Kỷ niệm 228 năm chiến thắng Mậu Thân của Tây Sơn {0/1 Mậu Thân(1788)-01/Bính Thân (2016)}
Theo sử liệu, chỉ trong vòng 4 năm (từ 1786 đến 1789) Tây Sơn đã ba lần đánh ra Bắc Hà tiến phạm Thăng Long vào các năm: Bính Ngọ (1786), Mậu Thân (1788) và Kỷ Dậu (1789).Diễn biến của ba trận đánh trên đã được Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC) thuật lại với đầy đủ chi tiết diễn biến trận mạc cùng tên các võ tướng Tây Sơn đã giúp Nguyễn Huệ và sau này là Quang Trung làm nên chiến thắng từng trận..Với chiến thắng Mậu Thân (1788),lần đầu tiên Tây Sơn đã xóa ranh giới ngăn cách Bắc-Nam,tạo thêm các nhân tố Thiên,Địa,Nhân cho Quang Trung-Nguyễn Huệ tổ chức chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lừng lẫy,tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược đầu năm Kỷ Dậu (1789).Theo HLNTC,nguyên nhân xảy ra trận Mậu Thân là do Nguyễn Huệ phát hiện Nguyễn Hữu Chỉnh sau khi được Lê Chiêu Thống tin dùng giao binh quyền,”Chỉnh mưu đồ giành lại đất Nghệ An phản lại Tây Sơn”.Nguyễn Huệ đã sai Vũ Văn Nhậm điều quân Tây Sơn đánh ra Thăng Long để “hỏi tội” Lê Chiêu Thống-Nguyễn Hữu Chĩnh.Nhậm lĩnh ấn Tiết chế xuất binh từ cuối mùa đông năm Đinh Vị(1787),tháng giêng năm Mậu Thân(1788) quân Tây Sơn tiến phạm Thăng Long,cha con Chỉnh phò vua Lê chạy về Hải Dương.Bộ tướng của Tây Sơn là Nguyễn Văn Hòa dẫn quân truy kích đến vùng núi Tam Tằng(Bắc Giang) thì đuổi kịp.Qua giao tranh,con Chỉnh là Hữu Du bị chém chết,Hữu Chỉnh bị bắt điệu về Kinh,Nhậm ra lệnh phanh thây,xé xác.Vua Lê đào thoát lên phía bắc.Từ cuối thê kỷ 18 đến cuối thê kỷ 19,sử sách triều Nguyễn chép trận Mậu Thân (1788) về cơ bản thống nhất với HLNTC không phát hiện thêm chi tiết nào mới.Song trên thực tế từ cuối thế kỷ 18 gia phả Đặng tộc đã chép và giới sĩ phu đã lập bia tưởng niệm một danh tướng Tây Sơn có công giúp Nguyễn Huệ đánh thắng trận Mậu Thân chưa một sách sử nào chép kể cả HLNTC.
I- “Tây Sơn thuật lược” với Đô đốc Đặng Giản ((鄧暕).
Với chính sách“tận diệt mọi di sản ngụy triều”của triều Nguyễn,cho đến cuối thế kỷ 19 không phát hiện thêm tài liệu nghiên cứu về Tây Sơn.Đến đầu thế kỷ XX cùng với một số tài liệu viết về Tây Sơn của anh em họ Nguyễn ở thôn Vân Sơn,đáng chú ý là cuốn “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” của danh sĩ Nguyễn Trọng Trì,trên Tạp chí Nam Phong số 148 phần Hán ngữ có đăng tài liệu “Tây Sơn thuật lược” khuyết danh nhưng chưa có bản biên dịch ra tiếng Việt.Đến năm 1968,chuyên viên Hán học Viện Khảo Cổ Sàigòn Tạ Quang Phát lần đầu tiên sử dụng vi ảnh “Tây Sơn thuật lược” của Société Asiatique Paris biên dịch ra tiếng Việt đăng trên tạp san Sử-Địa Sàigòn số Xuân Mậu Thân (1968) kỷ niệm Quang Trung,sau đó,năm 1971 Nhà xuất bản Phủ Quốc Vụ Khanh (Sàigòn) đã in thành sách ”Tây Sơn thuật lược.