Phùng Gia Thế, quê Phú Thọ, cây bút trẻ nhất trong các tác giả truyện ngắn họ Phùng. Anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm 2 Xuân Hòa. Đi dạy nhiều năm ở miền núi, rồi trở về trường cũ giảng dạy và đảm đương các cương vị chủ chốt của nhà trường. Làm luận án tiến sĩ về văn học hậu hiện đại ở/của Việt Nam. Đây là một đề tài lúc bấy giờ còn hết sức mới mẻ, nên cũng rất khó khăn, nhưng đã thành công vang dội. Phùng Gia Thế có nhiều công trình về lý luận phê bình, đặc biệt về hậu hiện đại. Hẳn vì thế khi viết truyện ngắn thì truyện ngắn của anh cũng có hơi hướng hậu hiện đại chủ nghĩa. Đấy là những câu chuyện được kể miên man, có khi không đầu không cuối, có khi như dòng ý thức tự trôi chảy. Nào là chuyện làng chuyện xóm. Nào là dạy học ở những điểm trường ở vùng núi cao sát biên giới. Nhưng đằng sau những tiểu truyện ấy là những vấn đề thời cuộc, những con người nhỏ bé bị cuộc đời xô đẩy, và sau hết, là cảm xúc, cảm nghĩ, tâm trạng của tác giả.
CẢI NGỒNG
1.
Lê từng bước nặng nhọc trên xác cỏ thối và cành lá ẩm mục, cuối cùng Thủy cũng về tới điểm. Miệng khô. Mặt tái nhợt. Trán và lưng rịn mồ hôi. Nằm vật ra giường. Thở. Đôi giày ba-ta hất chỏng đế bên cạnh. Xon xót dưới gan và kẽ bàn chân. Đầu óc tê dại, ù đặc.
Tiếng kèn đưa đám Hạ vẫn váng vất bên tai.
Bàng hoàng. Đau đớn.
Một cú trượt chân ngã xuống khe núi. Thế là thêm một người ra đi.
Năm ngoái ti-vi đưa tin một chị hiệu trưởng bên Lào Cai chết bởi lũ cuốn, giữa ngày khai trường. Rồi vụ lũ quét ngay trong tỉnh, một thầy cứu được năm trò, một thầy bỏ mạng. Rồi sạt đồi. Rồi lật xe. Bao nhiêu lần nhắc nhau, kể với nhau rồi, thế mà mấy chị em vẫn chủ quan. Điều không ngờ, không mong vẫn đến.
Hạ ơi, sống thì khốn khó lao lung mà sao chết lại giản đơn vô nghĩa đến chừng nào…
2.
Chiều. Mùa hạ sang rồi mà trời vẫn lạnh. Đêm. Đêm sơn cước sương vẫn giăng. Đêm u u. Buồn. Sáng trăng, vẫn buồn.
3.
Điểm trường của Hạ cách chỗ Thủy khoảng già hai chục cây. Là ước lượng vậy thôi chứ vùng cao ai tính cây tính số làm gì. Sức Thủy đi bộ mất quãng chừng ba bốn tiếng. May mà có anh Tám cán bộ phòng biết Hạ và Thủy thân nhau đã lặn lội vào tận nơi báo không thì em chẳng còn kịp nhìn thấy chị lần nữa. Mọi người quyết định không đưa Hạ về Hà Tây quê chị. Mà, có đưa về thì chị cũng chẳng còn ai thân thích nữa. Thế là, chị nằm lại đây, với biên cương, vĩnh viễn.
Ông chú ruột ngoài Cao Quang sấp ngửa dắt thằng Tản vào, khóc như khóc con. Thằng Tản khóc, mũi nhãi ròng ròng. Nhìn ông, Thủy khóc. Nhìn thằng Tản, Thủy thấy thót nhói nơi lồng ngực. Một con bạch tuộc nhiều vòi đang bóp chặt tim mình.
4.
Thủy và Hạ thân nhau từ một ngày bình thường. Ngày Thủy được hiệu trưởng Quang điều lên điểm trường xa nhất (xa nhất là vào thời điểm đó thôi). Hạ hơn Thủy khoảng chục tuổi. Hiền như đất. Mẹ mất sớm, chị và em trai theo theo bố lên miền núi Cao Quang. Ông lấy vợ, không có con thêm. Mấy năm sau bị ung thư dạ dày cũng mất. Cậu em sau đi lao động xuất khẩu ở Ma-lai, có lần viết thư về bảo sang đó chúng em cũng làm nông nghiệp. Một thời gian sau thì bặt tin. Nghe đâu là bỏ công ty ra ngoài làm ăn linh tinh. Từ đó kể như mất tích. Hạ đỗ vào trường sư phạm tỉnh là nhờ một người bà con làm bên Sở giúp đỡ. Chị tốt tính nhưng xấu người, chẳng ai yêu. Ba đứa cùng phòng, nhà nghèo nhưng xinh xắn nên được mấy chàng thị xã dập dìu chăm sóc, coi như khá. Học xong sư phạm, chẳng buồn chẳng vui, chị được phân lên huyện biên cương cao nhất. Nước nhiễm chì, nhưng tiền phần trăm cao. Lại phụ cấp biên giới. Lại được tiền thu hút. Thế coi như ổn. Dạy vùng cao, không ti-vi, không điện đài (thậm chí có lúc không học sinh!), nhưng quan trọng là lương vẫn lĩnh đều. Phòng một năm hú họa kiểm tra một đôi lần ở trường chính. Tinh thần thôi. Khổ nhất là mùa khô, nơi nơi thiếu nước. Mấy cậu choai mới tăng cường ở điểm trường bên, tuần ít nhất hai lần rượu. Phê phê rồi chơi trò ném nhau, rượt đuổi cho vã mồ hôi ra rồi kì cho bớt ghét đi, sau đem dội. Đấy là cách tiết kiệm nước. Kỳ.
Hạ bảo điểm trường này trước còn có Hanh, mang bằng của anh trai lên nộp hồ sơ đi dạy xóa mù chữ. Nghe đâu hắn tên thật là Thịnh, nhưng phải cải danh để hợp lí hồ sơ. Mà thôi, có tinh thần là được rồi. Phải nỗi hắn chẳng dạy dỗ gì. Ngày, vào trong dân gạt để kiếm đồ uống rượu. Đêm, lại mò sang biên giới theo đường mòn. Hình như hắn kiếm chác được gì ở mấy cô người thiểu số bên đó nên thường không có mặt ở trường. Có hôm thấy mặt mũi rách toác, cò lơ thất thểu về lán. Nồng nặc rượu. Vào một ngày bình thường, mấy anh biên phòng vào gọi hắn đi. Nghe đâu là để giải quyết chuyện đánh nhau với người bên biên giới. Mấy tháng sau, Hanh bị phòng đình chỉ công tác vì lý do giả mạo hồ sơ, gây mất trật tự biên giới và nghiện thuốc phiện.
5.
Thủy lên. Hạ đi vắng. Lán không có khóa. Mấy tấm liếp phập phành. Và gió. Gió cứ thông thốc thổi vào. Nhưng nhiều hơn là buồn. Ám ảnh đầu tiên là vườn cải. Chúng mọc lung tung, nhưng cứ gọi là vườn. Vùng cao mà. Tay Hoàng hâm dạy văn bên khối cấp hai say rượu bảo chúng đua thành tích đấy!
Chiều. Chiều u u. Ngó ra trước lán. Tênh tênh buồn. Ơ kìa, những cây cải ngồng biên giới, cây đang vươn ngẩn ngơ, cây trổ hoa vàng rực. Chiều về nhiều hơn, vườn cải buồn hơn. Không gì nhiều hơn nỗi chiều. Chắc cả vì Thủy hơi nhạy cảm. Buồn vì cải. Buồn vì lanh. Lại buồn vì ngô. Ngô ở đây cũng chẳng hàng lối gì, cứ mọc lô nhô. Hoàng hâm nhăn nhở: Ô hô, lô nhô cái nỗi buồn râu ngô.
Bố mẹ Thủy gốc Hà Nam. Gia đình khó khăn phải bỏ quê đi làm kinh tế mới. Bố Thủy ham lao động. Hơn chục năm lên thị trấn vùng cao Bắc Bình, cũng có một cơ ngơi kha khá. Vườn cây, ao cá, chuồng gia súc. Thủy học trường sư phạm tỉnh. Tháng hai lần về nhà lấy gạo, đồ ăn khô và tiền tiêu vặt. Thằng em trai học kém, thi đại học trượt. Ông chú họ bảo gia đình đưa hai mươi triệu chạy vào một trường dạy tin học ở Hà Nội. Sau hơn một năm, nó trở thành một games thủ siêu hạng, nghe đâu đã lên ngôi ở một đế chế gì đó. Một năm nữa, nó bắt bố xuống trả món nợ ba trăm triệu. Lần này thì là lô đề, cá độ. Trường đuổi học. Nó bảo, thằng con ông hiệu trưởng một trường sư phạm bạn nó còn nợ một tỉ sáu cơ. Mẹ Thủy thương con cố vớt vát bảo chồng may mà con mình chưa nghiện.
Bố Thủy tính cả tin, lại hơi bốc đồng, vừa nghe mấy tay chuyên viên nông nghiệp gợi ý đã vội phá vườn cam, trồng vải. Chuyển đổi mô hình kinh tế. Nay ế chỉ dùng để làm quà. Bà gắt ông. Ông đuối lý phân bua ở miền Nam người ta còn chặt cả cây cà phê, cây cao su, miền Trung chặt mía, Bắc Giang chặt vải thì sao, thì sao nào?
Nói thì vậy thôi chứ ông xót lắm. Nhưng thế vẫn chưa chừa. Có mấy đồng tiết kiệm, ông nghe thằng Trình nịnh nọt thế nào nhất quyết rút về đầu tư vào công ty xây dựng Tương Lai của nó. Năm rồi, các dự án của tỉnh bị treo hết. Đâu đâu cũng thấy công trình ngổn ngang như cháy dở. Thằng Trình chạy vào Nam. Thế là sạt nghiệp. Thế là hết. Quân mất dạy, lừa đảo! Bố Thủy chửi đổng liên mồm.
6.
Chiều về, vườn hoa cải quay quắt buồn. Có cái gì xa xăm, hoang hoải, có cái gì như bất hạnh khổ đau... Lão bác sĩ tư. Căn phòng trắng toát. Bàn tay ám ảnh... Một ý nghĩ thoáng qua gợi về ký ức khiến Thủy chợt rùng mình.
Hạ về. Bươn bả. Trông chẳng giống ai. Lần đầu tiên Thủy nhìn kỹ Hạ. Mang tiếng cùng trường, nhưng tóe tung năm bảy điểm, năm thì mười họa mới gặp nhau, thành thử chả có lúc nào trò chuyện. Thủy lại ít làm thân. Tính Thủy thế. Chỉ biết chị Hạ hơi cũ cũ người.
- Mới lên à? - Hạ hỏi.
- Vâng. Em lên từ chiều.
- Ở đây buổi tối đừng ra ngoài, ban ngày cũng đừng đi xa, nhất là chỗ giáp biên.
- Sao hả chị?
- Bị hiếp đấy.
Thủy rùng mình.
Đêm. Hai chị em đi ngủ. Thủy hỏi:
- Ở đây còn ai không chị?
Một tiếng thở:
- Còn
- Ai ạ?
- Con chị. Nhưng nó ra Cao Quang rồi.
Thủy biết Hạ không có chồng, nhưng vẫn hỏi liều:
- Thế anh đâu?
- Làm gì có anh nào. Ma nó lấy chị. Bị hiếp đấy.
Thủy rùng mình.
- Xinh phải cẩn thận.
Thủy khẽ thở dài.
Lát sau quay sang, đã thấy Hạ kéo chăn ngủ rồi. Tiếng ngáy của Hạ, tiếng côn trùng trong đêm khiến không gian thêm não nề. Gần mười năm vùng cao, ba lần chuyển trường, bốn lần đổi điểm, Thủy thấy mệt mỏi quá rồi. Nhưng muốn xuống núi đâu có dễ. Cha Tài người Bắc Ninh rướn mày: mỗi cây số chuyển vùng đôi triệu, cô em ạ. Thủy cười, thế thì em chịu. Thực ra, Thủy cũng tích cóp được mấy đồng, vay thêm một ít nữa, năm ngoái xuống thị xã mua được một miếng đất nhỏ giáp chân núi. Phận đàn bà con gái ăn đời ở kiếp với bố mẹ làm sao. Vả lại, bố mẹ Thủy, sau vụ lo cho thằng em đi Hàn Quốc, đã quá kiệt rồi. Giờ, một xu chẳng có. Gần trăm triệu nợ ngân hàng chưa biết lấy gì để trả.
