(Thứ năm, 19/11/2020, 06:35 GMT+7)

NGƯỜI CHỈ HUY ĐỘI CẬN VỆ BẦU TRỜI TỔ QUỐC

                                                      

 Đại tá Nguyễn Quốc Lim
                                                   Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị
 

   Từ khi còn nhỏ tôi đã được nghe về tên tuổi và những câu chuyện thú vị về vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam - Thượng tướng Phùng Thế Tài - qua lời kể của cha tôi, một thương binh chống Pháp.

   Sớm đi theo tiếng gọi của Đảng Bác Hồ và non sông Việt Nam từ những ngày cách mạng  còn trứng nước, hơn 50 năm hoạt động cách mạng với 75 năm tuổi Đảng, cuộc đời hoạt động của Thượng tướng Phùng Thế Tài gắn liền với những hy sinh gian khổ và những thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta trên khắp các mặt trận của chiến trường ác liệt. Trong kháng chiến chống Pháp, ông vinh dự được giao trọng trách bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành người cận vệ đầu tiên của Bác. Với ý chí, nghị lực và tài năng của mình, ông từng bước trưởng thành và trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy, từ cấp Tiểu đội đến Trung đoàn, Đại đoàn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đảm nhiệm các cương vị chỉ huy như Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông tiếp tục đảm nhiệm cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, khi Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam được thành lập, ông kiêm chức vụ Tổng Cục trưởng cho đến năm 1978.
   Thượng tướng Phùng Thế Tài - con người tài ba, giàu bản lĩnh, cá tính mạnh mẽ, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn đặt lợi ích của nhân dân và Tổ quốc lên trên hết luôn được Đảng, Bác Hồ và quân đội ta lựa chọn giữ cương vị quan trọng ở nhiều đơn vị để thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, mới mẻ của cách mạng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, là người trực tiếp cầm súng hay cương vị người bảo vệ Bác Hồ, ông luôn nêu cao và giữ trọn phẩm chất cao quý của người cán bộ, đảng viên; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó.

   Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thượng tướng Phùng Thế Tài năm nay  gợi lại trong tâm trí tôi hình ảnh người Thủ trưởng, vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân. Đơn vị mà tôi đã có cơ duyên được phục vụ suốt hơn 20 năm tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình.
   Những người lính Quân chủng Phòng không - Không quân chúng tôi thường tự hào gọi nhau là những chiến sĩ cận vệ bầu trời Tổ quốc. Ngày 22 tháng 10 năm 1963, Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập, Thượng tướng Phùng Thế Tài lúc đó mang quân hàm Thượng tá được bổ nhiệm làm Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng và trước đó vào tháng 12 năm 1962 ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Binh chủng Phòng không - Người Chỉ huy đầu tiên của Đội cận vệ bầu trời Tổ quốc. Những ngày đầu trên cương vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân vô cùng khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Kiện toàn, xây dựng và nâng cao sức chiến đấu cho bộ đội Phòng không - Không quân là một bài toán lớn không dễ giải.Cuộc chiến đấubảo vệ bầu trời Tổ quốc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gắn liền với sự ra đời, trưởng thành và những chiến công vang dội của lực lượng Phòng không - Không quân, cùng với đó là vai trò và những đóng góp quan trọng của vị Tư lệnh đầu tiên.
   Ngay từ năm 1962, khi Thượng tá Phùng Thế Tài nhận chức vụ Tư lệnh Binh chủng Phòng không, ông đã hiểu rõ tầm quan trọng trong nhiệm vụ được giao để thực hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong cuốn hồi ký “Trọn đời đi theo Bác”, ông kể rằng: Sau trận đánh máy bay trinh sát phản lực Mỹ trên bầu trời Hà Nội ngày 11 tháng 8 năm 1963 không thành công, Bác Hồ đã cho gọi ông lên nhẹ nhàng phê bình và căn dặn cần phải biết tiết kiệm đạn pháo khi đất nước còn nghèo, phải rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và việc làm, nói ít, làm nhiều, tăng cường huấn luyện và rèn luyện bộ đội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của binh chủng kỹ thuật hiện đại.

   Từ lời dạy của Bác Hồ và thực tiễn cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc, Tư lệnh Phùng Thế Tài đã cùng Bộ Tư lệnh bộ đội phòng không và sau đó là Quân chủng Phòng không - Không quân chạy đua với thời gian, kiểm điểm, rà soát rút kinh nghiệm từng vấn đề, xây dựng các phương án tác chiến phòng không để đảm bảo giành thắng lợi trên mặt trận bảo vệ bầu trời miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
   Ngày 9 tháng 1 năm 1964, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng bộ Quân  chủng Phòng không - Không quân và chỉ định Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài cùng 14 đồng chí vào Đảng ủy Quân chủng, đồng chí Đặng Tính được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy.
   Ngày 13 tháng 1 năm 1964, Đảng ủy Quân chủng họp phiên đầu tiên xác định nhiệm vụ trong tình hình mới là: “Xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân cách mạng, tiến lên chính quy, hiện đại phù hợp với khả năng của ta, nâng cao khả năng cơ động chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, tích cực khắc phục khó khăn, tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ vùng trời miền Bắc, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống”, bầu Tư lệnh Phùng Thế Tài cùng 5 đồng chí vào Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng.
   Ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ huy động số lượng lớn máy bay không quân hải quân của Hạm đội 7 bất ngờ đánh phá nhiều đợt vào Vinh - Bến Thủy, cảng Gianh, Lạch Trường và Bãi Cháy (Quảng Ninh) hòng gây cho ta thiệt hại lớn để chúng đạt được mục tiêu trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Tuy nhiên bộ đội Phòng không - Không quân và Hải quân cùng nhân dân ta đã giành thắng lợi lớn, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, 03 chiếc khác bị thương, bắt sống một giặc lái Mỹ. Đây là chiến công oanh liệt của Bộ đội  Phòng không - Không quân sau 10 năm xây dựng và trưởng thành. Điều đặc biệt đây cũng là chiến thắng đầu tiên của bộ đội phòng không bắn rơi máy bay phản lực, bắt sống giặc lái Mỹ.

   Ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965, lần đầu xuất kích đánh máy bay địch, Không quân ta đã lập công xuất sắc, bắn rơi 4 máy bay của địch. Bộ đội Không quân đánh thắng trận đầu, đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải mở mặt trận trên không thắng lợi”. Những chiến thắng này đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt của bộ đội Phòng không - Không quân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ủy, Bộ tư lệnh và chỉ huy tài ba của Tư lệnh Phùng Thế Tài.
   Lực lượng Phòng không - Không quân là lực lượng rất quan trọng được Bác Hồ hết sức quan tâm, Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính cùng cán bộ chiến sĩ Quân chủng ngày đêm trăn trở để nâng cao sức mạnh phòng không, chuẩn bị cho một cuộc quyết chiến chiến lược đã được Bác Hồ tiên đoán trước. Những năm chiến tranh phá hoại ác liệt, Mỹ đã sớm đưa máy bay B-52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm của ta. Trong một lần báo cáo Bác Hồ, khi còn là Tư lệnh Phòng không, Bác nhắc nhở: “Chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?”. Thấy vẻ lúng túng của Tư lệnh Phùng Thế Tài, Bác ân cần: “Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao hơn mười cây số mà trong tay chú hiện chỉ có cao xạ thôi… nhưng từ nay chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này”.
   Kể từ đó, Tư lệnh Phùng Thế Tài luôn nhớ lời Bác dạy, ông chỉ thị cho các cơ quan tác chiến, quân báo và bằng nhiều nguồn tư liệu tìm mọi cách thu thập và làm rõ tính năng, tác dụng của “Pháo đài bay B-52”. Một câu hỏi luôn vang lên trong đầu ông mọi lúc mọi nơi: “Liệu B-52 nó đánh vào Hà Nội thì sẽ ra sao?”. Năm 1965, Mỹ sử dụng B-52 ném bom Bến Cát -Tây Bắc Sài Gòn, ông tìm mọi cách để có được thông tin trung thực nhất. Năm 1966, B-52 đánh Quảng Bình, Vĩnh Linh, ông cho người vào tận nơi xem xét, nghiên cứu. Khi máy bay B-52 Mỹ mở rộng đánh Vĩnh Linh ngày càng dữ dội, Bác Hồ đã chỉ thị: “B-52 đã đánh bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Quân chủng Phòng không - Không quân”.

