Tương tự như các thể văn chiếu, cáo nhưng hịch thường được dùng trong lĩnh vực quân sự có nội dung lên án, tố cáo kẻ thù, trên cơ sở đó mà răn dạy, kêu gọi, phủ dụ mọi người cùng đứng lên xóa bỏ tội ác. Người ta tìm thấy tên gọi của thể loại hịch sớm nhất có trong Sử ký của Tư Mã Thiên. Văn bản hịch sớm nhất có trong Văn tuyển của tác giả Tiêu Thống có tên Dụ Ba Thục hịch - tác giả Tư Mã Tương Như (đời Hán Vũ đế)...Từ đó về sau tên gọi, hình thức, nội dung của hịch hầu như không thay đổi.
Ở ta hịch còn được gọi lộ bố có nghĩa công khai, để ngỏvấn đề cho mọi người biết, không phân biệt ai, cả ta, cả địch. Lý Thường Kiệt có Lộ bố phạt Tống tiêu biểu cho cấu trúc lời văn hịch: kể tội giặc Tống và tuyên bố đánh Tống để cứu dân. Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo có tên đầy đủ là Dụ chư tỳ tướng hịch vănlà bài hịch tiêu biểu sinh động nhất, trong đó thể hiện khá đầy đủ các yêu cầu đặc trưng của hịch. Mục đích chính của hịch là kêu gọi, khích lệ nên bản chất của hịch phải mang tính kích động. Tất cả, từ câu văn đến chi tiết, cấu trúc văn bản đều nhằm toát lên tính kích động. Đọc xong một bài hịch người ta thấy như muốn vùng đứng dậy làm một việc gì đó mạnh mẽ, ý nghĩa...Thời hiện đại hịch chính là Lời kêu gọi...Ở thời điểm ra đời, các Lời kêu gọi...của Bác Hồ có tác động mạnh mẽ đến người đọc. Ta thấy cấu trúc các Lời kêu gọi của Bác cũng tương tự như hịch.
Hịch mang tính “liên văn hóa” rất rõ bởi các lý do: viết ra cho mọi người đọc, mọi người hiểu, phía ta đọc thì phấn khích, phía giặc đọc thì lo sợ. Tất yếu phải dùng “mã văn hóa” chung, từ kết cấu, nhân vật, hình tượng, lời văn...Ngoài các tư liệu cổ, hịch chỉ còn thấy trong các tiểu thuyết lịch sử, mà hiện nay một tác giả dùng thành công là nhà văn Phùng Văn Khai. Dưới đây là sự chứng minh ở một vài yếu tố cụ thể.
1. Điểm tựa đạo lý
Để kêu gọi, phủ dụ, huấn dụ, răn dạy người khác phải có điểm tựa cảm xúc, mà trong quân sự thì tốt nhất là điểm tựa đạo lý. Như là một mẫu mực, các thể thơ văn chiếu, cáo, hịch thường mở đầu là đạo lý (như trong Cáo bình Ngô: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”). Thường là đạo lý ở đời và làm người, phải “thay trời hành đạo”, làm người là phải gánh vác việc nước (Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách –Nước nhà mất còn trách nhiệm thuộc về người trai). Tác giả Phùng Văn Khai nắm chắc yêu cầu này nên có những “điểm tựa” thuyết phục:
“… Nay ta vâng mệnh trời đất, tổ tiên, nòi giống An Nam quyết giương cờ nghĩa;
… Nay ta soạn hịch văn này, trước là kính cáo trời đất, tổ tông, anh linh các bậc tiên liệt từng dựng nước, đánh giặc mong đấng cao xanh phù trợ; sau là bày tỏ tấm lòng với muôn dân sĩ tốt hãy quyết chí bền gan vùng lên đánh đuổi giặc Đường. (Trích Phùng Vương, HỒI THỨ HAI MƯƠI LĂM, trang 394-395)
- Hỡi linh khí núi sông, tổ tiên đất trời sông biển!
- Hỡi các vị phụ lão hương thân châu mục bốn phương!
- Hỡi chúng tướng! Hỡi ba quân tướng sĩ!
- Hỡi muôn dân Giao Chỉ, An Nam! (Trích Ngô Vương, HỒI THỨ MƯỜI BỐN, trang 382-385)
Trời không dung, đất không tha kẻ ác.
Người Giao Châu quyết rửa mối cừu thù.
Nay ta vì nghĩa giương cờ phục quốc, trước là kính cáo các liệt tổ liệt tông anh hùng đất Giao Châu được biết; Sau quyết cùng muôn dân trong toàn cõi, cầm giáo gươm đánh đuổi lũ ác tặc tham tàn.