Còn mình, còn mình thì mọi thứ đều dở dang. Mà thời gian thì trôi nhanh quá. Còn nhớ như in ngày đi thi vào khoa Văn trường Sư phạm Xuân Hòa. Một chiều mưa mùa hạ. Ướt như chuột lột. Kỳ lạ, thị trấn nhỏ bé hoang vu này thật hợp với tâm hồn sơn cước của mình. Vài cây xà cừ. Vài cây long não. Mấy con bò ngẩn ngơ nằm giữa đường. Giữa trưa vắng, giữa mùa mưa, mùa nắng. Trong chúng, hình như chỉ cõi người là mông lung. Văn hơi lan man. Cô Kết trường chuyên vẫn phê Thủy thế. Kết quả mùa thi: trượt. Văn: 7. Sử: 4. Địa: 4. Văn nhân hệ số hai. Bố Thủy nói với hàng xóm cháu thiếu nửa điểm (Thực ra thì thiếu hai điểm). Hình như, chính cái tâm hồn văn chương làm Thủy khổ. Lão Hoàng bảo đấy là cái tâm hồn chết tiệt! Ừ, cũng phải. Người ta mưa nắng cỏ cây bốn mùa thay lá mặc lòng, mình động tí là buồn. Ngày đầu lên đây, Thủy khóc ròng vì đi lại khổ quá, vì buồn. Nhưng còn buồn vì cải, vì ngô, vì đám đá tai mèo. Buồn ơi những nỗi chiều. Có cái gì đấy xa xăm thi thoảng cứ se sắt quặn lòng. Mười năm trước đây, vùng cao trong trẻo hoang sơ. Học trò đến lớp, ngày được hai, ngày được ba đứa, nhiều nhất thì một chục. Áo hở vai, hở rốn. Mũi nhãi. Mùi ai ai, tanh tanh của những chiếc áo lâu ngày chưa giặt. Dạy lớp ghép, quay bàn lại, chéo môn. Tài thật. Có hôm học trò mang sắn tươi đến biếu. Có hôm cả cân thịt. Chả gói bọc gì, cầm tay đưa luôn. Hoàng hâm lắc đầu: - Dân bẩn lắm. Hôm nọ tao đi thực tế, phải ngủ lại, bọ chó diệt cho nát chân.
Lại nhớ, ngày vào dân vận động học sinh đến lớp, Thủy thấy mấy người họ cứ loanh quanh. Giấu con, đẻ năm, thì bảo ba, bảo hai. Chả thích đi hoọc đâu. Rất nhiều đứa không có giấy khai sinh. Thủy hỏi: Cháu sinh năm nào? Người nói nó sinh năm con oong (vì mùa ong), người lại nói nó sinh năm con trâu (vì trâu nhà năm đó đẻ). Kỳ. Học vì có hỗ trợ. Đầu năm lõm bõm, cuối năm tái mù. Xin cô giáo cái khuyết tật thôi. Xấu hổ lắm.
Lại nhớ ngày đầu lên lớp ở điểm, bọn trẻ chạy tán loạn. Chị Hạ bảo: Chúng sợ em là bác sĩ lên tiêm đấy. Hạ phiên dịch mỏi tay, chúng mới quay lại. Chị bảo dạy mầm non còn chết nữa, chúng nó không biết tiếng phổ thông, khổ lắm. Cô bảo cô chào các con, trò cũng bảo cô chào các con. Cô bảo không được bảo thế, trò cũng bảo không được bảo thế. Cô bảo đấy là cô nói các con không được bắt chước, trò bảo đấy là cô nói các con không được bắt chước. Cô cáu đập tay xuống bàn bảo thế chúng mày không hiểu gì à, trò cũng đập tay xuống bàn bảo thế chúng mày không hiểu gì à.
Thủy phì cười. Bà này hài ra phết.
Ở trường chính, tình hình dẫu sao cũng khá hơn. Thảo nào mấy năm nay, vợ chồng tay Tuấn choắt thức thời, nhờ biết quan hệ nên chẳng phải đi đâu xa.
Lại nhớ lần đầu tiên họp hội đồng trường, lão Hoàng nhêu nhao đọc bảng cửu chương: Một lu-ồn một là hai. Hai lu-ồn hai là bốn.
Thủy ôm bụng cười.
7.
Ở với Hạ được mấy hôm, Thủy mới dám hỏi về thằng Tản. Trước, thì Thủy cũng có nghe qua, nhưng chẳng duyên cớ gì mà hỏi. Hạ bảo nó đang ở với ông trẻ (chú ruột chị) dưới Cao Quang. Để mà còn ăn học chứ, ở đây thì chết à. Năm nay nó lên lớp ba. Năm nào cháu cũng được tiên tiến. Hôm họp bình xét thi đua, Hạ nói to cố ý để mọi người nghe tiếng.
Lão Hoàng thính mũi ngoái lại nhe răng cười:
- Thế chúng mày xem ti-vi chưa? Thời sự nói ở miền trong có học sinh tiên tiến lớp 7 không đọc được đấy. Mà chúng mày có đếch ti-vi mà xem. Này, ăn ở như chúng mày mà gặp bọn tự nhiên chủ nghĩa nó tả thì chỉ có mà buồn lôn!
Thủy cười:
- Anh hâm nó vừa vừa thôi! Mà, dạo này bác có tác phẩm gì mới không đấy?
Hoàng trễ môi:
- Anh đang tìm chất liệu thực tế. Tác phẩm lớn cần phải nghiền ngẫm. Chúng mày biết gì.
Thủy quay sang bảo Hạ:
- Chị đừng nghe cái mồm ông Hoàng.
Hạ thì vẫn vui. Chị bảo may mà có ông chú ở Cao Quang. Ông tên Hịch, nông dân, cả tin, nhưng tốt bụng, lại hay ảo tưởng. Cách đây mấy năm, hồi còn dưới quê ông bà đã hăng hái bán đất cho khu công nghiệp. Tám triệu một sào. Ông hiến đất thì đúng hơn. Công nghiệp hóa mà. Nhà ông tám sào, dồn vùng đổi thửa, bán tám sào. Nhưng vui nhất là thằng Ty con cả ông vừa học xong phổ thông được hứa cho vào làm trong nhà máy ô tô, còn con Hạnh thì vào nhà máy may. Ông vui, sắm cho mỗi đứa một chiếc xe máy. Đồng ruộng xanh tốt giờ thành công trường. Máy xúc máy ủi chạy xuỳnh xuỵch ngày đêm. Ông nhớ ruộng, đêm ngồi hút thuốc lào vặt rồi chống tay nhìn sang công trường. Bà nhìn ra, thở dài sườn sượt: - Nghe nói mạn Phú Thọ năm nay được mùa. Ông không dám gặng, vì chính ông hăng hái mà. Còn vận động hàng xóm nữa. Hơn một năm sau, thằng Ty vào làm trong nhà máy ô tô, bộ phận bốc xếp. Con Hạnh vào nhà máy may, phân xưởng thêu. Thằng Ty thoát ly được khoảng nửa năm thì công ty sát hạch lại tay nghề, trượt. Công ty cứ trước sáu tháng kiểm tra một lần. Nếu vào lại thì sáu tháng sau lại thót tim. Nghe đâu, hợp đồng dưới sáu tháng thì công ty không phải đóng bảo hiểm. Thằng Ty về, tìm việc mãi không được, sinh quẫn. Cuối năm, ông Thăng, chú ruột nó ở Lâm Đồng ra chơi, bảo có vô Nam không. Thằng Trung, con ông Thăng bảo ở trỏng dễ sống lắm, cứ làm xong là ngồi cà phê nhậu nhẹt laizai. Trung bảo thằng Ty đưa em đi lòngdzòng, đi coi video. Thế là thân nhau. Thế là Nam tiến. Ông Hịch thở dài, chẳng muốn thằng Ty đi. Nhưng nó cứ đi. Nó đi rồi ông mới trật khấc ra là các em ông đã bán nhà đi Nam hết cả. Thế là trơ ra hai ông bà. Nửa đêm, bà trở mình bảo ông lẽ ra thì này đang vợi đám ruộng trằm, ông bảo bà tôi cứ thấy tiêng tiếc mấy ngỡn ngô ngoài trũng. Con Hạnh đi lấy chồng, làm ca, tháng sáu trăm. Làm tăng ca được thêm ba nghìn đồng một tiếng. Được cái thằng chồng hiền, tử tế. Năm rồi sinh được đứa con trai. Nhà chồng vốn hiếm muộn, thích quá bảo không đi làm nữa cũng được.
Ông bà quyết định lên đây là bởi đợt về quê của Hạ. Vừa tậu được ít vườn ở thị trấn Cao Quang, phấn khởi đưa thằng Tản về chơi thăm chú, thăm quê. Về quê, Hạ chưa kịp phô cái hồ hởi của đứa con xa thành đạt thì đã nhiễm nỗi buồn nhà ông Hịch. Thằng Ty vào Nam hơn năm, gửi được hai lần tiền cho bố thì bị xe chở đất cán chết. Công ty đưa xác ra, có lãnh đạo đến tận nơi xin lỗi, muốn ông bà xử lý nội bộ, bảo do khoán tiền theo chuyến nên anh em chạy hơi ẩu. Đền ông bà ba sáu triệu. Bà Hoa loa kèn hàng xóm khóc ới cháu ơi cô thương cháu hiền lành tử tế chưa vợ con mới hai mấy tuổi đầu thế là mỗi tuổi chưa được hai triệu cháu ơi cô làm ô sin ở Hà Nội có bốn ngày Tết nhàn tênh mà người ta trả hơn hai triệu.
Hạ bảo chú thím lên làm vườn cho chị. Trên này hồn nhiên, dễ sống. Ông bà lúc đầu còn nhúc nhắc, sau nghe theo. Ừ, cứ lên xem sao đã, nhà cửa tính sau. Giờ đi lại cũng tiện chứ không như trước. Vả lại, còn sức khỏe ở nhà quê ngồi không cũng buồn. Hạ mừng, vì thằng Tản có người chăm sóc. Ông bà quý trẻ. Cháu ruột mình chẳng trông được thì trông con con Hạ. Máu mủ nhà mình cả. Thế là thành người vùng cao. Hoàng hâm xuống chơi, đùa:
- Bố mà thi đại học là được cộng điểm đấy. Bây giờ chỗ con ai cũng thích làm người vùng cao để còn đi cử tuyển, đi học địa chỉ, sau về làm cán bộ nguồn đó bố.
Cứ thế, đêm nào cũng chuyện. Chỉ có chuyện Hạ có bị hiếp thật hay không là Thủy không dám hỏi. Thân thiết như chị em ruột, đi đâu cũng mong nhau nhưng Hạ chẳng bao giờ hỏi chuyện riêng tư của Thủy. Chị em bảo Hạ là người hồn nhiên. Thủy bảo chị tâm hồn đơn giản.
Đầu năm rồi, trường mở thêm điểm mới, phân Hạ qua đó. Hai chị em xin nhưng không được. Hạ bảo mình không đi thì người khác lại phải đi. Thôi để chị đi cũng được. Cách nhau ngót hai chục cây số nhưng tuần nào không về với con là Hạ lại đi bộ sang chỗ Thủy. Chị em lại xì xụp nấu ăn. Thủy ít về, có lúc buồn, cũng túc tắc qua chị chơi, có khi rủ nhau ra chợ huyện sắm đồ. Ở đây mang tiếng là dễ sống, nhưng cá mú rau cỏ rất đắt đỏ. Một cân cá chép cả trăm nghìn. Lắm lúc muốn ăn nhưng tiếc tiền đành nhịn. Thủy phải lên điểm xa thế này cũng tại bởi hiệu trưởng Quang. Quang thấp lùn, người gốc Thái Bình, lên đây từ lâu nên đã thành ma bản. Khi hắn lên kiểm tra chị em thường báo nhau: Thằng ma bản đến đấy! Nghe nói Quang háu gái, chị em thường bị hắn ép. Thì cũng Thủy đây, năm kia năm kìa gì đó, lúc liên hoan tổng kết xong, Thủy đang bấm điện thoại thì thấy có người ôm mình từ đằng sau. Quang. Mặt tai tái. Răng đen đen. Nồng nặc rượu. Anh thích em. Thủy hơi sững người. Vùng ra. Quang cứ ghì chặt khư khư. Tý lên phòng anh nhé. Thủy hét to:
- Buông ra. Mấy người trong quán ngó ra. Quang bực dọc. Cứt.
