(Thứ sáu, 19/02/2016, 09:10 GMT+7)

Hành trình xây lăng mộ Phùng Quán –Bội Trâmcó nhiều chuyện cảm động lắm. Nghèo như Phùng Quán mà có ngôi mộ vợ chồng sang trọng, đàng hoàng, quả là chuyện hiếm bây giờ. Có lẽ cuộc đời Phùng Quán trải quá nhiều tai ương, đau khổ, nhưng anh vẫn  giữ vững bản lĩnh một nhà văn Vệ Quốc Đoàn nên Trời thương chăng ?. Hay tác phẩm và tài năng, khí phách của Phùng Quán xứng đáng được đền bù như thế ?  Anh Ngay thẳng tột cùng/ sự ngay thẳng thuỷ chung/ của mỗi dòng chữ viết”. Anh đã để lạihàng chục tác phẩm được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ, trong đó những bài thơ Lời mẹ dặn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội,cuốntạp văn  Ba phút sự thật… là những tác phẩm để đời. Năm 1955, lúc 25 tuổi, Phùng Quán đã được tặng Giải thưởng Văn học đầu tiên của Cách mạng : Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu với tiểu thuyết Vượt Côn Đảo . Năm 2007, anh được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.  Bài thơLời mẹ dặn được độc giả bình chọn trong là một trong 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX. Chỉ chừng ấy thôi, Phùng Quán xứng đáng được tôn vinh suốt đời, xứng đáng có một  nơi an nghỉ vĩnh hằng sang trọng như vậy.

          Phùng Quán trốn mẹ đi theo Vệ Quốc đoàn năm 14 tuổi, cho đến nay anh đã xa quê tới 66 năm. Sinh thời anh luôn khao khát được trở về quê hương . Mỗi lần vô thăm quê, anh thường bảo với tôi : ‘Mình muốn có một chiếc đò nhỏ để trong những ngày cuối đời , được đêm ngày câu cá uống rượu đọc thơ  với bạn bè dọc Sông Hương . Được như thế thật không gì sướng bằng ‘. Nhưng ước nguyện của anh  đã không thành. Sinh thời, khi về quê xây mộ ba mẹ ( là ông Phùng Nguyện và bà Tôn Nữ Thị Tứ ) ở trên vùng đồi ở phía Tây Thuỷ Dương, nhà thơ đã tự đắp cho mình cái mộ gió cạnh mộ ba mẹ . Anh bảo với Phùng Quý Giáp, người em họ ( tuổi Kỷ Sửu, đã mất năm 2012) rằng : Đây là chỗ mình nằm ! Cái mộ gió ấy đến nay vẫn còn. Những ngày cuối đời, nhà thơ cũng bày tỏ nguyện vọng được cùng vợ về nằm  giữa lòng đất mẹ Thủy Dương.  Sau khi bà Vũ Thị Bội Trâm, người  vợ sắt son chung thuỷ của  nhà thơ Phùng Quán tạ thế (15-8-2010), nguyện vọng ’về quê mẹ’ của nhà thơ mới được con gái Phùng Đỗ Quyên thực hiện rất sốt sắng. Bình tro hài cốt chị Vũ Bội Trâm gửi ở Đài Hoàn Vũ, Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội, chờ ngày cùng về quê với chồng.

           Chúng tôi cùng cháu Phùng Đỗ Quyên thực hiện nhiều bước để đưa bố mẹ về quê nội. Đầu tiên là xin ý kiến  và được hai họ, nhất là họ Vũ ở Hà Nội nhất trí. Vì bỗng nhiên có một người con  của họ Vũ suốt đời sống ở Hà Nội, đến khi nằm xuống lại xa quê vời vợi nghìn trùng như thế là không đành. Nhưng rồi bà con họ Vũ đã đồng ý . Thuyền theo lái, gái theo chồng.  Mừng lắm. .Tôi bàn với  nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, bác sĩ Dương  Đình Châu, một đệ tử ruột từ mấy chục năm nay của  các sư thầy và các Chùa Huế , kiếm một  miếng đất ở chùa để xây dựng phần mộ chung Phùng Quán-Bội Trâm.  Đất thì anh Dương Đình Châu có thể xin ở các chùa Huế , vì các thầy vốn từ bi. Phùng Quán lại là nhà thơ danh tiếng , nên các chùa sẽ mở rộng vòng tay. Nhưng anh Châu đã cẩn thận về Thủy Dương tìm hiểu ý kiến Gia tộc Họ Phùng . Họ Phùng bảo mộ vợ chồng  nhà thơ Phùng Quán- Bội Trâm phải nằm  trên đất Thuỷ Dương. 

