(Thứ năm, 01/04/2021, 09:47 GMT+7)

             Họ  Phùng - Những trụ cột quốc gia!

                (Sự thật và huyền thoại)

                                                                                PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

 
        Là người có ít nhiều nghiên cứu huyền thoại các triều đại phong kiến trong lịch sử nên tất nhiên tôi cũng phải nắm chắc các sự kiện. Có thể ví mỗi triều đình như một ngôi nhà thì sự thật là cái móng còn phần nhà nổi lên là huyền thoại. Tôi thấy ít có dòng họ nào như dòng họ Phùng với đóng góp lớn là những cây cột chống cho ngôi nhà triều chính kia thêm vững chãi. Ở đây chỉ xin dám nói về những vị khai quốc công thần tiêu biểu.
      Tôi đồng ý với Tiến sĩ Phùng Thảo với nhận định các vị tiền liệt của họ Phùng có gốc gácSơn Tây. Támvị họ Phùng đỗ Đại khoa (từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ thứ 18) thìcó 5 vị quê ở tỉnh Sơn Tây. Trong số 11 vị họ Phùng đỗ cử nhân thế kỷ thứ 19, thì số đông quê tỉnh Hà Đông và tỉnh Sơn Tây. Xét về phong thủy thì Sơn Tây là vùng đất thiêng nhất xứ Nam ta, nơi có Ba Vì, Tam Đảo mà Cao Biền dù tài mới cũng chịu thua tức tưởi. Tương truyền phù thủy Cao Biền ngườiTàu cưỡi diều đi yểm các vùng đất “địa linh” có thể sản sinh “nhân kiệt”, đã làm được nhiều nơi nhưng đến vùng Ba Vì thiêng này thì Cao Biền dù cao tay ấn cũng không thể nào yểm nổi. Ông ta thở dài mà rằng: đế vương người Nam sẽ từ đất này mà có, “thiên triều” sẽ mất xứ này…Đấy là huyền sử nhưng cũng không sai mấy với chính sử.  Không ngẫu nhiên Bác Hồ chọn Đá Chông là nơi họp của Bộ Chính trị trong thời đánh Mỹ. Khi Bác về với Tổ Tiên, con cháu lại nhận ra đây là địa điểm tốt nhất để lưu giữ thi hài Người trong mọi hoàn cảnh khó khăn (bom đạn, lũ lụt, bí mật…). Theo chỗ tôi biết Bác Hồ là người rất giỏi phong thủy, từ việc chọn hang Pắc Bó đến việc chọn thời điểm, nhất là chọn đúng người (khi người đó chưa hề có biểu hiện gì cho việc ấy, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
     Trước hết xin bày tỏ sự kính trọng những vị tiên liệt anh hùng, như Hộ Quốc đại vương Phùng Đại Lực tướngtâm phúccủa Hùng Duệ Vương, như Nữ thần tướng Phùng Thị Chính, phất cao ngọn cờ khởi nghĩa theo Hai Bà Trưng đền nợ nước trả thù nhà.
    1.Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa.


Hội thảo Khoa học Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa - Thân thế, cuộc đời & sự nghiệp
tại UBND huyện Thạch Thất - Hà Nội năm 2020

