(Thứ tư, 13/04/2022, 09:53 GMT+7)


Nhà văn Phùng Phương Quý

Sinh năm 1953.
Quê quán: Phú Lộc, Phù Ninh, Phú Thọ.
Hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam.
Hội viên Hội VHNT tỉnh Phú Thọ.
 
Tác phẩm đã xuất bản:
 
Mưa trên lá cọ (tập thơ), NXB Thanh niên, năm 2001
Mùa trăng suông (tập truyện ngắn), NXB Văn hóa dân tộc, năm 2004
Cánh rừng còn sót lại, tập 1 (tiểu thuyết), NXB Hội Nhà văn, năm 2006
Cánh rừng còn sót lại, tập 2 (tiểu thuyết) NXB Hội Nhà văn, năm 2008
Thủ lĩnh bản Nun (truyện thiếu nhi), NXB Văn hóa dân tộc, năm 2008
Khắc khoải tiếng rừng xưa (tập kí), NXB Thanh niên, năm 2011
Lao xao chuyện đời (Tập truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn, năm 2013
 
Giải thưởng:
 
Giải Tư cuộc thi truyện ngắn năm 2004 của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ GD-ĐT
Giải Ba cuộc thi truyện ngắn năm 2006 của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ GD-ĐT
Giải A cuộc thi truyện ngắn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2005
Giải nhì cuộc thi truyện ngắn Hải Phòng năm 2005
Giải Nhì giải thưởng văn học Hùng Vương 5 năm 2000-2005
Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Bộ VHTT năm 2007
Và một số giải khác về lĩnh vực văn học ở T.Ư và địa phương



CHIỀU ẤY CÓ CƠN BÃO

Bốn giờ sáng, Huệ khều khều nách chồng. “Dậy cưng! Chụm lẹ cái bếp lò. Má đang ho kìa!” Phòng trong, tiếng ho của bà Mười khúc khắc, thúc giục. Đực xoãi tay chân, ngáp. Mệt không muốn dậy. Cái vụ dậy trễ này là tại bà xã nghen. Con thì ai không ham, nhưng phải từ từ chớ. Mới cưới hơn năm, gấp gì? Một đêm dồn ba trận, trâu cũng oải nữa chớ người ta.

Mọi bữa, ba giờ sáng là vợ chồng đã dậy, người chụm củi nồi nước lèo, người chạy xe ra nhà lồng chợ lấy thịt, chuẩn bị bán hủ tíu. Khoảng bốn giờ, đám làm công bốc vác dưới bến kéo lên ăn uống, nổ như bắp rang, toàn chuyện đàn bà. Khu phố thức giấc, bắt đầu từ quán hủ tíu, lấn qua cà phê Tú mập, sang vựa rau Năm Hùng... cuối cùng tới quán tạp hóa ông giáo về hưu, vừa đúng sáu giờ. Út Lan không thể nằm nướng thêm chút nào nữa. Tiếng bà Mười gắt gỏng. “Đồ con gái hư! Mặt trời xỏ lỗ tai hổng thèm dậy. Mai mốt thằng nào thèm cưới mới lạ.”  Út Lan uể oải ngồi dậy, uể oải bước vô toa-let, uể oải ôm cặp bước ra khỏi cửa. “Ăn tô hủ tíu rồi đi học nghen Út?” “Khỏi! Hủ tíu hoài, ngán muốn chết.” Qua chỗ Huệ bán hàng, cô chu mỏ. “Bà già trù tôi ế chồng hoài. Chờ đó! Mai mốt tôi cưới thằng Việt kiều cho coi.” Khách trong quán cười rần rần. “Đúng đó cô Út! Khi nào đám cưới nhớ mời hết tụi nầy nghen.”

Ngoài kia, đã lao xao tiếng người. “Út Đực đâu gồi? Hồi khuya “sập hầm” sao mà trễ vậy?” Tiếng Huệ giả lả. “Đâu có! Mấy chú, mấy anh ngồi uống nước chờ chút đi. Có hủ tíu liền hà.” Gần hai năm lên phố ở rể, Đực không quen nổi nếp sống thức khuya, dậy sớm. Dưới quê, đi làm về là nhào ra sau nhà, tắm mát. Ăn cơm xong lúc sáu giờ chiều, coi truyền hình tới tám giờ tối, vô mùng ngủ thẳng giấc tới sáu giờ sáng. Ngày nào cũng vậy, chỉ khi nào mùa vụ gấp quá mới làm trễ tới bảy giờ tối hoặc thức giấc lúc bốn, năm giờ sáng. Ở đây, thức dậy đúng giờ, nhưng đi nghỉ không có giờ. Bữa nào bán hết sớm, cũng bảy tám giờ tối. Bữa nào ế, cù cưa cù nhằng tới nửa đêm, không theo quy luật, nên Đực luôn đói ngủ.

Năm đó, đò ghe rình rang rước dâu từ Cần Thơ về Long Phú. Đám cưới xong, ba ngày sau hai vợ chồng Út Đực lại tay xách, nách mang đồ đạc, quà mừng từ Long Phú về Cần Thơ. Hai Huệ còn chưa kịp nhớ mặt bốn người anh chị bên chồng. Ai cũng mừng cho chú rể thoát cảnh tối ngày chân tay, mặt mũi sình bám. Đừng có nói “chó chui gầm chạn” nghen. Ở rể có cái hay của ở rể. Má chồng nàng dâu không có cơ hội mà gầm ghè nhau. Lúc đầu nghe bà nhạc nói với ba má, rằng. “Ông nhà tui mất sớm. Nhà mấy má con đều đàn bà. Anh chị sui có thương thì cho thằng Út gởi rể, nếu không được...” Ba má chịu liền. Nhà năm đứa con, hai con chị theo chồng không tính, chớ ba thằng đực rựa, lo cưới vợ, cất nhà cho tụi nó, muốn khùng. Đực tính thầm trong bụng, nếu ba má không cho ở rể, nó cũng theo vợ, vì thương Huệ dữ lắm. Duyên nợ từ kiếp nào, chớ khi không người ở phố, người cù lao, gặp nhau mà nên vợ chồng?

