Trung tướng Phùng Khắc Đăng
Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam
Tham luận Hội thảo Khoa học Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng
Lăng thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Nội
Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương, ông vua xứ Đoài, vị vua họ Phùng là tên gọi yêu mến mà dân chúng dành cho một vị vua. Ông là một nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng đôi khi lại được thần thánh hoá, điểm tô thêm một màu huyền thoại, có lẽ đấy là lòng dân kính trọng Đức vua.
Phùng Hưng là một nhân vật lịch sử, điều đó không cần bàn luận, theo các tài liệu mà chúng ta hiện có như: Việt điện thông giám cương mục; Đại Việt sử ký; Đại Việt sử ký toàn thư; Việt điện u linh... cùng nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu lịch sử, các học giả có tên tuổi trong và ngoài nước như Trần Trọng Kim, Hoàng Đạo Thuý, Đào Duy Anh, Trần Quốc Vượng, Văn Tân và các nhà nghiên cứu sau này, thì thấy có nét chung là: Phùng Hưng xuất thân dòng dõi quí tộc, có nguồn gốc lâu đời ở Đường Lâm - Sơn Tây. Tên tự là Công Phấn, cháu bảy đời của cụ Phùng Trí Cái, người đã từng được vua Đường mời vào cung thết tiệc, điều này chứng tỏ cụ tổ của Phùng Hưng phải là người có vị thế trong xã hội đương thời như thế nào mới được vua Đường trọng vọng là vậy.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt nam phát biểu Tham luận tại
Hội thảo Khoa học Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng
Chính sử còn bỏ ngỏ ngày tháng năm sinh của ông, nhưng dân gian và dã sử lưu truyền lại ông sinh ngày 25-11-761và mất 13-9-802, thọ 41 tuổi. Ông có hai người em trai là Phùng Hải và Phùng Dĩnh, các em của ông đều là người có sức vóc và trí tuệ hơn người. Chính hai người em của ông là những người đã hợp sức bàn mưu, sát cánh cùng ông tập hợp lực lượng, động viên nhân dân vùng lên chống ách đô hộ hà khắc của nhà Đường, đỉnh cao là dẹp xong bọn giặc Cao Chính Bình. Ông chỉ huy, chiếm lĩnh thành, khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc và Phùng Hưng xưng Vương. Sự thống nhất trong lịch sử mà chúng ta biết đến, ông ở ngôi Vương được bảy năm thì mất. Lăng mộ của Phùng Hưng chôn cất tại khu vực Nội thành, ngày nay thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội, trên đề bốn chữ “Phùng Hưng Cố Lăng”, dân thường gọi “Lăng cũ Phùng Hưng”. Cái chết của ông đã xảy ra cuộc tranh giành quyền kế vị giữa em ông là Phùng Hải và con ông là Phùng An. Cuối cùng, Phùng An đã giành được ngôi vương. Chú cháu bất đồng, sức mạnh suy yếu, quan quân nhà Đường đã nhân cơ hội này dùng kế li gián, khoét sâu mâu thuẫn của chú cháu họ Phùng, mặt khác đã dùng tiền bạc cộng với sự hù dọa. Phùng An đã hèn nhát qui hàng nhà Đường, chấm dứt 9 năm cầm quyền của chế độ do Họ Phùng cai trị.
Hội thảo Khoa học Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp
Về tên gọi của ông, mặc dù đã có sự đồng thuận, Phùng Hưng, Bố Cái Đại Vương, Phùng Bố Cái... Tuy nhiên, về xuất sứ của danh xưng và nguồn gốc của nó vẫn còn có những luận bàn? Ai đặt tên Bố Cái Đại Vương? Theo dân gian lưu truyền thì, khi dẹp xong giặc Chính Bình, trong lễ thưởng công, quần thần hoan hỉ, Phùng Hưng hỏi rằng: Nhà Đường hiện nay chức gì to nhất? Các quan lần lượt tấu trình, nhà Đường hiện nay chức Đại Vương to nhất. Phùng Hưng cười vang và nói vậy ta xưng Bố Cái Đại Vương. Dã sử thì lưu truyền lại, khi Phùng Hưng mất, con trai ông là Phùng An sau khi kế vị đã phong danh hiệu Bố Cái Đại Vương cho ông. Còn theo Khâm sử Việt điện cương giám, thì cái tên Bố Cái Đại Vương là do nhân dân biết ơn công lao to lớn của ông mà tôn ông như cha mẹ mà đặt nên cái tên Bố Cái Đại Vương lưu truyền rộng rãi trong dân. Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có ghi, sứ thần Lê Tung gọi Phùng Hưng là Phùng Bố Cái, điều này giúp ta có quyền tồn nghi một giả thiết: Phùng Hưng và vùng đất cổ có nguồn gốc Việt- Mường, bởi theo tiếng Mường, Bố có thể hiểu là Bua, mà Bua trong tiếng Mường chính là vua, còn từ cái ngoài cách hiểu là mẹ còn có nghĩa là lớn. Vậy gọi Phùng Bố Cái còn được hiểu là ông vua lớn, thời bấy giờ, Phùng Hưng đã cứu dân thoát khỏi khổ nạn xâm lăng thì dân chúng và sứ thần gọi ông là vua lớn xem ra có lý.