Thế là đi điểm trường xa nhất. Nhưng cũng vì thế mà gặp được Hạ. Người hồn nhiên. Thủy bảo: Em thích bài Hạ trắng của Trịnh Công Sơn nhưng em gặp chị Hạ thấy chị đen quá trời, mắt trắng hơn cả da. Hạ đấm Thủy. Con điên. Bài đấy thế nào? Thủy trêu: Gọi nắng cho em phơi quần... Thế là cười.
8.
Sau hôm Hạ chết, Thủy cùng mấy chị em lui cui dọn đồ thì trông thấy trên giáo án chị một dòng vừa ghi vừa gạch: Sao chẳng thấy con Thủy nói chuyện chồng con người yêu gì...
HÔM NAY TRỜI XANH MÂY TRẮNG
1.
Chuyến xe chiều lên Thao Giang vắng khách, lại được ngồi bên cửa sổ, thật thuận tiện cho kẻ hay nghĩ ngợi viển vông như tôi.
Bên tay trái tôi là núi. Nhấp nhô đồi núi. Cao hơn núi, là trời.
Hôm nay trời xanh mây trắng.
Có gì như vời vợi tuổi thơ qua.
Tôi chợt thấy mình như kẻ bộ hành phiêu lãng, đi khắp chân trời góc bể. Chàng trai châu thổ là tôi mang tình yêu văn chương và cuộc sống đi gieo. Niềm kiêu hãnh của kẻ truyền đạo hay một cái án giời đầy?
Thiên hạ có người bảo là khùng.
Bên phải đường, sông Hồng ngầu đục, cuồn cuộn chảy về xuôi. Vần vũ và khắc khoải. Nhưng đấy là mùa mưa. Còn sang mùa khô, nó lại hiền hậu bao dung như trời đất trung du.
Hai bên đường, dâm bụt, cúc tần, gai găng, đùm đũm, hoa mò biến đâu hết cả. Người ta thi nhau xây nhà nghỉ, mở quán nét, mở hiệu làm đầu.
Tự nhiên tôi thấy nhớ cây hoa muối trước hiên nhà, cạnh bờ giếng.
Tôi nhớ rặng điền thanh bên bến sông xưa.
Bãi bồi phù sa.
Đồng chiêm gió lộng.
Chùm xoan non.
Chơi ô ăn quan.
Chuyền chuyền một, đủ một đôi…
Trung du trung du.
Có gì khắc khoải, có gì xa xăm.
2.
Về quê. Lần này lâu lâu mới về, thấy bố già hơn, mẹ cũng già hơn. Ông Thích hàng xóm thì già sọp.
Ngẫm ngợi vẩn vơ thấy buồn buồn.
Mẹ bảo ông Cất Tại hay thả trâu cùng bọn tôi hồi bé đã chết. Bà Quýnh theo con vào Kông Tum. Sau Tết, có một xe chở thanh niên làng đi Nam làm thuê. Bà Lâm già đi làm ô - sin ở Hà Nội. Con Thiệp rồ bị chồng đánh, chạy về nhà mẹ đẻ. Bà Lam bên ngòi suốt đời kham khổ ăn bẩn ở bẩn thế mà hôm nọ cảm chết đột ngột con cháu lục trong ruột tượng thấy hai tám triệu...
Thì lần nào cũng chuyện buồn chuyện vui. Lần nào về quê cũng thế.
Buổi trưa đột nhiên thức giấc, tôi thấy nắng xiên khoai phía cửa sổ sau hiên nhà. Một tiếng gà trưa đâu đó cất lên. Hình như là gà nhà ông Thích hàng xóm.
Thế mà cũng vang vọng tuổi thơ tôi.
Nghe mơ hồ như một tiếng gọi…
Trung du trung du.
Có gì khắc khoải, có gì xa xăm...
3.
Nhà ông Quyền có giỗ cụ, bố bận lên trường họp, mẹ sai tôi đi thay. Mẹ bảo các con có học về quê cũng phải dân chủ một tí không người ta khinh bố mẹ. Hôm xã mình đón danh hiệu anh hùng con đã chả về được rồi mẹ bảo với các cụ cháu còn bận dạy tại chức ở xa không về được cũng là vì nhiệm vụ cháu sẽ tạ lỗi với các ông các cụ sau. À, con ra mà xem con Thắm nó đưa con nó về. Mẹ nhắc đến con Thắm làm tôi thấy nôn nao buồn. Tôi kéo thằng Tí nhảy lên xe đi. Con đê mới. Bờ mương hẹp. Nhà cửa nhấp nhô. Quẹo phải xuống một con dốc nhỏ là đến nhà ông Quyền. Mải nghĩ về con Thắm tôi lỡ trớn đi quá một đoạn.
Thằng Tí giật nách tôi bảo đến nơi rồi bác này còn mây gió cái gì.
Thằng Tí em tôi học cao đẳng bưu chính ra trường hai năm đang chờ việc. Tính nó hài hước, hay đọc sách văn. Tôi bảo mẹ tôi nhà mình có gien văn chương bố ngày xưa cũng hay làm thơ tặng mẹ mẹ tôi đùa bảo có mà cái gien hấp.
Cả nhà cười.
Nhà ông Quyền mái bằng, sơn vàng suộm. Quê tôi giờ mốt sơn nhà màu này. Cái hồ rộng trước nhà ông Quyền người ta đang đổ đất để xây nhà văn hóa.
Ông Quyền là em con chú của bố tôi, nhưng vợ ông lại là vai trên của mẹ tôi thành thử nhiều khi cứ thấy hơi kho khó gọi. Bố tôi bảo quê mình nó vậy. Anh em các chi chòm lấy nhau lung tung cả. Đám giỗ, đám cưới chỉ sau vài tuần rượu là tranh ngôi. Có hôm đánh cãi nhau ầm ĩ. Đám ma các cụ trong nhà thì tò te tí te ới ới cụ ạ ơi ngoài sân cứ cạch trăm phần trăm đều. Thằng Tí kể chú Lầu uống rượu đám cưới nhà ông Phông say ngoẹo đầu ra sau không quay lại được phải đưa đi cấp cứu.
Đám giỗ nhà ông Quyền hôm nay mọi người lại tranh ngôi. Tôi nhìn loanh quanh mà chưa thấy mẹ con con Thắm đâu. Anh Tư bảo tôi:
- Theo đúng vai là ông Hấm phải gọi ông mình bằng anh, “giáo sư” ạ. Chi nhà mình là chi trên. Còn ông Hinh tiếng là vai trên nhà mình nhưng chỉ là con nuôi họ Hoàng thôi.
- Này nhớ, ông Tư, cho nói lại đấy!
Lão Phòng con ông Hấm lừ lừ quay sang, nhưng gặp ánh mắt sắc lạnh “vằn đỏ chi trên” của anh Tư, lại ngồi im. Anh Tư có vẻ khinh lão Phòng lắm.
An hấp quay sang quát con Linh con lão Phòng sang làm giúp:
- Mày phải gọi tao bằng anh. Lúc nào cũng chú. Chú chú cái con khỉ gì.
Con Linh vênh mặt:
- Nhưng cháu quen rồi, cháu cứ gọi chú bằng chú đấy!
- Chú, chú cái tao bú mày bây giờ!
Con Linh ngán mặt lão An, tiu nghỉu đi vào.
Chú Hòe chép miệng bảo mẹ chúng mày cãi nhau ngôi nghiếc làm đếch gì, cứ đưa trăm nghìn đây tao gọi bằng cụ hết...
Ông Quyền đau răng, không nói được. Bà Quyền thay mặt chồng ra có nhời với khách:
- Hôm nay là ngày giỗ cụ, nhà em có mấy lưng mời các cụ, các bác. Nhân tiện có cháu Thắm đi Đài Loan về, cũng là để chúng em giới thiệu cháu rể luôn. Con Thắm, thằng Hùng đâu, ra chào các cụ các bác đi con.
Con Thắm bế con ra.
Mấy năm rồi tôi không gặp nó.
Anh Tư bảo tôi đây là đứa thứ hai đấy, “giáo sư” ạ.
Thì đứa thứ nhất, tôi cũng biết mà. Chuyện ầm làng.
Mẹ tôi bảo chuyện con Thắm là một lịch sử.
Con Thắm học sau tôi năm sáu lớp. Nó hát rất hay, thường đứng lĩnh xướng trong đội Sơn Ca. Học cũng kha khá. Đùng một cái năm lớp 8 bỏ đi làm công nhân nông trường chè Tam Thắng, chẳng ai bảo được. Tôi nhớ dạo ấy quê tôi có phong trào bỏ học về đi làm thuê. Thì cũng chỉ đơn giản là thích có tiền để may sắm thôi. Anh Tư bảo nó đi làm chè cái gì, có đi đè nhau thì có. Hồi anh làm trong đó gặp nó chiến suốt. Câu này tôi nghe mấy lần. Con Thắm là em con chú tôi. Anh Tư là anh con bác tôi là cán bộ nhà máy chè về một cục.
Tôi không biết phải tin ai.
Con Thắm bản người giờ thành hơi to. Mới hai mấy tuổi mà đã có xu hướng “mợ hóa”. Tóc xoăn. Quần bò cạp trễ. Nhìn vào mắt nó, chẳng biết là vui hay buồn. Nó bế con ra chào tôi. Kể chuyện huyên thuyên một thôi một hồi rồi vào. Tôi cũng chẳng nhớ là chuyện gì. Hình như nó chẳng còn mảng kí ức nào ra hồn thì phải. Tôi bế con nó, tự nhiên thấy buồn. Con bé giống mẹ nó quá. Mẹ mày ngày xưa suốt ngày lê la đánh chuyền đánh chắt ở nhà tao. Chả biết chút kí ức xa xưa còn vương sót chút gì trong đầu óc nó không con?
- Dzề hồi nào dzậy, anh Tâm?
Thằng Tình em trai con Thắm ra hỏi tôi. Nó mới đi Nam hồi năm ngoái.
- Anh về hôm qua. Làm ăn được không chú?
- Dzạ, hồi này công ti hổng có dziệc, tụi em nghỉ hoài. Dzề quê buồn quá trời quá đất anh à.
Anh Tư bảo tôi thằng này Nam hóa nhanh nhỉ. Mới đi làm thuê có nửa năm về mà tập tọng dặt giọng Sè - Goòng.
Một con bé chừng bốn năm tuổi chạy ra gọi cậu Tình vào tiếp khách. Con Nhạn. Tóc xoăn. Da xanh nhớt. Con bé là con đầu của con Thắm. Theo cách gọi của thằng Tình thì con này là chị Hai của em nó. Con Nhạn càng lớn càng giống mẹ. Mà nom kĩ ra chả biết là giống cái gì.
Anh Tư bảo con này tuyền gọi bà bằng mẹ.
Ngày tôi cưới vợ, con Thắm thắt bụng lên làm giúp. Nó mới bỏ việc nhà máy chè, về mở hiệu cắt móng tay, gội đầu. Công việc tậm tịt. Áo đuôi tôm, quần bom. Lâu lâu tôi mới gặp, cứ thấy nó nhớn nhác thế nào. Mắt chẳng nhìn ai. Chả biết là vui hay buồn. Mấy tháng sau mẹ tôi bảo con Thắm đẻ rồi. Thằng Tí bảo con này tạm biệt chim én hơi bị sớm.
Hồi bé, con Thắm đánh chuyền rất giỏi. Nó lanh lợi, chơi ô toàn về nhất. Đi bóc long nhãn thuê cũng nhanh nhất. Mùa Hạ về, mấy anh em chơi đồ hàng với nhau suốt cả ngày. Tôi và nó thân nhau, thường về một phe. Chơi chọi gối, nó chuyên nhận tôi cõng nó. Hồi lớp ba trèo ổi ngã gẫy chân, nó cũng chỉ khiến tôi cõng đi học. Nó hay mặc cái áo hoa tim tím, đi chân đất, nói cười lanh lảnh. Mớ tóc xoăn luôn xoa xõa trên trán. Nhiều lúc trông cứ thương thương thế nào. Nó bảo tôi sau này anh mà đi công tác Hà Nội phải cho em về chơi với nhé. Tôi chả biết Hà Nội là gì cũng cứ vỗ ngực hứa bừa. Chả biết giờ nó có nhớ không? Thằng Tí bảo tôi bác cứ ngồi đấy mà lo tuổi thơ cho nó.