Huệ học lớp mười, đúng năm ông Mười bị ung thư bao tử, mất. Bà Mười buồn khóc cả tháng, làm cô con gái lớn phải nghỉ học ở nhà chăm má. Ngôi nhà vắng hoe, tầng trên có phòng của ông Mười, ít bước chân lai vãng. Không phải vợ con tệ bạc gì với ông, mà mỗi khi bước lên lầu là đau nhói trong lòng vì thương nhớ, cứ như là nghe tiếng ông cười rổn rảng bên chậu hoa giấy ngoài lan can. Ba người túm núm dưới tầng trệt, cũng là nơi bán hủ tíu. “Học nhiêu đó được rồi con Hai! Nhiều chữ rồi cũng đi lấy chồng. Ráng phụ má giữ tiệm hủ tíu, nó nuôi cả nhà đó, chớ ba mày lái xe tải, cất được cái nhà rồi bỏ đi sớm.” Lo đám tang cho ba xong, Huệ theo má về quê ngoại bên Phụng Hiệp, cô nói muốn đi chợ nổi. Chiếc xuồng ba lá róc rách sóng vỗ, mái dầm khỏa nước chầm chậm, len lỏi giữa rừng xuồng, ghe ken sin sít, ồn ào tiếng người, lan tỏa mùi bông, trái, bánh mứt... Cả khúc sông  rực rỡ như vườn hoa trăm màu sắc. Mỗi xuồng, ghe lắc lư cây bẹo, cột lúc lỉu các sản vật. Khóm, chuối, xoài, chôm chôm, rau xanh, bầu bí, tỏi, ớt... giá bán một chục mười bốn, mặc sức lựa. Huệ ngắm nghía một hồi, chỉ chiếc xuồng kế bờ. “Kì vậy má?” “Con nói gì?” “Chiếc xuồng kìa! Trên ngọn cây bẹo cột chùm bông gì vậy?” Cô gái lách qua những thân ghe, níu tay kéo xuồng về phía cây bẹo có chùm bông trắng sữa. Bà Mười bảo “Bông so đũa. Từ hồi nào tới mới thấy có người dựng cây bẹo bán thứ này.” Chàng trai ngồi trên xuồng, ở trần, ngực nở thành múi, căng làn da nâu, mặt chữ điền tươi rói, pha chút ngờ nghệch. Ngày trẻ bà Mười cũng từng đi hái bông so đũa về nấu canh chua cá lóc, cá ngát... nhưng hái tới hai cần xé như cậu da nâu này thì chưa. “Dì với em có mua không? Sáng giờ tui bán được có mấy kí hà.” Hai Huệ kéo đuôi tóc dài ra trước ngực. “Nhiều bông so đũa vậy, hái lâu mau anh Hai?” “Tui thứ út, tên Đực, ở dưới An Thạnh Ba lận. Nghe nói chợ nổi Phụng Hiệp vui lắm, nên hái bậy mớ so đũa đem theo chớ buôn bán gì đâu. Trèo hái cũng hết cả buổi...” Chàng nông dân ngó trân trân vô mặt Huệ, buông một câu: “Cô đẹp dã man luôn!” Trời đất! Ông nầy có khùng? Nói “đẹp dữ dằn” là dữ lắm rồi, còn khen con người ta “đẹp dã man” là sao? Nhìn Hai Huệ, da trắng, tóc dài, mắt xanh hồ nước, thân cong gợi qua bộ bà ba đen, rất nhiều ánh mắt nhìn theo thán phục, nhưng khen như chàng nông dân này thì có một. Mặt Huệ thoáng đỏ hườm vì chút mắc cỡ lẫn bực bội, cô mím môi. “Nịnh... thấy ghét.” Cô ngợp trước tấm thân nâu bóng, cuồn cuộn sức lực đàn ông. “Hết hai cần xé này nhiêu?” Cô hỏi sẵng. Út Đực gãi đầu: “Cô Hai tính mua mão hả?” “Ừa! Mua hết luôn!” Bà già ngạc nhiên nhìn con gái. Huệ cười giòn. “Mua hết luôn! Về muối để dành nấu canh chua dần má ơi.” Cô nhón một vốc bông so đũa đưa lên ngắm, cánh hoa trắng ngần, lấp ló mấy cái vòi cong đội phấn vàng. Út Đực ngẩn ngơ nhìn màu bông trắng nhòa trong năm ngón tay thon. “Trả tui hai chục ngàn được rồi!” “Mèng đéc ơi! Bộ cậu nói chơi hả?” Bà già la lên, làm mấy ánh mắt từ xuồng ghe khác đổ dồn qua. “Tui nói thiệt mà. Lấy đủ tiền đổ xăng chạy ko-le về thôi. Tui không có mang theo nhiều tiền.” Trong lúc chuyển hai cần xé qua xuồng khách, Út Đực như bị á khẩu, vậy mà còn kịp hỏi Hai Huệ nhà ở đâu, mua bông so đũa làm gì. Khi biết nhà cô cách bến Ninh Kiều không xa, chàng nông dân hăm hở. “Bữa nào quởn, tui chở lên tới Ninh Kiều bán cho cô Hai luôn.” Luýnh quýnh cầm tờ bạc năm chục ngàn, anh nói. “Cô đưa tui hai chục đi... không có tiền thối lại.” “Anh cầm luôn uống cà phê, bỏ bụng tô hủ tíu đi. Từ đây về Long Phú coi chừng đói. Lúc nào có bông so đũa, cứ mang tới tui nghen.”

Nói chơi cho vui, ai dè tháng sau Út Đực có mặt tại quán hủ tíu của Hai Huệ thiệt. Bữa đó, cô đang chạy bàn cho má đứng bếp, bỗng một chàng hai lúa đặc sệt, áo sơ mi sọc còn nguyên nếp gấp, bỡ ngỡ bước vô. “Dạ mời anh ngồi. Anh dùng hủ tíu xương hay hủ tíu giò?”  “Dà! Tui hỏi quán hủ tíu... Ủa! Là cô Hai đây mà! Tui kiếm muốn chết luôn.” Chừng tiếng đồng hồ sau, chàng hai lúa quay lại trên chiếc xe lôi chở kềnh càng hai cần xé bông so đũa. Bà Mười kêu trời. “Con Hai mày lạ thiệt. Nói giỡn chi ác nhơn, bắt tội con người ta chở bông so đũa từ Long Phú lên đây.” Sau phút đứng lặng người, Huệ mỉm cười. “Con nói thiệt chớ giỡn hồi nào.” Rồi cô quay qua, biểu Đực. “Mang vô sau bếp luôn cho em đi anh Út.” Trong đời trai của mình, Út Đực coi câu nói đó chính là lời tỏ tình đầu tiên.

Đực vặn mình răng rắc, ngồi xuống ghế nghỉ một lát. Chạy luôn chân từ bốn giờ tới tám giờ sáng, đã thấy tưng tức bắp vế, mỏi nhừ sau gáy. Huệ đặt trước mặt chồng tô hủ tíu có ngọn. “Ăn đi cưng! Chút em kêu cà phê cho.” Đực lơ đãng cầm đũa, bảo vợ. “Bữa nào nghỉ bán, về thăm ba má đi em. Lâu quá!” Lại có khách vô quán. Huệ hất cằm ra hiệu cho chồng, rồi mang vội chiếc bao tay ni lon mỏng, bốc hủ tíu bỏ vô vợt trụng. Ba cô gái tóc vàng, nâu, mới ngồi xuống là lên cơn tám. “Mẹ! Cái thằng bụng bự chơi hổng đẹp. Tao đóng mộc vô mặt nó rồi, mai mốt có gặp, tụi bây đừng thèm tiếp nghen.” “Thôi đi bà! Bà có tử tế gì đâu mà rên hoài. Nguyên con ai- phôn bốn của chả cũng mấy triệu bạc rồi.” “Ai biểu nó ngu... Trời ơi! Làm chi vậy ông?” Tiếng cô gái la lảnh lót cùng một tiếng “choang” nhức nhối, nước nóng văng tùm lum. Cô mập tóc vàng vội lấy khăn giấy lau đôi giày cho cô ốm tóc nâu. Đực chết trân nhìn khách. Huệ nhào ra, kéo khăn ướt đưa cho cô gái. “Xin lỗi mấy cô. Tại ông xã tui ổng mệt quá, nên lỡ tay. Có sao không cô?” Một cái mỏ đỏ chu ra, nhọn hoắt. “Hên đó nghen! Bữa nay ổng luộc tụi tui, đền sập tiệm.”

Tối, khi mọi việc xong xuôi, hai vợ chồng lên giường. Huệ quay qua ôm đầu chồng, xoa mớ tóc xoăn. “Bữa nay chồng sao vậy? Giận em hả?” Đực thấy cay con mắt. “Anh nhớ má... Nhớ chị Năm nữa, hổng biết chỉ hết bịnh đau ngực chưa.” “Thôi ngủ đi cưng! Em biết rồi. Bán hết ngày mai, ngày mốt thứ Bảy Út Lan được nghỉ, nhờ nó với má coi giùm, mình thu xếp về bển hai ngày. Hén!” Đực dụi dụi đầu, im lặng. Lát sau, tiếng ngáy ngèn ngẹn vang lên, lẫn trong tiếng thở dài nhẹ.

Út Lan làm cả nhà choáng váng. Thấy em học xong mười hai, Huệ hỏi nó thi vô trường đại học nào, con nhỏ tuyên bố xanh rờn. “Học chi cho mệt! Cuối năm nay tui đám cưới!” Bà Mười cười rổn rảng. “Nói xàm hoài. Mầy ngon cưới đi, tao cho ba cây vàng làm của hồi môn nè. Mà nói trước, lấy con gái tui phải gởi rể đó cô.” “Ok! Để tuần sau con kêu nó tới.” Chủ nhật, Út Lan sửa soạn đồ đẹp, quần jeans áo thun hở ngực, giày bata, tay lăm lăm điện thoại đứng trước nhà. Lúc lại thấy nó mở máy, nhăn nhó chỉ đường. Tới mười giờ mà khách vẫn chưa tới, nhỏ nổi quạu, la um sùm. “Trời ơi! Không rành thì kêu taxi nó chở tới. Hỏi hoài!” Cúp máy xong, nhỏ chửi: “Đúng là ngu như... Việt kiều.” Huệ đang tranh thủ rửa chén đũa, nghe vậy thì mừng. “Mầy cưới Việt kiều thiệt hả Út?” Cô em nghinh mặt. “Thiệt chớ giỡn hả! Tui đã nói từ hồi nẳm lận mà. Cho má bả biết, con út nầy đâu phải đồ cùi bắp.” “Nó Việt kiều nước nào?” Huệ tò mò. “Hổng biết! Tên Tô-ni Hùng, đang mở Công ty trên Sài Gòn. Hồi hè xuống Cần Thơ, gặp tụi tui đi pic-nic, thấy bản cô nương đây, thằng chả chết ngắc luôn.” Bà Mười bận bộ đồ lụa màu mỡ gà mới ngồi lặng phắc trên ghế salon, ánh mắt nửa mừng, nửa lo. Lát sau, chiếc xe Honda ôm thắng kít trước nhà. Thằng Việt kiều quần trắng, áo chim cò khệnh khạng bước xuống, trả tiền xe xong còn “thanh-kiu!” “Ô! Em iu! Anh đến trễ. Só-ri! Só- ri!”. Thằng này già ngắc, chắc phải hơn bốn mươi tuổi. Nó ôm hôn nhỏ Út trước mặt Huệ, khinh khỉnh bước qua thau chén dơ, nhanh nhẹn tới trước mặt bà Mười, cúi đầu. “Con chào má!” Hai Huệ giận sặc máu. Chưa làm rể, bày đặt chào má. Xạo!