    Theo tài liệu phong thủy cổ thì Phùng Thanh Hòa là người giỏi địa lý, phong thủy trước Cao Biền (821- 887), người U Châu (Bắc Kinh, Trung Quốc), nhờ có công đánh bại quân Nam Chiếu xâm chiếm phương Nam nên năm 868, Cao Biền được vua Đường cho trấn giữ Giao Chỉ giữ chức Tĩnh Hải tiết độ sứ và giữ chức này đến năm 875. Về sau thất bại trong việc trấn yểm các yếu mạch xứ Việt để rồi cuối cùng Cao Biền bị chết thảm.. Người nước Nam kế thừa Phùng Thanh Hòa là Tả Ao (thế kỷ XVI), một thầy phong thủy nổi tiếng của nước ta. Có tài liệu nói nhờ cùng thời và đọc tài liệu từ Phùng Khắc Khoan (sinh 1528), có tài liệu nói Tả Ao gặp Phùng Khắc Khoan bên Trung Quốc mà hai người trở nên thân thiết. Tả Ao vốn học phong thủy từ một thấy người Tàu nên đọc tư liệu về Phùng Thanh Hòa thì càng “ngấm” nhanh!
     Từ góc nhìn phong thủy cổ xưa cho thấy Phùng Xá là vùng đất “địa linh nhân kiệt”: “Trước mặt có chu tước, xa xa phía Tây từng lớp núi xanh biếc thế đứng tựa vân hán chầu huyền vũ, đằng sau là thanh long ôm giữ lấy lưng kèm theo dáng bạch hổ chót vót, phô bày ngọn bút là dãy gò đất cao cao, có thể nói đây là chỗ đất thiêng đúc kết”[1]. Nhìn từ bối cảnh xã hội, địa lý hôm nay sẽ thấy đây là vùng đất thuận tiện giao lưu, phía Đông có đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, phía Tây Nam có tỉnh lộ 419. Truyền thuyết và các di chỉ khảo cổ cho thấy Phùng Xá đã có những cộng đồng dân cư sinh sống từ khoảng đầu Công nguyên tạo nên hai trang ấp Vĩnh Lộc trang (làng Lộc) và An Hoa trang (xã Phùng Xá). Khởi thủy Phùng Xá thuộc kẻ Nủa, về sau thuộc huyện Câu Lậu (huyện Giao Chỉ).
      Làng Bùng nằm trong trung tâm những di tích và danh thắng xứ Đoài nổi tiếng. Đó là núi Sài Sơn, còn gọi là núi Phật Tích, có chùa Thày nổi tiếng cùng tên tuổi Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đó là chùa cổ Tây Phương nổi tiếng. Là chùa Cực Lạc. Là làng Hương Ngải nổi tiếng văn vật, khoa bảng. Có động Hoàng Xá, dãy Răng Cưa, gò Đống Thóc… Nhìn từ phong thủy học hiện đại cũng thấy một địa thế đẹp, “sơn cao, thủy tụ” nằm giữa hai dòng chảy: Sông Đáy ở phía đông, sông Tích ở phía tây, giữa là vùng đồi gò cùng 12 ngọn núi đá của dãy Sài Sơn, Hoàng Xá.
    Người đầu tiên và có công chọn mảnh đất “linh” ấy là Phùng Thanh Hòa.
    Theo Thần phả, làng Phùng, sau đổi thành làng Bùng do “húy” đến tên gọi họ của vị Thành hoàng Phùng Thanh Hòa. Ông vốn quê ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương, sinh ngày 12-11-528 (Mậu Thân). Bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Tương truyền từ nhỏ ông đã có thiên tư thông minh, học một biết mười. Đương thời nước ta bị nhà Lương (Trung Quốc) xâm lăng. Năm 541 (Tân Dậu), Lý Bí khởi nghĩa. Phùng Thanh Hòa mang quân ủng hộ, được phong làm Hữu tướng quân (Tả tướng quân là Triệu Quang Phục).Lý Bí lên ngôi vương đặt tên nước là Vạn Xuân. Lý Nam Đế đã qua đời. Nhà Lương sai Dương Phiêu, Trần Bá Tiên chiếm lại nước ta. Triệu Quang Phục rút về đền Dạ Trạch lập căn cứ, xưng là Triệu Việt Vương. Phùng Thanh Hòa về An Hoalấytênmớilà Phùng Giatrang. Thần phả còn ghi: “An Hoa cổ tự truyền non hiệu/Phùng Xá tân thừa cải Việt danh”(Từ xưa tên làng là An Hoa/ Sau này cải tên mới là Phùng Xá). Phùng Thanh Hòa được dân tônlàm Thành hoàng làng.
     Phùng Thanh Hòa  người thanh niên sớm có chí yêu nước. Tương truyền lúc nhỏ ông có sức khỏe hơn người, tinh thông binh thư, võ nghệ cao cường. Lúc bấy giờ nước ta bị nhà Lương (Trung Quốc) đô hộ. Năm 541 Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, ông đã triệu tập nghĩa sĩ trong vùng đứng lên hưởng ứng.Thần phả làng Bùng ghi: “Ngày 11 tháng 8 năm Bính Dần, Đại vương (tức Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa) dẫn quân đến Liên Trang, hợp binh cùng nhà vua (Lý Bí) đóng tại hồ Điển Triệt, ra sức sửa sang và đóng nhiều thuyền chiến dàn kín mặt hồ, làm cho quân Lương thấy mà khiếp sợ...”[2].Sau khi thắng giặc, Lý Bí xưng vua và lập ra nước Vạn Xuân đặt tên nước là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức đóng đô ở thành Long Biên.Đại Việt Sử ký toàn thưchép: “… Giáp Tý (544) Lương Đại Đồng năm thứ 10 - Mùa xuân, tháng giêng, Vua (Lý Bí) nhân thắng giặc tự xưng là Nam Việt đế, lên ngôi, đặt niên hiệu (Thiên Đức năm thứ 1), lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái Phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng Văn, tướng Võ”. Nhà Lương lại cho quân xâm lược nước ta, Phùng Thanh Hoà được vua phong làm Hữu tướng quân, cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục xông ra trận tiền đánh giặc. Giặc tan, Phùng Thanh Hoà trở về, lấy đất An Hoa trang làm nơi lập nghiệp và đổi tên làng thành Phùng Gia trang. Ông ở đây chỉ được 2 năm rồi mất vào cuối năm Kỷ Tỵ (549). Sau khi ông mất được phong phúc thần và dân làng suy tôn là Thành hoàng làng.
      Tổng hợp các sách sử có thể thấy cái mạch cụ thể như sau: Sau khi lên ngôi, Lý Nam Đế phải đối phó với giặc ở phía nam là quân Lâm Ấp sang xâm chiếm. Năm Bính Dần, Thiên Đức thứ 3 (546) mùa xuân, nhà Lương lại sai bọn Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân cướp lại nước ta. Vua Lý Nam Đế phải chạy về Gia Ninh, nay thuộc xã Gia Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Phùng Thanh Hòa, ở quận Nam Xương đất Giao Châu đã đem quân lính hưởng ứng. Phùng Thanh Hòa được Lý Bí phong làm Hữu tướng cùng với Tả tướng Triệu Quang Phục đem quân đánh giặc ở hồ Điển Triệt (Đầm Vạc - Vĩnh Yên ngày nay). Vua (Lý Nam Đế) rút về động Khuất Lão rồi mất ở đó (548). Lý Nam Đế qua đời, Triệu Quang Phục rút về lập căn cứ ở đầm Dạ Trạch (Hưng Yên) tiếp tục chống quân Lương. Phùng Thanh Hòa về lập nghiệp ở Thạch Thất - Sơn Tây.
      Phùng Thanh Hòa còn được huyền thoại tôn là Trạng Vật. Thần phả đình Phùng Xá ghi rõ: “Khi ngài sinh ra, thiên tư khác lạ, lớn lên thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười. Chữ nghĩa văn chương đều giỏi. Ngài lại tinh thông binh thư võ nghệ, cung kiếm đao thương môn nào cũng giỏi. Không những thế, ngài lại có năng khiếu về âm nhạc, khúc thức, sử dụng đàn sáo rất điêu luyện. Lúc bấy giờ, nước ta bị nhà Lương đô hộ, nhân dân lầm than cực khổ vô cùng. Khi Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống giặc nhà Lương, đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên (541), tuy ngài còn ít tuổi nhưng với tài năng xuất chúng đã đứng dậy chiêu tập nghĩa sĩ trong vùng theo giúp Lý Bí. Khi Lý Nam Đế lên ngôi vua đã phong ngài làm Hữu tướng quân”.


