(Thứ năm, 17/03/2022, 08:54 GMT+7)
Từ Lời thề Độc lập mùa thu năm 1945, đến nay đã gần 80 năm, Việt Nam đã từng bước phấn đấu theo lời dạy của Bác Hồ, có vị thế đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, vững chắc hơn trên trường quốc tế. Đóng góp vào thành quả lớn lao ấy, không thể không nhắc đến thành tố văn hóa chính trị, một vẻ đẹp được bắt nguồn từ lịch sử. 
 
1/ Lịch sử của dân tộc ta là một tiến trình đầy những thử thách gian nan. Đó cũng là nguyên nhân lớn lao định hình, phát triển văn hóa chính trị của Việt Nam không chỉ mạnh mẽ, quật cường mà còn hết sức mềm mại, uyển chuyển. Câu thơ “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” của Nguyễn Trãi dường như làm toát lên tinh thần này.
 
Cội nguồn cho văn hóa chính trị từ cội nguồn lịch sử, từ thời Hùng Vương, tiếp đến An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng giành độc lập dân tộc, Ngô Quyền lập quốc, Đinh Tiên Hoàng đến các triều Lý - Trần - Lê - Nguyễn dựng xây nước Đại Việt hùng cường, xác lập võ công, văn hiến, thảy đều có được và dày thêm các giá trị văn hóa, bồi bổ cho việc xây dựng, củng cố các triều đại. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, văn hóa chính trị Việt Nam càng sâu dày thành tựu, đặc biệt qua công cuộc lãnh đạo nhân dân, dẫn dắt nhân dân. Văn hóa chính trị Việt Nam tiếp nhận những tinh hoa truyền thống của dân tộc, của nhân dân để vươn mình trưởng thành, trở thành một bộ phận, một phương diện của văn hóa nói chung, góp phần làm đầy đặn hơn, phong phú hơn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bác Hồ từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” vừa giản dị vừa tầm vóc. Chính văn hóa đã góp phần quan trọng quy định các chuẩn mực chính trị. 
 
2/ Có thể có chuẩn mực chính thức và chuẩn mực phi chính thức. Chuẩn mực chính thức là những quy tắc được viết thành văn, chẳng hạn như hệ thống luật pháp, các quy định chính thức. Bên cạnh đó, còn có các chuẩn mực phi chính thức, góp phần chi phối hành vi của từng thành viên trong xã hội, như: các tập quán, truyền thống chính trị, và đôi khi đó là “thói quen của trái tim” được truyền dẫn từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 
Và do vậy, văn hóa chính trị cũng là nền tảng của hệ thống chính trị, là cơ sở để liên kết hệ thống chính trị, công dân trong xã hội với nhau. Trong một cộng đồng, khi người dân có sự chia sẻ về niềm tin và giá trị, trong đó có các niềm tin và giá trị chính trị, thì một cách tự nhiên, họ sẽ trở thành một khối thống nhất.
 

Văn hóa Việt Nam nhận vào những tinh hoa truyền thống của dân tộc. Ảnh: ANH QUÂN
 
Văn hóa chính trị Việt Nam có sự biểu hiện sâu sắc với lòng yêu nước và ý thức dân tộc rất cao của mỗi con người Việt Nam. Trong mỗi giai đoạn, tư tưởng yêu nước lại có những biểu hiện khác nhau do tính lịch sử quy định. Mỗi thời kỳ phát triển của lòng yêu nước và ý thức dân tộc lại nổi lên những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa. Tư tưởng yêu nước của họ đại diện cho cả một giai đoạn phát triển của lịch sử như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh… Chủ nghĩa yêu nước biểu hiện cao độ ở việc luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên, sẵn sàng hy sinh vì độc lập của Tổ quốc. Trải qua các biến thiên của lịch sử, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc vẫn tồn tại một cách bền bỉ theo thời gian. Kế thừa và tiếp thu những giá trị tinh hoa của dân tộc và thời đại, trong giai đoạn cách mạng hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Khẩu hiệu này đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân Việt Nam nên đã có sức lan tỏa rộng lớn. Vì đây là một giá trị chính trị được cả xã hội và nhân loại đề cao, nên qua năm tháng nó trở thành một quy phạm đạo lý chính trị của người Việt Nam.
 
3/ Theo lẽ thông thường, cuộc sống của chúng ta luôn phải đối đầu với những khó khăn, thách thức nảy sinh từ thực tiễn. Thực tiễn sôi động từng phút, từng giây, đòi hỏi những quyết sách mới linh hoạt. Văn hóa chính trị của chúng ta đang phải giáp mặt với vô vàn khó khăn. Từ thực tiễn phong phú và không ít câu hỏi nan giải của mình, chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp đúng đắn, sáng tạo. Nhưng thực tế, vẫn luôn có những điều đau đáu khiến người dân, xã hội luôn phải nêu lên những ý kiến góp ý, phản biện, thậm chí có cả những hồ nghi, băn khoăn trước những vụ việc, hiện tượng, thực trạng nào đó liên quan đến công tác quản lý xã hội, đến đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trong hệ thống chính trị của đất nước, địa phương, cơ sở. 
 
Đó là một phần câu hỏi cho vấn đề tại sao văn hóa chính trị Việt Nam luôn cần phải bồi bổ, vun đắp, tiếp tục xây dựng, củng cố các giá trị tốt đẹp đã định hình trong lịch sử và phải tiếp tục đổi mới, phát triển trong hiện tại, nhạy cảm trước thời cuộc.
 
Văn hóa chính trị Việt Nam còn biểu hiện ở thành tố gia đình. Gia đình là nơi giáo dục chính trị - xã hội đầu tiên và lâu dài nhất, do vậy, có nhận định trong giới khoa học cho rằng, việc quan tâm đến các giá trị của gia đình là bước đầu tiên khi nghiên cứu một hệ thống chính trị nào đó. Gia đình trang bị cho trẻ em các thông tin, các giá trị, các tư tưởng và chúng khắc sâu trong ký ức của trẻ. Gia đình có một tác động đáng kể đến các quan điểm về các vấn đề chính trị cụ thể nào đó. Tình yêu Tổ quốc, các quan điểm chung về vấn đề chủng tộc, dân tộc cũng được phát triển ngay từ trong gia đình.

Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai
Nguồn: Thời Nay
https://nhandan.vn/baothoinay-vanhoavannghe/boi-dap-phat-trien-van-hoa-viet-nam-688387/