Bà Mười gật gật đầu, rồi tiến hành cuộc “lấy cung” thằng rể tương lai, những điều bà sắp đặt suốt đêm qua. “Ờ ờ! Cháu tuổi con gì? Tía má còn hông? Làm việc chỗ nào, lương được bao nhiêu?  Quen con Út nhà qua hồi nào? Tới Việt Nam mần việc rồi về nước, hay ở lại luôn?” Thằng kia há miệng, ú ớ. Út Lan tròn mắt, ghé tai má, rin rít. “Trời ơi! Bộ má là cán bộ hải quan hả?  Nó chưa rành tiếng Việt, hỏi vậy ông cố nội nó cũng bó tay. Muốn gì, hỏi con nè.” Cuối cùng, những thông tin cần thiết của Tô-ni Hùng được thông qua miệng Út Lan. Thằng kia thở phào, mặt rạng rỡ, luôn miệng “Ok! Thanh - kìu!” Sau cùng, nó hỏi Út Lan. “Chị Hai đâu?” “Bả ngồi rửa chén đó!” Tô-ni Hùng sải ba bước chân dài, tới bên Huệ, cúi đầu. “Chào chị Hai! Só-ri! Só-ri!” Huệ liếc xéo, nhìn cọng dây chuyền to bằng sợi xích chó trên cổ thằng đó, miệng ừ hữ. Tưởng tui là ô-sin nhà nầy chớ gì! Xí.

Đám hỏi, đám cưới làm ào ào, trong vòng một tuần. Thằng Việt kiều chịu gởi rể. Nó nói chỉ chịu gởi rể thôi, chớ không ở rể được vì còn phải chạy qua, chạy lại hai nước. Tiệc cưới đặt ở nhà hàng, đúng hai mâm. Bà Mười muốn mời bà con nội ngoại dưới quê lên dự cưới, thằng rể gạt đi. “Không nên làm phiền mọi người. Con còn ở đây, má cứ nhắn họ hàng lên chơi, con tặng quà sau.” Tài sản chỉ có cái nhà. Bà Mười chia cho vợ chồng Hai Huệ tầng trệt, vừa ở, vừa bán hủ tíu. Tầng lầu là của vợ chồng Út Lan. Bà lựa một phòng nhỏ gần toalet. “Tao già rồi, nằm đây đêm đi tiểu cho tiện.”

Sau tuần trăng mật ngoài Vũng Tàu, vợ chồng Út Lan hớn hở về lại Cần Thơ, da rám nắng, mặt ngời hạnh phúc. Tối, Út Lan ngồi ôm lưng má, thỏ thẻ. “Má! Chồng con ảnh tính đem văn phòng công ty về đây. Thành phố trực thuộc trung ương rồi, nhiều cơ hội làm ăn lắm. Ảnh có công ty phát triển nguồn nhân lực, muốn về đây mở rộng địa bàn...” Bà Mười nghe nói thằng rể có công ty riêng, mừng trong bụng. “Thì tầng lầu má chia cho tụi bay đó, làm gì đó làm!” Út Lan ngúng nguẩy, dài giọng. “Hổng... có... được! Bên dưới chị Hai bán hủ tíu, bên trên lập văn phòng, rồi... cán bộ, nhân viên, khách hàng làm sao đi lại?” “Vậy làm sao? Hổng lẽ nói chị Hai bây chuyển nồi nước lèo lên tầng lầu, tụi bay mở văn phòng bên dưới. Mắc cười!” “Giờ vầy nè! Má biểu vợ chồng chị Hai cho tụi con thuê lại tầng trệt, mỗi tháng chồng con trả hai triệu. Rồi chỉ kiếm chỗ khác mở quán hủ tíu được hông?” Bà Mười nói, để suy nghĩ thêm. Bữa sau Út Lan lại hối thúc, bà đem sự việc nói lại với vợ chồng Huệ. “Em nó muốn vậy, các con tính sao? Cũng như là giúp vợ chồng nó vậy mà. Có công ty của nó ở đây, nhà mình cũng đẹp mặt với hàng phố.” Đực mừng ra mặt. Hay mình về quê, mở quán hủ tíu đi em. Huệ im lặng đúng ba ngày. Ngày thứ tư, cô kêu chồng tới ngồi đối diện. “Em tìm kiếm mấy bữa nay, biết  một ông già muốn sang lại tiệm mì Quảng gần bến đò qua cồn Ấu, giá mười triệu đồng.” “Xa nhà quá, xuống tận Cái Răng. Rồi tiền đâu sang tiệm?” Huệ thò tay qua, nhéo má chồng. “Khờ quá đi! Vốn liếng nhà mình mấy cây vàng lận. Giờ để em nói dượng út nó trả trước nửa năm tiền thuê nhà là ổn. Yên tâm đi ông xã. Từ đó chạy xe honda về má mấy hồi.” “Còn má tính sao?” “Thì má ở nhà chứ đi đâu! Mai mốt, tụi nó không chăm được má, mình rước bả về dưới.”

Trời thương vợ chồng Hai Huệ. Tiệm hủ tíu mới mở đã đông khách. Cũng có nhiều khách quen từ trên Ninh Kiều qua cồn Ấu, thấy mối ruột thì ghé vô, vồn vã thân thiết như người nhà. Út Đực xuống đây, thoát cảnh phố phường, gặp sông nước như gặp lại quê nhà. Thấy mấy ông bợm nhậu một lần kêu than. “Sao không làm thêm nồi cháo cá lóc rau đắng đi Út Đực, cho tụi tao có ba hột chữa lửa chớ.” Út Đực vui miệng kể với vợ. “Mình chạy hủ tíu muốn sụm bà chè, mấy chả còn xúi nấu cháo cá lóc rau đắng. Ai rảnh!” Huệ nhìn chồng. “Thêm món đó cũng có lí đó ông xã.” Đực nhăn như khỉ ăn ớt. “Bán hủ tíu thôi, chạy muốn hết hơi. Giờ thêm cháo nữa, chắc xỉu.” “Thì mướn thêm người. Để em lo.” Tuần lễ, mười ngày, Huệ mới điện cho má một lần, lần nào cũng. “Má khỏe không? Vợ chồng Út Lan sao rồi?” Những lần đầu, nghe bà Mười khoe. “Con Út làm ăn khá. Thấy đông khách quá trời. Toàn xe hơi tới không hà. Má khỏe. Thì rảnh việc thu dọn văn phòng phụ tụi nó vậy mà.” Mấy tháng sau, giọng bà lo lắng. “Thằng Tô nói cần vốn làm ăn, hỏi mượn má sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Tại con Út khóc hoài, má chịu rồi. Nó vay bạc tỉ con ơi. Tao lo muốn chết.” Huệ trấn an. “Không sao đâu má. Lập công ty, vốn cần hàng chục tỉ chớ bộ. Lúc nào có vốn nó trả lại chớ gì. Nhưng mà con Út qua mặt vợ chồng con vậy là không được. Nhà đó của con một nửa mà.” Bà Mười sụt sịt. “Tại má con ơi! Má xin lỗi!”