Bà Quyền bảo con thím nó yêu phải thằng đểu cháu ạ. Ễnh bụng ra với nhau thì nó bảo không phải con nó. Nó không cưới. Chả nhẽ đi kiện à? Bụng to đi giải quyết bên y tế họ bảo nên để đẻ. Thế là có con Nhạn đấy. Bà Quyền vừa nói vừa xoa xoa đầu con Nhạn. Con bé ranh đáo để. Mới có bốn tháng cai sữa vội để mẹ cháu còn đi Đài Loan. Chả cần con nhỉ. Kệ cái con mẹ Thắm tồ nhà mày. Con ở với ông bà. Suy dinh dưỡng, lại bị đường ruột từ bé. Khổ thân, ông cháu đỡ đẻ cháu đấy. Con Thắm nhà thím đi Đài Loan chỉ có bổ cau thôi mà lương rõ cao tính ra mỗi tháng phải bằng nửa năm làm của thím cháu mình cháu ạ nó gửi có mấy lần tiền đã trả ráo nợ ngân hàng ông Quyền nhà này còn ăn ra một con uây an pha đấy…
Anh Tư đặt mẩu xương chân giò xuống góc mâm, quay sang bảo tôi:
- Nghe cái mồm bà thím nhà mình có mà đổ thóc giống ra xay. Kiết lõ đít ra nhưng toàn sĩ. Con Thắm sang Đài lêu têu mấy năm hôm nọ đánh điện về bảo nhà xuống Nội Bài đón. Tiền chả có xu nào. Nó bước xuống tầu bay kéo cái séc áo khoác thò đầu ra một đứa con nữa. Lại con gái. Bà Quyền chả suýt ngã ngửa.
Mẹ tôi bảo chuyện con Thắm là một lịch sử.
Ông Quyền ra định nói cái gì đó với tôi nhưng đau mồm quá lại thôi, cứ lúng búng trong miệng. Anh Tư bảo ông trẻ Quyền nhà mình đỡ đẻ cho con gái chắc đau xờ cau lắm đấy. Vừa rồi lại dính vào kiện tụng bị oánh tơi bời. Đất cát mà chú. Ông hăng hái cứ đòi làm căng tôi bảo ông trẻ cứ yên vị đấy đừng dây vào ông chả nghe vừa rồi thanh tra về rút hồ sơ ra đập cho một phát bảo ông khai man lí lịch năm sinh của chứng minh thư và năm sinh trong hồ sơ công tác không khớp nhau thế là mất hết chế độ.
Chú Quyền tôi nguyên là y tá quân đội về một cục sau tham gia chính quyền xã. Được mấy năm cánh của ông bị đám Ninh chột hạ. Từ đấy ông chuyên vào nghề thuốc gần đây chuyển sang cả Đông y. Tôi nhớ trên cửa nhà chú tôi treo tấm bảng rất to “Lương y như từ mẫu”. Thằng Tình dán khẩu hiệu mít tinh cho đoàn thanh niên thiếu chữ L bắc ngay đừng trèo lên (quê tôi gọi cái thang là cái đừng) bóc luôn chữ L thành thử giờ cứ thấy thiêu thiếu cái gì. Lão Phòng bảo tôi chữ L quan trọng lắm nó liên quan đến y đức, nhân phẩm. Chú tôi chữa bệnh còn thím tôi tính toán tiền nong với bệnh nhân. Tiền trong tay thế là coi như thím nắm quyền sinh quyền sát. Thím bảo hôm nọ con dâu Ninh chột đau đẻ mấy ông y tế bận họp bình xét thi đua cuống quá phải ra nhờ ông Quyền nhà này thím tức quá bảo ông Quyền đếch đỡ cho thế là phải đẻ tọt ở gần cầu Phú Mĩ thế cho sướng. Ấy làm thì xình xịch suốt ngày mà tiền thì chả ăn thua cháu ạ có đứa chữa xong chả có tiền thím phải cấn sang mấy buổi cấy.
Ông Quyền vào nhà trong lát sau ra đưa tôi một tờ giấy. Tôi nhìn thấy mấy bài thơ trên có ghi “viết nhân đợt…” đoạn sau tôi không đọc được vì lẫn cả đơn thuốc cúm nào Típ - phi nào Ăm - pe đoạn dưới là dòng chữ mới ghi chưa ráo mực đại ý là nhờ cháu Tâm sửa giúp vì chú đối rồi nhưng sợ chưa chỉnh. Tôi sợ quá vã mồ hôi ra bảo cháu lạy chú từ ngày lấy vợ đẻ con đến giờ cháu suốt ngày đi dạy tại chức kiếm ăn có thơ phú gì đâu…
Bà Quyền đảo mắt sang:
- Chú mày dạo này đốc chứng hay sao í có đêm chả ngủ cứ thức sùng sục làm thơ cháu ạ.
Ông Quyền nheo nheo mắt nhìn tôi miệng cứ lúng ba lúng búng chả biết là mếu hay cười. Thằng Tí bảo khổ ông trẻ Quyền nhà mình nghĩ được mà không nói được nhiều lúc trông đến tội.
Con Thắm bế con đi ra đi vào, hóng chuyện thêm bớt câu được câu chăng hươu vượn chả đâu vào đâu. Tôi chẳng biết phải giao tiếp với nó thế nào. Thằng Tí bảo tôi thôi bác đừng có cố con này giờ nó khinh kỉ niệm rồi. Nào sang bác bế nhóc con tí nào ối giời ơi còm quá chậc chậc tóc xoăn lại giống mẹ mày rồi con ơi. Tôi phát vốn cho cháu một trăm hỏi cháu tên gì. Con Thắm bảo chúng em bộn việc quá đã kịp khai sinh cho cháu đâu ông nội cháu bảo gọi nó là con Chòe. Bọn em trước trong công ti giờ làm ngoài chả có chế độ gì đẻ đái khổ lắm bác ạ. Con Chòe ở bên kia không quen khí hậu bị hen phế quản. Cháu lớn tí nữa em gửi ông bà em đi Hà Nội làm ô - sin lêu têu chán lắm rồi anh ạ. Anh Tư bảo thằng chồng con này người Hưng Yên cùng công ti ở bên Đài chả biết phải con mình không nó cứ lấy thôi nó lấy em mình là phúc rồi chú ạ. Chú không biết chứ hôm nọ nó đưa gia đình lên đặt cơi trầu mới phát hiện ra cô em mình còn một đứa nữa ở quê nó uống rượu say cứ khóc rưng rức tôi động viên mãi bảo thôi cái số mày nó thế. Thằng này nhà cũng kiết bố chạy thận mẹ nông nghiệp thuần túy chả có lương lậu gì vất lắm. Thằng này tên Hùng mà hèn chú ạ thế mới biết cái tên chả nói lên điều gì. Làng mình giờ đi Nam với xuất ngoại nhiều lắm. Khổ nhất là thằng Huyên ngố con ông Bỉnh hâm đi bộ đội cùng anh ba mươi bảy tuổi mới lấy vợ vợ đi Đài gửi tiền về xây nhà sau lại gia hạn thêm mấy năm vừa mới về xây bếp mới lại xây bờ rào. Trước thì béo tốt giờ như con ve anh trông thấy ti tiếc chẳng còn cái mẹ gì thằng chồng thì tóc bạc phơ phơ ra anh chả đi đâu hết anh cứ vợ con anh quê mình là nhất…
Tôi ngà ngà bảo anh Tư quê mình có cụ Bút Tre thơ lừng danh thiên hạ Bắc Nam nhiều người phục cụ sát đất. Thằng Tí bảo anh Tư thế là bác kiên cường bám trụ đấy em chúc mừng bác em với các bác đồng khởi một chén vì tinh thần cụ Bút Tre. Anh Tư bảo thơ phú thì anh không biết chứ riêng về ăn uống anh cứ là phải đoàng hoàng.
Tôi và thằng Tí say quá chả đội mũ mão gì cứ thế nhảy lên xe máy về nhà. Con Thắm ngoái cổ ra bảo bác Tâm sau này thành đạt nhớ giúp con Nhạn nhà em một suất làm cô giáo nhé. Tôi gật đầu lia lịa như sảng rượu. Thằng Tí bảo bác này chết vì cái bệnh hứa bừa.
Lên con dốc nhỏ.
Quẹo trái.
Nhà cửa nhấp nhô.
Con mương hẹp.
Bờ đê mới.
Về đến cổng thằng Cam sứt hàng xóm thổi còi nhựa kêu đánh toét một cái thằng Tí bảo mẹ thằng mất dậy làm anh giật cả mình cứ tưởng cảnh sát giao thông.
Tôi lên giường lăn ra ngủ.
Trong cơn say thảng thốt, tôi mơ về trung du yêu dấu thuở xa xưa.
Mùa hạ bầu trời xanh ngăn ngắt.
Mùa thu những áng mây phù du vời vợi đi qua.
Đông đến từng đàn chim tránh rét bay thảng thốt.
Tết xong là tháng Ba. Tháng Ba hoa gạo nở cháy trời. Dẫm chân lên ruộng mạ. Bùn từ kẽ đất bắn túa lên. Những con cào cào non bay ra. Tanh tanh mùi đất.
Tôi nhớ mùi chiếc áo đẫm mồ hôi của mẹ. Tôi nhớ những bà già đi chợ bán lá chuối khô.
Chợ chiều trung du se sắt.
Ôi, tôi nhớ mùi phù sa châu thổ. Vết chân trần loang đất. Rặng điền thanh. Vạt nắng chiều. Mùa Hạ chơi ô ăn quan, chơi nhảy dây. Những đêm trăng bọn tôi chạy trên ruộng đuổi nhau. Mùa khô. Trời mát. Đất cứng đơ. Bàn chân dẫm roàn roạt lên gốc rạ.
Những đêm trăng…
Tôi khóc nấc lên vì chẳng đưa con Thắm đi Hà Nội chơi được. Rồi tôi cũng chẳng giúp được cho con Nhạn làm cô giáo…
Con Thắm mặc áo hoa tim tím, nói cười lanh lảnh. Nó lĩnh xướng cho đội Sơn Ca. Cả con Nhạn, con Chòe cũng hát.
4.
Mấy hôm sau tôi về Hà Nội. Vợ chồng con Thắm và con Chòe đi Hưng Yên. Thằng Tí đi đào cột điện thuê cho công ty Việt - theo. Con Nhạn ở lại giữ tuổi thơ với ông bà ở trung du. Tôi nhắn tin cho thằng Tí bảo “hom nao qua mo cu But Tre lay cu ho anh mot cai” (hôm nào qua mộ cụ Bút Tre lạy cụ hộ anh một cái).
Trung du, mùa gạo nở hoa
Văn nghệ quân đội, số 1/2010
MỘT CHUYỆN NHÀ QUÊ
Có một chuyện mà tôi cứ lấn bấn mấy lần chưa kể ra được. Tôi văn chương chữ nghĩa ít, vốn lại lười nhác. Nhưng cuối cùng rồi cũng cố thử xem. Thực ra thì cũng không có gì đặc biệt vì truyện của tôi thường không có tình yêu nam nữ, không tình dục để hấp dẫn hay gây hấn với ai.
Chỉ là một câu chuyện nhỏ về nhà quê thôi.
Chuyện thế này:
Hồi còn bao cấp, tôi về phục viên rồi chuyển vào làm trong đoàn địa chất 302, có một dạo dài đóng tận tây Trường Sơn. Thời ấy cũng có những cái hay. Phần vì hăng say công việc phần vì cái ào ào của tuổi trẻ nên tôi coi chuyện xa nhà chẳng là gì. Mẹ tôi mất đã lâu. Bố tôi ở với ông anh trai. Bà chị cả lại lấy chồng cùng làng. Vậy coi như tạm yên tâm. Tuổi trẻ có khi vô tâm. Thế là cứ đi biền biệt. Mùa mưa về, việc thăm dò gặp khó khăn. Đơn vị cho anh em cắt phép khá thoáng. Dạo đó việc đi lại còn vất lắm. Hơn ba ngày mới về được nhà. Làng tôi phải qua đò. Một con sông nhỏ thôi nhưng cũng đủ thời giờ để người xa quê vẩn vơ đôi chút. Khói chiều nhạt nhạt. Gò Cum cao cao đằng xa nơi chúng tôi hay chăn trâu ngày trước. Mấy tán cọ mịt mờ tận chân đồi Đèn, thi thoảng lại khẽ loáng lên những vệt nắng chiều…
Nhưng nào đã kịp ngẫm ngợi gì lâu đâu thì đò đã vào bến. Vừa bước chân lên bờ tôi đã thấy tiếng người lao xao, lạ nhất là tiếng pháo nổ râm ran. Ngay từ phía trổ nhà ông Dương, giáp mặt đê. Quái lạ, Tết nhất gì đâu mà nhiều người đốt pháo thế. Đi một đoạn lại thấy tiếng trống kèn đám ma. Lạ quá. Kìa là ông cụ Bích, mặt nẻ chân chim, tay đánh trâu, tay xốc vai bừa trên vai. Gặp tôi ở đầu đê, ông khẽ hất đầu chào trước:
- Bố Thư về đấy hả?