Người Giao Châu nòi giống Tiên - Rồng, quyết không chung trời với bọn cáo cầy phương Bắc.
Từ thượng cổ vua Hùng Vương dựng nước, mười tám đời đã trải mấy trăm năm. (Trích Nam Đế Vạn Xuân, HỒI THỨ CHÍN, trang 311-313)
Chúng ta thấy ba ví dụ trên đều đủ các “điểm tựa” cơ bản: Trời đất, tổ tiên, giống nòi... Đặt trong bối cảnh tiểu thuyết lịch sử này cần ghi nhận các ý thức nghệ thuật của tác giả: Một là, trong cấu trúc thể loại, các điểm tựa này thường đặt ở phần mở đầu bài hịch, nhưng với bạn đọc hiện đại, nhà văn linh hoạt để sự tiếp nhận thoải mái hơn, khi ở vị trí mở đầu, khi ở vị trí giữa, tùy vào nội dung và đối tượng (kẻ thù). Hai là, tạo dựng không khí cổ xưa qua ngôn từ mang sắc thái biểu cảm cao, đặc biệt là dùng nguyên các từ cổ và từ Hán Việt: anh linh, tiên liệt, đấng cao xanh...
2. Tố cáo tội ác “trời không dung, đất không tha” của quân xâm lược
“Nay ta vâng mệnh trời đất, tổ tiên, nòi giống An Nam quyết giương cờ nghĩa; lại xét thấy giặc Đường kia quá tham lam tàn bạo, ức hiếp dân ta trăm bề mà kể tội chúng, hiệu lệnh muôn dân đứng chung dưới cờ, cùng nhau đánh đuổi giặc Đường.
Trương Thuận, Trương Bá Nghi nửa đêm giết con đỏ cụ già ở Hoan Châu, Ái Châu khiến lòng dân phẫn uất. Thang Ân Bá, Trương Phóng ban ngày quật mồ mả tổ tiên các vua ta ở Phong Châu tội lỗi chất chồng. Tội ác giặc Đường đất trời không dung; nỗi nhục dân ta tới ngày phải rửa. (Trích Phùng Vương, HỒI THỨ HAI MƯƠI LĂM, trang 394-395)
Tên phản thần Kiều Công Tiễn vốn ăn lộc chúa ta, làm tướng ở La thành. Trong được chúa tin dùng cho nắm binh quyền, còn cho làm nghĩa tử; ngoài được Kiều công căn dặn yên phận thần tử, còn cho quân bản bộ Phong Châu xuống canh giữ cửa thành. Vậy mà hắn vì tham hư danh đã ủ mầm phản loạn. Trên trái mệnh trời giết chúa, dưới lừa muôn dân làm tội thần, thật muôn ngàn lần đáng chết.(Trích Ngô Vương, HỒI THỨ CHÍN, trang 258-261)
- Hán đế Lưu Cung ôm mộng bá vương, mấy lần vô cớ đem binh xuống tàn sát dân ta, bày đặt mưu gian bắt chúa ta đưa về Bắc quốc, nhục mạ tổ tiên chém giết người yêu nước, mượn cớ gian thần lộng hiểm gây nạn binh đao. Nay lại nghịch mệnh trời đem binh xuống An Nam cướp phá. (Trích Ngô Vương, HỒI THỨ MƯỜI BỐN, trang 382-385)
Kể tội tức phải phơi bày ra những tội ác để mọi thấy mà ghê tởm, khinh ghét, căm hờn. Nhà văn đã “bắt” trúng cái “mạch” tội giặc, như ba ví dụ trên: Tội giết người lừa trời; tội tham hư danh; tội phản tặc; tội nhục mạ dòng giống tổ tiên vinh quang (của ta).