Mấy bữa rày, Huệ than mệt. Buổi tối đang rửa chén, bỗng ngồi sụp ôm bụng nôn ói. Hôm sau, ráng bò dậy nhóm lửa mà không được, cô bảo chồng. “Ông xã gọi điện kêu má xuống phụ. Em bịnh rồi.” Bà Mười chửi con rể. “Thằng cù lần, ngu quá đi. Vợ mầy có bầu, chớ gì mà quýnh lên vậy. Mai mốt vợ chồng con Út về, má xuống liền.” Cả tuần không thấy má tới, Huệ thấy người còn choáng váng, nhưng vẫn đứng bán hàng. Đực dành hết những việc lấy củi, rửa chén, lúc vắng khách thì chạy lại đứng đấm lưng, bóp vai cho vợ. Huệ cười rạng rỡ. “Nịnh thấy... ghét!” “Ủa! Câu nầy mình có nghe ở đâu rồi ta?” Đực đứng ngẩn ngơ. Chiều, trời vần vũ cơn mưa lớn, gió giật ù ù, bẻ gãy ngọn ô môi sau nhà, Huệ dẹp tiệm, nghỉ. Bà Mười gọi điện tới, lập cập kêu trong mưa gió. “Làm sao bây giờ Hai ơi! Người ta kéo tới kiếm thằng Tô rần rần. Má gọi điện cho con Út, nó bảo từ từ về giải quyết, giờ còn đang bận hội nghị bên Singapore.” “Nó xạo má đó! Ở nước ngoài làm sao nghe điện thoại. Để con về coi sao.” Vừa tới, vợ chồng Huệ đụng ngay cả đống xe máy, xe du lịch đậu trước nhà. Cửa khóa im ỉm, chắc má trốn bên trong. Tội nghiệp bà già không chớ! Cả chục mạng đàn ông, đàn bà trong quán cà phê Tú mập nhào ra, níu áo Huệ. “Cô Hai! Thằng rể Việt kiều nhà cô đâu rồi? Nó lừa tụi tui, làm hợp đồng đưa người đi lao động nước ngoài, thu hàng trăm ngàn đô rồi lặn mất tăm.” Huệ tá hỏa. Thằng nầy Việt kiều dỏm rồi. “Bà con cô bác ráng chờ họ về đi. Vợ chồng tui đâu có rành vụ nầy.” Tiếng người nhao nhao. “Thì cô cũng phải biết nó ở đâu chớ, chỉ giùm đi. Nó lên trời tui kéo xuống, chui xuống đất tui đào nó lên.” Huệ quay qua năn nỉ. “Cô bác chờ ít bữa đi. Vợ chồng tui ở Cái Răng, tới thăm má thôi. Mà má tui đâu?” Mấy người nói từ sáng giờ thấy cổng khóa trong, có ai ra vô đâu. Huệ đập cổng rầm rầm. “Má! Má ơi! Má đâu hả má?” Đực nghe vợ hối, liền trèo lên lan can tầng lầu, tông cửa xuống nhà dưới. “Vô đưa má đi cấp cứu em ơi! Bả xỉu rồi!” Loáng cái, mấy chục chiếc xe nổ máy đi hết.

Hoàng hôn hồng rực cuối sông. Bà Mười thấy người đã khỏe, ra nằm trước võng hóng gió sông. Đực thu dọn cây ô môi gãy sau nhà, miệng ư ử câu Dạ cổ hoài lang. “Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm... sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin nhạn/ Năm... ơ canh mơ màng...” Anh đang nghĩ đến thằng con trong bụng vợ. Huệ chụm lửa nấu nồi cháo cá lóc rau đắng, miệng nhắc bà Mười. “Má kêu con Út thôi chồng càng sớm càng tốt. Về đây, con nuôi xong đại học, rồi kiếm việc mà làm. Má cứ ở với tụi con, vụ nợ ngân hàng từ từ tính. Kẹt quá mình cất nhà mới chớ gì.” “Vợ chồng bây coi tính sao đó thì tính. Má già rồi, đâu tính gì được nữa. Chỉ thương con Út… nó hiếu thắng nhưng khờ quá.”

Bà già im lặng, nhìn mông lung về phía hoàng hôn. Chấp chới vài cánh chim mải miết bay về cù lao xa.
 



CON CHÓ CƯNG CỦA LÃO ĐỒ TỂ

Cây roi nhỏ tí bằng chiếc đũa, nhịp nhịp xuống đất. Con Vện nằm sấp, úp mặt vào hai chân trước, ánh mắt sợ sệt ngước nhìn ông chủ. Lão Hủm ngồi trên ghế, hai chân dang rộng, tay nhịp nhịp cây roi.

- Mày sinh trộm cắp từ bao giờ hả Vện? Mày có biết ông nhục mặt với hàng xóm không? Đói cho sạch rách cho thơm! Tiên sư bố mày nhá! Nhớ nhá! Nhớ nhá!

Miệng lão Hủm móm mém, trên dưới chỉ còn hai, ba chiếc răng cửa nên tiếng quát phều phào, trống hơi. Mỗi câu lão chửi xong, con chó lại khẽ vẫy đuôi như biết lỗi. Sáng nay, lão nhận một cuộc gọi của thằng Hiếu lái xe của ủy ban huyện.

- Ông trẻ bố trí ra nhà giúp em tí! Đột xuất có khách, em không biết xoay xở thế nào.

- Tao rửa tay gác kiếm rồi, chú mày cũng biết mà!

- Vâng! Em biết! Nên lâu nay có dám phiền ông trẻ đâu! Nhưng lần này khách xa đến, em lại lỡ miệng khoe ở làng mình có một chuyên gia làm thịt chó cự phách, thế nên…

- Thôi thôi! Để tao thu xếp công việc đã! Mà con chó bao nhiêu cân?

- Khoảng mười hai cân ông trẻ ạ! Ba mâm có đủ không ạ? Không để em làm thêm con ngan?

- Thôi! Ngan vịt gì! Ba mâm ăn nhòe…

Tính lão Hủm thế. Hay cả nể và thương người, ai có việc gì nhờ vả là xắn tay áo làm ngay. Huống hồ thằng Hiếu là chỗ thân tình, tử tế. Nó là lái xe của mấy ông cốp, cũng danh giá chán ra, nhưng đối xử với lão Hủm rất nể trọng. Mỗi khi nhà có khách hay giỗ tết, thằng Hiếu toàn nhờ lão Hủm làm tay dao tay thớt. Xong việc còn mời ở lại uống rượu, lúc về còn dúi vào túi lão năm chục, một trăm…lấy tiền mua rượu.

Lão lúi húi vào bếp lôi ra đám dụng cụ hành nghề đã xếp kĩ trong chiếc hòm gỗ. Hai con dao bầu, một nhỏ, một lớn. Cục đá mài hai mặt và chiếc đèn khò đốt bằng ga. Chiếc gậy bắt chó dài một mét đầu có thòng lọng. Hừ! Đã bảo bỏ nghề rồi mà vẫn không yên. Người ta cứ gọi lão giết chó, giết lợn mỗi khi có công việc, cỗ bàn. Ba quán thịt chó ngoài thị trấn gọi lão liên tục ra làm đồ tể, lão chán chẳng thèm trả lời. Hôm nay chuẩn bị đi giúp thằng Hiếu thì con Vện dở chứng, lôi ở đâu về một con vịt trắng. Nó thả con vịt đang ngắc ngoải trước mặt chủ, vẫy đuôi tít mù. Lão Hủm tức điên, toát mồ hôi vì lo lắng. Con vịt này chắc là của nhà con mẹ Hậu góa. Nó mà biết thì chửi ba ngày hai đêm chưa yên. Lão Hủm cầm con vịt, đập mấy nhát vào mồm con Vện.

- Mày nhớ nhá! Còn bắt vịt bắt gà nữa thì ông cho lên thớt! Chỉ một phút ba mươi giây thôi con nhá!

Lão bỏ con vịt trong thùng phi, đậy kín lại. Định bụng buổi trưa về mang sang nói với cô Hậu, đền cho nhà nó mấy chục nghìn. Đồ đàn bà góa ấy mà, thấy tiền thì sáng mắt ngay. Lão chỉ chỗ cho con Vện trước cửa, dặn:

- Trông nhà đấy! Mày mà lang thang nữa là chết với ông!

Lão buộc túi đồ nghề lên sau xe đạp, lạch cạch đạp đi.

Vốn nông dân thật hột, cả đời lão Hủm lăn lộn với ruộng nương, mãi gần về già mới chuyển nghề làm đồ tể. Năm mươi tuổi, “trẻ chưa qua già chưa tới” mà trông lão mốc thếch như con cóc già. Cái đầu muối tiêu hàng tháng không cắt tóc, cũng không thèm đụng tới lược nên rối bù. Đôi mắt thì lơ mơ hiền lành, nhưng răng cỏ đi hết, hai má hóp lại hom hem. Đôi bàn tay lão đầy ấn tượng, bàn tay đồ tể, nó vuông vức, gân guốc, đầy vết sẹo do chó mèo cắn. Lão Hủm từ lâu nổi tiếng tài nghệ giết mổ và chế biến thịt chó. Chó dù to lớn cỡ nào, chỉ một tay lão xử lí. Bọn chó, khi đã bị cái tròng của lão thít cổ, coi như xong kiếp. Không cần trói chân, buộc mõm, chỉ một dùi nhẹ vào gáy là nằm thẳng cẳng, lão chỉ việc cắt tiết, cạo lông một loáng là xong. Chó thường thui bằng tế hay rơm, bí quá thì lá khô vớ vẩn cũng được, sau phải dùng đèn khò đốt qua một lượt cho sạch lông.