Tôi chỉ kịp nói mấy câu qua loa còn cứ đứng đực mặt ra. Ông Bích quất một roi vào đít trâu, quai hàm và cánh tay giật mạnh, ra chiều hiểu ý, nhìn tôi hơi cười, giải thích:
- Bà Sâm chết, làng nổ pháo đấy!
Tôi chả hiểu ra thế nào.
Đi một đoạn, vào lối rẽ, ông Bích ngoái đầu lại thủng thẳng:
- Tối sang uống nước, nói chuyện.
Thật chả hiểu thế nào. Chỉ thấy một mùi ngai ngái của chiếc thừng buộc trâu ông Bích vừa qua… Vậy mà cứ như tận đẩu đâu. Xa xăm lắm.
*
Nhà bà Sâm ở bên kia con ngòi. Thuở nhỏ đi chơi bọn tôi hay dùng đất đá thi nhau ném qua. Bố tôi bảo ông Sâm chồng bà bị Tây bắn chết hồi chín năm. Anh Tuần là con trai độc của bà đi lính hi sinh mãi đâu trong Quảng Trị, quãng sau Mậu Thân, sau anh Thắng tôi chừng ba bốn tháng. Từ ngày anh Tuần mất, bà Sâm đem đổi tính đổi nết. Ông Sâm chết, bà ở vậy nuôi con, thế là nghiệt ngã rồi. Nhưng người làng chả phải ai cũng hiểu. Anh Tuần không phải đi lính, nhưng lại xung phong đi, rồi chết. Anh Thám bạn anh Tuần đem nhật kí về đưa bà Sâm. Bà Sâm không biết chữ, nhờ chú Quảng đọc giúp. Nhật kí anh ghi nhiều, trong đó có đoạn ghi lại tình ý với cô bạn cùng lớp tên Minh, rồi ước mơ làm kĩ sư xây dựng… Bà Sâm khóc dòng. Làng xóm ai cũng thương.
*
Về quê mấy ngày, bao nhiêu chuyện. Nhưng tôi băn khoăn nhất vẫn là chuyện bà Sâm. Bố tôi không còn minh mẫn, chưa hết chuyện nọ đã xọ chuyện kia. Loanh quanh rồi lại lê thê chuyện ngày xưa mấy cụ đi tàu về Hà Nội chơi. Anh tôi vốn tính hay qua quýt, từ ngày chị dâu tôi bệnh mất, chỉ lo đi làm nuôi con. Ở nhà quê suốt ngày, chuyện bà Sâm với anh chắc cũng bình thường thôi. Mình đi xa về, chắc hay lẩn thẩn chuyện thị phi…
Đêm nhà quê tịch mịch. Muỗi rức vo vo. Tiếng cóc nhái kêu ran. Rặng xoan lơ thơ dưới ánh trăng suông. Nói chung nỗi buồn trung du thì chẳng biết diễn tả thế nào. Thường thì cứ tám giờ tối, bố tôi đi nằm. Tôi không quen ngủ sớm. Tầm này ở đơn vị thì cũng chỉ vừa ăn xong, đang ngồi hút thuốc tán gẫu. Nhạt miệng quá mà bố tôi lại mới bỏ thuốc lào. Ông bảo các cụ trong hội bảo thọ vận động tuyên truyền ghê quá, bố phải hi sinh cái thú vui duy nhất còn sót lại ở nhà quê. Thật chẳng ra sao cả. Đấy cái ông Tam nhà gần cống Ba Cửa, từ ngày bỏ thuốc hết chỗ tụ bạ luận việc đời đâm sinh cờ bạc tổ tôm tổ tép mới chết chứ…
Chưa hết chuyện ông Tam, bố tôi có vẻ đã ngủ rồi. Mà chả biết ngủ thật chưa. Người già lắm khi cứ như giả vờ. Anh tôi uống chén nước rồi lai hai anh em thằng Tùng thằng Nam sang bên ngoại đóng giỗ. Tôi thủng thẳng qua nhà ông cụ Bích chơi. Thì lần nào cũng vậy. Một công đôi việc. Ông Bích biết nhiều, lại hay tỉ tê trò chuyện. Tôi biết nghe, thi thoảng đế vào đôi câu để ông thêm phấn khởi mà kể tiếp. Thế là ra khối chuyện. Mạ sài. Phân vụn. Sắn bã. Đám ruộng phần trăm. Chỗ đất vỡ trồng đỗ. Ông Hùng kiện ông Tình. Vân vân. Và quan trọng hơn là nhà ông thường có thuốc ngon. Tôi nhớ ngày bé đi thả trâu bọn tôi thích nhất được bắt tóp thuốc ông Bích. Tính ông dễ gần, hơi hài. Có lần ông thèm thuốc quá phải xin lại bọn tôi, thằng Phú nhe răng: - Thuốc đang ngon trẻ con bắt tóp! Ông Bích bảo cái thằng cha mày. Nhớ hồi ấy bọn tôi hay nhặt đầu mẩu thuốc về tích trữ rồi đem đi thả trâu đốt lò nướng sắn hút tập thể. Con rể ông Bích người Tiên Lãng Hải Phòng. Hôm hợp tác chặt ngô bác Tuyên trêu ông Bích kén rể như vua Hùng ấy nhỉ. Thầy Tiệp bảo còn hơn An Dương Vương. Ông Bích đùa bảo cũng bõ mồm gả con cho thằng Tiên Lãng…
Ôi trung du thuở nào xa lắc xa lơ…
Qua ngã ba nhà bà Quyền, chó cắn inh om. Mấy cành xoan thâm thẫm từng vệt lá, lơ thơ thả những đọt buồn dưới ánh trăng suông. Hàng rào găng. Gốc duối. Đám cây xấu hổ. Đây là cái cống ngày xưa mình tập xe bị ngã. Bên vạt đê này mấy đứa nằm cạnh đám cây xấu hổ rình xem trộm bọn dân công ôm hôn nhau rồi cười rinh rích.
Trong kí ức tôi, hình ảnh bà Sâm còn nguyên đó. Nhưng đầu tiên lại là một hình ảnh buồn cười. Bà Sâm đứng chéo chân vén quần bên bờ rào dâm bụt. Bọn chúng tôi lúc đó học cấp hai cứ chạy đằng sau hô to bà Sâm đái bậy rồi giơ tay làm súng bắn bùng chiu… Bà Sâm kéo quần xách gậy xông lại tế cho một trận. Còn suýt trèo qua đầu thằng Tuấn. Có một lần thằng Bắc bị bắt sống. Bà Sâm giềng cho dập đầu gậy. Bắc van lạy như tế sao bảo bọn thằng Bình boong với thằng Khải toác nó xui cháu. Bà Sâm dí tay chúi mặt về phía thằng Bắc bảo sao ngu thế hả con thế chúng nó xui mày ăn cứt mày cũng ăn à?
Hôm về thấy đám ma bà Sâm, dù cố nghiêm trang nhưng đầu óc tôi lại mường tượng ngay đến cảnh này…
Chó cắn. Ông Bích ra.
- Mực, vào ngay. Ông thì cho củ giềng bây giờ!
Ông Bích pha chè, thông điếu, thủng thẳng:
- Bố Thám tận Quảng Trị, tình nghĩa lắm, năm nào cũng lặn lội ra thăm. Bà Sâm cũng có vẻ nguôi ngoai phần nào. Ngặt một nỗi mấy năm nay vợ nó ốm quá, không đi được. Đứa con đầu bị chất độc da cam, không có mắt, lại hay động kinh, bỏ thì thương vương thì tội, nuôi nhau đến khổ. Bà Sâm thành người cô đơn.
Nhìn ông Bích nhả khói, mặt nhăn nheo, tôi nhớ câu thuốc đang ngon trẻ con bắt tóp, vừa buồn cười vừa thương. Ông Bích bảo, sau cái chết của chồng rồi của con, lại qua mấy trận ốm nặng, bà Sâm đổi nết ghê lắm. Trước thì cũng được làng xếp vào hàng nghiệt ngã (Thầy Tiệp tu từ bảo đấy là liệt nữ). Về sau thêm cái bệnh ăn vạ. Chả biết giời xui đất khiến thế nào mà hễ có đám cưới, ngày lễ ngày hội nào là bà ấy lại xông vào lăn đùng ngã ngửa ra giữa sân nhà người ta, người làng không ai khuyên bảo được. Bà Sâm trở thành khắc tinh của các ngày vui từ lúc nào không ai để ý.
- Đang vui, bà ấy lăn đùng ra, gào làng gào nước. - Chị Hoan đang nhặt rau lang nói với vào. - Nào chồng tôi con tôi chết vì làng vì nước để giờ các người mâm cao cỗ đầy nem công chả phượng thế này à…
Nhả khói điếu thứ hai, ông Bích tiếp lời:
- Nói thực với anh chứ lúc đầu người làng ái ngại lắm. Nghĩ bà ấy bị chấn động tâm thần. Ngẫm cũng tội. Mà có đám nào chúng tôi không mời bà ấy đâu. Mời bà ấy, bà ấy còn nhiếc móc chửi bới cho. Dần dà thì đâm khó chịu. Lòng cảm thông của con người cũng có giới hạn thôi chứ. Ai đời cứ nhè lúc nhà người ta đang vui thì khóc rống lên. Dạo đám cưới nhà Huỳnh bà ấy lại lăn đùng ra. Bà ấy bảo chúng mày quên công của chồng bà con bà rồi. Nhà đám hôm ấy có ông Ngạn bí thư huyện ủy gớm ông ấy phải gọi bố Thuyên chủ tịch xã ra mắng cho một trận bảo chỉ nghĩ đến ăn không quan tâm đến gia đình chính sách, tay Thuyên chả tím cả mặt.
Rồi thì lại đâu đóng đấy.
- Thì lúc người ta khó khăn nhất, chính quyền lại chẳng quan tâm. Người làng mình cũng bạc - Chị Hoan lại với vào.
Điếu thứ ba. Thấy bố hút tì tì, thằng Hán quay sang:
- Bố rít vừa vừa thôi chả đêm lại không ai thở hộ.
Thằng Hán cởi trần, ngồi vẽ ngô, được một chốc lại với tay sang rổ khoai lang lấy một củ ăn. Mỗi khi nuốt, yết hầu nó lại giật lên một cái trông đến tức thở.
Ông Bích phớt lờ thằng Hán, quay sang hỏi tôi thế bố Thư định bao giờ mới cho cho chúng tôi ăn cỗ. Tôi bảo chưa biết ông ạ, còn chờ vào duyên số. Ông hỏi tôi năm nay bao nhiêu rồi tôi bảo ba mươi tư ông bảo duyên số cái gì lấy vợ muộn thế là hay bị rân rất đấy con Hoan nhà này hơn chú bốn tuổi không thì lấy nó cũng được con bé đảm lắm…
Chị Hoan mau miệng:
- Bố này, cứ đùa chú ý chú ý ngượng. Mà nghĩ cũng tội bà cụ Sâm chú ạ. Một thân một mình đêm hôm chả có ai ngủ cùng. Hôm nọ cảm chết còng queo trong nhà bà đồng nát xộc vào phát hiện ra không thì lại bỏ thối… Mà người ta cứ ghê ghê bà ấy thế nào chứ tôi thấy cũng thường. Dạo nọ tôi liều sang xin mấy dải khoai cho lợn bà ấy còn gọi vào cho thêm hai nải chuối tiêu nữa đấy. Bà ấy chết mà mấy nhà đem pháo đốt thì xem ra cũng thất đức quá.
Ông Bích làm điếu thuốc nữa, lẩm nhẩm:
- Nhà quê lắm chuyện lắm. Tôi ngần này tuổi ở cái làng này sắp xuống lỗ rồi mà chả hiểu ra cái gì vào cái gì. Nhiều khi thoát li được như anh lại hay. Anh xem, cái giống rau lang này chính ra là để nuôi lợn mình lại đem ăn. Cái mình ăn có khi lợn nó lại không ăn được. Đến lạ.
Chị Hoan thêm:
- Thế mới biết chỉ cần sống được bình thường ngày hai bữa cơm độn thôi đã là sướng rồi. Thằng nhỏ nhà cái anh Thám ấy yếu lắm chú ạ. Nói bảo phải tội chứ sống như thế chả bằng…
- Mồm miệng. - Ông Bích ngắt lời khiến chị Hoan ngồi im.
Thấy ông Bích ngáp ngủ mấy lần, tôi chào ông rồi về. Ông Bích bảo về mà nghỉ mai rảnh lại sang tôi nói chuyện.