Lễ hội làng Bùng vẫn được duy trì để tưởng nhớ công ơn giúp nước, giúp dân của Trạng Vật Phùng Thanh Hòa

     Trạng vật Phùng Thanh Hòa sớm theo nghĩa quân, được Lý Nam Đế phong làm Hữu tướng quân, cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục là những trụ cột của triều đình Vạn Xuân lập nhiều chiến công trong công cuộc chống nhau với giặc Lương.
   
     2.
Bố cái Đại vương Phùng Hưng.
    Sách Việt điện u linh viết tổ tiên Phùng Hưng đời đời là tù trưởng ở châu Đường Lâm. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú cho biết châu Đường Lâm có tên tục là Kẻ Mía. Đến nay những cái tên nôm chùa Mía, phố Mía, bến Mía, chợ Mía, bà chúa Mía…vẫn nằm trong vốn từ vựng dân gian ở vùng này. Các sáchĐại Việt sử ký toàn thư,Đại Nam nhất thống chí chung nhận định: “Bố Cái Đại vương (BCĐV) Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Các sách cổ đều nhận định ngày xưa đất này là rừng rậm gọi là Đường Lâm, thời thuộc Đường có Phùng húy là Hưng, đến thời Ngũ đại có Ngô Vương húy là Quyền, hai vương cùng ở một ấp, việc ấy từ trước chưa có bao giờ”. Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên là quyển sử đầu tiên ghi lại câu chuyện về BCĐV. Quyển này lại dựa vào quyển Việt điện u linh (xuất hiện khoảng năm 1329 đời nhà Trần).


Hội thảo Khoa học Bố Cái Đại Vương - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
năm 2019

     Chính sử cho biết Phùng Hưng có tên tự là Công Phấn, cháu 7 đời của Phùng Tói Cái, người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ (niên hiệu Vũ Đức) dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ.Theo dã sử thì Phùng Hưng sinh ngày 25/11/760 và mất ngày 13/8 năm Nhâm Ngọ, tức ngày 13 tháng 9 năm 802, thọ 41 tuổi. Tuy nhiên, các sách chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi ông mất năm 791 chỉ một thời gian ngắn sau khi đuổi được giặc Bắc phương. Năm Nhâm Tuất (722 đời Đường Huyền Tông niên hiệu Khai Nguyên), Phùng Hạp Khanh tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Theo sự tích, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh một lần được 3 người con trai khôi ngô tuấn tú, lớn lên ai cũng sức vóc hơn người. Anh cả là Phùng Hưng, em thứ hai là Phùng Hải, tự là Tư Hào và em út là Phùng Dĩnh, tự là Danh Đạt.
     Anh cả Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt. Phùng Hưng nối nghiệp cha trở thành hào trưởng đất Đường Lâm. Cho tới nay dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện ông dùng kế giết hổ dữ mang lại bình yên cho làng xóm. Chuyện kể thuở vùng Đường Lâm bỗng có một con hổ dữ về giết người, bắt gia súc, mọi người không làm gì nổi. Phùng Hưng tìm cách trị hổ cứu dân lành bằng cách làm con bù nhìn bằng rơm, cho mặc quần áo như người thật, đặt ở nơi hổ thường xuất hiện. Hổ đi qua thấy bù nhìn tưởng người, lao vào cắn xé nhưng chỉ có cọc gỗ độn rơm. Vài lần như thế, hổ không còn chú ý tới bù nhìn rơm nữa. Một hôm tối trời, Phùng Hưng cởi trần, thân đóng khố, trát bùn khắp người đứng thế vào chỗ đặt bù nhìn rơm nhằm đánh hổ. Hổ bị lừa nhưng chưa chịu khuất phục, sau một hồi người hổ đánh nhau, cuối cùng Phùng Hưng giáng một cú thôi sơn đập vỡ sọ hổ.