- Ba món hay bảy món?

Lão Hủm thường hỏi chủ nhà như vậy để còn liệu chế biến. Nhiều người thích bày vẽ, thường nhờ lão làm cho năm hoặc bảy món đãi khách. Kinh nghiệm của lão Hủm, bày ra nhiều chỉ tổ “nát thớt mẻ dao” chứ có ăn được mấy. Luộc, nướng, nhựa mận cứ ba món là dễ ăn nhất! Nhưng ai thích bày mấy món thì lão chiều, miễn là có tiền công bỏ túi. Công mổ năm chục nghìn một con, cứ thui xong, mổ phanh ra đó kệ chủ nhà. Còn nếu lọc thịt xương, chế biến các món thì phải năm chục nữa, là một trăm nghìn. Có ngày lão Hủm chạy sô hành quyết bốn, năm con. Có lúc phải đặt lịch trước, xong nhà này, tới nhà kia, không thể ưu tiên ai được. Có thời gian, mấy quán tranh nhau thuê lão Hủm làm “nhân viên” thường trực. Cơm rượu ba bữa, lương tháng ba triệu, chỉ có việc mổ và chế biến. Lúc đầu lão cũng thích vì có công việc, lương lậu ổn định. Sau thấy làm nghề tự do thích hơn, tiền công cao, thời gian thoải mái không phụ thuộc bố con thằng nào, lão hủy hợp đồng với các chủ quán. Giờ có nhờ lão làm thịt con nào thì lão tới, xong việc lấy tiền công, khỏe xác. Có người hỏi cắc cớ. Lão đã từng giết bao nhiêu con? Lão lim dim mắt, lẩm nhẩm một lúc rồi khẳng định. “Không dưới hai nghìn!”. Con số này không chính xác tuyệt đối, nhưng lão áng chừng số chó bị giết mỗi ngày, nhiều bù ít, rồi nhân với thời gian hai mươi năm hành nghề đồ tể.

- Sau này tao chết, thế nào lũ chó cũng tới đào mả cho mà xem!

Lão Hủm nửa đùa nửa thật. Bởi vậy lão không bao giờ nuôi chó. Trường hợp có con Vện trong nhà lão là việc bất khả kháng, trái với tính cách ham mê giết loài vật của lão. Cách đây hai năm, nhà hàng xóm có con chó cái sắp đến ngày đẻ bị xe tải cán chết, tiếc của nên nhờ lão làm thịt. Con chó cái giống lai, nặng hơn ba mươi cân, bị bánh xe cán vỡ đầu, cái bụng chửa to tướng vẫn phập phồng quẫy đạp. Lão Hủm là người có kinh nghiệm, biết ngay cái bụng phập phồng kia là lũ chó con bên trong đang bị ngạt thở. Con dao bầu sắc nhọn đưa một đường nhẹ nhưng chính xác, lòi ra ổ bụng có sáu chú chó con. Bốn con đã nằm thẳng đơ, chỉ còn hai con vẫn giãy đạp lùng nhùng trong mớ dây dợ quấn quanh người. Lão Hủm cắt rốn, lau sạch người cho hai con chó, xin một chiếc áo cũ bọc lại. Lão bảo giống chó này tốt, ai thích mang về, thử chăm đường sữa xem có nuôi được không. Chẳng ai dại gì mang của nợ ấy về nhà. Cuối cùng lão Hủm bất dắc dĩ ôm hai con về, mua một hộp sữa trẻ sơ sinh, một bình vú giả, cho hai con cún bú. Vượt qua tuần đầu, một con bị chết, một con trụ được, nhóp nhép uống nước cơm pha đường. Hai tháng sau, lông nó đã mượt, biết liếm láp chút cơm canh, chạy tung tăng khắp sân, oăng oắng sủa đuổi theo lũ gà. Con Vện trở thành bạn thân thiết của lão Hủm, vì lão đang sống một mình. Hình như cái nghiệp sát sinh vận vào số phận lão. Được hai đứa con, chẳng đứa nào nên hồn. Con gái vừa xấu vừa hèn, có miệng ăn mà chậm miệng nói, đến chửi nhau mà cũng ấm ớ như ngậm hột thị. Gần ba mươi tuổi, may có thằng dở người rước đi cho, rồi theo nhà chồng vào Tây Nguyên lập nghiệp. Khi chúng nó đẻ được mụn con, thì bà vợ lão phải khăn gói vào trong ấy nuôi cháu. Thằng con trai to lớn khỏe mạnh, tướng mạo giống y như Lý Quỳ trong phim Thủy hử, nhưng đầu óc ngây dại, mụ mị vì suốt ngày uống rượu thay nước. Đồ mất dạy ấy lão không chứa, nên tống cổ nó về ở rể bên nhà vợ. Lão nói con Vện còn khôn ngoan hơn thằng con trai gấp vạn lần. Lão đi sửa mái nhà cho bà cụ Hợp độc thân, con Vện chạy theo nằm suốt buổi dưới gốc bưởi. Lão đi giúp nhà hàng xóm nấu cỗ đám cưới, đám ma, con Vện đi theo, rúc vào bụi kín nằm chờ, đến khi chủ ngật ngưỡng xách túi xôi thịt đi về, nó mới chui ra vẫy đuôi chạy theo. Có lần đi uống rượu đêm về, say thấy ông bà ông vải, lão Hủm nằm vật ra ven đường nằm ngủ, con Vện nằm bên, hai chân trước ôm lấy chủ. Hàng xóm đi qua, có người định dìu lão về nhà, nhưng thấy con chó vằn vện nhe răng gầm gừ thì sợ, đành mặc kệ lão. Ngủ một giấc tới sáng, người và chó dắt nhau về. Lão không bị cảm mạo, phong hàn gì mới lạ.

Con Vện cũng một lần lập công cứu phụ nữ. Là cái đêm tháng mười đi nấu cỗ đám cưới giúp hàng xóm về, ông chủ bước tiến bước lùi, con chó thong thả bước đằng sau. Lúc lão Hủm đi qua khúc đường vắng, hai bên là nương sắn rậm rạp, bèn dừng lại xả bớt nỗi buồn. Bên trong nương sắn có tiếng phụ nữ kêu văng vẳng, lão Hủm say rượu tai ù ù không nghe rõ. Mẹ cha đứa nào làm gì trong ấy? Lão sờ được cục đá, ném về phía có tiếng kêu. Con Vện hực lên một tiếng lao theo. Nó sủa ông ổng, rồi gầm gừ như cắn người. Bóng người vụt chạy ra, bị con Vện đuổi theo, lão lia đèn pin nhìn rõ mặt thằng Sự con lão Huệ người cùng làng. Đứa con gái tóc tai bù xù, vừa đi ra vừa khóc là con Lan nhà mụ Sử. Lão Hủm ngạc nhiên:

- Thằng Sự đánh mày à?

- Không…! Hu hu…! Nó cưỡng hiếp cháu!

Lão Hủm không hiểu. Hai đứa này năm ngoái sắp làm đám cưới rồi cơ mà. Căn vặn một hồi, con Lan mới kể, hai đứa chia tay nhau hơn năm nay rồi. Chiều nay sang giúp đám cưới, thằng Sự rủ con Lan về, nói có chuyện muốn tâm sự, rồi đưa con Lan vào nương sắn. Lão Hủm không hiểu. Hai đứa này mấy lần đi làm đêm về, lão gặp chúng nó “trai trên gái dưới” cơ mà. Con Lan báo công an xã, thằng Sự bị bắt, rồi ra tòa nhận án hai năm tù. Anh em nhà nó thù con Vện, mấy lần bỏ bả nhưng con Vện không ăn. Một lần theo lão đi đám giỗ, con Vện bị chúng rình đập cho mấy gậy, què lết một chân trước, nhưng thoát chết.

Có những ngày, con Vện nằm một mình trước hè nhà, vẻ ủ rũ. Đó là những ngày lão Hủm đi mổ chó thuê. Con Vện không theo chủ, nằm trông nhà. Lúc lão về, nó không vẫy đuôi chạy bổ ra mừng, mà len lén chui vào bếp. Có những ngày lão Hủm hành quyết ba, bốn con liền, mùi sát sinh vương cả trên quần áo. Khi lão về đến cổng, con Vện bất ngờ vừa lùi vừa sủa ầm ĩ, rồi đến bữa nó bỏ cơm không ăn. Lão Hủm chạnh lòng buồn khi thấy con chó xa lánh mình. Những cuộc hành quyết của lão thưa dần, thưa dần. Còn nhớ chiều ngày mười bốn tháng bảy năm ngoái, thằng Điếu đánh ô tô con vào tận nhà lão, biếu một thùng bia lon Hà Nội. Thấy con Vện nằm xoãi bốn chân trước hè, lông vằn vện như con hổ xám thì thích quá.