*
Tôi phải nói lại một lần, rằng nỗi buồn trung du thì thật không gì tả nổi, nó cứ xa xôi thăm thẳm thế nào. Xoan phơ phất. Ếch nhái kêu ran. Côn trùng vo ve. Trăng suông tịch mịch. Đẩy cành gai tre rấp cổng bước vào đã thấy bố tôi thắp đèn ngồi hút thuốc lào. Bố tôi bảo giờ già rồi tối không ngủ được buồn lắm. Bố bỏ thuốc được hai tháng hai ngày đến hôm nay thì đầu hàng… Anh tôi đùa bảo chắc hồi trẻ ông ngủ nhiều quá nên giờ mới không ngủ được. Bố tôi bảo chỉ bố láo.
Tôi ở quê gần nửa tháng, giúp được ông anh vực bừa cho con trâu be. Chẳng tìm hiểu được cô nào. Băn khoăn nhất vẫn là chuyện bà Sâm.
Người làng nói bà Sâm thuở thiếu thời khỏe mạnh đẹp gái lắm. Mấy đội mấy sếp ngỏ lời nhưng không ưng ai bởi bà đã phải lòng anh bộ đội Việt Minh. Có người bảo bà dại, chỗ sung sướng chả muốn nhưng bà không nghe. Lấy ông được mấy ngày thì ông đi chiến khu. Bà có thai, bụng mang dạ chửa, sinh con, lại ở với bà mẹ chồng trần đời có một. Ông Sâm hi sinh gần ba năm sau bà mới nhận được tin. Bà ở vậy nuôi con một mình. Thầy Tiệp bảo đã thế mãi bà mẹ chồng mới chết. Chả nói thì ai cũng biết khổ rồi. Mà thời đó thì nhiều người ở vậy nuôi con một mình lắm, việc ngoại tình cũng không phổ biến như sau này.
Làng tôi ở bên sông, nằm trên hai dải đất. Một trong đê, xanh xướp những tre. Một ngoài đê, bạc màu bụi đỏ. Dân ngoài đê khấm khá hơn, nhưng vẫn chủ yếu sống bằng đồng áng, thi thoảng ra sông đánh cụp kéo vó bắt thêm con cá con tép. Cái thiệt của dân ngoài đê là gia súc gia cầm hay bị xe kẹp chết. Ông Bích bảo thì thế lại được cái ăn chứ chờ tự nhiên mà mổ thì có mà còn khươm. Nhà bà Sâm nằm ở mé trong đê. Bà có một ông anh trai và hai bà em gái. Một bà lấy chồng rồi bặt tin từ ngày di cư vào Nam năm năm tư. Một bà lấy chồng trên thượng huyện mất năm ngoái. Nghe nói con cháu bà này cũng nghèo lắm. Nhà ông anh trai tên Thinh ngay sát vách. Ông này mất sớm nên hồi trẻ con bọn tôi hầu như cũng chẳng có ý niệm gì. Chỉ biết lão Bằng con ông Thinh lưu manh ngổ ngáo nổi tiếng hay ăn cắp vặt. Bố tôi bảo cái nhà bà Sâm như thế mà chẳng có hậu. Tôi hỏi ông được hay người làng bạc với bà ấy quá. Bố tôi bảo bạc cái gì, đến con đẻ có lúc nó còn mong bố mẹ chết sớm nữa là hàng xóm. Anh tôi bảo phải tội mồ ma bà Sâm chứ bà cũng nghiệt lắm. Cứ đem chuyện nhà mình ra để dằn vặt đay nghiến người ta thì bố thằng nào mà chịu nổi. Mà cứ toàn nhè vào lúc cưới hỏi nhà người ta chứ. Ông Bình ông ấy bảo thế bà tưởng mình con bà đánh nhau chết à? Người như bà ở cái làng này không thiếu nhớ. Bà quá quắt nó vừa vừa thôi bà Sâm ạ. Ai cũng hả dạ tưởng bà ấy bớt di ai dè bà ấy ra bốc ngay đống cứt trâu ném vào giữa mâm lão Bình, dính cả vào mặt hai con bé con ngồi cạnh, rồi chửi suốt cả buổi. Thật không ra làm sao cả.
- Thế không ai nói được bà ấy à? Tôi hỏi.
Ông Bích bảo thì cũng chỉ có bố Thám thôi. Nhưng gần đây chả biết tình hình thế nào bố nó ít ra quá. Bà Sâm chẳng nghe ai cả. Gần nửa cái làng này bị bà lăn vào ăn vạ, sáu bảy nhà bị ném đất cát vào mâm cỗ rồi. Mấy nhà bị bà Sâm ném cứt vào mâm, nhà Hùng loe, nhà Vận hấp, nhà Bình boong hôm nọ bà ấy chết đem pháo ra đốt đấy.
*
Sang nhà bà Sâm thắp nén nhang về, tôi cứ thấy bồn chồn thế nào. Thì vẫn là cái cảm giác lạnh lạnh khi xưa. Cúc tần chờm gần kín lối. Vườn trước cỏ mọc um tùm. Đất rộng, nhưng nhà bà Sâm chỉ có hai gian lợp gianh. Bố con ông Bằng đã dọn sang trông nom. Nghe nói sắp đào ao nuôi cá với trồng đỗ tương ở vạt trước. Tôi bảo hôm nọ mới về gặp ngay nhà đám nhưng không tiện đưa ra đồng. Lão Bằng hỉ thuốc lào ngay trên nền nhà nứt nẻ lắc đầu bảo bà trẻ tôi tội nợ lắm chú ạ. Con cháu không bảo được cụ. Tôi nhìn quanh nhà thấy hai bằng Tổ quốc ghi công. Một trên gian giữa, một ở thấp hơn, ngay bên trên lưng khách. Ảnh bà Sâm còn để trên bàn. Trong đầu tôi cứ lơ mơ lúc thì thấy bà Sâm vén quần đái, lúc thấy bà lưng còng lụi cụi hái đỗ, nhặt khoai… Về đến nhà rồi mà mặt tôi vẫn thừ ra. Chả hiểu ra thế nào. Cũng chả hiểu cái cách phản ứng của bà Sâm với người làng nữa. Anh tôi bảo thôi đi mà nghỉ đi, về cơ quan rồi liệu liệu mà lấy vợ, lo chuyện bà Sâm có mà hết ngày…
*
Hết phép. Tôi trở về đơn vị. Tình cờ run rủi thế nào đội của tôi lại được điều về khai thác khoáng ở ngay xã anh Thám. Hôm mấy anh em khát nước vào dân xin thì thấy trên tấm bảng treo cái bằng khen ố vàng ghi thượng úy Lê Quang Thám. Anh Thám tiếp tôi như một người thân. Anh hỏi chuyện bà Sâm khá nhiều nhưng tôi không kể hết, sợ anh buồn. Anh nói sẽ thu xếp ra sau. Rồi anh kể chuyện anh Tuần, người đồng đội thân thiết đã chết ngay trước mặt anh. Anh hỏi thăm ông Bích, bà bủ Khang làng tôi. Tôi hỏi chuyện thằng con anh thì anh buồn rầu nói cháu đã mất cách đó chừng năm tháng. Đôi mắt tuyệt vọng của anh hướng tôi về cái ảnh nhỏ của thằng bé ngay trên nóc tủ. Vậy là chỉ sau bà Sâm chừng hai chục ngày. Cả nhà đã kiệt sức. Anh rơm rớm nước mắt bảo đứa con gái anh cũng đang có dấu hiệu mờ mắt. Bà nội và mẹ cháu còn đang đi lễ đền cầu xin điều không may không xảy ra nữa. Anh Thám giữ mấy anh em lại ăn cơm nhưng tôi chẳng có bụng dạ nào. Tôi biếu anh Thám mấy bao Sông Cầu bao bạc rồi về đội. Trong lòng đã buồn bã xót xa chuyện nhà anh Thám rồi lại cứ vẩn vơ mãi chuyện bà Sâm, không sao dứt được.
Văn nghệ, số 39/2010
Văn nghệ quân đội số 33, tháng 6/2010
NGÀY NHẠT
1.
Dồn lũ trẻ vào góc sân chơi, Đức vội vã lục túi xách, lấy ra mấy bộ hồ sơ bảo hiểm, gọi cho từng người. Chị chưa có tiền. Mai chị đi vắng. Biết thế đã em nhé… Lúc nào các bà ấy chả vậy. Lúc nào cũng chủng chẳng, khinh khỉnh ta đây. Thì cũng đã quen rồi. Giơ tay đếm nhẩm, Đức chợt à lên một tiếng vì nhớ ra bà Ban hôm nay hẹn mang dầu gội đầu đến, ông Thám thì hết thực phẩm chức năng. Mở cuộc gọi nhỡ trong điện thoại, Đức chợt thở dài. Bà Hảo ngoài Hà Nội lại gọi giục rồi…
- Này, mánh lới gì mà ngẩn tò te ra thế bà chị?
Con Lam vỗ bộp vào sau lưng khiến Đức giật mình.
- Chuẩn bị đi giao hàng à?
- Ừ, con Hải về xin tiền, đang phát ốm lên đây.
Lam xoa xoa tay vào lưng Đức, vừa nói vừa cười:
- Thôi cố vậy. Em phải về trước đây. Khoản này thì em chịu không giúp bác được.
Trẻ con lớp bốn tuổi đã được người nhà đón hết. Lớp trống không. Biết vậy, nhưng Đức vẫn buột mồm:
- Xong rồi à?
Câu hỏi quen đến mức mà không trả lời thì cũng chẳng sao.
Ngoắc cái túi hoa to tướng vào móc xe, Lam chép miệng dài giọng:
- Xong rồi… Úi giời, về còn chuẩn bị đủ giáo cụ hội giảng. Còn chưa biết phải bắt ếch ở đâu đây.
Nhìn Lam dắt xe ra cổng, trông túm tóc và cái bóng con con xiêu vẹo của nó, Đức thở dài. Khổ thân con bé, mãi mới chạy được suất hợp đồng, giờ thì... Tiền không có, rồi đến rầy rạc ra thôi. Bà Miên hiệu trưởng mà biết dạo này nó hay đi hát cho quán cà phê Biển nhớ trên phố thì toi. Chị Năm bảo mấy hôm trước đâu còn bị mấy thằng choi con mất dậy gạ gẫm ngay ở quán.
- Tuấn Anh, về!
Đang vẩn vơ, Đức lại giật thột. Một mụ to lù lù đứng án ngay giữa cổng gọi với vào. Mụ An. Con quỉ cái chủ hiệu cầm đồ. Hôm nào đón con mụ cũng dở trò khiêu khích. Chả là thằng Tuấn Anh hồi năm ngoái hư quá bị cái Giang tát nhẹ cho một cái, nhà nó cậy thế làm mình làm mẩy lên, suýt mất việc. Vừa rồi anh mụ được bổ nhiệm phó phòng, cái Giang xanh mắt. Chị Năm bảo yên tâm các ông ấy quan tâm đến cái nhớn chả thèm chấp mày đâu. Thằng Tuấn Anh cậy bố mẹ giàu, được nuông chiều, chẳng coi các cô ra gì, đi học còn cầm cả máy nghe nhạc theo, làm gì cũng theo thói ích kỉ. Họp hội đồng, cái Thanh quản lớp có ý kiến thì bà Miên cau mày bảo thôi cố mà chịu đừng có động vào nhà tài trợ tôi cũng đang đau cả đầu lên đây. Mà, sang năm nó vào lớp một rồi còn gì…
Mụ An vẫn chềnh ềnh ngay trước Đức, vừa cầm túi cho con, vừa chảu môi:
- Gớm, chị Đức dạo này làm tiếp thị với bảo hiểm nom ra dáng quá đấy! Năng động phết nhỉ. Mà cũng phải thôi, trông vào cái nghề mầm non hợp đồng này có mà ăn cám chị Đức nhỉ!
Đức cau mày. Cái Thiêm tay vơ đồ dùng, mồm lẩm bẩm: - Mả cha mày. Nếu không phải anh mày làm phó phòng thì ông cho mày xơi phát tát.
Chiếc Dylan vẫn chưa chịu đi. Mụ An ngọt xớt:
- Hôm nọ lão chồng nhà này đi đón thằng Tuấn Anh về bảo cô Hải, cô Giang nhà mình từ ngày đi mầm non cứ béo trắng phây phây chắc là mút trộm được nhiều sữa của các cháu hí hí…
Thiêm nóng mắt đứng phắt dậy, định bụng cho con mụ này một trận, nhưng chiếc xe tay ga đã vù đi.
- Mẹ cha nó chứ, nhất thì mai em bỏ nghề. Để nó coi thường mình em đếch chịu được… Hồi chị em mình đi tại chức, nó bảo mấy cô giáo mầm non rửa đít cho trẻ con cũng đại học đại học em tức không chịu được...