Tuy còn có sự khác biệt nhỏ về nguồn gốc, xuất xứ tên gọi của Đức vua thông qua nhiều cách diễn giải khác nhau của dân gian, các tư liệu hiện có và các nhà nghiên cứu lịch sử, song đều có sự thống nhất cao ít bàn luận đó là Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương một cái tên thân thuộc, gần gũi, mặc dù ông mất cách chúng ta hơn 1200 năm, nhưng những người dân đất Việt vẫn cảm thấy ông hiện hữu với đời. Họ biết đến ông là một vị vua vì dân, vì nước, có công đánh đuổi giặc Đường. Nhìn thấy dặng duối cổ đều biết rằng đấy là nơi cột ngựa, cột voi trận của vua. Ông cũng là vị vua linh thiêng trong tâm thức của dân. Ông chính là Bố Cái Đại Vương, là vua lớn và là cha mẹ của dân.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng chụp ảnh lưu niệm với các Đại biểu
tại sân Nhà Bái đường - Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội
Xin được trích đôi câu đối ở nơi thờ tự ông do nhà văn Đặng Văn Sinh dịch:
Giặc Bắc dẹp yên, khai mở non sông cho vạn đại
Nước Nam tưởng nhớ, tôn cha mẹ bia tạc lòng dân
Còn về quê quán, như đã nói ở trên, Phùng Hưng sinh ra trong một gia đình có dòng dõi quí tộc, quê gốc Đường Lâm - Sơn Tậy. Tuy vậy trong giới nghiên cứu lịch sử vẫn còn những ý kiến tồn nghi.
Theo một nhà nghiên cứu nước ngoài có tên là Chamberlain1“Ông cho rằng: Nguồn gốc thực sự của Phùng Hưng vẫn còn là một bí ẩn. Cụ Đào Duy Anh và một số học giả sau này cho rằng: Đường Lâm và xuất xứ họ Phùng thuộc Châu Ái, hoặc nằm giữa Thanh Hoá - Nghệ An. Các ông cho rằng có tiếp cận thư tịch cổ của Trung Quốc, các ông cũng phê phán sự ngụy tạo của bia ký Triều Nguyễn, các văn bia này quá chú trọng nhiều đến "dị tích, huyền tích, sử liệu của triều Nguyễn và niềm tin dân gian" và Đường Lâm, Sơn Tây là quê hương của Phùng Hưng mới trở thành chân lý từ bài viết tuyên bố năm 1967 của Giáo sư Trần Quốc Vượng". Trong cuốn Đất Việt qua các đời xuất bản năm 1964, trang 84, cụ Đào Duy Anh còn có ý ghi chép dưới triều Nguyễn là nhầm. Đường Lâm phải là châu Phúc Lộc nằm tại nam Hà Tĩnh. Cụ Văn Tân cũng đồng tình với cụ Đào Duy Anh. Trong bài viết Vài sai lầm tư liệu của Sử ký toàn thư, ông cũng cho rằng Ngô Quyền là người châu Phúc Lộc, không phải ở Sơn Tây. Nhà nghiên cứu Tạ Đức đã dẫn cuốn Chim Hồng - hình ảnh về phương Nam thời Đường dẫnsử liệu Trung Quốc của học giả Schaper in năm 1967, trang 61-69 thì cho rằng, dân bản địa nổi lên chống nhà Đường chủ yếu ở vùng Ung Châu, nhất là vùng giữa Quảng Châu và Hà Nội, vai trò nổi bật là hai dòng họ Phùng - Ninh. Họ Phùng có thế lực nổi nhất giữa vùng Quảng Châu và Hà Nội. Nếu dựa vào lời dẫn của nhà nghiên cứu Tạ Đức mà suy ra, Đường Lâm không thể ở vùng Thanh- Nghệ-Tĩnh được.
Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng: "Đường Lâm vùng đất cổ - người xưa. Đường Lâm tựa lưng vào núi Tản, mặt ngoảnh nhìn non nước Tích - Đà, Đường Lâm sẽ trường tồn và phát triển cùng đất nước". Nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã viết Đường Lâm là quê của Phùng Hưng.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn, ông cho rằng hiện đang có ba loại ý kiến mà các nhà nghiên cứu cần lưu tâm. Loại ý kiến thứ nhất đó là "Đường Lâm đã bị khuất lấp trong lịch sử, chỉ nằm trong bán kính của dãy Ba Vì" cũng theo ông, một số nhà nghiên cứu đã đi tìm nguồn gốc hai từ "Bố - Cái" qua văn học, qua lịch sử, qua thư tịch cổ, qua truyện dân gian của vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, thì hai từ Bố Cái không thấy xuất hiện ở đó, mà chỉ thấy nhắc đến nhiều ở vùng đất cổ Sơn Tây, đặc biệt là Đường Lâm. Loại ý kiến thứ hai, theo ông Sơn là của học giả Hoàng Đạo Thuý, cho rằng dòng tộc Phưng Hưng ban đầu ở Đường Lâm, Châu Trường "Yên Thuỷ - Lạc Thuỷ, Hoà Bình", sau khi bố Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh mất, Phùng Hưng đã chuyển nơi cư trú về chân núi Ba Vì. Việc chuyển này có thể do yêu cầu của lựa chọn căn cứ kháng chiến của nghĩa quân, phù hợp với việc điều binh, phối hợp các lực lượng vây đánh thành do Cao Chính Bình cai quản. Loại ý kiến thứ ba, mà đại diện là cụ Đào Duy Anh đã nói ở phần trên. Như vậy, giả thiết về quê gốc của Phùng Hưng mà các nhà nghiên cứu đưa ra ở Đường Lâm có những hạt nhân hợp lý. Từ những dẫn chứng trên, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về sự phân bố của họ Phùng trên lãnh thổ Việt Nam, mặc dù chưa có một cuộc điều tra cụ thể, song họ Phùng được phân bố dày đặc xung quanh vùng Ba Vì, các huyện của vùng đất xứ Đoài, Hà Đông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, còn Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái,Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn…, đều rải rác có người họ Phùng sinh sống. Chúng tôi cũng thử tìm hiểu các dòng họ Phùng sống ở Phương Nam, tuy chưa được nhiều, nhưng ở các tỉnh như Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng, Gia Lai, Đồng Nai, Bến Tre, Tây Ninh... thì đều nhận được câu trả lời là từ phía Bắc vào lập nghiệp, có nhiều ý kiến nói từ Sơn Tây vào. Căn cứ vào các ý kiến của các nhà nghiên cứu, với văn hoá tập tục truyền thống, sự phân bố nơi sinh sống của họ Phùng Việt Nam, ta có thể suy đoán quê của Phùng Hưng - Ngô Quyền nhiều khả năng nằm ở vùng đất Xứ Đoài.
Về chiến tích và công lao của Phùng Hưng đánh giặc cứu dân trong củng cố, xây dựng đất nước, theo các tài liệu sử học mà chúng ta còn lưu giữ được, qua các nghiên cứu mới của các học giả trong, ngoài nước, trong tục lệ thờ cúng của nhân dân, thì hầu hết đều ca ngợi công đức của Bố Cái Đại Vương. Ông là vị vua sống hết mình vì dân, vì nước. 24 năm cùng nhân dân làm một cuộc kháng chiến trường kỳ, chống áp bức, chống chế độ cai trị hà khắc của nhà Đường, mang lại độc lập tự chủ cho dân Việt dù thời gian ngắn nhưng đã nói lên ý chí quật cường của dân tộc, của đất nước ta thời đó, nêu một tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Sau khi mất, đức vua đã nhiều lần hiển linh phù trợ cho dân, cho nước, cho các bậc quân vương đánh giặc cứu dân. Theo Tiến sĩ Phùng Thảo: Ông được dân suy tôn là thành hoàng và được thờ tại các đình làng khá dày ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, số sắc phong tôn vinh là Thượng Đẳng Thần của các triều đại phải tính đến hàng trăm, đơn cử như tại đình làng Thổ Khối, xã Cự Khối, huyện Gia Lâm có 17 sắc phong thần cho Bố Cái Đại Vương. Đền Lộc Điền, Việt Hùng, Vũ Thư, Thái Bình có 14 sắc phong... Nhà sử học Ngô Sĩ Liên khi biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, ông đã viết về Bố Cái Đại Vương như sau: "Phùng Bố Cái là người anh hào ở đất Đường Lâm, ghét sự tàn ngược của Cao Chính Bình. Anh em thừa thời quật khởi, cứu dân dẹp loạn, ban đức lập công, có thể gọi là bậc vua nhân hậu" ... "Bố Cái Đại Vương là vị vua dũng lực, cũng là anh hùng một thời".
Phưng Hưng dấy nghiệp, sự kiện dù đã cách xa thời chúng ta đang sống đến hơn 1200 năm nhưng khi nói đến, trong dân vẫn cảm thấy ông luôn bên mình, gần gũi với mình. Nhắc lại câu ca dao xưa ta càng thấy đúng:
Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Chúng ta tự hào đất Việt sinh ra một vị vua đáng bậc Quân Vương. Ông là một vị vua hết lòng vì dân, vì nước. Ông để lại tấm gương sáng cho muôn đời con cháu noi theo. Đất Đường Lâm là nơi lập thân, dựng nghiệp và cuộc chiến do ông lãnh đạo phải là một cuộc kháng chiến trường kỳ không phải chỉ là một cuộc khởi nghĩa nhất thời.
Tài liệu tham khảo:
- Việt Nam sử lược;
- Đại Việt sử ký toàn thư;
- Tư liệu của Nhà nghiên cứu Tạ Đức;
- Bài viết của Tiến sĩ Phùng Thảo;
- Bài viết của Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn.