Từ trong sâu thẳm của đại ngàn Trường Sơn, người dân Trường Sơn đã hòa vào dòng thời đại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng cả nước làm cuộc trường chinh kéo dài suốt hàng chục năm. Và trong cuộc trường chinh vĩ đại ấy, không thể không nhắc đến một kỳ tích lịch sử của cả dân tộc Việt Nam: “Huyền thoại Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh”.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng: Làm nên “huyền thoại” ấy là những con người thật - những cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 với trọng trách mở đường Trường Sơn và sự đùm bọc của bà con các dân tộc trên dãy Trường Sơn (kể cả bà con người Lào, người Cam-pu-chia nơi con đường đi qua) - những con người thật ấy bằng tinh thần yêu nước, bằng ý chí vượt qua bom đạn và lòng quả cảm vô song: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai - Đấy là vũ khí chỉ chúng ta mới có. Trên những con đường ngang dọc khắp dãy Trường Sơn, trong những cánh rừng bạt ngàn của Trường Sơn, có một “mặt trận” đã và luôn đồng hành cùng các chiến sĩ Trường Sơn. Đó là “Mặt trận văn hóa - văn nghệ”. Lại một “điều thần kỳ” nữa, qua 16 năm “Mở đường mà tiến. Đánh địch mà đi” hay “Sống bám xe, bám đường. Chết kiên cường dũng cảm” cuộc sống lao động và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Đường Trường Sơn được khắc họa, được nhân rộng qua những tác phẩm văn học.
Tiếp nối mạch nguồn văn học dân gian của các dân tộc trên dãy Trường Sơn. Tiếp nối mạch nguồn của văn học cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và được sự cổ vũ của dòng văn học cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên những cung đường Trường Sơn hay trên những dòng sông Trường Sơn. Trong những cuộc “phát núi, mở đường” hay chính ngay trên miệng hố bom giặc Mỹ, văn học trên đường Trường Sơn nở rộ như hoa pơ-lang, tung cánh bay xa như đàn phí. Có thể nói, những bài thơ ra đời trên Đường Trường Sơn hay những trang văn được viết dưới những cánh rừng Trường Sơn đã kịp thời động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong trên tuyến đường. Một lớp những người sáng tác văn học nghệ thuật được hình thành khi chính họ vừa là người san lấp hố bom, vừa là người viết. Lớp nhà văn chiến sĩ Trường Sơn ra đời và nhanh chóng hòa mình vào cuộc chiến đấu riêng có của Trường Sơn “Thầm lặng mở đường đưa hàng ra tiền tuyến”. Họ vốn không được đào tạo để trở thành người cầm bút chuyên nghiệp, họ vốn vào chiến trường là để cầm súng nhưng chính sự thôi thúc của tuyến đường mà họ cầm xẻng, cầm cuốc, cầm vô lăng, cầm kim tiêm hay những thứ không hề là vũ khí để chống lại đạn bom giặc Mỹ. Từ nhiệt huyết của tuổi trẻ, từ sự khâm phục đồng chí, đồng đội mình, từ tình yêu và trách nhiệm của người lính, họ đã cầm thêm cây bút để làm chứng nhân ghi lại cuộc sống chiến đấu hào hùng trên đường Trường Sơn.
Ảnh: Du Miên
Trong số rất nhiều những người cầm bút trên tuyến đường Trường Sơn ngày ấy, Phạm Tiến Duật nổi lên và thực sự đóng vai trò “người lĩnh xướng” trong dàn đồng ca văn học nghệ thuật Trường Sơn. Chân thành và chi tiết, thơ Phạm Tiến Duật không chỉ phản ánh kịp thời những gì đang diễn ra nơi “tuyến lửa”, với tâm hồn của một người lính, ông đã đi đầu trong việc “làm thơ cho lính đọc”, đúng như nhà văn Đỗ Chu đã nói về ông: “Phạm Tiến Duật đúng là một người đời cõng lửa”, đấy là ngọn lửa ấm của tình yêu cuộc sống, của thi ca sưởi ấm lòng người”.
Với vai trò là “người lĩnh xướng”, thơ Phạm Tiến Duật đã lan tỏa, nó không chỉ được những người lính Trường Sơn đón nhận mà nó còn được những người không phải là lính Trường Sơn đón chờ. Với các bài thơ như: “Tiếng cười của đồng chí coi kho” (1968), “Gửi em cô thanh niên xung phong” (1968) hay “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (1969) và tiêu biểu là “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” cùng rất nhiều bài thơ Trường Sơn khác.
Trong những tác giả sáng tác “tại trận” có Nguyễn Minh Châu với “Dấu chân người lính”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu vào Trường Sơn từ rất sớm và có những sáng tác cũng rất sớm về Trường Sơn, thậm chí chỉ bằng truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” cũng đủ thấy tài năng và tâm huyết của ông với con đường huyền thoại. Rồi sau đó là những tác phẩm khác như: “Những người đi từ trong rừng ra” hay “Những cánh rừng đầy giấy bay” viết về những con người trên dãy Trường Sơn chống Mỹ làm người đọc thêm ngưỡng vọng về họ. Là “người mở rừng” Lê Lựu - một nhà văn chính hiệu Trường Sơn viết trực diện về những người lính mở đường Trường Sơn qua tiểu thuyết “Mở rừng” ăm ắp không khí Trường Sơn. Và đó là: Trần Nhương, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Phạm Hoa, Nguyễn Duy, Nguyễn Thụy Kha, Quang Chuyền, Trọng Khoát... những tác giả là “tân binh” và học “đại học” ở Trường Sơn rồi thấm đẫm thực tế chiến đấu, thực tế mở đường mà viết lên thành văn. Còn có những tác giả vào Trường Sơn “tham chiến”, họ đã cho ra đời nhiều tác phẩm về Trường Sơn như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Khải, Xuân Sách, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú... và cả nhà thơ lớn Tố Hữu nữa. Các sáng tác của họ làm phong phú đời sống văn học Trường Sơn. Những câu thơ như: “Gặp em trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ - Chào em, em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” (Lá đỏ, Nguyễn Đình Thi) cho chúng ta tin về một ngày toàn thắng của dân tộc. Không thể thống kê về đội ngũ những người cầm bút chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có mặt trên Đường Trường Sơn hay không thể kể hết được về những tác phẩm văn học đã viết ở Trường Sơn và viết về Trường Sơn nhưng một dòng văn học Trường Sơn là có thực và bây giờ sau 55 năm ngày con đường huyền thoại ra đời, rất cần có sự tổng kết cho dòng văn học đặc biệt này. Đó là một dòng văn học với địa văn học là dãy Trường Sơn hùng vĩ gắn liền với kỳ tích thế kỷ 20 của dân tộc, trong thời đại Hồ Chí Minh. Dòng văn học ấy góp phần hình thành nên ý chí vô song đối chọi với sức mạnh của đạn bom quân thù xâm lược. Đó là một dòng văn học vì con đường huyền thoại Hồ Chí Minh - Trường Sơn chỉ có ở dân tộc Việt Nam, chỉ có ở đất nước Việt Nam.
Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG VĂN