Lăng Đức vua Phùng Hưng tại Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Nội

    Việt Nam ta thời thuộc Đường gọi là An Nam đô hộ phủ, khi đó đang nằm dưới ách cai trị hà khắc của bọn quan đô hộ nhà Đường. Chúng ra sức vơ vét của cải, bắt người dân Việt phải đóng sưu cao thuế nặng khiến lòng người căm phẫn. Năm 767, Cao Chính Bình được cử làm đô hộ An Nam càng ra sức vơ vét của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng.
    Là hào trưởng đất Đường Lâm, chứng kiến cảnh quan lại nhà Đường, đứng đầu là đô hộ phủ Cao Chính Bình tàn ngược, áp bức vơ vét của cải không cùng, lòng người oán thán, Phùng Hưng quyết định dựng cờ chiêu hiền đãi sĩ, phát động khởi nghĩa. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-779) nhân lòng căm phẫn của người dân, lợi dụng khi quân lính ở Tống Bình (Hà Nội) nổi loạn, Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của người dân từ khắp các miền đất Giao châu. Thoạt đầu, anh em họ Phùng nổi dậy làm chủ Đường Lâm rồi tiến lên đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc. Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp nhưng chưa phân thắng bại. Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm.
    Nhìn từ truyền thuyết, tương truyền vợ chồng Phùng Hạp Khanh đã lớn tuổi mà vẫn chưa có con, một hôm vợ ông đi cầu tự, khi trở về thấy người khang khác. Đêm ấy cả hai vợ chồng Phùng Hạp Khanh đều nằm mộng thấy một tiên ông nói là vâng lệnh Thượng Đế xuống ban thưởng cho người có lòng nhân đức, rồi đưa cho chùm ba quả đào lớn tỏa mùi thơm phức nói là đưa cho thê tử ăn, ắt sinh quý tử. Nói xong vị tiên xoa đầu ông ba cái rồi biến mất. Tỉnh dậy, vợ chồng đều tin rằng đó là giấc mộng lành, sau hôm đó bà có mang, sau 12 tháng, vào một ngày đẹp trời thì sinh ba người con trai, con cả đặt tên là Phùng Hưng (tự là Công Phấn), con thứ hai là Phùng Hải (tự là Tư Hào), con út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Khi trưởng thành, ba anh em họ Phùng nổi tiếng là người khôi ngô, tuấn tú, thông minh, có chí lớn, giỏi võ nghệ và đặc biệt là sức khỏe phi thường.
    Bản thần tích làng Thịnh Hào (nay thuộc Kim Mã, Hà Nội) thì thời ấy có con yêu quái (gọi là Hắc Hán) thường tác oai tác quái, hãm hại nhân dân. Một hôm Phùng Hạp Khanh trên đường về nhà, lúc đó trời đã tối, con yêu hiện ra chặn đường bị ông rút kiếm chém, từ đó nó biến mất, không xuất hiện nữa. Vì trừ yêu quái, có công với dân nên Ngọc hoàng thượng đế cho ba vị thần xuống đầu thai làm con của Phùng Hạp Khanh. Thần tích có đoạn viết: “Một hôm, đang giờ ngọ vào giấc ngủ trưa, Hạp Khanh mơ thấy ba người. Một người đội mũ đầu hổ, mặc áo chầu thêu rồng, tự xưng là Đại La Thiên sứ thánh. Một người chít khăn phốc đầu, mặc áo màu xanh nhạt, tự xưng là Giao Hải Đại Quan tôn thần. Một người đội khăn đỏ, mặc áo gấm xanh sẫm, tự xưng là Thiên La võ tướng. Cả ba đều diện mạo đường hoàng, thân cao mười thước, có sức đuổi gió, chém chớp, tiến đến trước nhà.
     Việt điện u linh chép lại những huyền tích dân gian kể sau khi mất Bố Cái Đại vương Phùng Hưng rất linh thiêng: “Sau khi mất, Bố Cái Đại vương rất hiển linh. Dân các làng thường nghe có tiếng ngựa xe đi lại ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên ngọn cây cao, ngẩng trông thì thấy ẩn hiện trong những đám mây là cờ ngũ sắc và kiệu vàng rực rỡ, lại có cả tiếng nhạc văng vẳng nữa. Bấy giờ, nếu có việc lành hay dữ sắp xảy ra thì thế nào đêm đến cũng sẽ có dị nhân báo cho các vị hào trưởng biết để thông tin cho cả làng hay, cho nên, ai cũng lấy làm lạ, bèn cùng nhau lập đền thờ Vương ở phía Tây của phủ đô hộ. Đền thờ Vương rất linh thiêng, mọi việc cầu mưa, cầu tạnh đều được linh ứng. Đánh giá về công lao của BCĐV dân gian có câu: “Vương Phùng Hưng ở Đường Lâm/ Vẫn còn ghi những tháng năm huy hoàng”.
      Phùng Hưng nuôi ý định dấy binh cùng hai người em. Vào đúng ngày đầu tháng ba (âm lịch), ba anh em lập một đàn tràng, thảo sớ tấu trình Ngọc Hoàng Thượng đế, xin về việc khởi nghĩa sắp tới. Đột nhiên có đám mây ngũ sắc sà xuống, một tiên ông tóc bạc trắng đỗ hạc bước ra. Anh em Phùng Hưng cúi đầu bái tạ. Tiên ông nói: “- Ta ở Tây Vực, đi chu du chín châu tám biển, thấy hương trầm ngào ngạt, lại thấy đàn tràng thiết lập trang nghiêm, nên cảm động mà tới. Nói xong, tiên ông lấy từ túi áo ra một chiếc móng rồng và một khối ngọc, đưa cho Phùng Hưng. Ba anh em cúi đầu cảm tạ, nhưng vừa ngẩng lên, đã thấy đám mây ngũ sắc sà xuống, và tiên ông cưỡi hạc bay đi. Ba anh em lại vội vàng nhìn xuống thấy hai vật lạ nhưng băn khoăn không biết dùng để làm gì? Lại phải thỉnh cầu Thượng đế lần thứ hai vậy. Họ thay lễ vật trên đàn tràng, thay đèn nhang và cùng quỳ xuống. Phùng Hưng sớ: “- Chúng con lòng thành, xin kính dâng Ngọc Hoàng Thượng đế. Ngài đã ban cho hai báu vật, nhưng chúng con người trần mắt tục, chưa biết dùng vào việc chi. Vậy kính mong Ngài hãy mở lòng chỉ bảo”. Vừa dứt lời, đã thấy giữa không trung nổi lên một ánh chớp sáng lòa. Lập tức, bốn thiên thần đội mũ trụ, cũng cưỡi mây bay xuống. Một vị nói: “- Ngọc Hoàng phái Tiên ông xuống cho Ngài hai báu vật ấy, một làm chuôi kiếm, một làm quốc ấn. Tác thành như vậy là để Ngài dùng vào việc giữ nước”. Nói xong, cả bốn thiên thần liền cưỡi mây bay đi. Anh em Phùng Hưng chỉ còn biết quỳ xuống bái tạ. Thế là thuận lòng trời! Sau lễ tế cáo, ba anh em chế tạo ngay một thanh kiếm thật sắc, rồi tra vào chuôi được làm từ móng rồng, ở giữa khắc ba chữ “Thiên linh kiếm”. Còn khối ngọc đã sẵn có hình vuông, chỉ khắc vào mấy chữ là thành quốc ấn. Ba anh gọi đó là “Thiên bảo ấn”.


