Thanh Tùng qua đời ở tuổi 83 là dịp những câu thơ hay nhất của ông tung ra công chúng đi kèm những giai thoại, cho thấy một sức vóc Thanh Tùng lớn hơn người ta tưởng và được yêu mến hơn đã tưởng.
1/ Dịp này, không chỉ thơ mà những bức ảnh nghệ sĩ nhất của ông rải khắp các báo và mạng xã hội cùng với sự hâm nóng kỷ niệm của bạn bè văn hữu, càng hiện lên một chân dung văn nghệ độc đáo.
Thi hữu ở Hải Phòng cũng như Thành phố Hồ Chí Minh nơi Thanh Tùng sống và yêu gần trọn cuộc đời đều mô tả ông là người duy mỹ, mê thơ điên cuồng, bậc thầy của thơ ứng tác với giọng đọc âm vang lay động. Yêu say đắm, dại khờ. Ngoại hình rất thi sĩ, thời trẻ cao to đẹp trai. Phong cách phóng túng, đi đến đâu làm gì đều như gió cuốn...
Sinh 1935 tại Nam Định nhưng Hải Phòng là mảnh đất nuôi dưỡng con người và thơ ca Thanh Tùng. Ông từng trải qua đủ nghề khuân vác, công nhân đóng tàu, bán sách... Bài thơ Nhà thơ áp tải nổi tiếng của Trần Nhuận Minh là viết về Thanh Tùng, tặng Thanh Tùng: Bạn từ Hải Phòng sang/ Tỏa đầy sân mùi biển/ Nói đủ mọi thứ chuyện/ Tay vung hai phía trời/ Bạn làm nghề áp tải/ Đường bộ và đường sông/ Thỉnh thoảng lại gặp cướp/ Còn trộm thì... mênh mông...
Trong cuộc đời làm thơ dằng dặc của mình, Thanh Tùng đã làm được những việc thật lớn và khó như: Khiến người ta nể, yêu, tò mò về Hải Phòng hơn. Khiến người ta khát yêu khát sống, sống sâu sắc không hoài phí. Khát khao được căng tràn sức trẻ để sống và viết những vần thơ máu ứa. Thanh Tùng khiến người ta thấy thi ca quan trọng thế nào, không biết làm thơ là sự thiệt thòi, bất lực lớn đến thế nào.
2/ Những câu thơ hay nhất của Thanh Tùng về rượu: “Những em gái thập thò sau khung cửa/ Ánh mắt như màu rượu lâu ngày”, “Không có tôi rượu sẽ bơ vơ”...
Về Hà Nội: Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận/ Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu, máu vẫn âm thầm chảy/ Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân/ Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác/ Tôi lại về đánh cắp/ Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên/ Dẫu một mảnh lá vàng còn ướt nước Hồ Gươm/ Tôi rung lên mỗi khi chạm bóng cửa ô/ Như được chạm vào vai gầy áo mẹ...
Đặc biệt khi bài thơ này, Hà Nội ngày trở về được Phú Quang phổ nhạc, câu thơ có vẻ bình thường “vội vã trở về vội vã ra đi” trở thành ca từ đắt giá, đến nỗi lúc trà dư tửu hậu, giới nghệ sĩ còn “rách việc” bầu ai hát câu này hay nhất. Nghe đâu nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn được nhiều người ủng hộ, là hát nghe “vội vã” nhất, Hà Nội nhất!
Nhà thơ Thanh Tùng (trái) và nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Thanh Tùng có xê-ri thơ về mùa thu, những câu không giống ai: Chỉ mùa thu mới cất em sâu đến thế/ Sớm nay em bỗng trở về/ Em vụt tới rung cây đổ lá/ Bốc bụi mờ trắng cả bao la...
Sống phần lớn cuộc đời ở thành phố thợ, chất thợ thuyền đậm đặc nhưng đọc cẩn thận Thanh Tùng, có thể nhặt ra hàng trăm câu thơ sang trọng, ám ảnh: “Biển vật vã như đang đau đớn/ Giống ngày nào em bỏ tôi/ Thế ai bỏ biển đi mà biển vậy?”; “Ai bỏ tôi đi thế này/ Tôi bỏ ai đi thế này/ Kẻ nào đã nuốt hết gió/ Cho buồm chẳng thể ra khơi”; “Em đạp lên tất cả/ Rồi ngã vào anh theo cách ngã của mùa thu”; “Gặp về không ngủ nổi/ Hóa ra tình cũ rót vào nhau”; “Không còn ánh đêm cho mình nương tựa/ Không còn ánh ngày cho mình gặp gỡ”. “Mũi dao ngày xưa/ Nhưng có sao khi trái tim tôi đã thành bình rượu/ Cả mũi dao cũng đã say mềm”; “Anh đã ra đi/ Gió nói thế và hoa nói thế/ Cỏ mang thơ vào cõi xanh ta”. Vân vân.
3/ Thanh Tùng sớm nổi tiếng ở Hải Phòng nhưng vinh quang chỉ thực sự đến với ông khi bài thơ Thời hoa đỏ được Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc. Cả hai đều vững vàng ở đỉnh cao chói lọi mấy chục năm nay bởi Thời hoa đỏ đích thị là tuyệt bút.
Hơn hai chục năm trước gặp Nguyễn Đình Bảng tại tòa soạn, không thể hình dung con người chân chất bình dị như thế lại có một ca khúc đằm sâu sang trọng toàn bích như Thời hoa đỏ. Những câu hay nhất của Thanh Tùng được chắt lọc vào đây. Trước Thời hoa đỏ, Nguyễn Đình Bảng có Cơn mưa em bất chợt - xuất sắc. sau Thời hoa đỏ thì có Khỏa trần Trường Sơn cũng lạ lẫm cả về tứ và giai điệu.
Thời hoa đỏ dễ hát nhưng không ai có thể hát như Lệ Thu. Sâu thăm thẳm. Bản phối hoàn hảo (Lệ Thu - ca sĩ người miền Nam, lấy chồng Pháp định cư ở Pháp chứ không phải Lệ Thu ở Mỹ, cùng thời Khánh Ly). Nghe hát thấy kính trọng, không chỉ yêu mến.
Đời làm thơ, làm nhạc, làm ca sĩ như ba vị Thanh Tùng, Nguyễn Đình Bảng, Lệ Thu chỉ cần có một Thời hoa đỏ bất hủ, là trở nên bất diệt. Huống hồ họ không chỉ có vậy.
Nguyễn Đình Bảng nhiều năm nay sống lặng lẽ đâu đó, không ai gặp được ông. Còn một người thơ như Thanh Tùng khiến người khác cũng trở nên hay hơn, thú vị hơn khi viết, hoài niệm về ông. Một thi hữu tả Thanh Tùng thế này: “Đã Hải Phòng hóa tâm hồn mình thành những kiệt tác”. “Kể cả khi định cư ở phương Nam thì thơ Thanh Tùng vẫn thở dưỡng khí biển, uống cạn những ngõ phố hun hút như một chai rượu không đáy Hải Phòng. Ngay nỗi cô đơn cũng là nỗi cô đơn ngáo ngổ Hải Phòng”... Thanh Tùng, ca độc lạ của thi đàn Việt Nam, và của Thời hoa đỏ bất diệt.
Theo VI KHANH / Báo TIỀN PHONG