          Tiếp theo, ngày 11/9/2010, họ Phùng  Thuỷ Dương cùng đã tổ chức Lễ cầu  siêu và An vị hương linh vợ chồng Phùng Quán – Bội Trâm tại  nhà thờ gia đình. Có ‘ nhập hộ khẩu ‘ về quê như thế mới có lăng mộ ở quê một cách chính danh, không sẽ  như người ngụ cư . Trong Lễ an vị hương linh đó, tôi đã xin phép ông Phùng Hai, Trưởng họ Phùng cho anh em văn nghệ sĩ được góp một phần kinh phí xây lặng mộ Phùng Quán- Bội Trâm trên đất mẹ. Ông trưởng họ Phùng đã hoan nghênh ý kiến của tôi. Ông bảo :” Ồ, Phùng Quán là của họ Phùng, của Thủy Dương, nhưng Phùng Quán cũng của Huế, của Việt Nam”. Nhưng muốn góp phải có ít nhất vài ba chục triệu. Tôi làm gì có tiền. Nhưng tôi nghĩ ngay đến việc kếu gọi tấm lòng bạn hữu qua mạng Internet. Trong thâm tâm tôi, việc kêu gọi “Góp cát đá xây lặng mộ nhà thơ Phùng Quán’ có  hai mục đích : Một là một lần nữa tôn vinh nhà văn đã có những tuyên ngôn nổi tiếng :”Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác”, hay Yêu ai cứ bảo  rằng yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai cầm dao dọa  giết / Cũng không nói ghét thành yêu... Thứ hai mới đến việc có thêm ít kinh phí để  góp với cháu Quyên, họ Phùng xây lăng mộ nhà thơ cho đàng hoàng, để hương hồn anh  chị được siêu thoát.

          Trong  đợt “góp cát đá” này, điều làm tôi vô cùng cảm kích là  Phùng Quán , sau 15 năm rời cõi tạm, vẫn sống mãnh liệt trong lòng bạn đọc người Việt từ khắp nơi trên thế giới ! Danh sách góp cát đá dừng lại con số 173, nhưng thực ra có  gần 400 người đóng góp, vì  nhiều nơi hàng chục người góp rồi cử một người đi gửi tiền.  Đầu bảng là nhà thơ Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt, cuối bảng là nhà thơ Du Tử Lê ở Mỹ. Để mọi người  tin tưởng, yên tâm, tôi thông báo tên người góp, số tiền góp từng tuần trên các mạngquechoa.vn của Nguyễn Quang Lập, mạng blog của tôi. Sự minh bạch, công khai là yêu cầu đầu tiên của việc “góp cát đá” . Nhờ đó, số “cát đá” góp được 223 triệu đồng, gấp chục  lần ao ước của tôi. Thế là một ý tưởng xây lăng mộ Phùng Quán- Bội Trâm thật đàng hoàng, sang trọng hình thành  trong tôi.

           Người “góp cát đá“ xây lăng mộ Phùng Quán có mặt ở nhiều nước như Việt Nam, Pháp, Đức, Mỹ, Úc, Canada ,Thụy Sĩ,  Ba Lan.v.v.. với đủ loại tiền như như đô-la Mỹ, đô la Úc, đô-la Canada, euro, Frans Thụy Sĩ… Tôi  tốt nghiệp Đại học Thương Mại Hà Nội mà cả đời  không biết đến ngân hàng là gì, tài khoản là gì, chỉ ham thơ phú. Nhờ có đợt “góp cát đá” mà  tôi phải mở tài khoản tại ngân hàng để bạn bè bốn phương có chỗ chuyển tiến về . Nhờ thế mà tôi thuộc lòng số tài khoản của mình dài tới 12 con số. Chưa bao giờ tôi “nhiều tiền” đến thế !  Mấy tháng qua, tôi đã cầm nhiều loại tiền, thành thạo thủ tục gửi tiền và nhận tiền qua dịch vụ Western Union quốc tế…