Hằng năm, đúng ngày giỗ Đức vua Phùng Hưng Mồng 8 tháng Giêng Âm lịch, con cháu họ Phùng cùng người dân địa phương & du khách mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng của Đức vua để dâng hương tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo nhân dân đánh đổ ách đô hộ nhà Đường giành quyền tự chủ cho đất nước

       Vào đầu mùa Hạ, tháng 4 - 791 (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7), theo kế của Đỗ Anh Luân một danh sĩ cùng người Đường Lâm, là bạn chơi với Phùng Hưng từ nhỏ, nay là quân sư lo việc bày binh bố trận- anh em Phùng Hưng, Phùng Hải đã mang quân chia làm hai ngả, bao vây thành Đại La trong đêm tối.Quân nhà Đường chống không nổi, phải kéo cờ trắng ra hàng. Phùng Hưng dẫn đại binh vào chiếm Đô hộ phủ trong niềm hân hoan của mọi người. Tướng sĩ suy tôn ngài là Vi đô Tướng quân. Vi đô Tướng quân lập tức bắt tay vào việc chấn hưng đất nước và xây thành đắp lũy, luyện tập binh mã, để đối phó với nhà Đường sau này.
     Nhưng những công việc mà Ngài thực thi đang tiến triển thì dừng lại, bởi cái chết đến quá đột ngột, vào đúng bảy năm sau, tức năm 798, lúc đó Ngài còn đang ở độ tuổi sung mãn.
    Khi Phùng Hưng mất, mộ được táng tại phía tây bắc Kinh thành và được lập miếu thờ. Ngày nay, ở đầu phố Giảng Võ – Hà Nội, vẫn còn ngôi mộ của Ngài, trên có văn bia, đề bốn chữ “Phùng Hưng cố lăng”. Còn tại quê hương của Ngài, ngay từ khi Ngài mới mất, dân chúng đã lập miếu thờ. Trước là để tỏ lòng nhớ thương, còn sau là để cúng lễ, cầu mong Ngài ban cho mưa thuận gió hòa, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt. Tất cả đều thấy ứng nghiệm, vì vậy “mỗi khi vào ngày tạ lễ, người đến nhiều như núi như biển, bánh xe chật đường”. Về sau, dân chúng xây dựng thêm,miếu maọ nguy nga, lửa hương bất tuyệt” (theo Việt điện u linh). Đúng 100 năm, sau ngày Ngài mất, cũng tại quê hương của ngài (Đường Lâm), một người anh hùng nữa đã ra đời. Đó là Ngô Quyền (898 – 944). Sau khi giết Kiều Công Tiễn trả thù cho bố vợ (Dương Đình Nghệ), Ngô Quyền xưng vương, rồi đánh tan quân Nam Hán ở cửa sông Bạch Đằng. Trước trận đó, thấy quân giặc đông, nhà vua cũng có phần lo lắng, nhưng đêm nằm mộng, bỗng thấy một ông già tóc bạc, mũ áo nghiêm trang … xưng là Phùng Hưng đến cổ vũ và hứa sẽ đem vạn đội thần binh mai phục trước ở chỗ hiểm yếu” (theo Việt điện u linh). Sau trận thắng, nhà vua tạ ơn, xuống chiếu lập đền thờ Phùng Hưng ở làng Cam Lâm to hơn quy mộ cũ, và tổ chức lễ hội thật trọng thể. Từ đó thành điển lệ. Các triều đại về sau đều có sắc thượng phong: “Phụ hựu”, “Chương tín”, “Sùng nghĩa”. Đó là những tên hiệu mà các triều Trần trùng hưng đã tặng thêm cho Ngài.
    Từ góc nhìn lễ hội dân gian, làng Triều Khúc(xã Tân Triều, Quận Thanh Xuân Hà Nội ngày nay) vẫn còn giữ điệu múa Con đĩ đánh bồng do các chàng trai giả gái biểu diễn, tái hiện truyền thuyết Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng cho một số binh sĩ giả gái múa bồng để làm tăng sỹ khí toàn quân trước khi xuất quân, do trong quân bấy giờ chỉ toàn đàn ông.
    Lễ hội làng Triều Khúc diễn ra từ ngày 9 đến 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, với nghi thức rước Thành hoàng Phùng (tức Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng). Theo truyền thuyết năm 791, Phùng Hưng đưa quân về giải phóng thành Đại La  khỏi tay quân đô hộ nhà Đường và từng đóng quân tại làng. Vì vậy, dân làng Triều Khúc thờ Phùng Hưng là Thành hoàng. Trong ngày hội, các con đĩ đánh bồng đi cùng đoàn rước từ các làng hội tụ về đền chính. Đoàn rước bề thế, long trọng, còn con đĩ đánh bồng thì cợt nhả, đôi lúc gây trò “chọc ghẹo” mọi người. Các con đĩ đánh bồng mặt hoa da phấn, vận áo tứ thân, váy đụp, khăn mỏ quạ, đeo trống cơm được sơn màu đỏ trước ngực, cài bông tai, đeo vòng, say sưa với những động tác mềm mại, linh hoạt theo nhịp trống hội.