3. Nỗi khổ điêu linh của dân lành dưới ách ngoại xâm
An Nam ta mấy chục năm ròng xiết bao cơ cực, lầm than. Trước là nạn Trương Thuận bức dân đắp La Thành người chết hàng vạn, phu phen tạp dịch cùng đường phải trốn chạy nơi rừng xanh núi đỏ còn chưa dứt. Sau đến nạn Trương Bá Nghi đặt mưu gian kế hiểm bắt dân các vùng chặt gỗ đóng thuyền, xẻ núi đắp thành đồng ruộng bỏ hoang. Phàm những việc xuống biển, lên rừng coi mạng người như cỏ rác dân An Nam đều phải thực thi không được chậm trễ. Nào là sản vật, rượu ngon, thợ giỏi, gái đẹp, bạc vàng đều phải cống nạp về Đường triều không biết bao nhiêu cho đủ.(Trích Phùng Vương, HỒI THỨ HAI MƯƠI LĂM, trang 394-395)
Suốt mấy chục năm ròng, Vũ Lâm hầu Tiêu Tư thừa mệnh Lương triều xuống Giao Châu trị nhậm. Những tưởng Hầu gia theo gương Sĩ Vương thuở trước, kính Phật, yêu dân, mở rộng giao thương, trồng trọt cấy cày, khai khẩn đất hoang, dẹp trừ giặc cướp, đặng giúp chúng dân no đủ, yên hàn.
Nào ngờ cũng bấy nhiêu năm, họ Tiêu dung túng quan quân, đè đầu cưỡi cổ bách dân, phỉ báng chốn thiền môn, thuế khóa nặng nề, xa rời chính đạo, chỉ ưa riêng mình hưởng lạc xa hoa, bỏ mặc dân tình thập phần đói khổ.
Kìa bữa trước, người già không có tội, cũng giữa ban ngày vô cớ giết nơi cổ tự Luy Lâu.
Lại gần đây, bảy mươi ba hương trưởng có công, cũng ngầm sai lính đào hầm chôn sống hết(Trích Nam Đế Vạn Xuân, HỒI THỨ CHÍN, trang 311-313)
Chỉ cần qua các lời hịch này trong các tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai cũng có thể hình dung thân phận dân ta bị các ách mà bọn xâm lược phương Bắc tròng vào cổ: vô cớ bị giết, có lối giết của quỷ dữ “bảy mươi ba hương trưởng có công, cũng ngầm sai lính đào hầm chôn sống hết” - Có công với chúng còn bị chúng giết, lại còn giết người già nơi linh thiêng, thì chỉ có ở quỷ dữ không còn tính người, tình người; bóc lột tàn hại nặng nề bởi thuế khóa; phu phen, tạp dịch làm cho “thập phần đói khổ”.
Các dẫn chứng này không cần nhiều về số lượng nhưng cần một giá trị biểu cảm cao, ở sự chọn lọc, ở sự tiêu biểu, ở lối hành văn giàu cảm xúc. Tác giả đã làm tốt tiêu chí ấy!
4. Quyết tâm tướng sĩ đồng lòng diệt giặc thù
Nay ta cầm gươm gạt lệ, vì chúa công thống suất ba quân, vì muôn dân nguyện bắt nghịch thần, trước là giữ giềng mối cương thường của nước, sau là tỏ rõ tấm lòng trung hiếu với Dương gia, giúp yên ổn các châu trong cõi. Đó cũng là thực hiện tâm nguyện suốt đời của chúa công vậy.
Bớ tướng sĩ ba quân!
Ta thân dẫn binh đi, chỉ hỏi tội phản thần Kiều Công Tiễn và đồng đảng, truyền kể hịch này phân rõ trắng đen. Người Phong Châu là cùng một nước không được giết bừa; binh tướng Phong Châu hiểu lẽ phải theo về đều là anh em một nhà với chúng ta không phân biệt đối xử. Các ngươi hãy ghi nhớ điều đó.
Binh tướng Ái Châu, Hoan Châu vì đại nghĩa thảo phạt nghịch thần.
Ngô tướng ta vì muôn dân quyết trừ phản tử.
Hẹn ngày ba quân cùng ta vào La thành tế chúa.
Khóc rỏ máu mắt, xin tỏ rõ tấc lòng riêng.(Trích Ngô Vương, HỒI THỨ CHÍN, trang 258-261)
Phần “quyết tâm” này, ở các văn bản cổ không nhất thiết phải có bởi nó đã toát ra từ sự kể tội, từ sự nêu ra nỗi khổ sở lầm than. Nhưng khi cần thiết phải tác động tức thời, mạnh mẽ, các tác giả vẫn cho xuất hiện “cái tôi”. Nhưng phải đảm bảo các yếu tố: chân thật, rung động, thuyết phục. Bởi nếu không dễ rơi vào thừa thãi, làm giảm sự hưng phấn có ở toàn bài. Dẫn chứng trên cho thấy sự ý thức “tiết chế” của Phùng Văn Khai, dùng ít nhưng đã dùng thì phải đảm bảo các yêu cầu phải có. Ví dụ trên đặt trong bối cảnh tiểu thuyết Ngô vương, sự xuất hiện trực tiếp của “Ngô tướng ta” là cần thiết, vì: là chủ tướng trực tiếp cầm gươm ra trận. Sự có mặt này có tác dụng khích lệ “ba quân” rất lớn. Ngoài “thân”, tức trực tiếp ra trận, chủ tướng cần có “lời” (hịch) để “ba quân” “tiếp nhận” (về người chủ tướng) một cách đầy đủ, toàn diện hơn (cả thị giác, thính giác)...