   Tháng 5 năm 1966, Tư lệnh Phùng Thế Tài điều động Trung đoàn tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh đánh B-52. Sau một thời gian nghiên cứu và trực tiếp đánh B-52 tại tuyến lửa Vĩnh Linh chưa thành công, Trung đoàn lập tức rút kinh nghiệm, kiên quyết bắn rơi B-52. Ngày 17 tháng 9 năm 1967, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 đã bắn rơi một B-52. Bài toán đánh B-52 được mở ra làm cơ sở viết nên cuốn cẩm nang “Cách đánh máy bay B-52”. Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính cùng cán bộ chiến sĩ Phòng không - Không quân đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Muốn bắt được cọp phải vào tận hang của chúng”.
   Năm 1967, Phùng Thế Tài được thăng quân hàm Đại tá, giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là bước trưởng thành mới người Chỉ huy đầu tiên Đội cận vệ bầu trời Tổ quốc cùng với sự trưởng thành mọi mặt của Quân đội ta.
   Đầu năm 1968, Bác Hồ gọi Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và đồng chí Đặng Tính - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân lên hỏi tình hình. Lúc này Bác không được khỏe. Ngay phút đầu tiên Người đã hỏi về B-52. Nét mặt Bác trở nên đăm chiêu, bác nói: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

   Nắm bắt được tâm tư của Bác cũng là chủ trương lớn của Đảng ta, Quân đội ta, ngày 6 tháng 7 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức hội nghị chuyên đề đánh B-52 Mỹ, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài chủ trì hội nghị. Tại Hội nghị này, nhiều phương án được chuẩn bị, nhất là ý chí quyết đánh và quyết thắng đã được khẳng định ở một tầm cao nhất. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài kết luận và chỉ thị phải đẩy mạnh nghiên cứu cách đánh B-52 bằng vũ khí hiện có của Quân chủng Phòng không - Không quân. Đánh chúng, bắn rơi được B-52 là nhiệm vụ cấp bách, là yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao. Quân chủng Phòng không - Không quân phải chuẩn bị chi tiết cả con người và vũ khí để chiến thắng B-52 khi chúng xâm phạm bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác.
   Chiều ngày 18 tháng 12 năm 1972, tin từ Cục 2 báo cáo Bộ tổng Tham mưu Mỹ sẽ tập kích B-52 vào Hà Nội vào 18 giờ tối. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài điện từ hầm chỉ huy tác chiến của Bộ tổng Tham mưu hỏi lại: “B-52 đến đâu rồi? Phải nắm cho thật chắc. Nó bay theo hướng nào phải báo cáo ngay”. Đồng chí Mạc Lâm, trực ban Cục 2 trả lời: “Vâng thưa anh, chúng tôi vẫn đang bám sát”. Phùng Thế Tài nói vui: “Tối nay, bộ đội ta bắn rơi B-52 thì Bộ sẽ thưởng Cục 2 một tấn lương khô và một con bò mộng”. Đồng chí Anh Lân, cán bộ Cục 2 vui mừng nói với anh em lời hứa của thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu. Mới thấy rằng, cả khi căng thẳng và quyết liệt nhất trong trận đấu trí đấu sức với giặc Mỹ, cán bộ chiến sĩ ta vẫn hết sức lạc quan.
   Trinh sát Cục 2 bám sát B-52 từng phút và báo cáo với Bộ tổng Tham mưu: “Có tín hiệu đặc biệt, B-52 gần đến đất liền”. Cục tác chiến thông báo: “Đã xuất hiện trên màn ra đa B-52”. Từng hồi còi báo động vang lên liên tục trong thành phố Hà Nội. Tại hầm chỉ huy tác chiến Bộ tổng Tham mưu, các thông báo được truyền đi liên tục xuống các đơn vị Phòng không - Không quân. Bộ đội ta đã sẵn sàng cho trận đánh lớn. 19 giờ 15 phút, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Cục trưởng Cục tác chiến Vũ Lăng có mặt tại Sở chỉ huy “Tổng hành dinh” cùng cán bộ chiến sĩ trong kíp trực bước vào trận đánh lớn với không quân Mỹ.
   Cả thành phố Hà Nội vào trận. Các trận địa phòng không đều bắt được mục tiêu B-52. Tiếng bom ầm ầm dội đất bốn phía. Tiếng đạn pháo phòng không động trời, tiếng lao vun vút của tên lửa ta xé màn đêm đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trực tiếp cầm máy ra mệnh lệnh cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và các đơn vị đánh B-52. Không quân ta cất cánh. Trên đài quan sát đặt trên đỉnh cột cờ báo về; Trực ban Quân chủng Phòng không - Không quân thông báo gấp gáp: Một B-52 bắn rơi ở Đông Anh, lúc đó là 20 giờ 30 phút ngày 18  tháng 12 năm 1972.
   Trận đánh B-52 đêm ngày 18 rạng ngày 19 tháng 12 năm 1972 kết thúc. Địch sử dụng 400 lần chiếc máy bay chiến thuật và 90 lần B-52 đánh hơn 100 điểm khu dân cư, chúng ném xuống khoảng  trên 6.000 quả bom làm chết 300 người. Ta bắn rơi 3 máy bay B-52, 5 máy bay phản lực, bắt sống 7 phi công Mỹ. 
   Rạng sáng ngày 19, Phùng Thế Tài lên máy bay trực thăng cùng đoàn kiểm tra đến thẳng cánh đồng Chuông thuộc xã Phù Lỗ huyện Đông Anh bên xác chiếc siêu pháo đài bay B-52 - thứ vũ khí Mỹ vẫn khoe khoang là siêu đẳng nằm tả tơi nhàu nát trên một đám ruộng. Ông cho đoàn công tác cưa một mảnh xác B-52 rồi lập tức trở về Tổng hành dinh tiếp tục cho trận đánh lớn.
   Đêm 20 rạng ngày 21 - 12 bộ đội tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc, chỉ 35 quả đạn bắn rơi 7 chiếc B-52, có 5 chiếc rơi tại chỗ. Bộ đội Phòng không - Không quân trong 12 ngày đêm đã chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ khiến nước Mỹ hoảng loạn. 7 giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, Ních xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Trong 12 ngày đêm chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B- 52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác.

   Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng chiến đấu, quân binh chủng của bộ đội ta đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân mà nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân. Chiến thắng “Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không” làm sụp đổ thần tượng về sức mạnh vô địch của “không lực Hoa Kỳ”, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và âm mưu “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” của Tổng thống Mỹ Nixon, tạo cục diện mới để quân và dân cả nước ta thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Ðánh cho Mỹ cút”, làm cơ sở để “đánh cho ngụy nhào” tiến tới giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.
   Trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không, Thượng tướng Phùng Thế Tài, người Chỉ huy đầu tiên Đội cận vệ bầu trời Tổ quốc đã góp một phần công sức quan trọng. Là Tư lệnh đầu tiên của một Quân chủng hiện đại còn hết sức non trẻ của Quân đội ta khi đó, ông đã cùng các Chỉ huy của Quân chủng, lãnh đạo lực lượng nòng cốt Phòng không - Không quân cùng toàn quân và dân ta làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ông vẫn được gọi là “Vị tướng của tháng 12 lịch sử”. Cánh lính trẻ phòng không - không quân rất ngưỡng mộ tài năng và đức độ của ông, thích thú về vị tướng Phùng Thế Tài với cá tính mạnh mẽ nhưng mộc mạc, giản dị, giàu tình người. Có thể nói, cũng bởi sự ngưỡng mộ vị tướng cùng tuổi với cha tôi (ông sinh năm 1920), người đồng hương Hà Tây và là Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân, quân chủng kỹ thuật hiện đại bậc nhất của QĐND Việt Nam được thành lập để bảo vệ bầu trời Tổ quốc, nên lớn lên, tôi vào học Trường sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Tên lửa-Rađa, trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến nay. Cuộc đời và sự nghiệp của Thượng tướng Phùng Thế Tài là một tấm gương sáng của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.