    Chính sử chép BCĐV cầm quyền không lâu, qua đời ngay trong năm 791. Các sử gia hiện nay xác định ông mất khoảng tháng 5 năm 791. Sau khi mất, Phùng Hưng được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương. “Bố Cái” là “Cha Mẹ”, sách Đại Việt sử ký toàn thư giải thích là: “Con (Phùng Hưng, sau khi cha mẹ mất) tôn xưng (cha) là Bố Cái Đại Vương. Tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái cho nên lấy làm hiệu”. Trong Việt giám thông khảo tổng luận lại gọi Phùng Hưng là “Phùng Bố Cái”. “Bố” chính là vua (Bua - Bố) và “Cái” là lớn. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Dân chúng tôn (Phùng) Hưng làm Bố Cái Đại Vương” và: “Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế”. Sau khi Phùng Hưng mất, con trai ông là Phùng An lên nối ngôi. An nối nghiệp được 2 năm thì đất nước lại rơi vào tay giặc.
    Lăng mộ Phùng Hưng ngày nay nằm ở đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đền thờ ông được dựng lên ở nhiều nơi như quê hương Đường Lâm, đình Quảng Bá, Tây Hồ, đình Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội, lăng Đại Áng, Phương Trung, Hoạch An hay phủ Thanh Oai, Hà Nội…Về chuyện Phùng An hàng giặc và giải thích tại sao dân gian lại gọi là Bố Cái Đại vương có nhiều giải thích chưa thống nhất. Theo sách Việt sử tiêu án thì “Ông Hưng đồng lòng với dân chúng, lập em là Hải. Bồ Phá Lặc có sức khỏe đẩy được núi, không chịu theo Hải, lánh ở động Chu Nham. Bồ Phá Lặc lập An là con ông Hưng. An tôn cha là Hưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha mẹ là Bố Cái), dân Thổ cho là linh dị, lập đền thờ ở phía tây đô phủ để thờ Hưng”.
   Theo sách Việt điện u linh, con của Phùng Hưng là Phùng An khi lên ngôi tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương, bởi quốc tục xưng cha là Bố, mẹ là Cái, nên mới gọi như vậy
    Theo Việt giám thông khảo tổng luận thì “Phùng Bố Cái là người anh hào ở Đường Lâm ghét sự tàn ngược của Chính Bình, anh em thừa thời quật khởi cứu dân dẹp loạn, ban đức lập công, có thể gọi là bậc vua nhân hậu. Tiếc rằng con trai là an không giữ nổi được cơ nghiệp, do Phá Cần lập nên, rồi đầu hàng Triệu Xương; tuy có Đỗ Anh Hàn là bề tôi mưu việc nước, cũng không cứu vãn được sự bại vong của họ Phùng”.
      Cho tới nay về ngày sinh và ngày mất của Phùng Hưng vẫn chưa rõ. Một nguồn dã sử cho biết Phùng Hưng sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (760) (tức 5-1-761) và chết ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức 13-9-802), thọ 41 tuổi. Hầu hết các truyền thuyết dân gian đều kể lại Phùng Hưng chết rồi mà rất hiển linh, thường hiện hình trong dân gian, giúp dân trong lúc hoạn nạn.
      Như vậy cái lõi của truyền thuyết vẫn là sự thật. Nhân vật Phùng Hưng là có thật, khởi nghĩa là có thật, khớp với lịch sử nhưng những huyền thoại thêu dệt là có thể không thật. Ví dụ chuyện Phùng Hưng khoẻ là thật nhưng để cường điệu cái khoẻ ấy lên thì tốt nhất là bằng huyền thoại đánh chết hổ. Chuyện Phùng Hưng hiển linh giúp Ngô Quyền là tưởng tượng dân gian để ghi công người anh hùng và thi vị hoá lòng yêu nước của dân tộc luôn có sự kế thừa, kế tục và luôn được lịch sử ủng hộ.