Đức ù cả tai, chẳng nghe thêm được gì. Lòng chị đang rối bời bời.
Trước sân trường một làn khói bạc.
Đám trẻ con về hết, mấy cô ở lại lục cục dọn đồ.
Thì chiều nào cũng vậy.
Chiều nào cũng ngựa gỗ, xích đu.
Chiều nào cũng búp bê, cóng bơ, vỏ sữa.
Mảng bê tông trần nhà rơi từ tuần trước vừa mới được khiêng ra.
Gió nhàn nhạt thổi…
- Vừa tạm ứng được hai trăm. - Cái Thiêm lủng bủng - Thằng cu em ốm quá. Thế là hết lương phòng. Tháng này chỉ còn lương trường với lương xã. Mai thanh tra. Tuần sau hội giảng… Cuối tháng trước cầm về được những hai trăm! Bà mẹ chồng em bà ấy nguýt bảo nghề với chả ngỗng đi thì từ sáng đến tối. Thì chả nhẽ... Thế mà lão Khang trưởng phòng cứ sang sảng mầm non là nền tảng của nền tảng, là viên gạch đầu tiên để xây cất tương lai. Các thầy cô giáo mầm non là nhạc sĩ, là ca sĩ, là bác sĩ, là nghệ nhân… Cứ đà này sang năm em xung phong xuống phụ trách bếp với chị Năm cho yên thân.
Chị Năm an ủi:
- Thôi, chị già chấp gì. Em thế là khá rồi. Nhìn con Lam mà xem, ngày làm mười một mười hai tiếng dạo này chả gầy quắt ra chưa. Trẻ con thì hết ỉa đùn lại đái dầm. Lớp ba bốn đứa bố nghiện, hát i vê giai đoạn cuối, thằng Tài bố vừa chết. Bỏ không đón thì tội, mà theo đuổi rồi nhỡ nó cào cấu xây sát vào nhau, vào mình thì sao? Chồng chưa con chưa, không cẩn thận vừa mang tiếng vừa thiệt thân ấy chứ…
2.
Chiều nay trời trở gió. Rét đầu mùa sao mà nhanh thế. Lúc đi tơ mơ còn oi nóng, vậy mà giờ trời đã đầy sương lạnh. Đức vừa phóng xe vừa run cầm cập. Con Hải mới về hồi chiều, điện xem mẹ đã về chưa. Mai phòng thanh tra toàn diện. Mười mấy loại hồ sơ đang rối bung lên. Mà lấy đâu tiền để đưa con Hải bây giờ. Con bé căn số thế nào cứ khăng khăng học ngành thời trang. Tốn kém quá. Ông thầy dạy tại chức hỏi thăm bảo con chị nó chọn phải cái nghề chết tiệt. Chịu, chả hiểu thế nào.
Lạnh quá. Sương quất vào mặt, dày như vốc được. Khổ thân con Lam. Lạnh thế này thì lấy đâu ra ếch mà tìm. Mấy tay chuyên viên phòng cũng hâm quá mất. Thi giáo viên dạy giỏi bắt người ta chuẩn bị càng nhiều giáo cụ trực quan càng tốt. Con Lam bảo phải có tiếng ếch kêu bác ạ. Em nhờ mấy đứa em tìm trên Gu gờ nhưng không được. Gớm, hôm nọ hội diễn cụm, mấy bà còn mang cả chó, mèo thật lên sân khấu. Diễn xong kịch rồi thì mấy đứa em phải đi dọn phân. Vừa buồn cười vừa nhục.
3.
Con Hải ra mở cổng. Mẹ. Sao mẹ gầy thế? Ừ, về rồi à con. Mấy hôm nay thay đổi thời tiết, mẹ mệt. Con vừa đăng kí học thêm một lớp thiết kế của Pháp mẹ ạ. Xịn lắm. Lấy xách tay xong, con sẽ tự thiết kế trên máy. Bạn con nó mở công ti rồi. Sau này tốt nghiệp, con cũng mở doanh nghiệp riêng mẹ ạ…
Đức thở dài. Con bé này, ảo tưởng viển vông y như con mẹ mày ngày trước.
Tiếng điện thoại reo. Đức giật mình. Chị Hảo lại gọi, tiếng thẽ thọt:
- Thôi quyết định đi cô em. Ra Hà Nội, làm trưởng đại diện cho chị, phụ trách luôn tỉnh mình. Em có kinh nghiệm, lại có trình độ đại học, tốt quá. Nghề sạch sẽ. Công ti mĩ phẩm Hàn Quốc nhá! Lương cứng năm triệu một tháng, thưởng thiếc nữa chả vào gần mười triệu. Lấn bấn cái gì?
Đức thở dài:
- Là em còn thấy tiêng tiếc thôi. Con Hằng thì chưa hết cấp.
- Tiếc cái gì. Con Hằng đem gửi bà ngoại. Phải tính đến thực tế em ạ. Em chen được biên chế không? Đợi đến mùa quýt nhé. Mấy đứa em chị dạy văn cấp hai còn bỏ hợp đồng ra đây hết rồi. Chị muốn giúp em vì em người nhà, lại cộng tác lâu dài với chị, lại thạo địa bàn, chứ cái chỗ này á, có mà nằm mơ… Chị mời, em mất đồng nào không?... Không chứ gì? Em mà bỏ ra năm sáu chục triệu cũng còn khươm mới được một suất công chức nhé! Thấy chị nói đúng không nào?
Đức lại thở dài. Cái bà Hảo này nói cái gì cũng đúng. Đúng là sắc sảo chuyện đời. Chả thế mà, từ một giáo viên tiểu học, biên chế hẳn hoi mà dám bỏ nghề ra Hà Nội buôn bán vặt. Gần đây mở công ti riêng, làm ăn cũng có vẻ hoành tráng lắm. Còn mình thân phận hợp đồng, nay trường dọa chuyển mai phòng dọa chuyển. Mấy tháng lại kí một lần. Mệt. Hơn chục năm đi làm, cũng va với mấy đời hiệu trưởng rồi đấy chứ. Năm kia, nghe lời bà Miên, mang tiền lên phòng chạy. Tưởng chắc ăn ai dè năm đó có nhiều đơn kiện, trưởng phòng đúng tuổi hưu, thế là tiền mất tật mang. Chị Năm bảo toàn tại mình tự đem nạp mạng chứ các ông ấy có đòi hỏi đâu mà vợ các ông nhận tiền chứ các ông ấy có nhận đâu chết cái là đi hối lộ mình không xin được hóa đơn em ạ…
Năm ngoái phòng nội vụ trực tiếp xét công chức, phòng giáo dục bị vô hiệu hóa, suất biên chế về tay cái Bình. Chị Năm bảo cái Bình là bồ ông chủ tịch huyện đấy, em đừng có đua. Còn cái Thảo bên trường Ban Mai á? Có thư tay trên tỉnh gửi về đấy!...
Thì Đức cũng hết ý định rồi, đúng ra là hết sức rồi. Chạy vạy mấy chục rồi làm trả nợ hết đời sao. Dân mình kể cũng lạ thật. Chị Thắm bảo thì chị em mình cũng chỉ cố để kiếm cái sổ hưu thôi chứ có gì đâu. Hợp đồng không bảo hiểm, lấy đâu sổ hưu? Chị Năm bảo cái Bình được biên chế thì bị chị em tẩy chay. Nó bảo với chị chị ơi em nhục lắm chị bảo mọi người thương em với. Con Thiêm mỉa nó là được cái lọ phải mất cái chai chứ biết làm sao…
Đức thở dài. Chị Năm nói đúng. Phải sống được đã thì mới làm việc được chứ. Đằng này… Ôi, lấn cấn thì đã nhiều, nhưng rời bỏ ngay một công việc thân quen đâu dễ. Nhiều khi nghĩ đến hai chữ bỏ nghề Đức đã thấy thơ thẩn ra rồi. Chị Năm bảo tao trụ lại với nghề là do cái mùi trẻ con đấy, mà nhiều đứa thì hôi sình ra, thế mới lạ chứ?
4.
Con Hằng đi học thêm về, tung tăng ra ôm cổ mẹ. Mẹ, mẹ cho con tiền đóng học. Hết tháng rồi. Tháng này bọn con bắt đầu học thêm thầy Tuấn cô Thanh. Bọn nó bảo năm ngoái những đứa không học thêm thầy Tuấn với cô Thanh cho điểm thấp lắm.
Đức thở dài. Lại hết tháng rồi. Chả bù cho lúc trên lớp, yêu nghề bằng mấy cũng chỉ mong cho hết ngày. Cái Thiêm chiều nay bảo 20 tháng 11 đến nơi rồi mà chả thấy ma nào tặng hoa chị nhỉ. Câu nói của Thiêm khiến Đức se lòng. Đức lặng lẽ đến bàn thờ chồng, thắp một nén nhang…
Anh… Bức ảnh đen trắng anh và em chụp ngày sắp cưới, sao mà thân thương. Khuôn mặt anh gầy, góc cạnh. Em tết tóc hai bên, hai má bầu bĩnh. Anh đùa bảo tướng em chỉ dỗ trẻ là hợp thôi. Em cười…
Anh… Giá mà còn anh, thì em đã nhận được hoa rồi. Năm nào ngày này anh cũng mua hoa tặng em. Anh bảo thương em làm cô giáo mầm non. Nhớ khi em còn học trung cấp mẫu giáo, anh hay đèo em đi chơi dọc theo con đê quai quê mình. Có hôm đang đi em bất thần nhảy xuống chạy vào đống rác, bới bới một hồi nào vỏ hộp, nào cóng bơ. Em làm đồ chơi cho lũ trẻ. Anh cười bảo em yêu nghề quá đấy. Em yêu mấy cái cóng bơ đó hơn cả anh. Tội quá…
Ôi, hôm nọ em với con Thảo còn cười ra nước mắt. Thì vẫn là bệnh nghề nghiệp thôi. Hai chị em đang đi trên đường thì con Thảo nhảy phắt xuống xe, chạy vào đống rác lúi húi nhặt ra một bó hoa to đùng ai đó vừa vứt đi. Bó hoa chắc phải đắt tiền lắm vì được cuộn ni lông rất cầu kì. Cắt quần áo đồ chơi, phen này con Thảo tha hồ trổ tài nhá. Vậy mà vừa gửi xe ngoài cổng chợ mua mấy con tép, quay ra không biết đứa nào thó ngay mất. Hai đứa bảo nhau chỉ có đồng nghiệp mầm non mới ăn cắp cái đồ này. Đến là cười ra nước mắt.
… Cũng tại em đã không quyết liệt ngăn anh. Mà công việc thì nguy hiểm quá. Cũng chỉ vì anh thương em và các con vất vả… Mà, cũng tại cái công ti khoáng sản chết tiệt của lão Phần ấy nữa…
Anh... Mười hai năm hợp đồng, mười hai năm khắc khoải. Từ lúc lương mười bảy nghìn đến giờ triệu mốt. Em chắt chiu từng đồng cho con. Chắc chỉ có anh là hiểu em thôi. Con Thiêm bảo may mà chị Đức còn có thêm cái anh Bờ ru đen sồ với anh tiếp thị, không thì toi rồi. Bảo hiểm với cơ chế thị trường cứu chị đấy.
Anh nhớ không, ngày em mới chân ướt chân ráo ra trường, lương xã trả bằng… kilogam. Nghĩ mà tội. Mang tiếng là tỉnh du lịch nhưng bà con mình vẫn còn khổ lắm. Tình hình mầm non mấy năm nay cũng chẳng khá gì. Dạo này, bà Miên hô hào chị em vỡ đất trồng rau, bố trí người bán, lại bố trí người nuôi lợn để cuối kì có thêm mấy đồng chia nhau. Dịp nào hiếu hỉ nhiều thì coi như hết. Trường đang nuôi gần mười con lợn. Mùi hôi bốc vào tận lớp. Hôm nào gió nam thì cô trò chỉ có nước ra sân mà… tập thể dục. Chị Năm bảo chị em mình phải thích nghi thôi, chỉ thương là thương các cháu. Chuyện như khôi hài mà thật. Nói chẳng ai tin. Bao nhiêu năm chờ chỉ tiêu, lại ba bốn lần đề cử hụt, một lần mất không tiền, em nản quá rồi. Các con đã lớn, lương thì vẫn thế mà tiền ăn, tiền học thì cứ tăng vùn vụt. Con Hải sang năm thứ hai, con Hằng sắp cuối cấp rồi. Không có anh, em không thể trụ lại được nữa… Đừng buồn anh nhé. Chị Hảo nói với em lâu lâu rồi nhưng em cứ lấn bấn mãi… Chuyện nghề, ngoài mấy chị em trong trường, em chỉ còn biết nói với anh thôi…
Con Hằng đến ôm lưng mẹ:
- Đấy, mẹ lại khóc rồi.