-vô danh thị-Tạ Quang Phát biên dịch” (Ảnh 1).”Tây Sơn thuật lược” (TSTL) giới thiệu tóm tắt diễn biến phong trào Tây Sơn từ năm Tân Mão (1771) ba anh em Nguyễn Nhạc,Nguyễn Lữ,Nguyễn Huệ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn (Quy Nhơn) cho đến năm Nhâm Tuất (1802) triều Tây Sơn sụp đổ,triều Nguyễn thay thế,nhưng tập trung phản ảnh lịch sử Tây Sơn từ năm Bính Ngọ (1786) đến năm Nhâm Tuất (1802),giai đoạn có ba lần Tây Sơn đánh ra Bắc Hà tiến phạm Thăng Long vào các năm Bính Ngọ (1786),Mậu Thân (1788) và Kỷ Dậu (1789).Trong ba cuộc chiến của Tây Sơn ở Thăng Long với ý nghĩa khác nhau nhưng TSTL dành cả một trang tường thuật chi tiết trận Mậu Thân (1788) còn hai trận năm Bính Ngọ (1786) và Kỷ Dậu (1789) tác giả chỉ nêu tóm tắt vài dòng.Ngoài việc nêu nguyên nhân,diễn biến,kết quả trận Mậu Thân giống như HLNTC đã nêu ở Hồi thứ chín, TSTL nêu tên một danh tướng Tây Sơn họ Đặng,quê Lương Xá,Hà Tây (nay thuộc Hà Nội)chưa thấy sách sử nào phản ảnh kể cả cuốn “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” được lưu hành cùng thời điểm:đó là:”Đô đốc Đặng Giản” được Nguyễn Huế giao ấn tiến phong trong đạo quân do Vũ Văn Nhậm lĩnh ấn Tiết chế đánh ra Thăng Long để hỏi tội phản nghích Nguyễn Hữu Chỉnh (Giản là người Lương Xá,dòng dõi Đặng Nghĩa Huấn).Sau chiến thắng Mậu Thân:”Huệ cho Vũ Văn Nhậm trấn Thăng Long,Đặng Giản trấn Thanh Hoa…mùa hạ, do có kẻ tố giác Nhậm lộng quyền.Huệ mượn cớ đi tuần đất Bắc,Nhậm ra lạy chào,Huệ bèn bắt và giết đi…Năm Canh Tuất niên hiệu Quang Trung năm thứ ba (1790),Quang Trung cho con thứ là Thùy cùng Ngô Văn Sở,Phan Văn Lân.trấn giữ Thăng Long,cho Tuyên (tức Nguyễn Quang Bàn, con thứ, em Thùy-LN)) trấn giữ Thanh Hoa,cho Đặng Giản làm Đại Đô đốc coi giữ Đại Thiên Hùng binh…”(1) Như vậy,qua TSTL,từ đầu thế kỷ XX dưới triều Nguyễn và sau này ở Miền Nam trong điều kiện đất nước bị chia cắt,giới sử học đã lần đầu tiên biết đến “Đô đốc Đặng Giản”, một danh tướng Tây Sơn quê miền Bắc thuộc dòng dõi Đặng tộc danh giá nổi tiếng đời Lê trung hưng ở Lương Xá (Chương Mỹ,Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội) Theo TSTL:Đặng Giản nhận chức Trấn thủ Thanh Hoa từ đầu năm Mậu Thân (1788) đến năm Canh Tuất (1790),cùng năm Canh Tuất Đặng Giản được Quang Trung giao chức “ thống lĩnh Đại Thiên Hùng”.
II-Văn bia chùa Thủy Lâm (Lương Xá) với Đô đốc Đặng Tiến Giản(鄧進暕).
Gần cùng thời điểm giới sử học miền Nam biên dịch cuốn “Tây Sơn thuật lược”,đầu thập kỷ 70 (tk.20),ở miền Bắc,giới sử học Hà Nội phát hiện ở Lương Xá,Chương Mỹ,Hà Tây, một số di bản đời Tây Sơn bằng chữ Hán chưa lần nào được biên dịch gồm có:một đạo Sắc phong có niên đại Thái Đức 10 (1787),Bộ phả Đặng gia phả hệ toản chính thực lục,6 quyển (Bộ Thực lục) có niên đại đầu đời Cảnh Thịnh (1792) và tấm bia đá đặt ở sân chùa Thủy Lâm (Lương Xá) có khắc bài văn Tông đức thế tự bi do Thụy Nham hầu Phan Huy Ích biên soạn,Tình Phái hầu Ngô Thì Nhậm nhuận sắc, khắc vào bia năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797).