 

           Xin kể vài chuyện cảm động  trong đợt góp cát đá để bạn đọc hiểu thêm cái “thương hiệu Phùng Quán” trong lòng độc giả như thế nào. Nhà thơ Võ Quê ở Huế , vợ là  chị Tiểu Kiều, đau thận phải chạy thận nhân tạo rất tốn kém suốt  năm trời ( chị Tiểu Kiều đã qua đời hôm 6/12/2010 ), thế mà anh cũng  góp tiền xây lăng Phùng Quán. Thật cảm động. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nằm một chỗ, bảo tôi :” Cho mình góp cát đá xây lăng mộ Phùng Quán với “. Tôi bảo Lâm Mỹ Dạ đã góp rồi. Thế mà từ đó mỗi lần tôi đến nhà chơi, anh đều hỏi :” Góp cát đá đến mô rồi ?”. Ở Huế có anh Hoàng Trọng Định ( đã mất cuối năm 2010) , một người làm thơ, bị bọn xấu tạt a-xít đến cong queo tay chân, hàng ngày người nhà phải nuôi, thế mà Định vẫn tìm đến góp “cho bác Quán” 50 ngàn đồng. Tôi cầm đồng tiền mà ứa nước mắt. Nhà thơ Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt là người gửi tiền về sớm nhất. Ngày 1/10 kêu gọi, thì ngày 5/10 anh đã chuyển tiền về.  Nhà văn Cao Duy Thảo ở Nha Trang, lương hưu ba cọc ba đồng vẫn trích  một phần ba lương tháng  10 để góp cát đá . Có đến hai người phụ nữ Huế ở Mỹ nhờ người thân ở Huế tìm đến nhà tôi gửi mỗi người 2 triệu đồng để tỏ tấm lòng yêu quý nhà văn Phùng Quán, nhưng không cho nêu tên thật. Anh Tạ Duy Hinh, chỉ mấy ngày đầu tháng 10 đã hô hào bạn bè góp được 15 triệu, ngày 7/10/2010 đã gửi tiền vào tài khoản. Tôi không biết anh ấy ở Hà Nội hay Sài Gòn, thậm chí anh chẳng điện thoại bao giờ. Chị Khánh Trâm ở Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh gửi tiền  vào tài khoản, nhưng tôi tìm không ra tên. Chị phải gửi cả bản phô tô phiếu gửi tiền ra cho Ngô Minh để đi tra cứu. Thế mà hai  tuần sau chị lại gửi tiền góp cát đá một lần nữa. Chị điện cho tôi : ” Đây là tiền  góp của anh Trần Hải, chồng em!”.  Sau này tìm hiểu tôi mới biết chị là con gái của tướng Trần Độ, một nhà văn hóa lớn của nước ta. Vợ chồng anh Tôn Gia Khai- chị Minh , chỗ quen biết của vợ  tôi  ở Ba Lan đọc blog Ngô Minh biết có cuộc góp cát đá, cũng nhiệt tình điện đi điện lại mới biết được địa chỉ để gửi tiền qua  dịch vụ Western Union . Cô gái trẻ Lê Xuân Quỳnh ở Hà Nội , một người yêu thơ, sưu tập nhiều thơ hay, thơ thiền, đã rất sốt sắng với việc góp cát đá. Sốt  sắng đến nỗi  bận đi công tác ở Quảng Ninh cũng ra phố Hạ Long tìm ngân hàng để gửi tiền. Có cô giáo trẻ ở  Quảng Trị có cái tên rất đẹp, gửi thư thường  cho tôi, trong thư cả gan bỏ  một triệu đồng bọc trong tờ giấy trắng ghi mấy chữ: ” Đề nghị chú Ngô Minh  lên danh sách thì  ghi ‘ Cô giáo Quảng Trị mến mộ Phùng Quán‘, đừng ghi tên thật của cháu” …   Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã góp chung với Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam rồi, còn  góp riêng 5 triệu đồng nữa. Anh bảo: ” Với Phùng Quán, bao nhiêu cũng không đủ”.  Người góp  số tiền cao nhất là anh Lê Văn Hải, người Quảng Trị, sống ở Sài Gòn. Đây là người vô cùng yêu mến và kính trọng nhà thơ Phùng Quán . Năm 1992, hồi Lê Văn Hải làm ở Công ty mì Vifon anh tuyên bố sẽ cung cấp mì ăn liền để Phùng Quán  ăn đến cuối đời.  Thế là cứ một tuần lại có anh  ở đại lý mì Vifon ở Hà Nội  chở một thùng mì ăn liền đến chòi ngắm sóng của Phùng Quán  bên Hồ Tây. Trong danh sách góp cát đá có nhiều người nổi tiếng như NSND-đạo diễn Đặng Nhật Minh, Đạo diễn điện ảnh Vinh Sơn, nhà thơ Bùi Minh Quốc, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khoa Điềm, Du Tử Lê…, tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Tấn,  Đào Mộng Long… Hoặc con của những người  nổi tiếng  như các con của cụ Tôn Quang Phiệt, con cụ Trần Duy Hưng, Trần Độ…Qua đợt “ góp cát đá”, tôi mới biết thế nào là sức mạnh của tình người, sức mạnh của Internet.