- Giống chó nằm kiểu này là khôn lắm! Bác bán lại cho em đi!

Lão Hủm lắc đầu, chó này để nuôi, không bán thịt. Nhưng thằng Hiếu hứa là mua về nuôi. Con chó này, về nhà nó được tắm rửa sạch sẽ, ăn uống đầy đủ, khéo phải to nặng tới bốn chục cân.

- Con này cũng phải hai chục cân! Thôi gửi bác hai triệu, để lại cho em. Nhà em có điều kiện, nuôi nó chóng lớn hơn. Chủ nhật em còn cho nó lên ô tô chở đi chơi, chứ ở nhà với bác suốt ngày nhịn đói.

Hai triệu làm cho lão mờ mắt. Bán đi lấy tiền mua chiếc giường mới mà nằm. Lúc nào gặp chó đẹp, lại nuôi. Câu trả lời chưa kịp ra khỏi miệng lão, bỗng con Vện cất tiếng sủa ông ổng, hai mắt nó lăn ra mấy giọt lệ trong vắt. Lão Hủm ngồi bệt xuống, ôm lấy nó, tay vuốt ve đôi tai đang dựng ngược lên giận dữ.

- Không! Tao không bán! Không bán! Chú ấy nói đùa thôi!

Từ hôm ấy, lão quyết định từ giã nghề đồ tể. Ngày ngày, dắt con bê xuống bãi cỏ gần bờ ao, lão cặm cụi cắt cỏ, kiếm lá sắn bờ rào cho cá ăn. Con Vện tung tăng chạy quanh đâu đó, thi thoảng sủa ông ổng, lúc tha về con chuột đồng, lúc lôi con rắn hổ mang to tướng.

Lão Hủm xếp đồ nghề lên cốp xe con của thằng Hiếu, quay lại dặn con Vện trông nhà cửa, gà qué.

- Cấm đi đâu đấy! Trưa tao về!

Nhưng buổi trưa lão say rượu, nằm trên ghế xi măng trong vườn nhà thằng Hiếu ngủ một giấc tới gần chiều tối. Lúc bước vào nhà, vét nồi cơm nguội còn một bát nhỏ, lão trộn tí nước mắm vào, để trước bếp.

- Êu! Êu! Vện ơi ra ăn cơm con!

Nhưng không thấy nó đâu. Soi đèn pin khắp ngoài sân, trong bếp, chui cả vào chuồng gà tìm mà bặt tăm hơi.

- Kệ bố mày! Không ăn thì nhịn đói. Ông đi ngủ!

Ngày hôm sau, lão Hủm hốt hoảng thật sự khi không tìm thấy con Vện. Đi quanh xóm hỏi thăm xem có ai nhìn thấy con chó không, người nào cũng lắc đầu. Hồi này trộm chó lượn lờ trong xóm, ngoài làng suốt, hay nó câu mất con chó của mình rồi? Lão nghĩ ngợi, thương nhớ con Vện đến phát ốm.

Cuối năm, bà vợ với hai đứa cháu ngoại đi ô tô từ Đắc Lắc về quê ăn Tết. Lão mắng bà vợ keo kiệt, bủn xỉn. Vé máy bay bây giờ rẻ sao còn bắt trẻ con ngồi ô tô đường dài, vừa mệt vừa nguy hiểm. Con bé lớn đỡ lời cho bà ngoại, rằng tại nó phải mang về cho ông con chó, không ngồi máy bay được.

- Con chó con này cũng lông vện, khôn lắm ông ạ! Nó biết ăn cơm rồi!

Chú vện con nằm run rẩy trong chiếc bị cói, ngước đôi mắt sợ sệt nhìn lão Hủm. Khi lão thò tay nhấc nó ra, liền bị đớp một phát vào ngón cái, rớm máu. Lão biết cái mùi tử khí của loài chó còn ám vào đôi bàn tay sần sùi của mình. Con này cũng khôn đây! Nhưng mà khôn hay dại cũng là chó. Chó vẫn hoàn chó thôi mày ơi. Sau chuyện con Vện trước, giờ lại có còn này, lão hi vọng tính đồ tể trong con người lão sẽ mất đi, trong mùa xuân mới này. Lão mong như thế, rồi tự hứa sẽ như thế. Đào một cái hố sâu ven đồi, lão Hủm đem hết túi đồ nghề của mình ném xuống, chôn chặt. Nghe mấy bà già đi chùa về, kể chuyện về sự tích các ngài đi tu thành công quả, có một người trước cũng là đồ tể, giết người không ghê tay, sau “buông tay thành Phật” cơ mà. Lão chẳng mơ làm phật làm thánh, lão chỉ muốn trở lại làm con người bình thường, để đôi bàn tay mất đi cảm giác râm ran nóng hổi của máu.

Trước sân, năm nay lão Hủm mua một cây hoa hải đường về trồng. Bên tán lá xanh dày, những nụ hoa màu đỏ đang chúm chím. Lão cất công ngồi xe khách xuống tận Hương Canh, mua một con chó sứ về đặt bên gốc hải đường. Lão nhớ con Vện.




NGỌN ĐÈN KHUYA Ở BẢN MÂY

Buổi sáng sớm ở bản Mây lúc nào cũng phủ đầy mây trắng. Mây từ động đá, từ khe núi đùn mãi lên, phủ kín một vùng rừng nguyên sinh. Ở phía Cổng Trời, chỉ còn mấy cây chò cao là nhấp nhô cái ngọn lên khỏi biển mây. Ngôi nhà nhỏ của Bàn Thị Hoa nép dưới sườn núi, cạnh con suối Chiềng, vẫn còn giữ được vách thưng ván gỗ và mái lợp lá cọ. Chị Hoa lúi húi nhóm bếp lửa lên, tai lắng nghe con tắc kè trên cây cọ già sau nhà thúc giục. “Tắc kè! Tắc kè!...”. Nó kêu liền một hơi bảy tiếng. Hôm nay trời nắng. Con tắc kè chưa bao giờ báo sai, mặc dù sương mù vẫn dày đặc, tràn cả vào trong bếp. Ngọn lửa bếp củi đã bừng lên, reo tí tách. Đám sương mù đã dừng lại ngoài cửa bếp, luẩn quẩn quay lại trước sân. Bỗng trên nhà có tiếng động mạnh, hình như cốc chén gì đổ vỡ trong buồng con Lanh. Chị Hoa bật dậy, ngó ra. Đèn trong buồng con gái bật sáng. Một bóng người đang lùi dần ra cửa, tiếng con trai ấp úng:

- Đừng...! Đừng Lanh ơi! Anh xin lỗi!

Tiếng lưỡi dao chém phập vào cột gỗ. Bóng thằng con trai lao vút vào đám sương mù, mất dạng. Chị Hoa thở dài. Lại một thằng tới ngủ thăm nhưng không đứng đắn rồi. Từ hôm con Lanh ở trường dân tộc nội trú về nghỉ học kì, vợ chồng chị Hoa mới giật mình nhận ra nó đã lớn, đã trổ mã thành sơn nữ xinh đẹp.

Hôm ấy vừa tới nhà, Lanh đã cầm dao vào rừng, mãi lúc mặt trời sắp lặn mới về. Chị Hoa đổ nồi cám lợn vào máng, liếc mắt nhìn con gái. Nó xếp gọn gàng gánh củi vào đầu bếp, rồi xắn váy lên bước tới máng nước. Dòng nước mát lạnh từ mó nước trên lưng chừng núi, theo ống bương về tận sân nhà, róc rách chảy vào chiếc bể xi măng mốc rêu xanh, tràn cả ra ngoài, thành dòng suối nhỏ tí lan qua bờ đất, xuống con đường trước nhà. “Con Lanh muốn ngủ thăm rồi! Mình cũng bốn mươi tuổi, làm mẹ vợ được rồi”. Chị nghĩ thầm trong đầu. Nó đã mười bảy tuổi, sắp học xong lớp chín trường nội trú. Nó bảo không muốn học lớp mười, cái chữ không muốn vào trong đầu nữa rồi. Học lớp mười, lại phải ra tận ngoài phố huyện, cách nhà hơn sáu chục cây số. Giờ về bản giúp mẹ giữ cái bếp luôn đỏ lửa. Chị Hoa thấy con gái chăm soi gương, chải tóc, lại nhờ bố lắp cho bóng đèn quả nhót trong buồng ngủ, biết Lanh đã có bạn trai. Ừ! Gái miền rừng, không học cũng không đi làm công nhân, cán bộ. Về nhà ngủ thăm, lấy chồng thôi.