Đức lấy khăn lau mắt. Con Hằng gặp cảnh này quen rồi. Mẹ nó vẫn hay ngồi thế những lúc một mình, thẫn thờ với bố.
Chuông điện thoại bàn réo. Đức giật mình.
- Mẹ, bác Năm. - Con Hải gọi.
Tiếng chị Năm:
- Mai chị gửi tiền nhé. Thông cảm cho chị. Hôm nay ông Tám nhà chị mới bán được lợn. Dạo này khủng hoảng kinh tế chúng nó cứ chê ỏng chê eo. Thế em nhé! Chị là chị sợ em sắp đi. À, 20 tháng 11 năm nay trường cho mỗi người năm chục. Mụ An cho mỗi người một trăm. Mai lấy nhé! Hay là chị cầm sang luôn?
- Thôi, mai cũng được chị ạ. Đằng nào chị cũng đến sớm mà.
- Ừ. Mấy năm nay năm nào cũng năm chục. Giá cả thì tăng vòn vọt. Con Thiêm bảo chị tiền thưởng năm nay thực ra là tăng đấy nhưng là tăng ở giá mua phong bì. Năm ngoái phong bì ba trăm năm nay một nghìn hơ hơ...
Chị Năm cười. Đức cũng cười. Tiếng cúp máy đầu bên kia của chị Năm khiến Đức trống tênh. Rồi lại thở dài... Mình đã khổ, bà Năm còn khổ hơn. Chồng nông dân, bốn đứa con ngồng ngộc. Mấy năm trước xã gom đất để chuyển đổi mục đích sử dụng, cả nhà có mấy sào bán tiệt. Công ti hóa chất chềnh ềnh chặn cả con mương tưới tiêu của xã. Dân kiện như đánh chuyền. May mà hai năm sau công ti này phá sản, đất được san ủi biến thành khu đô thị hành lang của thành phố. Nhưng giá thì tăng lên tận trời. Cả làng trơ mắt ra. Giờ thì cả sáu người chen chúc trong cái nhà ống. Ngoài mấy luống rau trước cửa thì tiền mặt trông cả vào suất lương mầm non. Chả thế mà vay có một triệu thôi mà lần khân đến nửa năm chưa trả nổi. Dạo này còn xin làm thêm công việc dọn vệ sinh sáng để lấy thêm mỗi buổi tám ngàn. Trưa, thay các cô trẻ trực đến hai giờ chiều được thêm mười lăm ngàn nữa. Có tí tuổi rồi, bọn trẻ tẩy chay, không học, cứ đòi các cô xinh, hát hay, cả đám phụ huynh cũng thế. Chị Năm bảo cái nghề mình nó thế đấy. Chị phải chủ động xin rút. Chị già rồi, son phấn gì. Chị Năm kiêm nhiệm nấu ăn, hằng ngày trẻ vắng cứ phải báo tăng để còn có cớ bớt đi chút ít. Chắc chỉ được mấy ngàn. Đức biết thế, nhưng nghĩ tội chị Năm, chẳng muốn nói làm gì. Bà Miên cũng không đến nỗi đếm đầu từng đứa. Hôm nào mưa rét, trẻ nghỉ nhiều, thì thu nhập khá hơn. Hai mươi năm hợp đồng, giờ phụ trách khu vườn rau, làm bếp thì lấy đâu thành tích để xét biên chế chứ. Chị Năm bảo kiếp sau á, có mà các thêm tiền... Mấy đứa con chị lớn lên, tao tống vào khu công nghiệp hết. Con Thiêm bảo nghề mình cứ như diễn viên ba - lê ấy nhỉ. Thằng chồng em hôm nào cũng chửi bảo em cứ như trưởng phòng ấy, đi từ tơ mơ sáng tối sập mới về. Chết mất thôi… Về nhà thì nhờ chồng, lên lớp thì ăn vẽn của trẻ con. Khéo phải gọi nghề mình là nghề ăn vẽn trẻ con chị nhỉ…
Cái Thanh quay sang bảo gớm kêu gì, còn có chồng mà nhờ. Đằng này…
Thế là cả đám lại ngồi thiu mặt. Rồi lại quay sang bàn chuyện suất biên chế năm nay.
Trường có hơn hai chục giáo viên hợp đồng. Bảy người đạt tiêu chuẩn cần và đủ để xét công chức. Phòng cho mỗi trường một suất, tự bình bầu. Bầu xong lần một, còn hai người. Con Diệp và con Hương. Thành tích ngang nhau, đều giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Hương là chủ tịch công đoàn đương nhiệm, Hương được. Chị Năm bảo con Hương nó vận động hành lang ghê lắm.
Diệp bảo Đức từ hôm được biên chế đến giờ con Hương nhìn em cứ lang lác. Em khinh không thèm nhìn mặt. Em khổ hơn. Cả nhà có mỗi suất lương, nó chẳng nhường em. Bạn cũ đấy chị ạ.
Đức thở dài.
Bác Tư bảo vệ bảo từ hôm có suất biên chế về, trường mình mất đoàn kết hẳn lên.
Chị Năm xen thêm: - Thôi cô mình ạ. Phận chị em mình đứng về phía ai thì cũng thế thôi. Chị nghe bảo lấy tín nhiệm chỉ là hình thức thôi, chứ trên họ chỉ định hết rồi… Như em đấy, mấy lần xét có được đâu. Các em còn trẻ, cố mà học thêm lớp nọ lớp kia mà chờ. Chị già rồi, cố thêm mấy năm nữa rồi chị biến…
5.
Đức ngồi bần thần trước bàn. Trước mặt chị nào tò he, nào lông gà lông vịt, ống bơ, vỏ bia, hộp kẹo. Giáo cụ trực quan. Con Diệp bảo không biết rồi còn nhặt cái gì về nhà để làm đồ dùng học tập với sáng kiến kinh nghiệm nữa đây. Sắp tới còn phải thi giáo viên dạy giỏi trên boai boai (power of point) nữa đấy! Bây giờ em mắc bệnh nghề nghiệp rồi nhìn thấy cái gì cũng muốn cắt. Hôm nọ nhìn lão trưởng phòng phát biểu em suýt rút kéo ra cắt đấy hi hi…
Có tiếng xe máy ngoài cổng. Con Thanh vào nhờ Đức giúp cách gấp mấy đồ chơi khó. Nó than thở năm ngoái đầu tư thi giáo viên dạy giỏi nào giấy màu băng dính nào băng đĩa thu thanh rồi mấy cái kéo tính ra mấy trăm ngàn được giải nhất trường thưởng cho bốn chục. Từ ngày chồng Thanh và chồng Đức bị tai nạn lao động mất, hai chị em thành ra thân nhau hơn. Chuyện gì Thanh cũng sang hỏi Đức. Một nách hai con, hai chục triệu tiền bồi thường chỉ thêm xót xa, năm ngoái hụt suất biên chế năm nay im re.
- Em vừa trả trẻ buổi đêm, tranh thủ sang chỗ chị. Gớm, nhận trông mấy ông tướng buổi tối, được thêm mấy đồng mà vất quá chị ạ. Bố mẹ thằng Hoàng Anh thì hôm nào cũng chín rưỡi mười giờ dọn hàng xong mới đón em xõa hết cánh rồi chị ạ. Kéo dài tình hình này khéo em không trụ được. Thế mới biết bà Thắm trường mình khỏe thật. Sáng đến từ năm rưỡi dọn với bà Năm, trông trẻ pha trưa đến chiều tối lại nhận trông thêm sáu đứa. Vừa rồi tạm biệt con xe đạp Thống Nhất lên quả wây rờ ét rồi. Hôm qua ra sân sau tập tông vào tường rào chồng nó chửi cho đến khổ… Mà chị định đi thật à? Thảo nào lâu lâu chả thấy chị tham dự bình bầu thi đua gì. Bà này hóa ra nuôi chí cả. Đùa thôi, đi thì chả tiếc. Chỉ sợ hoàn cảnh làm mình thay đổi thôi…
Thanh miệng nói tay gấp. Trước mặt cô đầy những hươu, gấu, vượn. Nhìn khuôn mặt xanh tái, đầy tàn nhang của Thanh, Đức khẽ thở dài.
Bên ngoài, gió ràn rạt thổi.
- Khổ anh Minh nhà chị, - Thanh không chịu ngồi yên, tiếp lời, - cứ yên trí mấy đồng lương mất sức không sao, lại nghe anh Thành nhà em đi đào đá cho lão Phần. Chết vì thương vợ thương con đấy. Mà cái lão Phần này cũng khốn nạn thật. Người dân người làng với nhau mà nó có coi cái mạng của mình ra gì đâu. Cái dây buộc vào người mục ải thế thì bố nó cũng chết ấy chứ… À, chị đi cho em kế chân Bờ ru đen sồ của chị nhé!
Thấy Đức ngồi thừ mặt ra, mắt đỏ hoe, Thanh trùng lại:
- Thôi chị. Tính em thơn thớt vậy thôi. Chị em mình đều khổ mà…
6.
Tin Đức sắp chuyển nghề loang nhanh như váng dầu. Ai cũng hỏi thăm. Chị Năm mới nghe phong thanh đã giật nách bảo em đừng dại, một suất hợp đồng giờ không dưới hai chục đâu em mà nghỉ là tuần sau có đứa thò đầu vào ngay đấy vừa rồi đại học mầm non xếp hồ sơ trên huyện cả đống.
Con Hải vừa nhắn tin vừa quay sang bảo mẹ:
- Con muốn mua máy hát - pê mẹ ạ. Máy này giờ thông dụng lắm. Lớp thời trang nâng cao của con hết khoảng tám triệu. Sắp tới có khả năng bọn con lại bị tăng học phí đấy. À, mai con đi mẹ nhé!
Đức thở dài:
- Ngày kia đi con ạ. Rồi sang tuần mẹ lên. Cầm một ít lên đóng học đã. Mấy hôm nữa mẹ chạy được tiền thì lấy máy tính sau.
Nhìn sang, thấy mẹ buồn, con Hải cũng ngồi im, không dám gặng nữa. Nhắn tin mỏi tay rồi lăn ra ngủ. Nhìn con gái nằm co ro, nhãi chảy ra quanh mép, tự nhiên Đức thấy xót xa quá. Đắp chăn cho nó xong, Đức ngồi thừ một mình. Con Hải lớn rồi mà còn tồ quá. Chưa biết chia sẻ gì với mẹ. Từ ngày bố mất, chắc tình cảm thiếu hụt nhiều. Thương con, cố bù đắp thêm cho nó, thành ra có lúc nó sinh quá trớn. Không khéo lăn lộn đi trông con người rồi con mình hỏng thì khốn. Chuyến này ra Hà Nội, mẹ con thuê nhà chung nhau, mình phải rèn thêm con bé mới được.
7.
Đêm khuya. Gió ràn rạt thổi. Sương đặc như vón trên cành nhãn trước cửa. Tiếng côn trùng ranh rách. Tiếng côn trùng nghe thăm thẳm xa xôi như nỗi lòng giêng hai, ngày em đan áo thức đợi anh. Lạnh quá. Trằn trọc mãi không ngủ được, Đức trở dậy lấy nén nhang thắp cho chồng.
… Anh, có lẽ em phải đi anh ạ. Đừng buồn em anh nhé! Vì các con, em không thể ở lại. Em đi rồi cuối tuần cuối tháng em về. Chị Hảo cũng có cái tốt, thực bụng muốn giúp em. Con Hằng em gửi bà ngoại. Sau này công việc hanh thông, em sẽ cho nó ra Hà Nội học. Con bé này ở với em cả ngày thành ra cũng thích cắt dán với gấp đồ chơi. Em sợ quá…
Mà, dạo này em hay nằm mơ lắm. Mấy đêm nay em toàn mơ thấy lũ trẻ con. Em bắt nhịp, chúng hát theo. Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền… Đầu óc em chập choạng quay cuồng. Em mơ thấy bà Hảo cho tạm ứng tiền mua máy tính xách tay cho con Hải. Rồi hôm qua thì hỗn độn nào ngựa gỗ, nào xích đu, túi ni - lông, cóng bơ, cả vỏ sữa chua anh ạ…
Con Hằng thiếu hơi mẹ, chắc khó ngủ yên, hết ho lại cựa. Đức vào dẹm lại màn, đắp thêm cái chăn chiên cho nó, rồi trở ra bàn, lấy giấy bút ra viết…
Mới được mấy dòng đầu tiên, mắt Đức đã nhòa đi…
Bên ngoài, sương giăng trắng xóa.
Mùa đông về thật rồi.