          Thợ đang xây mộ  

           Chỉ một tuần sau khi cháu Đỗ Quyên làm đơn xin cấp đất xây mộ bố mẹ, UNND phường Thuỷ Dương đã cấp đất an táng tại Khu nghĩa trang Ngoại Viên Hưng, ở vùng đồi Thuỷ Dương, cách trung tâm Huế đúng 6 cây số. Bác sĩ Phùng Phướn, anh Phùng Quý Giáp, Nguyễn Thanh Cường ( con  rể họ Phùng), cháu Đỗ Quyên và tôi đã  đến tận khu nghĩa trang Ngoại Viên Hưng để chọn đất. Đây là khu đất rất thơ mộng. nằm cạnh con đường nhựa từ Thuỷ Dương cắt QL1A lên đường tránh Huế ( sau này, từ cuối năm 2011, con đường này được mang tên Phùng Quán, đã có bảng tên đường sang trọng). Người viếng mộ Phùng Quán có thể đi ô tô đến tận nơi. Phía tây có núi, có đồi thông, có hồ nước xanh trong. Ông thầy coi  phong thổ, hướng mộ đi với chúng tôi bảo : ‘Theo thuật phong thuỷ  thì đây là nơi đại cát, người có nhân cách lớn mới được nằm ở đây’.

Mộ Phùng Quán- Bội Trâm khi xây xong

          Có đất rồi chúng tôi lại bàn xây khu mộ như thế nào. Kiến trúc sư Phùng Phu, em con chú ruột của Phùng Quán,  nhận phác thảo thiết kế. Ảnh bảo : ‘Khu mộ sẽ không xây trụ biểu , tường rào đồ sộ theo kiểu  ‘trọc phú ‘ ở các ‘ thành phố lăng’ đây đó, mà xây theo kiểu mở để thành một địa chỉ văn hóa‘…Kiến trức sư Nguyễn Quang Huy , con rể anh Phùng Phu trực tiếp vẽ lăng mộ . Nhà thơ Hải Trung cũng đã vẽ một bản phối cảnh Lăng mộ Phùng Quán rất chi tiết. Từ ý tưởng phác thảo của anh Phùng Phu và các bản vẽ của Hải Trung và Quang Huy, tôi đã tổng hợp lại thành toàn cảnh khu lăng mộ như hiện nay. Hướng mộ, và ngày giờ đã được chọn . Tôi và cháu Đỗ Quyên phải khởi hành một lúc nhiều mũi công việc để hoàn thành việc cải táng nhà thơ Phùng Quán về đất mẹ. Vừa chỉ huy xây mộ, vừa khắc đá, vừa  thuê xe chở  hài cốt từ Hà Nội vào, vừa lo đám tang tại mộ. Công việc diễn ra khẩn trương trong  mười ngày , từ cuối tháng Mười một đến đầu tháng Chạp năm Canh Dần. Khẩn trương vì ngày 21 tháng Chạp là ngày giỗ Phùng Quán rồi. Có kịp để  làm giỗ tại mộ không ?


Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, nhà thơ Phạm Nguyên Tường đọc điếu văn tại Lễ tang Phùng Quán – Bội Trâm

        Đầu tháng 1 năm 2011, cơ bản lăng mộ đã được xây dựng xong . Trong khu lăng có khắc phần cuối bài thơ Lời Mẹ dặn, bút tích  bài thơ  Thơ đề trên thơ : Có những  phút ngã lòng. Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy của Phùng Quán, câu đối chữ Hán của hàn sĩ Hà Sĩ Phu viếng Phùng Quán khi nhà thơ qua đời rất hay, rất sâu sắc:

                               Nhất Quán tận can trường

                               Trung Phùng lưu cốt cách

             Có bàn ghế để anh em ngồi cùng nâng chén với hương hồn thi sĩ .v.v.. Cây xương rồng rất quý  trồng trước mộ là bác sĩ Nguyễn Tích Ý ở làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu chở về biếu. Nhà văn Hà Khánh Linh đã đóng góp hai chậu hao mẫu đơn để trong ở chân mộ. Đây sẽ là một địa chỉ văn hoá tâm linh để những người nguõng mộ Phùng Quán trong và ngoài nước đến Huế ghé về viếng thăm, chia sẻ.

Trao Giải thưởng khuyến tài của Quỹ Phùng Quán

            Lăng mộ nhà thơ Phùng Quán và bà Vũ Bội Trâm ở vị trí rất thơ mộng. Đầu gối  núi, chân  đạp hồ, mắt nhìn ra rừng thông, núi  thẳm.  Người viếng mộ Phùng Quán có thể đi ô tô đến tận nơi. Chúng tôi đã xây 17 bậc tam cấp để  các nhà văn già cũng có thể  lên viếng Phùng Quán được. Chúng tôi còn có tấm biển chỉ đường ở chỗ rẽ QL1A : Mộ nhà văn Phùng Quán- 3km  để hướng dẫn người thăm, như là thăm di tích ! Chứng cớ là  bác Vĩnh Mẫn , 80 tuổi, bạn trinh sát Trung đoàn Trần Cao Vân 101 với Phùng Quán từ năm 1946, giữa mưa rét cũng đã tìm được đến  viếng mộ. Cứ đến  ngày Nguyên Tiêu hàng năm, các văn nghệ sĩ Huế đều tổ chức ‘ngày viếng mộ thi nhân’. Khu lăng mộ Phùng Quán- Bội Trâm đã được viếng hai kỳ Nguyên Tiêu. Kỳ Nguyễn Tiêu năm 2012, cùng với viếng mộ, tôi đã tổ chức trao Giải thưởng khuyến tài của Quỹ Phùng Quán ngay tại mộ cho nhà văn Tô Nhận Vỹ với tuyết thuyết Vùng sâu và nhà văn Nhất Lâm với tiểu thuyết Xa Hà Nội trước sự chứng kiến của nhiều nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà.v.v..Việc trao giải thưởng  Quỹ Phùng Quán ngay tại mộ là việc làm chưa từng có, gây xúc động sâu sắc  đối với mọi người, đã được nhiều báo chí đưa tin.

             Bây giờ thì mộ hai vợ chồng nhà thơ đã thỏa nguyện nằm bên nhau đời đời trên đất mẹ Thủy Dương. Viết đến đây tôi bỗng nhớ trong tiểu thuyếtTuổi thơ dữ dội của Phùng Quánđoạn kết thúc, chú bé chiến sĩ thiếu nhitrinh sát Trung đoàn Trần Cao Vân tên là Mừng vĩnh biệt người mẹ ( tổ trưởng  dân công anh hùng) hấp hối:” Mừng nhào xuống dáy huyệt, ôm chặt xác mẹ, nức nở kêu gào :” Con không phải là Việt gian. Con là Vệ Quốc Đoàn mạ ơi!”. Anh Phùng Quán ơi, trong lòng người  đọc Việt Nam anh  mãi mãi là một nhà văn cách  mạng, một chân dung  cốt cách nghĩa khí  một chiến sĩ Vệ Quốc đoàn cương  thực, quyết liệt , một thi sĩ tài hoa ngất ngưỡng và một nhân cách cao cả .

Tác giả bài viết: Ngô Minh