(bia chùa Thủy Lâm).Trên cả ba di bản này đều có chép một Đô đốc Tây Sơn dòng dõi Đặng tộc ở Lương Xá, hậu duệ đời thứ 6 của Đặng Nghĩa Huấn, nhưng giới nghiên cứu chưa thống nhất cách đọc tên.Tên nhân vật chép bằng chữ Hán là chữ “暕”chưa thấy xuất hiện trong danh sách các danh tướng Tây Sơn được nêu trong sách sử cũ.Lúc mới phát hiện có người đọc tên nhân vật là “Đông”(Đặng Tiến Đông)!.Đến năm 1999 một số nhà sử học thông thạo Hán Nôm ở Hà Nội mới phát hiện tên của nhân vật trong các di bản phải đọc là “Giản”(Ảnh 2) .Tuy nhiên như đã nêu ở phần trên,từ hơn ba thập kỷ trước,vào năm 1968 trong khi dịch “Tây Sơn thuật lược” chuyên viên Hán học Viện Khảo cổ Sàigòn Tạ Quang Phát đã dịch và đọc chữ “暕”.là “Giản” (Đặng Giản).Điều còn đáng tin cậy hơn là chính tác giả biên soạn bộ Thực lục đã mách bảo cho hậu thế biết cách đọc chữ “暕 “là gì và tên đó có ý nghĩa gì!Tại trang cuối quyển 6 bộ Thực lục,sau khi nói rõ bản thân là con trai thứ 8 của Dận Quận công Đặng Đình Miên với bà thiếp thứ 5 là Phạm Thị Yến tác giả cho biết thêm là:”sinh ngày 2,tháng 5, năm Mậu Ngọ (tức 18/6/1738)được đặt tên là “東”(Đông) sau cải đổi lấy tên “暕” với ý nghĩa chữ “暕” là: ”sau thời tiết âm u tích mưa bổng xuất hiện ánh sáng mặt trời”(2).Tra cứu từ điển Hán ngữ thấy duy nhất chỉ có chữ “Giản” có định nghĩa tương tự, riêng cuốn :Từ Hải”(NXB Thượng Hải 1989,trang 1580) có định nghĩa hoàn toàn khớp với định nghĩa trên bộ Thực lục. Như vậy đã có cứ liệu xác minh tên của Đặng Đô đốc trên các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá không phải là “Đông”(Đặng Tiến Đông) mà là “Giản”(Đặng Tiến Giản).
Đạo Sắc có đóng dấu Thái Đức 10(1787) do Nguyễn Huệ ban cho Đặng Tiến Giản có nội dung ca ngợi chính khí của Đặng Tiến Giản và ”…thêm cho chức Đô đốc Đồng tri,Đông Lĩnh hầu,vẫn sai làm Trấn thủ Thanh Hoa…”.Văn bia chùa Thủy Lâm do hai ông PhanHuy Ích,Ngô Thì Nhậm đồng biên soạn để tưởng nhớ “Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản thuộc chi Giáp nhất Đặng tộc,thống lĩnh về Thiên Hùng,cháu Cụ Yên quận công,con Cụ Dận Quận công…”.Như vậy họ tên,quê quán,dòng tộc,chức tước của người được Nguyễn Huệ ban Sắc phong và được hai ông Phan,Ngô nêu trong văn bia là trùng hợp với ”Đô đốc Đặng Giản,người Lương Xá,dòng dõi Đặng Nghĩa Huấn,sau chiến thắng Mậu Thân (1788) được Huệ giao Trấn thủ Thanh Hoa và Quang Trung giao chức thống lĩnh Thiên Hùng” trên TSTL.Nhưng đoạn tiếp theo,để diễn tả công trạng của Đặng Tiến Giản,hai ông Phan,Ngô không nói rõ ràng,minh bạch mà sử dụng những cụm từ ẩn dụ có thể hiểu mỗi người một khác.Người được tưởng niệm trong văn bia là:”Vị Đại tướng triều ta là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản… “Đại tướng triều ta”là triều nào”?Văn bia hoàn toàn không có các từ:Tây Sơn,Nguyễn Huệ,Quang Trung mà chỉ có các cụm từ Thái tổ Võ (Vũ) Hoàng đế,Bắc binh nam mục,bắc binh hội,túc thanh cung cấm…Để hiểu rõ dụng ý của các tác giả biên soạn văn bia cần trở lại bối cảnh thời cuộc Vào thời điểm soạn văn bia (1797) sau 5 năm ngày Quang Trung qua đời, triều Tây Sơn đang tuột dốc,thế lực của Nguyễn Ánh-kẻ thù không đội trời chung, đang trỗi dậy đánh đâu thắng đó,hai ông Phan,Ngô từng than:“đại cục đã hỏng”.