    3. Đại vương Phùng Tá Chu.
     Huyền sử vùng Thái Bình kể cách nay gần mười thế kỷ, có một thầy địa lý rất giỏi là Cụ Phùng Tá Thang sau đó truyền bí nghề cho con là Phùng Tá Chu. Trước khi mất Phùng Tá Chu xin Triều Trần được táng ở vị trí Mộ Phần hiện nay. Ngôi mộ ấy tựa vào núi Ba Vì sừng sững nhìn ra đồng bằng bằng phẳng cũng là vùng đất thiêng là Hà Nội hiện nay…Theo nhiều sách viết về phong thủy của ta và Tàu thì nước Việt có ba “linh huyệt” (có người gọi huyệt đạo) nổi tiếng là Ba Vì, Núi Nưa (Thanh Hóa gắn liền với di tích đền thờ Bà Triệu) và núi Bà Đen (Tây Ninh). Nhưng chắc chắn, cả hiện tại và truyền thuyết thì Ba Vì là vùng đất thiêng.  Dòng họ Cụ Phùng Tá Thang lập nghiệp ở vùng đất Thái Bình (hiện nay) trước đó đã mấy đời, không thấy gia phả hay truyền miệng nói gốc gác tổ tiên Cụ ở xứ nào chuyển đến, chỉ thấy nói đó là dòng họ giỏi về địa lý. Mà Cụ Thang là giỏi nhất, đã tìm ra nhiều nơi phát quan, phát tài. Cụ lại thân thiết với Cụ Trần Lý. Biết được nơi đất phát vương, ngẫm kỹ danh thế và gia thế nhà mình chưa thể hưởng lộc Trời, Cụ bèn nói cho Trần Lý. Vì Cụ nhìn thấy triển vọng của dòng họ này và chắc cũng nhìn thấy cả chuyện dòng họ mình sẽ có người giúp họ Trần thành danh.


Đại tướng Phùng Quang Thanh (thứ 3 từ trái sang); Trung tướng Phùng Khắc Đăng (hàng đầu từ phải sang) cùng các thành viên trong Hội đồng họ Phùng Việt Nam tại Lăng mộ Thái phó Phùng Tá Chu - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội

     Và quả thật, lịch sử đúng là thế với Phùng Tá Chu khi triều Trần phong chức Đại Vương, một chức rất to lại phong cho người ngoài họ, ngay điều này cũng cho thấy nhà Trần rất kính trọng công lao với đất nước của Phùng Tá Chu. Nhờ học từ cha mình nên ông hình thành và ứng xử các mối quan hệ với triều Lý và nhà Trần rất quyển biến, uyển, mềm mại. Đặc biệt có tầm nhìn xa trông rộng biết thoái biết tiến đúng thời điểm, biết chọn người, biết việc làm…Ông trước hết là nhà phong thủy học, sau đó là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà kiến trúc…Ông thực sự vừa là Danh nhân văn hóa vừa là Danh nhân lịch sử. Ông yêu Trần Thị Dung nhưng nhờ hiểu biết mà nén tình riêng nhường người yêu cho người khác quyền thế và như vậy sẽ hợp lý cho cả ba, không chỉ tốt cho từng cá nhân mà còn tốt cho cả đại cục.