5. Khích tướng (quân ta) /khiêu khích (quân giặc)
“- Binh tướng An Nam ta nào đâu dám tranh hùng thiên hạ. Mới vừa rồi phải nghiến răng trừ phản thần họ Kiều, để tang Dương chúa. Chỉ mong được thái bình, đặng yên ổn nông tang. Dám đâu hám đao binh, để đói khổ cha già con đỏ.
- Vậy cớ gì kẻ kia cậy đông hiếp yếu? Trời đất nào dung thứ cuồng vọng thâu tóm An Nam thành quận huyện Hán triều? Xưa nay, đất nào dân nấy, Nam - Bắc phân phong. Trước sau, cương vực sơn hà, ngàn năm định rõ.
- Kìa trước đó, vua Hùng Vương dựng nước, mười tám đời mở cõi hưng dân, quốc đô ngời sáng Phong Châu ngàn năm còn rực rỡ.
- Nối tiếp tiền nhân, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế xưng vương lập nước, mãi vang danh Vạn Xuân, Trấn Quốc trải trăm năm.
- Mai Hắc Đế đại vương, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng đánh giặc Đường, giành quyền tự chủ. Đất An Nam, vua An Nam định rõ sách trời.
- Dương công nối mấy đời Khúc chúa, yên ổn bốn phương, khắp trong ngoài hương thôn làng xã, tháng ngày dài vui vẻ ấm no.
- Bỗng gặp nạn họ Kiều háo danh gây mầm loạn, lại cam tâm quỳ lạy Hán triều, đang yên ổn còn rước voi về giày mả tổ.
- Nay Hán đế Lưu Cung bỏ đạo trời gây nạn đao binh; lại phong con Hoằng Tháo làm Giao vương, đem chiến thuyền xuống phương Nam cướp phá.
- Lưu Hoằng Tháo là ai? Một kẻ nhãi ranh miệng còn hơi sữa. Tháo dẫu binh thuyền mười vạn, song bên trong họ Kiều đã bị ta bắt giết, bảy phần hồn mất bốn còn ba.
- Lưu Cung kia dẫu nham hiểm cáo già, dám đem binh đi xa ngàn dặm không tường thủy thổ, chỉ là đem dê non nuôi hổ.
- Thắng bại đã tự lẽ trời.
- An nguy được thua càng rõ.
- Nay ta lệnh cho chúng tướng, ba quân!
- Hãy lấy sức nhàn đánh quân xa vò võ!
- Lấy chính đánh tà!
- Lấy nghĩa nhân trừ quân phi nghĩa!
- Đánh cho chúng không còn manh giáp, hễ nghĩ đem binh xuống An Nam tất không có đường về.
- Đánh cho chúng phách tán hồn bay, chỉ nhìn núi sông ta biết rõ là có chủ.
- Đánh để sử sách An Nam muôn đời ghi công trạng, sóng nước Bạch Đằng đỏ tới ngàn năm.
- Đánh để phương Bắc muôn đời sau khôn rửa nhục bại vong, sách sử kẻ tham tàn vì điều ác mà hoen ố.
- Muôn quân An Nam hãy cùng ta xung trận!
- Binh tướng Hán triều nhất định bại vong
Cứ thế cứ thế, từng lời hịch hừng hực như từ tim óc của bao nhiêu đời người An Nam chất chứa bấy lâu nay được bung ra như sóng trào bờ. Chủ tướng Ngô Quyền đọc đến đâu, ba quân ầm ầm reo mừng đọc hùa theo như trời long đất lở. Lời hịch còn chưa dứt, các dũng sĩ đã chặt phăng đầu năm tên tù binh khiến chúp rú lên, cổ phọt máu thành vòi. Những tiếng thét ầm ầm vang lên không dứt. Từng lời hịch đuổi nhau vang mãi đến tận đêm khuya”.
(Trích Ngô Vương, HỒI THỨ MƯỜI BỐN, trang 382-385)
Đến đây tôi xin lý giải rõ hơn tên bài viết vì sao lại gọi Các bài hịch mang tinh thần “liên văn hóa”?
Cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng 4.0 với sự phát triểnchóng mặt vềkinh tế,khoa học, y tế,...nhất là trong Đại dịch covid 19 càng thấy rõ sự phụ thuộc, chi phối lẫn nhau giữa các quốc gia càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó là tiền đề cho sự giao lưu văn hóa diễn ranhư một tất yếu. Do vậynghiên cứu liên văn hóa được đặt ra như là một nhu cầu tự thân. Văn học là thành tố cơ bản của văn hóa nên liên văn hóa biểu hiện sinh động nhất trong văn học. Đó cũng là một quy luật phát triển của văn chương với sự kế thừa, tiếp nối, phát triển và nâng cao. Có thể hình dung, như một cây xanh cắm sâu chùm rễ khỏe khoắn vào các mảnh đất truyền thống dân tộc và nhân loại và vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng tư tưởng của thời đại, nên lẽ tự nhiên, những trái cây tác phẩm của nhà văn hóa đã kết tinh trong nó những giá trị tinh hoa. Quá trình ấy là liên văn hóa được biểu hiện tập trung trong tác phẩm. Cũng tất nhiên mức độ liên văn hóa đậm nhạt, giàu có, phong phú...khác nhau tùy thuộc vào cái tôi chủ thể nhà văn hóa. Lại có thể hình dung liên văn hóa như cấu trúc một tòa lâu đài có nền móng vững chắc là văn hóa dân tộc, cái thân lầu là tư tưởng, tâm hồn, trí tuệ nhà văn được trổ nhiều cửa sổ ngôn ngữ để đón các luồng gió văn hóa bốn phương, có nhiều cửa chính đón độc giả từ khắp nơi ghé thăm, chiêm ngưỡng, học tập...Cũng hình dung như vậy để khẳng định càng là nhà văn lớn càng rõ tính liên văn hóa.Thuật ngữ liên văn hóa (intercultural) mà thực chất là giao tiếp liên văn hóa (Intercultural communication)ra đời khoảng những năm 70 của thế kỷ XX để lý giải sự kết hợp, giao lưu, tiếp biến giữa các cộng đồng có những phương thức, tập quán, thói quen sống vàquan niệm,nhân sinh quan khác nhau biểu hiện ở các khía cạnh quan hệ truyền thống và hiện đại, dân gian và bác học, bản địa cụ thể vànhân loạiphổ quát.Liên văn hóa có ở nhiều cấp độ nhưng biểu hiện tập trung ở biểu tượng, nhân vật, ngôn ngữ.
Đối chiếu với các bài hịch trong tiểu thuyết Phùng Văn Khai ta thấy ngay thể loại đã mang tính liên văn hóa. Trước hết là liên văn hóa theo chiều dọc lịch sử: truyền thống anh hùng và hiện tại đang kế thừa:
Kìa trước đó, vua Hùng Vương dựng nước, mười tám đời mở cõi hưng dân, quốc đô ngời sáng Phong Châu ngàn năm còn rực rỡ.
- Nối tiếp tiền nhân, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế xưng vương lập nước, mãi vang danh Vạn Xuân, Trấn Quốc trải trăm năm.
- Mai Hắc Đế đại vương, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng đánh giặc Đường, giành quyền tự chủ. Đất An Nam, vua An Nam định rõ sách trời.
- Dương công nối mấy đời Khúc chúa, yên ổn bốn phương, khắp trong ngoài hương thôn làng xã, tháng ngày dài vui vẻ ấm no.
Là “liên văn hóa”vừa theo chiều dọc lịch sử, vừa theo chiều ngang không gian: sự xâm lăng (là một dạng tiếp biến văn hóa cưỡng bức) của bè lũ phương Bắc và sự anh hùng chống trả của quân ta. Các cuộc xâm lăng này hầu hết thất bại nên sự “liên văn hóa” này có ý nhắc nhở kẻ thù: hãy ôn lại lịch sử!