Để tấm bia được tồn tại qua biến cố thời cuộc hai ông buộc phải dùng ngôn từ ngụy trang để che dấu tung tích Tây Sơn cho người được tưởng niệm.(3).Mỗi cụm từ ẩn dụ trên văn bia đều có thể giải thích theo 2 cách:”Thái tổ Võ Hoàng đế” là miếu hiệu của Quang Trung-Nguyến Huệ,sau ngày Quang Trung qua đời miếu hiệu này có thể dùng để chỉ Quang Trung mà cũng có thể dùng để chỉ Nguyễn Huệ; “bắc binh” vào giai đoạn có “Nam-Bắc phân tranh”,với Tây Sơn ở “Nam bang” thì:“bắc binh”-quân phương bắc,có thể là quân Tàu (nhà Thanh) cũng có thể là quân Bắc Hà (Nhà Lê) “túc thanh cung cấm”có thể hiểu là bè lũ phản nghich Chiêu Thống-Hữu Chỉnh chạy khỏi kinh thành mà cũng có thể liên hệ đến trường hơp Tôn Sĩ Nghị cùng tàn quân Thanh chạy khỏi Thăng Long…”Vũ Hoàng giá lâm Thăng Long”có thể liên hệ đến hai trường hợp:tháng 5 Mậu Thân(1788) Huệ ra Thăng Long bắt giết Nhậm và trường hợp Quang Trung vào Thăng Long sau chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) .Tuy nhiên hai ông Phan,Ngô cũng đã để sẵn “chìa khóa” để hậu thế có thể “giải mã” các cụm từ ngụy trang và tiếp cận thông điệp hai ông để lại qua văn bia.Đó là hai chữ “Mậu Thân” chỉ niên đại trận đánh.(ngoài ra văn bia không còn có niên đại nào khác).Theo sử liệu trận Mậu Thân xảy ra ở Thăng Long vào “tháng giêng năm Mậu Thân”(01-1788).Vào thời điểm này Nguyễn Huệ còn là “Bắc Bình Vương”chưa phải là Hoàng đế Quang Trung,vì vậy “Thái tổ Võ Hoàng đế” là để chỉ “Nguyễn Huệ”;thời điểm 01-1788 cũng chưa có quân Thanh ở Thăng Long,vì vậy”bắc binh” là quân “Bắc Hà”( nhà Lê).Bắc binh nam mục”(“Mục” không có nghĩa “xâm chiếm,xâm lăng”như đã có người dịch,mà có nghĩa là “chăn dắt,cai quản”)là nói đến việc vua Lê gửi quốc thư đòi “Nguyễn Huệ trả lại quyền cai quản đất Nghệ An cho nhà Lê”, khiến Huệ nổi giận phát động cuộc chiến tranh với “Bắc binh hội” là bè lũ phản nghịch “Chiêu Thống-Hữu Chỉnh” ở Bắc Hà.Huệ giao Vũ Văn Nhậm lĩnh ấn Tiết chế,Đặng Tiến Giản lĩnh ấn tiên phong.ĐặngTiến Giản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,đánh tan “bắc binh hội”,”một mình một ngựa “tiến trước vào Thăng Long đã sạch bóng quân phản nghịch”(túc thanh cung cấm).Văn bia còn cho biết dịp tháng 5 Mậu Thân Nguyễn Huệ ra Thăng Long (Vũ Hoàng giá lâm Thăng Long..) bắt giết Vũ Văn Nhậm,xét công khen thưởng tướng sĩ,”Đặng Tiến Giản được Huệ đặc cách ban làng quê Lương Xá làm thực ấp vĩnh viến.”Giải mả đoạn văn bia chùa Thủy Lâm chép về trận Mậu Thân với Đô đốc Đặng Tiến Giản như trên lại trùng khớp với nội dung TSTL chép về trận Mậu Thân với Đô đốc Đặng Giản,hơn nữa còn bổ sung cho nhau để làm sáng tỏ thêm về lai lịch,công trạng của Đô đốc Đặng Tiến Giản mặc dù văn bia chùa Thủy Lâm và TSTL xuất hiện ở hai thời kỳ khác nhau,cách nhau hàng thế kỷ.
Trước khi về với Tây Sơn Đô đốc Đặng Tiến Giản đã đỗ đạt
thế nào,đã giữ chức tước gì ở Bắc Hà?