Chợ phiên mười chín âm lịch. Lanh mua một tấm vải xanh sọc đỏ và mấy cuộn chỉ màu về.

- Mẹ dạy con thêu xí mền đi!

- Ừ! Con gái Dao ngày trước, không biết thêu lui, thêu xí mền là không lấy được chồng đâu. Mẹ biết thêu từ năm mười bốn tuổi đấy!

Thời này hiện đại rồi, cái gì cũng có sẵn ngoài chợ, ngoài cửa hàng. Muốn thứ tốt hơn thì chịu khó ra phố huyện, vào siêu thị. Con gái Dao bây giờ ít người biết thêu thùa nên chị Hoa thấy con gái muốn học thêu thì mừng trong bụng. Mừng lắm! Nó muốn thêu chiếc khăn xí mền cho bạn trai nào? Là người trong bản hay người xóm bạn, hay người ngoài phố? Là mẹ thì tò mò thế, chứ duyên phận biết đâu mà tính. Cứ tìm được người tử tế như bố nó là tốt rồi. Cùng vợ chèo chống nuôi bốn đứa con, cực khổ hay sung sướng cũng chẳng bao giờ kêu than. Chẳng biết nó sẽ chọn thằng trai bản nào? Bây giờ đã khác trước, bọn trẻ có yêu thương nhau mới đồng ý cho ngủ thăm, vừa lòng nhau là báo hai họ làm đám cưới, không cần chờ tới lúc đứa con gái có chửa, mới báo già làng “cúng buộm”, rồi đám cưới bắt rể. Nghĩ ông bà mình ngày xưa ngủ thăm thoáng hơn, lại thấy buồn cười. Chính mẹ chị Hoa chứ ai. Bà bảo khi có chửa rồi, phải gọi hết tám thằng đàn ông từng cạy cửa ngủ thăm tới trình diện hội đồng làng. Lúc đó bà phải chỉ ra thằng trai nào làm được mình có chửa, rồi làng bắt nó về mang tới một con gà trống và con lợn cắp nách để già làng “cúng buộm”, là một cách phạt vạ hình thức, lấy lệ với tổ tiên, trời đất, sau đó cho hai người thành hôn. Chú rể sẽ phải về ở gửi nhà cha mẹ vợ hai năm, chăm chỉ lao động, trả cái công người ta sinh thành, nuôi dưỡng vợ mình.

Lúc sắp tắt đèn đi ngủ, chị Hoa thấy cánh cửa buồng con Lanh cọc cạch rồi kêu két một tiếng. Đã có thằng trai nào đó cạy cửa vào ngủ thăm rồi. Không nén được tò mò, chị rón rén đi lại sát cái vách liếp bằng nứa, căng mắt dòm sang. Làm thế này là không đúng cái tục lệ người Dao để lại, rằng bố mẹ không can thiệp chuyện ngủ thăm của con gái, nhưng quả là chị lo cho con gái quá, chỉ muốn biết mặt mũi cái thằng rể tương lai ra sao thôi.

Hóa ra trong buồng con Lanh có những ba thằng trai cùng vào. Hai thằng ngồi trên ghế thì chị Hoa biết. Thằng đầu trọc kia là con trai bác Đạo, có cửa hàng tạp hóa ngoài chợ xã. Thằng quần bò áo phông kia là con mụ Hồng chủ cây xăng mãi dưới Kim Thượng, xa cả chục cây số. Thằng có vẻ mặt hiền lành ngồi ghé mép giường kia thì rất lạ. Không biết con nhà ai. Nó chỉ ngồi bẻ ngón tay, cười, nghe hai thằng kia huyên thuyên về các hãng xe máy đắt tiền.

- Em Lanh đi học trường nội trú về, đẹp hơn ở nhà nhỉ!

Thằng đầu trọc buông lời. Con Lanh nghiêng đầu, vuốt mái tóc dài, làm duyên:

- Đẹp thì vẫn thế, nhưng ra khỏi bản học được nhiều thứ hay thì người mình khôn ra một tí thôi!

Hai thằng ngồi ghế, đứa thì mắt quạ, đứa thì nhả nhớt. Thằng ngồi giường lại lành quá. Chúng nó tán nhảm tới mười giờ thì về cả, không đứa nào được mời ngủ thăm. Hay là không đứa nào dám xin ngủ thăm? Có lí do đấy. Lúc mải tán gẫu, Lanh làm như vô tình nhặt con dao rựa mới mua, lưỡi sáng choang để dưới chiếu, ngay đầu nằm. Thằng ngồi giường ngạc nhiên:

- Em sợ ma à? Ở nhà mẹ anh hay để dao dưới đầu giường để tránh bóng đè, nhưng dao nhỏ thôi.

Một thằng ngồi ghế cười ngặt nghẽo:

- Em Lanh sợ chuột chứ gì? Sợ thì để anh ngủ đây rình bắt chuột cho!

Lanh kéo gấu váy che kín hai đầu gối tròn mịn, nghiêm mặt:

- Ông ngoại mình kể, ngày trước trong buồng con gái Dao đến tuổi ngủ thăm, lúc nào cũng phải có con rựa. Con rựa dưới đầu nằm chính là luật của người Dao. Ai không được con gái cho ngủ thăm, hoặc ngủ thăm mà có tính sàm sỡ, con gái nó chém chết vô tội. Nhưng là ngày xưa thôi, bây giờ Lanh chỉ xin một cái tai.

Mấy thằng kia sợ mất dép. Chị Hoa phì cười vì cái kiểu dọa nạt của con gái làm bọn trai lạ sợ thụt dái lên cổ. Thế thì bao giờ mới có người ngủ thăm. Bao giờ mới cưới được chồng. Thời của ông bà chẳng nói làm gì. Người ta cứ ngủ thăm mãi bao giờ có chửa thì thôi. Thời của vợ chồng chị đã khác rồi. Con trai con gái có khi nằm ngủ chung hai ba người liền. Ai giỏi tán, mà đối tượng thấy tâm đầu ý hợp mới được ngủ tiếp. Buồn cười hồi chị Hoa còn trẻ, cho hai đứa con trai cùng ngủ trong buồng, chuyện rì rầm cả đêm, con mắt mở thao láo. Bố con Lanh nằm phía trong, hai tay khoanh trên bụng, ra dáng anh cán bộ phó bản. Thằng bạn hồi cấp hai nằm ngoài, mồm miệng như tép nhảy, nói rằng đi làm thuê cho công ti lâm sản, lênh đênh hết mấy con sông về xuôi mà không thấy gái ở đâu đẹp bằng gái bản Mây. Nghe nó nói thế là chị Hoa không tin. Ở đâu mà không có gái đẹp, gái xấu. Lúc nó giả vờ đặt tay lên bụng chị, anh cán bộ bản còn đập cho một phát, nhắc nhở:

- Ngủ đi! Không được khua khoắng chân tay!

Cuối cùng thì chị chọn bố con Lanh bây giờ. Sau mấy lần tắt đèn trong buồng, bọn trai bản không đến nữa. Hai người được tự do tâm sự, yêu đương, đến gần Tết thì thành vợ chồng, không cần chờ có chửa mới báo cho hai bên cha mẹ.

Bọn trẻ như con Lanh, bây giờ không chú trọng việc ngủ thăm. Những đứa có điều kiện đi ra khỏi bản lại càng mau quên. Chúng học rất nhanh cách sống của người vùng xuôi. Lanh có một người bạn trai đang học trường trung cấp nông nghiệp. Anh ấy người tỉnh khác, lại không phải dân tộc Dao nên hay hỏi về tục ngủ thăm. Nhìn ánh mắt tò mò, háo hức mỗi khi nghe Lanh kể về chuyện trai gái Dao hẹn hò hoặc cạy cửa ngủ thăm, biết anh ấy muốn thử cho biết.

- Thế đêm hôm cạy cửa nhà người ta, không bị đánh vì nghi ăn trộm à?

- Không! Con trai nó chỉ cạy cửa buồng con gái thôi mà!

- Hôm nào nghỉ học, anh lên bản Mây chơi, thử cạy cửa ngủ thăm được không?