Xin một ví dụ tiếp theo:
“Lão tướng Phạm Tu vươn vai mấy cái rồi bước vào bên trong ngả mình xuống kỷ thiếp đi lúc nào không biết. Đám tùy tướng thấy vậy cũng không đánh thức vì chúng thấy suốt đêm căn phòng nhỏ sáng đèn chắc hẳn lão tướng đang có điều gì ngẫm ngợi. Chợt có tin báo nơi đầu bến quân sư Tinh Thiều dùng thuyền nhẹ tới thăm lão tướng quân. Khi nghe kể lại, quân sư chỉ mỉm cười hãy nhắc để cho lão tướng nghỉ ngơi thêm. Quân sư bước vào thư phòng nhìn thấy bức chiến thư nét mực còn tươi mới bèn nhấc viên sỏi trắng đặt sang một bên cầm lên đọc luôn một lượt. Quân sư đọc đến đâu, lửa giận bốc lên bừng bừng tới đó. Không ngờ vị lão tướng vốn luôn rất khiêm nhường kiệm lời mà câu chữ sắc sảo sâu xa đến vậy. Từng lời, từng câu như chảy thẳng vào trong tim óc vị quân sư:
… Ta nay phụng mệnh quốc chủ Vạn Xuân Nam Việt Đế gửi chiến thư này cho đại tướng Tư mã Giao Châu Trần Bá Tiên!
Xưa nay, quý quốc vẫn ỷ thế nước lớn bỏ mặc đạo trời, chỉ lăm le đánh giết thống thuộc lân bang khiến không chỉ dân chúng Giao Châu lầm than cơ cực mà hàng vạn binh mã chiến giáp của quý quốc cũng phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách thật đau xót lắm thay!
Những tưởng quý quốc mang danh thiên tử, thuận theo lẽ trời, lấy đức giáo hóa làm gương cho các nước nhỏ mới là vương đạo. Nay quý quốc năm lần bảy lượt mượn cớ đem binh lửa giá họa cho các nước nhỏ khiến người lành hiền tầm tang canh cửi phải bỏ cày bừa cầm lấy đao thương cũng là cực chẳng đã mà thôi.
Quốc chủ Vạn Xuân vốn xuất thân cửa Phật, yêu dân yêu lính không lỡ bị cuốn vào nước lửa binh đao mà quý quốc đã không xét đến còn hung hăng xua binh thuyền thủy bộ xuống làm điều càn rỡ quả không đất trời nào dung được.
Ta thay mặt các tướng gửi chiến thư này, trước là mong Trần Tư mã hãy cân nhắc phải trái nặng nhẹ mà tự rút quân về giữ nền thái bình cho hai nước mới chí lớn của bậc thánh tướng.
Nhược bằng bất chấp đạo lý, nhất nhất định hơn thua nơi chiến trường hãy sửa sang chiến thuyền binh giáp cho đầy đủ cùng binh tướng Vạn Xuân ta giao đấu.
Họ Trần ngươi hãy nhìn gương Mã Phương, Thạch Đạt, Ngụy Lãng, Lưu Long còn sờ sờ ra đó. Cái ấn tín Tư mã Giao Châu chỉ là hòn đá buộc cổ để họ Trần ngươi chìm nghỉm ở sông biển đất người mà thôi.
Mấy lời của kẻ làm tướng xin túc hạ hãy suy nghĩ kỹ…
Quân sư Tinh Thiều chỉ đọc một lượt đã thuộc lòng bức chiến thư trong lòng rất cảm phục lời lẽ cương cường mà thấm đẫm đạo lý, khí phách bang giao của nước nhỏ với nước lớn”.
(Trích Triệu Vương phục quốc, HỒI THỨ HAI, trang 43-45)
Ta thấy có các lớp “liên văn hóa” được đan cài trong văn bản: đạo Nho (danh thiên tử, thuận theo lẽ trời, lấy đức giáo hóa làm gương cho các nước nhỏ mới là vương đạo, bậc thánh tướng, đạo lý), đạo Phật (Quốc chủ Vạn Xuân vốn xuất thân cửa Phật). Tác dụng của “liên văn hóa” này: đạo Nho đề cao trung nghĩa, tín nghĩa, yêu người, đạo lý; đạo Phật với chủ trương yêu thương chúng sinh...Thế mà các ngươi sao nỡ gây chiến? Và các lớp “liên” theo chiều dọc lịch sử văn hóa: “Họ Trần ngươi hãy nhìn gương Mã Phương, Thạch Đạt, Ngụy Lãng, Lưu Long còn sờ sờ ra đó. Cái ấn tín Tư mã Giao Châu chỉ là hòn đá buộc cổ để họ Trần ngươi chìm nghỉm ở sông biển đất người mà thôi”.Đó là những cảnh tỉnh đích đáng nhất với kẻ thù: cha ông các ngươi đã từng thất bại. hãy dừng lại, đừng đi vào vết xe đổ ấy. Qua đó bật toát ra tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân chúng Đại Việt!
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thanh Tú