Theo bộ Thực lục,đạo Sắc,văn bia chùa Thủy Lâm cũng chỉ biết:”Đặng Tiến Giản vốn có tên là Đông,cháu nội Yên Quận công Đặng Tiến Thự,con trai thứ 8 của Dận Quận công Đặng Đình Miên với bà thiếp Phạm Thị Yến,có 7 anh trai đều được phong tước hầu,tước bá.Đông sinh ngày 18/6/1938,năm 10 tuổi theo học với thầy Doãn Xá ở chùa Thủy Lâm,năm 11 tuổi mồ côi cha rồi dừng lại không cho biết cậu Đông lớn lên học hành,đỗ đạt thế nào đã có chức tước gì!”.Bộ Thực lục còn chép một chi tiết là “Đông cải tên thành Giản”nhưng cũng không cho biết cải tên vào lúc nào,vì sao phải cải tên,nhưng chi tiết trên vẫn là cơ sở để khẳng định “Đặng Tiến Giản với cậu ẩm Đông”chỉ là một.Khi về với Tây Sơn với tên “Giản” lúc đã 49 tuổi,cả ba di bản nêu trên và cả TSTL cũng không có chi tiết nào nói Đặng Tiến Giản đã giữ chức tước gì,ở đâu? Song trên thực tế lời giải cho câu hỏi trên đã có sẵn trong gia phả của Đặng tộc biên soạn trước năm 1787 và cả trong đạo Sắc Nguyễn Huệ ban cho Đặng Tiến Giản năm 1787 nhưng gần đây mới có cơ sở để sáng tỏ.
Theo các bộ gia phả Đặng tộc biên soạn trước năm Chiêu Thống 1 (1787) còn lưu giữ ở Lương Xá được hai ông Nguyễn Quang Thắng-Nguyễn Bá Thế khai thác và phản ảnh trong cuốn từ điển “Nhân vật Lịch sử Việt nam” (Bộ Mới-NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tái bản 2006) với nhân vật lịch sử “Đô đốc Đặng Tiến Đông (1738-1787)” có tiểu sử tóm tăt:
“ Đặng Tiến Đông là Đô đốc đời Lê Cảnh Hưng (Hiển tông) còn gọi là Đặng Đình Đông, sinh ngày 18 tháng 6 năm 1738, quê làng Lương Xá huyện Chương Đức tỉnh Hà Đông(nay là Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây);cháu sáu đời Nghĩa Quốc công Đặng Đình Huấn. cháu nội Thái tể Đại tư không Yên quận côngĐặng Tiến Thự (Trịnh Liễu), con Thượng đẳng đại vương Đặng Đình Miên tước Thái bảo Quận công, mẹ là Phạm Thị Yến. Ông là con trai thứ 8 trong gia đình.Bảy anh là:Trí,Thiệu,Cầu,Tự,Giám,Tú,Hữu tất cả đều được phong tước hầu,tước bá.Năm 1749 Dận Quận công qua đời,lúc Đông 11 tuổi,10 năm sau mẹ cũng qua đời.Năm 25 tuổi,Đông thi đổ Tạo sĩ (tiến sĩ võ học) ra làm quan dưới triều Lê Cảnh Hưng với chúa Trịnh Sâm và nhanh chóng thăng tiến,đã được phongĐô đốc tước Đông Lĩnh hầu.Cuối đời,gia phả Đặng tộc chép:”Vệ quốc thượng tướng quân trấn thủ Thanh Hoa kiêm Nghệ An trấn Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng tướng công đại phụ tứ nguyệt thập tốt, hoàng triều Chiêu Thống nguyên niên nhị nguyệt cát hạ phùng tra”.Theo câu này Đô đốc Đặng Tiến Đông “đã chết” từ đầu năm Chiêu Thống 1 (1787) gia phả họ Đặng cũng không còn chép về gia thế và hành trạng của ông.(ảnh 3)
. Lai lịch của “Đô đốc Đặng Tiến Đông”chép trên Từ điển NVLSVN đến năm 10 tuổi với lai lịch “cậu ấm Đông”từ lúc sinh cho đến năm 10 tuổi chép trên Bộ Thực lục hoàn toàn giống nhau (cùng ngày tháng năm sinh,cùng là cháu nội Yên Quận công,con thứ 8 của Dận quận công với bà Phạm Thị Yến,cùng có tên 7 anh trai giống nhau…).Nhưng giai đoạn trưởng thành của cậu Đông còn khuyết ở bộ Thực lục đã đươc gia phả Đặng tộc bổ sung:”Đông thi đỗ “Tạo sĩ”(tiến sĩ võ học),ra làm quan dưới triều Lê Trịnh” đã lập nhiều chiến công,được giao chức tước:”Vệ quốc thượng tướng quân Đô đốc Đông Lĩnh hầu Trấn thủ Thanh Hoa kiêm Nghệ An”.Tuy nhiên do hoàn cảnh thời cuộc:loạn kiêu binh sau năm 1782,nhà Trịnh sụp đổ…và sự kiện Tây Sơn tiến nhập Thăng Long giữa năm 1786 Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông đã sớm tìm thấy ở Tây Sơn và anh hùng Nguyễn Huệ một niềm tin và một phương hướng mới cho cuộc đời.Gia phả chép “Đô đốc Đông Lĩnh hầu đại phụ tứ nguyệt thập tốt,hoàng triều Chiêu Thống nguyên niên…” nếu đúng nghĩa chứ Hán thì phải dịch là:”Đô đốc Đặng Tiến Đông “kết thúc tên tuổi sự nghiệp của mình ở Bắc Hà vào đầu năm 1787”.Cũng từ tiểu sử Đô đốc Đặng Tiến Đông như trên đã bổ sung sáng tỏ nội dung các di bản đời Tây Sơn dược phát hiện vào thập kỷ 70 ở Lương Xá:1)-thời điểm “Đông cải đổi tên Giản”là vào đầu năm 1787 khi Đặng Tiến Đông từ Bắc Hà lặn lội vào Quảng Nam xin ra mắt dưới trướng Nguyễn Huệ với tên “Giản” có ý nghĩa “từ nơi tăm tối tìm thấy ánh sáng.”;2)Đặng Tiến Giản xin yết kiến “Nguyễn Huệ ở Quảng Nam”cũng là lúc Nguyễn Huệ mới rời Thăng Long chỉ sau vài tháng.Huệ đã biết ngay người xin yết kiến là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông trấn thủ Thanh Hoa dưới triều Lê-Trịnh nay đổi tên là Đặng Tiến Giản,do đó đã có cơ sở để tin yêu giao chức tước và và sử dụng.Đạo Sắc năm 1787 chỉ tăng thêm cho Đặng Tiến Giản một trật “từ Đô đốc nâng lên Đô đốc Đồng tri” còn chức tước “Đông Lĩnh hầu,Trấn thủ Thanh Hoa”vẫn giữ nguyên như thời Đặng Tiến Đông được phong dưới triều Lê-Trịnh. 3)-Đặng Tiến Giản với hai danh sĩ Phan Huy Ích,Ngô Thì Nhậm có quan hệ mật thiết sâu xa từ thời cùng phục vụ dưới triều Lê-Trịnh,đây cũng là nguyên nhân 2 ông Phan,Ngô đích thân lập bia tưởng niệm Đặng Tiến Giản,người bạn lớn “đồng quận,đồng triều,đồng tâm,đồng chí” mà hai ông rất kính mến..
Thay lời kết: Đã có cứ liệu chứng minh Đô đốc Đặng tiến Giản,danh tướng đời Tây Sơn là nhân vật lịch sử có thật.Đặng Tiến Giản từng có tên Đặng Tiến Đông sinh năm 1738 năm ngoài 20 tuổi đỗ Tạo sĩ làm quan dưới triều Lê Trịnh được giao chức Đô đốc tước Đông Lĩnh hầu,Vệ quốc thượng tướng quân trấn thủ Thanh Hoa kiêm Nghệ An.Sau năm 1782 do có biến động ở Bắc Hà,họ Trịnh đổ nát,đầu năm 1787 Đặng Tiến Đông đã từ bỏ sự nghiệp ở Bắc Hà đầu quân Tây Sơn dưới tên Đặng Tiến Giản.lúc đã 49 tuổi và phục vụ Tây Sơn gần 10 năm cuối đời còn lại.Như thế đã có cứ liệu xác minh:tên họ chức tước “Đô đốc Đặng Tiến Đông”chỉ tồn tại dưới triều Lê-Trịnh,triều Tây Sơn không có“Đô đốc Đặng Tiến Đông” mà chỉ có “Đô đốc Đặng Tiến Giản”.Trong hàng ngũ Tây Sơn,Đô đốc Đặng Tiến Giản chỉ tham dự một trận đánh duy nhất là trận Mậu Thân (1788) sau đó làm Trấn thủ Thanh Hoa cho đến năm 1790 được Quang Trung giao chức “Thống lĩnh Thiên Hùng”. Năm 1792 Đặng Tiến Giản đã biên tập bộ Thực lục (6 quyển) để lại cho đời sau một bộ phả có giá trị về lịch sử,văn hóa,xã hội tiêu biểu cho thể Phả Việt nam.Năm 1794,ông đã đúc chuông đồng tặng chùa Trăm Gian,quả chuông có bài minh của tiến sĩ Trần Bá Lãm hiện còn treo ở gác chuông chùa Trăm Gian.Đăc biệt từ ngày ông được Nguyễn Huệ ban thưởng “làng quê Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn” ông đã ra sức xây dựng nơi đây thành một ấp phồn vinh.Lương Xá cũng là quê gốc của một chi lớn thuộc Đặng tộc.Ông đã bỏ nhiều công sức tiền của vào việc củng cố Phủ thờ Đặng tộc,mở rông quy mô chùa Thủy Lâm làm nơi thờ cúng các tiền nhân Đặng tộc Lương Xá mà thủy tổ là Đặng Nghĩa Huấn,lập các khám thờ mới,thay đổi,bổ sung đồ tế khí,thống nhất nghi lễ làm cho nơi thờ cúng Đặng tộc trở nên khang trang.Theo gia phả,năm 1794 lúc Đô đốc Đặng Tiến Giản còn sống dân làng và Đặng tộc đã tạc tượng chân dung của ông,gọi là tượng “Quan Đô” đặt ở chùa Thủy Lâm.(Ảnh 4)Đúng như đoạn kết văn bia chùa Thủy Lâm nêu:”Dâng lòng trung tín ở Phủ thờ,người họ Đặng ai chẳng nghĩ đến đức hiếu thảo của Ngài.Ngữa mong ánh từ quang của đức Phật,Lương Xá đâu giám quên ân đức của Ngài để lại cho thôn dân nên lập bản tuyên dương công trạng khắc vào bia để đời đời ghi nhớ” (Bản dịch của Trần Đình Thân bút hiệu Sơn Bình-Ninh Thuận.PGS-TS Đỗ Văn Ninh đã xem lại năm 2005).
Hà Nội Xuân Bính Thân (2016)
*****************
Chú thích:
(1)Những dòng in ngiêng trong đoạn này là trích nguyên văn”Tây Sơn thuật lược”.
(2)Nguyên văn chữ Hán (phiên âm):”Mậu Ngọ niên,ngũ nguyệt sơ nhị,Quý Sửu thì sinh đệ bát tử Đông hậu cải Giản dĩ tự vựng vân:trùng âm tích vũ chi hậu hốt kiến nhật sắc cố tri danh yên.”,Dịch nghĩa:”Năm Mậu Ngọ tháng 5,ngày 2,giờ Quý Sửu,sinh con trai thứ 8 là Đông,sau cải tên Giản lấy theo nghĩa chữ”Giản” là:’sau thời tiết âm u,tích mưa bổng xuất hiện ánh mặt trời’,cho nên đặt tên như thế.”(Lời dịch của cố học giả Trần Văn Quý).Câu này tại trang 356 sách Đặng gia phả ký,sách dịch của Viện Hán nôm (2000) nhóm biên dịch đã dịch sai dẫn đến đọc tên “Giản” thành tên “Đông”.
(3)Nguyên văn chữ Hán đoạn trên (phiên âm):”Mậu Thân……(hai chữ bị đục) sơ,bắc binh nam mục,phụng chiếu tiên phong đạo,tiến chiến nhi bắc binh hội,công đương kỵ đương tiên,túc thanh cung cấm.Võ Hoàng đế giá lâm Thăng Long sách huân hành thưởng đặc tứ bản quán Lương Xá vĩnh vi thực ấp”:Trích:”Tư liệu về Đô đốc Đặng Tiến Giản” tạp chí Huế Xưa và Nay số 90 (11-12/2008).
Tài liệu tham khảo:
(1)”Hoàng Lê Nhất Thống Chí”-Ngô Gia Văn Phái-NXB Văn học
(2)“Tây Sơn thuật lược” bản dịch của Tạ Quang Phát.(bản trên Internet)
(3)”Đặng gia phả ký” Viện Nghiên cứu Hán Nôm-Hà Nội 2000
(4) “Từ điển “Nhân vật lịch sử Việt nam” Nguyễn Quang Thắng-Nguyễn Bá Thế (Bộ mới- Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ chí Minh-2006).