- Được mà! Cái luật người Dao cho phép đấy! Em sẽ chỉ cho mấy đứa bạn gái cùng bản!

- Không! Muốn ngủ thăm nhà người quen thôi!

Lanh đỏ mặt, cười hinh hích. Có lá gan to thì lên núi thử xem. Có tấm lòng chân thật thì tới cho gái Dao bắt rể hai năm đi. Thế nên, biết Lanh được về nghỉ ba ngày, anh bạn cũng xin nghỉ, đi xe máy hơn sáu mươi cây số lên bản Mây. Nghe đâu anh cũng có người bạn làm kiểm lâm xóm Cọ, chắc sẽ vào nghỉ nhờ, rồi tối lên bản Mây. Lanh cũng có ý chờ, nhưng hai ngày qua không thấy mặt mũi anh bạn đâu. Hay người Kinh nó nhát, không dám đến ban đêm? Anh ấy chẳng thường nói dưới quê, chỉ có kẻ xấu mới đêm hôm khuya khoắt đi lang thang hay mò mẫm ngoài đường. Muốn gọi điện thoại hỏi xem nó ở đâu, mà ở bản này chưa có sóng di động. Chiều tối nào Lanh cũng mặc đẹp, soi gương, chải tóc ngồi ngóng.

Đêm thứ ba, tiếng tắc kè lại khắc khoải ngoài cây cọ già. Trời se lạnh giục cái bếp cháy sùng sục nồi cám lợn. Chị Hoa không nỡ cời than, tắt bếp đi ngủ, vì con Lanh vẫn ngồi bó gối, mắt đăm đăm nhìn ánh lửa phập phồng. Chắc nó chờ ai đó. Mấy đứa trai bản, cả thằng bạn học hồi cấp một cũng thấy mất dạng sau cái đêm ngủ thăm không thành. Con gái ơi! Còn ít tuổi nên dại lắm. Dao rựa dưới đầu giường chỉ là vật phòng hờ, từ đời trước tới nay, đã mấy người con gái Dao phải dùng đến. Mày đem ra dọa lũ trai, nó sợ không dám đến là phải thôi.

Con Lanh như là giận hờn. Đêm nay đi ngủ mà không bật ngọn đèn quả nhót trong buồng. Như thế là nó không muốn có người ngủ thăm rồi. Đèn tắt có nghĩa là trong buồng đã có người ngủ thăm hoặc không muốn cho người khác vào nữa. Con tắc kè lại bật tiếng kêu khàn khàn. Con gà trống chín cựa ngoài cây dổi cất tiếng gáy tè té te, giục lũ gà trong bản gáy râm ran một hồi không dứt. Cửa buồng Lanh có tiếng lạch cạch, làm nó giật mình tỉnh ngủ. Quái! Ai cạy cửa nhỉ? Nó tắt đèn rồi cơ mà. Đứa này chắc không phải trai bản Mây, vì không biết cách cạy cửa. Cái then gỗ gài giữa cửa, chỉ cần khéo léo lấy ngón tay gạt qua một bên là được. Nhưng tiếng lạch cạch lại phát ra từ bên dưới. Ô! Người miền khác rồi! Lanh ngồi choàng dậy. Hay là anh bạn trung cấp lâm nghiệp! Chỉ có người xuôi mới không biết tín hiệu đèn tắt trong buồng, không biết cách cạy cửa buồng con gái Dao. Nó liền bật bóng đèn quả nhót, rón rén bước về phía cửa buồng.

- Lanh ơi! Anh không mở được cửa!

Một giọng trai quen quen. Lanh mừng rỡ khi nhận ra người có hẹn.

- Sao hôm nay anh mới đến?

Câu hỏi bật ra cùng với bàn tay mở cửa. Bóng người vội bước vào buồng, đem theo hơi sương lành lạnh. Người trai ôm choàng lấy Lanh, đặt nụ hôn lên má.

- Anh sợ quá! Hôm nay mới dám sang!

Miệng bạn trai còn thoảng mùi rượu. Lanh gỡ tay bạn ra, nói khẽ:

- Nói chuyện đã! Anh uống rượu ở đâu?

- Thằng bạn kiểm lâm cho ăn thịt dê!

Lanh lên giường nằm, gấp cái vỏ chăn thành gối, đẩy sang bên cạnh.

- Lên đây anh, trời lạnh rồi!

Ngọn đèn quả nhót tắt phụt, ánh đèn pin soi lối cho người trai lạ bước tới bên chiếc giường con gái. Có thể nghe rõ tiếng tim đập thình thịch, hồi hộp của người trai nằm bên cạnh.

- Sao hôm nay anh mới đến?

Lanh lặp lại câu hỏi.

- Nghe mấy thằng trai bản nó đồn, em có con dao rựa dưới chiếu, sẵn sàng chém người. Anh sợ!

Lanh cười rúc rích:

- Con dao không chém vào tình yêu đâu!

Lời nói của cô gái bỗng nhiên giải tỏa hết những lo lắng, nghi ngờ. Người trai nằm xích lại, ôm ghì lấy tấm thân con gái non tơ. Hai má Lanh nóng bừng, cánh tay muốn động cựa mà bị vòng tay bạn trai ôm chặt.

- Anh nói chuyện đi!

- Chuyện gì?

- Chuyện gia đình, chuyện học hành, chuyện tương lai!

- Mấy chuyện đó anh kể cho em nghe mãi rồi còn gì! Hôm nay đi ngủ thăm thôi!

Vòng tay bạn trai nới lỏng, nhưng bàn tay bắt đầu mò mẫm phía lườn ra sau lưng, rồi nhanh chóng luồn lên ngực Lanh.

- Không được!

Lanh kêu lên khe khẽ. Nhưng phía ấy hơi thở đang mạnh lên, dồn dập. Tấm thân con trai bất ngờ nằm sấp trên bụng Lanh. Cô đẩy bạn trai xuống, với tay lên đầu giường, rút ra con dao sắc. Ánh đèn phòng bật lên sáng trắng. Không phải bóng đèn quả nhót mà là cây đèn tuýp dài một mét hai. Lưỡi dao chém phập xuống thành giường, hai mắt Lanh sáng rực:

- Sao anh làm thế? Định cưỡng bức em à?

- Đừng làm thế Lanh ơi! Anh yêu em mà! Yêu em nên mới tìm đến ngủ thăm đây!

- Anh không biết ngủ thăm! Anh xấu lắm!

Lanh giật mạnh con dao. Bóng người bạn trai nhảy nhoàng xuống đất, lúng túng mở cửa rồi lao ra ngoài sân.

Con Lanh rủ thằng em trai buộc lại hàng rào gỗ quanh vườn giúp bố mẹ. Lũ dê hàng xóm cứ hở ra là nhảy vào vườn, gặp thứ gì ăn thứ nấy, làm mấy bụi chuối của bố chỉ còn xơ xác vài tàu lá. Chị Hoa gõ vào máng gỗ cạch cạch cạch, gọi mẹ con đàn lợn về ăn cám.

- Mai xuống trường rồi! Mày đi bằng cách nào? Còn tấm xí mền thêu dở, có mang đi không?

Chị lo lắng cho con gái, vì mai không phải là ngày xe khách chạy ra huyện. Họ chỉ chạy vào những ngày chẵn, mùng hai, mùng bốn, mùng sáu. Mai là mùng một, không có xe.

- Con đi nhờ xe máy anh bạn!

- Ai? Cái thằng suýt bị chém đêm trước á?

- Vâng!

Chị Hoa ngạc nhiên. Nó đuổi chém con người ta tí chết, giờ sao lại ngồi nhờ xe ra trường? Bọn trẻ bây giờ khó hiểu thật.

- Mày đuổi nó, giờ nó có cho ngồi nhờ xe không?

- Có mà! Con giận thì dọa chém thôi! Cho nó biết thế nào là ngủ thăm. Mai kia có lên ngủ lại thì làm khác đi.

Chị Hoa không biết một bí mật, là con Lanh không xin nghỉ học nữa. Nó nghe lời khuyên của anh bạn trung cấp nông nghiệp, rằng phải học cao lên, càng cao càng tốt. Con gái Dao có học lên trung cấp, đại học thì dân bản được nhờ, bố mẹ được nhờ. Chứ học dở dang, về lấy chồng đẻ con, tiếc lắm.

Con Lanh gấp chiếc khăn xí mền thêu dở vào ba lô. Xuống trường nó sẽ tranh thủ thêu nốt. Kì nghỉ hè này về bản, nếu có người trai thân thiết nào tới ngủ thăm, nó sẽ tặng chiếc xí mền ấy.

(Các truyện đã in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội)