TP - Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), mới đây đoàn công tác của TP.HCM đến Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu) và đã trao tặng Bảo tàng Côn Đảo tờ báo Tiền Phong có đăng bài thơ Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán.
Bài thơ viết về Anh hùng Võ Thị Sáu, đăng trên báo Tiền Phong, số ra thứ Sáu, ngày 19/8/1955, do nhà thơ Lê Minh Quốc sưu tầm và lưu giữ từ 30 năm qua. Bài thơ được in nguyên một trang với lời đề dẫn của tòa soạn: “Bài thơ được giải Nhất cuộc thi văn nghệ hưởng ứng Đại hội Liên hoan do ban Trù bị Đại hội Liên hoan thế giới của Việt Nam tổ chức”.
Lễ tiếp nhận bài thơ tại Bảo tàng Côn Đảo
“Tôi quyết định giữ lại tờ báo có in bài thơ này, không bán đi dù nhiều người sưu tập đã năn nỉ đòi mua lại. Điều khiến tôi thích thú nữa là không ngờ từ năm tháng xa xưa đó, báo Tiền Phong đã in màu, có vẽ tranh minh họa rất đẹp”, Lê Minh Quốc kể.
Năm 2007, bài thơ Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo cùng với hai tác phẩm khác của Phùng Quán là Tuổi thơ dữ dội và Vượt Côn Đảo đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật.
Bản gốc bài thơ Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo in trên báo Tiền Phong năm 1955
Theo Lê Minh Quốc, đây là bài thơ dài nhất về cuộc đời chị Võ Thị Sáu và là một tác phẩm hay, cực kỳ có giá trị nhưng từ trước tới nay ít được nhắc đến trong di sản thơ ca của Phùng Quán. Hơn 30 năm gìn giữ bài thơ trên trang báo Tiền Phong, Lê Minh Quốc đã nghĩ tới việc đưa bản in bài thơ này đến với chúng và nơi ông chọn để đưa về chính là Côn Đảo, nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật về cuộc đấu tranh của những người tù tại Côn Đảo. “Tôi nghĩ, nếu chỉ lưu giữ hiện vật này ở bộ sưu tập cá nhân thì thật thiếu sót nên đã đi đến quyết định tặng cho Bảo tàng Côn Đảo. Việc hiến tặng cũng là một cách giúp công chúng yêu thơ có thể biết thêm những sáng tác tài hoa của nhà văn Phùng Quán, không chỉ có tác phẩm Vượt Côn Đảo mà còn có cả bài thơ Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo ca ngợi người nữ Anh hùng Võ Thị Sáu nữa”, nhà thơ chia sẻ.
Ủng hộ quyết định của Lê Minh Quốc, bà Đinh Thanh Thủy - Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM đã tiếp nhận và làm cầu nối để đưa kỷ vật cùng bài thơ này đến với Bảo tàng Côn Đảo. Tuy nhiên, vì bận việc, bà Thủy đã không thể đến Côn Đảo trong dịp này nên đã nhờ ông Trần Thế Thuận- Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cùng 2 cựu tù Côn Đảo là ông Châu Văn Mẫn và nguyên Trung tá Công an Võ Ái Dân trao trực tiếp cho Bảo tàng Côn Đảo.
Bảo tàng Côn Đảo đã tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật một cách khá long trọng. “Ban lãnh đạo Bảo tàng Côn Đảo đã trao đổi với tôi, họ rất trân trọng với những hiện vật có giá trị như thế này và sau khi tiếp nhận, Bảo tàng đang có kế hoạch trưng bày hiện vật để mọi người tới Côn Đảo có thể được chiêm ngưỡng, được hiểu thêm về cuộc đấu tranh kiên cường anh dũng của những người nữ anh hùng đã ngã xuống cho cuộc sống ngày hôm nay”- bà Thủy nói.
Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng chia sẻ, ai đã đến Côn Đảo cũng sẽ dễ dàng nhận ra rằng niềm tin của mọi người dành cho chị Sáu hết sức mãnh liệt và mọi người đều viếng thăm, thắp nhang trên mộ của chị Sáu khi có dịp đến Côn Đảo.
“Nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã trở thành một huyền thoại trong đời sống tâm linh, rất đỗi thiêng liêng. Tôi dù đã đọc nhiều tài liệu về Côn Đảo, nhưng chỉ khi đến tận nơi và được tham quan nhà tù, tôi mới cảm nhận được hết sự khốc liệt và sức chịu đựng của con người. Phải có một niềm tin mãnh liệt nhất, con người mới có thể sống và tồn tại qua sự tột cùng của cái ác. Chị Sáu cùng với các đồng chí chung lý tưởng tồn tại vì đã có niềm tin. Hình ảnh chị Sáu hái hoa cài lên tóc trước khi ra pháp trường để lại dấu ấn sâu đậm cho tôi. Đó là hình tượng thi ca biểu trưng cho cái đẹp và tâm hồn tinh khiết của chị Sáu”, nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ.
Phùng Quán (1932-1995) là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng từ thời kháng chiến chống Pháp. Ngoài Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo giành giải thưởng, ông còn khẳng định tài năng với Vượt Côn Đảo, tác phẩm giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cũng vào năm 1955. Năm 1957 Phùng Quán tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm và sau đó ông bị kỷ luật, tước quyền là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, Phùng Quán vẫn tiếp tục sáng tác với những bút danh khác và có nhiều tác phẩm đáng chú ý như Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe... Thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán được phục hồi tư cách nhà văn và các sáng tác của ông đã được biết đến nhiều hơn. Năm 1990 tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán đoạt giải A Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2007, Phùng Quán được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, cùng với một số nhà văn cùng thời như Trần Dần, Lê Đạt và Hoàng Cầm.
TRỌNG THỊNH / Báo Tiền Phong