêm côn trùng ri rỉ lòng núi
Cha kể chúng con nghe chuyện chiến hào
Chuyện người cựu binh mất ngủ
Hòa vào những đêm thanh lặng
Đinh ninh phía trước mình là đồng đội
Lẫn vào đoàn quân qua cánh rừng
Người đi giữa sương khuya mòn mỏi
 
Tiếng tu hú trở về mùa vải
Biêng biếc vùng trời
Cha bắc máng tre dẫn nước đổ đầy khoảng trống
Tay đắp đập be bờ những bờ cỏ xanh tơ
Mầm sống nảy nở trên kí ức
Bầy cá quẫy động trăng rằm
Người cựu binh không còn những đêm thức trắng
Lưng đồi âm âm gió
Búp sen ngập ngừng đáy nước
Mùa thơm ngan ngát bên đồi.


 
THỔ SƠN(1)
 
Chim yến không nói với tôi rằng chúng mất bao nhiêu lâu
để xây thành tổ
trong ngôi nhà kín gió
 
Con suối không nói với tôi có bao nhiêu hòn đá
bấy nhiêu dòng trong đục tưới mát bình minh
 
Hàng dừa im lặng xanh nhớ những đứa con mình
mùi hương không nói với tôi khu vườn bao nhiêu trái hạnh
 
Người đàn bà nhìn xa xăm
không nói với tôi sao lại quên chải tóc
 
Cánh đồng không nói với tôi có bao nhiêu bông lúa
nhả sương đêm vào ban mai
bầy chim thơm thơm tiếng hót
 
Con đường không nói với tôi về những bàn chân xuôi ngược
đôi giày dấp dính bùn nâu
 
Người con gái không nói điều gì trước quân thù bủa vây
miên man dòng suối…
 
Thổ Sơn!
chúng ta cúi đầu
làn khói chầm chậm bay về phía núi
tôi không dám đếm những họ tên khắc trên bia đá
sợ không đi hết nỗi ám ảnh lúc này
còn bao nhiêu cái tên nữa lẫn vào cỏ cây
lẫn vào những hòn đá mồ côi thinh lặng
 
Chim yến vẫn ngày đêm hết mình nhả từng sợi huyết
không chút do dự thiệt hơn
lòng dừa làm giếng nước trong
cho chị gội đầu bốn mùa thơm ngát
dòng suối tắm trăng hòn cuội trắng
biển hát gì dưới chân núi lao xao
không ai nói với nhau
đêm nhìn tôi nhìn tôi không ngủ được
 
Làm sao đếm hết được bước chân trên con đường
làm sao đếm hết được bao nhiêu bông lúa lên hương
làm sao đếm được bao nhiêu người để lại máu xương
cho đất lành cây xanh
cho bình yên chim hót…
 
Thổ Sơn
ai vừa nói trong nước mắt
mây bay xao động Hang Hòn…
 
(1) Xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nơi yên nghỉ của anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (chị Sứ).

 
VIẾT Ở TIỂU ĐOÀN 804
 
Những vầng mây duềnh lên từ thăm thẳm đáy nước
đung đưa bầy ngựa trắng
chúng ta cồn cào vì quá nhiều mây
rất gần thôi nhưng không ai chạm được
 
Mây trôi trên những khuôn mặt rám sạm
ngời lên nụ cười sắc nắng
sông Hậu trăm năm thao thức bến xưa
những người qua sông
những người ở lại
những người đi mãi
bóng mây lẫn vào dòng sông đỏ mặn
nói với chúng ta bằng dào dạt mưa chiều
 
Mây rủ nhau về quân cảng
theo mỗi chuyến tàu rời bến ra khơi
đám mây không mang số hiệu
hòa vào nhau nhận mặt gọi thành tên
những người lính đêm ngày canh biển
 
Em bé phác họa nét đầu đời bằng đám mây màu sắc
chở theo ước vọng tròn đầy
nỗi nhớ cha ngày đêm nơi đầu sóng
mỗi đêm bé con ôm chiếc gối bà làm từ bông gòn trước ngõ
bông đợi chờ nức nở
bông hóa thành mây bay
bông về trên bàn tay
lẫn vào tóc bà muôn muốt trắng
giấc mơ đưa con chạm đến trùng khơi
nơi có vòng tay cha dang rộng bầu trời
 
Mây bắt đầu từ dấu chân ngược xuôi trên bến
phù sa kí thác vào châu thổ
châu thổ xanh ngời sắc áo uy linh
mây cứ trôi
những hành trình không màng được mất
phiêu du ắng lặng nhường nào
 
Mây lìm lịm giấc mơ
thênh thang cả những điều rất thật
chớp mắt cơn mưa
những hạt nước tươi non dịu hiền biêng biếc
bài ca trên con tàu vượt sóng ra khơi
vầng mây bay thao thức phía chân trời…
 
(Trại viết Văn nghệ Quân đội tại Quân khu 9, 29/6/2022)