Lăng mộ Thái phó Phùng Tá Chu tại Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội sau khi đã được trùng tu tôn tạo


 

    Theo truyền thuyết dân gian nơi quê hương Hưng Hà thì Phùng Tá Chu còn làm tham mưu chính cho triều Trần về quân sự. Ông là người giúp tướng nhà Trần, từ góc nhìn phong thủy tìm ra trận địa mai phục hay rút quân…Rất có thể những trận đánh lớn tận dụng thủy triều trên sông có công của ông.
     Phùng Tá Chu được triều đình ủy thác chọn nơi và xây các hành cung cũng như trận địa bảo vệ ở Nam Định, Ninh Bình, Thanh Nghệ…cũng là do triều đình biết ông giỏi và rất tháo vát cả trong lý thuyết và thực hành về phong thủy…

        4. Mai quận công Phùng Khắc Khoan.


Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan

      Ông quê gốc xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thi đỗ Hoàng giáp Tiến sĩ năm Canh Thìn 1580, năm Quang Hưng thứ 3 đời vua Lê Thế Tông. Ông làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, hai lần đi sứ nhà Minh. Được triều Lê phong chứcThái tế Mai quận công, người đời hay gọi là Trạng Bùng.

       5. Phùng Văn Cung Nhà cách mạng tiêu biểu của miền Nam thành đồng!


Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bác sĩ Phùng Văn Cung - Đại diện quân miền Nam Việt Nam ra thăm Thủ đô Hà Nội
và miền Bắc

      Lịch sử khẳng định nhờ sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mà cách mạng nước ta bước sang một trang mới, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp xã hội và nhân dân miền Nam. Sự hình thành và phát triển của Mặt trận có đóng góp lớn của những người lãnh đạo tiên phong như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Võ Chí Công, Huỳnh Tấn Phát, bác sỹ Phùng Văn Cung… Phùng Văn Cung xứng đáng là một trí thức yêu nước lớn của dân tộc, một lãnh đạo tài năng của cách mạng nước ta. Chính ông là người chủ trì công bố Lực lượng Vũ trang Giải phóng - Hợp nhất các đơn vị vũ trang nhỏ lẻ trở thành lực lượng thống nhất. Sau khi Mặt trận ra đời thì các tổ chức của Mặt trận được thành lập và các tổ chức cách mạng ra đời tham gia Mặt trận. Bác sĩ Phùng Văn Cung được bầu làm Chủ tịch Hội Hồng thập tự Giải phóng (Hội chữ thập đỏ) của miền Nam, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam Việt Nam. Ông xứng đáng được Truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang của hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại!


Hội đồng họ Phùng Việt Nam thăm nhà Bác sĩ Phùng Văn Cung
Nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam

     Thiết nghĩ các nhà chính khách, các vị tướng tài, các nhà khoa học họ Phùng thời nay đã xứng đáng với tiền nhân. Đó là Thượng tướng Phùng Thế Tài là nhân tướng, là lương tướng! Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác cho ông. Là nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới Điềm Phùng Thị. Là Anh hùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, là tướng Phùng Khắc Đăng, là Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ, là Giáo sư toán học nổi tiếng Phùng Hồ Hải...
 

 

[1]Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phùng Xá (2007), Lịch sử cách mạng xã Phùng Xá (1945 – 2007), Công ty Cổ phần in và Thương mại Hà Nội, Tr 8.
[2]Thần phả Đình Phùng Xá chép: “Khi Ngài sinh ra thiên tư khác lạ, lớn lên thông minh học một biết mười. Ngoài việc học chữ nghĩa văn chương, Ngài lại học binh thư võ nghệ, cung kiếm môn nào cũng giỏi. Không những thế Ngài lại có năng khiếu về âm nhạc, sử dụng đàn sáo rất điêu luyện. Lúc bấy giờ nước ta bị nhà Nam Lương đô hộ. Nhân dân lầm than đói rách khổ cực vô cùng. Năm Tân Dậu (541) Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương, đuổi được thứ sử Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên. Tuy Ngài còn ít tuổi nhưng vốn tài năng xuất chúng, cũng triệu tập nghĩa sĩ trong vùng đứng lên hưởng ứng. Tháng Giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí lên ngôi vua tức Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức. Quân nhà Lương lại cho Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân sang đánh trả thù. Vua Lý Nam Đế bị vây hãm ở thành Gia Ninh. Thế giặc rất mạnh, ngày 11 tháng 8 năm Bính Dần (546) Ngài được phong là Hữu tướng quân, rồi đem quân giải vây, cứu vua cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục ở hồ Điển Triệt”.