Khúc vỹ thanh:Đề tài trong bài này không phải là mới mà chỉ là sự kế thừa phát triễn đề tài phản biện lập luận “Đặng Tiến Đông là Đô đốc Long” của GS Phan Huy Lê do các ông Đỗ Văn Ninh,Trần Văn Quý,Lê Trọng Khánh khởi xướng qua các bài viết đăng trên “Đối. thoại sử học” (NXB Thanh Niên 2000) ”Đối thoại sử học” đã có tiếng vang đáng kể trong dư luân trong và ngoài nươc.Xin được nêu lại ý kiến của sử gia Tạ Chí Đại Trường lúc bấy giờ (2001): “…sử gia ngày nay (vốn thường co rút ở một địa phương) thấy tên viên tướng Đô đốc Long mù mờ thật không xứng. Và ông Phan Huy Lê tưởng là đã tìm được một người có tiểu sử rành rẽ hơn để thế vào: Đô đốc Đặng Tiến Đông với sắc phong, bia đá, tượng thờ… Rồi nổi lên là một thành phần của cuộc tranh cãi giữa hai phe trong nước, sôi nổi năm vừa qua (2000). Phe bác bỏ yếu thế hơn nhưng không phải là không có lí. “…Do được Nhà nước công nhận thành tích, đặt tên đường (từ Hà Nội, theo tinh thần “dân chủ tập trung” vào đến tận thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000) cho vào bảo tàng, vào từ điển Bách khoa, viết giáo trình làm pháp lệnh cho học sinh đi thi (Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục 2000),… Cho nên con cháu họ Đặng cứ yên tâm. Sai lầm đã gắn liền với một chế độ, một quyền lực thì không dễ gì xoá bỏ mà không làm mất mặt người đương quyền. Theo quy luật “sự chiếm hữu lâu dài sẽ trở thành đương nhiên”, tin chắc rằng Đô đốc Đông sẽ vững vàng ngôi vị trong lịch sử, thay thế Đô đốc Long mãi mãi…” (Nguồn:”Đối thoại sử học:Tây Sơn lại nhìn từ bên trong”Tạ Chí Đại Trường). Như vậy,từ 15 năm trước Tạ Chí Đại trường đã cảnh báo có một thế lực “siêu quyền lực” đứng trên cả sự thật lịch sử đang ngự trị ở Việt nam đương đại.Đáng buồn là điều cảnh báo đó đã là sự thật.Năm 2008,một số nhà nghiên cứu đã hoàn chỉnh các ý kiến của các tác giả trong “Đối thoại sử học” biên soạn thành công trình phản biện lập luận :”Đặng Tiến Đông chính là Đô đốc Long”của GS Phan Huy Lê.Công trình phản biện đã được các Bộ Thông tin-Truyền thông và Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch thụ lý,Bộ VHTT&DL đã có hai văn bản do hai thứ trưởng ký (năm 2008 và 2010) cùng kính gửi ông Viện trưởng Viên Khoa học Xã hội Việt nam nêu:”yêu cầu quý Viện xem xét giải quyết và trả lời người phản biện”.Công trình được một GS-TS nguyên Ủy viên BCT,ủy viên Hội đồng lý luân TƯ tán thưởng và hứa: ”Tôi sẽ gửi văn bản cho các cơ quan chức năng theo yêu cầu của các đ/c để giải quyết”. Cũng đã có hai cơ quan báo in đăng bài giới thiệu nội dung phản biện.Nhưng mọi hy vọng mới chỉ le lói thì đã tắt ngúm!Tiếp theo phản biện đã ba lần được hoàn chỉnh,bổ sung chứng cứ.Báo lề phải vẫn im lặng song báo mạng trong và ngoài nước tiếp nhận đăng liên tục cho đến nay.Vì sao “Đặng Tiến Đông/Đô đốc Long” một nhân vật được hư cấu theo một giả thuyết không có căn cứ lại được xem là một nhân vật lịch sử bất khả xâm phạm,trong khi đó Đô đốc Đặng Tiến Giản một danh tướng Tây Sơn đã có bằng chứng từ gia phả,Sắc phong,văn bia,chuông đồng,tượng gỗ cùng Tây Sơn thuật lược thì bị cho ra rìa? Chỉ có Ban Tuyên giáo TƯ,Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN,Hội Khoa học lịch sử VN và GS Phan Huy Lê chủ tịch Hội mới có đủ thẩm quyền và trách nhiệm làm sáng tỏ câu hỏi trên trước lịch sử./.LN
**********************************************.
# BVN ngày 16.2.2016
Kèm theo: trang ảnh (4 ảnh) minh chứng bài viết
Ảnh 1:Vô Danh Thị Tây Sơn thuật lược- Ảnh 2 . Bản dịch của Tạ Quang Phát. . ********************************************* . Chú thích Ảnh 2:Phiên âm,dịch 2 câu đầu (từ phải sang):
Câu 1:”Đặng gia phả hê toản chính thực lục,quyển chi nhị. Nghĩa:”Gia phả họ Đặng,ghi chép những điều chính yếu.quyển thứ 2”.
Câu 2:”Giáp nhất chi,thống Vũ Thắng,Thiên Hùng Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản cẩn tập” Nghĩa:”Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản thống lĩnh Vũ Thắng Thiên Hùng ở chi Giáp nhất kính cẩn biên tập”.
Ảnh 3:Tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông (1738-1787) tại chùa Trăm Gian (bên trái đối diện là tượng Hà Quận công Đặng Tiến Vinh (1561-1625),giữa trên cao là tượng Quan âm tống tử) Đô đốc Đặng Tiến Đông là hậu duệ đời thứ năm của Hà Quận Công Đặng Tiến Vinh.
Ảnh 4:Tượng Đô đốc Đặng Tiến Giản tại chùa Thủy Lâm (Lương Xá).Ảnh (Đặng gia phả ký-sách dịch Viện Hán Nôm 2000)
Nguồn: trannhuong.net